Mở bài phân tích bài thơ Sóng: Người tổng hợp: SUNMEII Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. 1. Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi tiếng của nền văn học hiện đại nước ta. Tuy bà hưởng thọ không nhiều do tai nạn quá đột ngột nhưng những tác phẩm bà để lại vẫn để lại những tiếng vang lớn, có sức lay động lòng người. Trong thơ Xuân Quỳnh đề tài tình yêu luôn chiếm đa số. Tình yêu trong thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì dịu dàng, e ấp, nhưng có lúc lại vô cùng mãnh liệt, dữ dội. Khi thì thật gần nhưng nhiều lúc cũng thật xa xôi, mang tới cho người đọc nhiều tâm trạng bồi hồi xao xuyến khác nhau. Bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh là một bài thơ vô cùng độc đáo thể hiện tâm trạng của một người con gái đang yêu. Những hờn giận vu vơ, tủi hờn, ghen tuông rất phụ nữ, được tác giả Xuân Quỳnh gửi hồn trong thơ khiến khiến người đọc, người nghe thổn thức theo từng câu thơ của bà. 2. Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn học, nghệ thuật; là nguồn cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ thiết tha với đời, với người. Có thể nói rằng từ khi có con người thì đã có tình yêu và con người còn tồn tại thì tình yêu còn bất diệt. Lịch sử thơ ca nhân loại từ xưa đến nay đã có biết bao bài thơ tình nổi tiếng khắp Đông, Tây ca ngợi tình yêu của con người và đã từng làm xúc động biết bao trái tim của nhiều thế hệ. Ở Việt Nam chúng ta, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, tuy phạm vi thơ ca chủ yếu mở rộng về phía tình cảm lớn như tình yêu Tổ quốc, đất nước, nhân dân, cách mạng nhưng thơ ca vẫn dành một khoảng nhất định cho tình cảm riêng tư. Nhiều bài thơ ca ngợi tình yêu nam nữ ra đời trong thời kỳ này còn mãi làm xúc động trái tin bao thế hệ sau này. "Sóng" của Xuân Quỳnh – một nhà thơ nữ tài hoa – là một bài thơ như thế. 3. Ta từng biết đến những vần thơ yêu đương vội vàng, hối hả của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: "Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt". Nhưng cũng không thể không nhắc đến một Xuân Quỳnh với tình yêu dịu dàng, nhưng đậm sâu, khắc khoải, điển tình của người con gái. Tình yêu ấy đã được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất trong bài: "Sóng". 4. Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ sĩ dễ đi vào lòng người với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Trong đó, "Sóng" là thi phẩm nổi bật của đời thơ Xuân Quỳnh. 5. Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Người yêu thơ mệnh danh chị là "Nữ hoàng của thi ca tình yêu". Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Sóng là bài thơ được làm năm 1967 nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền. Bài thơ sau đó được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Sóng là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh. 6. Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Xuân Diệu đã từng viết: "Làm sao sống được mà không yêu Không nhớ không thương một kẻ nào" (Bài thơ tuổi nhỏ – Xuân Diệu) Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn từng viết về tình yêu nhưng có lẽ sâu sắc nhất phải kể đến 2 cây bút thơ tình xuất sắc của nền văn học Việt Nam, đó là Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Nếu như Xuân Diệu từng làm mưa làm gió khiến người đọc nhớ mãi khi đặt tất cả dấu ấn tình yêu mãnh liệt của mình với "Biển" thì Xuân Quỳnh – một nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện tình cảm người con gái qua hình ảnh "Sóng". Khi nhắc đến tên tuổi của Xuân Quỳnh, từ trong tiềm thức của mỗi người yêu văn chương đều biết tiếng thơ chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và tha thiết khát vọng hạnh phúc đời thường. Một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của Xuân Quỳnh phải kể đến tập "Hoa dọc chiến hào" với linh hồn là bài thơ "Sóng" được tác giả viết nhân một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền năm 1967. 7. Không biết từ bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc hơi thở của một mùa thu trong veo, Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ "Sóng" ngời sáng như một hòn ngọc báu của văn chương. 8. Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ những nhà thơ trẻ của thời chống Mỹ. Thơ xuân quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu tình cảm yêu thương, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, vừa mãnh liệt và đầy khát khao trong tình yêu, vừa luôn âu lo về sự phai tàn, đổ vỡ cùng những dự cảm bất trắc rồi lại rạo rực xôn xao, khát khao đến khắc khoải trong Sóng. Đó là một cõi lòng bị khuấy động đang rung lên đồng điệu với sóng biển. Một sự trùng hợp đến lạ lùng giữa sóng biển và tâm hồn của nữ thi sĩ đa cảm, một sự hòa hợp kì diệu giữa thiên nhiên và con người. Và bài thơ Sóng đã thể hiện sâu sắc điều đó. Còn tiếp..
Tình yêu có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng và kì diệu nhất của con người. Tình yêu cũng trở thành mạch nguồn cảm xúc dạt dào vô tận của sáng tác thi ca. Có biết bao nhiêu bài thơ tình nổi tiếng gắn với những tên tuổi lừng danh: Tagor, Puskin.. Những vần thơ viết về tình yêu luôn là những lời lẽ lay động tâm hồn con người, đặc biệt là giới trẻ nhiều nhất. Văn học Việt Nam thời chống Mĩ cũng ghi dấu ấn không ít những nhà thơ nổi tiếng viết về đề tài này. Trong đó, phải kể đến nữ sĩ Xuân Quỳnh với bài thơ "Sóng". "Sóng" là một bài thơ tình rất đẹp. Bởi sóng không chỉ là sóng biển, sóng còn là sóng lòng - là tâm tình của người con gái trong tình yêu. Bốn khổ thơ đầu, nhân vật trữ tình ẩn mình vào sóng để tự nhận thức những đặc tính, những trạng thái tâm lý bí ẩn, riêng tư đầy nữ tính của một trái tim đang đắm say trong tình yêu: "Dữ dội và dịu êm [..] Khi nào ta yêu nhau"
Xuân Quỳnh là nhà thơ của tình yêu và hạnh phúc đời thường. Thơ tình của Xuân Quỳnh luôn cuốn độc giả bởi những cảm xúc mãnh liệt cháy bỏng nhưng cũng rất đỗi đôn hậu, trong sáng, thủy chung. Trong chùm thơ tình yêu của nữ thi sĩ, có một loạt bài thơ mà cảm hứng sáng tạo được khơi nguồn từ biển: "Thuyền và biển", "Chỉ có sóng và em", "Biển", "Trước biển".. Trong đó, "Sóng" là bài thơ để lại nhiều cảm xúc sâu lắng.
"Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu.." (Thuyền và biển) Những lời thơ ấy đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc cách đây mấy chục năm và đến tận bây giờ, nó vẫn làm say đắm tâm hồn biết bao thế hệ trẻ. Làm nên sức sống ấy, không chỉ có giai điệu du dương, sâu lắng của ca từ mà còn có cả xúc cảm đắm say, dào dạt của tâm hồn người phụ nữ đang yêu gửi gắm trong từng dòng thơ. Người phụ nữ giàu cảm xúc ấy chính là Xuân Quỳnh . Không chỉ có "Thuyền và biển", Xuân Quỳnh còn có cả chùm thơ tình yêu mà cảm hứng sáng tạo được khơi nguồn từ biển: "Sóng", "Chỉ có sóng và em", "Biển", "Trước biển".. Trong đó, "Sóng" là một áng thơ hay, để lại nhiều dư âm sâu lắng trong lòng độc giả. Mỗi câu thơ, khổ thơ là mỗi cung bậc cảm xúc, suy ngẫm của người con gái trong tình yêu. Trong năm khổ cuối của bài thơ, nhân vật trữ tình đã gửi tiếng lòng mình vào sóng để bộc bạch nỗi nhớ, tấm lòng thủy chung cũng như niềm tin mãnh liệt và khát vọng sống mãi với tình yêu. Đồng thời, năm khổ thơ còn khiến người đọc cảm nhận được những vẻ đẹp tâm hồn thanh quý của người phụ nữ trong tình yêu.