Triệu Việt Vương: Vị anh hùng của đất nước

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Nguyên Vĩ Thu Thu, 30 Tháng bảy 2021.

  1. Nguyên Vĩ Thu Thu Tàn Hồng

    Bài viết:
    392
    TRIỆU VIỆT VƯƠNG

    (Triệu Quang Phục 趙光復)

    [​IMG]

    Triệu Việt Vương (chữ Hán: 趙越王; 524 – 571), tên thật là Triệu Quang Phục (趙光復), là vua Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy.

    Tại vị: 554 - 571

    Tiền nhiệm: Lý Nam Đế

    Kế nhiệm: Hậu Lý Nam Đế

    Thụy hiệu: Thần Vũ Hoàng đế

    Tước hiệu: Dạ Trạch Vương (夜澤王)

    Hoàng tộc: Nhà Tiền Lý

    Thân phụ: Triệu Túc

    Thân mẫu: Nguyễn Thị Hựu

    Sinh: 26 tháng 1, 524, Chu Diên, Giao Châu.

    Mất: 571, Vạn Xuân

    Cuộc đời lẫm liệt của Triệu Quang Phục tiêu biểu cho khí phách quật cường, quyết đánh đuổi ngoại xâm, chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc ở giai đoạn lịch sử vô cùng đau thương và bi tráng của dân tộc: Một nghìn năm đấu tranh giành độc lập. Tên tuổi của ông lưu danh sử sách cùng những bậc anh hùng hào kiệt thời kỳ này như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền..


    [​IMG]

    Đường Triệu Quang Phục ở thành phố Hưng Yên (Hưng Yên)

    Bấy giờ vào giữa thế kỷ 6, nước ta đang ở ách đô hộ của nhà Lương. Người anh hùng Lý Bôn dấy binh khởi nghĩa, 3 lần đánh cho quân Lương thua tan tác. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống ách đô hộ của nhà Lương thắng lợi hoàn toàn. Lý Bôn lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đóng đô ở Long Biên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Bôn là người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế, đặt tên cho nước là Vạn Xuân với ý mong xã tắc được bền vững muôn đời.

    Một trong 3 người làm quan đứng đầu triều đình Vạn Xuân là Triệu Túc, cha của Triệu Quang Phục. Khi Triệu Túc hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương, Triệu Quang Phục lúc đó là Tả Tướng quân tiếp tục được Lý Nam Đế trọng dụng. Vị tướng trẻ ấy vốn đã cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bôn ngay từ buổi đầu và lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần lập ra nhà nước Vạn Xuân năm 544.

    Đất nước vừa hưởng thái bình ngắn ngủi thì năm 545, nhà Lương lại phái tên tướng khét tiếng giỏi trận mạc là Trần Bá Tiên (người sau này lập ra nhà Trần ở Trung Quốc) đem quân sang xâm chiếm nước Vạn Xuân non trẻ. Thế giặc rất mạnh, Lý Nam Đế đem quân đánh địch mấy lần không thắng, lại lâm bệnh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Nam Đế đã tin tưởng phó thác việc nước, trao hết binh quyền cho Triệu Quang Phục rồi rút lui về động Khuất Lão (thuộc Phú Thọ ngày nay), đó là năm 546.

    Từ đây, Triệu Quang Phục đảm đương sứ mệnh cao cả lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

    Theo sử cũ, khi nhận binh quyền từ Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục đứng trước hai khó khăn rất lớn. Một là có đến hai phần ba tàn quân của triều đình đã theo Lý Thiên Bảo (anh vua) và Lý Phật Tử (viên tướng cùng họ) rút chạy về vùng Hà Tĩnh. Hai là những cuộc tấn công quyết liệt và liên tiếp của binh lính nhà Lương.

    Triệu Quang Phục lúc này phải đương đầu với muôn vàn thử thách trong tình trạng đất nước lâm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Liên tiếp những trận huyết chiến bất phân thắng bại với quân thù vừa đông, vừa mạnh, khiến lực lượng nghĩa quân suy yếu. Vị chỉ huy trẻ tuổi mưu lược nhanh chóng nhận ra, cứ dàn trận để đánh địch trong khi lực lượng ta mòn mỏi mà địch còn sung sức thì không tránh khỏi nguy hiểm.

    Và ông đã quyết định sáng suốt, thực hiện kế sách đánh địch lâu dài mà nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại là chiến tranh du kích, trường kỳ kháng chiến, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Am hiểu địa thế và đường đi lối lại của vùng đất quê hương lại được nhân dân hết lòng đùm bọc, Triệu Quang Phục bí mật lui quân về lập căn cứ mới ở Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

    [​IMG]

    Trường THPT Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên)

    Trường THPT Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên)

    Dạ Trạch được miêu tả trong sử sách là một vùng đầm lầy bát ngát, lau sậy rậm rạp, cỏ mọc như rừng. Giữa đầm Dạ Trạch là một bãi phù sa có thể làm ăn sinh sống được nhưng đường vào rất khó khăn nên cũng là nơi ẩn dấu vô cùng kín đáo. Phương tiện duy nhất đi vào bãi phù sa là dùng thuyền độc mộc nhẹ, rẽ lau sậy thì mới tới được.

    Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Triệu Quang Phục đem hơn 2 vạn quân vào đóng ở bãi đất giữa đầm, ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa lao động để tự túc lương thực; ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh quân giặc. Lối đánh chớp nhoáng "ngày ẩn tối ra" đã giúp quân đội của Triệu Quang Phục tiêu hao sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, tích thêm lương thực. Người trong nước gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương (vua Đầm Đêm).

    Giữa lúc đó, vào năm 548, Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão. Tướng sĩ tôn Triệu Quang Phục lên thay nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương.

    Từ căn cứ Dạ Trạch, cuộc chiến giữa ta và địch kéo dài chừng 4 năm. Năm 550, thời cơ đã đến. Lúc này tình hình của nhà Lương rối loạn, một bộ phận quân địch phải rút về nước, để lại đội quân xâm lược do tướng Dương Sàn chỉ huy. Triệu Việt Vương chớp thời cơ mở một loạt cuộc tấn công vào quân Lương, giết chết tướng chỉ huy giặc, thế giặc tan vỡ, tàn quân tháo chạy về nước. Đất nước Vạn Xuân trở lại yên bình. Triệu Việt Vương vào đóng trong thành Long Biên, kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế cùng nhân dân xây dựng nền độc lập.

    Đại Nam quốc sử diễn ca có thơ về ông:

    Bốn phương phẳng lặng can qua

    Theo nề nếp cũ lại ra Long Thành

    Đến năm 557, Lý Phật Tử, vốn là viên tướng cùng họ với Lý Nam Đế, khi trước đã rút chạy xuống phía nam lúc Lý Nam Đế thua trận, nay đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành ngôi. Sau mấy lần giao chiến biết không thể thắng được nên Lý Phật Tử xin giảng hòa.

    Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép "Lý Phật Tử ngờ là Triệu Việt Vương có phép lạ bèn xin được giảng hòa và xin ăn thề. Triệu Việt Vương nghĩ rằng Lý Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế nên không nỡ cự tuyệt".

    Âm mưu tiêu diệt bằng được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử còn xin hỏi con gái Triệu Việt Vương làm vợ cho con trai và được ở rể trong thành. Thế rồi kịch bản hiểm độc của Triệu Đà với An Dương Vương hơn 700 năm trước đã được Lý Phật Tử cho tái diễn gần như nguyên vẹn.

    Theo Việt Nam sử lược, năm 571, lợi dụng lúc Triệu Việt Vương sơ hở, Lý Phật Tử đem quân đánh úp, vì không phòng bị nhà vua thua trận, rút chạy, cùng đường gieo mình xuống cửa biển (nay thuộc tỉnh Nam Định) tự vẫn. Ông đã trị vì nước Vạn Xuân 23 năm. Câu chuyện bi thảm này đồng thời cũng là một bài học cảnh giác cho hậu thế..

    Thương tiếc và nhớ ơn người anh hùng cứu nước, nhân dân các vùng, miền tưởng nhớ ơn đức của ông. Trên quê hương Hưng Yên, ông được thờ phụng ở nhiều nơi. Hiện nay trong đền Hóa, xã Dạ Trạch (Khoái Châu) ngoài thờ Chử Đồng Tử -Tiên Dung, còn phối thờ danh nhân Triệu Quang Phục. Cách đền Hóa khoảng 2km, có ngôi đền thờ Triệu Việt Vương tại xã An Vĩ (Khoái Châu). Hằng năm, ngày 12.8 âm lịch, tương truyền là ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra quân đánh giặc, người dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ngài.

    Năm 2017, Hưng Yên đã phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo Đền thờ Triệu Việt Vương. Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng hơn 13, 7 nghìn m2 thuộc xã Dạ Trạch, với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng, hiện đang khẩn trương hoàn thiện. Công trình có giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt, tri ân công đức người anh hùng có công giữ nước và sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh xứ Nhãn.

    Nguồn: Minh Huệ
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...