Nói đến vẻ đẹp văn hóa truyền thống Trung Hoa, người ta thường nghĩ đến sự tinh tế của nghệ thuật trà đạo, vẻ đẹp đài các và thướt tha của những bộ sườn xám hay ý vị văn nhã trong những tứ thơ Đường.. Trong số đó, không thể không kể đến tranh thủy mặc - một trong những hình thức hội họa lâu đời của nền văn minh Trung Hoa. Tranh thủy mặc - một loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của Trung Hoa (Ảnh: Thegioitranhsondau.com). Tranh thủy mặc là một loại hình hội họa truyền thống của Trung Hoa, kết tinh nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, cảm quan nghệ thuật cũng như triết lý sống của con người phương Bắc. Tranh thủy mặc cơ bản bao gồm hai yếu tố gồm "thủy" - tức là nước, và "mặc" - nghĩa là mực, hiểu đơn giản là loại tranh được vẽ bằng mực Tàu mài ra rồi pha loãng với nước trên nền giấy hoặc lụa thông qua công cụ trung gian là cây bút lông. Loại tranh này rất được ưa chuộng tại một số quốc gia Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam.. "Phú Xuân sơn cư đồ" của Hoàng Công Vọng - bức tranh thủy mặc nổi tiếng của Trung Hoa (Ảnh: Pinterest). Sự hình thành và phát triển của tranh thủy mặc Quá trình hình thành và lịch sử phát triển của tranh thủy mặc gắn liền với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Tranh thủy mặc được ghi nhận xuất hiện sớm nhất dưới thời Chiến Quốc (thế kỷ V TCN - năm 221 TCN), được phát hiện trở lại dưới thời Đường (618-907) và phải đến thời Tống (960-1279), loại hình nghệ thuật này mới thực sự phát triển và gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Nếu ở thời Đường, các tác phẩm tranh thủy mặc vẫn còn thô sơ và đơn giản trong cả nội dung lẫn cách thức thể hiện, chủ yếu tạo ấn tượng nhờ sự mới lạ, khác biệt của nó so với các loại hình hội họa trước đó, thì đến thời Tống, các kỹ thuật vẽ tranh đã phát triển ở mức độ cao hơn, tinh tế hơn, nội dung cũng phong phú và đa dạng hơn. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển huy hoàng của dòng tranh thủy mặc trong hàng ngàn năm lịch sử để ngày nay, nó hiện diện như một trong những loại hình hội họa độc đáo đại diện cho bộ mặt văn hóa Trung Hoa. Tiếp nối và kế thừa bút pháp tranh thủy mặc thời Đường - Tống, các triều đại Nguyên, Minh, Thanh sau này tiếp tục phát triển hai lối vẽ công bút (tỉa từng tiểu tiết bằng nét bút tinh nhọn) và tả ý (phóng bút tung hoành) lên đến trình độ cao hơn khi kết hợp chúng lại một cách linh hoạt, vi diệu, tạo mỹ cảm khoáng đạt mà sâu sắc. Cách vẽ này mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa, về sau được nâng lên thành quốc họa. Tranh thủy mặc "Ngựa" của Từ Bi Hồng (Ảnh: Thegioitranhsondau.com). Đặc điểm nghệ thuật của tranh thủy mặc Chủ đề chính trong tranh thủy mặc thường là cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình với núi non, sông suối, hoa cỏ, chim chóc, muông thú.. Ít khi ta thấy bóng dáng con người trong những bức tranh thủy mặc, và thường con người cũng chỉ xuất hiện một cách thấp thoáng, mờ nhạt, thậm chí lọt thỏm giữa một vùng không gian rộng lớn hay trong trạng thái hòa hợp với thiên nhiên chứ ít khi xuất hiện một cách cô lẻ, tách rời như một chủ thể chính. Có thể nói, tranh thủy mặc là loại tranh chủ về vẽ cảnh thiên nhiên, non nước. Trong tranh thủy mặc thường đề thơ chữ Hán. Mặc dù là loại tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên nhưng mục đích của tranh thủy mặc không đơn thuần là tái hiện lại vẻ ngoài của cảnh vật sao cho chân thực, mà nằm ở việc nắm bắt được cốt lõi tinh thần và nội hàm của chủ thể. Khi vẽ một con hổ, người ta phải hiểu tính khí của nó hơn là bộ lông và xương cốt bên ngoài. Hay khi vẽ một bông hoa, đích đến không phải là vẽ cho ra được những cánh hoa với màu sắc đạt đến độ hoàn mỹ mà quan trọng là phải truyền tải được vẻ duyên dáng, sức sống và hương thơm của bông hoa đó. Bởi vậy, nghệ thuật trong tranh thủy mặc là nghệ thuật của sự ước lệ bằng cách gợi cảm, gợi tả các đặc tính của chủ thể thông qua đường nét, và từ những chi tiết được vẽ lúc đậm lúc nhạt ấy để khám phá thế giới tinh thần của người họa sĩ. Cảnh vật trong tranh thủy mặc chỉ là trung gian để người họa sĩ nói về cái tâm hồn của mình một cách tế nhị. Người họa sĩ không sao chép lại hiện thực, mà họ khắc họa lại hiện thực ấy bằng tình cảm và cảm nhận của mình thông qua những chuyển động tinh tế mà sinh động của ngòi bút. Giá trị của tranh thủy mặc không chỉ ở cảnh sắc trong tranh mà ở việc qua bức tranh, ta thấy cả tâm hồn của tác giả. Tranh thủy mặc gắn liền với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa - vốn là bộ môn nghệ thuật tao nhã, cao siêu, chỉ dành cho những tao nhân mặc khách, những người thuộc dòng dõi thư hương trong xã hội. Vì vậy, loại tranh này là sự kết hợp hài hòa của bốn yếu tố thi - thư - họa - ấn, trong tranh thường đề thơ chữ Hán, điểm xuyết thêm dòng thư pháp, cuối cùng đóng một dấu triện gây ấn tượng. Thơ là ý của tranh, thư pháp là cốt của tranh, vậy nên qua thơ, thư và dấu ấn, tác giả gửi gắm lý tưởng cao cả qua tranh, tạo nên hồn cốt và giá trị nghệ thuật của tranh thủy mặc. Thoát thai từ đời sống của những Nho sĩ, trí thức nên tranh thủy mặc có những tính chất tương đồng và gắn liền với Thiền Tông - vốn đề cao tính tự nhiên và bản chất vốn có của sự vật cùng triết lý hài hòa với thiên nhiên trong Đạo giáo. Bức tranh thủy mặc "Núi Chai Mun" của Đường Bá Hổ - một danh họa nổi tiếng thời Minh (Ảnh: Thegioitranhsondau.com) Công cụ vẽ tranh thủy mặc Muốn vẽ ra được một bức tranh thủy mặc tốt, điều kiện tiên quyết là công cụ phải tốt. Công cụ vẽ tranh thủy mặc thường bao gồm giấy, bút, mực, nghiên - được gọi nôm na là "văn phòng tứ bảo". Đầu tiên là giấy. Thông thường, tranh thủy mặc được vẽ trên nền giấy Tuyên Chỉ - một loại giấy được làm thủ công, chuyên được sử dụng để viết thư pháp hoặc vẽ tranh thủy mặc, có đặc tính mịn, xốp, màu trắng, thấm hút nước rất nhanh nên mỗi một nét bút đặt xuống sẽ không thể thu lại, có khả năng lan tỏa nét mực theo từng đường bút của họa sĩ. Giấy Tuyên Chỉ - loại giấy chuyên dùng để vẽ tranh thủy mặc (Ảnh: Sohu.com) Bút được dùng để vẽ tranh thủy mặc có thể là loại bút lông cứng hoặc mềm tùy thuộc vào dụng ý nghệ thuật của người họa sĩ, ví dụ như vẽ núi non thì dùng bút cứng, phác thảo những nét mảnh, mềm thì dùng bút lông sói, khi cần pha trộn màu sắc thì dùng bút lông dê.. Các loại bút lông dùng để vẽ tranh thủy mặc (Ảnh: Sina.com) Mực dùng để vẽ tranh phải là loại mực nhuyễn, không bị đóng cặn, màu bền và đẹp, khi hòa với nước có khả năng thể hiện các sắc độ đậm - nhạt, sáng - tối đa dạng. Mực có thể là thuốc nước hoặc mực Nho. Mực tàu (Ảnh: Artnews.com) Nghiên tốt có tác dụng mài mực ra thật nhuyễn, tránh đóng cặn và không bị khô quá mau. Nghiên mực cũng là thứ quan trọng không kém (Ảnh: Sina.com). Những yêu cầu đối với họa sĩ tranh thủy mặc Là một loại hình nghệ thuật đại diện cho văn hóa truyền thống Trung Hoa và đã được nâng lên tầm quốc họa, tranh thủy mặc yêu cầu kỹ thuật và bút pháp vô cùng điêu luyện nơi người họa sĩ, đòi hỏi ở họ những sự tu luyện, rèn giũa cực kỳ nghiêm khắc. Thời gian để một người họa sĩ vẽ tranh thủy mặc đạt đến độ điêu luyện về mặt kỹ thuật có thể tính bằng hàng chục năm. Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi nghiêm ngặt ngay từ kỹ thuật cầm bút, cách đặt để ngòi bút tạo góc độ như thế nào so với mặt giấy, lực tác động từ tay người vẽ vào thân cây bút cho đến các thao tác điểm mực nhiều hay ít.. Kết hợp giữa sự linh hoạt của các ngón tay và cách vận động lên xuống nhịp nhàng của cánh tay, các đường nét đậm nhạt và từng cấu trúc hình khối đa dạng được trải đều lên mặt giấy, tạo nên các hiệu quả thị giác thần kỳ. Những đường nét khi thì uyển chuyển mềm mại như nước, lúc lại cứng cáp đanh gọn như núi, khi thì phóng túng tự tại như mây.. tạo nên một tổng thể sống động và hài hòa, khó có loại tranh nào sánh được. Việc vận dụng cọ bút với nhiều góc độ biến hóa khác nhau như dựng cọ thẳng đứng, để nghiêng cọ, xoay vòng cọ.. tạo ra những đường nét sống động và tự nhiên. Tất cả những kỹ thuật ấy đều hàm chứa công phu và sự tu luyện rất lớn. Bởi vậy, phẩm chất đầu tiên cần có ở người vẽ chính là sự nhẫn nại và tinh thần chịu khó khổ luyện. Tranh thủy mặc đòi hỏi nhiều phẩm chất ở người họa sĩ (Ảnh: Cnzihua.com). Tranh thủy mặc không chỉ đòi hỏi sự khổ luyện về mặt kỹ thuật mà còn cần sự tu dưỡng về mặt đạo đức và chiều sâu tâm hồn nơi người họa sĩ. Là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa thần và sắc, giữa hình thức và nội dung nên người họa sĩ cần có một thế giới tinh thần sâu sắc, tu rèn đạo đức và phẩm cách cao đẹp mới có thể truyền tải được thần khí và linh hồn của cảnh vật. Chỉ khi kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa cả hai yếu tố này, họa sĩ mới đủ tài năng và tư duy nghệ thuật để sáng tạo nên những tác phẩm vừa sống động về cảnh vật, vừa tiềm ẩn khí phách, ý chí, tri thức và tinh thần để khơi gợi lên những cảm xúc sâu thẳm trong lòng người xem. Tề Bạch Thạch - danh họa nổi tiếng Trung Hoa về dòng tranh thủy mặc (Ảnh: Sohu.com). Trở về với những giá trị cổ xưa, chúng ta thường bị say mê, lôi cuốn bởi vẻ đẹp của những giá trị đạo đức cao cả và cảnh giới tư tưởng uyên thâm của tiền nhân. Nghệ thuật chính là sự phóng chiếu tư tưởng và trí tuệ của người nghệ sĩ. Thông qua tranh thủy mặc, ta không chỉ thưởng thức một loại hình nghệ thuật lâu đời của Trung Hoa, mà còn tìm về với những minh triết phương Đông đỉnh cao trong dòng chảy văn hóa, văn minh của nhân loại. Lý Phương Anh.