Học phần: TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH Phần trình bày lịch sử vấn đề với đề tài: Góc nhìn văn hóa Văn hóa là bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: Khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị.. và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, vv.. Các nhà văn hóa học nước ngoài như W. Thomas, MS. Kagan, Tylor Edward.. khi bàn về văn hóa đã nêu ra nhiều vấn đề trong đó có khái niệm văn hóa. Năm 1871, trong "Văn hóa nguyên thủy" của Tylor Edward – New York cho rằng: "Từ văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên xã hội." Trong "Tuyên bố về những chính sách văn hóa" tại Hội nghị quốc tế từ ngày 26/7 đến ngày 6/8/1892, USECO đã đưa ra định nghĩa văn hóa như sau: "Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các tác giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng." Năm 1979, trong "Dân tộc, chủng tộc, văn hóa", N. N Cheboksorov và I. A. Cheboksarova định nghĩa Văn hóa như là "tất cả những gì do con người sáng tạo ra, trong quá trình lao động chân tay, trí óc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần khác nhau của nó." Tác giả Vu Ngữ Hòa, Vương Cảnh Tri, Chu Tân trong "Khái luận văn hóa truyền thống Trung Quốc", nhà xuất bản Đại học Thiên Tân năm 2002 đã định nghĩa "Văn hóa" như sau: "Văn hóa là một phạm trù lịch sử xã hội, là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người, là hệ thống mà nội dung của nó là sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần được sáng tạo ra bởi phương thức hoạt động thực tiễn của con người, là một tiêu chí quan trọng của sự phát triển lịch sử loài người." Ở Việt Nam, các nhà văn hóa học khi nghiên cứu đã thật sự quan tâm đến khái niệm văn hóa và những năm gần đây, một số kiến thức về khái niệm văn hóa đã trở thành một nội dung giảng dạy cho nhiều trường học của cả nước. Tiêu biểu cho các nhà văn hóa học ở Việt Nam là Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Như Ý, Phùng Hoài Ngọc.. Trong các công trình nghiên cứu của mình, các tác giả đã đưa ra những khái niệm về văn hóa. Tác giả Phùng Hoài Ngọc trong cuốn "Cơ sở Văn hóa Việt Nam" tái bản năm 2002 đã đưa ra: "Theo cách hiểu thông thường, văn hóa là học thức, trình độ học vấn và lối sống lành mạnh. Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm toàn bộ đời sống con người." Tác giả Trần Ngọc Thêm trong "Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam" đã định nghĩa: "Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong quá trình tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội." Trong "Từ điển Tiếng Việt" của Viện ngôn ngữ học do NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học xuất bản năm 2004 đưa ra quan niệm về văn hóa: "Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử." Qua việc điểm lại các công trình nghiên cứu về văn hóa, có thể đánh giá một cách khách quan rằng khái niệm văn hóa đã được dành cho một sự quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, những kết luận trong các công trình ấy còn mang tính chất khái quát, sơ lược.