TÌM HIỂU VỀ TRẠNG NGUYÊN KHAI KHOA LÊ VĂN THỊNH Mỗi lần đi học, tôi đều đi qua ngọn núi Thiên Thai sừng sững, xanh mượt. Nơi ấy có đền Lê Văn Thịnh - nơi nhang khói tại quê hương Gia Bình của Trạng Nguyên Thái Sư Lê Văn Thịnh. Ông là một người thầy đức độ, một người quan liêm chính, một người hiền tài có công lớn với đất mẹ, với dân tộc đất nước. Lòng tôi bất giác dâng lên cảm xúc quá đỗi tự hào nhưng cũng đầy xót xa về cuộc đời của ngài. Đến thờ Lê Văn Thịnh. Trong khói nhang trầm uy nghi, tôi như được trở lại với lịch sử gần 1000 năm về trước. Ông Nguyễn Văn Đam- thủ từ đến Lê Văn Thịnh kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy bi tráng của ngài. Dù đã nghe kể cả trăm lần nhưng mỗi lần nghe kể về cuộc đời của ngài là một lần cảm xúc dâng trào, tự hào và cũng đầy xót xa. Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 02 năm 1050 (Canh Dần) tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định nay huyện Gia Bình tinh Bắc Ninh - nơi có truyền thống lịch sử vẻ vang lâu đời. Ông sinh ra trong một gia đình vừa làm nghề giáo, vừa bốc thuốc cứu người. Lớn lên ông thi đỗ đại khoa rồi ra làm quan vào thời kì đầu của vương triều nhà Lý. Dù lúc này chưa có danh hiệu Trạng nguyên song trong các sử liệu ông được xem là vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Tương truyền bố mẹ ông là người nhân từ. Bố là cụ Lê Văn Thành, dạy học và làm thuốc. Mẹ là cụ Trần Thị Tín người làng Ngô Xá (sau là thôn Thị Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ) tỉnh Bắc Ninh, là người phụ nữ hiền thục, đảm đang, hết lòng vì chồng con. Lên 7 tuổi Lê Văn Thịnh được bố mẹ cho đi học, đến 13 tuổi đã thông hiểu kinh sử thi thư, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí. Học trò thời ấy tán phục, thảy đều gọi Thịnh là thần đồng. Đến năm 18 tuổi, bố mẹ mất ông lo an táng và ở nhà hương khói phụng thờ. Sau 3 năm, ông dựng trường dạy học ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang. Năm 1075, triều đình nhà Lý mở khoa thi Minh kinh Bác Học (là khoa thi đầu tiên của Văn Miếu, Quốc Tử Giám ở Thăng Long). Ông đỗ đầu khoa thi, được tôn vinh là Trạng nguyên Khai khoa và được bổ nhiệm làm chức Thị Lang Bộ Binh, phụ trách dạy vua Lý Nhân Tông học khi vua 11 tuổi. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông cử ông đến trại Vĩnh Bình, biên giới Việt Trung (thuộc Cao Bằng ngày nay) để giải quyết vấn đề ranh giới giữa hai nước. Tại hội nghị này, Lê Văn Thịnh đã khẳng định tài năng và đẳng cấp của một nhà ngoại giao kiên quyết với lí lẽ vững vàng, thái độ cứng rắn. Ông nói rõ hai vùng đất ấy là của nước ta, bị bọn tù trưởng vùng biên giới nhân lúc lộn xộn đem nộp cho nhà Tống để mong nạn binh đao. Nay, ông yêu cầu nhà Tống trả lại. Câu đối đại khéo léo mà nghiêm khắc của Lê Văn Thịnh đã làm cho bọn sứ thần nhà Tống phải hổ thẹn, sau được Lê Văn Hưu chép lại trong bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đất đai vốn có chủ. Bọn được giao trông coi để giữ lấy mạng đã nộp rồi trốn đi thì đó là đất ăn trộm. Chủ giao cho mà lại trộm của chủ, là tội không thể tha thứ được. Kẻ ăn trộm và kẻ tàng trữ vật trộm cắp đều sai, huống chi bọn chúng lại mang đất ăn trộm đến dâng làm bẩn sổ sách thiên triều". Vua Tống nghe thế thì lấy làm kinh phục, phong ông là Long đồ các đãi chế, và trả lại đất cho nước ta. Có lẽ đây là lần duy nhất trong lịch sử nước Việt bằng con đường ngoại giao đối thoại đã đòi được đất bị phương Bắc chiếm giữ. Qua những đóng góp to lớn của Lê Văn Thịnh đã được vua Lý Nhân Tông cất lên làm Thái sư năm 1085. Từ đó, ông đem hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới và canh tân đất nước. Thái sư Lê Văn Thịnh là người tiên phong trong giới Nho giáo đã vươn lên đỉnh cao quyền lực của triều Lý, một triều đại được hậu thuẫn từ các trí thức trong giới Phật Giáo. Bên cạnh đó, bằng tài năng và uy tín, ông còn khuyên vua giảm ham chơi để lo chính sự. Thái sư Lê Văn Thịnh đã quân sư cho nhà vua chính sách thuế đánh vào ruộng tư - ruộng của công hầu quý tộc vương triều nhà Lý và văn quan được phép kiểm tra và quản lý tài sản của nhà chùa, thực hiện đổi mới đất nước. "Chín năm tuy cũng chưa nhiều Soạn ra" chín luật "kịp điều chăn dân. Chùa chiền định dạng "Danh lam" Mở trường thi võ thi văn kén tài Thu thuế ruộng đất xung vào quân lương.. Còn thừa phải bỏ ruộng ra "Công điền" "công thổ" điều hòa cho cho dân.. " Những việc làm có ích làm cho quốc thái dân an, quốc gia hưng thịnh nhưng đó lại là cái cớ để các thế lực không được hưởng lợi từ các đề xuất chính sách của ông tập hợp lại và tìm cách hãm hại ông bằng tội danh nặng nhất lúc bấy giờ là hại vua để đoạt ngôi báu "Thật là cay - đắng - ngậm - ngùi! Chữ tai đã vận vào người tài hoa." Sự nghiệp của Thái sư Lê Văn Thịnh đã kết thúc bằng vụ án hồ Dâm Đàm "hóa hổ giết vua" đầy oan nghiệt năm 1096 với kết cục bi thảm. Ông là người có tài, liêm chính, có tư tưởng đổi mới nên bị bọn nịnh thần ganh ghét, tìm cách hãm hại, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ bảo vệ ông. Trong buổi luận tội, các quan nịnh thần ghen ghét hùa vào bảo tội giết vua phải xử tội chết và chu di cửu tộc. Có một vị quan văn lên tiếng bảo vệ ông "Giết vua xử tội chết vậy giết thầy xử thế nào?" Vì vua luôn kính trọng ông, người thầy uyên bác, trọng đức, trọng tài nên đã tha tội chết cho ông và cho đi đày ở Thao Giang, thuộc vùng đất Phú Thọ ngày nay. Mặc dù bị đi đày nhưng ông vẫn sống cuộc sống có ích cho nước, cho dân. Đến khi già yếu, hơi tàn, sức kiệt ông tìm về quê hương nhưng đến xã Đình Tổ (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) ông chút hơi thở cuối cùng. Nhân dân Đình Tổ trọng tài đức của ông và đã chôn cất ông cẩn thận và tôn ông làm Thành Hoàng Làng. Khi được tin ông mất, quê hương nội, ngoại của ông và nhiều làng khác đã tôn ông làm Thành Hoàng Làng. Tước bỏ đi lốt hổ, hay câu chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ, còn lại cốt lõi của sự thật, chính là thói tỵ hiềm, đố kỵ hãm hại người tài, thời nào cũng có. Lòng dân công bằng, chung thủy, nhân hậu đã ghi công đức Ngài, thờ Ngài trong niềm tự hào, kính trọng người đã có công với nước, bảo vệ biên cương bờ cõi. Mộ phận Thái sư Lê Văn Thịnh được đặt ở giữa cánh đồng Đình Tổ huyện Thuận Thành Bắc Ninh. Được tu bổ, trông no cẩn thận thể hiện sự tôn kính với Trạng nguyên - Thái sư Lê Văn Thịnh. Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh nằm ở phía Nam của núi Thiên Thai. Mộ của trạng nguyên Lê Văn Thịnh tại làng Đình Tổ Dãy Thiên Thai được hợp bởi 9 ngọn núi liền nhau, giống một con rồng đang uốn lượn giữa trời và đất, bao phủ bởi lớp cây rừng xanh mướt. Đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 5/2/1994. Bước vào cổng đền nổi bật là đôi câu đối cổ Dịch là "Nam quốc khai khoa đệ nhất nhân Bắc triều phụng sứ vô song sĩ" Đôi câu đối cổ đã thể hiện được công lao của vị Trạng nguyên -Thái sư Lê Văn Thịnh. Trong khuôn viên đền và chùa Lê Văn Thịnh hiện có bức tượng đá bí ẩn, trong tư thế kỳ lạ được phát hiện năm 1991 khi tu sửa đường vào chùa Bảo Tháp. Nếu mới nhìn vào tượng rồng không ít người sẽ phải dấy lên một cảm giác sợ hãi bởi hình dáng của rồng quá kì dị. Thân rồng uốn thành hình tròn, miệng há rộng, chiếc răng dài và nhọn cắm vào thân. Hai chân trước dang rộng, móng vuốt sắc nhọn cũng bấu chặt vào thân mình. Đôi mắt rồng trợn lên, hai mang phình ra và điểm đặc biệt là tai trái được tạo tác bình thường, còn tai phải thì kín đặc. Rồng được tạc bằng đá sa thạch trong tư thế sống động, nhưng lại thể hiện một trạng thái đau đớn đến tột cùng. Đây là pho tượng độc đáo, hình dáng tượng nửa là mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng.. hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.. Được người dân gọi với cái tên hết sức cung kính "Ông rồng" như một vị thần, một bảo vật vô giá của đền. Bức tượng đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 30/12/2013 Bức tượng ở đền thờ Lê Văn Thịnh Có ý kiến cho rằng, pho tượng biểu thị sự hối hận của Vua Lý Nhân Tông, như: Tượng rồng có đôi tai, thì một bên lành, một bên bị bịt kín ám chỉ việc vua Lý nghe lời xiểm nịnh của gian thần. Việc rồng tự cắn thân, xé mình thể hiện cho việc đau lòng khi gây ra nỗi oan trái cho người thầy của mình. Rồng tượng trưng cho vua, nên lý giải này không phải không có lý. Nhưng phần lớn ý kiến vẫn tin rằng, pho tượng đặc biệt, vừa giống rồng, lại vừa giống rắn này là biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, bị triều đình ghép tội "hóa hổ giết vua". Nhà nước công nhận bức tượng trong miếu thờ Lê Văn Thịnh là bảo vật quốc gia đã phần nào ghi nhận công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hy vọng rồi đây, sẽ có thêm những cuộc hội thảo làm rõ và chứng minh sự nghiệp vĩ đại của ông. Hội Thập đình là hội đình của 10 làng thờ Lê Văn Thịnh. Những làng thuộc về hội thập đình là: Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Chi Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn. Hội được tổ chức từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 9 tháng 2 âm lịch, trung tâm hội tại khu đình Bảo Tháp. Là một lễ hội đầy đủ các yếu tố điển hình của một lễ hội truyền thống Việt Nam. Không chỉ đối với người dân Bảo Tháp mà cả với những người dân quanh vùng và chín làng cùng tổ chức lễ hội Thập Đình, lễ hội Thập Đình được xem như một cái tết thứ hai của những người dân quê tôi. Lễ hội Thập Đình trong đời sống tinh thần của người dân có tầm quan trọng rất lớn. Trạng nguyên Thái sư Lê Văn Thịnh, đã đóng góp những giá trị to lớn cho dân tộc, cho đất nước. Chúng ta - những con dân của nước Việt, đặc biệt là tuổi trẻ phải cùng nhau đồng lòng đồng sức xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước độc lập tự do để không hổ thẹn với người đời trước.
Rất cảm ơn bạn Ánh Phượng Thiên đã cung cấp một kiến thức rất bổ ích về lịc sử nước nhà cho các bạn trong diễn đàn VNO. Tuy nhiên xem Lê Văn Thịnh có phải là "trạng nguyên khai khoa" hay không, thì các sử gia Việt Nam vẫn còn đang tranh cãi. Tôi đã từng đến Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội để tìm thì không thấy có một cái bia nào ghi tên trạng nguyên Lê Văn Thịnh (hay tấm bia bị đục bỏ tên ông do ông đã phạm tội). Vậy Lê Văn Thịnh khi thi đỗ đầu vào đời nhà Lý thì đã có chức danh trạng nguyên chưa? Để cho khách quan, tôi xin cung cấp cho các bạn một tư liệu không phải do tôi viết, mà là của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Thanh Điệp viết đã đăng trên báo Giáo Dục 2017 cho các bạn tiện đường tham khảo: * * * Câu hỏi này đến nay vẫn gây tranh cãi ai là trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Giới sử học giải thích về chuyện này như thế nào và đâu là sự thật? Trạng nguyên là danh hiệu cao nhất mà sĩ tử ngày xưa có thể đạt được trong các kỳ thi nho học. Muốn trở thành trạng, người đó phải đỗ đầu, đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Đình. Trong trường hợp đỗ đầu trong kỳ thi Đình nhưng không đạt điểm tuyệt đối, thí sinh cũng không đạt danh hiệu trạng nguyên, mà chỉ đỗ bảng nhãn hoặc thám hoa. Đến nay, tranh luận về ai mới là vị trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt chưa có hồi kết. Có 3 luồng ý kiến chính về vấn đề này. Có người cho rằng trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh, đỗ đầu trong kỳ thi đầu tiên năm 1075. Một số tài liệu lại ghi là Nguyễn Quán Quang (Nguyễn Quan Quan), đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1246, là trạng nguyên đầu tiên. Cũng có tài liệu giải thích Nguyễn Hiền - đỗ đầu kỳ thi năm 1247 - mới đích thực là trạng nguyên đầu tiên. Đầu tiên là trường hợp của Lê Văn Thịnh. Ông là người đỗ đầu trong kỳ thi năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đây là kỳ thi nho học đầu tiên của nước ta nên về sau Lê Văn Thịnh được một số tài liệu ghi là trạng nguyên đầu tiên. Nhưng thực tế, dưới thời nhà Lý, triều đình chưa định ra chế Tam khôi (lấy trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), nên Lê Văn Thịnh không được phong trạng nguyên. Do đó, nếu gọi Lê Văn Thịnh là trạng nguyên là chưa chính xác. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, thông qua những nghiên cứu của mình, cũng giải thích rằng: Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, "năm Ất Mão (1075), tuyển lấy những người minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh đỗ đầu, được chọn vào hầu vua học. Khoa cử nước ta bắt đầu từ đấy". Theo sách Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, "Văn Thịnh là người làng Đông Cứu, huyện Gia Định (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), tính ham học. Bấy giờ chưa có khoa cử, dẫu ai thông minh, sáng láng đến đâu cũng phải do đường Phật giáo mà được lựa chọn, đề bạt. Riêng có Lê Văn Thịnh chăm đọc các sách. Đến đây, mở khoa thi, hơn 10 người trúng tuyển, Văn Thịnh đỗ đầu. Đời truyền rằng họ Lê (tên Văn Thịnh) là người khai hoa đầu tiên". Đoạn văn chính sử này gọi Lê Văn Thịnh là người đầu tiên đỗ đạt bằng khoa cử, mà không dùng danh hiệu trạng nguyên khai khoa. Bởi vì vào năm 1075, khi vua Lý Nhân Tông "xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường", các bộ chính sử đều không cho biết chế độ thi cử ấy ra sao, càng không cho biết là đã có danh hiệu trạng nguyên vào lúc này. Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, phải đến năm Bính Ngọ (1246), triều đình mới tổ chức thi "đại tỷ". Khoa thi năm Bính Ngọ này, danh hiệu trạng nguyên thuộc về Nguyễn Quán Quang, người xã Tam sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đến năm Đinh Mùi (1247), sách Đại việt Sử ký Toàn thư chép về chế Tam khôi: "Mùa xuân, tháng hai, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa". Cũng theo sách này, trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232), và Kỷ Hợi (1239), chỉ chia người đỗ đạt thành các hạng Giáp, Ất, chưa có Tam khôi, đến khoa này mới đặt Tam khôi (tức trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chép rằng: "Tháng hai, mùa xuân (1247), thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ đạt, chỉ chia ra hai hạng Giáp, hạng Ất để phân biệt người đỗ cao, thấp. Nay mới đặt ra Tam khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa. Còn 48 người đỗ Thái học sinh đều được xuất thân theo thứ tự trên dưới khác nhau". Như vậy, kỳ thi Tam khôi đầu tiên ở nước ta được tổ chức năm 1247. Trạng nguyên của kỳ thi này là Nguyễn Hiền. Nhưng lịch sử khoa bảng lại tính Nguyễn Quán Quang là vị trạng nguyên đầu tiên bởi vì Nguyễn Quán Quang đỗ đầu khoa thi "tiến sĩ" trước đó chỉ một năm (năm 1246). Cũng theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, trong danh sách 47 vị trạng nguyên treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Quán Quang được ghi đầu tiên rồi sau đó mới là Nguyễn Hiền! (Nguyễn Thanh Điệp - báo Giáo Dục 2017) * * *
Ngài Lê Văn Thịnh là người quê cháu, nên từ bé cháu đã nghe mọi người nói về "Trạng nguyên Khai khoa Lê Văn Thịnh". Khi lớn lên thì lại biết điều này vẫn đang tranh cãi. Nhưng dù có là "Trạng nguyên khai khoa" hay "Trạng nguyên đỗ đầu khoa thi nhà Lý" thì ngài ấy vẫn là niềm tự hào lớn lao của quê hương Kinh Bắc cháu! Kiến thức rất bổ ích, cháu cảm ơn bác ạ!
Chúc mừng em cùng quê với người đã đỗ đầu khoa thi đầu tiên ở nước ta. Chức tước của ông là Thái sư Lê Văn Thịnh. Thời phong kiến xưa Thái phó là thầy dạy thái tử, còn Thái sư là thầy dạy vua đó em ạ. Chứng tỏ Lê đại nhân kiến thức rất uyên thâm