Trắc nghiệm Trao duyên - Truyện Kiều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 22 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bài tập trắc nghiệm: Trao duyên - Truyện Kiều


    Bài tập Trắc nghiệm Trao duyên (Trích Truyện Kiều) bao gồm hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Ngoài các bài tập tự luận, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm còn khiến các em hứng thú hơn với giờ học. Các câu hỏi trong topic bài tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    A. Về văn bản đoạn trích:

    Vị trí đoạn trích "Trao duyên"


    "Trao duyên" là một trích đoạn trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Đây là những lời Thúy Kiều nói với Thúy Vân trong đêm trước khi theo Mã Giám Sinh dẫn thân vào con đường lưu lạc. Trước đó, nàng đã quyết định bán thân để có ba trăm lạng cứu cha và em. Việc nhà đã thu xếp ổn thỏa, nàng đã làm tròn chữ "hiếu". Vậy còn mối tình của nàng với Kim Trọng sẽ như thế nào? Khi Kim Trọng hộ tang chú xong, trở lại không thấy nàng, chàng sẽ đau khổ biết bao nhiêu? Kiều phải làm gì cho chàng và cả cho mình nữa? Trong đêm ây, Kiều đã khoc rất nhiều, khóc cho mình, cho người yêu, cho mối tình tan vỡ: "Một mình nàng, ngọn đèn khuya - Áo dầm giọt tủi, tóc se mái đầu". Tiếng khocs ai oán khiến Thúy Vân chợt tỉnh giấc, "ghé đến ân cần hỏi han". Lúc này, Kiều chợt nảy ra ý định trao duyên cho Vân, nhờ em thay mình trả nghĩa cho chàng Kim.

    "Trao duyên" là bi kịch mở đầu cho chuỗi bi kịch mưới lăm năn đằng đẵng của Kiều.

    Bố cục đoạn trích "Trao duyên"

    Đoạn trích chia làm 3 phần:

    - Phần 1: 12 câu đầu: Kiều tìm cách thuyết phục và trao duyên cho Vân;

    - Phần 2: 14 câu tiếp: Kiều trao kỉ vật và dặn dò em;

    - Phần còn lại: Kiều đau đớn hướng về Kim Trọng mà than khóc, tạ từ chàng.

    Nội dung đoạn trích "Trao duyên"

    Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Qua đó thể hiện tiếng kêu đau đớn của tác giả về số phận con người trong xã hội phong kiến.

    Nghệ thuật đoạn trích "Trao duyên"

    - Miêu tả nội tâm nhân vật đặc sắc;

    - Kết hợp ngôn ngữ đối thoại với độc thoại nội tâm;

    - Ngôn ngữ vừa bác học, vừa bình dân;

    - Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật hiệu quả: Điệp, đối, liệt kê..

    B. Câu hỏi trắc nghiệm "Trao duyên"

    Chọn đáp án đúng nhất:

    Câu 1.
    Vị trí của sự việc Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân?

    A. Đêm cuối cùng sau khi Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh;

    B. Sau khi Kim Trọng hộ tang chú trở về tìm Kiều;

    C. Trước đêm Kim Trọng và Thúy Kiều thề nguyền;

    D. Sau khi Thúy Kiều được Từ Hải cứu khỏi lầu xanh.

    Câu 2. Trình tự diễn biến sự việc nào sau đây là hợp lý:

    A. Kiều trao kỉ vật; dặn dò em;

    B. Kiều Trao duyên, dặn dò em;

    C. Kiều mở lời, trao duyên, trao kỉ vật, dặn dò Vân, tạ từ Kim Trọng;

    D. Kiều mở lời, trao duyên, trao kỉ vật, dặn dò Vân, từ biệt cha mẹ, tạ từ Kim Trọng.

    Câu 3. Tại sao Kiều nói "cậy em" chứ không phải "nhờ em", "mong em", "phiền em"?

    A. Vì các từ ngữ trên có nghĩa giống nhau, nói thế nào cũng được; Kiều vốn tâm trngj rồi bời, nghĩ gì nói nấy.

    B. Vì chữ "cậy" là chữ quen dùng của Kiều;

    C. Vì các cách nói khác không hay bằng "cậy em";

    D. Vì chữ "cậy" vừa bao hàm nghĩa nhờ vả, vừa thể hiện sự trông mong, tin tưởng của Kiều đối với Vân.

    Câu 4. Dòng nào không thể hiện ý nghĩa của hành động Thúy Kiều mời em ngồi lên trên còn mình thì lạy và thưa với em?

    A. Kiều muốn Vân hiểu rằng chuyện mình sắp nói ra là một chuyện hệ trọng;

    B. Kiều lạy là lạy đức hi sinh cao cả của Vân (Vân sẽ phải lấy người không yêu làm chồng) ;

    C. Kiều coi trọng Vân vì Vân lúc này là ân nhân mà mình phải chịu ơn;

    D. Kiều muốn qua hành động đó thể hiện sự khính trọng của mình đối với Vân.

    Câu 5. Em hiểu câu thơ "Giữa đường đứt gánh tương tư" như thế nào?

    A. Đi đến giữa đường thì gặp tai họa;

    B. Tình yêu lỡ dở, mối duyên tan vỡ;

    C. Đi giữa đường bỗng nhớ nhung, tương tư người yêu;

    D. Đang tương tư người yêu thì gặp chuyện chẳng lành.

    Câu 6. Chữ "keo loan" trong câu thơ "Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em" hiểu theo nghĩa nào?

    A. Thứ keo chế bằng huyết chim loan dùng để gắn kết các vật;

    B. Tên một loại keo dùng để gắn kết các vật;

    C. Tên một loại keo dùng để gắn "tơ thừa";

    D. Cả A, B, C

    Câu 7. Câu thơ "Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em" hiểu như thế nào?

    A. Kiều nhờ Vân hãy dùng keo loan gắn kết tơ duyên của mình với Kim Trọng;

    B. Kiều nhờ Vân thay mình nối duyên cùng Kim Trọng; thay mình trả nghĩa cho chàng Kim;

    C. Tình yêu tan vỡ, Kiều phó thác Kim Trọng cho Thúy Vân yêu thương, chăm sóc;

    D. Kiều mặc cho em tự khu xử tình huống éo le này.

    Câu 8. Tình yêu nồng nàn, say đắm giữa Kim Trọng và Thúy Kiều được Kiều kể lại với em qua câu thơ nào?

    A. Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song;

    B. Tóc tơ căn dặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương;

    C. Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề;

    D. Bây giờ trâm gãy gương tan/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.

    Câu 9. Phép tu từ được sử dụng trong câu: Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề là:

    A. Phép điệp;

    B. Phép đối;

    C. Phép điệp, phép đối;

    D. Phép nhân hóa: quạt ước, chén thề.

    Câu 10. Tác dụng của phép tu từ trong câu: Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

    A. Phép đối nhằm tạo nên ấn tượng về sự đối lập giữa ngày và đêm;

    B. Phép nhân hóa khiến cho sự vật vô tri vô giac cũng biết ước hẹn, thế nguyền;

    C. Phép điệp từ "khi" giúp liệt kê những khoảng thời gian khác nhau;

    D. Phép điệp "khi", phép đối "ngày quạt ước/đêm chén thề" giúp người đọc cảm nhận được tình yêu nồng nàn, say đắm giữa Kim Trọng, Thúy Kiều.

    Câu 11. "Sóng gió bất kì" mà Kiều nói với Vân trong câu: "Sự đâu sóng gió bất kì" là sự việc:

    A. Gia đình Kiều bị vu oan, Kiều phải bán mình chuộc cha và em;

    B. Gia đình Kim Trọng có tang, Kim Trọng phải về hộ tang chú;

    C. Kiều phải tiếp khách lầu xanh;

    D. Kiều bị Sở Khanh lừa.

    Câu 12. Dòng nào không liên quan đến ý nghĩa câu: "Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

    A. Bên hiếu bên tình, bên nào cũng nặng, khó có thể trọn vẹn được cả hai;

    B. Hoàn cảnh trái ngang quá, buộc phải chọn một giữa hai lẽ "hiếu" và "tình";

    C. Chữ "hiếu" nặng ngàn cân, vì ơn sinh thành dưỡng dục, Kiều chỉ có thể hy sinh tình yêu của mình;

    D. Người yêu có thể tìm gặp sau, cha không thể không cứu, Kiều chọn cứu cha.

    Câu 13. Sự thông minh, khéo léo của Kiều khi nhắc đến chữ "hiếu" thể hiện ở phương diện nào?

    A. Nhắc đến chữ "hiếu", Kiều muốn dặn dò em ghi nhớ đạo làm con phải làm tròn chữ hiếu với cha mẹ;

    B. Nhắc đến chữ "hiếu", Kiều mong em hãy hiểu cho sự hi sinh của mình vì gia đình mà đồng ý nối duyên với Kim Trọng;

    C. Nhắc đến chữ "hiếu", Kiều có ý trách Vân vô tư, không lo cách cứu cha;

    D. Nhắc đến chữ "hiếu", Kiều mong em hãy chăm sóc cha mẹ thay mình, sau khi mình rời đi theo Mã Giám Sinh.

    Câu 14. "Tình máu mủ" trong câu: "Xót tình máu mủ thay lời nước non" được hiểu là:

    A. Tình cảm Kim – Kiều;

    B. Tình cảm cha – con (Vương Ông và Thúy Kiều) ;

    C. Tình cảm chị em (Thúy Kiều – Thúy Vân) ;

    D. Tình cảm chị em (Thúy Kiều – Vương Quan)

    Câu 15. "Lời nước non" trong câu: "Xót tình máu mủ thay lời nước non" được hiểu là:

    A. Lời của sông, của núi;

    B. Lời thề nguyền trăm năm giữa Kim Trọng – Thúy Kiều

    C. Lời Thúy Kiều muốn nói với Thúy Vân;

    D. Lời Kiều dặn dò Vân.

    Câu 16. Dòng nào không phải hàm ý của Kiều khi nói "Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ thay lời nước non" :

    A. Em còn xuân xanh tuổi trẻ, nên nối duyên với Kim Trọng sẽ phù hợp hơn là chị;

    B. Tuổi xuân của Vân vẫn còn dài rộng, còn mình bán thân coi như chấm hết; mong em hãy nể tình chị em ruột rà thân thiết mà thương chị, chấp nhận lời khẩn cầu của chị;

    C. Kiều muốn Vân hiểu rằng, chỉ có tình chị em chân tình, gắn bó mới đủ tin cậy để thay nhau gánh lời "thề nước non" thiêng liêng, sâu nặng;

    D. Kiều cũng xót xa cho Vân vì Vân phải lấy người mình không yêu – lấy người không yêu mình khi nối duyên với Kim Trọng.

    Câu 17. Trong câu: "Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây", cụm từ "thịt nát xương mòn" là:

    A. Là một câu tục ngữ;

    B. Là một câu ca dao;

    C. Là một quán ngữ;

    D. Là một thành ngữ.

    Câu 18. Nói đến "thịt nát xương mòn", Kiều dự cảm điều gì:

    A. Kiều tự ý thức về thân phận hồng nhan bạc mệnh, dự cảm về bi kịch cuộc đời mình một cách sâu sắc.

    B. Kiều dự cảm về ngày mình sẽ bị Mã Giám Sinh bạc đãi đến chết;

    C. Kiều dự cảm sau khi trao duyên, Kiều sẽ đau đớn như tan xương, nát thịt;

    D. Cả A, B, C.

    Câu 19. Câu "Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây" không thể hiện ý nào sau đây:

    A. Lời trao duyên đã hóa thành lời trăng trối, là ước nguyện cuối cùng của người trao;

    B. Kiều mượn cả cái chết "ngậm cười chín suối" để nói lên sự thanh thản của mình nếu như Vân nhận lời nối duyên với chàng Kim;

    C. Kiều mượn cả cái chết "ngậm cười chín suối" để uy hiếp em, buộc em phải nhận lời, nếu không mình sẽ chết;

    D. Sự thông minh, khéo léo của Kiều khi thuyết phục Vân.

    Câu 20. Để thuyết phục và trao duyên em, trong 12 câu đầu, Kiều đã:

    A. Kiều không kìm nén được cảm xúc đau đớn xót xa của mình, lời nói đầy bi thương;

    B. Kiều cố kìm nén cảm xúc, dùng lí trí để thuyết phục Vân bằng những lời lẽ thông minh, khéo léo; nhưng sâu thẳm là nỗi đau khôn xiết;

    C. Kiều khi thì lí trí kìm nén, khi đau đớn đến ngất đi;

    D. Kiều hoàn toàn tỉnh táo, lí trí trong việc nhờ cậy em, vì nàng vốn là người mạnh mẽ, quyết đoán.

    Gợi ý đáp án:

    1A; 2C; 3D; 4D; 5B; 6A; 7B; 8C; 9C; 10D;

    11A; 12D; 13B; 14C; 15B; 16A; 17D; 18A; 19C; 20B

    Xem tiếp bên dưới...
     
    LieuDuong, kieubinh, Cuộn Len4 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng ba 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bài tập trắc nghiệm: Trao duyên (tt) - đoạn 2


    Câu 1.
    Sự việc được miêu tả trong 14 câu: "Chiếc vành với ...người thác oan" là:

    A. Kiều mở lời trao duyên;

    B. Kiều thuyết phục em;

    C. Kiều trao kỉ vật và dặn dò em;

    D. Kiều tạ từ chàng Kim.

    Câu 2. Kiều đã trao những kỉ vật gì cho Vân?

    A. Chiếc vành, bức tờ mây;

    B. Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền;

    C. Tóc thề, trâm cài tóc;

    D. Cả A, B, C

    Câu 3. Những kỉ vật đó đối với Kiều có ý nghĩa như thế nào?Kiều trao cho Vân để...
    A. Đó là những kỉ vật thiêng liêng mà Kiều nâng niu, gìn giữ; Kiều trao cho em để sau này Kim Trọng tin rằng mình đã nhờ Vân thay mình kết tóc với chàng;

    B. Đó là những kỉ vật gợi nhắc tình yêu lỡ dở, Kiều muốn trao cho Vân để quên đi đoạn tình đau khổ ấy;

    C. Đó là những kỉ vật chứng kiến mối tình Kim – Kiều đẹp như hoa, như mộng; Kiều muốn trao cho Vân và chàng Kim để hai người luôn nhớ đến mình;

    D. Đó là những kỉ vật mà Kim Trọng tặng cho Kiều; trước khi đi, Kiều muốn trả lại cho chàng vì thấy mình phụ tình chàng nên không còn xứng đáng giữ chúng.

    Câu 4. "Bức tờ mây" trong câu "Chiếc vành với bức tờ mây" là:

    A. Tờ giấy có trang trí hình mây do Kim, Kiều cùng vẽ để đính ước;

    B. Tờ giấy có trang trí hình mây do Kim Trọng vẽ tặng Thúy Kiều để đính ước;

    C. Tờ giấy có trang trí hình mây do Thúy Kiều vẽ tặng Kim Trọng để đính ước;

    D. Tờ giấy có trang trí hình mây, Kim Kiều cùng ghi lời thề nguyền.

    Câu 5. "Của chung" trong câu "Duyên này thì giữ, vật này của chung" là của những ai?

    A. Thúy Kiều với Kim Trọng;

    B. Thúy Vân với Kim Trọng;

    C. Thúy Kiều với Thúy Vân;

    D. Thúy Kiều, Kim Trọng; Thúy Vân

    Câu 6. Câu "Duyên này thì giữ, vật này của chung" nên hiểu theo nghĩa nào?

    A. "Duyên này" là mối tơ duyên với Kim Trọng, Kiều muốn trao cho em giữ; nhưng "vật này" là kỉ vật tình yêu, khi trao đi nàng sẽ không còn gì hết nên dùng dằng, tiếc nuối, có lẽ Kiều vẫn muốn giữ lại "phần" của mình trong đó;

    B. Thực ra Kiều không trao duyên mà chỉ trao kỉ vật cho Vân giữ hộ;

    C. Kiều chỉ trao duyên cho Vân, nhờ Vân kết duyên cùng Kim Trọng, thay mình trả nghĩa chàng, còn kỉ vật thì nàng xin giữ lại;

    D. Cả A, B, C.

    Câu 7. Phí đàn, mảnh hương nguyền gợi nhắc kỉ niệm nào giữa Kim Trọng, Thúy Kiều?

    A. Kỉ niệm hai người gặp nhau trước mộ Đạm Tiên;

    B. Kỉ niệm Kim Trọng trả chiếc thoa mà Kiều đánh rơi cho nàng;

    C. Kỉ niệm hai người đốt hương và gảy đàn bên nhau;

    D. Kỉ niệm Kim Trọng trao hương và đàn cho Thúy Kiều để làm tín vật tình yêu.

    Câu 8. Những từ ngữ nào cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết?

    A. Chín suối, người mệnh bạc, mất người, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, trâm gãy gương tan;

    B. Chín suối, người mệnh bạc, mất người, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, người thác oan;

    C. Chín suối, người mệnh bạc, mất người, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, nước chảy hoa trôi;

    D. Chín suối, người mệnh bạc, mất người, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, ngọn cỏ là cây.

    Câu 9. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ gợi đến cái chết trên có ý nghĩa như thế nào? Dòng nào không gợi lên ý nghĩa của việc đó:

    A. Với Kiều, mất tình yêu với Kim Trọng là mất mát không sao kể xiết, vì thế, sau khi trao duyên lại cho em, Kiều rơi vào tâm trạng đau thương, tang tóc;

    B. Kiều coi mình như đã chết, bởi trao duyên là trao cả trái tim mình nên có sống cũng như chết;

    C. Kiều nghĩ cái chết của mình là oan uổng, không thể siêu thoát nên hồn còn vương vất đâu đây... tâm trạng nàng đầy bi thương;

    D. Kiều nghĩ rằng sau khi trao duyên, nàng sẽ tìm đến cái chết để tự kết liễu cuộc đời, nàng không chấp nhận được việc phải lấy Mã Giám Sinh làm chồng.

    Câu 10. Dòng nào giải thích không đúng lí do Kiều nghĩ nhiều đến cái chết như vậy?

    A. Vì phải trao duyên, Kiều tự thấy mình như đã chết;

    B. Vì Kiều luôn bị ám ảnh bởi lời báo mộng của Đạm Tiên;

    C. Vì Kiều muốn dùng lí lẽ "nghĩa tử là nghĩa tận" để thuyết phục Vân;

    D. Vì Kiều đã dự cảm được tương lai sóng gió, bất hạnh của mình.

    Câu 11. Câu thơ "Hồn còn mang nặng lời thề - Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai" cho thấy vẻ đẹp gì của Thúy Kiều?

    A. Vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng;

    B. Vẻ đẹp của một người con hiếu thảo;

    C. Vẻ đẹp của một trái tim nhân hậu;

    D. Vẻ đẹp của một tâm hồn nặng sâu tình nghĩa.

    Câu 12. Tâm trạng của Kiều khi trao kỉ vật cho Vân?

    A. Đau đớn, xót xa, tiếc nuối vì tình yêu tan vỡ;

    B. Nhẹ nhàng, thanh thản vì đã xong tâm nguyện;

    C. Phẫn uất, thầm trách cuộc đời mình bạc bẽo;

    D. Cam chịu, nhẫn nhục vì số phận đã an bài.

    Câu 13. Những câu thơ trong "Thề nguyền" có liên quan đến kỉ vật tình yêu mà Kiều nhắc đến trong đêm trao duyên là:

    A. Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa;

    B. Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương/ Tiên thề cùng thảo một chương;

    C. Tóc mây một món dao vàng chia đôi;

    D. Tóc tơ căn vặn tậc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

    Câu 14. Nghệ thuật đặc sắc của 14 câu thơ miêu tả cảnh Kiều trao kỉ vật là:

    A. Miêu tả nội tâm nhân vật;

    B. Ngôn ngữ mộc mạc, đậm chất thôn quê;

    C. Sử dụng hiệu quả phép tu từ so sánh, nhân hóa;

    D. Sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình.

    Câu 15. Ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện trong đoạn 14 câu thơ miêu tả cảnh Kiều trao kỉ vật là:

    A. Đồng cảm với nỗi bất hạnh của Thúy Kiều;

    B. Lên tiếng tố cáo các thế lực xã hội bất công đẩy Kiều rơi vào bi kịch;

    C. Ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách Thúy Kiều;

    D. Cả A, B, C.

    Gợi ý đáp án:

    1C; 2B; 3A; 4D; 5D; 6A; 7C; 8B

    9D; 10C; 11D; 12A; 13B; 14A; 15D

    Xem tiếp bên dưới...
     
    LieuDuong, kieubinh, Cuộn Len2 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng ba 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bài tập trắc nghiệm: Trao duyên (tt) - đoạn 3

    Câu 1. Nội dung chính của 8 câu cuối đoạn trích "Trao duyên" là:

    A. Kiều nhờ em thay mình trả nghãi Kim Trọng;

    B. Kiều trao lại cho em những kỉ vật tình yêu;

    C. Kiều nói với em về nỗi bất hạnh của mình;

    D. Tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng của Kiều khi nghĩ đến Kim Trọng.

    Câu 2. Lời của Kiều trong 8 câu cuối thực chất là:

    A. Lời đối thoại với Vân;

    B. Lời độc thoại với chính mình;

    C. Lời đối thoại với Kim Trọng;

    D. Lời đối thoại với Vân và Kim Trọng.

    Câu 3. Mối quan hệ giữa lí trí và tình cảm của Kiều trong 8 câu cuối:

    A. Kiều hoàn toàn dùng lí trí để thuyết phục Vân, mong Vân nhận lời;

    B. Kiều dùng lí trí để thuyết phục Vân, nhưng tâm trạng vô cùng đau khổ;

    C. Lí trí của Kiều như không thể chế ngự được cảm xúc, lời nàng chất chứa bao xót xa, đau đớn.

    D. Cả A, B, C.

    Câu 4. Hình ảnh "trâm gãy gương tan" ngụ ý:

    A. Gợi nhắc cảnh tượng đổ vỡ kinh hoàng khi bọn sai nha ập vào nhà KIều để bắt người, cướp của;

    B. Tiếc nuối những kỉ vật tình yêu Kim – Kiều giờ đã bì bể vỡ, không còn lành lặn;

    C. Tiếc nuối, cảm thương cho tình duyên không trọn vẹn của Thúy Vân khi phải lấy người không yêu là Kim Trọng;

    D. Diễn tả mối tơ duyên lở dở, tan vỡ của Kim Trọng, Thúy Kiều.

    Câu 5. Câu "Bây giờ trâm gãy gương tan" thể hiện nhận thức gì của Kiều?

    A. Nhận thức về quá khứ tươi đẹp;

    B. Nhận thức quá khứ tan vỡ;

    C. Nhận thức về hiện tại tan vỡ;

    D. Nhận thức về tương lai bất trắc;

    Câu 5. "Muôn vàn ái ân" trong câu: "Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân" là điều gì?

    A. Tình yêu đẹp như hoa, như mộng giữa Kim Trọng – Thúy Kiều;

    B. Tình yêu nhiều đau thương, bất trắc giữa Kim Trọng – Thúy Kiều;

    C. Cuộc sống vợ chồng ân ái mặn nồng giữa Kim Trọng – Thúy Vân trong tương lai;

    D. Tưởng tượng của Kiều về ngày đoàn tụ cùng Kim Trọng.

    Câu 6. Tác giả đã đặt quá khứ, hiện tại của Kiều trong mối quan hệ như thế nào qua hai câu: "Bây giờ trâm gãy gương tan - Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân" :

    A. Đối lập giữa quá khứ tươi đẹp trong tình yêu mặn nồng với hiện tại đổ vỡ;

    B. Đối lập giữa quá khứ tươi đẹp với hiện tại nhục nhã, bẽ bàng;

    C. So sánh hiện tại không nhiều "ái ân", tình yêu không đẹp như quá khứ;

    D. So sánh hiện tại còn nhiều "ái ân" hơn cả quá khứ, Kiều yêu và thương Kim Trọng hơn cả ngày trước.

    Câu 7. "Tình quân" trong câu: "Trăm nghìn gửi lạy tình quân" là ai?

    A. Mã Giám Sinh;

    B. Kim Trọng;

    C. Thúc Sinh;

    D. Từ Hải.

    Câu 8. Cái lạy của nàng Kiều trong câu thơ "Trăm nghìn gửi lạy tình quân" có ý nghĩa:

    A. Kiều lạy tạ tội Kim Trọng vì nàng đã phụ tình chàng;

    B. Kiều lạy tạ tội Mã Giám Sinh vì bán thân cho chàng mà không quên được tình cũ;

    C. Kiều lạy tạ tội Thúy Vân vì buộc em phải lấy người không yêu làm chồng;

    D. Kiều lạy cảm ơn Kim Trọng vì đã yêu thương nàng.

    Câu 9. "Tơ duyên" mà Kiều nhắc đến trong câu: "Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!" là:

    A. Tình duyên giữa Thúy Vân – Kim Trọng;

    B. Tình duyên giữa Thúy Kiều – Mã Giám Sinh;

    C. Tình duyên giữa Thúy Kiều – Từ Hải;

    D. Tình duyên giữa Thúy Kiều – Kim Trọng;

    Câu 10. Kiều cất lên lời oán trách sự vô tình, khắc nghiệt của cuộc đời, than thở cho số kiếp éo le, bất hạnh của mình trong những cách diễn đạt nào?

    A. "Trâm gãy gương tan";

    B. "Tơ duyên ngắn ngủi";

    C. "Phận bạc như vôi";

    D. "Nước chảy hoa trôi".

    Câu 11. Những cụm từ trong câu trên (câu 10) phần nhiều là:

    A. Điển tích;

    B. Quán ngữ;

    C. Thành ngữ;

    D. Tục ngữ.

    Câu 12. Những cụm từ trong câu trên (câu 10) biểu đạt điều gì?

    A. Hiện thực về hoàn cảnh gia đình khi gặp tai biến;

    B. Hiện thực đổ vỡ trong tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều;

    C. Dự cảm về tương lai đau khổ, bất hạnh của Thúy Kiều;

    D. Dự cảm về tương lai chết chóc, đoản mệnh của Thúy Kiều.

    Câu 13. "Phận bạc như vôi" trong câu: "Phận sao phận bạc như vôi" khiến ta liên tưởng đến câu thơ nào trong "Truyện Kiều" :

    A. Trăm năm trong cõi người ta – Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau;

    B. Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng;

    C. Đau đớn thay phận đàn bà – Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu;

    D. Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

    Câu 14. Chữ "bạc" trong câu "Phận sao phận bạc như vôi" có nghĩa là:

    A. Kiều đã bội bạc chàng Kim;

    B. Cuộc đời rủi may như canh bạc;

    C. Số bạc mà Kiều bán thân mới có;

    D. Số phận mỏng manh, bất hạnh.

    Câu 15. "Nước chảy hoa trôi" trong câu "Đã đành nước chảy hoa trôi" không nên hiểu theo nghĩa nàosau đây:

    A. Cảnh xuân đã hết, hoa rụng, tuyết tan, nghĩa là tuổi thanh xuân trinh trắng của Kiều đã chấm dứt từ đây.

    B. Hình ảnh đẹp đẽ trong quá khứ mà Kiều và Kim Trọng từng cùng nhau thưởng ngoạn;

    C. Cuộc đời Kiều giống như những cánh hoa trôi theo dòng nước, không biết trôi dạt vào đâu;

    D. Cuộc tình của Kiều giống như cánh hoa trôi chảy theo dòng nước, lỡ làng, chới với.

    Câu 16. Nhịp của 2 câu thơ: "Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang - Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây" nên ngắt như thế nào mới đạt hiểu quả cao nhất:

    A. 2/2/2 và 2/2/2/2

    B. 3/3 và 4/4

    C. 3/3 và 2/4/2

    D. 3/3 và 2/2/2/2

    Câu 17. Giá trị biểu đạt của các từ "Ôi", "hỡi" :

    A. Vừa là từ hô gọi, vừa là thán từ, bộc lộ cảm xúc đau đớn trào dâng của Thúy Kiều khi nghĩ mình phụ tình Kim Trọng;

    B. Từ hô gọi, cho thấy Thúy Kiều khao khát muốn gặp lại Kim Trọng lần cuối;

    C. Thán từ bộc lộ sự than trách số phận hẩm hiu;

    D. Kiều gọi Kim Trọng và mong Kim Trọng hiểu cho hoàn cảnh bất khả kháng của mình.

    Câu 18. Câu cuối cho em hiểu điều gì về nhân cách Thúy Kiều: "Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"

    A. Là người phụ bạc chàng Kim;

    B. Là người vị tha, nhận lỗi về mình, nghĩ cho Kim Trọng;

    C. Là người con hiếu thảo, đã hi sinh tình yêu riêng tư vì gia đình;

    D. Là người thủy chung trong tình yêu.

    Câu 19. Đoạn trích "Trao duyên" thể hiện những phương diện nào về nội dung:

    A. Bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và vẻ đẹp của Thúy Kiều;

    B. Nỗi niềm thương thân xót phận của Thúy Kiều khi phải sống trong cảnh nhơ nhớp chốn lầu xanh;

    C. Ca ngợi tình yêu trong sáng, mãnh liệt giữa Kim Trọng, Thúy Kiều;

    D. Ca ngợi tình chị em máu mủ, ruột rà.

    Câu 20. Ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện trong đoạn "Trao duyên" là:

    A. Đồng cảm với nỗi bất hạnh của Thúy Kiều;

    B. Lên tiếng tố cáo các thế lực xã hội bất công đẩy Kiều rơi vào bi kịch;

    C. Ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách Thúy Kiều;

    D. Cả A, B, C.

    Gợi ý đáp án:

    1D; 2B; 3C; 4C; 5A; 6A; 7B; 8A; 9D; 10C;

    11C; 12B; 13D; 14D; 15B; 16C; 17A; 18B; 19A; 20D
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...