Truyện cổ tích - Tiếng Đàn Thạch Sanh

Thảo luận trong 'Thiếu Nhi' bắt đầu bởi Truyện Thiếu Nhi, 23 Tháng ba 2018.

  1. Truyện Thiếu Nhi The Very Important Personal

    Bài viết:
    331
    Tiếng Đàn Thạch Sanh

    Thôn làng Việt Nam nay còn nguyên vẹn miếu thờ thơm hương, dưới gốc đa cổ thụ. Gió mưa rì rào trên cành đa, da diết thả tiếng đàn Thạch Sanh:

    Đàn kêu tích tịch tình tang

    Ai mang công chúa dưới hang trở về


    [​IMG]

    Tiếng đàn réo rắt âm thầm xiết vào lòng người tình thương yêu xa xót chàng Thạch Sanh. Và nỗi uất hận điệp trùng câm lặng với tên hàng rượu Lý Thông.

    Thạch Sanh sinh ra từ lòng mẹ, tình cha khó nghèo, nhưng tốt bụng. Cha mẹ sớm qua đời. Chàng bơ vơ tựa góc lều dưới gốc đa già đầu xóm.

    Thạch Sanh cầm lưỡi búa cha để lại, lên rừng đốn củi nuôi thân.

    Trong làng có gã Lý Thông quỷ quyệt, biết Thạch Sanh khỏe mạnh, hiền lành, dễ sai khiến, nên lân la gạ gẫm, vờ kết nghĩa anh em. Thạch Sanh dễ tin, ngây thơ, thấy kẻ giàu săn sóc mình thì cảm động, theo về nhà Lý Thông ở cùng. Thạch Sanh làm hùng hục, cất rượu cho nhà Lý Thông bán. Hắn trở nên giàu. Càng giàu càng gian manh, trắng trợn mọc nanh vuốt, nuốt chửng dân nghèo một cách ghê tởm.

    Trong vùng lại có một con trăn tinh, biến hóa khôn lường, bắt người ăn thịt. Quan quân nhiều lần bổ vây, diệt trừ, nhưng không làm gì được nó. Dân đành phải lập cho nó một cái miếu. Mỗi năm dâng nó một mạng người.

    Năm ấy, đến lượt Lý Thông nộp mình. Mẹ con Lý Thông khiếp đảm, kinh hồn. Bà mẹ nào đủ can đảm dâng con cho thú dữ ăn thịt? Nhưng lệ làng nó thế. Quỷ ác vẫy vùng. Không còn đường thoát. Tình cảnh thật thê thảm. Dân cam chịu. Năm mỗi năm, dâng con cho thú ăn thịt. Chẳng dám kêu nửa lời.

    Riêng mẹ con Lý Thông ma quái, lập mưu, tìm cách thoát thân.

    Lý Thông nghĩ đến Thạch Sanh:

    Hắn không cha, không mẹ, không ai thân thích, lại vừa mới đến, lạ nước lạ cái, chắc là việc sẽ trót lọt.

    Chiều tối, Lý Thông dọn mâm rượu thịt ê hề mời Thạch Sanh ăn, rồi bảo:

    Đêm nay đến lượt anh canh miếu thờ, em chịu khó đi thay anh, sáng mai lại về.

    Thạch Sanh tin ngay. Đi ngay.

    Nửa đêm trong miếu, trăn tinh hiện ra nhe nanh nhọn, vồ Thạch Sanh. Chàng dũng mãnh chặt đầu quái vật và nhặt bộ cung tên bằng vàng của nó xách về.

    Canh ba. Mẹ con Lý Thông đang ngủ, bỗng nghe tiếng Thạch Sanh gọi cửa, ngỡ oan hồn chàng về báo oán, run rẩy cúi đầu lạy van.

    Thạch Sanh vào nhà, kể chuyện giết trăn tinh. Mẹ con Lý Thông hoàn hồn. Hắn lại nảy mưu:

    Con trăn ấy của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, sẽ bị tội chết. Em trốn ngay đi. Mọi chuyện anh lo liệu.

    Thạch Sanh tin ngay. Chàng vội cảm ơn hai mẹ con Lý Thông và trở về gốc đa xưa.

    Lý Thông lập tức đem thủ cấp yêu quái tâu vua. Vua khen hắn anh hùng, phong đô đốc.

    Công chúa con vua đến tuổi lấy chồng. Nàng chọn rất nhiều mà chưa gặp ai xứng đáng. Vua mở hội ném quả cầu duyên. Quả cầu trúng vào người nào thì lấy người ấy. Khi nàng sắp sửa ném quả cầu, Đại bàng bay qua, sà xuống cắp nàng về hang.

    Thạch Sanh đang ngồi dưới gốc đa, nhìn thấy Đại bàng cắp công chúa, chàng giơ cung bắn. Mũi tên trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm đến hang Đại bàng.

    Vua mất con, đau đớn sai đô đốc Lý Thông đi tìm nàng. Lý Thông nghĩ đến Thạch Sanh. Hắn dò tin Thạch Sanh. Ngày thứ mưởi thì gặp. Hắn nói việc tìm công chúa. Thạch Sanh thật thà kể chuyện bắn Đại bàng. Lý Thông nhờ chàng dẫn quân sĩ đến hang.

    Cửa hang tối om, thăm thẳm. Không một ai dám xuống. Thạch Sanh buộc dây ở lưng, dòng xuống hang, tìm công chúa.

    Đại bàng bị thương nằm liệt, bắt công chúa phục dịch. Thạch Sanh ra hiệu cứu nàng. Công chúa cảm phục, yêu thương chàng trai liều chết cứu mình.

    Chàng buộc nàng vào dây, ra hiệu Lý Thông kéo lên. Công chúa ra khỏi hang, cửa hang bị lấp. Thạch Sanh đập phá tìm lối thoát.

    Đại bàng tỉnh dậy, đánh nhau với Thạch Sanh. Chàng giết Đại bàng, giải thoát Thái tử con vua Thủy Tề bị giam trong cũi sắt.

    Thạch Sanh được đón xuống Thủy cung bằng phép lạ. Vua Thủy Tề tặng chàng nhiều vàng bạc. Chàng chỉ nhận một cây đàn và trở về gốc đa xưa, sống cuộc đời khốn khổ. Nhưng chúng không để chàng yên.

    Thạch Sanh bị vu vạ. Chúng trộm tài sản triều đình vứt vào gốc đa, bắt Thạch Sanh hạ ngục.

    Công chúa được Lý Thông đưa về cung, tự nhiên hóa câm. Mặt hoa rầu rĩ. Suốt ngày đêm không nói, không cười. Vua đành hoãn cưới Lý Thông cho nàng, sai Lý Thông lập đàn cầu nguyện nàng khỏi bệnh. Lý Thông mời các pháp sư pháp thuật cao cường cầu cúng mãi vẫn không ăn thua.

    Giữa lúc đó, vua giao Thạch Sanh cho Lý Thông xét xử. Hắn không ngờ, Thạch Sanh vẫn sống. Hắn nghĩ:

    "Nếu để nó sống, nó sẽ tố cáo ta."

    Lý Thông khép Thạch Sanh vào tội chết.

    Trong ngục sâu tăm tối, Thạch Sanh buồn. Chẳng hiểu vì sao tôi buồn? Chàng mang đàn ra gẩy. Tiếng đàn Thạch Sanh bay lên từ địa ngục. Tiếng đàn nỉ non, khắc khoải:

    Đàn kêu tích tịch tình tang

    Đàn rung tiếng ngọc lời vàng trái tim

    Đàn kêu gió nổi mưa ngàn

    Cung trầm cung bổng dối gian kiếp người

    Đàn kêu ân oán thở than

    Trách ai vô cảm vô tâm vô tình

    Đàn kêu hờ hững cô liêu

    Đàn kêu tù ngục liêu xiêu cung đàn

    Đàn kêu nước mắt chứa chan

    Trăm năm vang tiếng đàn tôi âm thầm


    Tiếng đàn Thạch Sanh thoát khỏi nhà ngục. Tiếng đàn truyền không gian. Rất xa. Rất xa. Tiếng đàn bay lên rừng núi, hang sâu, đồng lúa, gốc đa già, ngôi miếu cổ. Tiếng đàn nức nở chuyển rung những trái tim. Tiếng đàn len lỏi vào cung vua, phủ chúa.

    Công chúa câm đang ngồi trên lầu vắng. Lạnh lẽo. Cô đơn. Bỗng nghe tiếng đàn. Trái tim nàng rung từng nhịp theo tiếng đàn rơi. Nàng bỗng bật ra tiếng nói. Nàng cười. Tiếng cười trong trẻo như sương mai đậu trên đóa hồng. Nàng khóc. Những giọt nước mắt ngọc ngà của tình yêu. Nàng nói với vua cha, tiếng nói thanh cao ấp áp tình người:

    Con xin phép vua cha cho gọi người gẩy đàn vào cung.

    Vua cha mừng vui cho mở cửa ngục, đưa Thạch Sanh vào gặp công chúa.

    Công chúa chạy đến ôm Thạch Sanh và cây đàn. Nước mắt chứa chan. Thạch Sanh gẩy đàn trước nàng và vua quan hoàng cung. Tiếng đàn bập bùng rung muôn cung bậc chuyện đời. Từ cậu bé mồ côi, khỏe mạnh, thông thái, thơ ngây, trong sạch, bị lừa đảo, bị cướp công, bị vu vạ, bị dồn ép, đọa đày, tù ngục.. trở thành chủ nhân của cây đàn vang muôn điệu, thức tỉnh nhân gian.

    Vua biết ơn người cứu con mình, nhận ra đây là chàng rể quý. Lễ cưới của Thạch Sanh và công chúa bừng sáng kinh kỳ.

    Thấy vậy, bọn hoàng tử các nước láng giềng vô cùng tức giận. Họ hội họp binh lính mười tám nước, sang hỏi tội vua tại sao đem gả công chúa cành vàng lá ngọc cho một đứa mồ côi nghèo đói.

    Thạch Sanh bình tĩnh mang đàn ra gẩy. Tiếng đàn thánh thót vang lên:

    Đàn vang chuyển động giang san

    Tình tang tích tịch, tình say lòng người

    Chiến tranh nào có hay gì

    Gió cuộn bên này, sóng lay bên kia

    Người vật xô nhau vào vòng xoáy

    Rừng bốc cháy, cánh đồng tro lạnh

    Trầu cau rụng chân trời lửa đỏ

    Linh hồn chết bơ vơ trơ trọi

    Người sống sót vật vờ lơ phơ

    Đàn rung thao thiết đợi chờ nghĩa nhân


    Nghe tiếng đàn Thạch Sanh thức ngộ. Tự nhiên quân lính rã rời, rơi vũ khí. Bọn hoàng tử sợ chết hơn ai hết. Chúng được ngồi mát ăn bát vàng. Chúng đang chầu chực cướp quyền lực cai trị dân. Chúng sợ chết là phải. Chúng từ từ cởi giáp hàng. Thạch Sanh sai dọn cơm cho họ ăn rồi cuốn nhau về nước. Niêu cơm Thạch Sanh quá nhỏ, họ bĩu môi không thèm. Thạch Sanh thách họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng.

    Quả nhiên, họ ăn mãi, ăn mãi, niêu cơm vơi lại đầy. Họ hiểu ra rằng đất nước của Thạch Sanh tuy nhỏ mà đầy sức mạnh. Niêu cơm Thạch Sanh do dân tiếp tế. Là sức mạnh lòng dân, vô bờ bến, diệt mọi kẻ thù. Họ chẳng dám giở trò đánh nhau.

    Vua thấy Thạch Sanh giải quyết việc quốc gia đại sự nhẹ như tiếng đàn, thơm như hương gạo lúa quê thì vô cùng cảm phục. Tiếng đàn Thạch Sanh, niêu cơm Thạch Sanh tránh được chiến tranh máu đổ tương tàn. Thật là thông thái, khôn ngoan. Thật là nhân nghĩa. Biết thương xót giống nòi. Biết trân trọng sinh mạng con người và núi sông, vạn vật.

    Vua trân trọng nhường ngôi vua cho Thạch Sanh, vì lợi ích trường tồn của sơn hà xã tắc.

    Truyện cổ tích Việt Nam là như vậy. Hãy đọc và khám phá những bài học xương máu, khôn ngoan dạy làm người lương thiện, dạy kế sách giữ nhà, giữ nước, tránh chiến tranh, được Tổ Tiên ta gói vào cổ tích, huyền thoại, truyền muôn đời con cháu.

    Người kể chuyện Tiếng Đàn Thạch Sanh không nhai nhàm chuyện cũ. Tôi kể lại bằng tư duy khám phá, dẫn người đọc cùng suy ngẫm và ứng dụng vào cuộc sống của mình.

    Hồ Gươm Xuân Giáp Ngọ 2014

    Tác giả: Mai Thục
     
    AdminSói thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng sáu 2020
  2. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Đàn kêu tích tịch tình tang

    Ai mang công chúa dưới hang mà về

    Đàn kêu hỡi Lý Thông mày,

    Đã mang bất nghĩa lại tày vong ân.

    Đàn kêu ăn ở bất nhân,

    Đã ăn quả lại quên ân người trồng.

    Đàn kêu non nỉ trong lòng,

    Tiếng ti tiếng trúc cũng đều như ru.

    Đàn kêu trách Hán quên Hồ,

    Trách Tần quên Sở trách Ngô quên Tề.

    Đàn kêu vọng đến cung thê,

    Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa!
     
  3. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Đàn kêu tích tịch tình tang

    Đàn rung tiếng ngọc lời vàng trái tim

    Đàn kêu gió nổi mưa ngàn

    Cung trầm cung bổng dối gian kiếp người

    Đàn kêu ân oán thở than

    Trách ai vô cảm vô tâm vô tình

    Đàn kêu hờ hững cô liêu

    Đàn kêu tù ngục liêu xiêu cung đàn

    Đàn kêu nước mắt chứa chan

    Trăm năm vang tiếng đàn tôi âm thầm

    Đàn vang chuyển động giang san

    Tình tang tích tịch, tình say lòng người

    Chiến tranh nào có hay gì

    Gió cuộn bên này, sóng lay bên kia

    Người vật xô nhau vào vòng xoáy

    Rừng bốc cháy, cánh đồng tro lạnh

    Trầu cau rụng chân trời lửa đỏ

    Linh hồn chết bơ vơ trơ trọi

    Người sống sót vật vờ lơ phơ

    Đàn rung thao thiết đợi chờ nghĩa nhân
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...