Chủ đề: LỄ HỘI QUÊ HƯƠNG Bài 2: Trang phục trong lễ hội Điểm khác nhau giữa trang phục mà em chọn và trang phục lễ hội khác: - Trang phục của em: Trang phục trong cuộc sống hàng ngày - Trang phục lễ hội: Trang phục riêng biệt, độc đáo, mang sắc thái riêng của từng lễ hội, từng vùng miền 1. Áo dài Áo dài là loại trang phục truyền thống của nước Việt Nam, được cách tân từ trang phục "ngũ thân lập lĩnh" trong thời kỳ Tây hóa hay còn được gọi là áo tân thời. Áo dài là một loại trang phục mang biểu tượng của đất nước Việt Nam, thể hiện nét văn hóa cũng như tượng trưng cho cho vẻ đẹp dịu dàng, thướt tha của người phụ nữ. Một bộ áo dài truyền thống của Việt Nam có cấu tạo gồm tay áo, cổ áo, tà áo và quần. Cổ áo thường cao khoảng 3cm, tay áo dài đến cổ tay, thân áo dài được thiết kế ôm dáng có nút bấm một bên. Tà áo gồm 2 tà, tà sẽ được xẻ từ eo cho đến gần cổ chân. Ở ngực và sau lưng sẽ có chiết li. Quần áo dài sẽ có độ dài từ eo cho đến mắt cá chân hoặc có thể dài cho đến gót bàn chân, ống quần rộng. Với áo dài nam cũng tương tự như áo dài nữ nhưng phân eo không may ôm sát, thân áo thường suông thẳng đứng thể hiện được sự nam tính và sự chính chắn. Ý nghĩa Tà áo dài là hơi thở của nền văn hóa Việt Nam vì nó thể hiện được tính cách cũng như con người và đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất. Vào năm 1970, tà áo dài Việt Nam đạt huy chương vàng tại hội chợ quốc tế Osaka tại Nhật Bản. Và còn được bình chọn là một trong những loại trang phục đẹp nhất. Tà áo dài Việt Nam chứa đựng những ý nghĩa truyền thống sâu sắc . Được phát triển và biến hóa từ những chiếc áo ngũ thân, tà áo dài ngày nay vẫn thể hiện được ý nghĩa mang trên mình. Với chiếc áo ngũ thân của nam ngày xưa, những chiếc tà áo tượng trưng cho tứ thân, phụ mẫu . Ngoài ra ngũ thân còn thể hiện cho quan điểm ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Áo lót bên trong áo ngũ thân có màu trắng thể hiện quan niệm tinh thần và thân thể luôn thuần khiết sạch sẽ. Áo tứ thân của nữ giới còn được nhắc đến như là tứ đức của người phụ nữ: Công, dung, ngôn, hạnh. Hai tà trước buộc lại với nhau thể hiện cho nghĩa vợ chồng. Bên cạnh đó, bốn tà áo còn tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ) mà người phụ nữ phải chăm nom săn sóc. Năm chiếc khuy của áo ngũ thân và tứ thân thể hiện cho ngũ luân: Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu thê hữu biệt, trưởng ấu hữu từ, bằng hữu hữu tín. Tà áo dài được thiết kế dịu dàng, thướt tha. Khi khoác lên người, chiếc áo dài thể hiện rõ được đường nét tinh tế của cơ thể, tôn lên được đường cong hình chữ S hoàn hảo – chữ S bản đồ Việt Nam . Đất nước Việt Nam đã được rất nhiều các bạn trẻ quảng bá đến với nước bạn thông qua những chiếc áo dài từ phong cách cổ điển cho đến hiện đại. Tà áo dài trải dài trên mọi miền đất nước, trên các nẻo đường và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Công dụng áo dài được sử dụng trong những dịp lễ hội truyền thống của dân tộc, tết cổ truyền, lễ cưới hỏi, quốc phục tiếp đón các nguyên thủ quốc gia.. 2. Áo dài năm thân, áo tứ thân của phụ nữ Bắc bộ Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: Màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: Trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ. Loại này thường dùng cho trung niên. Riêng yếm cổ viền thì dùng cho lứa tuổi trẻ. Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Công dụng Trang phục thuộc vùng Bắc bộ, thường được sử dụng trong biểu diễn hát quan họ tại các lễ hội, đình, chùa, các sự kiện mang tính chất địa phương, truyền thống của vùng miền. 3. Áo dài Chăm: Sử dụng trong lễ hội Kate của người Chăm Áo dài, tiếng Chăm thường gọi là Aw kamei Cam. Chất liệu vải để may áo dài rất phong phú và đa dạng như voan, ren, nhung.. Nét đẹp áo dài Chăm kín đáo, kiêu sa nên từ nhỏ người phụ nữ Chăm luôn tạo cho mình thói quen bằng cách dùng và nhìn ngắm nó mỗi ngày. Chiếc áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài không xẻ tà, mặc chui đầu. Cổ áo thường có hình tròn hoặc hình trái tim. Áo đến đầu gối hoặc quá một chút gọi là Aw tah, lớp trẻ thường mặc áo loại này. Ống tay áo bó sát vào cánh tay, phần thân hơi rộng hơn một ít. Loại áo dài phủ chùng gót chân người mặc, gọi là Aw dwa baung. Aw dwa baung ôm sát thân người khi mặc phủ trùm lên váy, tạo cho bước đi uyển chuyển và làm nổi bật cơ thể. Ở hai bên hông Aw dwa baung có một đường mở ngay eo hông, có hàng khuy bấm hoặc nút dính, khi mặc bó sát eo hông. Trang phục của người phụ nữ Chăm gồm chiếc áo truyền thống, chân áo và khăn. Đó là 3 thứ không thể thiếu trong trang phục của người Chăm. Người Chăm mặc áo dài không xẻ vì người phụ nữ Chăm không thể làm quen dễ dàng, họ không tự mời chào. Người Chăm chỉ thể hiện bằng con mắt, bằng cái nhìn, bằng vành môi, bằng đôi má. Trong cuộc sống, chiếc áo dài cũng được sử dụng khác nhau. Áo mặc trong sinh hoạt hằng ngày thường gọi là Aw kauh còn áo mặc trong ngày lễ gọi là Aw xah. Chiếc áo dài rực rỡ, mềm mại, thanh thoát, hút hồn ánh nhìn của nhiều người nhất là khi phụ nữ Chăm mặc trong những dịp lễ hội Katê, Ramưwan, lễ trưởng thành của thiếu nữ và các nghi lễ quan trọng của đồng bào Chăm. Tùy vào hoàn cảnh mà màu áo phải phù hợp, như vào những dịp ra mắt, đám cưới.. các thiếu nữ tha hồ, thoải mái diện những bộ cánh đẹp nhất. Tham dự những lễ hội lớn, những đám cưới linh đình, những bộ áo có màu sặc sỡ, chất liệu may bằng vải voan, ren, nhung, gấm nhẹ nhàng, mềm mại là sự lựa chọn hàng đầu của chị em. Trong khung cảnh thánh đường, cần sự trang nghiêm, màu trắng là sự lựa chọn duy nhất. Trong ngày lễ hội, người phụ nữ Chăm mặc trang phục lễ hội. Bộ trang phục của phụ nữ Chăm mặc trong lễ hội như tết Katê có một khăn dài để choàng cổ, một cặp dây thắt lưng. Còn ngày thường thì không có chỉ mặc áo dài truyền thống. Còn ngày lễ mới có dây thắt lưng được tự dệt ở làng Mỹ Nghiệp. 4. Áo tầm vông (áo cổ vồng) của người Khơ me Nam bộ sử dụng trong lễ hội chol chnam thmây Áo tầm vông (còn gọi là áo cổ vòng), được kết hợp hài hòa với xà rông và "sbay". Áo tầm vông thường được dệt bằng tơ tằm hay chỉ kim tuyến với nhiều họa tiết hoa văn khác nhau; xà rông là một mảnh thổ cẩm rộng khoảng 1m, dài 3, 5m khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới. Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính, đặc biệt dù mặc trang phục nào đi nữa thì cũng không thể thiếu "Sbay" - một loại khăn lụa mềm mại được cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải. Trên các loại trang phục còn đính thêm hạt cườm, kim sa và các loại hoa văn khác để cho màu sắc thêm rực rỡ. Khi mặc bộ trang phục truyền thống Khmer, người phụ nữ sẽ cảm thấy thân hình trở nên dịu dàng, uyển chuyển, thùy mị hơn. Trong trang phục đi dự lễ, Tết, đi chùa, người phụ nữ Khmer thường mặc xàrông có đính chuỗi hạt cườm; áo tầm vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến, các loại hoa văn màu trắng hoặc màu vàng được ưa dùng trong trang phục lễ chùa vì nó gợi không khí hội hè. Ngày nay, trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ và đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau để phù hợp với thời đại nhưng hầu hết vẫn giữ ở mức độ dung hòa giữa hiện đại và truyền thống. Tuy có phần nào được cải tiến song nhìn chung các bộ trang phục vẫn giữ được nét đặc trưng, thậm chí trở nên đẹp hơn ngày xưa.. 5. Áo bà ba của phụ nữ Nam bộ sử dụng trong lễ hội bánh dân gian nam bộ, lễ hội cây trái ngon.. Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Thực tế không có sắc tộc nào được gọi là người Bà Ba với nghĩa "người Mã Lai lai Trung Hoa", từ ghép "Baba-Nyonya" cũng không phải dùng để chỉ người Bà Ba. Tóm lại, trong những thế kỷ trước, áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Thông qua việc buôn bán, người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được "áo bà ba". Trải qua thời gian, chiếc áo bà ba đã nhiều lần được cách tân cho phù hợp với sự vận động của cơ thể người mặc cũng như sự thay đổi về tư duy thời trang. Chiếc áo bà ba truyền thống được các nhà thời trang cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn, được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài. Nút áo bà ba cũng đa dạng và biến đổi theo mỗi giai đoạn. Trước đây, người ta thường sử dụng kiểu nút áo truyền thống là nút bấm. Nhưng bây giờ, các loại nút đã được sáng tạo thêm nhiều mẫu mã làm tôn thêm điểm nhấn cho thân áo. 6. Trang phục các dân tộc thiểu số sử dụng trong lễ hội cồng chiêng Tây nguyên, hội xuân Tây Nguyên.. Một bộ trang phục truyền thống phụ nữ Thái gồm: Áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng cúc bướm) có thể may bằng nhiều loại vải với màu sắc khác nhau. Chính hàng khuy bạc hay kim loại đã làm cho xửa cỏm thành chiếc áo đặc trưng của bộ nữ phục Thái. Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cỏm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống. Phụ nữ Thái còn mặc hai loại áo dài là xửa chái và xửa luổng. Xửa chái may bằng vải chàm đen, kiểu áo 5 thân, cài cúc phía bên tay trái, cổ đứng, gấu áo phủ quá đầu gối. Theo tục lệ, phụ nữ có chồng mới mặc xửa chải vào dịp cưới xin, hội hè. Xửa luổng là áo khoác ngoài, may dài, rộng, chui đầu, có tay hoặc không có tay. Phụ nữ Thái từ khi còn trẻ đã may loại áo này, một dành cho bản thân khi về già và một dành biếu mẹ chồng khi về làm dâu. Các cụ già mặc áo xửa luổng lộn trái vào ngày thường, chỉ khi chết mới mặc mặt phải. Váy (xỉn) cùng với xửa cỏm tạo nên dáng nét chính của bộ nữ phục Thái. Phụ nữ Thái mặc váy hai lớp: Váy trắng lót bên trong và và váy chàm mặc ngoài. Thắt lưng (xài ẻo) làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lam hoặc tím xẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Nói về bộ trang phục nữ Thái không thể thiếu chiếc khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kỳ, với đường nét tinh sảo và hoa văn mang đậm chất núi rừng hoang sơ cùng màu sắc sặc sỡ, thể hiện tình yêu, sức mạnh nữ tính. Đặc biệt, phụ nữ Thái khi đi lễ hội không thể thiếu chiếc khăn Piêu cầm tay. Ngoài ra, phụ nữ Thái rất thích đeo các đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc, xà tích và cả cúc bạc. Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc H'Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Áo của người phụ nữ (tiếng Mông là so) có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu tuỳ thích; phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã và gắn đồng bạc, tạo âm thanh vui nhộn cho bộ trang phục. Hai ống tay áo thường được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo của người Mông. Váy phụ nữ Mông (gọi là Ta) là loại váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép từng tấm thật ấn tượng và độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy. Hoa văn (tiếng Mông gọi là pàng tau) trong trang phục của người Mông hoa chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc và thỉnh thoảng có những mô típ hoa văn chưa xác định được như thế này. Những mô típ hoa văn được hình thành trên cơ sở sợi ngang của kỹ thuật dệt trên khung cửi và sau này được lặp lại trong kỹ thuật thêu. Màu sắc chủ đạo được thêu trên váy là màu xanh, đỏ, đen, vàng. Nói đến trang phục của phụ nữ Mông không thể thiếu được "lăng" là chiếc thắt lưng. Trong bộ trang phục của phụ nữ Mông còn có "xế" (tấm vải che trước váy) và "khử lau" (xà cạp quấn chân). Đồng bào Mông quan niệm, đeo "xế" và quấn xà cạp là thể hiện sự ý tứ và kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên một sắc thái độc đáo riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác. Trang phục phụ nữ H'mông 7. Trang phục dạ hội sử dụng trong các dạ tiệc hiện đại