Trở về Thể loại: Truyện ngắn, gia đình SLPCHPIH Cả quê nội lẫn ngoại tôi ở Nam Định, nhà bố mẹ tôi ngày xưa chỉ cách nhau có vài con hẻm nhỏ mà thôi. Họ có với nhau hai người con gái ở đấy. Khi con gái lớn lên mười, đã đủ khả năng tự lo cho bản thân, bố tôi theo anh trai vào miền nam lập nghiệp để mẹ tôi và hai chị ở ngoài đấy. Sau đó vài năm, mẹ tôi đưa hai chị vào nam theo bố. Tôi được sinh ra và lớn lên ở trong nam nên bố đặt tên là Nam. Trước tôi còn có hai chị vì thế ở nhà tôi hay được cưng chiều lắm, chẳng phải động tay vào việc gì. Thời đó những năm 96, còn nghèo khó, nhờ biết một tí con chữ, bố mẹ tôi xin được vào dạy học ở một trường tiểu học mới mở, tiện đấy được ở tập thể không tốn tiền trọ. Họ đều làm nghề giáo nên đồng lương cũng chỉ đủ nuôi ba đứa con ăn học, chuyện về thăm quê một lần đối với tôi thật là xa xỉ. Không kể vé tàu xe di chuyển, mang tiếng vào nam làm ăn còn phải có quà biếu bà con làng xóm, nên mỗi khi tôi ngỏ lời về quê bố mẹ chỉ toàn bàn ra hay đánh trống lảng sang vấn đề khác. Cuối cấp hai, tôi xuất sắc thi đỗ vào trường chuyên trong tỉnh. Đương nhiên là bố mẹ rất vui rồi, nhân đấy tôi xin được về quê thăm ông bà. Mẹ tôi cũng thấy tội, bà nói với bố để dành ra một ít cho tôi về, dù gì thì từ nhỏ đến giờ tôi chưa biết được quê tôi trông như thế nào. Tết năm đó, mẹ cùng tôi về quê. Chúng tôi đi tàu hỏa. Nhờ mẹ đặt vé trước ba tháng nên cũng rẻ được phần nào. Ngồi tàu bốn ngày trời mới đến nơi, xuống ga, mẹ gọi điện cho các cậu ra đón. Một lát sau, có hai anh thanh niên đến. - Con chào.. – Không biết là ai, tôi cứ chào đại nhưng chưa kịp hết câu thì.. - Anh Nam đây hả, bác? – Một trong hai người reo lên. – Em chào anh! Thấy tôi bối rối, mẹ giải thích: - Hai đứa này con cậu Phong. Mẹ là con cả nên ở nhà ngoại, trong đám con cháu, mày là lớn nhất đấy. Cứ xưng hô anh em bình thường thôi, đừng có ngại. Hai thằng em đèo mẹ con tôi về nhà. Nhà ông bà nằm ở trong làng, gọi là làng Đáy vì làng tập trung hai bên bờ nhánh nhỏ sông Đáy. Cái tên này do người dân nói với nhau vậy chứ chẳng phải tên chính thức, bởi con sông Đáy dài hơn ba trăm cây số thì thiếu gì làng tên Đáy. Nước sông một màu xanh lục do bóng của hai hàng cây bên bờ đổ xuống. Giặt đồ, tắm rửa, rửa bát, mổ lợn.. Tất cả đều dùng chung con sông ấy. Ở trong nam, khu vực tôi ở cũng được gọi là trên núi nên chẳng bao giờ thấy sông ngòi, tôi thích lắm. Có sông thì chắc chắn phải có cầu rồi, ba cây cầu bằng đá nối hai bờ sông lại với nhau, hai cái hai đầu, một cái ở giữa. Chúng được xây cao lên so với mặt bờ vì vào dịp tết hằng năm có tổ chức bơi chải. Ở đây nhiều hẻm lắm, nhà nào cũng như nhà nào có đám mạ trước cửa nên người đến lần đầu như tôi hay thậm chí là mẹ tôi do đã đi quá lâu rồi cũng bị lạc đường. Chúng tôi phải lấy mấy cây cầu làm mốc để nhớ hẻm quẹo vào nhà ông. Đầu làng có cái chùa cổ, người ta đang tập trung đông đúc để trang trí chuẩn bị đón tết. Chúng tôi về nhà ngoại vì bên nội chỉ còn bác ba ở nhà lo thờ cúng ông, bà. Bà ngoại tôi đã mất, chỉ còn mỗi ông nên gia đình cậu hai ở chung với ông để chăm sóc, cứ có dịp gì là lại tập trung hết về nhà ông ăn nhậu vì có cái sân phía trước khá rộng. Tôi được gặp những người máu mủ mà tôi không hề biết hoặc chỉ nghe mẹ nói sơ qua. Trái lại, cậu mợ, chú dì dường như biết rất nhiều về tôi. Ở ngoài này, bọn em tôi học hết cấp hai là bỏ ngang đi làm công nhân hay theo người quen lên Lạng Sơn làm việc. Tự nhiên tôi thấy tự hào về chính bản thân mình, nhưng ngại chiếm nhiều phần hơn. Sau bốn ngày ngồi tàu, tôi ê ẩm hết cả người, đến nhà ông chỉ kịp chào qua mọi người một lần rồi lên giường ngủ luôn. - Anh Nam! Xuống tắm còn làm vài cốc bia. – Công, người vừa nãy chở tôi về, gọi tôi dậy đi tắm. Mệt rã rời nên không cảm nhận được chút gì, tôi mò lấy quần áo rồi tìm đường vào nhà tắm. Múc một gáo nước đầy xối lên người cho sảng khoái, tôi sảng thật luôn. Đã qua mùa đông, còn vài ngày nữa là tết nhưng thời tiết ở đây vẫn vô cùng lạnh, ở nhà tầm này chỉ cỡ 21, 22 độ nhưng ở đây chỉ còn 10, 11 độ. - Á, á, á! – Bất giác thét lên, tôi nghe thấy tiếng cười của mọi người bên ngoài. Lạnh quá, tôi chỉ lau người sơ qua rồi lên. Mọi người đã tề tựu đông đủ, chả phải đặt bàn tiệc gì cả, chỉ làm vài món rồi quây quần lại với nhau. Ngoại tôi có năm người con, chỉ có mỗi mẹ tôi là đi nơi khác làm ăn còn lại thì vẫn dính lấy chỗ này mà sống. Hơn mười lăm năm rồi năm chị em mới có dịp đông đủ như thế này. Mấy thằng em họ đều lớn hơn tôi vài tuổi, bỏ học ngang đi làm, thằng nào thằng nấy cao to, xăm trổ đầy mình mà cứ mở miệng là "anh Nam". Tôi không biết uống bia mà cứ bị mời uống, từ chối không được hay nói đúng hơn là không dám, dù biết sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu nhưng cảm giác vẫn sờ sợ. - Mới có hơn mười năm mà mày đã lớn thế này rồi. Nhớ cậu không? - Dạ.. – Tôi chẳng nhớ gì cả. - Lúc mày còn bé, tao với bà ngoại vào trông mày cho bố mẹ mày đi làm đấy. - Thế anh Nam khi nào lấy vợ? – Một đứa em họ đột nhiên hỏi to. Câu hỏi muôn thuở, câu đùa thì đúng hơn. Mẹ tôi cũng vậy, cứ quen ai là lại làm mai mối các thứ. Để rồi tôi có ác cảm với việc lấy vợ và tệ hơn là không giám tiếp xúc với con gái. Suốt 9 năm đi học tôi chẳng nói chuyện với đứa con gái nào cả, cùng lắm chỉ là vài câu xã giao như "xong việc rồi mình về" hay gì đó đại loại thế. Không biết ngoài này thế nào nhưng trong nam bọn nhỏ hay đùa "bắt tay ngày mai lấy vợ", không phải là tôi đang biện hộ cho cái chứng kém giao tiếp của mình đâu nhưng cũng tại nó mà tôi nhát gái đến vậy. - Nó còn đang tập trung học, chưa yêu đương gì đâu. – Mẹ tôi nói đỡ, ai mà ngờ người mọi ngày hay chọc tôi nhất nay lại đứng ra bênh tôi chứ. - Thằng Công có người yêu rồi đấy. Hai năm nữa 18 cưới cho nó luôn, cho có đứa quản nó chứ cái ngữ nó ăn chơi rồi lại tệ nạn nữa. - Kìa bố sao bố nói thế. Không phải lo đâu anh, anh cứ học đi, về quê tha hồ mà lấy vợ, không sợ ế đâu mà lo. – Nó nói tiếp – Mai mốt đám cưới con, bác cho anh về chuyến nữa nhá. - Ừ, ừ.. để tao tiết kiệm tiền. Bị ép uống hai ly đầy, tôi xiểng niểng, chóng mặt, đầu óc quay cuồng. Nghe lời các cậu, tôi xin ra ngoài đi tiểu và ợ vài hơi để hết xỉn. Vào nhà vệ sinh, tôi tiểu xong rồi cố ợ một cú to, bao nhiêu đồ ăn đi theo hơi nôn hết ra ngoài. Mùi chua của thức ăn hòa với khai của nước tiểu xộc lên mũi làm tôi không thể ngừng nôn. Làm hết một lượt hoa hết cả mắt, đến khi định thần lại xả nước nhìn thấy mớ đó tôi lại làm thêm một tràng nữa. - Chưa đủ tuổi mà đã uống bia rồi à? Hư hỏng quá. – Có giọng nói ở phía sau lưng. Cùng với đó một bàn tay đỡ tôi dậy và vỗ lưng. - Mẹ hả? Mẹ không nói giúp con rồi bây giờ trách. – Tôi gắt gỏng quay lại nói với mẹ. Vừa nãy mẹ tôi còn hùa với ông và các cậu ép tôi uống mà bây giờ.. Không phải mẹ tôi, là một cô gái. Dù say nhưng tôi vẫn nhận biết được cái đẹp, không phải tôi nói mẹ mình xấu đâu nhưng bà cũng có tuổi rồi nên hai cái đẹp này nó có nét khác nhau. Xấu hổ tôi quay đi, mò ra chỗ vòi nước, rửa mặt và xúc miệng cho hết mùi hôi. - Ừm, cảm ơn nhưng.. ai đây? – Mệt quá tôi nói trống không. Nhìn mặt chắc chỉ lớn hơn tôi vài ba tuổi thôi, chưa đến tuổi cô dì đều là em tôi hết nên tôi cũng chả sợ. Quay lại thì chẳng thấy cô gái đâu nữa, chắc là ngại nhỉ. Một trai một gái ở chung trong nhà vệ sinh thế này, có lẽ cô ấy đã ra ngoài trước rồi. Rửa mặt lại lần nữa, tôi bước lên nhà, nhìn xung quanh tìm kiếm nhưng chẳng thấy cô gái đó ở đâu. Mặc kệ, quay trở vào bàn ăn, tôi ăn để bù lại mớ đồ ăn bị nôn ra, bây giờ bụng tôi rỗng toẹt chả có cái gì. Ban đầu tôi cứ nghĩ là bọn họ lại lừa tôi một vố nhưng thực sự sau khi nôn xong đã bớt chóng mặt hẳn đi. Ăn tạm hai chén cơm, tôi lên giường đánh một giấc tới sáng. Khi thức dậy, mặt trời đã lên cao, tầm 10 giờ sáng rồi. - Dậy rồi hả? Đánh răng rửa mặt rồi qua nhà nội chơi luôn, trưa nay mình ăn bên đó. – Mẹ tôi đợi sẵn. Nhà nội tôi cách nhà ngoại vài con hẻm, cả ông bà nội tôi đều đã mất, bác ba tuổi cao, ly dị vợ, con thì cũng vào nam làm việc còn mỗi một mình nên ở nhà của ông, tiện lo việc thờ cúng. Vì ở ngoài này bên nội cũng chẳng còn ai nên bố tôi cũng chả thiết tha đi về chơi nữa, khi nào có chuyện bất đắc dĩ mới phải đi mà thôi. Ở một mình nhưng nhà cửa bác gọn gàng, trang trí đón tết đầy đủ. Mẹ tôi ngồi nói chuyện hỏi thăm, tôi đi thăm quan quanh nhà nội. Bóng ai đó lướt qua cổng trước, rất quen thuộc. Tôi có cảm giác đó là cô gái tối qua đã đỡ tôi trong nhà vệ sinh, không nhìn kĩ nhưng linh tính mách bảo tôi như vậy. Chạy vội ra cổng để không bị mất dấu, dù gì cũng đã được người ta giúp đỡ, tôi muốn nói một câu cảm ơn huống hồ gì hôm qua tôi đang xỉn, nói năng thô lỗ. Chắn trước mặt là một người phụ nữ chạc tuổi bác tôi. Bác ấy vui vẻ hỏi: - Con mẹ Ánh đấy à? - Vâng. – Tôi đáp gọn. - Mẹ đang ở trong hả con? – Bác ấy hỏi tiếp. Tôi cũng không hiểu vì sao lại hỏi thêm câu này nữa. - Vâng. Bác vào chơi ạ. Người phụ nữ cười rồi bước vào trong, tôi chạy ra ngoài chẳng còn thấy ai nữa. Có chút thất vọng nhưng không sao, hôm qua cô gái ấy xuất hiện ở nhà ngoại còn bây giờ là nhà nội nên chắc có lẽ là người quen. Còn ở đây 2 tuần nữa, kiểu gì mà chả gặp lại chứ. Hay cổ là con của bác vừa nãy? Đưa mẹ đến chơi rồi về chẳng hạn. Tôi vừa đi vào vừa suy nghĩ. Bác gái vừa nãy không vào trong nhà mà đứng chờ ở ngoài sân, tò mò tôi đứng phía sau một chút để xem. - Hôm nay nhân dịp thím về lại đây chơi, anh cũng xin thông báo luôn. Anh đã lớn tuổi rồi mà ở có một mình, vài năm nữa không có sức khoẻ thì lại khổ ra. Có cô Nguyên gần đây cũng chạc tuổi anh, ở một mình. Anh có tìm hiểu rồi thím yên tâm, cô ấy đàng hoàng lắm. – Nói đến đây "cô Nguyên" đang đứng bên ngoài cửa đi vào. - Chào thím. – Bác ấy tiếp lời. – Anh chị tính về một nhà để lo cho nhau, có người tâm sự cũng đỡ buồn. Nay nhân dịp có em ở đây, nói với em một tiếng để em nói lại với chú Việt. Mẹ tôi cũng gật gù, mẹ sống ở quê đến hơn 25 mới đi vào nam, đủ để biết bác kia cũng chẳng đàng hoàng gì mấy. Nhưng nhìn lại anh mình thì chả khá hơn là bao, mây tầng nào thì gặp gió tầng đó. Thôi thì đã quá nửa đời người rồi, có người bầu bạn cũng được. Với lại mẹ tôi có không đồng ý thì cũng vậy, chả giải quyết được gì, họ thông báo cho có lệ thôi. - Dạ, mời chị dùng cơm. Nam ơi! Vào ăn cơm nè con. Ngồi ăn, hai người kia cứ làm những cử chỉ tình tứ với nhau. Tôi thấy ngưỡng mộ vì họ đã từng này tuổi rồi mà vẫn như mấy đứa bạn tôi lúc ngồi căn tin với nhau. Còn mẹ thì có vẻ không ưa cho lắm. Tò mò tôi hỏi: - Thế hai bác khi nào đám cưới ạ? – Quả thật lúc đó tôi hỏi câu này chả giống như một đứa lớp 10 hiểu chuyện gì cả nhưng vì tôi thích ăn đám cưới lắm. Toàn nhưng món ngon, đó giờ bố mẹ đi đám mang về toàn đồ xịn. Tôi xin đi mà chẳng cho. Tôi nghĩ đám cưới họ hàng thì tôi phải được đi chứ nhỉ. - Không! Hai bác chỉ là người yêu của nhau thôi. – Bác ba nói như kiểu xem tôi là một đứa con nít. Nghe thế, dù không được ăn cưới, tôi cũng an tâm phần nào, bác đã hơn 60 rồi mà vẫn có người yêu thì chắc tôi sẽ không phải cô đơn suốt đời. Với cái tính của tôi thì dám lắm chứ chẳng đùa. Mỗi buổi, cả bên ngoại tụ tập lại nhà của một người ăn nhậu hết một lượt thì thôi. Chiều hôm ấy, mẹ con tôi qua nhà dì Liên chơi. Dì thua mẹ tôi gần chục tuổi mà đã lên chức bà rồi, thằng cháu năm nay lên lớp một chứ chẳng ít. Vậy là tôi lên chức bác, nghe vậy tôi thấy mình to lớn hơn hẳn. Nhà dì làm ruộng, những ngày này vẫn phải ra đồng, chỉ còn có mấy đứa nhỏ ở nhà. Nay có mẹ tôi nên dì ở nhà trò chuyện với mẹ, chị em hàn huyên với nhau mấy chuyện thuở đâu đâu. Tôi đi tìm thằng cháu để chơi, nó học lớp 1 nên chắc không đanh đá giống mấy đứa cấp hai, giang hồ giống mấy anh cấp ba hay nhõng nhẽo giống mấy đứa mầm non. Nói là tôi đã lên cấp 3 chứ trải nghiệm tôi chả có mấy. Năm năm cấp 1 học ở trường của bố mẹ, lên cấp 2 thì bị cái mác con giáo viên và định danh được hình thành ở 5 năm cấp 1 điều khiển. Tôi chỉ có đến trường học rồi đi về, những ngày vô cùng buồn tẻ. Riết rồi quen, tôi cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn với bản thân mình. Nhiều khi nhìn bọn bạn cùng lứa nam nữ ngồi ăn tình tứ ở căn tin hay trên xe đạp lúc về tôi không hiểu bọn nó lấy thời gian đâu ra trong khi thời gian học tôi còn không có. Hèn gì bọn đó, chẳng có đứa nào học hành khá khẩm cả, chỉ toàn mấy bọn đàn đúm trốn học đánh bi-a, đầu tóc thì đủ màu. Hôm trước còn có vụ bị cắm sừng tức quá đấm cửa kiếng, tôi chẳng hiểu chúng nó nghĩ cái gì nữa. Đi tìm thằng cháu để chơi, tôi muốn chơi thử mấy trò chơi dân gian của ngoài này xem thế nào. Tìm khắp nơi mà chả thấy nó đâu, không biết ngóc ngách trong nhà tôi chỉ có thể đi quanh quẩn ngoài sân. Bỗng nhiên lại cái cảm giác đó, chạy vội ra cổng, bóng người lướt qua rẽ vào một con hẻm nhỏ. Tôi chạy đến nơi thì chỗ rẽ đó chỉ là một cái hốc. Cô gái chẳng thấy đâu chỉ thấy thằng cháu mình ngồi co ro dưới đất. Chắc tôi nhìn sai khoảng cách các con hẻm, khu này mấy cái hẻm như nhau, nhà nào cũng có một đám mạ ở trước cửa, mẹ tôi cũng đi lạc mấy lần mới đến được đây. Bất lực, tôi chẳng đuổi theo nữa. Nghe tiếng thút thít của thằng cháu, tôi khom xuống hỏi thăm: - Sao vậy cu? Ngước mặt lên, nước mắt dàn dụa. Thấy tôi, nó vội lau chùi làm lem luốc hết cả. Chắc nó tính giấu không cho tôi biết. Tôi trấn an nó: - Kể bác nghe. Bác không nói lại với bà đâu. – Xưng hô có làm tôi hơi ngượng. Cái hốc hẹp, tôi đứng chắn ở ngoài, nó muốn chạy ra cũng không được. Chấp nhận hoàn cảnh, trông tôi cũng không có vẻ gì là nham hiểm, nó nói với tôi, vừa nói vừa thút thít: - Cháu bị em yêu đá rồi. Nó đi theo thằng Khang nhà giàu hơn. – Cảm xúc rất thật, nếu để so sánh cho cân xứng thì như bị cướp mất đồ chơi quý báu vậy. Nghe qua tôi xém phì cười, mới tí tuổi đầu mà đã. Giọng nói tội nghiệp tiếp tục: - Bác Nam lớp 10 rồi thế có bị bao giờ chưa ạ? Bác chỉ con với, con cảm thấy buồn quá. Chết cười với ông cụ non này mất thôi, nhưng đúng thật là tôi chỉ biết cười trong bụng chứ chả thể làm gì để giúp thằng cháu tội nghiệp của mình. Tôi biết gì đâu mà tư vấn cơ chứ. Đỡ nó đứng dậy, hai bác cháu đi ra ngoài bờ kênh ngồi. Thả hai chân xuống khua khua dòng nước đang trôi, tôi nói: - Bác giữ bí mật vụ này với bà ngoại mày. Đổi lại mày cho bác hỏi một câu nhá. - Vâng ạ. – Giọng nó vẫn còn sụt sùi, vì chả nghe được câu an ủi nào còn bị hỏi cung. - "Em yêu" của mày ấy, sao mày "yêu" nó vậy? – Tôi nói mà ngượng mồm khiếp. - Nó yêu cháu chứ cháu đã yêu nó đâu ạ. Tôi ngơ người, hỏi lại: - Thế sao mày buồn vậy? - Cháu cũng chẳng biết nữa. Để cháu kể bác nghe. – Nó nói một câu thản nhiên nhưng lại với cái giọng sầu của mấy ông trung niên tâm sự chuyện đời. Nhớ lại chuyện cũ làm cảm xúc dâng trào bên trong, nó cố nói tiếp trong khi nước mắt bắt đầu chảy và cái miệng méo xệch xuống: - Ẻm hay quan tâm cháu lắm. Lúc nào cũng nhắc nhở cháu nộp vở tập viết, nhắc nhở cháu học bài, trực nhật nữa. Không có ẻm nhắc chắc là cháu bị cô đánh cho rồi. Chắc ẻm phải yêu cháu dữ lắm mới dành nhiều thời gian lo lắng cho cháu vậy. Vậy mà hôm trước, lúc ra về, ẻm đang nhắc cháu dọn chỗ ngòi chì dưới hộc bàn thì lại bỏ ngang chạy đuổi theo thằng Khang nhắc nó vứt giấy trên bàn. - "Ẻm" của mày làm lớp trưởng hả? – Tôi thấy có gì đó ngờ ngợ nên hỏi tiếp. - Vâng! Ẻm học giỏi với xinh gái nhất lớp nên được làm lớp trưởng. Trong lớp nhiều thằng thích ẻm lắm, vậy mà ẻm chỉ quan tâm nhắc nhở mỗi cháu nên chắc ẻm yêu cháu. Ai ngờ đâu, vài bữa sau bỏ cháu theo thằng Khang. Tôi ôm đầu chán nản. Còn nó vẫn nói tiếp: - Nó bỏ theo thằng Khang rồi chả xem cháu ra gì nữa. Lúc trước cháu ăn "Tôn Ngộ Không" nó còn khen cháu đẹp trai rồi ăn ké. Thế mà mấy bữa sau, nó nhìn cháu ăn rồi bảo ăn mấy thứ ung thư. Tôi thật sự không hiểu nên hỏi: - Mày có yêu nó đâu, sao mày buồn dữ vậy? - Vừa nãy cháu nói rồi, ai mà biết được. Tự nhiên lúc nghĩ đến cháu thấy buồn thì khóc thôi. - Thôi, ông con đừng khóc nữa. Tết mày chỉ cần ăn chơi, lười biếng chảy thây ra, bác cá chắc lúc đi học gặp lại mày nó sẽ "yêu" lại mày cho xem. - Bác chắc không? – Nhìn nó có một niềm tin cực kỳ lớn vào tôi. - Chắc! Đến lúc đó mày xin bà gọi điện vào cảm ơn bác nghe chưa? Nó vẫn còn một chút nghi hoặc. - Bác móc nghéo đi. - Hai bác cháu ngồi đó làm gì đấy? – Giọng nói phát ra cùng với tiếng xe máy, thằng Lam con dì út chạy xe đến. Ở đây duy nhất nó bằng tuổi tôi, hình như nhờ có tôi mà nó phấn đấu học tiếp cấp 3. - Anh Nam đi thả diều không? Thằng Bảo nghe thấy nhảy cẩng lên: - Đi! Đi! Cậu cho con đi với. – Mới vừa nãy nó còn đang sầu đời vậy mà.. - Lên xe. Em tống ba được. - Để anh bảo bác Ánh một tiếng đã. Dân ở đây chạy xe đến phát sợ, đường thì nhỏ mà chạy thì nhanh, ngõ nào như ngõ đó chả thể nào phân biệt được. Bị công an dí chắc chạy vào làng là thoát. Ra khỏi làng, nó chạy trên con đường đất giữa những cánh đồng. Khung cảnh đồng ruộng, lúa xanh rờn này mới đúng là làng quê chứ. Gió thổi mùi làng quê ào ào qua mặt tôi, những cây lúa dạt dào theo gió như một cơn sóng hoàng hôn đổ xuống. Thả mình thư giản giữa không gian tuyệt diệu này thì xe dừng lại. - Hết tiền. Nó chở tôi đến nghĩa trang của làng, tôi nhìn nó kiểu "ở đây thật á?". Thằng Bảo giục tôi xuống xe cho nó xuống, trông nó chẳng có vẻ gì là sợ hãi cả. Thấy tôi e ngại, Lam mới nói cho biết. Ông ngoại tôi ngày xưa làm quản trang ở đây, ông chỉ mới nghỉ có hai năm trước thôi nhưng vẫn hay lui tới, anh em chúng nó lúc bé hay ra đây chơi với ông nên nơi này cũng trở thành quen thuộc. Bây giờ mới để ý, nó nói đi thả diều mà chả thấy mang diều theo. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chúng nó dắt tôi đến căn nhà tồi tàn nằm ở rìa ngoài nghĩa trang. Ở đây không có hàng rào hay gì đó quây lại, chỉ là một khu đất tập hợp lại nên không thể xác định được đâu là đầu đâu là cuối. Căn nhà quá sức tồi tàn nhưng không thể gọi là nhà hoang vì vẫn có người ở đó trông coi. Sau khi ông tôi nghỉ việc, ở đây giao lại cho một người quen bên thông gia của ông, vì anh ta lêu lổng không có nghề ngổng gì. - Anh Dương có đây không ạ? – Lam vừa đẩy cửa vào vừa hỏi. Mội người đàn ông cởi trần nằm phè ra trên chiếc ghế bố đặt ở góc phòng. Giữa nhà chất thành đống can 5 lít, vỏ bánh kẹo và mấy bộ bài tây. Chắc đêm qua, anh ta kéo lũ bạn đến đánh bạc rồi nhậu nhẹt. Chỗ này vắng người nên tha hồ mà cờ bạc chẳng ai biết cả. Thằng Lam đi thẳng ra phía sau nhà, đem lên một con diều cá mập. Chúng tôi lên con đường phía trên để thả, Lam chạy xe máy để kéo con diều bay lên rồi đưa cho tôi và Bảo. Chúng nó thả diều rất nghệ, diều cứ bay cao tít trên trời dù cho trời mùa này không có gió là mấy. Đến lượt tôi, cầm lấy dây rồi tôi càng thêm thán phục tụi nó, nhất là thằng Bảo. Chưa được thả diều lần nào nên tôi nghĩ nó cũng dễ thôi, nó bay lên rồi chi cần cầm dây kéo kéo nhưng không đơn giản như vậy. Tôi không nghĩ mình đủ sức để giữ nó lại chứ nói gì kéo, con diều ở trên không mà cảm giác nặng chịch. Một phút lơ đễnh, tôi tuột tay, cái lon quấn dây rơi xuống, bung hết dây ra, tuột luôn cả cái nút thắt. Cố với lấy sợi dây đang lơ lững nhưng không được, con diều mất kiểm soát bay lên cao rồi xà xuống khu nghĩa trang. - Ể, bác đi lụm đi. – Thằng Bảo bĩu môi. - Đi vào chung, rộng thế sao tìm một mình được. – Thằng Lam biết ý tôi vẫn còn hơi rén. - Nhưng bác Nam làm rơi mà. Bảo không đi lụm đâu. - Thế cũng được, mày ở trên này trông xe cho cậu. Cậu với bác xuống đó tìm. Trông cho cẩn thận đấy, đừng có mà táy máy cái gì. - Vâng! Hai đứa chúng tôi đi xuống, lần theo sợi dây còn nằm trên đất. Làm rơi con diều là lỗi của tôi nên tôi khẩn trương đi tìm, dù sao trời cũng đã ngà ngà tối. Không còn nghe thấy bước chân đằng sau nữa, tôi quay lại nhìn thì không thấy Lam đâu. Quá tập trung vào sợi dây, xung quanh sương mù lúc nào chẳng hay, tôi bắt đầu thấy rén. Đã đi được khá xa, chẳng nhẽ bây giờ quay lại? Tôi tiếp tục lần theo dây đi tiếp, chỉ cần còn cầm dây trên tay thì kiểu gì chẳng tìm được đường ra. Cảm nhận được một sự hiện diện nào đó, tôi chạy thật nhanh về phía trước, con diều cá mập đang bơi lơ lững ở trên không cao hơn đầu tôi một chút. Chưa kịp nhận ra có điều gì đó kỳ lạ, tôi chạy tới để lấy con diều. Vì nó ở trên cao hơn tôi nên tôi nghĩ nó mắc vào cái cây nào đó bị sương mù che phủ không thấy rõ. Nhảy lên chộp lấy, tôi ngã về phía trước. - A! – Phía bên dưới tôi phát ra tiếng kêu đau. Ánh hoàng hôn đỏ rực của buổi chạng vạng chiếu xuyên qua làn sương dầy, tôi nhìn rõ mình đã ngã đè lên thứ gì. Cô gái lúc trước! Tôi hoảng sợ, thật sự hoảng sợ còn hơn cả thấy ma nữa. Đó giờ tôi chưa từng tiếp xúc với con gái gần như vậy. Một cô gái đẹp như vầy càng không thể nào. - A! A! A! – Đến lượt tôi hét lên. Lùi ra xa, tôi cố giải thích: - Không không, tôi chỉ lấy con diều thôi.. - Không sao, không sao. – Cô gái ôn tồn nói. - Tôi đi thăm mộ thì vô tình thấy con diều rơi xuống. Ra là của cậu à? - Dạ.. – Cô gái nhìn lớn tuổi hơn nên tôi đổi cách xưng hô và còn cảm giác có lỗi. Kiểu như một đứa con nít bị trách mắng đã tối rồi còn ra chỗ này thả diều. - Trời tối rồi, cậu cũng mau về đi. Tôi còn chút việc nữa. - Dạ em cảm ơn! Quay mặt đi về phía sau, cô gái mất dần vào làn sương mù dày đặc. Tôi nói với theo: - Em cảm ơn cả buổi tối hôm trước nữa ạ. Tôi vui vẻ lần theo sợi dây để về, sương mù dần tan, tôi bước ra khỏi khu nghĩa trang. Nhưng chỗ này không phải chỗ vừa nãy, chẳng thấy hai đứa kia đâu cả. Trời đã tối, tôi cố gắng tìm ánh đèn từ căn nhà tồi tàn kia nhưng cũng chẳng thấy. Có lẽ đầu kia của sợi dây không có ai giữ nên đã bị gió thổi đến đây. Không biết đường, tôi đứng yên tại đó, không dám đi lung tung, lạc thì lại khổ. Tôi la lên kêu hai đứa kia, trời đã tôi không thấy tôi đâu chắc chúng nó cũng đang đi tìm thôi. - Lam! Bảo! Trước mặt là khu đất nghĩa trang còn xung quanh là đồng ruộng, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng của mình bị phản lại, vang vọng ở đằng xa. - Bảo.. Liều lĩnh tiến về phía tiếng động đó, may cho tôi đó là thằng Lam. Thấy tôi nó chạy vội vàng đến. - Anh Nam hả? Sao anh ở tận bên này vậy? Anh có thấy thằng Bảo đâu không? - Anh lần theo sợi dây để quay về thì nó dẫn ra chỗ này, anh lấy được con diều rồi nè. – Lo khoe chiến tích tôi quên mất tình hình hiện tại. - Mà thằng Bảo bị làm sao cơ? – Nhìn dáng vẻ lo lắng của Lam, tôi nhớ lại hỏi. - Lúc đi vào sương mù dày quá nên em đi lên để mở đèn xe rọi vào cho nhìn rõ đường, em có bảo anh đứng lại đợi rồi đấy. Quay lên thì chẳng thấy thằng Bảo với cái xe đâu cả. Tôi hốt hoảng: - Có khi nào nó bị bắt cóc rồi không? - Nói không phải chứ anh nghi "ông" Dương gì đó lắm. Rượu chè bài bạc, thiếu tiền bắt cóc nó rồi lấy luôn cái xe máy không chừng. - Ừ nhỉ. Em quên mất ông đó. Hai anh em chạy về lại chỗ căn nhà tồi tàn, ban đêm càng làm nó thêm phần đáng sợ. Bên trong tối om, chẳng nhìn thấy gì. Nếu lẻn vào hay rọi đèn bị phát hiện với bộ dạng lén lút thì chỉ có chết. Chúng tôi giả vờ không biết gì về thằng Bảo cả, gõ cửa thật lớn gọi: - Anh Dương ơi! Ông gọi anh có việc gì kìa. Anh Dương ơi! Gọi vài lần nhưng chẳng có ai ra mở cửa, biết bên trong không có người, chúng tôi đẩy cửa vào. Tiếng cánh cửa ọt ẹt, sàn nhà bằng gỗ kêu cót két, thứ chúng tôi sợ lúc này là người chứ chẳng phải ma. Đốt ánh đèn dầu lên để thấy đường đi, căn nhà vẫn như lúc chiều chúng tôi vào. Chai lọ, bài bạc vẫn lăn lốc, bừa bộn. Xác định rằng thằng Bảo không có ở đây, chúng tôi chuồn về báo cho ông. Chưa kịp bước chân ra khỏi cửa thì tên kia về. Một giọng nói ở phía ngoài gọi vào: - Chúng mày đến sớm thế. Tao hẹn tí nữa cơ mà. Do ánh đèn, hắn tưởng đám bạn của hắn đến đợi từ trước. Chúng tôi sợ quá, trốn qua phòng kho. Theo lời hắn nói thì chốc nữa bạn hắn sẽ đến, vì thế chúng tôi phải hành động thật là nhanh gọn rời khỏi đây. - Chúng mày đâu hết rồi? Để đèn ở đây không canh dễ cháy lắm đấy. Hắn đã vào nhà, hình như chỉ một mình hắn. Không có tiếng kêu, rên ư ử nào của con nít, bước chân hắn cũng không nặng nề như đang bế thêm một người. Đều nhận ra được điều đó, bốn mắt chúng tôi quay sang nhìn nhau, trường hợp xấu nhất là thằng Bảo đã bị đem đi nơi khác rồi. Nhìn bóng của hắn phảng phất trên bức tường đối diện, chúng tôi căn thời cơ lao ra cướp xe chạy khỏi đây, Lam vẫn còn giữ chìa khóa dự phòng. Có lẽ hắn đang dọn phòng đợi đồng bọn đến ăn nhậu, hút chích, cờ bạc. Ngọn đèn chúng tôi để ở một góc phòng. Khi cái bóng hiện lên to nhất, che kín hết ánh sáng ra bên ngoài, chúng tôi lao ra thật nhanh, xung quanh bóng tôi duy chỉ có chỗ hắn đang ngồi là phát sáng. Cầm cây trên tay, tôi phang bừa vào chỗ đó câu giờ cho Lam khởi động xe. Chạy thật nhanh ra xe, tôi nhảy tót lên, không để ý rằng thằng Bảo vẫn còn đang ngồi trên xe. Lam phóng thật nhanh về, tim tôi còn vẫn còn đang đập nhanh như muốn nhảy ra ngoài sau pha vừa rồi. Ra đến rìa nghĩa trang, đối diện có các ánh sáng trắng, vàng rọi ngược lại chúng tôi. Đồng bọn của tên Dương đến đúng lúc chúng tôi sắp tẩu thoát thành công. Lam hoảng quá, lao xe xuống khu nghĩa trang bên dưới. - Ê bọn bay nghe tiếng gì không? - Có. Nghe như té xe ấy, vừa nãy tao cũng có thấy ánh đèn. - Hay là thằng Dương lại xỉn rồi đâm xe xuống dưới kia. – Bọn chúng vẫn chưa biết đến sự tồn tại của chúng tôi. - Rọi đèn xuống xem thử đi. Tao nghe gần mà, chắc quanh đây thôi. Tôi kéo thằng bảo và Lam ra khỏi xe, né vội ánh đèn, núp sau một ngôi mộ. Lam ngồi phía trước đập đầu vào xe bất tỉnh, thằng Bảo thì muốn nói gì đó, chắc là kêu khóc. - Suỵt.. Chúng nó phát hiện bây giờ. – Bịt miệng thằng Bảo lại, tôi nói khẽ. - Um, um – Thằng Bảo cố gắng hét lên mà không thành lời. Đột nhiên, có tiếng còi inh ỏi. Xe cấp cứu ở đâu chạy đến. Đám người kia cũng ngẫn tò te ra chẳng hiểu gì. Có người khác ở đây, tôi không sợ nữa mà hét lên. - Ở đây! Ở dưới này. Đám người kia chạy xuống phụ bọn tôi đỡ Lam lên trên, chắc có người khác ở đây nên chúng đóng vai người tốt. Trán Lam chảy nhiều máu, nó vẫn còn nằm bất tỉnh. Các bác sĩ chuẩn bị chở nó đi thì có một cuộc điện thoại, giọng con gái ở phía đầu dây bên kia, giọng nói đã qua điện thoại nhưng vẫn rất quen thuộc. Chiếc xe cấp cứu tiếp tục chạy đến chỗ căn nhà tồi tàn. Ngồi sau thùng xe, tôi đang tập trung xem các bác sĩ sơ cứu vết thương cho Lam. Xe dừng lại, vài người đi xuống. Một lát sau mang lên một người đầu bê bết máu, khuôn mặt cháy xém mất một nửa, tay cũng bị bỏng nặng. Hình như là tên Dương. Vết thương của Lam không nghiệm trọng lắm nhưng vì bị mất máu quá nhiều nên chỉ cần chậm một chút nữa là nguy hiểm đến tính mạng. Anh Dương còn tệ hơn nữa, bị tôi phang vào sau gáy ngã xuống làm đổ cái đèn dầu dẫn đến cháy căn phòng. Anh bị phỏng mất nửa khuôn mặt và một cánh tay, đầu chấn thương đến giờ vẫn chưa tỉnh. Tất cả chỉ là hiểu lầm, anh Dương mượn xe đi mua đồ về tối nhậu chứ không có bắt cóc gì cả. Tối hôm qua, ảnh rủ bạn đến nhậu, chơi trò kể chuyện ma với không gian đó thì còn gì bằng nên mới rủ thằng Bảo ở lại chơi cho vui. Nhờ có tôi mà hai người mất một cái tết chọn vẹn, phụ tiền chạy chữa thì hai mẹ con tôi không có đủ tiền để đi tàu vào lại trong nam. Chúng tôi chỉ có thể mua ít bánh trái đi thăm bệnh. Mọi thứ đều do tôi gây ra, cảm giác tội lỗi bao trùm lấy tôi. Mười lăm năm, lần đầu về quê ăn tết mà lại xảy ra cớ sự này. Nhưng tôi không hề bị chửi, mọi tội lỗi đổ hết lên đầu thằng Lam, người vừa từ cõi chết trở lại. Tại thằng Lam rủ tôi đi chơi đến mấy chỗ không đâu, tại Lam để thằng Bảo ở một mình trông xe, tại nó lao xe xuống nghĩa trang.. Nó lại hiền lành đến mức nhận mọi lỗi lầm về phía mình, tôi không còn biết gặp mặt nói chuyện như thế nào với nó nữa. Ngồi thẩn thờ ở trước cửa phòng bệnh, tôi vu vơ, thật may khi lúc đó xe cấp cứu và cứu hỏa đến kịp thời. Người gọi thì chẳng biết là ai, bạn của anh Dương có gọi cũng không thể đến nhanh như vậy được. - Sao không vào trong mà lại ngồi đây vậy? – Tôi như vừa nhận ra một điều gì đó khi được hỏi từ giọng nói quen thuộc. Cô gái hôm trước cầm theo giỏ trái cây đứng trước mặt tôi. - Dạ!.. – Tôi dật mình. - Dạ, vừa nãy em vào rồi. Bây giờ để cho nó yên tĩnh nghỉ ngơi. - Nó đang nghỉ ngơi à? Thế t.. chị không vào thăm được rồi. - À không, chị cứ vào đi ạ. Chị ấy cố tình trêu tôi. - Vậy chị vào nhé. Một thứ gì đó thao thức tôi hỏi ngay lập tức: - Khoan đã!.. - Hử? - Có phải chị là người đã gọi cứu thương với cứu hỏa phải không ạ? Chị ấy cười. - Chắc thế. – Rồi đẩy cửa đi vào trong. - Sao anh không vào phòng ngồi? Anh cũng giận em à? – Giọng thằng Lam. Tôi ngẩng mặt lên chẳng thấy ai cả, giọng nói ban nãy lại tiếp tục phát ra ở phía bên trong phòng bệnh. - Có người nói rằng anh mới là người đáng lo nên nhờ em nói vài lời. Anh không cần phải giận bản thân đâu, nhờ vậy mà em đã có một trải nghiệm khá thú vị đấy. Lúc ngất đi, hình như em gặp bà ngoại thì phải. Nhưng bà nói chưa đến thời khắc của em nên là em vẫn còn sống đây nè. Tôi chỉ ậm ừ, nghe câu chuyện của nó. Nó cũng biết cách an ủi người khác đấy chứ. - Lúc đó em được nói chuyện với bà, bà nhắn nhủ nhiều điều lắm. Tiếc là em tỉnh dậy sớm quá. - Được rồi, được rồi. Nhưng mà chú dì cứ.. - Bố mẹ em chửi em vậy thôi chứ không có ý gì đâu. Kiểu như trước mặt người khác phải tỏ vẻ này nọ ấy mà. Tôi im lặng, chỉ khẽ gật đầu, mĩm cười. Cửa mở, chị gái đi ra. - Chị xong công việc ở đây rồi. Chào nhé. Nói rồi chị ấy lại đi mất hút, để lại tôi một mình mông lung. Tôi rất muốn đuổi theo nhưng lúc đó lại cảm thấy thỏa mãn và buông xuôi. Từ hôm ấy trở đi, tôi không còn gặp lại chị ấy nữa. Một tuần sau, tôi vào lại trong nam. Lúc chia tay mọi người, khi ở ga tàu, hình bóng chị ấy cứ thoáng qua, xuất hiện khắp mọi nơi nhưng không phải. Về đến nhà, bị cuốn vào cuộc sống vốn có, cuốn vào áp lực học tập của trường chuyên, tôi dần nhãng đi mấy việc ở quê nhưng vẫn còn vướng bận điều gì đó. - Nam! Thằng Bảo nó gọi điện cho con nè. – Một ngày đẹp trời, mẹ nhận được một cuộc điện thoại từ dì. - Alo! - Bác Nam hả? Em lớp trưởng yêu lại cháu rồi. Cảm ơn bác nhá. - Ừ. Nhất mày rồi. Tôi ngây người, vừa nhận ra một điều gì đó. - Năm sau bác về chơi lần nữa, mày nhớ khao bác cái gì đấy nhá. Tôi muốn về quê, hôm trước tôi đã để quên thứ gì đó ở ngoài đấy. Tôi đỗ vào trường đại học có tiếng trên Sài Gòn. Gặp gỡ tình đầu của mình rồi chia tay sau vài tháng quen nhau. Do tôi bận học, không có thời gian lo cho cô ấy. Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được công ty nước ngoài mời về làm việc. Ở đó tôi quen được vợ mình, chúng tôi làm khác phòng ban quen nhau nhờ một buổi tiệc của công ty. Cô ấy đã đến vỗ lưng tôi và đưa tôi về nhà khi tôi say khướt. Chúng tôi có với nhau một đứa con trai, khi nó lên bốn, tôi và vợ sắp xếp công việc đưa bố mẹ về quê. Lần này đã có điều kiện, tôi đưa cả nhà đi bằng máy bay. Xuống đến nơi đã thấy Lam đứng đợi sẵn. Lam cũng khá giả, nó tậu hẳn một chiếc bảy chỗ chở cả nhà về. Lần này có cả bố đi cùng nên chúng tôi về nhà nội trước rồi đến tối mới tụ tập lại nhà ngoại ăn nhậu. Hôm sau đã là hai sáu, mọi người kéo nhau đi tảo mộ. Ra đến nghĩa trang, ký ức ngày nào ùa về. Cái nghĩa trang tồi tàn khi xưa đã khang trang hơn, có rào, có cổng đàng hoàng. Cả căn nhà cũ cũng được xây lại sau khi bị cháy. Không còn cảm thấy ân hận nữa, tôi thấy thật nhẹ nhõm. Thăm mộ ông bà nội xong, gia đình tôi qua phần mộ của ông bà ngoại. Tôi khuỵu xuống, không nói nên lời. Trước mắt tôi là hình ảnh của cô gái năm xưa. Những giọt nước mắt tự động chảy. - Anh bị vấp à? Có làm sao không? – Vợ tôi thấy thế hỏi. Gạt đi nước mắt, quay lại nhìn về phía vợ và thằng nhỏ kháu khỉnh. Tôi mỉm cười khoe với bà gia đình hạnh phúc của mình. Hết