"Muôn kiếp nhân sinh" được viết bởi tác giả Nguyên Phong, sinh năm 1950 tại Hà Nội, ông tên thật là Vũ Văn Du. Nguyên Phong hay còn được biết đến là giáo sư John Vũ bắt đầu du học tại Mỹ năm 1968, công việc chính của ông trong hơn 20 năm là kỹ sư cao cấp tại Boeing, ngoài ra ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình với vai trò là nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle. Với kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ phần mềm, ông còn giảng dạy tại các trường đại học trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. "Muôn kiếp nhân sinh" vẽ nên một bức tranh sống động cho tất cả độc giả khi đọc cuốn sách. Không chứa đựng những triết lý khô khan, cuốn sách là một mạch những câu chuyện khơi dậy nhiệt huyết, đánh thức trí tò mò của những người theo dõi. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, kiếp nhân sinh không vì đi qua một đời người mà dừng lại. Mối liên kết giữa vạn vật trong vũ trụ và cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với nhau. Hãy cùng xem những trích dẫn mình tâm đắc nhất trong "Muôn kiếp nhân sinh"! 1. Khoa học giải thích mọi sự dựa trên ngôn từ nhưng quan niệm Phật giáo vượt khỏi giới hạn của ngôn từ. Khoa học dựa trên sự suy luận nhưng quan niệm của Phật giáo vượt khỏi những lý luận thông thường, do đó không thể nghĩ, bàn. Nếu không thể diễn tả được bằng cách lý luận hay ngôn từ thì làm sao khoa học có thể nghiên cứu những cái vô giới hạn này? 2. Không có bất kỳ thần linh nào trong các pho tượng. Ai Cập Cổ đại là vương quốc đầu tiên đã dành ra nhiều thập kỷ để xây dựng rất nhiều lăng tẩm, tượng đài đồ sộ để ghi danh, ca ngợi công đức các triều đại Pharaoh, dù việc này đã làm tốn kém rất nhiều sức người sức của trong khi cuộc sống người dân còn nghèo khó. Sau cùng Ai Cập hưng thịnh đã hoàn toàn sụp đổ, nên văn hóa chính thống đã lụi tàn, mai một và bị đồng hóa. Thần linh chỉ hiện diện trong tâm trí của những người thành tâm. 3. Hiện nay thế giới đang trải qua giai đoạn hỗn loạn, xáo trộn, mà thật ra thì mỗi quốc gia đều đang gánh chịu những hậu quả mà họ đã gây ra trong quá khứ mỗi quốc gia cũng như mọi cá nhân đều có những nghiệp quả riêng do những nhân mà họ đã gây ra. Cá nhân thì có "biệt nghiệp" riêng của từng người nhưng quốc gia thì có "cộng nghiệp" mà tất cả những người sống trong đó đều phải trả. 4. Khi con người ta yêu thương chân thành, không đòi hỏi hay bám víu vào một điều gì, thì đó mới là tình thương yêu thật sự. Còn khi đã lệ thuộc vào điều kiện hay vì mục đích nào đó thì đây chỉ là sự hấp dẫn nhất thời, nếu không được đáp lại, họ ắt sẽ đau khổ. Những người thực sự thương yêu nhau, thì dù có gặp cách trở hay nghịch cảnh, tình yêu đó vẫn không đổi thay. Tình thương yêu thực sự luôn lan tỏa năng lượng chữa lành diệu kỳ và không bao giờ gây ra khổ đau. 5. Bất cứ hành động nào cũng tạo ra một nhân, và đã có nhân thì ắt có quả. Đó là quy luật của vũ trụ. 6. Mọi sự vật trên cõi đời này đều do nhân duyên phát khởi mà thành, tất cả đều có liên quan tương hỗ lẫn nhau, nhân sinh quả, quả lại tạo nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung hòa có khi đối kháng, tương tác lẫn nhau mà sinh ra, không có một sự vật nào có thể tự tồn tại riêng rẽ cả. 7. Con người sớm muộn gì cũng sẽ phải nhận lãnh hậu quả của những việc họ đã gây ra. Nếu không phải lúc này thì vào lúc khác, không ở kiếp này thì kiếp khác. Cuộc đời là hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hóa. Trong vũ trụ và trên trái đất này, không có gì xảy ra ngẫu nhiên, tất cả đều tuân theo những quy luật bất biến. Luật vũ trụ không phân biệt, bỏ sót hay thiên vị bất kỳ một ai. 8. Bất cứ một lực tác động nào cũng đều có phản lực tương ứng. Tuy nhiên, có khi phản lực xảy ra ngay, có khi nó tiềm ẩn và xảy ra vào lúc khác, có thể trong kiếp này, có thể trong kiếp sau. Cũng vậy, nếu tôi gây đau khổ cho người khác, thì tôi cũng nhận lại đau khổ mà người khác gây cho tôi. 9. Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, hướng con người tìm về con đường thiện lương. 10. Mọi sự vật trong vũ trụ đều có tính tương đối, nghĩa là đều vô thường, vô ngã và duyên sinh. Thời gian và không gian tuy có tên gọi khác nhau nhưng cùng chung một bản thể, hay "vạn vật đồng nhất thể", một là tất cả, tất cả là một. 11. Trường đoạn kiếp nhân sinh ta đang trải qua chỉ là một thời khắc ngắn ngủi của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm - trên hành trình vô tận đó, chúng ta phải tích luỹ kinh nghiệm sống để đạt được sự hiểu biết thực sự. 12. Mọi sự vật trên cõi đời này đều do nhân duyên phát khởi mà thành, tất cả đều có liên quan tương hỗ lẫn nhau, nhân sinh quả, quả lại tạo nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung hòa có khi đối kháng, tương tác lẫn nhau mà sinh ra, không có một sự vật nào có thể tự tồn tại riêng rẽ cả. 13. Chúng ta phải sống có ý nghĩa, có mục đích. Bài học mà chúng ta cần phải học là hiểu rõ luật Nhân quả và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Và một khi con người tự tâm có ý thức thay đổi làm việc tốt, phát tâm tích đức, tạo phúc có thể tác động giảm, tiêu trừ bớt nghiệp quả. 14. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những tiến bộ khoa học và các lợi ích về vật chất. Không phải tất cả đều hữu ích cho nhân loại trong lúc này và cho tương lai. Mặc dù không phủ nhận giá trị hay lợi ích của các sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay nhưng tất cả chưa hoàn toàn phục vụ cho con người vì chúng được tạo ra bởi những người chưa có đủ sự hiểu biết về hậu quả của việc họ làm. 15. Tương lai mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và hành tinh này sẽ ra sao trong thời gian tới là tuỳ thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó. Trên đây là một số trích dẫn mình ấn tượng nhất trong tác phẩm "Muôn kiếp nhân sinh". Hi vọng qua đó sẽ giúp mọi người rút ra bài học cho cuộc sống của mình.