Trầm cảm ở trẻ em - Làm gì khi con bạn muốn chết

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Nguyễn Khắc Dũng, 25 Tháng tư 2020.

  1. Nguyễn Khắc Dũng

    Bài viết:
    12
    TRẦM CẢMTRẺ EM

    NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

    Trầm cảm ở trẻ em và tỷ lệ

    Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc thường gặp trong cộng đồng, với các biểu hiện chính là hay buồn bã, chán nản; mất các hứng thú trong cuộc sống; hay mệt mỏi không muốn làm gì kéo dài trên 2 tuần. Ở những giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể có những ý nghĩ tiêu cực như bị tội, tự ti, không xứng đáng hoặc muốn tự sát. Ước tính, tỷ lệ trầm cảm trong dân số chung từ 3-5%. Trầm cảm được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch (WHO).

    Ở trẻ em, biểu hiện buồn bán và hay giận dỗi rất thường gặp tuy nhiên thường ít được quan tâm và hay bị bỏ qua. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, có khoảng 3, 2% trẻ em trong độ tuổi từ 3-17 tuổi được chẩn đoán trầm cảm. Tỷ lệ này tăng dần theo tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 12- 17 được chẩn đoán là trầm cảm là 6, 4%. Điều đáng nói là có đến 78, 1% các trường hợp trầm cảm trẻ em không nhận được sự điều trị (Hoa Kỳ).

    Các báo cáo về tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em có nhiều khác biệt theo các khu vực khác nhau, điều này do các thang sàng lọc ở mỗi nghiên cứu không tương đồng. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dao động lớn trong khoảng 3-15%, tỷ lệ cao ở nhóm trẻ em các nước đang phát triển. Ước tính, có khoảng 80 -90% trầm cảm ở trẻ em không được can thiệp chẩn đoán và điều trị.

    Ở Việt Nam, một số nghiên cứu được tiến hành đưa ra tỷ lệ trầm cảm ở trẻ từ 14, 7% - 22.8%. Trong đó, 23, 7% trẻ muốn tự tử và 2, 3% trẻ đã tự tử.

    Nguyên nhân gây ra trầm cảm trẻ em thường do nhiều yếu tố. Phần lớn là do nguyên nhân di truyền (40- 50%), tiếp đó là những nguyên nhân sang chấn thời thơ ấu, do môi trường sống, tình trạng áp lực học tập, bạo lực học đường, những thay đổi đột ngột trong cuộc sống..

    Các triệu chứng và khó khăn trong chẩn đoán

    Các biểu hiện của trầm cảm ở trẻ em thường không giống ở người lớn và dễ được người chăm sóc hoặc giáo viên bỏ qua hoặc nghĩ rằng biểu hiện đó không nghiêm trọng. Đôi lúc, triệu chứng được biểu hiện đa dạng không đơn thuần chỉ là biểu hiện về cảm xúc. Khi trẻ có những biểu hiện sau, có thể nghĩ tới trầm cảm:

    · Trẻ có thể buồn chán, ủ rũ hoặc dễ cáu kỉnh, bực bội dù là những việc nhỏ.

    · Giảm các thói quen với các hứng thú cũ, không muốn học tập, không muốn tham gia các sinh hoạt tập thể. Không muốn chơi với các bạn, kể cả bạn thân.

    · Khó tập trung, học tập giảm sút, cảm thấy học nhưng không ghi nhớ được.

    · Ăn uống kém, chán ăn. Cũng có thể ăn nhiều, ăn vô độ.

    · Mất ngủ, ngủ thức giấc sớm, hay mơ, gặp ác mộng.

    · Chơi Game nhiều, dùng các chất kích thích và các chất cấm.

    · Các rối loạn hành vi chống đối.

    · Có thể tự gây thương tích hoặc tự sát. Một số trẻ, biểu hiện này có thể phát hiện bằng các dấu hiệu như: Đột ngột cho đi búp bê/ bộ sưu tập tem rất yêu thích, thực hiện hết những lời hứa/ hoạt động thường bị nhắc nhở nhiều lần, tâm sự yêu thương bất thường với người thân, viết thư tuyệt mệnh..

    · Một số trường hợp, trẻ có thể biểu hiện bằng đau các bộ phân trên cơ thể kèm theo các triệu chứng kể trên. Thường gặp là trẻ than phiền đau đầu + giảm tập trung, mất ngủ; có thể đau mắt, đau bụng, đau lưng, đau ngực.. Điều này thường là nguyên nhân chính để đưa trẻ đi khám, tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó chẩn đoán chính xác từ sớm vì thường trẻ sẽ được điều trị các bệnh lý thuộc các chuyên khoa kể trên, và thường kém đáp ứng với điều trị. Một số trường hợp, không tìm ra nguyên nhân thực thể dẫn đến tâm lý lo ngại và tốn kém khi làm các xét nghiệm chuyên khoa sâu.

    Sự khó khăn trong điều trị

    Khi đã được phát hiện trầm cảm ở trẻ em thì việc điều trị cũng gặp nhiều thách thức. Trước hết là việc người chăm sóc hoặc giáo viên chấp thuận trẻ được chẩn đoán là trầm cảm. Nhiều trường hợp, trẻ được chẩn đoán nhưng người chăm sóc nói con của họ hoàn toàn bình thường và muốn đưa trẻ đến khám ở chuyên khoa khác. Khi đã chấp nhận chẩn đoán, việc lựa chọn liệu pháp điều trị cần phải cân nhắc trên nhiều yếu tố như sau:

    Trước hết, cần xác định nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Đối với các nguyên nhân từ các bệnh lý cơ thể, cần được giải quyết trước (VD: Cần bổ sung Hormon giáp trên các BN giảm hocmon giáp). Việc xác định nguyên nhân còn giúp định hướng phương pháp can thiệp nào là tối ưu. Những nguyên nhân như áp lực học tập, bạo lực học đường.. cần kết hợp can thiệp cùng nhà trường. Những nguyên nhân như bất hòa gia đình, đột ngột thay đổi môi trường.. cần sự hỗ trợ từ gia đình.

    Thứ hai, cần xác định tình trạng nặng của bệnh. Giai đoạn nặng với các triệu chứng đủ nghiêm trọng cần cân nhắc sử dụng thuốc vì sẽ gúp làm nhanh chóng thuyên giảm các triệu chứng bệnh.

    Thứ ba, cần phải có chiến lược quản lý và theo dõi lâu dài. Với việc sử dụng thuốc, cần phải duy trì ít nhất 6 tháng liên tục để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát, kèm theo theo dõi các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc. Cần kết hợp điều trị với việc quan tâm tới các sinh hoạt hàng ngày của trẻ như ở nhà, ở trường, ở nới sinh hoạt cộng đồng. Việc quản lý cần được thực hiện ngay cả khi bệnh nhân không được điều trị. Nhìn chung, nếu không được điều trị, diễn tiến các triệu chứng có thể kéo dài, không thuyên giảm hoặc xấu đi.

    Lựa chọn điều trị thế nào?

    Các can thiệp tâm lý được áp dụng cho nhiều giai đoạn: Nhẹ, vừa, nặng. Với các giai đoạn nặng và nghiêm trọng, việc kết hợp tâm lý và thuốc được đánh giá là cho hiệu quả cao hơn điều trị thuốc đơn độc. Trong các liệu pháp tâm lý, liệu pháp CBT và liệu pháp cá nhân đã được chứng minh cho hiệu quả cao nhất. Một số liệu pháp khác cũng có thể áp dụng như liệu pháp ánh sáng, matxa, liệu pháp âm nhạc..

    Can thiệp hóa dược cần thận trọng. Nhìn chung, SSRIs – một nhóm thuốc chống trầm cảm mới – tác động lên chất dẫn truyền serotonin trong não bộ được đánh giá là cho hiệu quả cao và tương đối an toàn. Việc sử dụng thuốc được chấp thuận từ 8 tuổi với Prozac (Fluoxetin) hoặc từ 12 tuổi với Escitalopram. Các tác dụng không mong muốn cần được theo dõi sát. Khoảng 60% các trường hợp đáp ứng với các thuốc chống trầm cảm và thuyên giảm triệu chứng sau 6 tuần. Khi SSRIs kém hiệu quả, có thể xem xét SNRIs hoặc Bupropion.

    Việc phối hợp các thuốc chống trầm cảm với các thuốc khác như an thần kinh không điển hình hay các thuốc có tác dụng điều chỉnh khí sắc cũng được nhiều bác sỹ lâm sàng sử dụng. Tuy nhiên, nó làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn. Nên khởi liều thấp và chỉnh liều từ từ.

    Điều trị hóa dược cần duy trì ít nhất 6 tháng. Nhiều trường hợp duy trì lâu hơn nhằm tránh tái phát, đặc biệt là trầm cảm tái diễn nhiều lần. Việc tự ý dừng thuốc có thể làm tái phát bệnh hoặc xuất hiện hội chứng khi ngừng thuốc (HC cai).

    Các phương pháp khác như thay đổi chế độ ăn giàu vitamin C + vitamin nhóm B hoặc sử dụng các loại thảo mộc (cỏ St. John) đều chưa cho thấy tính an toàn và hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở trẻ em, mặc dù được rất nhiều người tự áp dụng hàng ngày. Việc sử dụng các thực phẩm chức năng đối với trẻ em cần hết sức cẩn trọng vì độ tinh khiết cũng như chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm đó.

    Tóm lại, trầm cảm trẻ em là một rối loạn tâm thần rất phổ biến. Hầu hết đều chưa được chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán và điều trị còn nhiều khó khăn, cần được theo dõi và quản lý trong thời gian dài. Tiên lượng 85% sẽ tái phát một rối loạn tâm thần trong 15 năm tới nếu không được can thiệp sớm. Cần dạy cho trẻ những phương pháp vượt qua khủng hoảng từ sớm, một chế độ sinh hoạt lành mạnh và sự nhất quán trong việc chăm sóc/ nuôi dạy của cha mẹ.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...