TRÀ VINH CÓ NHỮNG ĐẶC SẢN NÀO NGON VÀ NỔI TIẾNG Khi đến bất kỳ một nơi nào để du lịch chắc hẳn đặc sản là một trong những nét thú vị và hấp dẫn. Đến thăm Trà Vinh cũng thế, nơi đây có những món ngon mà không phải ở đâu cũng tìm được, vì vậy nhất định bạn không nên bỏ qua những món ăn sau đây khi đến vùng đất này. 1. Bún nước lèo. Đặt chân đến Trà Vinh, nếu bạn chưa từng thử món bún nước lèo thì đó là một thiếu sót rất lớn. Là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer, trong quá trình cộng cư của các dân tộc Khmer, Việt, Hoa và sự giao thoa trong ẩm thực. Bún nước lèo vô cùng phổ biến ở Trà Vinh. Khi đến đây, từ các xã, huyện, thị trấn, từ các chợ lớn, chợ nhỏ.. đâu đâu bạn cũng sẽ thấy các hàng quán bán món bún nước lèo. Người ta dùng bún nước lèo để ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và trong các bữa tiệc cưới hay đám dỗ cũng đều có món này. Nguyên liệu tạo nên món bún nước lèo Trà Vinh nói giản dị mà lại không đơn giản. Nấu bún nước lèo cần có những nguyên liệu cơ bản như thịt heo quay, củ ngải bún, cá lóc, tôm, sả, bún tươi, nước dừa, rau muống, bắp chuối, rau thơm, bông súng, hẹ, nấm rơm.. và quan trọng nhất là mắm bò hóc. Không có mắm bò hóc thì không thể nào nấu ra hương vị bún nước lèo chuẩn. Món mắm của người Khmer Nam Bộ làm cho vị nước lèo ngon hơn, đậm đà hơn. Không chỉ vậy, mùi mắm khiến cho mình mỗi lần ngửi thấy là lại "đổ mồ hôi lưỡi". Tô bún mộc mạc, bình dân mà lại ngon không tưởng. Cả một tô, ăn no căng, vừa thịt heo quay, vừa chả giò, mà giá cả lại rất phải chăng. Gắp một đũa bún vừa rau vừa nấm vừa cá, cắn một miếng chả giò giòn khầu khậu, vị ngọt bùi hoặc một miếng heo quay vừa giòn lại vừa dai mềm, cắn thêm miếng ớt xanh cay cay đầu lưỡi thì cứ phải nói là ngon "số dách". 2. Dừa sáp. Nhắc tới dừa thì chắc rằng mọi người sẽ nghĩ ngay đến Bến Tre – "Thủ phủ của những cây dừa". Tuy vậy, khi nghe tới dừa sáp thì bạn phải nghĩ đến Trà Vinh đi, vì đây dừa sáp chính là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh đấy. Dừa sáp hay còn gọi là dừa kem, dừa đặc ruột là một đặc sản chỉ có ở Trà Vinh. Chính vì không thể nhân giống ở nhiều khu vực khác, tính đặc trưng đó cũng là một trong những điều kiện khiến giá thành dừa sáp khá đắt. Ngoài ra, hương vị thơm ngọt, béo ngậy với phần nước dừa sệt, ngọt và giá trị dinh dưỡng cao khiến ai thử qua cũng vô cùng yêu thích. Đó cũng là lý do tại sao tuy dừa sáp có giá thành đắt nhưng lại được rất nhiều người tìm mua. Hơn nữa, dừa sáp còn khá đặc biệt bởi sự hiếm hoi "không phải có tiền cũng mua được", vì mỗi buồng dừa chỉ có khoảng 2 – 3 trái dừa sáp, số lượng không đủ để cung ứng ra thị trường. Ngoại trừ cách ăn trực tiếp nguyên vị, bạn có thể chế biến dừa sáp thành những món ngon như Sinh tố dừa sáp Trà Vinh, Dừa sáp dầm sữa đá, Kem dừa sáp.. Để mua dừa sáp khi đến Trà Vinh, bạn có thể mua ở những cửa hàng chuyên cung cấp dừa sáp hoặc đến ngã ba Hựu Thành. Khi đó bạn sẽ được thưởng thức hương vị beo béo, thơm ngon làm ngây ngất lòng người. 3. Bánh canh Bến Có Ở đâu thì chẳng có bánh canh nhỉ? Nhưng bánh canh Bến Có ở Trà Vinh thì lại khác. Đây là một thương hiệu rất nổi tiếng và có nhiều người còn cho rằng "Ai đã đến Trà Vinh mà chưa ăn bánh canh Bến Có thì coi như chưa đi". Thế các bạn có thắc mắc tại sao bánh canh Bến Có lại nổi tiếng và hấp dẫn du khách đến như vậy không? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé! Quán tọa lạc trên Quốc lộ 53, thuộc ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành). Nhìn từ ngoài vào bạn có thể thấy cách trang trí quán rất dân dã, đúng kiểu miền Tây. Nhưng bạn sẽ ngay lập tức choáng ngợp trước lượng xe dựng ngoài cửa (đặc biệt là những ngày đông khách), nào người, nào xe máy, nào xe hơi sẽ khiến bạn cảm thấy không khí vô cùng nhộn nhịp. Bước vào bên trong quán bạn sẽ phải ngạc nhiên hơn với số lượng khách đông đúc (theo mình các bạn nên tới đây vào những vắng khách xíu chứ đi dịp cuối tuần hay lễ Tết thì hơi phiền toái đấy), cũng bởi lượng khách quá đông mà cũng có nhiều sau khi thưởng thức bánh canh ở nơi đây thì lại nhận xét rằng cách phục vụ của nhân viên nơi đây đôi khi không niềm nở. Tuy vậy, đối với một số người đó là điều có thể thông cảm vì lượng khách vào ăn quá đông. Đối với bánh canh, thoạt nhìn tô bánh canh Bến Có cũng đơn giản, mộc mạc như chính con người của vùng sông nước miền Tây. Nhưng ẩn dưới vẻ ngoài giản dị đó là cả một hương vị thơm ngon mà chỉ khi nếm qua thực khách mới có thể cảm nhận hết được. Bánh canh vừa thơm vừa dẻo, trong tô bánh canh không chỉ có thịt nạc hay xương cùng với vài cục huyết heo như ở Sài Gòn mà còn có lưỡi, tim, gan, phèo, bao tử, không có rau chỉ có giá, lòng heo xắt nhuyễn, một khoanh giò heo ở giữa tô, ít hành lá, tiêu rắc lên trên mặt vậy mà ngon khó cưỡng. Đặc biệt, khi ăn bạn sẽ không cảm thấy mùi hôi, sợi bánh không bị nở khi chan vào nước dùng, nước không bị đục.. Đối với người Miền Tây một gia vị không thể bỏ qua đó chính là chén nước mắm nguyên chất kèm thêm vài lát ớt đỏ tươi để tạo cho hương vị thêm đậm đà. Chính vị đậm đà của nước chấm cộng hưởng với các nguyên liệu làm cho món ăn dân dã này trở nên tròn vị, thơm ngon hơn bao giờ hết. 4. Bánh tét Trà Cuôn Khi nhắc đến bánh tét, có lẽ nhiều bạn sẽ nhớ đến món bánh "ngán tận cổ" với nếp, chuối hay đậu xanh, thịt mỡ. Nhưng nếu đã đến Trà Vinh và thử qua món bánh tét Trà Cuôn thì bạn sẽ không còn có "ác cảm" với bánh tét nữa đâu. Với hương vị thơm ngon và đậm đà rất riêng, món bánh được mệnh danh là đặc sản Trà Vinh này đã làm không ít khách mê mệt. Điều đầu tiên, về hình dáng bên ngoài, bánh tét Trà Cuôn khi cầm lên tay bạn sẽ có cảm giác "chắc nịch", đầy đặn hơn hẳn so với các loại bánh tét thông thường. Lớp lá bên ngoài hơi bạc màu đi vì được nung chín kỹ, xung quanh là dây lát buộc chặt cùng tấm nhãn để quảng bá thương hiệu "Bánh tét Trà Cuôn". Khi lột lớp lá ra (bạn có thể dùng sợi chỉ để thái lát cho bánh không bị nát như khi dùng dao), bạn sẽ thấy bên trong là một lớp nếp xanh đậm đều màu bọc lấy lớp nhân với đậu xanh vàng cùng thịt mỡ, tôm khô và trứng muối cực kỳ bắt mắt. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị béo vừa của đậu xanh chín mềm hòa cùng chút vị mặn mà lại bùi của thịt mỡ, trứng muối, tôm khô, lớp nếp dẻo thơm có độ mềm vừa phải, không quá cứng và cũng không quá dính. Bánh được gói bằng loại nếp sáp, đậu xanh nấu nhiễm và thịt mỡ, ba rọi ướp thơm. Bánh tét thường thì có màu trắng của nếp, cho thêm lá cẩm thì bánh có màu tím, cho vào nước cốt gấc thì bánh có màu đỏ, còn cho vào nước cốt bồ ngót già thì bánh có màu xanh rất tự nhiên. Nguyên liệu từ thiên nhiên này còn tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và tươi bắt mắt. Không chỉ thơm ngon về hương vị, bánh tét nói chung và bánh tét Trà Cuôn nói riêng, đều có những nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng với sức khỏe. Đậu xanh có tính mát, giải nhiệt, thanh độc, phần nhân bánh có thịt mỡ, trứng cung cấp nhiều calo, chất đạm.. đầy đủ dinh dưỡng cho mọi người. Ngoài những đặc sản nổi tiếng và thơm ngon nức tiếng như đã kể trên. Khi nhắc đến Trà Vinh còn phải nhắc đến những món ngon như Chả hoa Năm Thụy, Nước mắm rươi Long Vinh, Tôm khô Vinh Kim, Bánh tráng Trà Vi, Bánh ú Đa Lộc.. Sau bài viết này, nếu bạn nhận ra bạn đã vô tình bỏ qua một thức ngon đặc biệt nào của Trà Vinh thì hãy nhanh chóng tìm một cơ hội để thưởng thức những đặc sản tuyệt vời này nhé!