Tây Bắc là một vùng đất nổi tiếng không chỉ bởi bởi cảnh sắc đồi núi hùng vĩ mà còn bởi nền văn hóa đặc sắc được tạo thành bởi hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy, âm thực nơi đây cũng mang một màu sắc riêng biệt, đặc trưng không thể nhầm lẫn. Bên cạnh những món đặc sản được yêu thích bởi người dân trên khắp cả nước, Tây Bắc còn sở hữu một danh sách dài các món ăn được cho là "kinh dị" không phải ai cũng dám thử. Ngay bây giờ, bạn hãy cùng khám phá với Cá đi bộ nhé! 1. Rêu đá Có lẽ bạn đang nghĩ những búi rêu xanh mọc đầy ở ao, kênh, lạch làm sao mà ăn được đúng không? Tuy nhiên, rêu đá lại là một trong những món ăn đặc trưng của người Thái, người Tày vùng Tây Bắc. Rêu được dùng để ăn là loại rêu non mọc ở các con lạch, con suối sạch chảy vắt qua các thung lũng. Rêu sau khi được giũ hết cát và bụi sẽ được cắt nhỏ, trộn với gia vị, gói lại bằng lá chuối và đem nướng bên bếp củi. Ngoài ra, rêu đá còn có thể dùng nấu canh xương, món canh có hương vị thanh mát và mùi vị đặc trưng của rêu. Rêu đá không phải là món quá khó ăn nhưng vì rêu không phải là loại thực phẩm phổ biến với số đông nên nhiều người sẽ có chút e ngại khi thưởng thức món này. Nguồn ảnh: Thegioiamthuc.com Hiện tại, các món ăn liên quan đến rêu đá chưa được thương mại hóa nên nếu bạn muốn ăn thử, bạn chỉ có thể thưởng thức món này tại các gia đình địa phương. 2. Lòng cá nấu lộn xộn Một món khác mà nhiều người lần đầu nhìn thấy sẽ thẳng thừng từ chối không ăn là lòng cá nấu lộn xộn. Món này khá phổ biến trong cộng đồng người Mường. Cá được lấy phần lòng để nấu là loại cá không ăn cám cá bởi vì bộ lòng của cá nuôi công nghiệp nhiều mỡ và không có vị thơm như cá tự nhiên, chưa kể đến các chất kháng sinh trong thức ăn công nghiệp có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài. Về cách chế biến, lòng cá chỉ được sơ chế qua bằng cách bóp nhẹ với muối và rửa bằng nước, phần thức ăn được tiêu hóa trong đường ruột của cá cũng không được làm sạch hoàn toàn mà được giữ lại một phần - thành phần này là nhân tố chính tạo nên vị đắng đặc trưng của món ăn. Lòng cá sau khi được sơ chế sẽ được nấu cùng các nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà như lá sương sông.. Lòng cá nấu lộn xộn thơm mùi gia vị và có vị đắng nhẹ đặc trưng. Tuy nhiên, vẻ ngoài của món ăn này thực sự không hấp dẫn, cộng thêm việc nhiều người nghi ngại vấn đề vệ sinh trong công đoạn chế biến nên không phải ai cũng dám ăn món này. 3. Lá ngón Trong suy nghĩ của nhiều người, lá ngón là một loại lá có độc và nhai lá ngón là một cách tự tử phổ biến ở Tây Bắc. Nhưng sự thật là, không phải lúc nào ăn lá ngón cũng chết được. Lá ngón chia làm hai loại: Loại có độc và loại không có độc. Đối với người dân Tây Bắc, lá ngón không có độc là một loại rau rừng ngon lành được ăn quanh năm. Lá ngón có thể chế biến bằng nhiều cách khác nhau: Luộc, xào, nấu canh đều ngon. Nguồn ảnh: Molistar.com 4. Nậm Pịa Có lẽ đây là món ăn luôn được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi chủ đề "các món ăn kinh dị ở Tây Bắc" được đưa ra thảo luận. Nậm Pịa là tên món ăn được viết theo phiên âm của tiếng Thái: "Nậm" là "canh", Pịa là từ chỉ phần dịch ruột non hay còn gọi là phân non. Nguyên tắc nấu món Nậm Pịa là món ăn này chỉ được chế biến từ nội tạng các loài động vật ăn cỏ không sử dụng thức ăn công nghiệp. Khi nghe đến từ phân non, nhiều người sẽ có cảm giác rợn, nhưng nếu món này được nấu chín kĩ thì chắc chắn sẽ không gây hại cho sức khỏe. Nậm Pịa có thể coi như một món ăn riêng với cơm hoặc cũng có thể được coi như một loại sốt chấm. Nguyên liệu chính để nấu món này là dịch bột ruột non, mẻ, rau thơm, các loại hạt gia vị, thịt bạc nhạc, và nội tạng. Ngoài ra, Nậm Pịa còn có thể thêm xương đuôi, sụn và tiết đông nếu thích. Nậm Pịa được biến hóa tùy vào khẩu vị riêng của người địa phương và mục đích chế biến, tuy nhiên nguyên liệu chính là nội tạng và dịch ruột non luôn không thể thiếu. Nậm Pịa giống như món lòng lợn còn nguyên bột đắng, nếu ai ăn được thì sẽ thấy bình thường, còn ai không ăn được thì sẽ thấy rợn rợn không thể nuốt nổi. Tuy vậy, Nậm Pịa vẫn là một thử thách vô cùng đáng thử nếu bạn có một ngày lên thăm thú vùng Tây Bắc. Một lưu ý vô cùng quan trọng cho các bạn muốn ăn thử Nậm Pịa là các bạn chỉ ăn món này khi được nấu chín kĩ, bởi vì nếu bạn ăn Nậm Pịa không được nấu chín kĩ thì khả năng rất cao bạn sẽ phải ôm nhà vệ sinh cả ngày đấy. 5. Bọ xít rang Cứ vào mùa hoa nhãn và hoa vải nở rộ, bọ xít cũng theo đó sinh trưởng thần tốc, những con bọ xít nở ra từ những quả trứng tản ra khắp vườn nhà hút lấy nhựa cây. Bọ xít trưởng thành hay còn non đều ăn được, bọ xít trưởng thành khi được rang chín ăn sẽ giòn hơn và có mùi tinh dầu nồng hơn bọ xít non. Người dân sau khi bắt bọ xít về sẽ sơ chế bằng cách ngâm nước muối, vặt cánh, ngắt chân và bóp bụng cho hết tinh dầu. Công đoạn sơ chế này rất tốn thời gian do phải rửa đi rửa lại nhiều lần và bóp hết tinh dầu trong bụng từng con bọ xít, nếu không sơ chế kĩ, món bọ xít rang sẽ bị đắng, gây rát miệng và cổ họng. Sau khi được sơ chế, bọ xít sẽ được cho vào chảo rang với nước mắm lá chanh hoặc nước măng chua. Món bọ xít rang đạt chuẩn là khi bọ xít được rang khô ráo nước, giòn và không bị quá hăng nồng mùi tinh dầu. Nguồn ảnh: Danviet.vn Bọ xít rang là món ăn chơi, ăn nhậu vô cùng phổ biến ở các vùng nông thôn Tây Bắc. Nghe có vẻ không hấp dẫn lắm vì nếu chưa một lần thử thì chắc món bọ xít rang không phải ai cũng dám ăn. Nhưng nếu có điều kiện, bạn hãy một lần thử món ăn này để biết lý do tại sao món ăn này được coi là một loại đặc sản. 6. Da trâu thối Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn Da trâu thối hay còn gọi là năng min, một món ăn đặc trưng của người Thái. Da của con trâu sau khi lọc ra vẫn giữ nguyên phần lông, đem gói vào lá chuối và ủ trong vòng khoảng hai ngày. Vào mùa hè, nhiệt độ cao có thể làm da trâu nhanh "thối" hơn, trong khi đó, vào mùa đông, nhiệt độ thấp, người ta phải ủ thêm nhiều ngày mới có thể lấy ra chế biến. Sau một thời gian ủ, da trâu bốc mùi đem rửa sạch thì lông sẽ rụng hết. Sau đó, người ta đem miếng da đi phơi, rồi dùng nấu canh bon, hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích. Với người Thái bản địa, đây là một đặc sản có vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, với nhiều người vùng miền khác, chưa nói đến việc ăn thử, chỉ nghe đến cái tên của món ăn và ngửi mùi, nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại trước khi có ý định thưởng thức. 7. Nòng nọc Một loại nguyên liệu độc lạ khác được người dân Tây Bắc mang ra chế biến thành món ăn là nòng nọc. Chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy cực kì e ngại khi nghe đến việc ăn các món ăn chế biến từ nòng nọc vì hình dạng lạ lùng và độ nhớt của chúng nhưng thật ra, vị của nòng nọc khi được nấu chín giống y chang mùi vị của thịt ếch nên bạn không cần e ngại vấn đề này đâu nhé. Mình ăn rồi nên xác nhận con này ăn ngon, ngọt nha các bạn! Từ nòng nọc có thể nấu thành nhiều món ăn mang hương vị đặc trưng khác nhau như: Nấu canh chua với măng chua hoặc lá lồm (tên khác: Lá giang), xào rau, bọc lá chuối nướng.. Nòng nọc cũng có thể băm nhỏ trộn với thịt lợn băm và gia vị để làm chả rán, món này ăn vô cùng tốn cơm những ngày mưa. Lưu ý nhỏ là chỉ có nòng nọc ếch nhái mới có thể ăn, tuyệt đối không ăn nòng nọc cóc hay các loài động vật khác để tránh bị ngộ độc. Nguồn ảnh: VnExpress.net 8. Cá nhảy Liệu bạn có dám ăn một món gỏi cá mà trong đó con cá còn bật nhảy tanh tách trên đĩa? Món đặc sản lạ lùng tiếp theo mà tôi muốn giới thiệu với bạn là món gỏi cá nhảy của người Thái ở Tây Bắc. Đúng như cái tên của nó, món ăn này phải được ăn khi cá còn sống, bật nhảy. Nguồn ảnh: Đào Thị Hồng Huệ (dienmayxanh.com) Món này phải được chế biến và ăn ngay, do đó nguyên liệu luôn được sơ chế sẵn. Cá dùng để chế biến món "cá nhảy" phải là cá con được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Theo người dân địa phương, loại cá làm món này ngon nhất là cá chép loại nhỏ chỉ bằng ngón tay cái. Cá sau khi bắt về sẽ được thả trong thùng cho nhả hết chất bẩn và rửa lại bằng nước muối một lần nữa trước khi ăn để chắc chắn hơn về vấn đề vệ sinh. Giống như các món gỏi khác, gỏi cá nhảy cũng sử dụng các nguyên liệu cơ bản là bắp chuối, rau thơm (húng quế, kinh giới, rau mùi), các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén. Tất cả các nguyên liệu được băm nhỏ hoặc cắt nhỏ và trộn đều với nhau, sau đó nặn bụng cá cho ra hết chất thải và thả luôn vào hỗn hợp rau trộn, với những con cá nhỏ hơn thì có thể bỏ qua bước này. Với những ai từng có gan nếm thử gỏi cá nhảy đều đồng ý rằng món ăn này có hương vị rất độc đáo, đó là vị giòn, ngọt của thịt cá và vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Các loại gia vị hòa quyện, át đi vị tanh của cá. Đây là một món ăn chủ yếu được làm vào những ngày hội họp đông người. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử món này nhé! 9. Rau thối Rau thối là loại rau rừng khá phổ biến ở vùng núi Tây Bắc. Rau thối là phần ngọn ăn được của một loại cây thuộc họ dây leo mọc hoang trong rừng, rau thối thường được thu hái vào mùa xuân hè khi thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều. Rau thối có cái tên như vậy đơn giản bởi vì mùi hương đặc trưng của nó. Rau thối có mùi cực kì nồng, không phải ai cũng có thể chịu đựng được mùi này. Rất nhiều người Tây Bắc tuy lớn lên với các loại rau rừng cũng không thể ăn được loại rau này. Dù vậy, đối với người dân Tây Bắc, rau thối vẫn là một loại rau rừng đặc trưng không thể không kể đến. Rau thối có thể nấu theo nhiều cách khác nhau như một loại rau bình thường: Nấu canh, luộc, xào đều được. Các món ăn từ rau thối có thể kể đến: Rau thối xào trứng, canh rau thối nấu xương, rau đồ, nộm rau thối.. Nguồn ảnh: Bachhoaxanh.com Trên đây là các món ăn đặc sản Tây Bắc khá dị không phải ai cũng dám thử, được sưu tầm và tổng hợp dựa vào các tài liệu trên mạng và kinh nghiệm của tác giả. Dù những món ăn này chính là thử thách với nhiều người khi lên Tây Bắc nhưng chúng cũng rất đáng để bạn "thử một lần cho biết" đó.