TRÁNG SĨ HỒ LEMAN – NHÀ TÌNH BÁO LẬP DỊ Từ cuối năm 1994, tôi được giao gặp, phỏng vấn nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp ngành An ninh để thực hiện bộ sách "Những kỷ niệm sâu sắc trong đời Công an" cho NXB Công an Nhân dân. Khá nhiều lần, thiếu tướng Vũ Huỳnh, tức Huỳnh Anh, nguyên Trưởng Ban An ninh khu 6 thời chống Mỹ, nguyên Trưởng Ty Công an tỉnh Thuận Hải ngay sau giải phóng đã dặn tôi: "Cố gắng tìm hiểu viết về anh Nguyễn Đình Ngọc. Hiếm có người thứ hai như thế. Vì nhiệm vụ tình báo mà du học một hơi 10 năm bên Pháp, lấy luôn 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ. Anh từng là thành viên của Viện Khoa học cao cấp Pháp, là bạn với nhà toán học nổi tiếng thế giới A. Grothendeck, người từng đoạt giải Fields. Kiến thức của anh ấy ngang tầm một bác học". Rồi ông cho số điện thoại, viết cả thư tay giới thiệu để tôi tiện liên lạc. Với cả công việc lẫn sự say mê, dĩ nhiên không đời nào tôi chịu bỏ qua một nhân vật như thế. Tôi nghe theo ông Chín, nhiều lần xin gặp nhưng lần nào Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc cũng từ chối. Ông nói như ra lệnh: "Cậu không viết gì về tôi cả"! Ngược lại, đặt câu hỏi thì ông sẽ trả lời, giải thích cặn kẽ. Ông bảo: "Điều gì cũng phải biết cho rõ ràng. Biết không phải để viết. Biết để.. hiểu. Nhắc lại nhé: Không viết!". Rồi cuối cùng thì cả ba tập của bộ "Những kỷ niệm sâu sắc trong đời Công an" đều không có trang nào về nhà khoa học – nhà tình báo tài ba ấy cả. Tôi không được viết, tác giả khác cũng không. Đầu năm 1997, tôi chuyển công tác sang Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an, việc chính là lo làm trang trong nước cho tờ chuyên đề An ninh Thế giới . Cả tòa soạn phía Nam khi đó chỉ chưa đầy chục người, mình tôi là phóng viên, kiêm luôn biên tập viên, sửa morat, thức đêm lòi mắt với dao mổ và bút kim 2B để montage báo thủ công. Báo chưa có trụ sở, phải thuê 4 phòng của Cục Viễn Thông tin học Bộ Nội Vụ (V17) ở số 47 C Phạm Viết Chánh, Q. I, TP Hồ Chí Minh làm tòa soạn. Trừ khi đi công tác, thời gian còn lại tôi ở lại báo gần như cả ngày lẫn đêm. Không khó để nhận ra, ngoài 4 phòng tòa soạn báo ở tầng trệt, còn có một căn phòng khác trên lầu 2 trụ sở cũng thường sáng đèn chong đêm. Đó là phòng làm việc của Cục trưởng V17, thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc. Biết ông khó tính, tôi lấy cớ: "Thấy chú còn thức, con mang lên cho chú.. tờ báo vừa in". Tất nhiên, ông biết ngay: "Cậu muốn hỏi cái gì?". Quá biết tính ông, tôi nêu ngày vấn đề đã sắp sẵn và khoanh tay, giỏng tai lắng nghe. Luôn kết thúc bằng câu: "Giờ thì rõ rồi chứ" và không định nấn ná, ông lại dặn: "Hiểu rồi thì về.. ngủ. Nhớ là không viết gì, không được nhắc đến tôi đâu nhé!". Làm báo cả đời, tôi thấy ông là vị tướng Công an duy nhất không chấp nhận đưa tên mình lên mặt báo hay bất kỳ trang viết ở đâu khác. Ông giữ thói quen đã thành cố hữu. Bởi xuất thân, ông là một nhà tình báo, một điệp viên ẩn mình rất kín trong vỏ bọc một nhà khoa học lẫy lừng. Đình Ngọc sinh ngày 13-8-1932. Bố ông là vị bác sĩ nổi tiếng ương ngạnh, độc lập Nguyễn Đình Diệp. Chính quyền thuộc Pháp không ưa, đã "đày" bác sĩ Diệp lên tận Sơn La làm việc. Bà Lê Thị Khoa, vợ ông phải tằn tiện, chịu khó lắm mới cùng chồng nuôi được 4 người con nheo nhóc. Nguyễn Đình Ngọc là con cả, được ăn học đàng hoàng. Sau Cách Mạng tháng 8, bác sĩ Diệp trở thành Quân y xá trưởng của tỉnh Phúc Yên đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ bằng tri thức khoa học. Tháng 12 -1947, thất bại nặng trong chiến dịch Thu Đông, quân Pháp từ Bắc Cạn, Chợ Đầu.. phải rút chạy qua Thái Nguyên, về Phúc Yên, từ đó chạy về Hà Nội. Trên đường rút chạy, chúng đã bắt toàn bộ gia đình bác sĩ Diệp tại thôn Cầu Vây, xã Đỗ Tân, sau đó giải bác sĩ Diệp và con trai lớn Nguyễn Đình Ngọc về Hà Nội. Đến Đáp Cầu, hai cha con bị giam tách ra. Người cha chỉ còn kịp dặn con: "Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt". Đêm đó, bác sĩ Diệp bị địch giết. Nguyễn Đình Ngọc chỉ nghe có một tiếng súng nổ và không bao giờ còn gặp lại người cha nữa. Không lâu sau đó, mẹ anh cũng mang được hai người em quay lại Hà Nội đang bị tạm chiếm. Nguyễn Đình Sơn, người em thứ 3, không may đã mất vì bạo bệnh tại Phúc Yên vào mùa hè 1947. Khó khăn chồng chất, người mẹ vẫn bằng mọi giá thực hiện di nguyện của chồng, nuôi hai con trai Ngọc và Kim ăn học. Em ái út của anh khi đó mới 1 tuổi. Anh em Nguyễn Đình ngọc đều học rất giỏi. Ngọc đặc biệt thích và giỏi môn Toán. Những cuốn sách toán bằng tiếng Pháp của Lebossé đã được cậu bé 15 tuổi lôi ra làm đi làm lại đến nát nhừ. Anh gần như trở thành "thầy phụ đạo Toán" cho tất cả bạn bè cùng lớp. 18 tuổi Nguyễn Đình Ngọc đỗ tú tài, vào Đại học Khoa học. Một năm sau, anh lấy xong chứng chỉ Toán đại cương. Ở tuổi 20, anh đồng lúc lấy thêm 2 chứng chỉ Vật lý đại cương và Cơ học ứng dụng - một thành tích đáng nể. Nhiệt huyết và tài năng, Nguyễn Đình Ngọc đã lọt vào mắt xanh của Giám đốc Công an Liên khu 4 Nguyễn Hữu Khiếu, được chọn và thuyết phục trở thành một chiến sĩ tình báo Cách mạng. Đến cuối năm 1953, khi Pháp đang bắt đầu sa lầy ở Điện Biên Phủ thì Nguyễn Đình Ngọc cũng hoàn thành xong một khóa huấn luyện ngắn về tình báo. Anh được đưa trở lại Hà Nội còn bị tạm chiếm với chỉ thị: "Cố gắng lọt vào xã hội thượng lưu Sài Gòn, đợi liên lạc mang lệnh hành động đến" . Nguyễn Đình Ngọc đã cắt đôi cái dây đồng hồ anh đang đeo để lại làm tín vật v2 đánh đường từ chiến khu (ở Thanh Hóa) về hà Nội để từ đó tìm đường vào Sài Gòn. Đi đến Nam Định, Ngọc đã bị Phòng Nhì Pháp bắt giam vì bị nghi ngờ về thành hoạt động. Anh một mực khai thầy giáo, bị lao nên phải vào Hà Nội chữa chạy. Địch kiểm tra, xác nhận anh đang bị lao phổi thật nên để cho đi. Tháng 7-1954, Nguyễn Đình Ngọc đã hòa vào đoàn người di tản vào đến Sài Gòn. Gia đình người yêu đã đính ước của anh đã vào Nam trước 3 tháng. Ngọc đã vừa dạy kèm để kiếm tiền tiếp tục việc học và lấy vợ vào cuối tháng 10 - 1955. Chỉ một tháng sau, Ngọc đã tìm được học bổng du học Pháp để học kỹ sư Khí tượng. Vợ anh đi sau 2 tháng. Đến cuối năm 1956, tại Paris, con trai anh chào đời. Sinh con xong không lâu, vợ anh phải đi làm thêm để có tiền trang trải. Cùng lúc với việc học kỹ sư Khí tượng, anh cũng học thêm và chuẩn bị luận án tiến sĩ Địa Vật lý. Hoàn tất, anh chuyển sang vừa học kỹ sư Đóng tàu vừa làm luận án Tiến sĩ Khoa học về Toán với giáo sư hướng dẫn lừng danh Charles Ehresmann ở Đại học Sorbonne (Paris). Đến năm 1963, anh hoàn tất cả hai chương trình khoa học. Vẫn chưa có ai bắt liên lạc, Nguyễn Đình Ngọc lại.. học tiếp, ngành kỹ sư Viễn thông, và được nhận vào làm giáo sư Đại học Rennes, cách Paris hơn 300 km. Thành công vượt bậc trong khoa học, nhưng với đời sống, Nguyễn Đình Ngọc lại luôn lúng túng, được nhìn nhận như một tay lập dị. Người thấp, nhỏ, anh vẫn mặc cái áo vest dài gần đến đầu gối do bạn cho, đi đôi giày bạn tặng quá rộng đã mòn vẹt.. Mùa đông, anh xỏ một lúc 2 tất mỗi bên. Tất bên nào cũng.. thủng 2 lỗ ngay ngón chân cái. Tuy nhiên, anh lộn trái chiếc này và mang phải chiếc kia nên không ngón chân nào phải lòi ra. Một phần cách sống không tươm tất cho lắm là do anh muốn và cần phải tiết kiệm. Sống ở Paris, dạy đại học ở Rennes, vị giáo sư người Việt luôn di chuyển bằng xe lửa vào ban đêm và ngồi ở ga đợi trời sáng để lên lớp. Dạy xong là ra ga về thẳng, cũng vào ban đêm, để ngủ trên tàu, không tốn tiền thuê khách sạn. Mỗi ngày Nguyễn Đình Ngọc chỉ ăn một bữa. Bữa ăn định lượng nhiều gấp 3 lần bữa của người bình thường. Thịt, trứng, rau, đậu, thậm chí cả mì.. ông cho hết vào một nồi, lấy thìa xúc ăn, khỏi bày biện mâm bát gì hết. "Quân tử thực vô cầu bão, hư vô cầu an", còn Nguyễn Đình Ngọc, một nhà tình báo thì "thực bất tri kỳ vị" . Là ông muốn thế, tự bắt mình phải thế để tiết kiệm thời gian, dù thực ra, ông là bậc thầy tinh tế trong nhiều mặt. Về trí tuệ, ông lại là một con người khác, kiên định, bác lãm và cầu toàn. Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính kể, GS Nguyễn Đình Ngọc từng đánh rớt.. tất cả sinh viên môn Toán đại cương trong một kỳ thi ở Trường Rennes vì cho rằng không ai đáp ứng được đòi hỏi (quá cao) của thầy. "Hiệu trưởng đề nghị anh chấm lại, anh cương quyết giữ điểm đã cho; cuối cùng người ta phải mời một giáo sư khác chấm để còn có sinh viên đỗ". Tham gia hội nghị khoa học quốc tế, ông nổi tiếng vì.. "xin được là xin". Ở đâu, khi nào ông cũng xách lỉnh kỉnh hàng chục giỏ, tập vừa xin được – tất cả đều là tham luận hoặc tài liệu khoa học, "vì đất nước đang cần, sẽ cần" . Tiến sĩ Nguyễn Văn Thống, học trò và cấp dưới của ông ở V17 kể: có lần, sau một Hội nghị khoa học quốc tế về Viễn thông, đoàn Việt Nam được Ban tổ chức Hội nghị mời tham gia một hội chợ triễn lãm về rượu vang và fromage. Khách được mời dùng thử tùy thích. Hàng trăm loại, đoàn Việt Nam không ai biết nên dùng loại nào trước, loại nào sau. Hỏi, không ai biết. GS Nguyễn Đình Ngọc bèn giữ các cô chiêu đãi viên mang khay fromage đi mời lại, chỉ vào từng loại, từng biểu tượng trên lá cờ giải thích cho cả đoàn cặn kẽ từ lịch sử, xuất xứ, hương vị, cách dùng, loại nào dùng kèm với rượu vang nào, tỉ mỉ và tinh tế còn hơn một chuyên gia ẩm thực thượng thừa. Hóa ra, ông biết tuốt. Giữa kinh đô ánh sáng đầy những tranh cãi chính trị, nhà tình báo Việt Cộng bỏ ngoài tai mọi tranh luận bộc lộ chính kiến, không về phe nào cả. Phái thân Cộng đã từng đánh giá ông là "một tay phản động có cỡ" vì thấy ông nghiên cứu "Tư bản luận" của Mác một cách nghiêm túc nhưng lại hay có nhận xét giễu cợt mọi phía. Thật ra, ông chỉ ham học. Không biết là học, và học rất nhanh. Mê âm nhạc nhưng không hiểu lời Opera, ông đã bỏ 3 tháng trời học và trở nên thành thạo tiếng Đức chỉ để sau đó lùng kiếm và mua được từ chợ trời những đĩa ghi các bản nhạc với lời tiếng Đức như mong muốn. Sống chẵn 10 năm ở Paris, đến cuối năm 1965, vợ ông đã.. phát hiện ra vai trò của chồng, khi ông thường đi đi lại lại giữa Paris và Genève để nhận chỉ thị của cấp trên. Nơi gặp gỡ là một biệt thự nhỏ bên hồ Leman. Người gặp, giao chỉ thị chính là ông Chín Huỳnh. Trong một lần gặp, Nguyễn Đình Ngọc đã sốt ruột hỏi về nhiệm vụ cụ thể. Ông Chín Huỳnh, một cựu thủ khoa Quốc học Huế cười: "Khi nào đến lúc, khắc biết. Nhiệm vụ của cậu bây giờ chính là trèo lên thật cao trong khoa học". Ông Chín Huỳnh gọi anh là "Tráng sĩ Hồ Leman", làm một bài thơ cùng tên bằng chữ Hán tặng. Nguyễn Đình Ngọc thì tự đặt cho mình bí danh hoạt động là Diệp Sơn - ghép giữa tên người cha đã truyền cho anh lửa tri thức và lòng yêu nước với tên người em thứ ba đoản mệnh. Tháng 2 năm 1966, ông về nước, vợ con ở lại Pháp. Trở lại, ông làm giáo sư dạy ở Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Căn hộ ông thuê ở đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi) luôn có.. 7 ổ khóa chạy dọc cánh cửa chỉ cần hích vai đẩy nhẹ là bung, dù trong nhà chẳng có tài sản gì, ngoài sách và rất nhiều đôi tất thủng lạc màu. Khi ông ra dạy Đại học Huế thì phái viên của cấp trên, bí danh Phương Lan (nhưng là một người đàn ông trung niên làm văn thư ở Đại học Huế) mang theo một nửa chiếc dây đồng hồ tín vật đến bắt liên lạc. Sau lần gặp đó, Nguyễn Đình Ngọc thường xuyên ra Huế dạy hơn.. Lập dị, nhưng ông thường xuyên giao du với những nhân vật tai to mặt lớn, chóp bu của chế độ, trong đó có Phó đề đốc Hải quân Nghiêm Văn Phú (chồng của em vợ ông).. Đầu năm 1970, GS Nguyễn Đình Ngọc đã lấy được và chuyển toàn bộ kế hoạch, bản đồ chiến lệ trước về cho Trung ương Cục miền Nam biết, kịp thời sơ tán an toàn, tránh được cuộc hành quân Snuol của Mỹ - VNCH đánh vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam đóng ở Svayrieng, Campuchia. Hai tháng sau, ông đã báo trước được 48 giờ kế hoạch đảo chính của Lon Nol - Sirik Matak lật đổ Sihanouk, nhận định chính xác Lon Non sẽ trở mặt, không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng "nhờ" trên đất Campuchia. Nhờ đó, phía Cách Mạng đã kịp thời sơ tán trước đại sứ quán, hủy tài liệu, sơ tán căn cứ Trung ương Cục và các đường dây vận chuyển kinh tài, vũ khí cung cấp cho miền Nam qua ngõ cảng Sihanoukville, tránh được vô vàn tổn thất. Lẽ tất nhiên, phía CIA và Phủ đặc ủy tình báo Trung ương Việt Nam Cộng Hòa đều không mù. Ngay từ đầu, lối sống của "giáo sư lập dị", chỉ hoàn toàn chú tâm vào chuyên môn đã khiến ông bị đặt vào vòng nghi ngờ, theo dõi. Ngày 2-9-1969, Hồ Chủ Tịch qua đời. Đầu giờ họp của Ban Toán, Đại học Khoa học vào ngày sau đó, ông bỗng đứng lên, nghiêm nghị: "Một vĩ nhân vừa qua đời, đề nghị Ban ta đứng lên, một phút mặc niệm!". Mọi người đều làm theo. Sự việc lan nhanh khiến một lần nữa, những dấu hỏi về ông lại rộ lên. Nhưng cuối cùng, lời giải thích là: "Giáo sư lập dị" có tỏ thái độ khuynh tả thì cũng bình thường! Vốn dĩ, ông ấy có giống ai bao giờ? ". Đến tháng 4 - 1975, sau nhiều theo dõi, phân tích, vai trò tình báo của ông đã bị địch khẳng định. Ông không bỏ chạy, vẫn kịp báo trước 24 giờ cho Bộ Chỉ huy tối cao Chiến dịch Hồ Chí Minh rằng quân đội Mỹ sẽ không quay trở lại giúp Sài Gòn khi ta tổng tiến công. Lệnh bắt ông phía VNCH đã không kịp thực hiện.. Ngày 30-4-1975, ông ung dung ngồi ở cơ sở Đại học Khoa học tại Thủ Đức, chờ quân Cách Mạng vào tiếp quản. Giữ vai trò giáo sư" công chức lưu dung "đến hết niên khóa 1977, ông khiến nhiều người ngỡ ngàng khi xuất hiện trên đường phố trong bộ quân phục sĩ quan an ninh, quân hàm Trung tá. Trước khi về hưu vào năm 2002, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Viễn thông tin học, Bộ Công an, Phó ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Nhà nước.. Ở cương vị nào, ông cũng vẫn sống với thói quen trong vỏ bọc khi còn hoạt động tình báo. Từ TP Hồ Chí Minh ông đi xe xuyên đêm ra giúp Ninh Thuận lắp đặt đài Vibra. Sáng, đến Cá Ná, ông tạt vào hiện trường làm việc luôn. Chính quyền, Công an tỉnh bày tiệc tiếp đón, chiêu đãi ở Phan Rang, cách 30 km, chờ mãi không thấy ông ra, phải dọn đi. Tướng Nguyễn Đình Ngọc làm việc xong, từ Cà Ná quay về luôn, chẳng màng gì việc quan chức địa phương đang chờ đón tiếp! Ngày 7-5-2006, ông ra đi thanh thản. Chỉ sự nghiệp và tài năng lẫy lừng của vị tướng tình báo, huyền thoại, giáo sư lập dị là vẫn ở lại và sống mãi. Và đến lúc đó, tôi mới hiểu vì sao ông không bao giờ cho viết về bản thân, nhất là quãng thời gian làm một điệp viên ẩn dưới vỏ bọc một nhà khoa học. Gần như nửa đời sau, ông sống độc thân, với công việc, tại Việt Nam. Vợ con ông vẫn định cư tại Pháp. Ông không muốn đề cập gì những câu chuyện cũ, con người cũ, bởi điều đó có thể gây liên lụy cho vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ khac ở xứ người. Rồi ông cho số điện thoại, viết cả thư tay giới thiệu để tôi liên lạc. Mất chẵn 25 năm từ khi có dự định, tôi mới có thể viết một chân dung vắn tắt về ông. Ngắn thôi, nhưng vẫn phải tự cắt bỏ và bị cắt bỏ nhiều chi tiết, chủ yếu để" đẽo chân cho vừa giày", khớp với dung lượng một trang báo trên số đặc san ANTG nhân kỷ niệm 74 năm ngày ra số báo CAND đầu tiên. Nói chung, nghề tình báo thì không bao giờ có thể hiện ra nguyên vẹn. Chân dung mọi nhà tình báo luôn bị cắt gọt. Trang viết trên tờ báo của ngành Công an thì cũng không khác gì nghề tình báo, luôn bị cắt gọt, kể cả khi ta viết về chân dung một vị tướng Công an, một huyền thoại tình báo, một nhà khoa học lẫy lừng.. Theo: Đàm Tuấn.