Trăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết đã góp phần mang đến giải Nobel Văn học danh giá vào năm 1982 cho nhà văn người Colombia: Gabriel Garcia Marquez. Cả câu chuyện là nỗi cô đơn vô tận kéo dài suốt trăm năm của một dòng họ mang nặng mặc cảm cùng những lỗi lầm thời tiên tổ về lời nguyền dành cho những cuộc hôn nhân cận huyết: Đứa trẻ sinh ra sẽ mang đuôi lợn trên hòn đảo Macondo. Từ cốt truyện chính như vậy, G. Marquez đã xây dựng lên cả một làng Macondo rộng lớn với khoảng 60 nhân vật cùng một hệ thống quan hệ chằng chịt giữa họ trong cây gia phả của dòng họ Buendya. Với sự kết hợp giữa sáng tạo và song chiếu huyền thoại đầy độc đáo, mỗi mẫu hình ấy xuất hiện ở Trăm năm cô đơn từ con người cho đến không gian, bối cảnh đều mang đậm tính huyền thoại cùng tầng sâu ẩn dụ. Để từ mỗi hình ảnh đó, giải mã yếu tố huyền thoại, độc giả như thấy được, không chỉ là cách tân, đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết mà còn là cách nhìn nhận con người hết sức hiện sinh của tác giả Gabriel Garcia Marquez. Song chiếu huyền thoại trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn . Trước hết, Trăm năm cô đơn là một sự song chiếu huyền thoại: Song chiếu cuộc sống ở làng Macondo với cuộc sống đời thực, song chiếu với những sự kiện lịch sử từng xảy ra ở Colombia và Mỹ Latinh với những sự kiện diễn ra trong tiến trình 100 năm của gia tộc Buendya, song chiếu những nguyên mẫu con người có ngoài đời thực với sự hư cấu của con người tiểu thuyết và song chiếu giữa những con người trong gia tộc Buendya với nhau. Cái có thực trong thời gian ra đời Trăm năm cô đơn vào 1928, khu vực Mỹ La Tinh vốn là một khu vực cổ hủ, lạ hậu. Nhưng khi song chiếu lên làng Macondo, sự cổ hủ, lạc hậu ấy đã được phóng đại, huyền thoại hóa trở nên hư ảo. Những vật dụng hết sức thường nhật và được phổ biến trên thế giới như nam châm, kính lúp, la bàn, nước đá (thời kì đầu), máy hát, xe lửa (thời kì sau), được người digan hay đám tư bản mang tới làng Macondo lại trở thành những thứ phù phép, phép màu đối với dân làng ở đây. Những sự kiện lịch sử, chính trị từng xảy ra ở mảnh đất Gabriel Garcia Marquez sinh sống được tác giả tái hiện trong tác phẩm chân thực tới từng chi tiết. Công cuộc vượt núi băng rừng khai khẩn làng Macondo của cụ tổ gia tộc Buendya; cuộc nội chiến khốc liệt, triền miên giữa hai phe phái: Một bên là phái Bảo hoàng, một bên là những người thuộc phái Tự do. Và cuộc chiến tranh này được phản ảnh gần như trong suốt cuộc đời đại tá Aureliano. Nhưng ngay chính trong những sự kiện bám sát theo tiến trình phát triển của lịch sử đó cũng ẩn chứa những yếu tố huyền thoại được song chiếu vào tác phẩm. Hành trình vượt núi băng rừng, rồi lại vượt rừng băng núi từ làng Macondo về đời thực của cụ tổ Buendya là câu chuyện như lạc vào một mê cung với những yếu tó hoang đường, hư ảo. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đại tá Aureliano khiến ông trở thành huyền thoại, là một trở ngại cho nhà cầm quyền nhưng trong suốt quá trình hoạt động, những trận chiến nổ ra do ông đứng đầu gần như lại chỉ có bại mà không có thắng. Để đến cuối cùng là thất bại hoàn toàn về mặt tinh thần của đại tá Aureliano khi ông chính thức thu mình lại trong cõi cô đơn nơi xưởng kim hoàn chế tác những con cá vàng của ông. Và hơn cả, sự song chiếu huyền thoại trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn còn là sự song chiếu của chính các huyền thoại trong câu chuyện với nhau. Huyền thoại về gia tộc Buendya, mở đầu bằng sự loạn luân với kết cục đẻ ra đưa con có chiếc đuôi lợn; kết thúc cũng bằng sự loạn luân với đứa con của Aureliano Babilonia và Amaranta Ucsula mang chiếc đuôi lợn. Trong bóng hình của những người con, người cháu, những người sống ở hiện tại luôn mang hình dáng của người đi trước, người đã khuất qua cách đặt tên bằng những cái tên đã trở thành luật bất thành văn của gia tộc Buendya: Accadio, Aureliano cho con trai và Ucsula, Amaranta, Remediot cho con gái. Cách đặt tên như vậy làm nên tính tuần hoàn, một thứ thời gian lịch sử xoay vòng trong đời sống của gia tộc Buendya. Qua những cái tên ấy là những mảng ký ức đầy cô đơn suốt hơn 100 năm của cả một gia tộc. Mà ký ức ấy, những gì đã chìm vào dĩ vãng, các cái chết lại luôn chẳng ngủ yên, chúng sống trong những cái tên và hiện hữu ngay trong cuộc sống thực: Sự xuất hiện của bóng ma Prudenxio Aghila, Menkyadet, Hose Acadio Buendya.. Ngoài ra, sự song chiếu còn được thể hiện từ những hình tượng có thực ngoài đời được nhà văn tưởng tượng, đắp nên nó màu sắc huyền thoại đến mức tưởng như vô lý. Như trường hợp của Remediot – Người đẹp. Trong nguyên mẫu đời thực, Remediot không đẹp và cũng chỉ mang thân phận của một người hầu, sự mất tích của cô ta không ai biết là do đâu rồi cuối cùng cô ta đi đâu. Nhưng đến Trăm năm cô đơn, tác giả đã khoác lên nhân vật Remediot – Người đẹp một thân phận mới, nhan sắc mới cùng một sự biến mất đầy huyền ảo. Bởi thế, với sự song chiếu huyền thoại, Gabriel Garcia Marquez trên nền những sự kiện lịch sử có thật, những con người có thật; ông đã đan cài chúng với những sự kiện, chi tiết hư cấu và tạo nên sử tính cho tiểu thuyết. Sự sáng tạo huyền thoại của Gabriel Garcia Marquez Trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, mỗi số phận trong dòng họ Buendya nói riêng, mỗi số phận và cả ngôi làng Macondo nói chung, bên cạnh việc là sự song chiếu huyền thoại, còn là những sáng tạo huyền thoại đặc sắc của tác giả. Ở mẫu đề huyền thoại thông thường: Sống – chết – phục sinh, Trăm năm cô đơn là mối tương quan phức tạp giữa cuộc sống và cái chết, giữa ký ức và sự lãng quên, giữa người sống và người chết, không gian và thời gian. Giữa ký ức của những người còn sống, người chết luôn luôn hiện diện, nói chuyện và sinh hoạt với người sống như chưa từng có cách biệt âm dương: Sự đeo bám của bóng ma Prudenxio Aghila đến tận giây phút cuối đời của Hose Acadio Buendya, sự gặp gỡ giữa Menkyadet với những hậu duệ của gia tộc Buendya trong căn phòng của cụ hay sự trở lại của bóng ma Hose Acadio Buendya giữa cuộc sống hiện thực. Tất cả làm nên tính đối trọng giữa một bên người chết được tái sinh trong hiện thực khi người sống vẫn luôn cần và nhớ đến họ. Nhưng bản thân những người đang sống lại hoàn toàn mất liên hệ với nhau. Hose Acadio bỏ đi với đoàn người digan biệt tăm biệt tích không một thông tin báo về, rồi anh đột ngột trở lại. Sau khi tự tay mình bắn chết chồng là Hose Acadio, Rebeca tự nhốt mình trong nhà, không bước chân ra ngoài, không tiếp xúc với xã hội; đến nỗi người ta lãng quên bà và tưởng bà đã chết dù Rebeca vẫn sống trong cộng đồng làng Macondo hay cách đại tá Aureliano nhốt mình trong xưởng kim hoàn, Hose Acadio Segundo nhốt mình trong căn phòng của Menkyadet giải mã bức mật thư chính như người sống đã chấp nhận bước chân vào căn phòng chết của gia tộc Buendya. Như đã nói, mỗi cá nhân trong gia tộc Buendya đã là một sáng tạo huyền thoại: Rebeca đến gia tộc Buendya với chứng thèm ăn đất cùng một ký ức mất mát về cha mẹ ruột; Remediot – Người đẹp sống giữa cuộc đời nhưng bản thân cô như một thực thể vượt ngoài tồn tại thông thường, đến cách cô đi cũng đầy huyền ảo; mối dây liên hệ đầy oan nghiệt giữa Amaranta và Rebeca cùng nỗi đau Amaranta gây ra bởi thói ích kỷ khiến đến cuồi đời, bà nhận nhiệm vụ đưa thư cho những người ở dưới suối vàng. Và từng cá nhân ấy, ngoài là sự song chiếu giữa các đời trước ở trong sự tồn tại của đời sau còn là sự tái tạo các vai diễn trong những Aureliano, Hose Acadio, Ucsula, Amaranta, Remediot.. Để cuối cùng, mối dây liên hệ giữa khởi đầu, kết thúc ấy cô đọng lại trong sự lụi tàn của gia tộc Buendya với đứa trẻ cuối cùng được sinh ra có cái đuôi lợn, với những sự thật được phơi bày trong cuốn biên niên suốt một trăm năm của cả gia tộc đã được Menkyadet tiên tri trong cuốn văn tự bằng tiếng Phạn và người cuối cùng đọc nó là Aureliano Babilonia. Đồng thời với đó, mỗi cá nhân và thậm chí cả làng Macondo đã là một sự tồn tại đầy tính huyền thoại. Macondo, một ngôi làng như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống, với hiện thực xã hội bên ngoài. Cả ngôi làng đã từng mắc chứng mất ngủ – dần lãng quên mọi thứ, và rồi đến cuối cùng là mất đi những ký ức lịch sử. Petra Cotet với sự liên hệ giữa đời sống tình dục ảnh hưởng đến sự sinh sôi nảy nở bất thường của gia súc. Hiện tượng mỗi lần xuất hiện đều mang theo những con bướm vàng của Maurixio Balilonia cùng cái chết của anh.. Tất cả những sáng tạo ấy của Gabriel Garcia Marquez đã làm nên một làng Macondo độc nhất với những con người, những hiện tượng đầy ly kỳ, huyền ảo. Qua sự kết hợp sáng tạo và song chiếu huyền thoại trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Garbriel Garcia Marquez, tác giả đã xây dựng lên cả một thế giới với sự đồ sộ về nhân vật với sự trải rộng không gian, thời gian trong suốt một trăm năm. Mà qua những hiện thực được huyền thoại hóa, G. Marquez tái hiện lên bóng dáng cả một gia tộc với một trăm năm nhưng bóng dáng ai cũng thấm mẫu màu cô đơn. Một gia tộc chìm trong tội loạn luân, giết người, những bóng dáng dẫu cuồng hoan trong dục vọng xác thịt hay tự nhốt mình trong những căn phòng chết, đều bị bùa vây bởi sự cô đơn không lối thoát. Và chính trong hiện thực đó, chủ nghĩa hiện sinh hiện lên hết sức rõ rệt. Con người cô đơn, mất phương hướng trước cuộc sống mỗi ngày một trở nên vô nghĩa, phi lý. Và sự tàn lụi của làng Macondo, của gia tộc Buendya như sự chấm dứt của những tháng ngày cô đơn, lối sống vị kỷ cùng sự vẫy vùng thoát khỏi bóng đen đơn côi của mỗi con người Acadio, Aureliano, Ucsula, Amaranta, Remediot.. Từ Trăm năm cô đơn đến văn chương hiện đại và hậu hiện đại Huyền thoại hóa ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong văn chương hiện đại và hậu hiện đại. Có nhiều cách thể hiện huyền thoại trong tác phẩm: Nhà văn có thể song chiếu huyền thoại, sáng tạo huyền thoại hoặc là sự kết hợp của cả song chiếu với sáng tạo huyền thoại trong một tác phẩm. Mà ở cách thức này, Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez như một tác phẩm tiên phong. Làng Macondo có thể bị xóa sổ, gia tộc Buendya có thể bị diệt vong nhưng Trăm năm cô đơn với sự thể hiện huyền thoại của G. Marquez sẽ còn mãi với dòng chảy văn chương thế giới.