Review Sách Trông Lại Ngàn Xưa - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Lê Thị Trang Nhung, 14 Tháng năm 2021.

  1. Lê Thị Trang Nhung

    Bài viết:
    1
    Không thơm mới mùi mực in, không trắng tinh sạch sẽ, "Trông lại ngàn xưa, Nguyễn Khắc Thuần, NXBGD, 1997" xuất bản cách đây 20 năm đã ố vàng, cũ kĩ theo thời gian. Nhưng giá trị của cuốn sách thì vẫn mới nguyên không chỉ ở thời điểm ra đời mà ngay từ ngày những câu chuyện trong cuốn sách ấy được lưu truyền ở dân gian.

    Khác với sự đồ sộ, ngồn ngộn sự kiện ngày tháng năm như các tập chính sử, cuốn sách là tập hợp những câu chuyện dã sử mang đậm màu sắc huyền thoại về các danh nhân của đất nước. Cuốn sách gồm 46 chân dung trải dài từ đời Lý cho đến đời Nguyễn. Từ vị vua Lý Thánh Tông của buổi bình minh trung đại đến giai đoạn cực thịnh với bậc quân vương anh minh Lê Thánh Tông, và khép lại bằng vị Thám hoa đầu tiên của nhà Nguyễn – Mai Thế Tuấn – con người vừa là thần đồng vừa có "chí cả".

    Mỗi câu chuyện trong cuốn sách mang đến một cảm xúc khác nhau. Độc giả đọc có thể được cười, được khóc, được tấm tắc về những con người lừng lẫy của một thời đã qua. Đó là sự bất ngờ nhưng đầy hào hứng của "Công chúa Ngọc Hoa – Nữ điệp viên trẻ tuổi xuất sắc thời Lý", "Chuyện ly kì về kiếp trước của vua Lý Thần Tông" hay "Ba lần nổi danh trong thời hàn vi của Binh Bộ Thượng Thư Lương Hữu Khánh", là niềm cảm phục trước tấm lòng và tài năng của các danh vương, danh quan "Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Cửu Dật, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ,.." Cuốn sách còn dẫn ta đến với những bí mật giấu kín của thời trung đại khi đọc "Sau 265 năm, thử lật lại hồ sơ vụ án Trần Đại Định", cũng có khi khiến người đọc bật cười vui vẻ với sự hiểu nhầm đáng yêu trong "Chuyện chị dâu trưởng của Ớ Vận Tiên Sinh", có khi chua xót với cuộc đời bi phẫn mà vẻ vang của Uông Sĩ Đoan trong "Nhịn nhục nuôi chí đi học và đi thi", cũng có khi phẫn nộ với sự tráo trở, lật lọng, toan tính trong "Tình bạn của tướng Nguyễn Hữu Chỉnh". Bên cạnh đó, người đọc còn được lặng mình trong tình yêu trọng nghĩa, chung thủy của anh chàng nát rượu Nguyễn Bá Dương với cô gái xa lạ chỉ gặp gỡ một lần lúc hàn vi, hay mối tình mãnh liệt, vượt qua định kiến giàu nghèo, thân phận giữa chàng thư sinh Hoàng Sầm và tiểu thư con nhà quan Thượng Thư..

    Các truyện dã sử trên, dẫu là về tình yêu hay tình bạn, là chuyện học hay chuyện xử án, làm thơ hay làm quan; người được nói đến là vua hay danh tướng, lúc đã đậu Trạng Nguyên hay thuở hàn vi, là công chúa đức cao vọng trọng hay người vợ nghèo chân lấm tay bùn.. đều ánh lên những bài học nhân sinh sâu sắc. Đó là bài học về lòng kiên trì của trạng nguyên Giáp Hải, bài học về đức hy sinh của vợ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, bài học về sự chính trực liêm khiết của Nguyễn Cư Trinh, Quận công Lê Đình Kiên, Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng, Tuần phủ Đặng Đại Độ, Cai bạ Phạm Hữu Kính.. Tựa đề cuốn sách là "Trông lại ngàn xưa", nhưng những dã sử trong đó lại đem đến nhiều bài học có giá trị mãi đến hôm nay và cả mai sau.

    Vượt lên những ý nghĩa thông thường, "Trông lại ngàn xưa" còn trả lời cho câu hỏi muôn thuở của cách sống "Người tài được tạo nên như thế nào?", "Điều gì khiến tên tuổi chúng ta được lưu danh muôn thuở?" "Sống thế nào để hậu thế nhớ đến ta".. Câu trả lời ấy bàng bạc trong những tấm gương đời thật được dân gian phủ lên một lớp voan huyền ảo của yếu tố hư cấu thần kì và lời bình luận súc tích mà thấm thía. Cuốn sách không khô cứng như chính sử mà mềm mại bởi chất văn sử, không quá xa lạ mà gần gũi tựa như câu chuyện kể trong dân gian. Với giọng điệu chậm rãi từ tốn, khúc chiết, tình tiết rõ ràng cả niên đại, nơi chốn, người đọc như được sống trong không khí trầm mặc, thong dong của những thế kỉ trước qua mỗi trang sách.

    Tìm về với lịch sử dân tộc là niềm say mê của những người yêu mến quê hương đất nước. Bởi lịch sử là hồn cốt của dân tộc. Chúng ta hiểu lịch sử của dân tộc là hiểu bản chất, cội nguồn tạo nên chính con người chúng ta hôm nay. Cuốn sách "Trông lại ngàn xưa" của Nguyễn Khắc Thuần sẽ đem đến cho độc giả một góc nhìn khác nhưng cần thiết về lịch sử. Từ đó, chúng ta không chỉ hiểu mà hơn hết là thêm tự hào, thêm yêu con người Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...