Tổng quan về bát hương trên bàn thờ người việt

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi luionlee, 6 Tháng năm 2020.

  1. luionlee

    Bài viết:
    31
    Xin chào các bạn, lại tiếp tục với chủ đề yêu thích của mình là về văn hóa, truyền thuyết, mình muốn đưa đến các bạn những thông tin này dưới góc nhìn mới mẻ, trẻ trung, vẫn trân trọng những không cổ hủ. Bài này nói về tổng quan cách đặt bát hương trên bàn thờ người Việt.

    [​IMG]

    Bát hương giữa: Thờ thần linh, đứng đầu là thần Đất - ông Công, tương đương chủ tịch huyện.

    Bát bên trái: Thờ cô tổ, những người chết trẻ trong họ - những người rất thiêng và phù hộ cho con cháu. Ngày xưa nghèo, chế độ dinh dưỡng, bệnh tật, nhiều ao hồ, chiến tranh.. nên chết trẻ nhiều, hầu như nhà nào cũng có.

    Bát bên phải: Thờ tổ tiên, tất cả các bậc tiền bối trong họ đã ra đi.

    Theo mình đánh giá thì cách bố trí 3 bát hương thì khá là cân đối với đẹp. Có một số quan niệm cho rằng chỉ cần 1 bát hương, nhưng mình phản đối, vì đã không thờ thì thôi, đã thờ thì cũng phải có nhiều "mâm" nhiều "bàn". Như người sống ta cũng vậy thôi, mời khách đến nhà thì cũng phải đầy đủ mầm bát chứ ai lại ăn chung 1 bát!

    Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau, cơ bản cũng tùy không gian. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất, nên coi như phải không thiếu thứ gì. Hai cây đèn hai bên tượng trưng cho mặt Trời, mặt Trăng (xưa thì đèn dầu, nay thì đèn điện), hương là tinh tú. Ở giữa có trục vũ trụ dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả, có thể chọn quả khác nhau tùy các vùng miền, nhưng đều đại diện cho Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng, bố mình thường nói để các cụ rửa tay. Một số vùng có mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới.. Theo mình thấy thì các cụ đã đưa được tư duy vũ trụ vào thì quả là thiêng liêng, sâu sắc.

    Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà ngày xưa tầng trên cùng đối với nhà cao tầng, chúng ta hay gọi là tum). Trên bàn thờ thì có thêm, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm mâm cỗ mặn. Sau khi tàn hai phần ba tuần hương, thì có thể hạ lễ. Ở Việt Nam có số đông người nghiêng theo Phật giáo, thường cúng cỗ chay. Mình thì chưa nghiên cứu sâu, nhưng mình nghĩ là tùy con cháu vậy.

    Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11.. mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10.. Tôi thì thường thắp 3 nén 1 bát. Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). Giờ có nhiều loại lắm nhưng các bạn nhớ chọn loại không độc là được. Khi thắp hương, nếu thắp 3 nén thì sau khi cắm nén thứ nhất vào bát hương giữa, thì cắm nén thứ 2 bên tay trái, rồi cắm tiếp nén thứ 3 bên tay phải. Nhiều lúc mình cũng quên.

    Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc - Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: Sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

    Khi khấn vái thì kính thưa thần linh đầu tiên, chủ yếu là xin thần linh tạo điều kiện cho gia đình sinh sống và làm ăn yên ổn, chứ thần linh có tạo điều kiện hay không thì tùy thái độ của gia chủ ^^. Còn xin bà cô tổ là vô điều kiện, xin bà cô thì xin cái gì cũng được, trong đó xin phù hộ cho trẻ con là đúng nhất, vì bà chết trẻ nên rất thương trẻ con. Còn gia tiên thì mời về chơi thôi, có gì đâu mà xin, các cụ ra đi có cái gì thì để lại hết rồi mà (tiền, vàng, quan hệ, nợ ^^).

    [​IMG]

    Sau khi cúng bái thì nhân dân ta thường đốt vàng mã, đây là một tục lệ còn đang bàn cãi rất nhiều, mình sẽ review kỹ hơn vào một bài khác.

    Điều quan trọng nhất trong những lễ cúng theo mình là việc cả gia đình ngồi ăn cơm, ôn lại kỷ niệm, truyền thống gia đình, dòng họ, tạo sợi dây gắn chặt tình cảm. Còn việc cúng bái lạy lạy có vẻ là một truyền thống không tốt (quan điểm cá nhân), vì bản chất của việc cúng là xin xỏ ông lên cấp trên báo cáo thành tích cho gia đình và xin xá tội cho lỗi lầm (mầm mống của bệnh thành tích và tham nhũng trong cả nét văn hóa). Việc cúng bái chỉ có hiệu quả khi chúng ta thành tâm.

    Mong các bạn trẻ sẽ có những quan điểm văn hóa hiện đại, tân tiến, nhưng vẫn giữ được cái nền nếp, thành tâm.
     
    LieuDuong, Chiên Min'slovingboyck5 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 13 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...