Trùng Quang Đế - Thiên Anh Hùng Ca Cuối Cùng Của Hào Khí Đông A

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Cô Hồn, 14 Tháng một 2019.

  1. Cô Hồn

    Bài viết:
    36
    [​IMG]

    Trùng Quang Đế không phải là người quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không phải là anh hùng bách chiến bách thắng mà người ta hay ca ngợi. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh nhưng vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước bằng hết sức lực của mình..

    Dẫu là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử nước Nam, là nơi duy nhất trên thế giới ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, một triều đại rực rỡ với những danh nhân kiệt xuất.. rồi cũng sẽ đến lúc suy vị. Vì ánh mặt trời ban ngày dẫu đẹp đẽ đến mấy cũng phải đến lúc hoàng hôn và chìm vào đêm tối. Nhà Trần cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau khi Hồ Quý Ly giết Nghệ Tông rồi lập nên nhà Hồ, quân Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ đem quân vào đánh bại cha con Quý Ly rồi chiếm nước Nam đặt thành quận huyện.. Cả dân tộc chìm trong đêm dài mất nước mấy chục năm ròng.

    Trong suốt đêm trường ám ảnh đó, dân Nam vốn quật cường đâu dễ chịu khuất phục. Vậy nên cũng có nhiều anh hùng cố gắng thắp lên ánh đuốc để tìm đến tự do. Trong số đó, người nổi lên ánh lửa đẹp nhất có lẽ là Trùng Quang Đế, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Trần, người đã gióng lên khúc anh hùng ca bi tráng cuối cùng của hào khí Đông A.

    Tôn thất cuối cùng của nhà Trần – chứng kiến cảnh nước mất nhà tan

    Trùng Quang Đế – Trần Quý Khoáng (chữ Hán: 重光帝, ? – 1414) là vị hoàng đế thứ hai được nhà Hậu Trần lập ra để chống cự sự đô hộ của nhà Minh sau năm 1407.

    Ông là con của Trang Định Vương Trần Ngạc, và là cháu nội vua Trần Nghệ Tông.

    Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly được Nghệ Tông tin tưởng nên nắm hết đại quyền trong triều. Sau khi Nghệ Tông mất, năm 1399, Hồ Quý Ly giết luôn Trần Thuận Tông (chú của Trùng Quang Đế) rồi năm sau lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Hồ.

    Nhiều tôn thất hoàng gia chống đối Quý Ly đã bị sát hại, trong đó có thái úy Trang Định vương Trần Ngạc (1391) (cha của Trùng Quang Đế).

    Sử chép: "Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Trang Định vương Trần Ngạc [莊定王陳;? – 1392] bị giáng làm Liệt hiệu phán hầu và bị Hồ Quý Ly sai Nguyễn Nhân Liệt giết".

    Tháng 9 âm lịch năm 1406, lấy cớ khôi phục nhà Trần, Minh Thành Tổ phái 80 vạn quân do Tân Thành Hầu Trương Phụ, Tây Bình Hầu Mộc Thạnh đánh chiếm nước Việt. Hai vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương liên tục thua trận, đến tháng 5 (Âm lịch) năm 1407 thì đều bị bắt về Trung Quốc.

    [​IMG]

    Năm 1406, Minh Thành Tổ phái 80 vạn quân đánh chiếm nước Việt. Sau đó nhà Hồ sụp đổ. (Ảnh minh họa theo ipick)

    Giản Định Đế đa nghi mà làm hỏng đại sự

    Ngày 2 tháng 10 Âm lịch năm 1407, con thứ Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Mô Độ (Ninh Bình), dựng lại nhà Trần (sử gọi là Hậu Trần) lấy hiệu là Giản Định Đế.

    Các hào kiệt về theo giúp vua khá đông, trong đó có Quốc công Đặng Tất và Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Được hai tướng họ Nguyễn, Đặng trợ giúp, Giản Định làm chủ khu vực phía nam nước Việt từ Nghệ An vào Thuận Hóa, sau đó tiến ra bắc đụng độ quân Minh một trận lớn ở bến Bô Cô (1408). Quân Giản Định thắng to, quân Minh tan tác, còn mỗi chủ tướng Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan.

    Năm 1409, do nghe lời gièm pha của Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng Trang, Giản Định Đế giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung (con của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) bất bình với vua Giản Định, bèn về Nghệ An tôn Trần Quý Khoáng làm vua mới. Ở thời điểm năm 1409 Trần Quý Khoáng làm chức Nhập nội thị trung ở Nghệ An. (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).

    Tôn Giản Định làm thượng hoàng, lên ngôi chống Minh

    Ngày 17 tháng 3 Âm lịch năm 1409, Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng đế ở Chi La, nay thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

    Tân hoàng đế đặt niên hiệu Trùng Quang (重光), phong Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã.

    Bấy giờ Giản Định Đế vẫn còn đang đóng giữ thành Ngự Thiên. Trùng Quang Đế sai Nguyễn Súy đem quân đánh úp, bắt được Giản Định Đế đem về.

    Ngày 20 tháng 4 Âm lịch, Giản Định bị dẫn về Nghệ An, Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng.

    [​IMG]

    Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng. (Ảnh minh họa theo vietlist)

    Trùng Quang Đế, vị vua độ lượng và văn nhã

    Không hồ đồ như Giản Định Đế, đang lúc chống giặc mà giết tướng tài và hay lạm sát, Trùng Quang Đế được biết đến như một vị vua sáng suốt và độ lượng.

    Sử chép:

    "Bấy giờ Giản Định Đế đang đóng giữ thành Ngự Thiên. Trùng Quang sai Nguyễn Súy đem quân đánh úp, bắt được Giản Định. Ngày 7 tháng 4 âm lịch cùng năm, mẹ Giản Định Đế liên kết với Hành khiển Lê Triệt và Lê Nguyên Đỉnh dấy quân ở Hát Giang, định đánh úp vua Trùng Quang. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo phát giác báo cho Trùng Quang Đế. Nhà vua giết Triệt và Đỉnh nhưng tha hết quân của họ. Đối chiếu sự kiện này với việc Giản Định giết 2 tôn thất theo Minh là Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Giao cùng hơn 500 thuộc hạ ở Diễn Châu, Nghệ An (1407), sử thần đời Lê Ngô Sĩ Liên cho rằng vua Trùng Quang có phẩm chất lãnh đạo tốt hơn Giản Định:

    " Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết ai là chân chúa. Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của nhà Minh, giữ đất, trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn đức đó hay sao? Thế là lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quân nhân nghĩa được? Xem như Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh ngầm họp quân ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế, mà Trùng Quang Đế chỉ có giết Tiệt Đế và Nguyễn Đỉnh thôi, còn đều tha cả, so với Giản Định Đế thì đằng nào hơn? "

    Ngoài ra Trùng Quang Đế còn là một người khá chân thành khi đối xử với tướng sĩ và là hậu nhân vương thất quý tộc nên rất ưa chuộng văn thơ. Danh tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, văn thần Nguyễn Biểu hết lòng liều chết vì ông cũng một phần nói lên điều này.

    Hậu thế còn lưu lại bài thơ ông làm đầy cảm khái khi tiễn Nguyễn Biểu đi sứ như sau:

    Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ

    Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa,

    Trịnh trọng rày nhân vẳng khúc ca.

    Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ,

    Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.

    Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ,

    Khương quế thêm cay tính tuổi già.

    Việc nước một mai công ngõ vẹn,

    Gác Lân danh tiếng dõi lâu xa.

    [​IMG]

    Trùng Quang Đế là một người khá chân thành khi đối xử với tướng sĩ. (Ảnh minh họa theo noidung)

    Bắc tiến không thành, Trương Phụ khủng bố nước Nam

    Tháng 7 âm lịch năm 1409, Trùng Quang Đế cùng Thượng Hoàng chia quân hai đường đánh quân Minh. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh. Hai vua được hào kiệt các lộ ủng hộ nhiệt liệt.

    Nghe tin đó, nhà Minh lại cử sang tổng binh Anh Quốc Công – Trương Phụ đeo ấn Chinh Di tướng quân đem quân cứu viện, quân Minh lại mạnh lên.

    Thượng Hoàng thấy thế quân Minh mạnh liền rời thuyền chạy lên trấn Thiên Quan, Trùng Quang Đế nghi ngờ Thượng Hoàng có lòng khác, liền sai Nguyễn Súy đuổi theo không kịp. Nhưng Trương Phụ lại bắt được Thượng Hoàng – Trần Ngỗi, giải về Kim Lăng giết chết.

    Tháng 8 âm lịch năm 1409, Trùng Quang Đế chống nhau với Trương Phụ ở Bình Than.

    Nhà vua sai Đặng Dung trấn giữ cửa Hàm Tử. Quân Việt thiếu lương thực trầm trọng, Đặng Dung bèn chia quân đi gặt lúa sớm để cấp cho binh lính. Trương Phụ thấy nhân quân Việt đang yếu, liền đem thủy quân đánh vào cửa Hàm Tử. Đặng Dung thua to.

    Trùng Quang Đế nghe tin, tự liệu chống không nổi, bèn dẫn quân lui về Nghệ An.

    Trương Phụ đuổi theo, đến đâu cũng chém giết người vô số để thực hiện chính sách khủng bố tinh thần người Việt:

    " Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai cái tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả". (Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

    Ngoài ra thì nhà Minh còn chiêu dụ các thổ quan Đại Việt bằng cách cấp bằng ghi công trạng cho họ để đi đánh dẹp quân khởi nghĩa người Việt. Vì vậy có một bộ phận người Việt là thổ quan, hàng tướng, cùng với những người đã từng tiếp tay cho người Minh diệt nhà Hồ, nay lại tiếp tay cho nhà Minh đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế. Điều này khiến cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn và tổn thất.
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng một 2019
  2. Đăng ký Binance
  3. Cô Hồn

    Bài viết:
    36
    [​IMG]

    Trùng Quang Đế không phải là người quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không phải là anh hùng bách chiến bách thắng mà người ta hay ca ngợi. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh nhưng vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước bằng hết sức lực của mình..

    Ai hay quốc vận còn hưng phế, chớ đem thành bại luận anh hùng

    Nóng lòng trước cảnh tàn ngược của giặc Minh đang giày xéo quê hương và tàn sát dân ta nên vua Trùng Quang gấp rút chuẩn bị đánh ra Bắc. Mặc dù theo thực tế mà xét thì lực lượng hậu Trần lúc đó còn quá mỏng yếu và chưa có vũ khí trang bị cũng như khả năng chỉ huy và tác chiến tốt. Họ cũng chưa học được cách tận dụng và liên lạc với các cánh quân khởi nghĩa khác trong cả nước.

    Năm 1410, dẫu mọi việc vẫn chưa chín muồi, Trùng Quang Đế và Nguyễn Cảnh Dị vẫn quyết định dẫn quân Bắc tiến. Mới đầu chiến sự thuận lợi một chút khi quân Hậu Trần tới La Châu, Hạ Hồng, đánh bại quân Minh do Đô đốc thiêm sự Giang Hạo chỉ huy. Thừa thắng, nhà vua truy kích đến bến Bình Than và đốt phá thuyền trại của người Minh.

    Đoàn quân Hậu Trần được nhiều hào kiệt hưởng ứng, nổi bật nhất là Đồng Mặc người Thanh Hóa, giữ chức Lỗ Lược tướng quân, đã đánh bại và bắt chỉ huy quân Minh là Tả Địch. Đồng Mặc được Trùng Quang Đế giao cai quản phủ Thanh Hóa.

    Ngoài ra còn có Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiệu chỉ huy dân chúng đánh quân Minh tổn thất rất nhiều. Tuy nhiên, khi chiến sự càng lan rộng thì tố chất của binh sĩ phải cộng với phương pháp tổ chức bài bản và chỉ huy chiến lược mạch lạc thì mới có thể đánh bại hay cầm cự lâu dài với kẻ địch mạnh hơn.

    Quân Minh lúc này được trang bị rất mạnh và do tướng giỏi chỉ huy, trong khi đó quân Hậu Trần không được tổ chức bài bản nên cuối cùng bị đánh bại. Vua Trùng Quang phải rút binh về Nghệ An.

    Đầu năm 1411, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang 14 vệ, tổng cộng 78.400 quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. Tháng 6 âm lịch năm 1412, Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn quân đánh Nghệ An gặp quân của Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung và Hồ Bối ở Mô Độ ở vùng Ninh Bình, Nam Định. Hai bên liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Nguyễn Súy và Nguyễn Cảnh Dị bất ngờ dẫn quân vượt biển rút chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ.

    [​IMG]

    Đầu năm 1411, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang 14 vệ, tổng cộng 78.400 quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. (Ảnh: Vietbf. Com)

    Đặng Dung thế cô, không có cứu viện, liền đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi. Năm 1413, Trương Phụ lại tiến đánh Nghệ An, đến đây nhà Hậu Trần phải lui vào Hóa Châu, đất cố thủ cuối cùng của nhà Hậu Trần.

    Trương Phụ tiếp tục đem quân vào đánh phá Nghệ An. Quân Minh bao vây các thành tại Thanh Hóa, Diễn Châu.

    Tháng 1 âm lịch năm 1413, nhà vua cùng Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị đưa quân theo đường biển tới Vân Đồn, Hải Đông và các vùng ven biển Bắc Bộ nhằm thăm dò, tìm lương thực và đánh tiêu hao quân đội nhà Minh. Chiến dịch này thất bại nặng nề. Ngày 4 tháng 3 âm lịch, nhà vua về tại Nghệ An, quân đi 10 phần về chỉ còn 3-4 phần. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

    Phản đồ hại vua ta, Đặng Dung liều mình trận Thái Đà

    Bởi trời không chiều lòng người, vận nước Nam còn u ám nên vua Trùng Quang mới bị thua trận. Dù vậy nhưng dưới tay ông cũng có những trung thần nghĩa sĩ sẵn sàng xả thân, đến nay vẫn sáng ngời nơi sử sách. Một trong số đó là Nguyễn Biểu.

    Tháng 4 âm lịch năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế phải rút về Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biểu tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.

    Nhưng hễ có trung thần thì cũng có phản thần. Trong lúc nước mất nhà tan thì mới biết lòng người. Quân Minh tiến quân vào Nghệ An. Thái phó Đại Việt là Phan Quý Hữu đầu hàng quân Minh, Hữu đầu hàng được 1 tuần thì chết. Trương Phụ cử con Quý Hữu là Liêu làm tri phủ Nghệ An, và ban thưởng hậu hĩnh cho gia đình Liêu. Liêu bèn kể hết cho Phụ về thực lực các tướng, quân số của Trùng Quang Đế và địa thế Hóa Châu.

    Trương Phụ bèn quyết ý vào Hóa Châu, và hội chư tướng lại để bàn kế tiến binh. Mộc Thạnh nói rằng: "Hóa Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm". Trương Phụ nhất định vào đánh cho được, nói rằng: "Ta sống cũng ở đất Hóa Châu này, mà chết cũng ở đất Hóa Châu này. Hóa Châu mà không lấy được thì không mặt mũi nào về trông thấy chúa thượng!". Lập tức truyền cho quân thủy bộ tiến vào đánh Hóa Châu. (Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

    [​IMG]

    Tuy lòng trời không chiều người, vận nước Nam còn u ám nên vua Trùng Quang mới bị thua trận. (Ảnh: Readhouse. Net)

    Quân Minh rầm rộ kéo vào Nghệ An quyết tâm diệt Hậu Trần. Trước cảnh tồn vong nguy nan đó, có câu "dưới tay tướng giỏi không có quân hèn", quân tướng của Trùng Quang Đế không những không đầu hàng mà còn chiến đấu một trận vô cùng oanh liệt suýt nữa đã phá được quân Minh để ghi vào sử xanh với tên danh tướng Đặng Dung. Chỉ tiếc là trời xanh không chiều người..

    "Tháng 9 năm 1413, quân Trương Phụ vào đến Thuận châu, Nguyễn Súy và Đặng Dung đóng quân giữ sông Thái Đà.

    Nửa đêm Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết. Thế nhưng Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung tan chạy, ẩn nấp trong hang núi, không còn sức đánh lớn".

    (Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương mục).

    Bàn về trận đánh bi tráng này, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

    "Trận đánh ở Thái Đà, Đặng Dung và Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!".

    Gặp thời bần tiện thành công dễ, vận hết anh hùng hận ngàn năm

    Tháng 11 âm lịch năm 1413, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị định chạy sang Xiêm La nhưng bị quân Minh bắt. Khi trông thấy Phụ, Nguyễn Cảnh Dị luôn mồm quát mắng: "Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!". Trương Phụ tức giận, giết rồi ăn gan Nguyễn Cảnh Dị.

    Trương Phụ chiếm được Tân Bình, Thuận Hóa, bèn đặt quan cai trị, điều tra dân số, làm sổ dân đinh và tâu xin vua Minh tăng cường quân trấn giữ.

    Ngày 10 tháng 3 âm lịch năm 1414, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang châu Minh Linh, sau đều bị người của Phụ bắt. Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó vương triều Hậu Trần chấm dứt.

    Tháng 4 âm lịch năm 1414, Trương Phụ thu quân về Đông Quan, sai người giải vua Trùng Quang, Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống nước tự vẫn. Hai tể tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều tự vẫn chết vì nước.

    (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

    Thay cho lời kết:

    Nhận xét về Trùng Quang Đế, sử thần Ngô Sĩ Liên viết như sau:

    "Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh. Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là" quốc quân chết vì xã tắc ", mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không tránh khỏi cái chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế".

    [​IMG]

    Trùng Quang Đế cùng đạo quân của mình đã hiên ngang chiến đấu và ra đi như những ngôi sao sáng rực lên rồi vụt tắt trong đêm trường đen tối của dân tộc. (Ảnh: Sohu. Com)

    Trùng Quang Đế không phải là người quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không phải là anh hùng bách chiến bách thắng mà người ta hay ca ngợi. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh không còn cái hào khí thuở đánh quân Nguyên Mông của ông cha. Quân thì chỉ có một đoàn, tướng tá dăm ba người, hễ đánh thì lúc thắng lúc thua. Nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước bằng hết sức lực của mình, kết thúc bằng sinh mạng của bản thân và các tướng sĩ. Tuy nhiên nỗ lực của họ không phải là vô ích, Trùng Quang Đế và các tướng sĩ của ông như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu.. quả thực cũng đều là hào kiệt, họ đã chiến đấu sòng phẳng với kẻ địch mạnh hơn bội phần và nhiều lúc làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chỉ là số phận an bài họ không phải là người chiến thắng mà thôi.

    Trùng Quang Đế cùng đạo quân của mình đã hiên ngang chiến đấu và ra đi như những ngôi sao sáng rực lên rồi vụt tắt trong một thời kỳ đầy loạn lạc của lịch sử dân tộc. Dẫu thất bại nhưng những con người ấy đã tạo nên một khúc anh hùng ca bi tráng còn vang vọng đến tận ngày nay. Khúc ca của một dân tộc nhỏ bé ở phương Nam nhưng không bao giờ bị chinh phục. Những thất bại cay đắng nhất thời chính là vì ý trời mà phải chịu thế thôi. Quả thực đúng như Đặng Dung viết trong bài thơ Cảm Hoài:

    "Việc nước miên man nỡ vội già

    Đất trời lồng lộng khúc cuồng ca

    Gặp thời bần tiện công nên dễ

    Lỡ vận tài danh hận đến già

    Giúp chúa những mong xoay trục đất

    Rửa đòng không lối kéo Ngân Hà

    Bạc đầu thù nước còn chưa trả

    Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà"

    (Trích: Đại Việt sử ký toàn thư; Quốc Sử Quán nhà Nguyễn-Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng một 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...