Trắc nghiệm Chí khí anh hùng - Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 24 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Trắc nghiệm "Chí khí anh hùng" - Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

    Bài tập Trắc nghiệm Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều) bao gồm hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Ngoài các bài tập tự luận, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm còn khiến các em hứng thú hơn với giờ học. Các câu hỏi trong topic bài tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    A. Về văn bản đoạn trích:

    Vị trí đoạn trích "Chí khí anh hùng"


    Đoạn trích rích từ câu 2213 đến câu 2230 của tác phẩm (phần gia biến và lưu lạc).

    Sau khi thoát khỏi tay Hoạn Thư, Kiều rơi vào tay Bạc bà, Bạc Hạnh cũng là phường buôn thịt bán người. Nàng bị chúng bán vào lầu xanh lần thứ hai. Trong tận cùng đau khổ, tuyệt vọng, Từ Hải bỗng dưng "vụt đến như một ngôi sao lạ chiếu sáng một đoạn đời nàng" (Hoài Thanh), chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, hai người nên duyên chồng vợ. Sau nửa năm sống trong tình cảm hạnh phúc vợ chồng, nghĩ đến chí lớn chưa thành, Từ Hải từ biệt Kiều lên đường.

    Bố cục đoạn trích "Chí khí anh hùng"

    Đoạn trích chia làm 3 phần:

    - Phần 1 (4 câu đầu) : Khát vọng lên đường của Từ Hải.

    - Phần 2 (12 câu tiếp) : Cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều.

    - Phần 3 (2 câu cuối) : Hành động ra đi dứt khoát của Từ Hải.

    Nội dung đoạn trích "Chí khí anh hùng"

    Đoạn trích khắc họa chân dung nhân vật Từ Hải với ý chí lớn lao, khát vọng cao cả. Qua đó thể hiện quan niệm về người anh hùng cũng như giấc mơ công lí của Nguyễn Du.

    Nghệ thuật đoạn trích "Chí khí anh hùng"

    Nghệ thuật khắc họa nhân vật Từ Hải bằng bút pháp lí tưởng hóa:

    - Sử dụng nhiều hình tượng có tính ước lệ: Trượng phu, thanh gươm yên ngựa, mặt phi thường, chim bằng;

    - Sử dụng hệ thống từ ngữ, hình ảnh mang tầm vũ trụ: Lòng bốn phương, trời bể mênh mang, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường; bốn bể, gió mây..

    - Miêu tả suy nghĩ, lời nói, hành động thể hiện sự dứt khoát, tự tin.. của nhân vật.

    [​IMG]

    Câu hỏi trắc nghiệm - Chọn 1 đáp án đúng

    Câu 1. Dòng nào xác định không đúng vị trí của đoạn trích "Chí khí anh hùng"?

    A. Kiều rơi vào tay Bạc bà, Bạc Hạnh là phường buôn thịt bán người. Nàng bị chúng bán vào lầu xanh lần thứ hai;

    B. Trong tận cùng đau khổ, tuyệt vọng, Từ Hải bỗng dưng "vụt đến như một ngôi sao lạ chiếu sáng một đoạn đời nàng" (Hoài Thanh), chàng chuộc Kiều ra, hai người nên duyên chồng vợ;

    C. Sau nửa năm sống trong tình cảm hạnh phúc vợ chồng, nghĩ đến chí lớn chưa thành, Từ Hải từ biệt Kiều lên đường;

    D. Sau khi Hồ Tôn Hiến đến tìm gặp và dùng vàng bạc dụ dỗ Kiều khuyên Từ Hải ra hàng.

    Câu 2. Tại sao miêu tả cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thúy Kiều, nhan đề đoạn trích không phải là "Thúy Kiều từ biệt Từ Hải"?

    A. Vì hoàn cảnh chia tay chỉ là đòn bẩy để Nguyễn Du khắc họa chân dung Từ Hải;

    B. Vì nhan đề "Thúy Kiều từ biệt Từ Hải" nghe ủy mị, yếu đuối;

    C. Vì nhan đề "Chí khí anh hùng" hay hơn;

    D. Vì nhan đề "Chí khí anh hùng" ngắn gọn hơn.

    Câu 3. Thanh Tâm Tài Nhân trong "Kim Vân Kiều truyện" chỉ thuật lại sự việc Từ Hải chung sống sau đó từ biệt Kiều trong đôi ba dòng ngắn ngủi: "Từ Hải sắm một căn nhà ở với Kiều được năm tháng rồi từ biệt ra đi". Sự miêu tả của Nguyễn Du trong đoạn "Chí khí anh hùng" như thế nào?

    A. Cắt bỏ những chi tiết rườm rà của văn bản gốc;

    B. Thêm thắt những chi tiết không đúng với tinh thần của truyện gốc;

    C. Hay hơn, sáng tạo hơn và khắc họa nhất quán chân dung Từ Hải;

    D. Dài dòng, không cần thiết, vì Từ Hải chỉ là nhân vật phụ.

    Câu 4. Cụm từ "hương lửa đương nồng" trong câu "Nửa năm hương lửa đương nồng" có nghĩa là:

    A. Tình yêu trai gái đương lúc đằm thắm, nồng nàn;

    B. Cuộc sống vợ chồng đương lúc đằm thắm, nồng nàn;

    C. Lửa trong lò hương đang nồng đượm;

    D. Hương trong lò hương đang thơm nồng.

    Câu 5. Không gian "hương lửa đương nồng" là không gian như thế nào?

    A. Là không gian khuê phòng với tình cảm lứa đôi đầy những cám dỗ, có thể níu kéo bất kì một người đàn ông nào;

    B. Không gian lãng mạn với hương lửa lúc nào cũng nồng đượm;

    C. Không gian phòng the gợi lên những thú vui xác thịt;

    D. Không gian vũ trụ bao la có sức vẫy gọi mãnh liệt.

    Câu 6. Cụm từ "lòng bốn phương" có nghĩa là:

    A. Tấm lòng rộng lớn như bốn phương trời;

    B. Tấm lòng rộng lớn hơn bốn phương trời;

    C. Tấm lòng rộng lớn gửi vào bốn phương trời

    D. Chí nguyện lập công danh, sự nghiệp.

    Câu 7. "Động lòng bốn phương . Con người này quả không phải là người của một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương." Nhận định trên là của ai?

    A. Nguyễn Du;

    B. Nguyễn Minh Châu;

    C. Hoài Thanh;

    D. Hoài Chân.

    Câu 8. "Trông vời trời bể mênh mang" hiểu là:

    A. Sự nghiệp của Từ Hải trông cậy vào mệnh trời;

    B. Ánh mắt dõi nhìn ra không gian trời bể mênh mông của Từ Hải;

    C. Sự nghiệp của Từ Hải rộng lớn như bầu trời, mặt biển;

    D. Sự nghiệp của Từ Hải rộng lớn hơn cả bầu trời, mặt biển.

    Câu 9. "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" diễn tả tư thế, tâm thế lên đường của Từ Hải như thế nào:

    A. Từ Hải lên đường trong trạng thái cô độc, không có người cùng chí hướng;

    B. Từ Hải lên ngựa đi liền một mạch không từ biệt Kiều;

    C. Từ Hải một gươm một chiến mã lên đường ra đi một cách quyết đoán, dứt khoát;

    D. Từ Hải ra đi với hai bàn tay trắng.

    Câu 10. Ở câu thơ thứ hai, sự ra đi của Từ Hải mới ở suy nghĩ (động lòng) ; câu thơ thứ ba sự ra đi mới ở tầm mắt (trông vời) thì ở câu thơ thứ tư, sự ra đi đã dứt khoát bằng hành động (lên đường thẳng rong). Em cảm nhận được điều gì về Từ Hải qua cách sử dụng từ ngữ trên của Nguyễn Du?

    A. Từ Hải là người chưa có suy nghĩ thấu đáo về sự nghiệp mà mình theo đuổi;

    B. Từ Hải là người ham công danh, sự nghiệp viển vông;

    C. Từ Hải là người có ý chí, có khát vọng sự nghiệp lớn lao, có tinh thần quyết đoán, nghĩ là làm, không chần chừ, do dự.

    D. Từ Hải là người không coi trọng tình cảm vợ chồng.

    Câu 11. Thái độ của Nguyễn Du khi nhắc đến nhân vật Từ Hải:

    A. Trân trọng;

    B. Cảm phục;

    C. Ngợi ca;

    D. Cả A, B, C.

    Câu 12. Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng - Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi" Kiều đã thuyết phục từ Hải bằng cách:

    A. Nhắc đến chữ "tòng", đạo Nho quy định "tam tòng" cho người phụ nữ phải theo chồng.

    B. Dùng cách xưng hô "chàng – thiếp" thật dịu dàng.

    C. Dùng cụm từ "một lòng" : Tha thiết muốn đi theo cùng và sẵn sàng đồng cam cộng khổ với Từ Hải.

    D. Cả A, B, C.

    Câu 13. Cụm từ "tâm phúc tương tri" trong lời Từ Hải khuyên Kiều có nghĩa là:

    A. Biết rõ lòng dạ của nhau;

    B. Biết rõ tình cảm của nhau;

    C. Biết rõ tính cách của nhau;

    D. Biết rõ chí hướng của nhau.

    Câu 14. Ẩn ý của Từ Hải qua câu: "Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?"

    A. Trách Kiều, cũng là khuyên Kiều, hy vọng nàng hãy biết đặt sự nghiệp lớn lao của chồng lên trên tình cảm nữ nhi yếu đuối;

    B. Trách Kiều chỉ là phận nữ nhi tầm thường;

    C. Khuyên Kiều hãy thoát khỏi cái tình thông thường của đàn bà, con gái;

    D. Khuyên Kiều hãy vượt qua khó khăn, xa cách tạm thời để sống cho vui vẻ.

    Câu 15. "Bao giờ mười vạn tinh binh - Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường." thể hiện:

    A. Tưởng tượng viển vông, không có thực của Từ Hải về tương lai;

    B. Khát vọng lớn lao của người anh hùng – khát vọng quân vương;

    C. Sự khoa trương, sĩ diện hão của Từ Hải;

    D. Tư tưởng bành trướng thiên hạ của Từ Hải.

    Câu 16. Câu thơ nào thể hiện sự tự tin tuyệt đối của nhân vật vào cơ đồ mà mình tạo dựng?

    A. Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường;

    B. Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia;

    C. Chầy chăng là một năm sau vội gì;

    D. Quyết lời dứt áo ra đi.

    Câu 17. Phép tu từ được sử dụng trong câu Tiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đường là phép tu từ gì? Tác dụng:

    A. Phép đối có tác dụng nhấn mạnh những hình ảnh đối lập nhau trong tự nhiên;

    B. Phép đối và phóng đại, có tác dụng nhấn mạnh khung cảnh hào hùng ngày trở về của Từ Hải;

    C. Phép phóng đại có tác dụng mĩ lệ hóa vẻ đẹp của nhân vật anh hùng Từ Hải;

    D. Phép liệt kê, đối lập có tác dụng nhấn mạnh vẻ đẹp của các sự vật được miêu tả: Tiếng chiêng, bóng cờ.

    Câu 18. Cụm từ "mặt phi thường" diễn tả:

    A. Khuôn mặt khác thường, không giống ai;

    B. Khuôn mặt xuất chúng, đẹp hơn người thường;

    C. Khuôn mặt vuông vức chữ điền;

    D. Con người có phẩm chất, tài năng phi phàm – một người anh hùng xuất chúng.

    Câu 19. "Quyết lời dứt áo ra đi" là hành động như thế nào:

    A. Hành động "dứt áo ra đi" mang tính chất lưu luyến bịn rịn chẳng nỡ rời xa;

    B. Hành động thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán của bậc nam nhi;

    C. Hành động thể hiện sự dứt tình một cách không lưu luyến;

    D. Hành động thể hiện quyết tâm ra đi một cách phũ phàng, cực đoan.

    Câu 20. Theo truyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử, "chim bằng là giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cưỡi gió mà bay lên chín ngàn dặm." Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho:

    A. Tượng trưng cho khát vọng của người anh hùng có bản lĩnh phi thường, có khát khao làm nên sự nghiệp lớn;

    B. Tượng trưng cho người anh hùng có tầm vóc cao lớn;

    C. Tượng trưng cho người anh hùng có khát vọng tự do;

    D. Tượng trưng cho người anh hùng có sức mạnh siêu nhiên, kì diệu.

    Câu 21. Cách ngắt nhịp nào làm cho câu thơ "Quyết lời dứt áo ra đi" trở nên tối nghĩa:

    A. Quyết lời/ dứt áo/ ra đi

    B. Quyết lời dứt/ áo ra đi

    C. Quyết lời/ dứt áo ra đi

    D. Quyết lời dứt áo/ ra đi

    Câu 22. Đoạn thơ cho thấy quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Du là:

    A. Người anh hùng là người có lí tưởng lớn lao, khát vọng cao cả;

    B. Người anh hùng phải là người tạo dựng nghiệp lớn;

    C. Người anh hùng phải là người có phẩm chất, sức mạnh phi thường;

    D. Cả A, B, C.

    Câu 23. Liên hệ với cảnh Từ Hải trở về trong chiến thằng và báo ân, báo oán giúp Kiều, ta thấy ước mơ của Nguyễn Du gửi gắm qua hình tượng người anh hùng Từ Hải là:

    A. Ước mơ tự do;

    B. Ước mơ sự nghiệp lẫy lừng;

    C. Ước mơ công lý;

    D. Ước mơ bá chủ thiên hạ.

    Câu 24. Nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật đoạn trích là:

    A. Khắc họa chân dung nhân vật;

    B. Miêu tả tâm lý nhân vật;

    C. Tả cảnh ngụ tình;

    D. Kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình.

    Câu 25. Khi miêu tả người anh hùng Từ Hải, Nguyễn Du đã sử dụng:

    A. Sử dụng nhiều hình tượng có tính ước lệ: Trượng phu, thanh gươm yên ngựa, mặt phi thường, chim bằng;

    B. Sử dụng hệ thống từ ngữ, hình ảnh mang tầm vũ trụ: Lòng bốn phương, trời bể mênh mang, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường; bốn bể, gió mây..

    C. Miêu tả suy nghĩ, lời nói, hành động thể hiện sự dứt khoát, tự tin.. của nhân vật.

    D. Cả A, B, C.

    Câu 26. Câu thơ nào sau đây không miêu tả nhân vật Từ Hải:

    A. Râu hùm, hàm én, mày ngài - Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

    B. Phong tư tài mạo tuyệt vời - Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

    C. Đường đường một đấng anh hào - Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    D. Giang hồ quen thói vẫy vùng - Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

    Câu 27. Phạm Ngũ Lão miêu tả trang nam nhi với tư thế hiên ngang mang tầm vũ trụ: "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu"; Nguyễn Đình Chiểu khắc họa hình tượng Lục Vân Tiên: "Vân Tiên tả đột hữu xông - Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Giang." Nguyễn Du cũng khắc họa Từ Hải qua những từ ngữ, hình tượng: Lòng bốn phương, trời bể mênh mang, trượng phu, thanh gươm yên ngựa, mặt phi thường, chim bằng;.. Vậy, nét chung của các tác giả trung đại khi xây dựng nhân vật anh hùng là:

    A. Khắc họa hình tượng người anh hùng mang tính ước lệ, có tầm vóc và chiều kích không gian vũ trụ;

    B. Khắc họa hình tượng người anh hùng mang tính hư ảo, không có thực;

    C. Khắc họa hình tượng người anh hùng bằng bút pháp tả thực;

    D. Khắc họa hình tượng người anh hùng bằng bút pháp vẽ mây nảy trăng – không miêu tả trực diện mà miêu tả qua những sự vật, nhân vật xung quanh.

    Câu 28. Trong "Kim Vân Kiều truyện", Từ Hải chỉ đơn thuần là một tên tướng cướp từng thi hỏng và đi buôn. Còn trong" "Truyện Kiều" :

    A. Nguyễn Du đã nhận thức lại nhân vật Từ Hải;

    B. Nguyễn Du nhất quán miêu tả nhân vật với sự cảm phục, yên mến;

    C. Nguyễn Du trao cho nhân vật Từ Hải lí tưởng anh hùng và mơ ước của ông về công bằng xã hội.

    D. Cả A, B, C.

    Câu 29. Điểm khác biệt lớn nhất giữa cuộc chia tay củaThúy Kiều và Kim Trọng: "Bóng tà như giục cơn buồn - Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.."; Thúy Kiều với Thúc Sinh: "Người lên ngựa kẻ chia bào - Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san." và cuộc chia tay của Thúy Kiều và Từ Hải là gì?

    A. Hai cuộc chia tay đầu có gắn với hình ảnh thiên nhiên thơ mộng; cuộc chia tay với Từ Hải thì không;

    B. Trong hai cuộc chia tay đầu, nhân vật mà Kiều chia xa là những văn nhân tài tử, còn Từ Hải trong cuộc chia tay cuối là một tướng võ;

    C. Hai cuộc chia tay đầu có tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của cả người đi, kẻ ở, còn cuộc chia tay cuối, sự lưu luyến bịn rịn đã nhường chỗ cho lí tưởng của người anh hùng;

    D. Hai cuộc chia tay đầu là khi Kiều còn trẻ, cuộc chia tay cuối là khi Kiều đã hết tuổi xuân xanh.

    Câu 30. Ý nghĩa nhan đề "Chí khí anh hùng" là:

    A. "Chí khí anh hùng" là lí tưởng, nghị lực, và mục đích cao cả của người anh hùng;

    B. "Chí khí anh hùng" là ý chí và khẩu khí của người anh hùng;

    C. "Chí khí anh hùng" là chí lớn của những người anh hùng;

    D. "Chí khí anh hùng" là khí phách hiên ngang của những người anh hùng.

    Gợi ý đáp án:

    1D; 2A; 3C; 4B; 5A; 6D; 7D; 8B; 9C; 10C; 11D; 12D; 13A; 14A; 15B;

    16C; 17B; 18D; 19B; 20A; 21B; 22D; 23C; 24A; 25D; 26B; 27A; 28D; 29C; 30A
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...