Trích đoạn trận trận Gravelines (21 - 30.7. 1588) thuộc "Những trận hải chiến nổi tiếng thế giới" - Nhiều tác giả. I. Bối cảnh Vào thế kỷ XVI, Anh và Tây Ban Nha là những nước có mâu thuẫn tôn giáo và chính trị sâu sắc nhất ở châu Âu. Ngay từ năm 1530, vua Anh Henri VIII đã cắt quan hệ với La Mã và tuyên bố là người đứng đầu Giáo hội Anh. Đây được coi là bước đi chưa từng có vào thời kỳ đó. Trong khi đó, Tây Ban Nha là một "con chiên ngoan đạo", vì vậy Tòa thánh muốn lợi dụng sức mạnh của Tây Ban Nha để giành lại quyền kiểm soát đối với nước Anh. Nhưng có một nghịch lý là mặc dù có mâu thuẫn tôn giáo, song suốt một thời gian dài, Anh và Tây Ban Nha vẫn duy trì quan hệ ngoại giao hữu nghị. Năm 1543, hai nước hợp sức chống nước Pháp. Mười năm sau, triều đình hai nước còn liên minh với nhau bằng việc cho Philip II cưới Mary Stuart. Người dân Anh rất phản đối Cuộc hôn nhân giữa Mary Stuart với Philip vì họ lo sợ nước Anh sẽ phải lệ thuộc vào Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đó, năm 1557, Elizabeth đã hành quyết Mary và năm 1558, bà lên ngôi Nữ hoàng Anh. Là người theo đạo Tin lành, Elizabeth rất tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của người theo đạo Tin lành ở Pháp và Hà Lan đang nổi dậy chống chính quyền Tây Ban Nha. Lúc này, vua Tây Ban Nha Philip II là một người Công giáo mộ đạo; ông cũng đồng thời mang danh nghĩa vua nước Anh vì là chồng của Nữ hoàng Anh Mary Stuart. Chính vì những sự kiện trên nên mới có quan điểm cho rằng mâu thuẫn tôn giáo là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trận Gravelines. Song nghiên cứu toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội của Anh và Tây Ban Nha thời kỳ này cho thấy cùng với mâu thuẫn tôn giáo còn có những mâu thuẫn khác; đó là mâu thuẫn giữa các triều đại và mâu thuẫn trong việc tranh giành thuộc địa của hai nước. Vào các thế kỷ XV và XVI, Tây Ban Nha là một trong những đế quốc lớn nhất thế giới và là một trong những đế quốc toàn cầu đầu tiên trên thế giới; là quốc gia tiên phong trong phong trào thám hiểm thế giới và bành trướng thuộc địa cũng như tiên phong trong việc mở các lộ trình giao thương qua đại dương, phát triển thông thương qua Đại Tây Dương, giữa Tây Ban Nha với Mỹ và qua Thái Bình Dương, giữa châu Á - Thái Bình Dương với Mexico qua Philippines. Trong một khoảng thời gian, đế chế Tây Ban Nha thống trị các đại dương nhờ hạm đội tàu giàu kinh nghiệm, một sức mạnh bậc nhất toàn cầu, và họ thống trị những chiến trường ở châu Âu với một lực lượng bộ binh dày dạn và thiện chiến. Tây Ban Nha đã làm chủ Bồ Đào Nha, Nam Italia, Hà Lan. Không chỉ làm chủ châu Âu, Tây Ban Nha còn nắm quyền đối với một nửa lãnh thổ Tây bán cầu: Từ Florida và California đến Argentina. Chứng kiến sự thịnh vượng của đế quốc Tây Ban Nha nhờ của cải thu được từ nước ngoài, Anh cũng bắt đầu xây dựng những mạng lưới giao thương tới châu Mỹ và châu Á. Năm 1562, một tàu Anh do John Howkins làm thuyền trưởng đã đến vùng biển Carribean và đưa về nước rất nhiều của cải và nô lệ da đen. Howkins bị lên án gay gắt vì tội buôn người; nhưng Elizabeth - người thừa kế một ngân khố trống rỗng và những khoản nợ từ người cha Henri VIII không những tha thứ cho Howkins mà còn phong tước hiệp sĩ cho ông; đồng thời ra lệnh tổ chức một đoàn thám hiểm mới do Howkins chỉ huy với một nhiệm vụ bí mật là cướp các tàu Tây Ban Nha. Sau đó hoạt động này được tổ chức thường xuyên theo nguyên tắc thông thường là các công ty cổ phần; trong đó Elizabeth là cổ đông của Công ty Howkins. Nhiều quan chức cao cấp cũng noi theo tấm gương của Nữ hoàng. Trên đường đến châu Mỹ, các tàu Anh thay vì phải vào các cảng của Tây Ban Nha để nộp thuế thì họ lại đi thẳng; không những không nộp thuế mà còn tấn công các tàu Tây Ban Nha. Những hành động đó của Anh đương nhiên bị Tây Ban Nha kịch liệt phản đối và có những biện pháp đáp trả. Năm 1568, đoàn tàu của Howkins gặp bão, phải vào đảo San Juan Ulloa gần bờ biển của Phó vương Tân Tây Ban Nha (nay là Mexico) để sửa chữa liền bị các tàu chiến của Phó vương bắn phá và đánh chìm hầu như toàn bộ. Elizabeth làm ra vẻ vô tội và muốn người anh rể Philip II xin lỗi vì hành động trừng phạt trên. Nhưng Philip II đã buộc tội Nữ hoàng Anh là giả nhân, giả nghĩa và ngấm ngầm thù địch với Tây Ban Nha. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng đến mức không thể hòa giải. Hai bên bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. - -Tiếp theo II--
II. Quá trình chuẩn bị Bấm để xem Ngay từ năm 1583, Philip II đã ra lệnh tổ chức một hạm đội để tấn công nước Anh. Quyết định tấn công nước Anh, Philip II không có ý định đánh chiếm nước này và sáp nhập vào đế quốc Tây Ban Nha. Kế hoạch của ông hoặc là lật đổ Elizabeth và đưa người của mình lên ngôi, hoặc buộc bà phải thực hiện tất cả các yêu cầu trước đây của Tây Ban Nha, gồm: Nước Anh phải: A) Rút quân Anh khỏi Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, nhất là tỉnh Flasing, cảng Antwerpen đang bị người Tây Ban Nha phong tỏa; b) Chấm dứt ủng hộ nghĩa quân Hà Lan; c) Chấm dứt các hoạt động cướp biển đối với các tàu Tây Ban Nha và thừa nhận độc quyền thương mại của Tây Ban Nha với Đông Ấn; d) Bồi thường cho Tây Ban Nha những chi phí trang bị cho Armada và những thiệt hại do cướp biển Anh gây ra đối với Armada; e) Khôi phục các quyền của nhà thờ Thiên Chúa giáo Anh và hoàn trả ruộng đất đã bị Henry VIII trưng thu. Philip II thậm chí hy vọng rằng kể cả khi quân Anh không bị đánh bại hoàn toàn, thì việc đe dọa tấn công ít nhất cũng khiến cho Elizabeth phải tôn trọng các quyền của người Anh Thiên Chúa giáo hơn như thi hành Thánh lễ và các nghi thức khác của nhà thờ mà họ đang bị cấm. Yếu tố quan trọng để đổ bộ thành công lên nước Anh, theo các cố vấn của Philip II, là trước tiên phải chiếm được các cảng của Hà Lan, đặc biệt là cảng Antwerpen và Flessingen. Đây là một việc hết sức khó khăn và đòi hỏi phải có thời gian bởi trong 20 năm tiến hành cuộc chiến tranh chống Hà Lan, Tây Ban Nha chỉ tập trung vào các hoạt động trên bộ, trong khi ngành hàng hải của Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh và có đầy đủ các phương tiện để bảo vệ vùng biển của mình. Nhưng Philip II không muốn trì hoãn việc tấn công nước Anh, do đó đã chọn Newport và Dunkirk là 2 thành phố ven biển, nhưng không có cảng, làm vị trí tập kết đưa quân lên tàu. Mọi công tác chuẩn bị được gấp rút tiến hành; đặc biệt là tập trung loại tàu nhẹ để vận chuyển quân và hàng hóa. Việc quan trọng tiếp theo là phải giành quyền khống chế trên biển trong quá trình chuyển quân. Nhằm mục đích đó, Philip II ra lệnh chuẩn bị một hạm đội có thể vượt qua mọi sự kháng cự một cách vô điều kiện. Đầu năm 1586, Philip II giao cho Santa Cruz lên kế hoạch xây dựng hạm đội này, gọi là Armada Tây Ban Nha. Để xây dựng Armada, tất cả các tàu cập cảng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều bị giữ lại; ngoài tàu Tây Ban Nha còn tập trung cả tàu của Bồ Đào Nha, Neopolitan và Venetian, kể cả tàu chạy buồm và tàu tay chèo, trong đó có một số tàu Hanseatic. Toàn bộ số tàu này được đưa về tập trung tại Lisbon để hội quân và đưa vũ khí, đạn được lên tàu. Santa Cruz xây dựng Armada phù hợp với điều kiện ở Địa Trung Hải: Các tàu vận tải có mái chèo là những chiếc thuyền dài và thấp, có các mái chèo hai bên mạn; tàu chiến là các loại thuyền buôn kiểu Hulk hoặc Urca cải biến, mũi tàu cao hơn, có tháp chỉ huy, trang bị pháo, có thể chở nhiều lính. Tháng 2 năm 1588, Santa Cruz qua đời, Philip II phải tìm một người thay thế. Chỉ huy một lực lượng khổng lồ của Tây Ban Nha thế kỷ XVI chỉ có thể là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và có địa vị, có khả năng hợp tác chặt chẽ với một nhà quý tộc cao cấp là công tước xứ Parma. Nhà vua đã chọn Medina Sidonia, một quý tộc đáng tin cậy nhưng không hề hiểu biết gì về biển và không có kinh nghiệm quân sự. Medina Sidonia là người tự biết khả năng của mình nên đã từ chối sự bổ nhiệm này, nhưng nhà vua không thay đổi quyết định của mình. Lực lượng Armada gồm 130 tàu chiến, 2.430 khẩu pháo và 30.500 quân; trong đó 8.050 thủy thủ, 18.973 binh sĩ và 2.088 nô lệ chèo thuyền, còn lại gần 1.400 người là sĩ quan. Lương thực đem theo gồm hàng triệu pound bánh quy; 600.000 pound thịt, cá muối; 300.000 pound pho mát; 400.000 pound gạo; 6.000 bao bo bo; 40.000 thùng dầu ăn; 14.000 thùng rượu vang; 124.000 ngòi nổ và thuốc nổ cho 500.000 viên đạn. Năm 1586, theo lệnh của Elizabeth, Đô đốc Sir Francis Drake bắt đầu tập kích các tàu buôn Tây Ban Nha trên Thái Bình Dương và vùng biển Carribean; đầu tiên ở khu vực Vigo, sau đó đến quần đảo Canar và Cape Verde, tiếp đó đánh chiếm Santo Damingo và Cartagena. Tuy nhiên, trước khi ra khơi, Armada đã gặp nhiều vấn đề về quân nhu cũng như trang thiết bị hàng hải: Lương thực, thực phẩm dự trữ được đưa lên tàu quá sớm nên đã có dấu hiệu hư hỏng; thùng chứa nước bị rò rỉ; đạn pháo sai cỡ nòng.. Mặc dù vậy, các nguồn dự trữ vẫn đảm bảo cho hạm đội có khả năng hoạt động trên biển trong khoảng 4 tháng. Nhằm đánh lừa Elizabeth và khiến bà không chuẩn bị cho cuộc chiến tranh, thông qua công tước xứ Parma, Philip II tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với Anh nhằm xóa bỏ những hiểu lầm giữa hai nước. Đương nhiên Elizabeth hiểu rõ thủ đoạn của Philip II và từ lâu Anh đã tính tới việc phải đối phó với những âm mưu của Tây Ban Nha. Thời kỳ này, Anh đã ký hiệp ước liên minh quân sự với Hà Lan; đồng thời tăng cường phòng thủ và xây dựng các trạm tín hiệu ven biển Cornula, Kent và trên các đảo ở Manche. Quân đội Anh có một hậu phương vững chắc. Tinh thần yêu nước của người dân Anh rất cao; người Anh coi việc phục vụ trong lực lượng hải quân là một niềm vinh dự. Kể từ các trận hải chiến Duvre và Ekliuz, hải quân Anh có đủ những người có kinh nghiệm chiến đấu trên biển. Khi biết tin Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công Anh, nhiều người Corxar đã tình nguyện gia nhập lực lượng quân đội hoàng gia, họ là những người có kinh nghiệm chiến đấu với người Tây Ban Nha. Chính phủ đã tiếp nhận họ và bổ nhiệm những người này vào những chức vụ quan trọng. Nhiều doanh nhân và quan chức đã tình nguyện ủng hộ nhiều tàu, do đó hải quân không phải trưng dụng tàu nước ngoài. Trên các tàu của hải quân Anh không có nô lệ, không có công tố viên cùng các đao phủ như hải quân Tây Ban Nha. Trong lực lượng hải quân Anh chỉ có người Anh nên không có mâu thuẫn sắc tộc: Người Scotland và Ireland khi đó không phải là thần dân Anh; con người xứ Wales là người miền núi, họ không gia nhập lực lượng hải quân và cũng không cạnh tranh với người Anh. Trong Hạm đội Anh, mọi người được tự do thực hiện các sở thích của mình; các trò đánh bạc và tiêu khiển không bị cấm đoán. Điều đáng nói là sự tự do này không phương hại đến sức mạnh của hải quân Anh vì người Anh có đặc tính nhanh chóng chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang làm việc. Đặc biệt, hải quân Anh không có vấn đề về đội ngũ chỉ huy. Năm 1585, Elizabeth bổ nhiệm công tước Lord Howard xứ Effingham làm Tổng Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh. Howard cùng lứa tuổi với Medina Sidonia và Diego Flores nhưng khác với họ, ông có kinh nghiệm hàng hải, nổi tiếng là một chỉ huy dũng cảm và không vụ lợi. Các hải đoàn cũng do những người đi biển nổi tiếng chỉ huy như Phó Đô đốc Drake, các đô đốc Frobisher, Howkins và quý tộc Seymour. Hải quân Anh trang bị gần 200 tàu, trong đó có 34 tàu hoàng gia; quân số từ 9 đến 15 nghìn (theo các nguồn tư liệu khác nhau), trong đó 2 phần 3 là những người chuyên đi biển, do đó họ nắm rất chắc chiến trường sắp tới. Hạm đội Anh được tổ chức thành 4 hải đoàn. Trong khi chiến tranh chưa xảy ra, các hải đoàn tăng cường luyện tập, họ tập bắn không tiếc đạn. Các tàu Anh không cần các tay chèo và điều khiển dễ hơn tàu tay chèo. Tuy nhiên độ vững chắc và độ bền vỏ tàu của các tàu Anh kém hơn tàu Tây Ban Nha. Hải quân Anh có không quá 1.200 khẩu pháo. Hải quân hoàng gia đã trưng dụng tàu từ các thành phố, nhưng việc chuẩn bị quân nhu và vũ khí chưa được chú ý đúng mức. Điều này khiến Howard rất lo lắng vì sẽ vô cùng nguy hiểm đối với hạm đội và đất nước một khi chiến tranh xảy ra. Trong bối cảnh đó, Lord Howard đề nghị thường xuyên duy trì 6 tàu lớn và 6 tàu nhỏ và định kỳ luân phiên các tàu này để theo dõi tình hình bờ biển Tây Ban Nha. Nhưng lời đề nghị của Lord Howard đã không được chấp thuận; thậm chí khi nhận được tin Armada đã vào Coruna, Elizabeth vẫn ra lệnh giải giáp những tàu lớn nhất và giải động viên một nửa quân số. Howard phải rất khó khăn mới bãi bỏ được lệnh này: Ông đã nhiều ngày cho quân lính ăn một nửa khẩu phần và bỏ tiền túi ra trang trải các chi phí. Cuối cùng, hải quân hoàng gia đã tập trung được toàn bộ số tàu hiện có; lục quân được kéo xuống phía Nam. Số tàu Anh được trang bị, kể cả 23 chiếc tình nguyện gia nhập hạm đội trong quá trình trang bị, lên tới 197 chiếc, với 15.000 quân; trong đó chủ yếu là thương thuyền, có 88 chiếc tải trọng chỉ từ 90 đến 120 tấn và chỉ phù hợp với nhiệm vụ bổ trợ. Trước sự chuẩn bị của Tây Ban Nha, Đô đốc Drake đề nghị Nữ hoàng Elizabeth cho mở cuộc tấn công Tây Ban Nha nhằm cản trở sự chuẩn bị của họ và không để cho người Tây Ban Nha tiến vào nước Anh. Lời đề nghị này đã được Nữ hoàng chấp thuận. Năm 1586, theo lệnh của Elizabeth, Đô đốc Sir Francis Drake bắt đầu tập kích các tàu buôn Tây Ban Nha trên Thái Bình Dương và vùng biển Carribean; đầu tiên ở khu vực Vigo, sau đó đến quần đảo Canar và Cape Verde, tiếp đó đánh chiếm Santo Damingo và Cartagena. Ngày 19 tháng 4 năm 1586, với 4 tàu hoàng gia và 20 tàu buôn có vũ trang do London và các thành phố khác cung cấp, Drake tấn công Cadiz, nơi Công tước Medina Sidonia đang cai quản. Medina Sidonia hoàn toàn không ngờ sẽ bị tấn công nên không hề có sự chuẩn bị đối phó. Yếu tố bất ngờ đã giúp Drake chiếm được bến cảng, chiếm và phá hủy nhiều tàu, trong đó có 6 tàu tải trọng 100 tấn trở lên (loại tàu lớn nhất lúc bấy giờ). Cuối tháng 4, sau khi thu được nhiều chiến lợi phẩm có giá trị trong khi tổn thất không đáng kể, Drake tiếp tục phát triển tấn công. Sedina Sidonia cho rằng để ngăn chặn đà tấn công của quân Anh, phương án thích hợp nhất là củng cố ở Sevilnia. Trong quá trình phát triển tấn công, Drake tiến đến cửa biển Taho và khiêu chiến với lực lượng Tây Ban Nha do Santa Cruz chỉ huy. Do lực lượng của mình chưa sẵn sàng nên Santa Cruz không tham chiến. Trước tình hình đó, Drake tiến về quần đảo Azor với ý đồ bắt giữ các thuyền buồm của Tây Ban Nha từ Đông Ấn trở về nhằm buộc Tây Ban Nha phải điều thêm tàu bảo vệ. Drake cho rằng bằng cách đó sẽ buộc Tây Ban Nha sao nhãng việc xây dựng lực lượng Armada. Sau gần 3 tháng quấy phá sự chuẩn bị của Tây Ban Nha và chiếm được một số tàu cùng hàng hóa của nước này, cuối tháng 6, Drake trở về Anh. Để chống lại các cuộc tấn công của người Anh, Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc viễn chinh do Robert Dudley, Bá tước xứ Leicester chỉ huy. Do khó khăn về tài chính và thiếu hụt binh lính cộng với sự bất tài của Dudley, cuộc viễn chinh đã nhanh chóng thất bại. Sau thất bại của Dudley, Philip II đã quyết định xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, có khả năng vượt qua mọi trở ngại trên biển và chuẩn bị kế hoạch viễn chinh mới. Đến tháng 12 năm 1587, Dudley bị bãi nhiệm và vua Philip II quyết định tấn công nước Anh. Cuộc hành quân quấy phá của Drake đã khiến Armada phải lùi việc xuất quân gần 1 năm. Theo kế hoạch của Tây Ban Nha, Armada cần xuất quân trước tháng 3 năm 1588 vì sau tháng 3 thường có gió bắc rất mạnh; mặt khác, để bảo đảm giành thắng lợi, Armada cần phải tiến đến bờ biển nước Anh trước khi hải quân Anh sẵn sàng nghênh chiến. Song do thay đổi Tổng tư lệnh và sự tắc trách của cơ quan tham mưu nên phải đến tháng 5, Armada mới sẵn sàng lên đường. Lực lượng chính của hạm đội được chia thành 6 hải đội theo các vùng: Bồ Đào Nha (Medina Sidonia), Biscay (Juan Martinez de Recalde), Kastili (Diego Flores de Vandes), Andaludi (Pedro de Vandes), Gvipusco (Miguel de Oquendo) và Levanta (Martin de Bectendona) ; mỗi hải đội có 10-14 tàu từ 166 đến 1.250 tấn, 12-52 pháo và 110-500 người; ngoài ra có một số tàu nhỏ làm nhiệm vụ liên lạc. Trong số 75 tàu chiến có 19 tàu tải trọng 300 tấn, 49 tàu tải trọng 500-1.000 tấn và 7 tàu tải trọng 1.000-1.250 tấn; đây là những tàu lớn nhất lúc bấy giờ. Medina Sidonia đi trên con tàu tốt nhất thế giới - tàu chỉ huy San Martin; cố vấn chính bên cạnh Medina Sidonia là Diego Vandes, nghề đóng tàu, một người hay hoài nghi và thận trọng. Ngoài ra trong hạm đội còn có: 1 tiểu đoàn 4 tàu lớn được điều từ Neapol, trang bị 50 khẩu pháo với khoảng 335 người, chưa kể 300 tay chèo, do Gugo Moncada chỉ huy; 1 tiểu đoàn 4 tàu nhỏ được điều từ Bồ Đào Nha, mỗi tàu có 5 khẩu pháo với gần 100 người, không kể 220 tay chèo; Nhiều tàu vận tải, trong đó 23 tàu lớn, tải trọng 160-650 tấn, tất cả đều được trang bị vũ khí: 38 khẩu pháo và 280 người; các tàu này hợp thành một tiểu đoàn (do Juan Homes de Medina chỉ huy). Nhiều tàu hạng nhẹ, trong đó 27 tàu tải trọng dưới 100 tấn; phần lớn số tàu này cũng được trang bị vũ khí nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ liên lạc và trinh sát (do Antony Mendoza chỉ huy). Đây là lần huy động số lượng tàu lớn nhất của Tây Ban Nha từ trước tới giờ, do đó hạm đội này còn được gọi là Armada vô địch. So sánh một số tính năng chủ yếu giữa tàu chiến Anh và tàu chiến Tây Ban Nha thì tàu của Anh có tốc độ nhanh hơn và khả năng cơ động linh hoạt hơn so với tàu Tây Ban Nha. Trên các tàu Tây Ban Nha mặc dù trang bị pháo lớn nhưng người sử dụng vẫn là những người lính bình thường, còn tàu Anh là các kíp chuyên nghiệp quen với tác chiến trên biển; với các pháo cỡ nhỏ, đạn của Anh có tầm bắn xa hơn và sức công phá mạnh hơn, do đó người Anh có ưu thế ở tầm xa. Những tàu chiến mới của Anh được chế tạo có khoảng rộng cho bệ pháo khiến cho việc quay nòng pháo được dễ dàng và góc bắn rộng. Hành trình từ Lisbon đã bộc lộ tính cồng kềnh của Armada. Những chiếc thuyền buồm lớn, cao, đồ sộ như những "lâu đài nổi" được thiết kế vững chắc phù hợp với chiến thuật đánh áp mạn và giáp lá cà nhưng lại đi rất chậm và khó cơ động chuyển hướng. Nhiều tàu buôn đã được cải biên cho phù hợp với điều kiện tác chiến ở Địa Trung Hải và trong những trường hợp bất lợi thì chỉ có thể ứng phó bằng cách đơn giản là neo và chờ gió đổi hướng. Một số tàu có mái chèo thích hợp với vùng Địa Trung Hải, nhưng lại rất nguy hiểm trong những vùng có sóng to ở duyên hải Đại Tây Dương. --Tiếp theo III--
III. Diễn biến Bấm để xem Ngày 12 tháng 5 năm 1558, Armada đến Coruna ở phía Bắc Tây Ban Nha và dừng lại để bổ sung dự trữ. Ngay trong đêm đó, một số tàu bị hư hỏng do giông bão nên Armada phải ở lại Coruna để sửa chữa. Chỉ đến khi có lệnh mới của nhà vua, ngày 20 tháng 6, Armada buộc phải tiếp tục lên đường. Medina Sidonia chỉ huy hạm đội đi về hướng đảo Wait với hy vọng sẽ tìm được nơi dừng chân thuận lợi và đợi tin tức từ Parma. Ngày 20 tháng 7 người Anh phát hiện Armada đang đến gần. Ngày 21 tháng 7, hải đoàn Phương Tây của Hạm đội Anh từ Plymouth tiến về hướng Armada, vòng ra phía sau đội hình Armada và ngày hôm sau triển khai tấn công. Tại Plymouth, người Tây Ban Nha chịu những tổn thất đầu tiên nhưng không phải do hỏa lực đối phương mà do chiếc tàu chỉ huy Rodario của Pedro de Valdes va chạm với tàu Santa Catalina và bị mất cột buồm; sau đó va chạm với San Salvador là tàu chở kho chứa của hạm đội, tàu bị bốc cháy và 2 thùng thuốc súng phát nổ. Hàng hóa và những người sống sót được đưa khỏi tàu nhưng tàu bị hư hỏng phải để lại. Rạng sáng ngày 22 tháng 7, tàu Rodario đi sau đội hình bị Drake bắt, trên tàu có 500 binh lính và thủy thủ cùng 50 khẩu pháo; ít lâu sau, tàu San Salvador hư hỏng nặng cũng rơi vào tay người Anh. Lúc này Howard chia hạm đội của mình thành 4 cụm, lần lượt bắn vào đội hình tàu Tây Ban Nha. Hải quân Tây Ban Nha duy trì đội hình chiến đấu theo quy định của hoàng gia là đội hình bố trí theo hình bán nguyệt, ở giữa là tàu vận tải. Trước đội hình đó và dựa vào tầm bắn xa của pháo nên các tàu Anh cố gắng không tiếp cận quá gần đội hình Tây Ban Nha. Sau một vài cuộc đụng độ, hải quân Anh đã đẩy lui được Hạm đội Tây Ban Nha ra khỏi khu vực hòn đảo. Mặc dù phải tiêu hao hầu hết số đạn dược vốn đã rất ít, song hiệu quả hỏa lực pháo của hải quân Anh rất thấp, do đó thiệt hại của Tây Ban Nha không đáng kể. Hải quân Anh đã sử dụng gần hết cơ số đạn, song trước hỏa lực cấp tập của họ, Medina Sidonia cho rằng người Anh vẫn có khả năng tiếp tục tấn công. Ông quyết định đi về phía bờ biển Flandria với hy vọng sẽ được Parma chi viện. Trước đó không lâu, ông đã phái tàu liên lạc với Parma nhưng tàu này đã bị người Hà Lan bắt giữ. Trước tình thế đó, Armada quyết định hành quân về Calais. Trên đường đi, Armada bị tổn thất thêm tàu Santa Anna. Chỉ huy lực lượng ở Calais lúc này là Giro de Moleon, một người công giáo có cảm tình với người Tây Ban Nha và căm thù người Anh. Cảng Calais rất hẹp đối với một hạm đội lớn như Armada, nhưng các tàu Tây Ban Nha có thể thả neo dưới sự yểm trợ của các đại đội pháo bờ biển, đây là nơi tương đối an toàn trước sự tấn công của người Anh, và có thể bổ sung quân lương và nước dự trữ. Ý đồ của Medina Sidonia tiếp tục tiến về phía Dunker đã không thể thực hiện do người Hà Lan đã tháo bỏ tất cả các phao tiêu và biển báo từ Lale đi về phía Đông. Lợi dụng khó khăn của người Tây Ban Nha, đêm 26 rạng ngày 27 tháng 7, lợi dụng thủy triều và gió bắc, quân Anh thả 8 chiếc tàu Brander (do Hà Lan chế tạo) chở các vật liệu cháy về phía các tàu Tây Ban Nha đang co cụm. Mặc dù các tàu Brander của Anh chưa tới mục tiêu nhưng do hoảng loạn, nhiều tàu Tây Ban Nha đã cắt cáp neo bỏ chạy. Không có neo dự phòng, các tàu Tây Ban Nha đã không thể duy trì được đội hình chiến đấu, buộc phải rời khỏi lãnh hải Pháp và đi về Ostenda. Những chiếc tàu Brander đã không gây tổn hại gì Armada, nhưng nhiều tàu Tây Ban Nha bị hư hỏng do va chạm với nhau. Do thiếu đạn, Howard không thể tận dụng triệt để sự lúng túng của đối phương. Quân Anh chỉ tấn công chiếc tàu Galeon bị mất phương hướng đang vào vịnh. Đô đốc Tây Ban Nha ở lại vị trí cùng 4 tàu lớn (Galleon), sẵn sàng giao chiến với ý định giam chân người Anh để các tàu còn lại của Armada có thời gian củng cố. Sáng hôm sau, 27 tháng 7, Howard và Drake được tăng cường hải đoàn của Công tước Seymour cùng với lực lượng của Đô đốc Iusta Nassau. Một kiểu liên hạm đội của hai cường quốc biển Anh và Hà Lan được hình thành. Mặc dù không có tổng chỉ huy, các hạm đội vẫn hoạt động độc lập, song điều đó không ảnh hưởng tới việc hiệp đồng tác chiến. Với lực lượng được tăng cường và có ưu thế, Howard quyết mở đòn quyết định với Armada trong một trận đánh gần bờ biển Flandria, nằm giữa Gravelines và Ostenda. Cuộc tấn công do Drake chỉ huy. Các tàu của Anh khai hỏa từ cự ly l00m. Trong trận này, ưu thế thuộc về pháo binh Anh. Cũng như trước đây, người Anh tránh đánh giáp lá cà và chỉ sử dụng hỏa lực pháo; nhưng lần này ở cự ly gần, họ tập trung hỏa lực vào những tàu bị tách khỏi đội hình, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương. Pháo binh Tây Ban Nha bắn phá không hiệu quả vì đạn của họ được chế tạo bằng gang với công nghệ không hoàn chỉnh. Khi bắn vào thành tàu, đạn thường bị vỡ tan thành những mảnh vụn nên không có khả năng xuyên thủng thành tàu. Ngoài ra, do pháo được đặt trên những thương thuyền hoán cải nên khi bắn đồng loạt, sức giật của những khẩu pháo đã gây thiệt hại cho các tàu. Trận đấu pháo kéo dài gần 9 tiếng. Các tàu Tây Ban Nha cơ động kém hơn, lại bị ngược gió nên không thể chi viện cho nhau. Người Anh đã đánh chìm 1 (có tài liệu nói 2) tàu Tây Ban Nha và đánh hỏng một số khác. Ngoài ra, còn một số tàu bị mắc cạn ở Calais; 3 tàu bị gió cuốn sang phía Đông và cũng bị mắc cạn rồi nhanh chóng bị người Hà Lan bắt giữ. Đến giờ thứ 10 của trận đánh, cả hai bên đều hết đạn. Đấu pháo là một chiến thuật mới trong hải chiến, do đó không bên nào có thể lường định được lượng đạn tiêu hao trong một trận đánh. Trận đánh không đem lại cho người Anh thắng lợi hoàn toàn, thêm vào đó họ lại bị hết đạn mà lần này không thể nhanh chóng bổ sung. Medina Sidonia vẫn không nắm bắt được tình thế của Anh và không quyết định tấn công đối phương, hơn nữa nguồn dự trữ đạn dược của phía Tây Ban Nha cũng gần cạn. Đô đốc Medina Sidonia tin rằng, với lực lượng hiện có ông không thể giành quyền kiểm soát được vịnh Kale, cũng không thể nói đến việc tiến đến Margeit và cửa biển Temza. Vì vậy, ông quyết định rút về nước. Các chuyên gia quân sự cho rằng, thất bại của Tây Ban Nha trong trận Gravelines là rất nghiêm trọng, song không hẳn là một thảm kịch. Mặc dù kế hoạch tấn công nước Anh của Tây Ban Nha đã bị phá sản, Anh và Hà Lan đã bẻ gãy cuộc tấn công của Tây Ban Nha, song đội hình của Armada vẫn còn 110 tàu, trong đó gần 60 tàu chiến. Với lực lượng đó, Medina Sidonia có thể chọn các phương án rút lui an toàn. Trước hết là chuyển lực lượng từ những tàu hỏng nặng nhất sang các tàu còn lại để rút về căn cứ Briugge. Một phương án khả thi nữa là trở về Kale và đưa toàn bộ lực lượng lên bờ; sau đó giao tàu cho các đồng minh ở Pháp, còn lực lượng đổ bộ sẽ đến Briugge bằng đường bộ. Với phương án này, Tây Ban Nha có thể sẽ tổn thất một phần đáng kể hoặc phần lớn số tàu, nhưng bù lại sẽ bảo toàn được lực lượng 20 nghìn chiến binh dày dạn kinh nghiệm. Phương án cuối cùng là sử dụng số quân lương còn lại cố gắng quay về Tây Ban Nha qua Manche vì lúc này ở Đại Tây Dương chưa bắt đầu mùa bão. Tại cuộc họp Hội đồng quân sự, ngày 28 tháng 7, bất chấp những đề xuất của các chỉ huy cấp dưới, Medina Sidonia đã ra lệnh không đi theo các phương án trên mà đi lên phía Bắc, về phía bờ biển Na Uy - một nước thù địch với Tây Ban Nha. Ngày 29 tháng 7, Armada rút quân theo lệnh của Medina Sidonia. Quân Anh quyết định truy kích Armada. Ban đầu, Bộ chỉ huy Anh không tin quân địch rút lui và cho rằng đây là động tác giả của Medina Sidonia; họ dự tính quân Tây Ban Nha sẽ vào các vịnh gần đó để xốc lại đội hình rồi tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi Armada đã qua vịnh Firth of Fort - hải giới giữa Anh và Hà Lan, quân Anh và Hà Lan mới ngừng truy kích. Ngày 30 tháng 7, sau khi được tin quân đội của Công tước Parma đã sẵn sàng lên tàu, Bộ chỉ huy Anh quyết định điều Seymour cùng lực lượng của mình quay về vịnh để ngăn chặn quân Parma đổ bộ; còn lực lượng của Drake và Frobisher quay về căn cứ do trên tàu không còn đủ nước và quân lương. Bộ chỉ huy Anh dự đoán Armada có thể sẽ bổ sung dự trữ ở bờ biển Đan Mạch hoặc Na Uy rồi quay lại, vì vậy Hạm đội Anh vẫn duy trì sẵn sàng chiến đấu trong nhiều ngày. Trong khi đó Armada tiếp tục hành trình theo con đường nguy hiểm nhất và dài nhất, vòng qua Scotland và Ireland. Do không có thông tin liên lạc nên Medina Sidonia không biết được rằng quân Anh đang chờ Armada ở Briugge và Dunker. Quyết định đi về hướng Bắc nhưng Medina Sidonia không nắm được lộ trình và cũng không có hoa tiêu dẫn đường. Thêm vào đó, lương thực và nước ngọt đã cạn kiệt; bệnh thương hàn và kiết lỵ hoành hành khiến nhiều tay chèo, binh lính và thủy thủ bị chết. Armada bắt đầu tan rã; 2 tàu Galleon bị bão cuốn về phía Đông và chìm ở bờ biển Na Uy; các tàu do người Đức điều khiển bị mất hút[17] . Thuyền trưởng 2 tàu Galleon do không tuân lệnh nên bị Medina Sidonia ra lệnh hành quyết. Sa vào vùng biển xa lạ với những đá, đảo ngầm và sương mù dày đặc, lại là lúc bắt đầu mùa bão, Armada bị bão tố đánh cho tan tác và tổn thất nặng nề. Những người lên được bờ hoặc bị dân địa phương giết tại chỗ, hoặc bị bắt để đòi tiền chuộc. Cho đến giữa tháng 10 năm 1588, nhờ bão qua vịnh Biscay, một số tàu lành lặn của Armada về được đến Tây Ban Nha, nhưng tinh thần binh lính suy sụp hoàn toàn. Bị tổn thất nặng nề và không đạt được những mục tiêu đề ra, Tây Ban Nha phải chấp nhận thất bại. --Tiếp theo IV--
IV. Kết quả và một số vấn đề rút ra từ trận đánh Bấm để xem Kết thúc trận Gravelines lực lượng hải quân Tây Ban Nha bị mất 65 tàu, trong đó 45 chiếc là những chiến hạm lớn. Trong số 30.000 quân lính có gần 20.000 đã chết do bị đói khát, bệnh tật và hành quyết. Sau trận Gravelines, hạm đội vô địch Tây Ban Nha chỉ còn lại có 53 chiến thuyền. Với thất bại đó, lực lượng hải quân Tây Ban Nha không vươn lên được nữa. Từ đó, nước Anh trở thành cường quốc hải quân và giành bá quyền trên biển; lực lượng hải quân của họ trở thành lực lượng mạnh nhất châu Âu và từng bước mở rộng ảnh hưởng sang cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 400 năm sau kể từ trận hải chiến lịch sử, Anh trở thành đế quốc bậc nhất thế giới với diện tích chính quốc và thuộc địa lên đến 41 triệu kilômét vuông. Đối với Tây Ban Nha, sau thất bại trong trận Gravelines, lực lượng hải quân lớn nhất của họ đã tan rã. Tiếp theo các trận Lepanto, Portsmouth và Kale, trận Gravelines đã đánh dấu thời kỳ lên ngôi của tàu buồm lớn kéo dài gần 300 năm. Sau khi giành thắng lợi trong trận Gravelines, người Anh và Hà Lan rất vui mừng vì đã giành thắng lợi trong một cuộc chiến xâm lược. Tuy nhiên, niềm vui ấy đã bị phủ bóng đen bao bởi cách hành xử của Nữ hoàng. Khi đến thăm lực lượng hải quân ở Portsmouth, Elizabeth Tudor đã hết lời ca ngợi binh lính và thủy thủ tham gia trận đánh. Tuy nhiên, khi họ đề nghị Chính phủ chi một khoản trợ cấp nhỏ, Elizabeth đã từ chối với lý do khó khăn về tài chính. Cách hành xử đó của Nữ hoàng đã dẫn đến mâu thuẫn giữa quân đội với vương triều. Nếu như trước năm 1588, quân đội đứng về phía vương triều để chống giặc ngoại xâm thì nay họ đứng về phía giai cấp tư sản. Mối quan hệ giữa quân đội, giai cấp tư sản với nhà vua vì thế ngày càng xấu đi. Dưới góc độ quân sự, trận Gravelines đã để lại một số bài học quan trọng: Trong công tác chuẩn bị, cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt, từ công tác bảo đảm vũ khí trang bị, thông tin liên lạc đến công tác huấn luyện, chuẩn bị chiến trường, trinh sát nắm tình hình, v. V.. Trong trận Gravelines, mặc dù hai bên đã chuẩn bị kỹ càng nhưng chưa lường hết được mức độ tiêu hao đạn dược trong chiến đấu. Kết quả chỉ sau chưa đầy một ngày giao chiến, phía Anh đã hoàn toàn hết đạn. Trận Gravelines là trận hải chiến đầu tiên sử dụng chiến thuật đấu pháo, nhưng với lực lượng bộ binh hùng hậu, Tây Ban Nha vẫn thiên về chiến thuật bộ binh như đánh gần, chuẩn bị các tàu lớn và vững chắc nhưng cơ động không linh hoạt để sẵn sàng đâm va. Trong khi đó, với những chiếc tàu nhỏ nhưng linh hoạt hơn, quân Anh và Hà Lan đã chủ động tránh đánh gần, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến thuật khác nhau, sử dụng hợp lý hỏa lực pháo và súng thông thường; đồng thời quân Anh và Hà Lan đã triệt để lợi dụng các điều kiện tự nhiên như hướng gió, bãi cạn và dòng hải lưu. Một vấn đề rất quan trọng giúp hải quân Anh đẩy lùi được cuộc tấn công của người Tây Ban Nha là trước khi giáp mặt đối phương (trận then chốt quyết định Gravelines), hải quân Anh đã đánh chiếm các vị trí quan trọng (Plymouth, Kale) ; trong khi đó Tây Ban Nha không có một căn cứ hải quân nào trên toàn bộ hải trình, kể cả trên đường tiến quân cũng như rút lui. Trận Gravelines cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong công tác nắm địch. Do Tây Ban Nha không nắm chắc tình hình nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt đối phương (cuối trận đánh, phía Anh hết đạn pháo nhưng Medina Sidonia không nắm được; trong khi đó phía Tây Ban Nha chưa phải đã hết hoàn toàn). Phần lớn những thất bại và tổn thất của Tây Ban Nha là do những quyết định sai lầm của bộ chỉ huy. Khi đối phương lợi dụng hướng gió sử dụng tàu phóng hỏa đã không nắm được thủ đoạn của họ để bình tĩnh tìm cách đối phó nên đã nhanh chóng để vỡ đội hình. Trước khi rút lui, mặc dù đã họp Hội đồng quân sự và chỉ huy cấp dưới có những đề xuất hợp lý, song người chỉ huy tối cao không đủ sáng suốt để tìm ra phương án tối ưu nên đã quyết định phương án nguy hiểm nhất. Phía Anh tuy công tác chuẩn bị không được kỹ càng; đặc biệt không có sự thống nhất giữa Nữ hoàng và chỉ huy quân đội; song sự quyết đoán và dày dạn kinh nghiệm của người cầm quân, tinh thần chiến đấu của binh lính đã ảnh hưởng tích cực đến tiễn biến trận đánh. Phải phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong chiến đấu. Phía Tây Ban Nha không có sự hiệp đồng tác chiến giữa hải quân và lục quân nên đã thất bại. Trái lại, Hạm đội Anh và Hạm đội Hà Lan trên danh nghĩa không phải là một lực lượng hải quân thống nhất, không có tổng chỉ huy, song họ đã hiệp đồng rất tốt. Không chỉ hiệp đồng tác chiến tốt, các sĩ quan, thủy thủ, những người chế tạo tàu và những người đảm bảo hậu cần của Anh và Hà Lan có thể nói cũng đã tạo nên một thể thống nhất. Cũng cần nói thêm rằng, trong trận Gravelines cũng như trong toàn bộ chiến dịch, liên quân Anh - Hà Lan đã không có một người nào bị hành quyết. - -Theo Đại tá Hán Văn Tâm--