Truyện cổ tích là gì? Phân loại, đặc trưng của truyện cổ tích

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 8 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Truyện cổ tích là gì? Phân loại, đặc trưng của truyện cổ tích
    1. Truyện cổ tích là gì?

    Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.

    Tuy có những định nghĩa khác nhau, nhưng ta có thể hiểu khái niệm truyện cổ tích tập trung ở 3 nét là:

    - Truyện cổ tích thuộc loại hình tự sự dân gian phát triển trong thời kì xã hội đã có sự phân chia giai cấp.

    - Truyện cố tích thể hiện những quan niệm đạo đức, lí tưởng và những ước mơ cao đẹp của nhân dân.

    - Truyện cổ tích có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc.

    2. Phân loại truyện cổ tích.

    Truyện cổ tích chia làm 3 loại chính:

    - Truyện cổ tích về loài vật: Cóc kiện trời, Vì sao lông quạ màu đen, Rùa và thỏ, Kiến giết voi...

    - Truyện cổ tích thần kì: Tấm Cám, Trầu cau, Chử Đồng Tử, Cây khế, Sọ Dừa, Thạch Sanh...

    - Truyện cổ tích sinh hoạt: Làm theo lời vợ dặn, Sự tích quả dưa hấu, Cái cân thủy ngân...

    Trong ba loại truyện cổ tích trên, thì truyện cổ tích thần kì có nội dung phong phú và chiếm số lượng nhiều hơn cả.

    [​IMG]

    3. Đặc trưng của truyện cổ tích

    - Truyện cổ tích xây dựng một thế giới hư cấu, kì ảo.

    Cũng giống như thần thoại, truyền thuyết...truyện cổ tích có sự tham gia của các yếu tố kì ảo vào quá trình phát triển cốt truyện.

    Yếu tố kì ảo trong truyện cổ tích:

    + Là những con vật, sự vật có phép màu: cây đàn, nồi cơm Thạch Sanh, lọ xương cá bống của cô Tấm, con chim trong Cây khế...

    + Là năng lực siêu phàm của nhân vật: sự biến hóa của cô Tấm, Sọ Dừa...

    + Là những nhân vật siêu thực: Tiên, Bụt...

    - Truyện cổ tích có cốt truyện khá chặt chẽ, hoàn chỉnh.

    Sự vận hành cốt truyện của cổ tích khá hoàn chỉnh với các thang bậc: mở đầu, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút như một cốt truyện hiện đại.

    Ví dụ: Sự phát triển của cốt truyện trong truyện cổ tích Tấm Cám:

    + Mở đầu: giới thiệu về nhân vật Tấm trong mối quan hệ với nhân vật Cám và dì ghẻ.

    + Thắt nút, phát triển xung đột: những lần Tấm bị đối xử bất công: trộm giỏ tép, bị bắt mất cá bống, bị trộn thóc lẫn gạo bắt nhặt, không cho đi xem hội. Nhờ sự giúp đỡ của Bụt, cuối cùng Tấm cũng đến hội, gặp vua và trở thành hoàng hậu.

    + Cao trào: Tấm bị sát hại, vùng lên đấu tranh qua những lần hóa thân: thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửu, quả thị.

    + Mở nút: nhà vua tìm thấy Tấm, đón về hoàng cung, trừng trị mẹ con Cám.

    - Truyện cổ tích có tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng, thưởng phạt công minh.

    Giá trị của truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian nói chung là ý nghĩa giáo dục. Tác giả gửi gắm trong mỗi câu chuyện một hoặc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Đó là những bài học về đạo lí làm người, bài học về tình yêu cuộc sống, bài học về tình cảm gia đình, về ý thức đấu tranh với cái xấu, cái ác... Những bài học đó giúp con người hoàn thiện nhân cách, định hướng giá trị bản thân.

    Ví dụ: Truyện Tấm Cám là bài học về lẽ sống ở hiền gặp lành, bài học về ý thức đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho bản thân trước sự chà đạp của các thế lực tàn ác. Truyện Sự tích quả dưa hấu lại là bài học về đức tính cần cù, tự nỗ lực, về giá trị của sức lao động chân chính...

    [​IMG]

    4. Phân biệt truyện cổ tích và thần thoại.

    - Giống nhau:

    + Đều là tác phẩm tự sự dân gian

    + Đều có các yếu tố hoang đường, kì ảo.

    - Khác nhau:

    + Thần thoại ra đời sớm hơn cổ tích. Thần thoại thể hiện quan niệm người xưa về nguồn gốc của thế giới và xung quanh cuộc sống của con người. Truyện cổ tích lại là những câu chuyện gia đình, anh em, bạn bè, người thân các mâu thuẫn xung đột của họ, đặc biệt là trong xã hội phong kiến.

    + Nhân vật trong thần thoại thường là các vị thần, những anh hung. Nhân vật trong cổ tích là những người thấp cổ, bé họng, bị áp bức bất công trong xã hội có giai cấp.

    5. Phân biệt truyện cổ tích và truyền thuyết

    - Giống nhau:

    + Đều là tác phẩm tự sự dân gian

    + Đều có các yếu tố hoang đường, kì ảo.

    - Khác nhau:

    + Nhân vật, sự kiện trong truyền thuyết gắn với các nhân vật lịch sử, có tính chất lịch sử, nên ít nhiều có tính xác thực. Còn nhân vật, sự kiện trong cổ tích phần lớn là tưởng tượng của nhân dân, không có thật.

    + Truyền thuyết khai thác đề tài có tính lịch sử. Cổ tích khai thác đề tài thế sự, đời tư: câu chuyện gia đình, anh em, bạn bè, người thân các mâu thuẫn xung đột của họ, đặc biệt là trong xã hội phong kiến.

    + Truyền thuyết: kết thúc truyện thường dạng mở. Cổ tích: thông thường là kết thúc có hậu, người hiền lành được phù trợ, sống hạnh phúc, còn kẻ độc ác bị trừng trị, chịu hình phạt...

    Nếu đi vào thế giới của truyền thuyết, ta được sống trong không khí lịch sử thiêng liêng, trang trọng thì cổ tích đưa ta vào cuộc sống đời thường gần gũi, thân mật.

    Cổ tích thường được coi là thế giới của tuổi thơ vì những vẻ đẹp thơ mộng, ngọt ngào của những tấm gương người tốt, vì những yếu tố thần kì, đánh thức trí tưởng tượng, vì những kết thúc có hậu bay bổng, đầy nhân văn... mang đặc trưng suy nghĩ và rung động tuổi thơ.
     
    Last edited by a moderator: 1 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...