Trọng Sinh Trở về năm 1994 - Người làm vườn

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi người làm vườn, 18 Tháng tư 2022.

  1. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Tên truyện: Trở Về Năm 1994

    [​IMG]

    Tác giả: Người Làm Vườn.​


    Văn án: Nếu cho bạn một điều ước. Bạn sẽ ước điều gì?

    Kiều Anh nhìn vòng eo bánh mỳ của mình không cần suy nghĩ đáp: "Tôi muốn giảm mười cân."

    Có lẽ là ước nguyện quá mức giản dị đến thần tiên cũng cảm động. Chỉ một giấc ngủ dậy Kiều Anh đã thành công giảm xuống còn 20 cân. Nhìn tay nhỏ chân nhỏ Kiều Anh khóc không ra nước mắt. Làm giàu cưa trai gì đó là không khả năng. Học sinh tiểu học như cô trước hêt an phận học tập đi.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng tư 2022
  2. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 1: Trọng sinh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kiều Anh hai tay chống cằm nhìn qua chấn song cửa sổ. Đến bây giờ cô vẫn không thể tin được mình trọng sinh về sáu tuổi. Người khác có lẽ sẽ vui sướng đến phát điên. Về thập niên chín tư sẽ có bao nhiêu cơ hội đang chờ đón bạn. Làm giàu đi lên đỉnh cao nhân sinh không phải chuyện khó đúng không?

    Nhưng với kẻ nghèo hèn lại học sinh dở như cô sẽ đối mặt điều gì? Đó là trong túi không có một xu, là mười hai năm gian khổ học tập. À không, với sự kỳ vọng của lão mẹ còn phải thêm bốn năm đại học nữa. Mười sáu năm, nghĩ thôi trước mắt cô tối sầm lại. Quá khó khăn, cô cần bình tĩnh trong chốc lát.

    "Anh Anh, con còn chưa ngủ dậy à?"

    Chưa kịp thương xuân bi thu Kiều Anh đã bị tiếng rống của lão mẹ làm hoàn hồn. Nhìn tuổi trẻ hai mươi mấy năm lão mẹ, Kiều Anh không khỏi cảm khái: "Mẹ cô dù ba mươi hay năm mươi tuổi sức sống bắn ra bốn phía." Này không lão mẹ vừa đi vừa nói không ngừng nghỉ: "Biết hôm nay là ngày gì không mà còn ngồi ngẩn người? Khai giảng lớp một đấy. Nhanh lên kẻo muộn!"

    Có lẽ nhìn khuôn mặt dại ra đến ngu si của Kiều Anh, mẹ cô đành phải xách cô xuống giường. Năm mười bước cô đã bị lão mẹ xách đến sân giếng cạnh nhà. Lão mẹ thuần thục lấy gáo múc nước đổ vào chậu nhựa nhỏ. Thấy nước gần đầy mẹ đứng dậy lấy khăn mặt trên dây phơi xuống đặt vào chậu nước. Hai tay vò qua lại mấy lần mẹ cô vắt khô khăn. Một tay giữ cằm cô một tay nhẹ nhàng chà lau mặt. Chỉ chốc lát khuôn mặt đã sáng sủa không ít. Lau xong mặt lão mẹ không nhàn rỗi, tay nhanh nhẹn lấy bàn chải nhỏ nặn chút kem đánh răng đưa cho cô. Kiều Anh toàn bộ quá trình ngoan ngoãn như rối gỗ. Tay cô cầm bàn chải đưa lên miệng đánh răng. Không biết do động tác quá mạnh tay hay là nguyên nhân khác. Một em răng cửa của cô đã anh dũng hi sinh.

    Sau khi an táng xong chiếc răng sữa Kiều Anh ngồi xuống xử lý bữa ăn sáng của mình. Một bát mỳ với trứng tráng. Với tình hình kinh tế nhà cô bữa ăn này đã thật không tồi rồi. Bố mẹ cô đều là nông dân. Thu nhập hàng năm chỉ tạm đủ ăn. Bố cô có nghề phụ là làm mộc. Nhưng tay nghề không cao chỉ làm lặt vặt kiếm khoản thu nhập thêm. Nghĩ đến bố Kiều Anh quay sang hỏi lão mẹ: "Bố con đi đâu vậy mẹ?"

    "Bố con sang làng bên làm nghề mộc. Hôm qua mới nói con quên rồi sao?" Mẹ tôi khó hiểu hỏi lại.

    Kiều Anh có thể nói cái gì chỉ cười trừ rồi hỏi sang chuyện khác: "Chị Ngọc Anh đi đâu mà không ăn sáng vậy mẹ?"

    Đúng vậy nhà cô có hai đóa kiều hoa đặt tên khá là mỹ miều: Ngọc Anh và Kiều Anh. Ở hàng loạt giấy khai sinh thị này thị kia. Thì tên của chị em cô không khác gì hoa hồng giữa một rừng hoa dại. Tuy tên này cũng mang đến cho cô những phiền phức không hề nhỏ. Ví dụ như tên cô luôn nằm trong tốp đầu sổ đầu bài, lại ví dụ như thầy cô giáo dễ dàng ghi nhớ tên cô. Đối với học sinh dở thì việc thầy cô giáo nhớ tên mình không khác gì một hồi tai nạn. Chuyện cũ nhắc lại mà kinh!

    Bỏ qua những phiền phức này cô còn khá thích tên của mình.

    "Chị con sáng nay đi sớm gặp giáo viên chủ nhiệm." Mẹ cô vừa nói đến con gái lớn tinh thần lại phấn chấn lên cảm khái nói: "Chỉ là lớp trưởng tép riu thôi mà họp này họp kia!"

    Giọng ghét bỏ mà miệng mẹ cô cười toét đến tận mang tai. Kiều Anh quay mặt đi không lỡ nhìn thẳng. Mẹ cô vui vẻ vậy cũng đúng thôi. Ở nông thôn thời buổi này, con đường thay đổi đời duy nhất chỉ có thể là học thật giỏi. Thi đỗ đại học ra tìm việc ngồi văn phòng là niềm mơ ước của các bậc cha mẹ. Cho dù là học sinh kém như Kiều Anh kiếp trước bố mẹ cô cũng bắt cô phải học xong cao đẳng. Tuy rằng sau lại công việc của cô chẳng chút liên quan gì đến ngành cô học cả. Nhưng cô vẫn luôn cám ơn sự duy trì của bố mẹ. Nghĩ đến bố mẹ vất vả nuôi cô lên người kiếp trước. Nhìn đến nụ cười hạnh phúc của lão mẹ lúc này. Cô quyết định vẫn là làm cho bố mẹ vui vẻ tự hào về mình vẫn hơn. "Không phải học tập sao? Cô có thể!"

    Kết thúc bữa sáng, lão mẹ cẩn thận dắt ra chiếc xe đạp Phượng Hoàng huyền thoại. Đây là phương tiện đi lại duy nhất trong nhà cô. Kiều Anh lại gần lưu luyến vuốt lên xe mấy lần. Đây là lão chiến hữu của cô. Kiếp trước nó đồng hành với cô suốt quãng đời học sinh. Đến khi cô vào cao đẳng mới thôi. Không nói đến hình thức xấu đẹp, độ bền khỏe của em xe này bỏ xa những chiếc xe đạp khác mấy con phố. Cho nên Kiều Anh rất tự tin leo lên ghế sau ngồi xuống. Lão mẹ quay lại kiểm tra thấy cô ngồi ổn, nhấc chân đạp xe về phía trước.

    Chiếc xe từ từ lao ra ngoài đường làng. Đường làng vẫn là đường đất thô sơ lồi lõm. Lão mẹ kỹ thuật tạm ổn, thuần thục lé qua hết ổ gà ổ vịt. Hôm nay vì vụ răng sữa rụng trì hoãn thời gian. Nên khi mẹ con cô đến trường tiểu học rất đông người đã vây kín cổng trường. Lão mẹ dựng xe đạp bên đường, dắt tay Kiều Anh dáo dác tìm kiếm người quen.

    "Anh Anh, ở bên này!" Không đợi mẹ con cô tìm lâu lắm, phía trước một hàng có mấy bé trai bé gái vẫy tay gọi cô. Đến gần Kiều Anh phát hiện mấy khuôn mặt vừa quen vừa lạ này. Đây chẳng phải đồng bọn của cô sao?

    "Các bạn nhỏ đã lâu không thấy!"
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng năm 2022
  3. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 2: Khai giảng ngày đầu tiên.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bước vào sân trường, cảnh tượng trước mắt làm Kiều Anh không khỏi kinh ngạc. Hai hàng xà cừ được trồng thẳng tắp. Chính giữa trung tâm là tòa nhà hai tầng khang trang sạch đẹp. Ở niên đại này, mà có khuôn viên trường học đẹp thế kia đúng là không dễ. Tuy đã lâu rồi nhưng cô nhớ mang máng phòng học tiểu học của cô trông rất rách nát tồi tàn! "Chẳng lẽ cô đã nhớ lầm!"

    Sự thật chứng minh trí nhớ của Kiều Anh là hoàn toàn chính xác. Tòa nhà hai tầng kia là dành cho khối bốn, năm và các giáo viên làm việc. Còn phòng học của cô và khối hai, ba ở đằng sau tòa nhà. Đó là hai dãy nhà cấp bốn, thấp bé đơn sơ lâu năm thiếu tu sửa. Không ngờ trường học cô cũng có chiêu treo đầu dê bán thịt chó này!

    Vào phòng học cô giáo chủ nhiệm trước hết sắp xếp chỗ ngồi cho mỗi học sinh. Không phải theo chiều cao của các bé, mà là theo làng. Hiện tại tiểu học cơ cấu khá đơn giản. Mỗi lớp có khoảng hai lăm đến ba mươi bé. Tùy vào số lượng các bé mà trường học gộp hai làng vào nhau cho đủ quân số. Làng Kiều Anh khá nhỏ. Đủ độ tuổi vào lớp một tính sơ sơ mới có mười hai bé. Làng bên cạnh cô có mười tám bé. Vừa lúc gộp thành một lớp. Đều không quen biết nhau, nên việc sắp chỗ ngồi như này hoàn toàn hợp lý.

    Trong lớp có mười bộ bàn ghế chia làm hai hàng. Mỗi bàn ngồi ba em học sinh. Kiều Anh chọn chỗ gần cửa sổ ngồi xuống. Theo sau cô là Thủy đứa bạn thân như hình với bóng với cô. Này không, ngồi chưa kịp ấm chỗ Thủy đã quay sang hỏi: "Anh Anh, sao hôm nay đi muộn thế?" Làm cô chờ hồi lâu.

    "Sáng nay tớ gãy chiếc răng." Kiều Anh nhỏ giọng trả lời.

    Đáp lại cô là tiếng cười của cô bạn: "Ha ha ha cuối cùng cậu cũng dám nhổ nó hả?"

    Chuyện này cũng không trách Thủy phản ứng lớn như vậy. Thay răng lần đầu ai chẳng sợ hãi. Tiểu Kiều Anh sợ đau không dám nhổ. Để răng lung lay cả tuần không cho ai động vào. Sáng nay trời xui đất khiến thế nào mà, em răng đó đã tự rụng. Cũng coi như nó sống thọ và chết tại nhà.

    Chuyện trò vài câu, Thủy cũng sợ cô giáo chủ nhiệm phát hiện. Ngoan ngoãn khoanh tay nghe cô giáo dặn dò.

    Ngày đầu tiên khai giảng không phải lên lớp giảng bài. Cô giáo điểm danh xong thì nói sơ qua về nội quy trường học. Chẳng biết phía dưới đám củ cải nhỏ nghe vào nhiều ít. Chỉ thấy những cái đầu nhỏ ghé vào cùng nhau xì xào không ngừng. Kiều Anh chán đến chết nhìn qua cửa sổ, cuối thu bên ngoài cảnh sắc tiêu điều chẳng có gì đáng xem. Suy nghĩ của cô lại bắt đầu bay xa.

    Kiếp trước cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường ở nông thôn. Tuy vật chất thiếu thốn nhưng cô cũng nhận đủ tình thương từ bố mẹ. Mẹ cô chỉ sinh được hai chị em cô. Ở nông thôn việc nối dõi tông đường được xem rất nặng. Không sinh được con trai, người ta sẽ nói bóng nói gió cười nhạo. Đối với việc có sinh được con trai hay không bố cô nghĩ rất thoáng. Nhưng mẹ cô lại canh cánh trong lòng. Vì vậy, mẹ cô cố gắng bồi dưỡng chị em cô thành tài. Bà muốn cho mọi người thấy con gái bà không thua kém con trai nhà khác.

    Sự cố gắng của bà đã được đền đáp. Chị gái cô vô cùng ưu tú. Thành tích học xuất sắc, thi đỗ trường đại học danh tiếng. Trở thành hình mẫu "con nhà người ta" trong làng. Tốt nghiệp ra trường chị cô tìm được công việc nhẹ nhàng và thể diện trên thành phố lớn. Tại đây quen biết và kết hôn với ông anh rể là người thành phố. Kể từ đây, chị gái cô thoát mác gái quê, trở thành đối tượng được các cô gái trong làng hâm mộ.

    So với chị gái cô, nhân sinh của Kiều Anh ảm đạm hơn rất nhiều. Việc học của cô rất tầm thường. Cái bóng của chị gái cô quá lớn, khiến khoảng thời gian làm học sinh của cô không mấy vui vẻ. Cô không thích học tập. Hậu quả là thành tích học tập của cô xuống dốc không phanh. Cũng may mẹ cô phát hiện kịp thời. Bà đã động viên an ủi cô rất nhiều, giúp cô lấy lại động lực để học tiếp. Có lẽ do tình thương của mẹ cô thời điểm đó quá lan tràn, di chứng để lại là cô đã biến thành một cô nàng mập mạp. Thời kỳ dậy thì rất dễ tăng cân. Mà cô ý chí lại không kiên định. Tăng cân nhưng không giảm lại được. Một thân thịt mỡ này đã theo cô cho đến trước khi trọng sinh không hề thay đổi.

    Cô chỉ thi đỗ một trường cao đẳng gần nhà. Bằng cấp không cao cộng thêm ngoại hình mập mạp. Cô phải khó khăn lắm mới xin vào làm kế toán cho một công ty tư nhân. Làm được hơn một năm công ty cô đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Cô trở thành dân thất nghiệp. Cô nộp hồ sơ khắp nơi nhưng chẳng được nhận vào công ty nào. Quá chán nản cô về nhà ăn bám bố mẹ.

    Nhưng bố mẹ cô xuất thân nông dân, nuôi hai chị em cô đi học ông bà đã gánh còng cả lưng rồi. Nhìn bố mẹ già nua hơn tuổi thật rất nhiều cô tỉnh ngộ. Cô chung vốn với bạn mở cửa hàng bán quần áo. Thời gian đầu không kinh nghiệm, bán hàng không đủ ăn. Sau lại mấy năm cô cố gắng rất nhiều rốt cuộc việc buôn bán của cô có khởi sắc. Trước khi trọng sinh, cô đã kiếm đủ tiền xây nhà mới cho bố mẹ cô ở. Thế mà một giấc ngủ dậy, cô chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Nghĩ đến mà lòng đầy chua xót.

    "Anh Anh, về thôi!" Chưa kịp thương xót kiếp trước, Kiều Anh đã bị cô bạn gọi tỉnh.

    "Cậu nghĩ gì mà xuất thần vậy?" Thủy quay sang hỏi cô. Kiều Anh cười cười không trả lời. Nói sang chuyện khác: "Cô giáo đi đâu vậy?"

    "Cô giáo nói xong hô giải tán rồi đi luôn." Quả nhiên, Thủy bị rời đi lực chú ý quên lúc trước hỏi cô cái gì!

    Kiều Anh gật đầu đứng dậy theo Thủy rời khỏi lớp học. Vừa đi cô vừa hỏi Thủy xem cô chủ nhiệm nói gì vừa rồi. Tuy khó hiểu vì sao đều ở trong lớp mà cô còn hỏi những việc này, nhưng Thủy vẫn kiên nhẫn thuật lại lời cô giáo nói. Tổng hợp lại cũng chỉ là bao giờ đi học chính thức, đi học cần mang những gì, bao giờ họp phụ huynh. Kiều Anh gật đầu ghi nhớ.

    Đi đến gần cổng trường, Kiều Anh tinh mắt phát hiện chị gái cô ở trong sân trường. Cô giơ tay vẫy gọi, chẳng mấy chốc chị cô đã đứng trước mặt cô. Nhìn chị cô lúc này, cô không khỏi buồn cười. Cho dù sau này chị cô có ăn mặc sành điệu đến đâu, thì lúc này áo hoa quần thụng vẫn làm khí chất chị cô rơi rớt ít nhiều.

    "Em hôm nay khai giảng thế nào?" Chị cô quan tâm hỏi.

    Dù trải qua kiếp trước bị chị cô nghiền nát trên mọi mặt trận. Nhưng tình cảm của cô với chị gái mình còn khá tốt. Cô vui vẻ kể lại chuyện xảy ra từ sáng tới giờ cho chị cô nghe. Ba người chậm rì rì đi bộ về nhà.

    Trường cấp một cách nhà cô không xa, đi bộ tầm mười phút là về đến nhà. Đến cổng nhà Kiều Anh chào từ biệt Thủy, nhanh chóng đi tìm mẹ cô.

    "Mẹ ơi, con đã về rồi!" Vừa vào đến sân cô đã gào lên. Mẹ cô đang hái rau ngoài vườn nghe thấy vội đi ra hỏi cô: "Hôm nay đi học thế nào? Cô giáo có nhắc nhở gì không?"

    Cô không biết chán mà thuật lại những gì Thủy nói với cô. Còn rất trẻ con làm nũng ôm đùi mẹ cô cọ cọ.

    "Giờ cô mới sáu tuổi thôi, cô có thể làm nũng đúng không?"
     
    THG Nguyen, Lagan, Tiên Nhi11 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng năm 2022
  4. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 3: Cuộc sống hàng ngày

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chị em cô về nhà không bao lâu thì trời bỗng nhiên đổ mưa. Cơn mưa mang theo hơi nước làm xua tan đi cái hanh khô của những ngày cuối thu.

    Lúc này, mẹ cô và chị cô đang bận rộn chuẩn bị làm bữa trưa. Kiều Anh nhàn rỗi không có việc gì lẽo đẽo theo chị cô vào bếp. Còn chưa kịp đến cửa bếp đã bị mẹ cô xách lên. Đúng vậy, Kiều Anh lại bị mẹ cô xách lên như xách một con gà con. "Con lên nhà ngay đi. Đừng đi vào bếp." Mẹ cô trực tiếp hạ mệnh lệnh với cô.

    Từ thái độ của bà cho thấy bà không muốn cô lại gần nhà bếp. Cô đột nhiên nhớ ra, mẹ cô từng kể cho cô một chuyện. Chẳng là hồi bé Kiều Anh rất tinh nghịch, có một lần cô không cẩn thận làm cháy bếp. May mắn mẹ cô kịp thời phát hiện, cứu cô ra khỏi đám cháy. Nghe mẹ cô kể lại, lúc mẹ cô bế cô ra thấy trên đầu cô bốc lửa làm bà sợ hết hồn. Đến khi dập lửa xong tóc với lông mày của cô đã không cánh mà bay. Nhìn cô như vậy mẹ cô vừa bực mình vừa buồn cười. Nhưng cuối cùng Kiều Anh cũng không tránh khỏi một bữa ăn no roi.

    Kể từ đấy mẹ cô không cho cô xuống bếp nữa. Sau khi lớn lên trình độ nấu ăn của cô vô cùng thê thảm. Mọi người cho là cô không thiên phú. Nhưng cá nhân cô ngụy biện cho rằng, muốn nấu ăn ngon phải được hun đúc từ bé. Mẹ cô đã làm lỡ mất thời gian hoàng kim tích lũy kinh nghiệm của cô. Nên việc cô nấu ăn kém cỏi là lẽ đương nhiên. Không thấy mẹ cô bồi dưỡng chị cô từ nhỏ, lớn lên chị cô thành người đa tài đa nghệ. Giờ cô mới sáu tuổi còn có nhiều thời gian để cải thiện trình độ nấu nướng của mình.

    Trận mưa nay không kéo dài lâu, ba mươi phút sau thì tạnh hẳn. Trưa nay bố cô không về nhà, chỉ còn lại ba mẹ con cô ăn cơm. Thức ăn khá đơn giản, một đĩa cá kho, một đĩa rau muống và một bát cà muối. Đây là bữa ăn phổ biến ở nông thôn thời điểm hiện tại.

    Kiều Anh không kén ăn, cô còn rất thích ăn cá. Cá là cá đồng tự nhiên, không ăn thức ăn chăn nuôi nên thịt chắc và thơm. Mẹ cô kho cá rất kỹ. Khi ăn sẽ cảm nhận được bên ngoài thịt chắc bên trong xương mềm.

    Sau khi ăn xong cơm trưa, Kiều Anh thấy hai mắt mình nặng trĩu. Hóa ra từ bé cô đã có thói quen ngủ trưa. Cô thuận theo nhu cầu của thân thể, leo lên giường nhắm mắt lại. Không đầy năm phút cô đã chìm vào mộng đẹp.

    Lúc tỉnh dậy, Kiều Anh hơi hoảng hốt không biết mình ở nơi nào. Tỉnh táo lại cô nhìn hoàn cảnh xung quanh chỉ phải buông tiếng thở dài. Cô nhìn lên đồng hồ treo tường thấy kim đồng hồ chỉ hai giờ ba mươi phút. Tính ra cô đã ngủ hơn hai giờ.

    Kiều Anh xuống giường đi ra ngoài nhà, thấy chị cô đang ngồi ở bàn học. Chị cô rất ít đi ra ngoài chơi. Thời gian chủ yếu của chị cô là dành cho học tập và giúp mẹ cô làm việc nhà. Trái ngược với chị cô, Kiều Anh rất hoạt bát và hướng ngoại. Trong làng này đường ngang ngõ tắt chỗ nào chẳng có dấu chân cô.

    Cô kéo ghế ngồi xuống bên cạnh chị cô. Bàn học là bố cô tự đóng cho hai chị em cô học tập. Trên bàn bày ba chồng sách giáo khoa được sắp xếp lần lượt theo thứ tự từ lớp một đến lớp ba. Sách này được chị cô giữ gìn rất tốt, trang bìa còn hoàn chỉnh sách không bị cuốn mép. Không có gì xảy ra cô sẽ là người thừa kế tiếp theo của những chồng sách này. Việc chị truyền lại đồ cho em là một việc bình thường ở thời này. Không chỉ là sách vở, còn quần áo và giày dép nữa. Những vật dụng này được truyền đi truyền lại đến lúc hỏng mới thôi.

    Từ bé đến lớn cô đã thói quen dùng lại đồ cũ của chị cô. Vì cô biết, bố mẹ cô nuôi hai chị em cô ăn học không dễ dàng gì.

    Cô quay sang vẫn thấy chị cô vùi đầu viết chữ. Tò mò đến gần xem thì thấy là bài tập lớp ba. Cô kinh ngạc hỏi: "Hôm nay mới khai giảng mà chị đã được giao bài tập về nhà rồi à?"

    Chị cô không ngẩng đầu lên vừa viết vừa trả lời cô: "Chị đang soạn bài trước. Lúc đi học cô giáo giảng thêm một lần nữa sẽ hiểu bài kỹ hơn."

    Nghe câu trả lời của chị cô, Kiều Anh không khỏi bất ngờ. Chị cô năm nay mới tám tuổi mà đã tự giác học tập đến trình độ này. Bảo sao thành tích của chị cô xuất sắc như thế. Bị tinh thần hiếu học của chị cô cảm nhiễm. Kiều Anh cũng mang sách giáo khoa lớp một ra xem. Nội dung rất đơn giản nên cô đọc nhanh như gió. Chỉ trong chốc lát cô đã xem xong sách giáo khoa lớp một. Cô tiếp tục lấy thêm sách giáo khoa lớp hai. Không đến ba mươi phút cô đã xem xong sách giáo khoa của lớp một và lớp hai. Nhìn sang bên cạnh thấy chị cô vẫn mải mê làm bài. Ngồi không cũng nhàm chán, Kiều Anh nhớ ra từ lúc cô tỉnh ngủ đến giờ chưa nhìn thấy mẹ cô. Cô bèn hỏi chị cô: "Mẹ đi làm gì hả chị?"

    Lần này, chị cô mới ngẩng đầu nhìn cô trả lời: "Mẹ ra ngoài đồng xem lúa chín chưa?" Nói vậy là sắp bước vào vụ gặt rồi. Những năm thập niên chín mươi này, máy móc rất thô sơ. Cấy gặt toàn dựa lao động thủ công thôi. Nhà cô chỉ có bố mẹ cô là lao động chính. Cô nhớ mỗi lần hết vụ cấy hoặc gặt bố mẹ cô lại gầy đi trông thấy. Nghĩ đến đây tâm trạng của Kiều Anh giảm xuống.

    Ngọc Anh thấy em cô trở lên héo héo tưởng rằng cô sợ gặt lúa nên nói chuyện sang đề tài khác: "Mai mẹ đi chợ đấy." Ngày xưa, mỗi lần đi chợ các bà các mẹ đều sẽ mua quà về dỗ dành trẻ con ở nhà. Chỉ là vài cái kẹo hoặc vài cái bánh cũng làm cho lũ trẻ vui mừng cả ngày. Vì vậy lũ trẻ luôn ngóng người lớn đi chợ.

    Kiều Anh không thích ăn kẹo, bánh. Cô chỉ có hứng thú với chợ thôi. Cô muốn đi tìm hiểu giá cả thị trường giờ thế nào? Xem có cơ hội kiếm tiền nào không? Ở quê cô có hai chợ, một là chợ Phiên chỉ mở hai lần một tháng. Còn lại một chợ nữa là chợ Huyện. Chợ này ngày nào cũng mở, hàng hóa nhiều hơn.

    "Mai mẹ đi chợ nào chị biết không?" Cô hỏi.

    "Mẹ đi chợ Huyện, em hỏi chuyện này làm gì?" Mỗi lần mẹ cô đều mua kẹo. Đi chợ nào chẳng giống nhau.

    Kiều Anh trả lời rất tự nhiên: "Em muốn đi chợ với mẹ."

    "Mẹ lần này đi chợ còn mang theo rau đi bán nữa. Em không có chỗ ngồi đâu." Chị cô dội gáo nước lạnh.

    Nhưng Kiều Anh lại rất tự tin nói: "Em giúp mẹ bán rau." Bán hàng là thế mạnh của cô. Ba cái mớ rau sao có thể làm khó được cô.

    Thấy cô kiên quyết như vậy. Chị cô cũng không khuyên nữa. Dù sao mẹ cô sẽ không đồng ý.

    Chờ mẹ cô từ ngoài đồng trở về, Kiều Anh vội nói cho mẹ cô dự định của mình. Nghe xong cô nói, mẹ cô ngay lập tức từ chối. Lý do giống như chị cô vừa đưa ra. Kiều Anh cũng không nản chí, cô trực tiếp tung ra chiến thuật "làm nũng." Với ba mươi năm kinh nghiệm cô không tin mẹ cô có thể ý chí sắt đá được với cô.

    Thế là, mẹ cô đi đến đâu là cô đi đến đấy, nghiễm nhiên biến thành trùng theo đuôi của mẹ cô. Mỗi lần mẹ cô quay lại nhìn cô, cô sẽ dùng ánh mắt đáng thương nhìn lại. Vài lần như vậy mẹ cô bắt đầu có dấu hiệu mềm hóa nhưng bà vẫn chưa lên tiếng xác nhận.

    Phải đợi đến buổi tối bố cô về nhà, thấy sự bất thường của cô. Ông quay sang hỏi mẹ cô: "Kiều Anh hôm nay làm sao vậy?"

    Lúc này, mẹ cô mới kể ra mong muốn của cô và nỗi khó xử của bà. Việc nhỏ này sao có thể làm khó được bố cô. Ông lập tức quyết định: "Ngày mai anh nghỉ một hôm, chút nữa đi mượn thêm một chiếc xe đạp. Mai cả nhà mình đều đi chợ chơi." Vậy là hoàn mỹ. Bố cô đúng là "ông bố của năm!"
     
    THG Nguyen, Lagan, Tiên Nhi9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tư 2022
  5. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 4: Đi chợ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sáng sớm, mặt trời còn chưa nhô lên, trên mặt đất vẫn phủ một tầng sương lạnh. Cả nhà Kiều Anh đã trang bị đầy đủ mọi thứ chuẩn bị xuất phát đi chợ Huyện. Tính ra bây giờ cũng chưa đến năm giờ sáng. Tuy phải dậy sớm nhưng trên mặt bốn người một tia buồn ngủ cũng không có. Ở thời này, việc ngủ sớm dậy sớm đã thành thói quen. Con cú đêm như Kiều Anh, hôm qua cũng thích ứng thói quen này vô cùng tốt đẹp.

    Lúc này, cô đang đứng trên thành xe, hai tay bám lên tay lái. Mẹ cô ngồi phía sau hai tay vòng qua người cô cầm tay lái. Đằng sau là một sọt rau xanh các loại. Bên cạnh bố cô cũng giống mẹ cô như vậy chở chị cô cùng một sọt rau. Cả nhà khí thế bừng bừng lao thẳng đến chợ Huyện.

    Chợ Huyện cách nhà cô gần năm cây số, bố mẹ cô phải đạp xe mất hơn hai mươi phút mới đến nơi. Từ xa đã nhìn thấy dòng người qua lại tấp nập. Đến gần cổng chợ, bố mẹ cô dừng xe lại dỡ xuống hai sọt rau.

    "Hai đứa ở ngoài này trông đồ, không được chạy loạn biết không?" Mẹ cô dặn dò.

    "Con biết rồi mẹ!" Hai chị em cô đồng thanh trả lời. Thấy vậy, bố mẹ cô mới mang xe đi gửi. Không đến năm phút bố mẹ cô đã trở lại. Lúc này cả nhà cô mới đi vào trong chợ.

    Chợ Huyện kiến trúc đơn giản, chia làm ba khu bán hàng. Một khu chuyên bán quần áo giày dép những vật dụng hàng ngày. Một khu dành cho thực phẩm tươi sống thịt cá và rau dưa. Còn cuối cùng một khu là chuyên bán thức ăn sáng và quà vặt.

    Cả nhà cô tiến thẳng đến khu thứ hai, nơi đây đang là giờ cao điểm, người bán kẻ mua rất là nhộn nhịp. Bố mẹ cô tìm chỗ không có người bày hàng rồi để sọt rau xuống. Sau đó không có sau đó, bố mẹ cô cứ đứng như vậy chờ khách đến mua. Kiều Anh há hốc mồm ngạc nhiên hỏi bố mẹ cô: "Cứ như vậy cũng bán được hàng ạ?"

    Bố mẹ cô gật đầu: "Đúng vậy. Chờ đến khách hỏi mua là được." Lại hai người khách đi qua, bố mẹ cô vẫn vững như thái sơn không hề nhúc nhích mời chào. Kiều Anh nhìn biểu hiện của hai người bắt đầu tự hỏi: "Hay đây phương thức bán hàng ở thời đại này?"

    Cô bắt đầu quan sát những người xung quanh, phát hiện thật đúng là không ít người đều "ôm cây đợi thỏ" như bố mẹ cô. Cô đề ra nghi vấn: "Những lần trước bố mẹ có hết hàng không?"

    Bố mẹ cô không được tự tin lắm trả lời: "Còn thừa một ít mang về." Nói xong ông bà lại bắt đầu phát sầu nhìn hai sọt rau. Sáng nay hai người hái nhiều quá. Không biết chút nữa bán hết không?

    Kiều Anh thở dài, bắt đầu hướng dẫn từng bước bố mẹ cô cách bán hàng: "Bố mẹ có nhìn thấy đằng trước người ta bán hàng không?" Bố mẹ cô theo nhìn về phía trước mặt, ở đó có quầy hàng rất đông người vây xung quanh.

    "Bố mẹ có thấy bên đó người ta bán được nhiều hàng không ạ?" Kiều Anh tiếp tục dẫn dắt.

    Bố mẹ cô gật đầu liên tục còn rất hâm mộ nói: "Bọn họ bán sắp hết rồi. Nhìn rau của họ còn bằng nhà mình đâu!"

    Kiều Anh mỉm cười nhìn sự chất phát của bố mẹ. Cô không lòng vòng nữa trực tiếp đề nghị: "Bố mẹ học theo bọn họ dao hàng là được."

    Nhìn hàng đối diện gào to đến khản cả tiếng, bố mẹ cô lắp bắp không biết trả lời sao. Hai người cũng biết làm như vậy bán hàng sẽ nhanh hơn. Nhưng mà gào to giữa chốn đông người, hai vợ chồng cảm thấy rất ngại ngùng. Thấy bố mẹ mình giả chết không chịu trả lời, Kiều Anh cũng không ép buộc bố mẹ.

    Tư tưởng ở nông thôn thời này thường là rất bảo thủ. Họ đã quen với việc tự cung tự cấp, cuộc sống thường ngày chỉ vây quanh với lũy tre làng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đó, bố mẹ cô không thể dùng mấy câu nói mà thay đổi được. Cô sẽ dùng hành động để thuyết phục họ. Thấy có nhóm người đi qua Kiều Anh vội gào lên:

    "Ai mua rau đi. Rau vừa hái vừa tươi vừa non nào!" Kiều Anh vừa gào vừa lấy rau từ trong sọt ra bày bên ngoài. Tiếng gào của Kiều Anh không lớn nhưng giọng trẻ con rất đặc biệt. Có mấy người dừng chân quay lại xem, thấy một nhà bán rau. Điều ngạc nhiên là người dao hàng lại là đứa bé nhỏ tuổi nhất.

    "Rau này bán như thế nào?" Có người lại gần hỏi. Bố mẹ Kiều Anh thấy cô chỉ gào như vậy đã có người hỏi mua, kinh ngạc vô cùng còn chưa kịp trả lời thì đã nghe con họ dõng dạc nói: "Tất cả các loại rau ở đây đều bán hai trăm đồng một mớ. Bác muốn mua mấy mớ ạ?"

    Bố mẹ Kiều Anh giật mình, rõ ràng sáng nay lúc cô hỏi giá họ đã báo cho biết giá rồi cơ mà. Sao cô lại báo giá gấp đôi. Chẳng là, sáng nay trên đường đi Kiều Anh đã hỏi bố mẹ cô giá bán rau. Nghe xong, cô còn là hỗn độn trong gió một lúc mới phục hồi tinh thần lại. Mớ rau mới có một trăm đồng. Ở hiện đại, mệnh giá này đã không lưu hành từ lâu rồi. Thế mới thấy tiền ở thời điểm này giá trị thế nào.

    "Đắt vậy! Một trăm đồng một mớ rau cháu bán không?" Người khách kia kiên trì trả giá. Kiều Anh không chút hoang mang nói: "Không được đâu bác ơi! Rau nhà cháu sáng nay mới hái xuống vẫn còn tươi lắm. Bố mẹ cháu toàn chọn ngọn non để hái thôi. Bác xem mớ rau to hơn mớ rau nhà khác nhiều." Vừa nói Kiều Anh vừa đưa mớ rau cho người khách xem xét. Thấy mớ rau giống như lời Kiều Anh giới thiệu người khách lại chần chừ lại không muốn mua với giá cao.

    Lúc này, Kiều Anh mới lại nói tiếp: "Như thế này được không bác, nếu bác mua hai mớ rau cháu bán cho bác ba trăm đồng. Coi như bác mở hàng cho nhà cháu thế nào ạ?"

    Người khách định mua lại nhớ ra từ nãy giờ nói chuyện toàn là bé con này, sợ giá này hai người lớn không đồng ý, mới thử hỏi: "Giá này bố mẹ cháu có đồng ý không?"

    Bố mẹ cô xem toàn bộ quá trình, giá cao hơn so với bọn họ mong muốn nhưng ai lại ngại tiền nhiều. Hai người vội vàng gật đầu. Người khách lúc này mới hài lòng, tỏ vẻ muốn mua hai mớ rau. Đưa rau, thu tiền cả người bán và người mua đều vui vẻ kết thúc giao dịch này.

    Khách hàng vừa đi, Kiều Anh quay sang nhìn bố mẹ nói: "Chỉ đơn giản thế này thôi! Cũng không khó lắm đúng không ạ?"

    Bố mẹ cô gật đầu nhưng ông bà vẫn có điều không hiểu: "Lúc trước nói giá bán một trăm, sao con lại tăng lên gấp đôi. Nhỡ người ta nghe xong bỏ đi thì sao?"

    Kiều Anh biết bố mẹ cô là người thành thật, nên cô rất kiên nhẫn giải thích: "Người ta mua hàng đều cảm giác giá mình mua là đắt. Con báo giá cao, họ sẽ trả giá. Con sẽ thuận lợi giảm đến giá con quy định ngay từ đầu. Người mua thấy giá giảm, được thỏa mãn quá trình mua bán. Thế có phải là tốt hơn không?"

    Cái này thì bố mẹ cô hiểu, nhưng lúc này ông bà lại bất ngờ phát hiện, con gái mới sáu tuổi sao biết những thứ này vội hỏi: "Con học cách này từ đâu?"

    Nói ra nhiều như vậy Kiều Anh đã nghĩ sẵn lý do rồi, cô nói: "Con xem ông bán hàng rong đều dùng cách này bán hàng. Con thử dùng xem sao thế nhưng cũng có hiệu quả!" Bố mẹ cô tiêu tan nghi ngờ, cả nhà xúm lại phân công nhau hành động, Kiều Anh vẫn phải làm loa, không làm không được bố mẹ và chị gái cô vẫn chưa đạt cảnh giới mặt dày như cô. Mặc cả giá giao cho mẹ cô. Bố cô và chị cô phụ trách đưa rau và lấy tiền. Phân công rõ ràng mọi người làm việc đâu vào đấy, không mấy chốc mà bán không ít hàng. Mấy hàng bên cạnh thấy vậy cũng học theo, khu bán thực phẩm rau xanh náo nhiệt vô cùng.

    Đến khi mặt trời lộ ra, Kiều Anh đoán tầm hơn sáu giờ nhà cô đã bán hết hàng. Bố cô chồng hai sọt không lại ôm đi trước, ba mẹ con cô theo sau. Cả nhà dậy sớm chưa ăn sáng, bố cô hỏi chị em cô ăn gì rồi vào quán bánh cuốn gần đó ăn. Trong lúc ăn, mẹ cô nhỏ giọng nói số tiền hôm nay kiếm được cho bố cô nghe. Nhà cô mang đi bảy mươi mớ rau các loại bán được mười hai nghìn đồng, nhiều ra một nghìn năm trăm đồng là những người mua không trả giá. Kiều Anh cảm khái: "Thời đại nào cũng có người ngốc nghếch lắm tiền!"

    Sau khi ăn uống no đủ, cả nhà đi đến hàng thịt mua hai cân mỡ lợn và một cân thịt ba chỉ. Đi qua cửa hàng văn phòng phẩm mua thêm một ít giấy bút. Xong xuôi hết mọi việc, cả nhà cô đi lấy xe về nhà.

    Đến đây, hành trình đi chợ hoàn mỹ kết thúc.
     
    THG Nguyen, Lagan, Tiên Nhi9 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 28 Tháng tư 2022
  6. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 5: Những chuyện vụn vặt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên đường về nhà bố mẹ cô vẫn luôn giữ tâm trạng vui vẻ. Ngay cả rất ít thể hiện cảm xúc như chị cô cũng sinh động hẳn lên. Kiều Anh tâm trạng cũng không tệ lắm. Tuy cô chưa tìm ra được cách kiếm tiền nhưng cũng không ảnh hưởng đến giây phút này cô an nhàn hạnh phúc bên người thân.

    Về đến nhà mới chín giờ sáng. Bố cô mang trả xe đạp cho bác hàng xóm, ba mẹ con cô mang theo đồ vào trong nhà. Đi qua khu vườn nhìn mấy luống rau trụi lủi mẹ cô tiếc nuối nói: "Rau nhà mình phải mất cả tuần nữa mới có thể lại được hái. Giá như vườn rau nhà mình lớn hơn nữa thật tốt. Ngày ngày có thể có rau bán."

    Nghe những lời lẩm bẩm này của mẹ cô, Kiều Anh dừng lại nhìn về phía vườn rau nhà mình. Vườn rau nhà cô bây giờ đã chiếm diện tích rất lớn. Để mở rộng thêm là không có khả năng. Nhưng ngày ngày bán rau vẫn là có biện pháp. Người dân trong làng nhà nào chẳng trồng rau, chỉ cần thu mua giá cả hợp lý mang đi bán cũng là một khoản thu nhập thêm. Chỉ sợ với tính cách của bố mẹ cô không muốn kiếm tiền của người làng thôi. Nghĩ vậy Kiều Anh vẫn thử mẹ cô: "Mẹ mua rau của người trong làng rồi mang đi bán cũng được mà."

    Mẹ cô mắt sáng lên gật đầu nói: "Cũng là ý kiến hay." Bà mới vừa nếm được chút ngon ngọt, người còn đang lâng lâng. Nhưng được một lúc bà lại nghĩ lại nói: "Nhỡ người làng mà biết nhà mình kiếm tiền từ họ thì không hay đâu. Vẫn là thôi đi."

    Quả nhiên mẹ cô phản ứng như cô đoán trước. Không nói đến thất vọng nhưng Kiều Anh vẫn có chút nản lòng. Cô sợ cả đời này bố mẹ cô vẫn cứ như kiếp trước vậy không có gì tiến bộ. Việc cô trọng sinh đối với bố mẹ cô sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

    Kiều Anh thở dài đi vào vườn rau. Trong thời gian tới nó sẽ là nơi kiếm tiền của nhà cô. Nhìn từng luống rau giờ chỉ còn nguyên gốc. Bây giờ mọi người trồng rau chưa sử dụng phân bón và chất kích thích. Nên rau lớn lên không nhanh, mỗi một lứa rau mất tầm bảy đến mười ngày mới được thu hoạch. Một tháng cũng được từ ba đến bốn lứa rau. Tiền thu không nhiều lắm nhưng có thể rèn luyện lá gan cho bố mẹ cô. Đúng vậy, mục đích cuối cùng của cô là hướng bố mẹ cô đi lên con đường buôn bán. Cô không coi trọng nghề nông của bố mẹ cô. Kiếp trước bố mẹ cô dành cả thanh xuân để làm ruộng. Kết quả về già cũng chẳng có gì trong tay. Cho nên thay đổi là điều tất yếu.

    Đang miên man suy nghĩ bất chợt cô đi đến hai cây mít trong vườn. Hai cây này là hai cây ăn quả hiếm hoi đã trưởng thành trong vườn nhà cô. Nhưng cho đến khi hai cây này bị chặt làm củi, nhà cô cũng chưa ăn được quả nào. Cô nhớ khi còn nhỏ mỗi lần làm sai bố mẹ cô lại phạt ra ôm gốc mít. Ôm qua ôm lại nhiều lần làm cô cũng có cảm tình với hai cây mít này. Thật không đành lòng làm bọn nó bị chặt bỏ. Nghĩ nghĩ cô đi vào trong nhà tìm một con dao ra. Chị cô thấy cô cầm dao thì vội hỏi: "Em cầm dao làm gì thế?"

    Kiều Anh trả lời: "Em định làm mẹo giúp mít ra quả." Chị cô thấy tò mò cũng ra xem. Đến nơi, Kiều Anh đổi chiều dao, cho phần sống dao hướng về cây rồi chặt. Chị cô giật mình vội chạy ra ngăn cản: "Em làm gì mà chặt cây vậy?" Kiều Anh cười cười: "Em đang dọa cây cho nó ra quả."

    "Cách này em học ở đâu?" Chị cô không tin tưởng lắm cái mẹo này. Kiều Anh sao có thể nói cô học cách này ở trên mạng được. Cô đành nói dối: "Em cũng không nhớ nghe được ở đâu nữa. Dù sao thì hai cây này không ra quả bố mẹ cũng chặt. Em thử xem biết đâu sang năm nó ra quả thì sao?"

    Chị cô thấy cũng hợp lý liền mặc kệ cô thích làm gì thì làm. Kết quả đợi đến khi mẹ cô ra gọi hai chị em về thì thấy hai cây mít loang lổ như bị chó gặm. Bà hỏi xong lý do thì cũng gia nhập đội quân chặt cây. Nhìn hai cây mít giờ thảm không lỡ nhìn Kiều Anh hơi chột dạ, cô nhớ hình như là phải áp dụng cách này vào đầu năm mùa xuân. Giờ đã cuối thu rồi, không biết hiệu quả không nữa.

    Xong xuôi hết thảy, mẹ cô mới nhớ ra mục đích ra gọi hai chị em cô. Kiều Anh được giao nhiệm vụ mang thức ăn vào cho bà nội cô. Kiều Anh ra sân giếng rửa sạch tay và mặt. Đi vào trong nhà mẹ cô đã chuẩn bị sẵn cặp lồng sắt. Mẹ cô thấy trời nắng, bà cầm chiếc nón lá đội lên cho cô. Kiều Anh thân cao chưa đến mét mốt, đội thêm chiếc nón size khủng trông cô như cây nấm. Mẹ cô nhìn thấy buồn cười, cũng không quên dặn dò cô: "Đi nhanh về nhanh còn về cơm. Vào nhà nhớ chào hỏi người lớn, biết không?"

    Kiều Anh gật đầu lia lịa, ôm cặp lồng nhanh như chớp chạy ra khỏi nhà. Đằng sau là tiếng mẹ cô kêu cô đi chậm lại. Đi ra nhà một đoạn, cô mới đi chậm lại. Bây giờ tầm hơn mười giờ, người đi làm đồng về nhiều, tốp năm tốp ba đi ở ngoài đường. Kiều Anh gặp ai cũng chào hỏi. Không hỏi không được làng cô hơn một nửa làng, đều cùng họ với cô.

    Nhà bà cô cách nhà cô không xa, đi một lát là đến nơi. Đứng ngoài cổng, Kiều Anh đã gào to lên chào hỏi. Lúc sau cô mới đẩy cửa bước vào nhà. Nhà bà cô rất có niên đại này hơi thở. Mái nhà làm bằng rơm, tường được chát bằng bùn, nền nhà là nền đất. Nhà được xây theo lối kiến trúc xưa, nhà bốn gian còn rất là rộng thoáng.

    Vào nhà, cô thấy bà đang bế thằng em con nhà chú. Bà thấy cô cũng chỉ gật đầu không nói gì. Kiều Anh lễ phép đặt cặp lồng sắt lên bàn rồi quay sang nói chuyện với bà cô: "Hôm nay bố mẹ cháu đi chợ mua được một ít thịt. Mẹ cháu đã nấu chín rồi, chút nữa bà ăn cơm chỉ cần lấy ra ăn là được."

    Nghe cô nói xong, bà cô gật đầu. Có lẽ sợ thằng em nó dậy bà cũng không nói nhiều mà tay chỉ về phía bàn nói: "Ở đó có gói kẹo, mang về chia cho chị cháu ăn đi."

    Kiều Anh do dự trong chốc lát rồi mới ngoan ngoãn đi về phía cái bàn. Ngăn kéo không khóa, chỉ kéo nhẹ là mở ra được. Bên trong đồ vật không nhiều chỉ có một hộp sữa bột, một túi đường cùng một ít linh tinh vụn vặt. Cô thấy góc bên phải có gói kẹo lạc. Túi đã được mở ra, cô lấy hai thanh kẹo rồi buộc túi lại đặt lại vị trí cũ.

    Lấy xong kẹo, Kiều Anh cảm xúc phức tạp nhìn về phía bà cô. Kiếp trước bà cô đã qua đời rất nhiều năm. Mà lúc này bà cô mới chỉ hơn năm mươi tuổi, tóc vẫn còn đen nhánh. Kiều Anh không có chút nào kích động khi gặp lại người thân sau bao năm âm dương cách biệt. Nguyên nhân gây ra cũng từ sự đối xử bất công của bà cô. Ai chẳng biết bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, tình mẹ con cũng có ít có nhiều. Nhưng đối tượng bị bất công là bố mẹ cô thì ai mà vui cho nổi. Không phải nói bà cô cỡ nào cực phẩm, bà chỉ không quan tâm đến nhà cô thôi. Hơn nữa bà cô còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, đối xử với chị em cô nhàn nhạt. Như vậy tình cảm bà cháu thân thiết là không có khả năng.

    Nhưng lúc này, cô lại thấy bà cô đáng thương. Cả đời vất vả vì chồng vì con. Kết quả bị chính đứa con mình thương yêu nhất tức chết.

    Cô cảm khái chỉ trong chớp mắt, rất nhanh cô lấy lại tinh thần chào tạm biệt bà cô. Cô vội vàng về nhà. Bố mẹ cô còn chờ cô về ăn cơm.

    Cô sắp về đến nhà, lại nghe đằng sau có người gọi cô. Quay lại xem hóa ra là Thủy. Chưa đến gần đã nghe Thủy ríu rít hỏi chuyện: "Sao hôm qua không thấy cậu ra sân đình? Tớ chờ cả buổi chiều."

    Sân đình làng cô là cứ điểm tụ tập của bọn nhóc con. Hồi bé cô cũng là một thành viên trong đó. Nhưng giờ sao, đương nhiên là cô không đi nữa rồi. Cô mỉm cười nói: "Mai đi học rồi, tớ ở nhà ôn bài."

    Thủy mắt đầy kính nể nhìn cô nói: "Thế mà cậu cũng hiểu được. Tớ còn chưa mở sách ra xem đâu!"

    "Không hiểu thì hỏi chị tớ. Năm nay chị tớ lên lớp ba rồi." Kiều Anh thuận miệng trả lời.

    Thủy không thích học tập chỉ nghĩ đến chơi. Nên không thích nói đề tài này nữa. Rất nhanh Thủy lại có chuyện mới chia sẻ với cô: "Cậu biết bố Thảo đi làm về chưa?"

    Kiều Anh sao mà biết được, cô rất phối hợp lắc đầu. Thủy lúc này như ấn nút mở, nói không ngừng: "Hôm qua bố Thảo về, bố nó mua về một chiếc Tivi đấy. Hôm qua hơi muộn nên không đến nhà Thảo xem Tivi, tớ định hôm nay rủ mấy người đi xem. Cậu đi không?"

    Tivi bây giờ vẫn là đồ hiếm trong làng cô. Chỉ có gia đình khá giả mới có tiền mua về dùng. Nhà nào mới mua Tivi, người trong làng sẽ kéo đến xem, náo nhiệt vô cùng. Dù sao buổi tối cô cũng không có việc gì nên quyết định đi xem cho vui. Hai người thống nhất thời gian rồi ai về nhà lấy.

    Về đến nhà, bố cô cũng về rồi. Mẹ và chị cô đang dọn cơm. Kiều Anh đưa kẹo cho chị cô, cô không thích ăn kẹo lạc nên vừa rồi cô đã đưa cho Thủy phần kẹo của mình. Chị cô cầm thanh kẹo hỏi: "Em lấy đâu ra kẹo vậy?"

    "Bà nội cho đấy." Sợ chị cô hiểu lầm bà keo kiệt cô lại bổ sung: "Bà đưa cho em một gói tùy ý lấy. Em chỉ lấy hai thanh thôi." Nói rồi Kiều Anh tiện thể báo cáo chuyến đi vào nhà bà nội cho bố mẹ cô nghe. Bố mẹ cô nghe xong cũng không nói gì. Thấy vậy, Kiều Anh quay sang hỏi chị cô có đi xem Tivi không. Chị cô hưởng ứng rất nhiệt tình, bữa cơm trưa nhà cô lại sinh động hẳn lên.

    Ăn uống no đủ Kiều Anh lại đi ngủ trưa. Tỉnh dậy, Kiều Anh nhàn đến mốc meo. Cô thấy làm trẻ con thật nhàm chán. Sáu tuổi như cô bây giờ ngoài chơi ra thật đúng là không có việc gì làm. Mà chơi thì không cần nói cũng thế, những trò chơi thời trẻ trâu cô là sẽ không chơi lại. Ở hiện đại bận rộn tối ngày, còn bây giờ cô chỉ cần nghĩ đến chơi gì thôi cũng thấy phiền não.

    Đột nhiên, Kiều Anh nhớ đến từ lúc trọng sinh về tới nay, cô còn chưa nhìn xem hồi bé trông cô thế nào. Cô lục tung nhà mới tìm được một cái gương to bằng hai bàn tay cô. Nhưng nhìn hình ảnh trong gương cô chỉ muốn khóc thét lên. Chỉ thấy trong gương, khuôn mặt cô vẫn tròn tròn, mắt hai mí, miệng trái tim, mũi nhỏ xinh. Vấn đề là lông mày và lông mi của cô không có. Mặt vẫn đen thui, tóc lởm chởm không ra hình dáng gì. Cô giờ đã biết, cô quay về cách hiện trường hỏa hoạn chỉ sau mấy ngày thôi. Thế mà cô vác khuôn mặt này đi khắp nơi, còn làm nũng các kiểu nữa. Cái mặt già của cô coi như mất hết!

    Giờ cứu giúp gương mặt thảm họa này được cô đặt lên hàng đầu, còn kế hoạch làm giàu gì đó đều đứng sang bên hết!
     
    THG Nguyen, Tiên Nhi, Lagan9 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng năm 2022
  7. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 6: Hoa thiên lý

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù đã rất cố gắng tìm cách cứu vớt khuôn mặt, nhưng cuối cùng Kiều Anh đành bất lực buông tay. Lý do rất đơn giản, nhà cô gì cũng không có. Mỹ phẩm, kem dưỡng da là những thứ đồ quá mức xa sỉ đối với gia đình cô hiện tại.

    Kiều Anh là một người lạc quan, rất nhanh cô đã cân bằng được cảm xúc của mình. Dù sao cô còn nhỏ, ai lại quan tâm đến một nhóc con trông như thế nào.

    Không còn bận tâm đến khuôn mặt, Kiều Anh lại khôi phục sức sống. Thấy góc nhà có chiếc ghế dựa, cô kéo nó ra ngoài nhà. Bên cạnh vườn rau có một giàn hoa thiên lý. Dây leo đã bò kín giàn không còn kẽ hở. Kiều Anh kéo ghế dựa đến dưới giàn hoa nằm xuống. Còn đừng nói, giữa thời tiết khô nóng này mà được nằm bò trên ghế, thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua. Nếu thêm một ly trà sữa nữa thì hoàn mỹ. Nhưng hiện tại không ai bán trà sữa cả. Thật ra cô cũng biết cách làm, nhưng trước kia mấy lần thực nghiệm của cô đều lấy thất bại làm chấm dứt.

    Tuy có tiếc nuối, nhưng không khí trong lành và yên tĩnh đã đền bù tất cả. Kiều Anh ngửa đầu nhìn về phía trên giàn hoa. Những chùm hoa lấp ló trong tán lá, nếu không để ý sẽ không nhận ra. Đếm đếm, cô phát hiện còn khá nhiều. Kiều Anh ngồi thẳng dậy, thói quen nheo mắt để nhìn cho rõ. Kiếp trước cô bị cận nhẹ nên có thói quen này. Lần này cô không có nhìn lầm, những chùm hoa chi chít mọc khắp cả giàn. Tinh thần ăn uống của Kiều Anh sống lại. Trong đầu cô hiện ra những món ngón làm từ hoa thiên lý. Canh cua nấu hoa thiên lý và thịt bò xào hoa thiên lý là hai món cô thích nhất. Thịt bò ở đây thì đừng nghĩ. Còn canh cua, không phải nói gì chứ nhà cô cái gì cũng thiếu nhưng riêng cua nhà cô có rất nhiều.

    Càng nghĩ càng thèm, Kiều Anh quyết định tối này cô sẽ ăn canh cua nấu hoa thiên lý. Tự biết mình quá lùn không thể hái được hoa. Kiều Anh đành phải xin viện quân từ chị cô: "Chị ơi! Giúp em với!" Kiều Anh gào to lên gọi chị cô.

    Chị cô đang mải làm bài nghe được tiếng kêu thất thanh của em mình thì hoảng sợ. Vội vàng chạy ra khỏi nhà.

    Ra đến nơi thấy em mình ngon lành đứng ôm rổ nhìn cô cười. Nhận định là em mình trêu đùa, chị cô giận sôi máu lườm cô nói: "Tốt nhất em có lý do chính đáng giải thích cho hành vi vừa rồi. Bằng không.." Chị cô đem hai tay hợp lại rồi bẻ khớp tay uy hiếp cô.

    Chị cô chưa nói hết câu, nhưng Kiều Anh hiểu chị cô muốn biểu đạt điều gì. Lập tức cô thu hồi thái độ cợt nhả. Đứng thẳng người lên, dùng ánh mắt chân thành nhất giải thích: "Em thấy hoa thiên lý ra hoa, em muốn ăn nhưng quá thấp không hái được nó. Nên em mới gọi chị ra." Cô cảm thấy chị cô thay đổi, sự dịu dàng dễ mến của chị cô đi đâu mất rồi.

    Nghe thấy hoa thiên lý ra hoa chị cô hai mắt sáng lên, chỉ hừ nhẹ một tiếng rồi ngẩng đầu xem giàn hoa. Quả nhiên nhìn thấy những chùm hoa thiên lý đang đung đưa theo gió. Nhìn một lúc, chị cô mới quay đầu bất đắc dĩ hỏi cô: "Em có gì hiểu lầm về chiều cao của chị đúng không?"

    Nếu Kiều Anh cao chưa được mét mốt thì chị cô cũng không khá hơn là bao. Chị cô cao một mét hai. Không hiểu cô lấy đâu ra tự tin cho rằng chị cô sẽ hái được hoa.

    Kiều Anh đương nhiên biết việc này, cô đã tìm được phương án giải quyết, cô nói: "Em tính rồi. Chỉ cần kê thêm bàn chị đứng lên nữa là vừa vặn."

    Nghe vậy chị cô tán thành cách làm này. Hai chị em vào nhà nâng chiếc bàn nhựa ra kê dưới giàn hoa. Chị cô cẩn thận trèo lên bàn, xác định bàn vững chắc chị cô mới bắt đầu hái hoa. Hai chị em phân công nhau làm việc. Chị cô phụ trách hái hoa và thả xuống. Kiều Anh ở dưới giữ bàn và hứng hoa. Hai chị em phối hợp ăn ý, chẳng bao lâu đã hái được một rổ. Kiều Anh tinh mắt phát hiện còn rất nhiều hoa trên giàn. Tính ra số hoa chị em cô hái mới chỉ hết một phần ba. Hoa thiên lý ở trạng thái nụ hoa là ăn ngon nhất. Khi đã nở toe toét rồi thì ăn kém ngon hơn.

    Kiều Anh rất thích ăn hoa thiên lý nhưng cô lại không thường ăn. Bởi vì, ở hiện đại hoa này được bán rất đắt. Có thời điểm hoa này giá đắt ngang với thịt. Thế mà ở đây, cô có thể thoải mái ăn.

    Cô nhớ tới buổi sáng đi bán rau cô không thấy ai bán loại hoa này. "Hay là mọi người không thích ăn nó?" Nghĩ vậy, Kiều Anh quay sang hỏi chị cô: "Em thấy không ai bán hoa này ngoài chợ. Chẳng lẽ không ai thích hoa này?"

    Chị cô nghĩ một lát mới trả lời: "Rất ít người trồng loại hoa này. Ăn còn chẳng đủ lấy gì mà bán."

    Kiều Anh không tin, loại hoa này dễ trồng, ăn ngon thế mà lại không ai trồng, cô nói: "Nhà mình còn trồng một giàn thì người trong làng nhà nào cũng trồng." Mẹ cô có thói quen, trồng cây hay nuôi vật nuôi đều theo phong trào. Nhiều người cùng làm bà mới làm theo.

    "Cái này phải hỏi em, em quên rồi à?" Chị cô khó hiểu nhìn cô. Không chờ cô trả lời, chị cô lại tiếp tục nói: "Năm ngoái nhà mình xuống ngoại chơi, bà ngoại xào hoa thiên lý với thịt ăn quá ngon. Em ăn xong chết sống đòi mẹ phải trồng hoa này. Cuối cùng bà ngoại phải cho ba cây con em mới để yên. Trồng từ năm ngoái đến năm này mới có giàn hoa này đấy!"

    Hóa ra đây vẫn là công lao của cô. Hồi bé cô bá đạo thế sao? Kiều Anh chỉ biết cười trừ cho qua chuyện này.

    "Chị ơi, nhà mình giờ mang hoa thiên lý ra chợ bán liệu có ai mua không nhỉ?" Hỏi xong cô cũng hối hận. Chị cô thoạt nhìn rất chín chắn nhưng mà rốt cuộc mới tám tuổi. Sao có thể biết được việc này?

    Chị cô chần chờ trả lời: "Chắc là cũng bán được. Ăn nó rất ngon mà!" Chị cô cũng thích ăn hoa này, sợ Kiều Anh quấn lấy bố mẹ đòi bán nó, chị cô vội vàng nói: "Em cũng thích ăn mà, nhà mình có ít như vậy, bán rồi lấy gì mà ăn."

    Tuy cách nói của chị cô trẻ con nhưng không thể phủ nhận nó đều là sự thật. Cho dù nhà cô không ăn mà mang tất cả đi bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. "Nhưng nếu trồng nhiều hơn thì sao?" Đột nhiên ý tưởng này nảy sinh trong đầu cô.

    Kiều Anh nhớ tới, kiếp trước cô có xem qua một phóng sự. Kể về quá trình làm giàu từ hoa thiên lý của một người nông dân. Vì có chút đam mê với nghề làm vườn nên cô đã xem hết phóng sự này. Tuy hiện tại nhớ không được chi tiết nhưng cơ bản cách nhân giống và bón phân cô vẫn còn nhớ. Hoa thiên lý dễ trồng, dễ chăm sóc, rất ít sâu bệnh, giá bán lại cao. Quan trọng là vốn đầu tư không cao. Cô chỉ lo không có nguồn tiêu thụ thôi. Dù sao cũng chưa tìm được cách làm giàu, cô thử một chút cũng không sao.

    Đang mải mê suy nghĩ, đột nhiên má cô bị người véo lên. Đầu sỏ gây tội chính là chị cô, Kiều Anh vừa giải cứu cặp má của mình vừa chấp vấn chị cô: "Sao chị lại véo má em?" Má cô vẫn còn bị tổn thương do vụ hỏa hoạn chưa khỏi. Chị cô chột dạ thu tay lại nhưng cũng không yếu thế phản bác lại: "Đang nói chuyện mà hồn em chạy đi đâu vậy? Gọi mãi cũng không thấy trả lời."

    Biết là mình sai, mà chị cô véo má cũng không đau nên Kiều Anh không truy cứu thêm nữa. Cô thấy cũng gần tối rồi mà không thấy mẹ cô về nấu cơm bèn hỏi chị cô: "Bố mẹ đi đâu hả chị?"

    Chị cô đang bưng rổ hoa ra sân giếng để rửa, thấy cô hỏi vừa rửa hoa vừa trả lời: "Bố mẹ hôm nay ra ngoài đồng tháo nước cho lúa."

    Lúa ở miền Bắc được chia làm hai vụ là vụ Chiêm và vụ Mùa. Vụ Chiêm bắt đầu từ cuối năm âm lịch kéo dài đến đầu hè. Còn vụ Mùa bắt đầu từ cuối hè kéo dài đến cuối thu. Vụ Mùa thường xảy ra mưa bão nên nước trong ruộng lúa rất nhiều. Để cho lúa nhanh chín, người dân phải tháo hết nước ra khỏi ruộng lúa.

    Kiều Anh nhớ tới khi tháo nước cho lúa, cá sông trong ruộng lúa cũng trôi theo dòng nước ra ngoài. Lúc này chỉ cần đặt lưới đánh cá ở miệng cống nước. Chờ một thời gian kéo lưới lên là có thể thu hoạch được rất nhiều cá. Kiều Anh sợ mình nhớ nhầm thử hỏi chị cô: "Bố mẹ có đi bắt cá không chị?"

    Hoa thiên lý mọc ở trên cao không có bụi bẩn, nên chị cô chỉ rửa qua là sạch. Chị cô lúc này mới quay sang trả lời cô: "Có, hôm nay chắc bố mẹ về muộn. Trước khi đi mẹ có dặn chị ở nhà nấu cơm. Còn đồ ăn chút nữa mẹ về làm."

    Nghe những lời này mắt Kiều Anh sáng lên. Cô đang muốn học nấu cơm mà chưa có cơ hội. Hôm nay mẹ cô không ở nhà cô có thể thử vào bếp thử xem. Nghĩ đến mẹ cô ăn cơm cô nấu khen nức nở, Kiều Anh càng hưng phấn lên. Cô quay sang hỏi chị cô: "Chị ơi, em có thể vào bếp nấu cơm không?"

    Chưa nói hết câu, chị cô từ chị ruột hóa thân thành mẹ kế trừng mắt nhìn cô quát lên: "Không thể."

    Kiều Anh còn muốn tranh thủ một chút, nhưng đã bị chị cô vô tình cự tuyệt. Có lẽ vụ hỏa hoạn vừa qua đã làm chị cô sợ hãi không nhẹ. Kiều Anh đâu chịu dễ dàng bỏ qua cơ hội này, không vào bếp cô cũng có thể làm việc khác. Ví dụ như lúc này cô đang vật lộn với đám cua hung tàn. Để đánh mất nhiệt tình của Kiều Anh đối với nhà bếp, chị cô đã giao cho cô nhiệm vụ là giải quyết đám cua. Cua mùa này vừa to vừa khỏe, Kiều Anh phải dùng mọi thủ đoạn mới hạ gục được chúng nó. Chị cô đã thấy mẹ cô làm cua rất nhiều lần nên hai chị em làm rất thuận buồm xuôi gió. Giã cua, lọc thịt cua, lấy gạch đều hoàn thành. Nguyên liệu nấu ăn đã chuẩn bị sẵn sàng chờ mẹ cô về nấu nữa là xong. Lúc này chị cô mới vo gạo nấu cơm.

    Phải đến nhá nhem tối bố mẹ cô mới thắng lợi trở về. Mỗi người đều xách theo hai xô cá tràn đầy. Hai người vội vàng mang cá vào sân giếng phân loại. Bố cô chọn ra mấy con cá to nhất đặt vào rổ, gọi Kiều Anh mang cá sang cho bà nội cô. Thấy trời đã tối Kiều Anh vội vàng chạy sang nhà bà cô. Chỉ kịp chào hỏi mấy câu, rồi mang theo rổ không về nhà.

    Vào nhà, Kiều Anh đã thấy bố mẹ cô phân loại hết cá. Cô chen chân vào xem thấy có cá rô, cá trê, cá quả, cá chép đủ cả. Con nào còn khỏe thì thả vào lu, con nào yếu mẹ cô xử lý sạch sẽ cho vào ướp chút nữa kho. Thấy trong lu nhiều cá mẹ cô đề nghị mai mang đi bán. Bố cô gật đầu tán thành.

    Lúc này mẹ cô mới vào bếp nấu đồ ăn. Vì chị em cô chuẩn bị đầy đủ hết, mẹ cô chỉ mất mười lăm phút là

    Nấu xong cơm. Đến gần bảy giờ tối cả nhà cô mới ngồi xuống cùng nhau ăn cơm. Cuối cùng Kiều Anh cũng được ăn món canh cua nấu hoa thiên lý. Hai chị em cô hái hơi nhiều hoa nên mẹ cô làm thêm món hoa thiên lý xào tỏi nữa. Hai món ăn này đã chinh phục được toàn bộ gia đình cô. Trong lúc này Kiều Anh đưa ra ý kiến muốn bố mẹ cô mang hoa này đi bán. Bị cả nhà cô phủ quyết. Kiều Anh là ai, một giây sau hai mắt cô đỏ hoe nhìn bố mẹ cô nói: "Con muốn nhà mình có Tivi xem."

    Nghe những lời này bố mẹ cô trầm mặc. Kiều Anh sợ bố mẹ cô thương tâm nên không dám làm quá. Vội thu lại nước mắt, nghịch ngợm cười trêu đùa bố mẹ cô: "Sau này bố mẹ không được thu tiền riêng của con. Con muốn tự mình mua Tivi."

    Kiều Anh đúng là người điều hòa không khí cao thủ. Chỉ vài câu trêu đùa bố mẹ cô đã thả lỏng lại. Nói thật nhìn bản mặt cô bây giờ cùng với biểu cảm của cô bố mẹ cô không cười không được. Bầu không khí lại trở lại bình thường, cô nhắc đến việc bán hoa thiên lý không ai phản đối nữa. Nhưng đến phần giá cả thì lại nổi lên ý kiến khác nhau. Cả nhà đều cho rằng Kiều Anh ra giá quá cao. Sẽ không ai mua.

    Kiều Anh một mình một chiến tuyến không chống lại được ba người còn lại. Cuối cùng thỏa hiệp giảm giá xuống. Cô kiên quyết nói: "Con giảm xuống một nghìn một cân không được thay đổi. Nếu mà không bán được giá này thì bố mẹ mang về nhà mình ăn."

    Hoa thiên lý cánh hoa mỏng trọng lượng không cao, một cân là rất nhiều. Kể cả nhà cô hái hết hoa trên cây bây giờ cũng chỉ được hai cân là cùng. Không bán được về nhà cô ăn ngày ba bữa với hoa thiên lý đều được.

    Kết quả cuối cùng như Kiều Anh mong muốn. Cô mỹ mãn mà cười ngồi vào bàn học. Cô còn phải chuẩn bị đồ để mai đi học. Sau khi làm xong hết thảy cô cảm thấy hình như mình quên điều gì đó, nhưng không nhớ ra. Nhìn đồng hồ mới có bảy giờ ba mươi tối, Còn quá sớm để ngủ. Cô đang vắt óc nghĩ xem phải làm gì để giết thời gian thì ngoài cổng tiếng gọi vang dội của Thủy đã vọng vào: "Anh Anh đi xem Tivi đi!"

    Giờ cô đã nhớ ra mình quên chuyện gì rồi!
     
    THG Nguyen, Tiên Nhi, Lagan10 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng năm 2022
  8. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 7: Chấp nhận

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Màn đêm bao phủ toàn bộ ngôi làng, thế giới xung quanh chỉ còn một màu đen. Hôm nay mặt trăng không lộ diện, chỉ thấy xa xa trên bầu trời những ngôi sao đang đua nhau tỏa sáng.

    Kiều Anh bước cao bước thấp đi trên đường đầy lồi lõm. Đi đằng trước cô là chị cô và Thủy. Tuy có đèn pin chiếu sáng nhưng bọn cô vẫn đi khá chậm. Thủy là người hay nói hay cười, thấy chị em cô chỉ lo đi đường mà không nói chuyện. Thủy đã kìm nén không được mà quay lại bắt chuyện với Kiều Anh: "Tớ đến nhà Thảo từ hơn sáu giờ." Rồi chột dạ gãi đầu nói tiếp: "Mải xem phim quá giờ tớ mới nhớ tới cậu."

    "Không sao đâu." Kiều Anh rất rộng lượng tha thứ cho cô bạn thân. Nếu Thủy không nhớ đến gọi cô, có lẽ giờ này cô đã hẹn hò với cái giường nhà cô rồi.

    Thấy bạn thân thái độ tốt như vậy Thủy thầm thở phào nhẹ nhõm. Lúc sau, Thủy mới tụt lại đi sóng vai với Kiều Anh kể cho cô nghe về trải nghiệm xem Tivi "chùa" hôm nay của mình. Tiếng nói tiếng cười làm cho không khí tĩnh mịch xung quanh cũng sinh động lên.

    Đi qua lối rẽ, Kiều Anh thấy đằng trước có ánh sáng chiếu về phía này. Hóa ra lại một nhóm cùng chung chí hướng với bọn cô. Cứ như vậy, trên đường đến nhà Thảo bọn cô còn gặp vài nhóm. Cuối cùng đến nơi, đi đằng sau cô đã thành đội quân hơn mười người. Cô cứ tưởng như thế đã đông lắm rồi, mở cửa vào nhà Thảo thấy người bên trong cô còn choáng hơn. Cảm giác như nửa số người làng cô đều tập hợp ở đây vậy. Chỉ thấy trong nhà ngoài sân nơi đâu cũng có người. Cô đi vào bên trong thấy có chiếc Tivi đen trắng đặt trên bàn ở ngoài sân. Phía dưới ngồi loạt người cả già lẫn trẻ đều nhìn chăm chú vào chiếc Tivi này. Thật khó tưởng tượng một đồ cổ ở mấy thập niên trước mà giờ vẫn được người làng cô ưa chuộng thế này.

    Chị cô và Thủy cũng gia nhập đội ngũ mê Tivi, Kiều Anh thì lại không có hứng thú xem Tivi. Thử nghĩ bạn vừa ở thế giới công nghệ cao muôn màu muôn vẻ, giờ phải quay lại thời đồ đồng đồ đá cảm thấy hứng thú mới là lạ.

    Ở hiện đại cũng có trào lưu hoài cổ, nhưng mà chỉ là sở thích của số ít người. Hầu hết người đều theo đuổi những công nghệ tiên tiến, hàng ngày hàng giờ đều có đồ vật mới ra đời cho họ lựa chọn. Mà thời này, con người khuyết thiếu các loại hình vui chơi giải trí. Làng cô lại thuộc diện nghèo nên khi tiếp xúc với Tivi mọi người mới trầm mê đến vậy.

    Bọn cô đến hơi muộn nên phải xếp hàng phía sau, vị trí khá xa nhìn không rõ ràng lắm. Tivi chỉ dùng râu anten nên bắt được ít kênh, sóng còn hơi nhiễu. Chủ nhà phải thỉnh thoảng ra chỉnh kênh và râu anten. Người đến đông như vậy mà thái độ chủ nhà vẫn niềm nở nhiệt tình tiếp đón. Kiều Anh xem một lúc thấy không thú vị quay sang hỏi bạn thân: "Mỗi lần có nhà mua Tivi mới người đến xem đều đông thế à?"

    Thủy bận xem Tivi vẫn bớt chút thời gian trả lời cô: "Đương nhiên không phải mỗi nhà đều đến. Lần trước nhà ông Long cũng mua Tivi, làng mình chỉ có mấy người đến xem thôi."

    Ông Long là hiệu trưởng trường cấp một trường cô, làm gì có nhóc con nào dám đến nhà thầy cô xem Tivi. Bố Thảo thì khác, trước khi mua Tivi gia cảnh của ông cũng giống như ai. Năm ngoái mới đi làm trên Hà Nội, năm nay đã mua được Tivi bước đầu tiến vào hàng ngũ khá giả trong làng. Vì vậy mới có hôm nay náo nhiệt, một bộ phận người đơn thuần đến xem Tivi. Còn lại đều là đến cậy nhờ xin việc làm trên thành phố. Chẳng biết bố Thảo có giúp được gì hay không, chỉ thấy cả chủ lẫn khách đều cười đến như được mùa. Bố Thảo coi như nở mày nở mặt trước bàn dân thiên hạ.

    Kiều Anh câu được câu không trò chuyện với Thủy, nhìn bên cạnh chị cô vẫn xem nghiêm túc không có phải đi về dấu hiệu. Kiều Anh chỉ biết thở dài.

    Nói đến nói đi cũng chỉ vài đề tài, Thủy nói không chán nhưng Kiều Anh nghe lại chán. Đột nhiên không biết nghĩ tới cái gì Thủy cười rộ lên, rồi quay sang kể lại cho cô nghe. Chẳng là, Thảo từ hôm trước đã khoe bố Thảo mua về Tivi như thế nào như thế nào. Làm cho Thủy ngứa ngáy không thôi, chỉ hận bản thân không phải là con ruột bố Thảo. Ai ngờ tối nay, Thủy đến xem Tivi, hỏi thăm Thảo lại được đến câu trả lời bất ngờ. Từ hôm qua đến giờ Thảo chỉ quanh quẩn trong nhà bếp để đun nước pha trà, làm gì có thời gian mà xem Tivi. Đến khi khách về hết rồi thì bố mẹ Thảo tắt Tivi đi cho đỡ phí điện. Bởi vậy, bạn nhỏ Thảo đến giờ còn chưa được thỏa mãn nguyện vọng xem Tivi.

    Nghe xong, Kiều Anh chỉ cảm thấy may mắn nhà cô không có Tivi bằng không cũng không được nhàn hạ như bây giờ.

    Đến tám giờ ba mươi phút tối, cuối cùng mọi người cũng tan cuộc. Kiều Anh ngáp ngắn ngáp dài theo chị cô về nhà. Chị cô có tâm muốn chia sẻ cảm xúc vừa rồi mình xem được cho em cô nghe. Lại thấy cô em mình buồn ngủ như vậy đành thôi. Về nhà bố mẹ cô chưa ngủ, chào hỏi bố mẹ xong, Kiều Anh nhanh chóng lên giường đi ngủ.

    Một đêm không mộng.

    Sáng sớm hôm sau khi những tia nắng ban mai chiếu vào cửa sổ, Kiều Anh đã bị chị cô gọi dậy. Lúc này bố mẹ cô đã đi chợ từ lâu. Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo xong đã hơn sáu giờ. Chị cô đã úp vội hai bát mỳ tôm, hai chị em ăn xong thấy còn sớm giúp mẹ rửa bát sạch sẽ mới đi học. Đi qua giàn thiên lý thấy không còn bông nào, Kiều Anh biết bố mẹ cô đã hái mang đi bán.

    Hai chị em đi đến đầu làng đã thấy một đám nhóc con đủ mọi lứa tuổi đang đứng chờ nhau. Đến đây hai chị em tách ra, từng người tìm nhóm bạn chơi thân rồi cùng nhau đi học.

    Khi đến trường cũng gần bảy giờ, cả bọn đi tìm lớp học. Tìm đến lớp nhưng chưa có ai, mọi người tìm vị trí lần trước rồi ngồi xuống. Vừa ổn định chỗ ngồi thì nhóm nhóc con làng bên cũng đến cửa. Ồn ào nhốn nháo năm phút, đến khi chuông báo vào lớp thì mọi thứ đã trật tự ngay ngắn.

    Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, lại một loạt quy định các kiểu được cô thông báo.

    Hôm nay học hai tiết Văn và Toán, giữa giờ có ba mươi phút nghỉ giải lao. Tiết đầu học Văn, tiết sau học Toán. Giọng nói của cô cứ đều đều vang lên trên bục giảng. Ở dưới học sinh vẫn có vài học sinh quay qua quay lại nói chuyện riêng.

    Kiều Anh cả quá trình chỉ như đi vào cõi thần tiên, trong đầu chỉ nhớ mong bố mẹ cô đi chợ bán hàng thế nào thôi.

    Khó khăn lắm mới đợi được tiếng chuông tan học, Kiều Anh như chim sổ lồng lao ra lớp học. Học tập kiểu này quá khó khăn với cô.

    Các bạn nhỏ thì vẫn tràn đầy sinh lực nô đùa ầm ĩ. Trong tiếng cười vui của bọn bạn, Kiều Anh cuối cùng về đến nhà.

    Vừa đến cổng nhà, Kiều Anh đã gào lên gọi mẹ. Cô đang sốt ruột muốn biết mẹ cô bán hoa thiên lý thế nào?

    Mẹ cô cũng vừa nấu cơm xong, sáng nay đi chợ về sớm nên bố cô lại tiếp tục đi làm mộc. Thấy cô đi học về, mẹ cô hỏi: "Ngày đầu tiên học được những gì?"

    Kiều Anh nói sơ qua, rồi nhanh chóng hỏi mẹ cô: "Bố mẹ sáng nay bán hàng thế nào ạ?"

    Mẹ cô nghe vậy mỉm cười trả lời cô: "Bán hết rồi!" Bà vừa nói vừa lấy ra gói kẹo, cầm mấy viên đưa cho cô. Kiều Anh nhận lấy nhưng không ăn, giờ cô chỉ quan tâm sự nghiệp làm giàu của cô có thể thực hiện được hay không thôi.

    "Mẹ bán hoa thiên lý giá nào ạ?" Cô vẫn sợ mẹ cô giảm giá của nó xuống.

    Lần này ý cười trong mắt mẹ cô càng sâu, bà nói: "Bán nhanh nhất là nó đấy! Vừa mang ra đã có người hỏi mua rồi."

    Mẹ cô còn nhớ lúc đó hai vợ chồng bà ngượng ngùng không dám giao hàng. Không ngờ vừa lấy ra hoa thiên lý đã có người tiến đến hỏi thăm. "Vẫn giữ giá mà con nói tối qua." Báo xong giá, hai vợ chồng bà cũng thấp thỏm vô cùng. Khách hàng cũng không mua luôn mà bắt đầu trả giá xuống. Nhưng không lay chuyển được vợ chồng bà, đành ngậm ngùi mua nửa cân hoa. Thấy cua nhà bà lớn hơn còn sạch sẽ cũng mua thêm hai mươi con. Mở hàng tốt đẹp làm hai vợ chồng bà yên tâm. Sau đó việc mua bán rất thuận lợi, hoa thiên lý bán hết sớm nhất. "Còn rất nhiều người hỏi mua, nhưng nhà mình đã hết đành phải hẹn lần sau. Không nghĩ hoa này đắt vậy mà vẫn có người mua." Mẹ cô cảm khái.

    Nghe mẹ cô thuật lại còn có người hỏi mua, cô hoàn toàn yên tâm. Hoa thiên lý ở thời đại này vẫn được nhiều người đón nhận. Kế hoạch làm giàu của cô có thể triển khai được rồi. Cô mỉm cười nhìn mẹ cô nói: "Mẹ có muốn ngày nào cũng bán được hoa này không?"

    Mẹ cô đương nhiên là muốn bán rồi, nhưng mà lấy hoa từ đâu mới là vấn đề. "Con lại bảo mua của người làng rồi đi bán chứ gì?" Mẹ cô phỏng đoán. Bà thấy con gái bà ý nghĩ rất ngây thơ, đành phải nói thật: "Làng mình chỉ vài nhà trồng hoa này thôi. Mấy nhà đấy còn trồng ít hơn nhà mình nữa kìa. Không có mà bán cho mình đâu."

    Biết mẹ cô hiểu lầm, Kiều Anh chỉ phải giải thích cho bà hiểu: "Con không có ý định mua của người khác. Mà là con muốn trồng thêm mấy giàn hoa thiên lý nữa, đến lúc đấy mẹ tha hồ mà bán." Cô rất tự tin nói. Mẹ cô nghe xong lúc đầu hơi ngẩn ra, sau vui mừng vô cùng gật đầu đồng ý: "Ừ, nên trồng thêm hoa này." Nhưng bà lại nghĩ đến một vấn đề: "Vườn rau dùng để trồng rau rồi, còn lại đất vườn rất ít không thể dựng nhiều giàn lên được." Bà muốn trồng nhiều, khoảng năm bảy giàn nữa. Đất vườn chỉ thể dựng hai ba giàn là hết rồi.

    Điều này Kiều Anh đã có kế hoạch cả rồi nhưng vẫn muốn thử mẹ cô: "Nhà mình trồng ngoài ruộng ấy, ở đấy mẹ muốn trồng bao nhiêu cũng được." Chưa chờ cô hết lời mẹ cô đã lắc đầu phản đối: "Không được."

    Sao có thể trồng ngoài ruộng được, nhỡ chẳng may có vấn đề thì cả nhà chết đói. Thấy phản ứng của mẹ cô Kiều Anh cười rộ lên: "Con chỉ đùa mẹ chút thôi. Giờ nhà mình chỉ bán lẻ ngoài chợ thì không cần trồng quá nhiều. Chỉ cần trồng trong vườn là đủ rồi."

    Mẹ cô nghe cũng có lý, hai mẹ con bắt đầu nghiên cứu xem làm sao tận dụng ít đất mà vẫn trồng được nhiều cây. Theo Kiều Anh thì hoa này dễ trồng, có thể làm thành hàng rào đều được. Mẹ cô sợ người đi đường hái mất, phủ quyết đề nghị này. Kiều Anh sao cũng được, vì giờ này còn chưa có cây giống. Mẹ cô giờ mới nghĩ ra, bà không biết nhân giống thế nào?

    "Để mẹ xuống hỏi bà ngoại con."

    Kiều Anh lại biết rất rõ ràng. Cô cản lại mẹ cô: "Con lần trước đã học xong cách nhân giống hoa này rồi. Mẹ nghe con là được."

    Cũng may, lần trước cô vì ăn quên mình trồng cây. Nên hôm nay cô nói như vậy mẹ cô mới tin.

    Nhân giống hoa thiên lý rất đơn giản. Có hai cách người ta thường dùng. Một là đặt dây leo của cây xuống đất, rồi lấy đất đắp lên đốt của nó. Chờ đến khi ra rễ ở đốt thì cắt mang đi trồng. Hai là cắt một đoạn dây leo già khoảng hai ba đốt cho vào nước hoặc cho vào xơ dừa. Đến khi đoạn dây leo này mọc rễ là được.

    Cô nói cho mẹ cô nghe hai phương pháp này, mẹ cô thấy khá dễ dàng. Hai mẹ con quyết định chiều hôm nay sẽ làm việc này. Đúng lúc này chị cô cũng tan học về nhà. Ba mẹ con vội dọn cơm trưa ra ăn.
     
    THG Nguyen, Tiên Nhi, Lagan9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng năm 2022
  9. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 8: Vụ gặt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi ăn xong, theo thường lệ Kiều Anh đi ngủ trưa. Đến hơn hai giờ chiều, cô mới tỉnh dậy. Mẹ cô đã ở ngoài vườn rau chuẩn bị mọi thứ đầy đủ cho việc nhân giống.

    Kiều Anh nhìn ngoài trời nắng vẫn còn khá gắt, sợ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây non sau này. Cô đề nghị với mẹ cô chiều muộn mới triết cây. Mẹ cô thấy khối lượng công việc không nhiều, làm sớm hay muộn cũng không sao cả, bà gật đầu đồng ý.

    Kiều Anh sợ nắng cháy da mặt nên vào nhà tìm nón lá đội lên. Hai mẹ con cô đi vào trong vườn, rau nhà cô mới hái hai ngày trước giờ mới mọc lại được chút ít. Kiều Anh không động chạm đám rau dưa này, cô đang chú ý đến những cây ăn quả. Bố cô thích trồng cây ăn quả. Theo lời ông nói trẻ trồng cây đến tuổi già sẽ có quả để ăn. Nhưng đó là chuyện phải lâu lắm về sau. Giờ chúng nó chỉ là những cây non, ngày kết quả lại xa xa không hẹn.

    "Con thấy mấy cây bố trồng có thể di dời ra các góc vườn." Kiều Anh quay sang nói với mẹ cô. Bố cô trồng cây không theo quy hoạch nào cả. Lộn xộn lại chiếm diện tích. Trước kia kệ nó tự do sinh trưởng không sao, giờ phải dọn dẹp ra khoảng trống để trồng hoa thiên lý. Mẹ cô cũng ghét bỏ mấy cây này từ lâu, nên không do dự gật đầu: "Tối về mẹ sẽ bảo bố con."

    Kiều Anh biết trồng hoa thiên lý không phải một sớm một chiều là có thể thu hoạch được. Cô vẫn là muốn trồng xen mấy giống khác, tránh cho đất để hoang. Nghĩ nghĩ, cô nói: "Sắp đến mùa đông rồi, chỗ trống này bố mẹ có thể trồng vào mấy loại rau chịu lạnh được. Ăn không hết thì mang đi bán." Cô không dám nói quá kỹ chủng loại rau mùa đông. Tại cô không nhớ thời điểm này mấy loại như bắp cải, xu hào gì đó đã phổ biến chưa. Mẹ cô cũng không có gì dị nghị cả, coi như ngầm đồng ý.

    Đến hơn bốn giờ chiều, thấy không khí dịu mát hơn, mẹ cô quyết định nhân giống cho cây. Quá trình làm việc đơn giản, Kiều Anh không phải động tay chân. Không đến một giờ mẹ cô đã hoàn thành. Giờ chỉ chờ rễ cây mọc ra nữa là có thể trồng.

    Không chờ đến rễ cây mọc ra, vụ gặt nhà cô đã tới rồi.

    Sáng sớm khi mặt trời vừa mới lên, Kiều Anh cùng chị cô ra ngoài đồng gặt lúa với bố mẹ cô. Nhìn cánh đồng lúa chín trước mặt, cô thổn thức không thôi. Mới thời gian trước ở hiện đại cô và bố mẹ cô cũng ra thăm đồng ruộng. Không phải để xem lúa hay hoa màu. Mà là giám sát người ta đo đạc để chờ tiền đền bù. Đúng vậy, ở tương lai hai mươi năm sau cả cánh đồng này đều đã được quy hoạch xây dựng khu công nghiệp. Cùng dự án con đường quốc lộ chạy qua cắt đôi cánh đồng làng cô làm hai nửa. Không còn những dải lúa chín vàng chạy dài nhìn không thấy cuối như bây giờ.

    Kiều Anh nhìn trên những thửa ruộng, từng nhóm người đang khom lưng gặt lúa. Ở nông thôn vào những ngày mùa, cả người lớn và trẻ em đều phải ra đồng làm việc. Không có khái niệm sức lao động trẻ em ở đây. Cả một năm chỉ trông chờ vào hai vụ lúa, nên người nông dân rất trân trọng thành quả lao động của mình. Người lớn đi đằng trước cắt lúa, bó lúa trẻ em nhỏ tuổi đi đằng sau nhặt những bông lúa bị rơi lại đằng sau. Họ vừa cười nói làm việc, trên khuôn mặt họ không hề có dấu vết của sự mệt mỏi.

    Từ nhà ra đến ruộng lúa nhà cô phải đi hơn mười phút. Ra đến nơi, bố mẹ cô đã gặt được không ít lúa rồi. Hai chị em chào hỏi bố mẹ xong, định lội xuống ruộng gặt lúa thì mẹ cô ngăn cản.

    "Anh Anh ở trên bờ thôi! Người đã cao bằng cây lúa đâu mà đòi lội ruộng thêm phiền ra." Mẹ cô ghét bỏ ra lệnh.

    Kiều Anh giật mình thu chân lại, giờ đến thân cao cũng bị kỳ thị. Cô đành ngồi xổm đầu bờ nhìn mẹ cô hướng dẫn chị cô cách cắt lúa. Kiếp trước cô tuy được bố mẹ cưng chiều, nhưng những kỹ năng làm ruộng cơ bản cô đều đã học qua. Ngồi xổm đến mỏi cả chân cũng không thấy mình có thể giúp được gì bố mẹ, Kiều Anh quyết định đi về. Cô lên tiếng chào hỏi bố mẹ cô rồi xám xịt đi về. Mẹ cô thấy vậy không quên dặn dò: "Về thẳng nhà, không được chơi chỗ nước sâu, không được vào bếp nghịch lửa. Nghe rõ không?"

    Kiều Anh không quay đầu lại trả lời: "Con biết rồi!"

    Lúc này mặt trời lên cao, Kiều Anh đoán tầm hơn tám giờ sáng. Hai bên đường đi đã xếp đầy những đống lúa. Mọi người mồ hôi rơi như mưa vác từng bó lúa lớn lên bờ. Đường đồng làng cô cũng không rộng rãi gì, hai đống lúa để hai bên càng chật chội. Đằng xa lại thấy mấy chiếc xe bò tiến lại gần, lúc này con đường hoàn toàn không có lối đi.

    Kiều Anh nhẫn lại chờ họ xếp lúa lên xe xong mới đi tiếp. Tình huống như vậy lặp lại mấy lần, nên khi cô về đến nhà không còn sớm như dự định.

    Đến cổng nhà cô lại gặp một vị khách không ngờ tới, đó là chú út cô. Kiều Anh nhướng mày tiến lên chào hỏi. Chú cô chỉ nhàn nhạt gật đầu rồi hỏi cô: "Nhà cháu gặt xong chưa?" Chú cô nổi tiếng lười biếng đột nhiên quan tâm tiến trình làm việc nhà cô, làm cô cảnh giác lên. "Nhà cháu hôm nay mới gặt ngày đầu tiên." Kiều Anh thận trọng trả lời. Chú cô nhíu mày nói: "Về bảo bố mẹ cháu, mai đến nhà chú gặt lúa."

    Này cũng quá không để ý đến tình cảnh nhà cô. "Nhà cháu lúa chín hết rồi. Không gặt nó rụng hết." Đây cũng phải Kiều Anh nói chuyện giật gân, ai làm nông đều biết lúa chín quá sẽ tự rụng ảnh hưởng đến năng suất. Chú cô sao để ý nhà cô thế nào. Thấy cô còn cãi lại thì mất kiên nhẫn nói: "Mai gặt ruộng của bà cháu, có vấn đề gì đi mà nói với bà cháu." Lại lôi bà cô ra làm lá chắn. Kiều Anh biết chỉ cần nhắc tới bà bố mẹ cô sẽ không từ chối bao giờ. Biết không chối từ được cô cũng bực mình liếc nhìn chú cô một cái nói: "Dạo này đầu cháu hay quên lắm. Chuyện chú nói vừa rồi, sợ một lúc nữa là cháu lại quên." Chú cô trừng mắt nhìn cô, nhìn mắt cô sáng ngời thế kia chú cô sao có thể tin lời cô nói. Định lên tiếng thì cô đã tiếp tục nói: "Hôm nay nhà cháu gặt ruộng lúa gần đây thôi. Chú ra tận nơi nói cho bố mẹ là được."

    Nghe xong cô nói, chú cô vừa định từ chối nhưng nghĩ lại với tính cách bướng bỉnh của cô chưa chắc sẽ đem chuyện này nói cho bố mẹ cô. Như vậy mai sẽ mất hai lao động chính. Nghĩ vậy, chú cô quay người liền đi. Kiều Anh vội gọi người lại nói: "Bố cháu định về nhà kéo xe bò ra chở lúa. Đằng nào chú cũng đi không, chú kéo giúp bố cháu xe bò được không?" Chú cô dừng lại nghe xong thấy cũng không phải việc khó gì liền đồng ý.

    Tranh thủ lúc chú cô vào góc vườn nhà cô lấy xe bò, Kiều Anh vội mở cửa lấy siêu nước đã đun sôi ra. Cô hòa vào nước mấy thìa đường khuấy đều. Nếm thấy độ ngọt thích hợp, mới vội vã ra bờ ao hái hai quả chanh. Làm xong hết thảy cô mới khóa cửa lại đuổi theo chú cô. Chú cô kéo xe nên đi đường chưa được bao xa. Thấy cô chú cô bực mình nói: "Sao vừa cháu không nói muốn ra ngoài đồng." Nếu nói sớm ông đã không phải kéo xe bò ra đồng rồi.

    Kiều Anh lại thản nhiên đáp: "Cháu thấy trời nắng quá, mang nước cho bố mẹ cháu uống cho đỡ khát."

    Chú cô lúc này mới ngậm miệng không nói gì thêm. Cũng may đoạn đường đồng Kiều Anh vừa đi đã thông suốt. Hai chú cháu dễ dàng đi tới ruộng nhà cô. Bố mẹ cô ngạc nhiên vô cùng định ra hỏi chuyện. Kiều Anh đã nói: "Chú ấy nói ngày mai phải gặt cho bà, sợ bố mẹ làm không hết việc nên ra đây để giúp nhà mình gặt lúa." Chú cô trợn mắt lên nhìn cô, "đổi trắng thay đen" là đây chứ đâu. Kiều Anh biết chú cô rất sĩ diện, chỉ cần cô nói như vậy chú cô chỉ phải ngậm bồ hòn làm ngọt thôi. Quả nhiên, chú cô chỉ chần chờ trong chốc lát. Cuối cùng cũng thỏa hiệp xuống ruộng gặt lúa giúp nhà cô. Kiều Anh mỉm cười, lời hay không cần tiền mà khen tặng chú cô.

    Chú cô giờ vẫn còn trẻ, nghe thấy cô khen người cũng lâng lâng. Quyết định tha thứ cho hành động vừa rồi của cô.

    Đến đây, Kiều Anh đã lừa được một lao động miễn phí cho nhà cô.
     
    THG Nguyen, Tiên Nhi, Lagan9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng năm 2022
  10. người làm vườn

    Bài viết:
    0
    Chương 9: Hoài niệm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuy chú cô lười biếng nhưng vẫn là hàng thật giá thật người trưởng thành. So với sức lao động trẻ em như chị cô tốt hơn rất nhiều. Năng suất làm việc mắt thường có thể thấy được tăng lên. Đối với kết quả này, Kiều Anh rất vừa lòng, bố mẹ cô cũng rất vừa lòng.

    Mắt thấy nắng càng nóng rát, Kiều Anh vội lấy nước ra cho mọi người giải khát. Sau đó mới phát hiện cô có tiềm chất não cá vàng, cô thế nhưng quên không mang dao để cắt chanh. Cũng may xuất thân nông dân như gia đình cô không chú ý nhiều như vậy. Một chiếc Liềm đã giải quyết được vấn đề này.

    Mười lăm phút sau, Kiều Anh nhìn trống không siêu nước. Nhiệm vụ của cô đã hoàn thành, cô nên thu dọn đồ vật về nhà. Mẹ cô thấy lúa đã cắt gần hết, những việc tiếp theo phải yêu cầu người trưởng thành tới làm. Nên bảo chị cô về nhà nấu cơm. Chị cô ngoan ngoãn lên bờ, cùng Kiều Anh về nhà.

    Kiều Anh nhìn bên cạnh đi đường chậm hơn thường ngày chị cô hỏi: "Chị có mệt không?"

    Chị cô cúi người mấy tiếng đồng hồ, giờ đứng thẳng người cảm thấy lưng đau nhức vô cùng. Cũng không có gì phải giấu giếm cả chị cô trả lời: "Cũng không phải quá mệt. Chị thấy đau lưng, tay bị lá lúa cọ vào bị xước nhẹ."

    Kiều Anh nhìn hai tay chị cô thấy có những vệt đỏ cũng không nghiêm trọng. Định khuyên chị cô làm vài ngày là quen. Nhưng lại nhớ chị em cô chỉ được nghỉ hôm nay vì là chủ nhật. Đợi đến chủ nhật tuần sau chắc nhà cô cũng gặt xong rồi. Cô cũng không ở vấn đề này rối rắm nhiều. Rốt cuộc con nhà nông da dày thịt béo, mấy vết xước nhỏ nhằm nhò gì đâu.

    Về đến nhà, hai chị em phân công nhau làm việc. Đương nhiên nhà bếp vẫn là "cấm địa" với Kiều Anh, cô được giao cho việc hái rau khá nhẹ nhàng. Rau vườn nhà cô sau thời gian hơn một tuần nghỉ ngơi, giờ nó đã mọc lại vô cùng tươi tốt. Chị cô mới học được vài món đơn giản nên hôm nay nhà cô sẽ ăn món rau muống luộc với cà pháo muối. Món chính là thịt lợn sáng sớm mẹ cô đi chợ mua. Còn làm gì với món chính chắc phải chờ mẹ cô về xử lý.

    Kiều Anh ôm rổ rau muống vào sân giếng, thấy chị cô đang vo gạo. Cô đang múc nước vào chậu thì chị cô ngẩng đầu lên hỏi cô: "Em nói, có phải nấu cơm cho chú út không nhỉ?" Vấn đề này làm chị cô suy nghĩ hồi lâu.

    "Chị cứ nấu thêm cơm đi. Chờ chút nữa hỏi lại chú ấy xem." Theo Kiều Anh thấy đây không phải vấn đề. Nếu chú cô không ăn cơm thì gà nhà cô lại có cơm thừa để ăn, không lãng phí tẹo nào. "Mà sao nhà cô ngoài gà vịt ra chẳng có con vật nuôi nào khác vậy nhỉ?" Kiều Anh chợt nghĩ tới điều này. Cô nhớ hồi bé nhà cô có nuôi chó mèo đủ cả mà. Chẳng lẽ là cô nhớ nhầm. Cô quay sang hỏi chị cô: "Nhà mình không nuôi chó mèo gì hả chị?"

    Chị cô bị tốc đồ chuyển đề tài của cô làm cho sửng sốt, chậm một nhịp mới trả lời cô: "Mẹ đang chờ chó nhà chú Nam. Chó nhà chú ấy mới đẻ được hai mươi ngày. Muốn nuôi phải chờ chó con biết ăn mới bắt được."

    Kiều Anh hơi thất vọng. Chó cô không thích lắm, cô chỉ thích mèo thôi.

    Kiếp trước cô độc thân từ trong bụng mẹ, bạn bè khuyên cô nên mua một em mèo về làm bạn. Nói thật, mèo ta quê cô có rất nhiều, màu nào cũng có. Nhưng nhìn bọn chúng cô không có xúc động muốn nuôi nên bỏ qua. Cho đến khi bạn cô cho xem ảnh mấy em mèo Tây trên mạng. Sau đó cô đã bị trúng tiếng sét ái tình với em mèo Anh lông ngắn màu vàng. Lúc đấy còn nghèo hèn như cô thế mà dám tơ tưởng nuôi một em mèo Tây, giờ nghĩ lại cũng thấy mình khả năng bị say. Giá mua em ấy đã làm cô đau ví một thời gian. May mắn em mèo này ngoan ngoãn không kén ăn. Lúc đầu mẹ cô còn mắng cô phá của, sau khi nuôi em ấy một thời gian địa vị trong gia đình của cô tụt dốc. Em mèo này thành con ruột của mẹ cô. Mà cách thể hiện tình cảm của mẹ cô thì ngàn năm như một "vỗ béo". Từ một em mèo thon thả nhẹ nhàng qua bàn tay của mẹ cô trở thành một con mèo mập mạp như heo. Không biết giờ nó thế nào rồi! Đã giảm được cân thịt nào chưa không biết?

    Kiều Anh thở dài, thu hồi lại suy nghĩ, tập trung tinh thần vớt rau để vào rổ cho ráo nước. Xong việc, cô cầm chổi ra sân quét dọn sạch sẽ. Sân này chút nữa bố mẹ cô dùng để tuốt hạt và phơi thóc.

    Chị cô vừa nấu cơm xong, thì bố mẹ cô cũng chở chuyến xe bò lúa đầu tiên trở về. Ba người vội vàng dỡ lúa xuống sân. Sau đó bố mẹ cô vào nhà bê chiếc máy tuốt lúa ra. Máy tuốt lúa kiểu cũ ngày xưa rất thô sơ phải dậm bằng chân. Mẹ cô ở lại, còn bố cô và chú cô lại tiếp tục đi chở lúa. Mẹ cô vào xem xét cơm nước chị cô nấu ra sao. Mẹ cô nói: "Hôm nay chú các con ở nhà mình ăn cơm. Ngọc Anh cho thịt vào luộc. Anh Anh ra ngoài vườn cắt ít hành lá mang vào để mẹ tráng trứng."

    Kiều Anh ra vườn cắt mấy cọng hành, thấy có chút rau thơm cô cũng hái một ít. Đi đến gần bờ ao Kiều Anh lại hái thêm quả chanh về vắt nước rau muống. Cảm thấy đầy đủ, cô đi ra sân giếng rửa sạch rồi đưa cho mẹ cô. Chưa kịp rút tay về, mẹ cô đã đưa cho cô một nắm đen thui không biết thứ gì nói: "Ăn đi!"

    Kiều Anh choáng váng cầm nắm tro đen không biết làm sao. Lúc này cô cũng thấy chị cô cầm một nắm tương tự cho vào miệng ăn. Nhìn kỹ mới nhận ra thứ đen thui này là con muồng muỗm nướng. Kiều Anh cầm một con lên xoa lớp tro đen bên ngoài ra, thấy màu nâu nhạt thịt muồng muỗm hiện ra. Cô thử đưa lên miệng cắn một miếng, vào miệng giòn béo còn khá tốt ăn. Thứ này hồi bé cứ vào vụ gặt bố mẹ cô bắt được mang về nướng cho chị em cô ăn chơi. Kiều Anh mất vài phút giải quyết xong nắm muồng muỗm kia. Ăn xong thấy tay đen xì, cô nghĩ mặt cô cũng chẳng khá hơn là bao, nên quyết định đi rửa mặt và tay. Sau khi rửa xong đi ra sân giếng thấy chị cô mặt mày nhem nhuốc cũng hướng phía này đi tới. Kiều Anh ôm bụng cười đi vào nhà. "Hình tượng nữ thần của chị cô giờ đã một đi không trở lại!"

    Tráng xong trứng mẹ cô cũng không nhàn rỗi, bà ra ngoài bắt đầu tuốt hạt thóc. Máy tuốt hạt vang lên tiếng kẽo kẹt, nghe mà làm người ê răng. Mẹ cô đứng thẳng một chân đạp máy, hai tay giữ bó lúa đặt lên trục quay. Từng hạt thóc bắn ra từ trục quay rơi xuống sân. Bó lúa hết hạt mẹ cô ném lại phía sau, tay kia lại lấy một bó lúa mới tiếp tục tuốt hạt. Chỉ một lát trước máy tuốt lúa đã có một đống nhỏ thóc, mẹ cô dừng lại một chút lấy chiếc cào ra cào thóc ra hai bên. Rồi lại tiếp tục tuốt hạt. Quá trình lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bố cô và chú cô trở về.

    Vẫn còn một chuyến xe nữa mới chở hết lúa về nhà. Nhưng giờ đã trưa rồi, bố mẹ cô bảo chú cô nghỉ ngơi ăn cơm, chiều làm tiếp. Trong lúc này Kiều Anh như con ong cần mẫn hết mang khăn lại bưng nước cho mọi người. Chờ mọi người đều chân tay mặt mũi sạch sẽ mới ngồi xuống ăn cơm.

    Đều là thức ăn hàng ngày, nhưng làm việc nặng cả buổi sáng, ba người lớn vẫn ăn nhiều hơn thường ngày một bát cơm. Ăn xong, Kiều Anh và chị cô tranh đi rửa bát. Mẹ cô cũng không nói gì, giờ bà đang rất mệt chỉ muốn nghỉ ngơi. Bố cô và chú cô đã nằm lên chiếu dưới nền nhà ngủ rồi.

    Nghỉ ngơi tầm một giờ, bố mẹ cô đã tỉnh dậy. Chú cô vẫn còn gáy ngủ bố mẹ cô cũng không gọi. Hai người ra ngoài tuốt hết số lúa còn lại trên sân. Làm xong này đó, bố cô mới vào gọi chú cô dậy, hai anh em đi ra chở nốt đám lúa ngoài đồng về. Mẹ cô ở lại thu thập chiến trường. Giờ này hai chị em Kiều Anh cũng tỉnh ngủ ra giúp đỡ làm việc. Mẹ cô ở giữa sân loay hoay với đống thóc. Hai chị em cô thì kéo những bó rơm ra ngoài đường để phơi. Bó rơm giờ đã không còn hạt thóc nên không nặng, một lần Kiều Anh có thể kéo hai bó. Lúc đầu còn có sức, hai chị em còn cười đùa, càng về sau càng đuối. Làm tầm hơn nửa giờ, Kiều Anh vẫy tay gọi chị cô vào giàn thiên lý ngồi nghỉ trong chốc lát. Thật quá mệt mỏi!

    Ở hiện đại chỉ cần mang bao chờ lấy thóc từ máy gặt là được. Còn rơm rạ nằm rải rác trên ruộng, đợi nắng lên chúng nó khô, một mồi lửa là giải quyết hết.

    Cô hoài niệm cuộc sống ở hiện đại quá!
     
    THG Nguyen, Tiên Nhi, Lagan9 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...