Tổng hợp những bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 1 Tháng sáu 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Những bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU -những xúc cảm nhân văn nhất!

    Viết thư Quốc tế UPU (hay Viết thư Quốc tế) dành cho giới trẻ là cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học dưới hình thức lá thư do Liên minh Bưu chính Quốc tế (gọi tắt là UPU) tổ chức thường niên dành cho Thiếu niên trên toàn Thế giới, bắt đầu tổ chức và năm 1971, đến năm nay đã được 50 năm.

    [​IMG]

    Cuộc thi với mục đích giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết, nhận thức về các vấn đề xã hội, toàn cầu. Cuộc thi là cơ hội để học sinh thể hiện tình cảm, sự sáng tạo và mơ ước của bản thân, đồng thời cuộc thi cũng là cơ hội để các em phát triển khả năng viết văn, tăng khả năng diễn đạt ngôn ngữ và sự phong phú trong tư duy sáng tạo. Đến với cuộc thi này, học sinh còn có cơ hội giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc và là nơi để các bạn có thể trao đổi, bày tỏ quan điểm và ước mơ của mình về cuộc sống tương lai.

    Dưới đây, bài viết xin giới thiệu hai bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 (năm 2008) và lần thứ 38 (năm 2009)

    1 Bức thư đạt giải nhất quốc gia, giải khuyến khích Quốc tế của cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 37 (năm 2008) của bạn Hồ Thị Quế Chi – học sinh học sinh lớp 10 chuyên Văn THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

    [​IMG]


    Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37: "Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung".

    Bức thư dài hơn một nghìn từ được Chi hoàn thành trong vòng chưa đầy một tiếng rưỡi đồng hồ. Viết một mạch theo dòng cảm xúc và chỉ chỉnh sửa rất ít.

    Quế Chi tâm niệm: "Mỗi con người phải sống có lập trường riêng, kiên trì bước đến cùng trên con đường mình lựa chọn".

    Dưới đây là bức thư đạt giải của bạn ấy

    Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2007

    Gửi ông Osama bin Laden!​

    Tôi không chắc là ông sẽ đọc bức thư này, nhưng nếu những dòng chữ tôi đang viết hiện diện trong mắt ông thì tôi hy vọng ông sẽ kiên nhẫn để đọc hết nó.

    Hẳn ông sẽ cười nhạo khi biết rằng tôi - một nữ sinh trung học bình thường ở một đất nước nhỏ bé - lại dám cả gan viết thư cho một trùm khủng bố khét tiếng? Một trong những lý do khiến tôi cầm bút là muốn giúp ông tin thấy sự thanh thản và lối thoát cho riêng mình. Đừng vội khinh thường lời nói của một cô gái 15 tuổi, tôi có đủ đức tin để hy vọng ông sẽ phải thay đổi suy nghĩ.

    Đất nước của ông và đất nước của tôi ở cách nhau quá xa để chúng ta có thể quen biết nhau, mặc dù sự kiện 11-9-2001 đã đưa "tiếng tăm" ' của ông ra toàn thế giới. Có lẽ điều đó làm ông hãnh diện? Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo bao người dân thường vô tội vào cuộc chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tháp đôi kia không? Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn chọn lựa và đôi khi đó là chọn một thái độ. Vậy tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải là khoan dung?

    Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó.

    Ông muốn Chính phủ Mỹ trả giá nhưng không phải chỉ có họ mà biết bao sinh linh vô tội khác cũng phải lìa đời khi tòa tháp đôi đổ xuống. Đó là mục đích của ông sao? Có lẽ ông mừng vì điều đó làm cho Nhà Trắng phải lao đao, khốn đốn nhưng có chắc ông sẽ sung sướng khi nhìn thấy nỗi đau mất mát của biết bao gia đình? Ông đã chọn hận thù và bạo lực. Nếu những người dân thường vô tội kia họ cũng chọn cách làm như ông thì thế giới này sẽ ra sao? Giá như ông sáng suốt hơn để khoan dung thì có lẽ biết bao những giọt nước mắt oan ức sẽ không rơi xuống. Một trong những điều khó nhất và cũng quý nhất đối với con người là sự an ủi.

    Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ l l-9-2001? Tôi tin đó là sự khoan dung. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người có lương tâm trên thế giới này đều hiểu rằng cái gì đã mất là không thể lấy lại. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ trả thù giống như ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Với tôi, phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ "yêu". Mà bản chất của yêu thương là sự khoan dung. Nó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo cuộc sống xã hội. Ông không tin ư?

    Tôi xin kể ông nghe câu chuyện xảy ra vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện. Một cậu bé người Mỹ gốc Phi là học sinh da màu duy nhất trong một lớp học nọ. Cậu đã kết thân với một cô bé da trắng. Rồi họ chuyển đến ngồi cùng bàn. Vì lo lắng, mẹ của cô bé da trắng đã tới gặp cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chứng kiến tình yêu thương của người mẹ da màu, bà mẹ ấy đã lưỡng lự. Cô ấy đã không nói ý định muốn xin chuyển chỗ ngồi cho con mình nhưng vẫn tìm cách ngăn cản tình bạn ấy của hai đứa trẻ. Và món quà sinh nhật giản dị của cậu bé gốc Phi tặng người bạn da trắng chính là sợi dây yêu thương xóa nhòa định kiến về tình cảm..

    Câu chuyện đã làm cho tôi vô cùng xúc động về tình cảm con người. Nếu ông cho rằng đây là chuyện trẻ con thì tôi nghĩ ông nên nghĩ lại. Hai đứa bé ấy khác ông ở chỗ chúng tôn trọng nhau và vượt qua rào cản của chế độ phân biệt chủng tộc để đến với nhau. Câu chuyện của hai đứa trẻ là bài họcvề sự khoan dung: Nhìn nhận, đánh giá con người không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha. "Tôi ước ao có một ngày những đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà chỉ có thể bị phán xét bởi chính tâm hồn của họ mà thôi!". Chắc là ông hiểu câu nói đó?

    Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Điều quan trọng đối với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta biết cho đi. Và tôi nghĩ ông vẫn còn sống đến giờ này đã là một khoan dung của Thượng Đế. Ông nên cảm ơn điều đó thay vì tiếp tục tức giận và khủng bố. Sao ông không nghĩ một cách cởi mở hơn rằng Trái Đất này còn sự sống, thế giới này còn chưa bi hủy diệt là chính nhờ sự khoan dung giữa con người với con người?

    Ông nổi tiếng thế giới cùng với ba từ "trùm khủng bố", xin hỏi có gì đáng tự hào? Elaine Maxwell đã nói "Tôi là sức mạnh, tôi có thể phá sạch mọi cản trở trước tôi, nếu không tôi sẽ mắc vào lưới. Chọn lựa của tôi, trách nhiệm của tôi, chiến thắng hay thất bại, chỉ có tôi giữ chìa khóa số mệnh của tôi".

    Tôi đã học được rằng thất bại không có nghĩa là gục ngã, mà chỉ là tạm dừng chân một chỗ trên con đường tiến lên phía trước.

    Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng.

    Tôi hy vọng dù điều đó thật mong manh!

    Chào ông!

    Hồ Thị Quế Chi (Việt Nam)​

    2. Bài thi đạt giải nhì Quốc Tế, giải nhất Quốc Gia của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 38 (năm 2009) - Nguyễn Đắc Xuân Thảo, THCS Nguyễn Khuyến, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

    [​IMG]

    Đây là giải nhì đầu tiên của quốc gia Việt Nam, từ khi cuộc thi được tổ chức.​

    Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thức 38 là: "Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn".

    Trong bài dự thi của bạn, Thảo đã kể về vụ tai nạn của bố mình tại xưởng tôn khiến ông bị liệt đôi chân phải đi lại bằng xe lăn. Câu chuyện về cảnh ngộ éo le nhưng đầy ắp tình yêu thương của chính gia đình của mình cũng như bày tỏ mong muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động và ước mơ về sống tốt đẹp của người lao động đã chinh phục Ban giám khảo Liên hợp quốc.

    Dưới đây là nội dung bức thư của bạn ấy:

    Đà Nẵng, ngày 20/12/2008.

    Bác Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kính mến!

    Hẳn giờ này bác rất bận rộn trong văn phòng làm việc, với hàng tá giấy tờ quan trọng đang chờ bác xem xét, thông qua, phê chuẩn? Có lẽ bác sẽ ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những giấy tờ ấy là một bức thư nhỏ - bức thư của một cô bé chưa từng một lần được gặp bác ngoài đời. Dẫu ngạc nhiên nhưng xin bác hãy bỏ một ít thời gian để đọc nó. Còn vì sao mà cháu lại viết thư cho bác ư? Chắc hẳn bác còn nhớ cách đây hai tuần, nhân chuyến thăm một nhà máy ở tỉnh X, bác đã ân cần dặn dò các vị lãnh đạo nhà máy phải chú ý đảm bảo an toàn lao động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Khi xem Đài Truyền hình Việt Nam phát hình trực tiếp buổi nói chuyện ấy, cháu bỗng nảy ra ý định viết thư cho bác để kể về chuyện của gia đình cháu và những thắc mắc, băn khoăn của một cô bé "ăn chưa nó, lo chưa tới" như cháu về những vấn đề mà bác từng đề cập.

    Bác Nguyễn Minh Triết kính mến!

    Cách đây chưa đầy nửa năm, gia đình cháu có một cuộc sống bình thường như bao gia đình khác. Bố cháu là công nhân của một cơ sở sản xuất các sản phẩm từ tôn. Mẹ cháu là chủ một tiệm làm đầu nho nhỏ tại nhà. "Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì sẽ thấy mình còn sung sướng, hạnh phúc hơn rất nhiều người" - bố cháu vẫn thường dạy thế để chúng cháu bằng lòng với cuộc sống thanh bạch, không đua đòi, vòi vĩnh.. Dù nhà không khá giả nhưng hai anh em cháu vẫn được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất để học tập. "Phải học để có cái vốn cho tương lai" - cháu nhớ mãi những lời nói mộc mạc và giản dị như thế của bố cháu. Có lẽ cuộc sống của gia đình cháu cứ thế mà êm ả trôi qua nếu như không có một ngày kia bất ngờ mẹ cháu nhận được điện thoại từ xưởng của bố cháu thông báo bố bị tai nạn lao động. Từ bữa đó trở đi, sinh hoạt của gia đình cháu bị xáo trộn. Cửa hiệu của mẹ cháu phải tạm đóng cửa và hai anh em cháu phải tự lo cho nhau để mẹ có thời gian ra vào viện chăm sóc bố. Những lần vào thăm bố, nhìn đôi chân bị bó bột của bố, cháu cứ nghĩ rồi nó sẽ lại lành lặn và bố cháu lại có thể bước những bước nhanh nhẹn, vững chãi.. Thật đau xót làm sao, bởi lẽ vết nứt gãy ở chân thì đã liền nhưng chính sự tổn thương cột sống đã làm bố cháu không thể nào đi lại được nữa. Phần đời còn lại của bố sẽ mãi mãi gắn với chiếc xe lăn. Điều này làm cháu thật bất ngờ bởi lúc nào vào viện thăm bố, chúng cháu cũng đều được bố trấn an là "bố không sao đâu".

    Và khi nào hỏi chuyện mẹ về bệnh tình của bố thì chúng cháu chỉ nhận được những câu trả lời qua loa, ậm ừ cho xong chuyện. Chúng cháu cứ ngỡ là do mẹ mệt mỏi hóa ra là vì mẹ đã giấu anh em chúng cháu và vì chính bản thân mẹ cũng không muốn chấp nhận sự thực này.

    Bác biết không, gánh nặng gia đình lúc này đang đè nặng trên đôi vai gầy của mẹ cháu. Cháu thương bố và thương mẹ quá nên cứ thầm trách ông trời sao lại để tai nạn xảy ra với bố cháu như thế! Trong trí óc non nớt của cháu, nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho bố cháu chính là sự đưa đẩy của số phận. Cháu chẳng đổ lỗi cho điều kiện lao động không an toàn ở xưởng sản xuất vì cháu tin rằng ở đấy cũng như bất kỳ ở đâu thì an toàn lao động cũng là trên hết. Cháu đã nghĩ một cách ngây thơ rằng nếu không đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu của an toàn lao động thì xưởng đã chẳng được các cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động. Chắc hẳn cháu sẽ mãi suy nghĩ như thế bác ạ, nếu như không có cái lần ấy..

    Hôm ấy, do buồn nhớ công việc và đồng nghiệp, do bứt rứt vì phải ngồi mãi một chỗ nên bố đã bảo cháu đẩy xe đưa bố đến thăm xưởng. Vì chưa một lần đến nơi bố đã từng làm việc nên nghĩ đến việc được nhìn thấy nó, nghĩ đến niềm vui của bố khi gặp lại bạn bè mà cháu cứ háo hức quên bẳng cả mệt nhọc. Thế mà bác có biết không, khi đặt chân vào bên trong xưởng làm việc của bố ngày trước, cháu đã choáng váng như không tin vào mắt mình nữa. Cái quang cảnh của xưởng làm cháu bất ngờ, hụt hẫng. Một cơ sở sản xuất với nhà xưởng được xây dựng khá tạm bợ, sức khỏe và tính mạng công nhân có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những chiếc giá để thành phẩm được gá trên bức tường không hề chắc chắn chút nào. Điều kiện ánh sáng không đầy đủ, vệ sinh không thật sự đạt yêu cầu. Nhiều công nhân không được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động. Khói, bụi, tiếng ồn và còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế mà mọi người vẫn phải làm việc. Vì được trả công cao? Vì miếng cơm manh áo?

    Và, cháu tự hỏi tại sao bố cháu lại từng phải làm việc trong một môi trường như vậy và một xưởng sản xuất như thế này lại được cấp phép hoạt động trong khi điều kiện lao động vô cùng bất lợi cho người lao động? Và, cháu cũng tự hỏi rằng với điều kiện lao động như thế, nếu bố cháu và những người bạn đồng nghiệp cứ tiếp tục làm việc ở đây thì liệu họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn không? Cháu còn băn khoăn với câu hỏi liệu những tai nạn đã từng xảy ra với bố cháu và một số chú bác khác (mà cháu vô tình được biết thêm qua câu chuyện giữa bố cháu và bạn bè đang làm trong xưởng) đã có thể dừng lại chưa? Còn tai nạn nào sẽ xảy ra nữa? Còn gia đình nào sẽ mất đi chỗ dựa? Còn có những đứa bé biết thương bố mẹ vất vả cực nhọc, đánh đổi nhiều thứ cho cuộc mưu sinh nhưng chẳng thể làm gì được như anh em cháu nữa hay không?

    Bác Nguyễn Minh Triết kính mến!

    Cháu nghĩ rằng, đọc đến đây hẳn bác đã đoán ra được điều cháu muốn được chia sẻ với bác qua bức thư này? Cháu còn quá nhỏ để có thể hiểu hết được mọi thứ, nhưng cháu đã không còn quá ngây thơ khi nhìn nhận một số điều đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh cháu. Cháu nhớ mãi vẻ mặt đầy sự quan tâm, lo lắng khi bác đi xem công nhân của một nhà máy ở tỉnh X làm việc. Cháu vẫn nhớ sự ân cần trong lời dặn các vị lãnh đạo của nhà máy hãy chăm lo cho người lao động. Cháu biết bác hiểu rất rõ mối quan hệ giữa cuộc sống tốt đẹp của người lao động và điều kiện lao động. Cháu rất mong muốn và tin rằng bác cùng các bác lãnh đạo khác sẽ có những chủ trương, những hướng giải quyết thích hợp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động và giúp biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp của người lao động thành hiện thực. Cháu rất muốn một lần nào đó bác đến thăm khu công nghiệp nơi có phân xưởng sản xuất - nơi bố cháu đã để lại một phần của cuộc đời trẻ khỏe trước khi gắn liền với chiếc xe lăn.. để có thể tận mắt nhìn thấy những người lao động nghèo của quê cháu đã sống như thế nào..

    Bác hãy đến khi có dịp bác nhé. Cháu rất mong điều ấy!

    Cháu xin dừng thư ở đây!

    Cháu kính chúc bác sức khỏe!

    Cháu

    Nguyễn Đắc Xuân Thảo​

    Các bạn ạ! Đọc bức thư của bạn Nguyễn Đắc Xuân Thảo với lời nguyện cầu: Những vụ tai nạn vì điều kiện lao động không an toàn không còn xảy ra. Những người lao động nghèo yên tâm bỏ sức mình ra phục vụ và được hưởng thụ trọn vẹn thành quả do mồ hôi mình đổ xuống. Qua đây, mình cảm nhận thấy suy nghĩ của bạn ấy rất sâu sắc trước một vấn đề lớn mang tầm vóc thời đại. Mong sao, lời nguyện cầu của bạn ấy sớm thành hiện thực.

    (Còn nữa)​

    Mời các bạn tiếp tục đón đọc phần 2 của chủ đề: Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – phần 2
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Những bức thư đạt giải Nhất (trong nước và thế giới) của cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về cuộc đời!

    Cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính Quốc tế (gọi tắt là UPU) tổ chức thường niên bắt đầu tổ chức và năm 1971 nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ. Trung bình có hơn 1, 2 triệu bạn trẻ trên toàn cầu tham gia mỗi năm.

    Dưới đây, bài viết xin giới thiệu hai bài thi giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 38 (năm 2009) và lần thứ 39 (năm 2010)

    1. Bức thư đạt giải nhất Quốc gia và cũng là giải nhất Quốc tế của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 (năm 2010) - của em Hồ Thị Hiếu Hiền, Lớp 6 trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

    [​IMG]

    Chủ đề cuộc thi này là: "Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc hiểu biết về HIV/AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng",

    Căn bệnh HIV/AIDS là hiểm họa, là "đại dịch", gây nên những cái chết vô tội. Bởi vậy, để ngăn ngừa, mỗi người cần phải trang bị kiến, hiểu biết đầy đủ, sâu rộng về; tuyên truyền cho mọi thành viên của cộng đồng hiểu biết, phòng tránh cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

    Bức thư gửi đạo diễn Trương Nghệ Mưu của em Hồ Thị Hiếu Hiền, Lớp 6 trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã đạt giải nhất cấp quốc tế. Đây là bức thư đầu tiên của học sinh nước Việt Nam đã giành được giải nhất thế giới của cuộc thi này. Bạn Hồ Thị Hiếu Hiền đã gửi thư gửi tới đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, mong muốn ông làm ra những tác phẩm điện ảnh thật hay về chủ đề HIV/AIDS, để mọi người sẽ hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ này.

    Được biết, bạn nữ sinh này sau đó còn đạt Giải nhất cuộc thi "Làm phim quốc tế toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam- kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội" do Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam tổ chức với bộ phim mang tên "Buổi học của Thúy". Sau đó bộ phim này còn đoạt giải đặc biệt Cuộc thi làm phim Châu Á.

    Dưới đây là nội dung bức thư của bạn học sinh Hồ Thị Hiếu Hiền:

    Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!​

    Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông. Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: "Người gửi: Hồ Thị Hiếu Hiền - Việt Nam" không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.

    Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như thế nào.

    Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: "Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà chưa biết mặt mũi con" Ết "nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con" Ết "nó dính vào người." - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông nhỉ?

    Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: "AIDS là căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn như nghiện hút, tình dục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình." Mẹ cháu còn dặn đi dặn lại: "Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con." - Bố mẹ cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.

    Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: "Lớp em thì chưa có bạn nào bị AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn." - Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.

    Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: "Kia kìa, vi-rút HIV chứa trong những ống tiêm đó cháu!" - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa thật đầy đủ phải không ông?

    Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta nhanh nhảu: "Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách." - Trời, thật tội nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.

    Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế, lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm tuổi bị nhiễm HIV.

    Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên kênh truyền hình đang chiếu bộ phim "Hoàng Kim Giáp" do ông đạo diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi người.

    Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: Ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: Chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên "Phải chết" cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim "Phải sống" của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: Con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung.. Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người khác.

    Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.

    Nhưng ông ạ, cháu thì "lực bất tòng tâm", cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!

    Kính thư!

    Hồ Thị Hiếu Hiền​

    (Lớp 6/9, trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

    2. Những Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế, và nhất quốc gia - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011)

    Chủ đề cuộc thi năm đó: "Hãy tưởng tượng mình là một cây đang sống trong một khu rừng. Em hãy viết thư cho 1 người nào đó để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng"

    [​IMG]

    Cuộc thi đã tạo nên một làn sóng truyền thông mạnh mẽ, chung tay cùng xã hội ngăn chặn tàn phá rừng và bảo vệ lá phổi xanh của trái đất.

    Điều đặc biệt trong Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011) là Ban Ban tổ chức chọn ra 2 giải nhất, đó là bức thư của học sinh tên Charlée Gittens, đến từ Barbados và học sinh tên Wang Sa, người Trung Quốc

    Dưới đây là một trong hai bức thư đạt giải nhất quốc tế của Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011) của học sinh tên Wang Sa, người Trung Quốc:

    Tháng hai, năm 2011

    Chuyện của hai làng

    Loài người thân mến, các bạn nhỏ mến yêu của tôi,

    Tôi là một cây non bé bỏng sống giữa khu rừng xanh tươi trên một rặng núi cổ xưa. Tôi viết thư này để tâm sự với các bạn một câu chuyện mà tôi đã tận mắt chứng kiến.

    Làng Tây nằm trên một bên sườn núi nơi tôi sống, còn sườn núi bên kia là làng Đông. Trước đây, cả hai làng đều rất nghèo. Tất cả những gì họ có được đó là cây xanh trên rặng núi này.

    Một ngày kia, trưởng làng Tây tuyên bố ông sẽ lãnh đạo cả làng làm giàu. Ông mời làng Đông cùng tham gia, nhưng không ngờ làng Đông đã từ chối đề nghị của ông. Trưởng làng Tây khinh khỉnh nói: "Đã nghèo lại còn vẽ chuyện." Nói rồi ông ta giận dỗi bỏ đi.

    Toàn bộ dân làng Tây, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ tất thảy đều leo núi và bắt đầu lao động vất vả để thực hiện ước mơ làm giàu. Họ thức dậy từ sáng sớm và đến tận tối mịt mới trở về nhà. Họ đốn rất nhiều cây xanh trên sườn núi. Chắc chắn rằng, trước khi trở thành những người giàu có, họ đã phải đốn rất rất nhiều cây. Người dân trong làng phát hiện ra nhiều món hời nếu cứ đốn thật nhiều cây và thu được nhiều tiền. Rủng rỉnh tiền, họ liền sắm tivi, tủ lạnh và máy điều hòa không khí. Ban ngày, làng Tây biến thành một công trường xây dựng nhộn nhịp, nhưng khi đêm đến, ngôi làng trông giống một nghĩa địa. Vì là một cây non đã đâm cành trổ lá nên tôi đã biết rõ những giọt nước mắt nhỏ bé đầu tiên. Tôi cảm thấy trái tim mình tan vỡ.

    Làng Tây giàu có bắt đầu khinh bỉ làng Đông.

    Tuy vậy, trưởng làng Đông vẫn bình tĩnh. Ông kiên nhẫn giải thích cho những người dân làng mình vốn không hiểu hết sự việc: "Rừng là tài sản của mọi thế hệ chúng ta từ tổ tiên cho đến cháu chắt của chúng ta. Vì lợi ích của con cháu chúng ta, chúng ta không cần đọ cây với làng Tây. Chúng ta sẽ không chặt phá cây xanh. Thay vào đó, chúng ta cần phải trồng nhiều cây hơn. Họ đốn bao nhiêu cây thì chúng ta sẽ trồng bù lại bấy nhiêu." Khi nghe những lời nói ấy vang lên, tôi đã khóc một lần nữa, những giọt nước mắt biết ơn.

    Trưởng làng Đông đã làm đúng như ông nói. Ông đã lãnh đạo dân làng mình mình trồng cây xanh trên mọi khoảng đất trống. Khi tôi lớn lên ngày một cao hơn, từ độ cao của

    Chiếc lá trên ngọn cây, tôi nhìn xuống để xem sườn núi bên làng Tây nay đã trơ trụi không còn màu xanh của cây lá, thậm chí không còn lấy một ngọn cỏ. Trong khi đó, sườn núi bên làng Đông mới thật đẹp làm sao. Đó là một sườn núi xanh rờn với dòng nước suối trong suốt và đích thực trở thành một chốn thần tiên.

    Mùa hè năm đó tiết trời vô cùng nóng nực, ánh nắng mặt trời như thiêu đốt trái đất. Máy điều hòa không khí của tất thảy các nhà ở làng Tây đều được bật hết cỡ, dân làng thì giam mình trong nhà. Trong khi đó, ở làng Đông, dân làng thư giãn dưới những tán cây lớn tỏa bóng mát, mỗi người phe phảy một chiếc quạt trên tay, rộn rã truyện trò và cười đùa. Trẻ em chơi trò trốn tìm, tiếng cười của các em rộn vang khắp cả ngôi làng và toàn khu rừng. Tôi rưng rưng nước mắt lần thứ ba. Nhưng lần này, tôi khóc vì vui mừng khôn xiết.

    Theo thông lệ, cứ cuối mỗi chuỗi ngày nóng nực thường xuất hiện bão. Kết thúc đợt nóng ấy trời mưa to. Buổi tối hôm ấy, tôi linh cảm được về ngày tận số của làng Tây. Đất phía dưới rễ của cây tôi bắt đầu sụt và tôi nhận thấy đá lở cuồn cuộn rơi xuống sườn núi phía Tây. Bầu trời tối đen trút mưa không ngớt. Tới nửa đêm, toàn bộ khu rừng chìm trong bầu không khí im lặng đầy chết chóc. Bỗng, tiếng khóc kêu cứu vang lên từ làng Tây khiến tôi bừng tỉnh. Tôi bàng hoàng trước cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi đã trở thành hiện thực!

    Đó là một trận lở đất khủng khiếp.

    Bùn đá cuốn thành dòng ào ào như thác chảy xiết về làng Tây. Trong chốc lát, ngôi làng biến thành địa ngục của trần gian. Những ngôi nhà xinh xắn nay nát vụn tan tành, đường sá vừa mới mở bị phá hủy, nhiều người bị chết vùi dưới bùn và đống đổ nát.

    Tôi đưa mắt nhìn sang sườn núi bên kia xem làng Đông thì thấy bên đó vẫn yên bình.

    Sáng hôm sau, ngay khi ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện trên đống đổ nát, dân làng Đông kéo đến trợ giúp làng Tây. Vất vả lắm họ mới kéo được trưởng làng Tây ra khỏi đống bùn khổng lồ. Họ nghe ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: "Tất cả đều do lỗi của tôi.. cây rừng mất sạch cả rồi.." Nói xong, ông gục đầu xuống tắt thở. Đó là những lời trăng trối của ông đối với dân làng Tây. Trưởng làng Đông tuyên bố trước những người sống sót và cả số người cứu hộ đang tập trung tại hiện trường: "Điều có ý nghĩa sống còn đó là chúng ta phải bảo vệ rừng. Đừng bao giờ chỉ vì muốn kiếm tiền mà chúng ta lại chặt đốn cây rừng một cách tùy tiện."

    Những năm tiếp sau đó, dân làng Tây không còn chặt và bán cây, họ bắt đầu học hỏi từ dân làng Đông. Đầu tiên họ cùng làm việc với nhau để bảo vệ môi trường bằng cách trồng cây. Trong quá trình xây dựng lại làng và tái trồng rừng, người dân làng Tây đã dần dần hiểu được cách họ phải làm để bảo vệ rừng và thiên nhiên. Bằng hành động bảo vệ môi trường và thải ra lượng khí carbon ít hơn, họ đã đặt từng bước thận trọng trên một con đường mới nhưng theo cách truyền thống để tiến dần tới sự giàu có. Chẳng mấy chốc, dân làng Tây một lần nữa đạt được tăng trưởng thịnh vượng, và lần này cuộc sống lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

    Kể từ đó, cuộc sống hai làng ngày một sung túc và cảnh quan được tô điểm bằng cây cối xanh tươi, hoa nở rộ còn chim chóc hót vang khắp mọi nơi. Hai làng trở thành điểm danh lam thắng cảnh được khắp nơi biết đến. Nhiều khách du lịch thân thiện với môi trường được mời về tận dãy núi nơi tôi sống, và một vài người trong số đó cảm thấy khó lòng rời bước khỏi hai làng và khu rừng yên bình.

    Đây là phần kết của câu chuyện tôi kể. Các bạn loài người thân mến của tôi ơi, mong ước của tôi cũng là điều muốn nói với các bạn rằng, bảo tồn rừng chính là bảo vệ Trái đất, ngôi nhà của cả tôi và các bạn, hãy vì lợi ích tương lai của tất cả chúng ta. Phá rừng bằng cách chặt đốn cây cuối cùng chỉ mang lại thảm họa, không chỉ đối với cá nhân tôi, mà còn đối với tất cả các bạn đấy.

    Người bạn đích thực của các bạn

    Một cây non luôn sẵn sàng chăm sóc cho nhân loại.

    Wang Sa, Trung Quốc

    Bức thư đoạt giải nhất Quốc gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011)

    Trong Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011), bạn Huỳnh Minh Hiếu Lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, giải nhất cấp Quốc gia của cuộc thi lần này. Nội dung bức thư như sau:

    Rừng Amazon, ngày 16-2-2011

    Kính gửi ngài Josehp Sepp Blatter kính mến!

    Tôi cũng khá lo lắng khi viết bức thư này cho vị Chủ tịch FIFA. Tôi biết rằng, ngài rất bận rộn với một núi công việc, nhưng xin ngài hãy dành chút ít thời gian để đọc bức thư của tôi như ngài đang đọc bức thư của người hâm mộ môn thể thao vua.

    Tôi là cây Tùng 500 tuổi sống trong đại gia đình Amazon. Tôi biết đến ngài và môn bóng đá nhờ nghe cô Gió kể lại rằng đất nước tôi đang sinh sống sắp tổ chức World Cup. Tôi lại càng háo hức nhưng cũng buồn thêm. Ngài hiểu tại sao không? Đơn giản, từ những sự kiện gần đây tôi mới nhận ra rằng: "Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá: Một là thắng, hai là bại!". Ngài không cười vì những điều tôi nói chú?

    Vài trăm năm trước đây, khi các nhà khoa học phương Tây và Bắc Mỹ đến khai phá vùng đất Nam Mỹ trù phú này, trong tay họ là biết bao dụng cụ kỳ lạ mà tôi chưa hề biết đến: La bàn, ống nhòm, súng săn.. và có cả những cuốn sách dày cộm toàn là chữ với những hình vẽ hoa lá cây cối. Đôi khi họ còn kẹp những chiếc lá bên đường vào trang sách. Thật thú vị! Chắc họ là những nhà sinh vật học. Nghe mẹ tôi kể lại, xưa kia con người rất ít. Thỉnh thoảng mới bắt gặp họ đi lang thang trong rừng, mặc khố lá, vũ khí toàn những giáo mác, dao rựa thô sơ.. Họ đến đây chỉ để tìm củi khô, vài con thú nhỏ, ít rau rừng. Họ chẳng làm gì hại đến chúng tôi cả, thậm chí, họ còn tôn thờ rừng như một vị thánh, người mẹ cung cấp cho họ tất cả mọi nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng, con người phát triển nhanh thật. Họ thay đổi thế giới một cách chóng mặt. Nghe cô Gió kể lại, những bản làng trước kia nay đã trở thành những đô thị sầm uất. Các vùng đất hoang vu mà không ai biết tới nay đã mọc lên các khu công nghiệp đồ sộ, nhả khói ngút trời.

    Càng kể, tôi càng thấy thất vọng. Hàng triệu năm trước đây, con người vẫn chỉ là một loài vượn bình thường nếu như không có cây cối chúng tôi làm nhà cho họ ở, cung cấp ôxi cho sự sống, cho vạn vật trên trái đất, thử hỏi cái tên mà con người đặt cho hành tinh của mình là "hành tinh xanh" có tồn tại hay không? Chúng tôi không tự đề cao chính mình mà giá trị, lợi ích của chúng tôi hoàn toàn là sự thật. Chẳng nói đâu xa, rừng Amazon mỗi năm thải ra hàng triệu tỉ mét khối ôxi cung cấp cho sự sống. Là cánh rừng lớn nhất thế giới, hàng năm chúng tôi bảo vệ không cho sự xói mòn đất, duy trì nguồn nước, ngăn chặn những tác hại do lũ lụt, hạn hán gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang là quê hương của khoảng 2, 5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng 2 nghìn loài chim thú. Chỉ mỗi ngôi nhà chúng tôi mà đã tạo ra biết bao nhiêu lợi ích.

    Tôi nói, ngài đừng buồn, nhưng rừng đã và đang bị phá hủy dần dần. Một phần là do đồng tiền kinh tế, lợi nhuận. Một phần là do sự thiếu hiểu biết của con người mà nên: Đốt rừng làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Cứ mỗi năm, ngôi nhà của chúng tôi bị cắt mất một phần diện tích từ 415.000 km2 đến 587.000 km2. Trước kia, xung quanh tôi toàn là cây cỏ, muôn loài, bầu trời, mặt đất.. thì giờ đây, tôi có thể nhìn được phía xa xa là các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền mọc lên như nấm. Ngài biết hiệu ứng Domino chứ? Giả sử rừng không tồn tại, vạn vật thiếu ôxi; Đất không còn tồn tại, vạn vật chìm trong biển nước.

    65 triệu năm trước, một mảnh thiên thạch khổng lồ đã làm tuyệt chủng nhiều loài động vật, trong đó có khủng long. Còn giờ đây, mẹ Trái Đất đang phải từ từ chấp nhận ngày tận thế không phải do thiên thạch hay biến cố gì khác ngoài vũ trụ mà là do những đứa con "thần đồng" tạo hóa đã sinh ra. Con người đã phải nhắc đến và đau đầu vì cụm từ "biến đổi khí hậu" do chính mình viết nên, gây nên hiện tượng Elnino, làm thủng tầng ozon, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng dần lên, băng hai cực tan chảy. Con người đang từng bước đi ngược với quy luật của tạo hóa. Không thể tin được khi con sông Amazon lại cạn khô với mực nước thấp kỷ lục. Hàng trăm vụ cháy rừng ở Nga, Australia và nhiều quốc gia khác. Sóng thần, bão tố luôn ập đến các vùng ven biển bất cứ lúc nào. Dự đoán mực nước biển sẽ dần tăng thêm 1 mét vào năm 2050.. Thật kinh khủng!

    Nãy giờ, tôi cứ bàn về vấn đề môi trường chắc cũng làm ngài có chút gì đó lo sợ. Thôi thì ta hãy chuyển sang vấn đề bóng đá - sở trường của ngài. Cũng như tôi đã nói với ngài ngay từ đầu: Bảo vệ rừng - một trận thi đấu sinh tử. Cũng rất đơn giản, con người đã và đang chọn những mặt sân béo bở như rừng để đá trái bóng lợi nhuận qua đó. Quả bóng ấy đi đến đâu, con người sẽ vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú ở đó. Khi những cánh rừng đã chết, con người sẽ tiếp tục đá trái bóng đó ở các mặt sân khác như biển, lòng đất.. Họ sẽ hạ gục tất cả hàng phòng thủ tự nhiên để tạo một cú ghi bàn tuyệt đẹp. Họ sẽ không ngờ, pha làm bàn ấy là cái chết cho chính họ. Nếu họ biết "chơi" một cách hợp lý và tái tạo "mặt sân", họ sẽ luôn được chơi tự do, thoải mái mà không sợ "đá phản lưới nhà".

    Hy vọng rằng, những điều tôi đã nói, ngài đã ghi nhớ. Bóng đá là môn thể thao vua, nó khiến cho mọi người trên hành tinh này say mê theo từng đường bóng. Tại sao ngài lại không dùng bóng đá để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Vì sao ngài không cùng hội đồng FIFA tổ chức một cuộc họp để mạnh dạn đưa ra quyết định: Quốc gia nào thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sẽ được đăng cai tổ chức World Cup. Ngài và các cộng sự có thể khuyến khích các đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thay đổi màu áo, logo mang thông điệp bảo vệ rừng. Các fan hâm mộ thường yêu thích và làm theo thần tượng của mình. Thế nên, các ngài có thể vận động mỗi cầu thủ trở thành một đại sứ thiện chí trong việc giữ gìn màu xanh của rừng.

    Chưa muộn để vẽ lại màu xanh cho Trái Đất từ những việc làm nhỏ cho đến những hội nghị lớn. Với tư cách là một fan hâm mộ bóng đá, tôi khuyên các bạn bảo vệ rừng chính là bảo vệ môn thể thao vua. Còn với tư cách là một người con của mẹ Thiên Nhiên, các bạn hãy nhớ: "Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta!".

    Một fan hâm mộ bóng đá

    Cây Tùng

    Huỳnh Minh Hiếu

    Lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh​

    Trên đây là các bức thư truyền tải các thông điệp bảo vệ rừng chân thực nhất, với những giải pháp táo bạo nhất, nhân văn nhất gửi đến người thân và cộng đồng, để cùng chung tay ngăn chặn nạn tàn phá rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường – bảo vệ lá phổi xanh của trái đất – bảo vệ cuộc sống của chính nhân loại.

    Hết phần 2 (Còn nữa)


    Mời các bạn tiếp tục đón đọc phần 1, 3 của chủ đề: Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về nhân loại!
     
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về cuộc đời! – Phần 3

    [​IMG]

    Cuộc thi Viết thu Quốc Tế UPU bắt đầu tổ chức từ năm 1971. Trung bình hơn 1, 2 triệu bạn trẻ trên toàn cầu tham gia mỗi năm.

    Tất cả các bài thi chất lượng nhất đến từ rất nhiều nước trên thế giới sẽ được chấm chọn một cách công bằng và khách quan nhất bởi đội ngũ Ban giám khảo Quốc tế (là những người có chuyên môn liên quan, uy tín cao từ các tổ chức khắp thế giới) để chọn ra một số rất ít bài đoạt giải. Các giải thưởng Quốc tế hằng năm đều được chọn lọc rất kỹ càng bởi Ban giám khảo cấp Quốc tế.

    Dưới đây là tổng hợp 2 bài dự thi đạt giải nhất Quốc tế và 2 bài dự thi đạt giải nhất cấp Quốc gia

    1. Hai bài dự thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 (năm 2012)

    Chủ đề cuộc thi: "Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội Olympic Games có ý nghĩa gì đối với mình" - UPU 41 (2012)

    Olympic Games cổ đại được phát triển và tổ chức theo kỳ bốn năm một lần trong gần 1.200 năm. Nơi diễn ra là quận Olympia thuộc Elis, Hy Lạp. Các môn thi đấu là: Quyền anh, Ném đĩa, Đua ngựa, Phi lao, Nhảy xa, Nhảy cao, Nhảy sào, Cuộc thi năm môn phối hợp (pentathlon), Điền kinh, Đấu vật.

    Biểu tượng quen thuộc xuất hiện trong mỗi kỳ Thế vận hội mang ý nghĩa tiêu biểu, không đơn thuần chỉ là thể hiện tinh thần gắn bó trong thể thao mà còn thể hiện sự đoàn kết đặc biệt.

    Dưới đây là bài dự thi đạt giải Nhất toàn thế giới cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 41 (Năm 2012)

    -Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế của học sinh tên Marios Chatzidimou, 14 tuổi, người Hi Lạp (cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 41 (Năm 2012)

    Bài dự thi của bạn học sinh này viết gửi nhà vô địch quần vợt thế giới Roger Federer của Marios Chatzidimou. Trong bức thư, Marios Chatzidimou đưa vận động viên quần vợt hàng đầu thế giới về lại thời kì Olympia cổ đại cùng với võ sĩ quyền anh Diagoras of Rhodes và Polidamas – nhân vật anh hùng trong thần thoại Hy Lạp để trò chuyện cùng họ.

    Dưới đây là nội dung bức thư

    Giannitsa, ngày 25 tháng 01 năm 2012

    Chú Roger Federer kính mến!

    Cháu tên là Marios, một trong hàng nghìn (cháu nghĩ chắc là phải thế) người hâm mộ chú. Quả là một Marios bé nhỏ, vô danh trước một vận động viên phi thường. Cháu viết thư này là để cảm ơn chú đã giúp cháu yêu thể thao, yêu môn tennis.

    Suốt cả năm trời, cháu dõi theo các trận đấu của chú trên khắp các sân tennis; cháu vui mừng cổ vũ mỗi khi chú chiến thắng và khâm phục biết bao tính kiên trì của chú qua những lúc khó khăn. Khi chú bước lên bục chiến thắng tại Thế vận hội Bắc Kinh cũng là lúc cháu đã nhận ra cú "service" đầu tiên của cháu để đến với thể thao.

    Cháu lấy trộm cây vợt của anh trai, bước thẳng ra sân và.. sẵn sàng chiến thắng. Rồi cháu nhận ra rằng, xem Federer đánh và tự mình vung vợt lên, đó là hai việc khác nhau hoàn toàn. Cháu đã nỗ lực hết sức, đổ biết bao mồ hôi, chịu đựng cả những lời quát mắng của huấn luyện viên chứ không hề bỏ cuộc. Hình ảnh chú bước lên bục chiến thắng đã giúp cháu vững bước tiến lên.

    Tiến lên và mơ ước.. Một ngày nào đó, trí tưởng tượng đưa cháu bay bổng, tựa như trái bóng khi đánh trúng, khiến cháu vượt qua cả không gian lẫn thời gian. Cháu mơ thấy mình đang ở thời cổ đại, ngay giữa Thế vận hội đầu tiên. Đó là năm 776 trước Công nguyên với những người chạy bộ đưa tin khắp Hy Lạp. Chiến tranh phải dừng lại vì thể thao đã đoàn kết và hòa hợp mọi người, hay ít nhất vào thời điểm đó, thể thao đã làm được điều này. Những người trẻ tuổi từ khắp mọi miền, với sức lực và tinh thần mạnh mẽ đã đến tham gia vào cuộc đua tài đích thực, trong tinh thần "fair play" - một từ mới tuyệt vời biết bao dành cho bầu không khí hùng tráng này.

    Cháu tưởng tượng rằng, chú cũng ở đó. Kiến thức lịch sử không cho phép cháu làm điều này, nhưng trí tưởng tượng của cháu cứ nhất định đưa chú đến nơi ấy: Để thi đấu và giành vòng nguyệt quế. Để đổ mồ hôi trên nền đất Olympia cổ đại và để đua tài với Diogoras vùng Rhodes, Polidamas, hay Theagenis..

    Cháu tự hào rằng, đất nước Hy Lạp của cháu đã khai sinh ra các môn thể thao hiện đại. Các môn điền kinh được khởi nguồn và hình thành qua các cuộc thi đấu thời cổ đại. Ngọn lửa Olympic, được thắp sáng bằng nền văn minh Hy Lạp, đã soi rọi khắp thế giới. Tinh thần chiến đấu, lòng cao thượng, tính kiềm chế, tình đoàn kết đã xây dựng nên những đức tính cho chính cuộc sống này.

    * * *Chú đứng đó, đầu đội vòng nguyệt quế, vui mừng với chiến thắng. Cháu rụt rè tiến đến, chạm vào tay chú, nhìn vào mắt chú hỏi:

    - Chú cảm thấy thế nào, chú Roger? Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với chú?

    - Nghe này, cậu bé. "Thi đấu" nghĩa là "chiến thắng", hãy luôn nhớ như vậy. Tham gia vào cuộc thi, là phải sẵn sàng cho chiến thắng, không đắn đo. Chiến thắng nỗi sợ hãi, tự ti, và mọi khó khăn, đánh bại thói ích kỷ, tự kiêu trong chính con người cháu. Chiến thắng chính bản thân mình. Và một điều nữa: "Chiến thắng" cũng có nghĩa là "yêu thương". Hãy yêu quý đối thủ, người đã cho ta cơ hội được ganh tài. Hãy yêu quý huấn luyện viên, người đã dạy ta; hãy yêu quý tất cả những người đã ủng hộ ta, và yêu kính Chúa, người đã cho ta sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.

    - Ra sân! Marios, hãy tập trung vào trận đấu! Giọng nói của huấn luyện viên vang lên bỗng kéo cháu ra khỏi giấc mơ. Tuy vậy, hôm đó cháu không tài nào tập trung được vào trận đấu. Cháu kể lại những gì mình đã mơ thấy, về Thế vận hội đầu tiên. Mọi người, cả huấn luyện viên và các bạn cùng tập đều cảm thấy như được sống lại với tinh thần Olympic. Chúng cháu bàn về tinh thần "Fair play", điều mà con người hiện đại ai cũng hiểu rõ một cách dễ dàng nhưng khi làm theo nó lại rất khó khăn. Chỉ nhằm vào mỗi ngôi vô địch, họ sử dụng những chất kích thích nguy hiểm, bẩn thỉu, và sẵn sàng đem sự trong sáng về tinh thần lẫn thể chất của mình ra hiến tế cho những chiến thắng nhất thời. Những hành động như vậy chỉ hủy hoại và phỉ báng thể thao mà thôi.

    Nhưng đối với cháu, Thế vận hội đầu tiên nghĩa là không có chất kích thích, không có ngôi vô địch, không có cả những khoản tiền thưởng hay khủng hoảng kinh tế và sự thù hận. Mà đó chỉ là niềm vui hội ngộ, Fair play, tình bạn, hòa bình và, cháu hy vọng, những điều đó sẽ xuất hiện ở mùa Olympic năm nay.

    Cháu sẽ dừng bút tại đây, có lẽ chú đọc cũng đã mỏi mắt rồi nhỉ. Cháu chúc chú trong suốt cuộc đời mình, sẽ chiến thắng và yêu thương, đúng như chú đã dạy cháu. Cám ơn chú lần nữa. Cháu sẽ đợi chú, ở nơi mà chúng ta đã gặp nhau lần đầu tiên - Olympic cổ đại, ở Hy Lạp - quê hương của thể thao và văn minh. Ở đất nước xinh đẹp và đáng yêu của cháu, bất luận mọi khó khăn và rắc rối đang xảy ra; vẫn "chẳng có gì đáng sợ cả" vì "chàng hoa tiêu trên cột buồm nhìn ra ngoài kia: Mặt trời vẫn là vĩnh cửu".

    Mến chào chú với tất cả lòng khâm phục.

    Marios A. Chatzidimou, Hy Lạp

    - Bức thư đoạt giải nhất Quốc gia - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 41 (Năm 2012)

    Nguyễn Đăng Quý Minh (lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã giành giải nhất cuộc thi cấp quốc gia. Trong bức thư của mình, Quý Minh đã gửi thư đến anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch môn chạy 50m tại Thế vận hội Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ Athens 2011- Bức thư này của em đã đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41.

    Dưới đây là nội dung bức thư của Nguyễn Đăng Quý Minh đã giành giải nhất cuộc thi cấp quốc gia

    [​IMG]

    Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

    Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!​

    Trước hết, em - một cậu học trò bình thường - xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận hội Olympic.

    Olympic - ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!

    Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng; để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: "Vì sao các vận động viên không trần như nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?". Thật đúng là ngây ngô phải không anh?

    Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân "Gú Gồ".

    Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa "Olympic", em bắt gặp một cái tít báo lạ: "Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down". Em không tin vào mắt mình. Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?

    Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!

    Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng "muôn sự là tại trời" và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ "thiên mệnh?". Em hình dung nước mắt lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới trường.

    Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ mịt.. Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ - món quà vô giá mà thượng đế ban cho loài người.

    Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh - cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy - vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong - cơn gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.

    Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận? Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy; gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!

    Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu "Nhanh hơn - Cao hơn - Xa hơn", người ta có nghĩ tới điều này không?

    Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: "Rốt cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?". Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.

    Anh Kỳ Phong thân mến!

    Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!

    Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi "cơn gió lạ"? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận giải?

    Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.

    Anh Kỳ Phong thân mến!

    Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi những người như anh - những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên đường đua và đường đời.

    Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc rực sáng!

    Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!

    Một fan hâm mộ của anh.

    Nguyễn Đăng Quý Minh

    Lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

    2, Bức thư đạt giải nhất thế giới Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 42 (Năm 2013)

    Chủ đề cuộc thi lần này: "Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý" - UPU 42 (2013)

    Bạn học sinh tên Daniel Korcak, đến từ Cộng hòa Séc đã giành giải nhấtquốc tế Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 42 (Năm 2013)

    [​IMG]

    Xuất sắc vượt qua khoảng 1, 5 triệu bức thư của các thí sinh đến từ 60 quốc gia khác nhau trên thế giới, bức thư "trò chuyện" với dòng sông Trung Âu Oder của em Daniel Korcak, 15 tuổi, đến từ thành phố Ostrava của Cộng hòa Séc đã giành được giải thưởng cao nhất (Huy chương Vàng) cuộc thi viết thư quốc tế UPU 42-2013.

    Dưới đây là nội dung bức thư đạt giải nhất Quốc tế của bạn Daniel Korck:

    Ostrava - Polanka nad Odrou

    Ngày 25/3/2013​

    Nước sông Odra thân yêu!

    Trước tiên, tôi muốn gửi tời chào đến bạn và mở đầu thư bằng cách bày tỏ sự đánh giá cao về bạn. Tôi xin được bắt đầu hơi dài dòng một chút.​

    Bạn là nước của một trong những con sông lớn nhất Moravian, và như vậy bạn thuộc về đại gia đì

    Nh của tất cả các vùng nước trên thế giới. Tất cả các vùng nước đều bắt đâu từ một dòng suối nhỏ trong rừng, cho đến đại dương vô tận. Nước tạo ra cuộc sống, sức mạnh, năng lượng, niềm vui cũng như đau khổ. Nước là cả nước mặn và nước ngọt, nước nóng và nước lạnh, nước trong và nước đục, đơn giản như chúng tôi biết về bạn.

    Bạn là nước của sông Odra, chảy ra từ một khu rừng lớn gân làng Kozlovice thuộc vùng Libavá. Con người chúng tôi, vì đánh giá cao bạn nên chúng tôi đã xây dựng một Nhà Nguyện cầu nhỏ bên dòng suối để bất kỳ những ai muốn tìm đến có thể thấy bạn và chiêm ngưỡng nơi khởi nguồn của một dòng sông.

    Ở đó, bạn vẫn là một dòng nước nhỏ, nhút nhát và sợ hãi lẩn tránh cả các viên đá cuội nhỏ. Nhưng bạn trở nên mạnh mẽ và can đảm vượt qua mọi nơi trong cuộc hành trình của mình. Bạn kết hợp với các con suối nhỏ, thay đổi và hòa vào nước của một con sông nhỏ.

    Con người chúng tôi xây dựng nhà cửa, trang trại, nhà máy bột xung quanh bạn, sử dụng sức mạnh của bạn. Bạn chảy qua thị trấn nhỏ và làng mạc, luồn lách qua nhũng cánh đồng, các khu rừng rổi vươn tới vùng ngoại ô cửa thị trẫn Studenka tạo ra lòng suối đây sự quyến rũ. Bạn uốn mình và chuyển hướng, lúc ăn lúc hiện khôn lường tạo nên những hồ nước độc đáo, những dòng sông uốn khúc. Từ Studenka qua Distebnik đến Polanka, chúng tôi đã thay đổi một chút dòng chảy của bạn, xây dựng ao chứa nước và tạo ra khu quản lý đánh bắt cá.

    Đôi khi bạn cũng gây khó khăn cho chúng tôi, có lúc con nước dâng cao như muốn nhấn chìm mọi thứ, có lúc lại dần trở nên khô kiệt, héo mòn.. trơ lòng sỏi đá. Dường như, bạn muốn nhắc nhở chúng tôi rằng nước là một yếu tố vượt ra ngoài mọi tầm kiểm soát, và chúng tôi coi trọng bạn.

    Trên cuộc hành trình, bạn tạo ra một khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo, Polanecká, Niva, được nhiều khách du lịch và những người yêu thích thiên nhiên tìm đến. Trên con sông mà bạn tạo ra, chúng tôi tắm, câu cá, trẻ em chơi với bạn khi xây dựng đập đá, các vận động viên bơi thuyền ra sức chống lại sức mạnh của bạn, và nhiều người tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tiếng thì thầm của bạn. Trong khu bảo tồn gần con sông có dòng nước khoáng, đó là nước chữa bệnh, được lưu trữ sâu dưới lòng đất và chờ đợi để được đưa đến các khu tắm khoáng gần đó, nơi giúp chữa lành bệnh cho chúng tôi.

    Bạn rời khu bảo tồn. Giờ đây, bạn đã là một dòng nước trưởng thành, dòng nước lớn đang thay đổi thành một con sông tự tin, và từ từ chảy vào thành phố lớn nhất của vùng Moravian-Silesian, Ostrava. Bạn thậm chí có thể không biết rằng bạn lại rất hữu ích ở nơi đây. Bạn làm mát các tòa tháp của một nhà máy nhiệt điện, giúp chúng tôi rửa đường, tưới nước cho cánh đồng, và tẩy rửa tất cả những thứ dơ bẩn. Cuối cùng, bạn chảy qua nhà máy quản lý nước mà chúng tôi xây dựng cho bạn, và họ làm bạn sạch và trong để phục vụ chúng tôi. Ở Ostrava, bạn gặp lưu vực của hai con sông lớn hơn - các vùng nước hình thành từ các quả đổi Odra cùng với các vùng nước từ ngọn núi Deseníky và Beskidy. Khi bạn rời khỏi Ostrava, bạn là nước của một dòng sông mạnh mẽ tự hào và bạn chảy đến vùng nước tiếp theo, và đó là vùng nước của biển cả.

    Thư của tôi viết cho bạn có thế kết thúc ở đây, nhưng hành trình của bạn chác chắn không kết thúc bởi đây chỉ là khởi đầu một câu chuyện khác của nước. Bây giờ, bạn thuộc về tất cả các vùng nước bao bọc hành tinh của chúng ta. Bạn luôn luôn hiện diện với muôn hình muôn vẻ, có lúc là vòi nước mạnh mẽ phun lên từ nơi sâu thẳm của một mạch nước, là nước mùa trong trẻo trong một cơn bão mùa hè, là một trận tuyết tan dưới chân một ngọn đồi, là hơi nước mềm mại uốn lượn trong các đám mây, hoặc là nước mát lành, tinh khiết trong chiếc ly sẵn sàng tàm dịu cơn khát của tôi.

    Tôi có thể viết nhiều nữa về bạn, nhưng ngay cả như vậy cũng không phải tất cả mọi thứ đều có thể diễn tả được vì câu chuyện của bạn là vô tận và cuộc hành trình của bạn không có điểm dừng.

    Vì vậy, tôi muốn dùng bức thư này để cảm ơn bạn, bởi nếu không có nước thì sự sống sẽ không tồn tại: Con người, động vật, thực vật, cuộc sống, thế giới. Nhờ có nước, hành tinh của chúng ta được gọi là hành tinh xanh. Tôi nhận ra tầm quan trọng của bạn, tôi khiêm tốn chiêm ngưỡng bạn, và tôi luôn luôn mong muốn được gặp bạn.

    Thân ái​

    - Bài dự thi đạt giải nhất cấp Quốc gia, giải Khuyến khích cấp Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 42 (Năm 2013) : Bạn Đào Thụy Thùy Dương, THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, Đà Nẵng đã đạt giải nhất nhất Quốc gia, giải Khuyến khích cấp Quốc tế

    [​IMG]

    Trong bức thư của Thùy Dương, với việc "vào vai" thần nước Thủy Tinh để gửi thư cho thần núi Sơn Tinh bày tỏ mối hận thù của mình trong nhiều năm. Qua đó khẳng định giá trị của nước trong cuộc sống. Bức thư có nhiều đoạn viết chân thực, xúc động, phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của con người với môi trường

    Dưới đây là nội dung bức thư dự thi của bạn Đào Thụy Thùy Dương đạt giải nhất nhất Quốc gia, giải Khuyến khích cấp Quốc tế:

    Biển Đông, ngày 1.1. 2013​

    Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đợi trời chung của ta!​

    Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này vì xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay, ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng.

    Chả là, ta thấy xưa nay con người bao giờ cũng yêu mến, quý trọng mi hơn ta. Ngay cả vua Hùng anh minh là thế cũng muốn chọn mi làm rể nên đã ra yêu cầu sính lễ toàn là những thứ chỉ có ở giang sơn của mi. Chuyện ấy làm ta cay cú vì thực ra, trong cuộc thi tài ngày ấy mi với ta có ai thắng ai đâu. Mi có tài xây thành chuyển núi thì ta có tài hô mưa gọi gió. Sức mạnh chúng ta đều đọ ngang trời đất. Hàng năm, ta dâng nước trả hờn mi cũng chỉ vì "ngứa ghẻ đòn ghen" mà thôi, ta đâu ngờ nó lại khiến cho loài người khốn đốn. Song, bây giờ ngồi ngẫm lại, ta thấy con người bị liên lụy cũng không oan vì họ chỉ tung hô mi, chỉ thấy mi là quý mà không biết rằng Thủy Tinh ta cũng đáng quý biết bao!

    Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này, điều hòa nhiệt độ làm cho khí hậu mát lành. Nếu không có ta, muôn vật cùng cỏ cây sẽ chết khô chết héo và con người không sống quá năm ngày. Tất nhiên, khi ấy mi cũng trở thành nghĩa địa.

    Đối với loài người, ta là sự sống của họ vì ta chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể và tham gia vào quá trình trao đổi chất giúp con người sống và tồn tại. Ta còn giúp cho họ cái ăn, cái mặc, làm chạy tuốc - bin nhà máy, tham gia vào rất nhiều ngành nghề sản xuất, tạo ra nguồn của cải vật chất dồi dào. Trong đời sống, ta luôn đồng hành thân thiết với con người mọi lúc mọi nơi: Khi ăn uống, lúc rửa ráy, tắm táp, vệ sinh.. Không có ta họ không chỉ chết khát mà còn chết đói nữa, thậm chí có muốn khóc họ cũng chẳng khóc được vì không có nước mắt.

    Chưa hết, ta còn góp phần tạo nên những vẻ đẹp thiên nhiên, huyền diệu, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Hình ảnh vua Thủy Tề, nàng Tiên Cá, Lạc Long Quân.. đã từ lâu đi vào huyền thoại mà người đời chẳng thể nào quên. Nhờ thế, đời sống tinh thần của con người thêm phần phong phú và vui vẻ.

    Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ, nhưng sao họ lại chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay thì lãng phí ta như thể là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí, họ còn giở âm mưu thâm độc, chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô.

    Ta thấy ngày nay con người thật dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật "Trạng chết thì Chúa cũng băng hà", hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật..

    Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi là do lài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa.

    Trong lúc ta không biết làm sao để mọi người hiểu ra vấn đề thì bỗng nhiên nghe tiếng trẻ em vừa tắm biển vừa xôn xao bàn tán về đề tài cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 "Tại sao nước lại quý?". Ha ha ha! Ta rất vui vì có ngày con người tỉnh ngộ, biết quan tâm đến ta. Nhưng vẫn còn rất nhiều người quay lưng ngoảnh mặt với ta nên ta quyết định viết thư này, gởi qua đường UPU để mọi người hiểu rõ giá trị của ta và không oán thù ta nữa. Ta muốn họ hiểu rằng những hành động hủy hoại nguồn nước cũng chính là hủy hoại đi nguồn sống của chính họ và Mẹ Trái đất. Vậy, các Chính phủ phải sớm đề ra kế hoạch thường xuyên chăm sóc và bảo vệ nguồn nước ngọt, trồng thêm nhiều cây rừng để ta có chỗ trú thân, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân biết cách bảo vệ ta bằng những hành động giản đơn như khóa ngay công tắc vòi nước sau khi dùng, sử dụng ta thật tiết kiệm, tránh lãng phí..

    Ta nghĩ, chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ bình yên và ta cũng chẳng còn lý do gì mà gây ra lũ lụt nữa.

    Chào mi!

    Thủy Tinh

    Đào Thụy Thùy Dương, Lớp 6/10, Trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng​

    Hết phần 3 (Còn nữa)

    Mời các bạn đón đọc phần 4 của chủ đề: Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về nhân loại!
     
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về cuộc đời!

    Phần 4 - Tổng hợp Bốn bức thư hay nhất thế giới của Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 và 44

    [​IMG]

    Cuộc thi Viết thư Quốc Tế UPU bắt đầu tổ chức từ năm 1971. Trung bình hơn 1, 2 triệu bạn trẻ trên toàn cầu tham gia mỗi năm.

    Các giải thưởng Quốc tế hằng năm đều được chọn lọc rất kỹ càng bởi Ban giám khảo cấp Quốc tế.

    Một số giám khảo nổi tiếng của cuộc thi viết thư quốc tế UPU là:

    1. Ngài Isabelle Mili, Giáo sư khoa Tâm lý và Khoa học Giáo dục, Đại học Geneva- tốp 2 trường Đại học nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ. Đồng thời, bà là Giám đốc Viện Giáo dục giáo viên Đại học (IUFE).

    2. Ngài Michael Hamish Glen, nhà đồng sáng lập Hội Liên hiệp Nghiên cứu, Giải thích Di sản châu Âu.

    3. Ngài Jonathan Seaton, nhà đồng sáng lập Tổ chức Giáo dục Quốc tế Twinkl and Publishing Education (Vương Quốc Anh).

    Dưới đây là bốn bài dự thi chứa đựng thông điệp nhân văn nhất.

    1, Chủ đề của cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần 43, năm 2014 là: "Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào"

    Âm nhạc luôn là món ăn tinh thần hàng đầu giúp chúng ta, có tác động to lớn tới mọi mặt đời sống của chúng ta, giúp chúng ta thư giản thoái mái với công việc mới của mình. Có âm nhạc cuộc sống tươi đẹp hơn. Âm nhạc giúp tăng cường tư duy, giúp tâm hồn mỗi người thư thái hơn sau những bộn bề cuộc sống.

    Dưới đây, bài viết xin giới thiệu tới bạn đọc 4 bài dự thi xuất sắc, đạt giải Nhất cuộc thi. Mời các bạn đón đọc:

    - Bài dự thi đạt Huy Chương Vàng - giải nhất Quốc tế- Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 (Năm 2014)

    Tác giả của bức thư đạt huy chương vàng quốc tế lần này là Bạn học sinh có tên là Natasa Milosevic, người Bosnia và Herzegovin. Dưới đây là nội dung bức thư:

    Mostar, ngày 24 tháng 3 năm 2014

    Bạn mùa Xuân thân mến,​

    Mặc dù dây của tôi bị chùng và lạc điệu nhưng âm thanh nghe vẫn còn tốt. Chỉ có điều giọng điệu của tôi đã phản lại tôi rồi, thế nhưng làm sao để tránh được điều đó một khi tôi đã nằm bất động suốt nhiều năm qua trong căn lều hoang đầy bụi bên bờ sông này?

    Tôi đã mất hết hy vọng rằng sẽ có ai đó tìm thấy tôi, phủi sạch bụi cho tôi và đưa tôi trở về với dàn nhạc của mùa Xuân, dàn nhạc của những em bé đoạt giải từ cuộc thi cấp làng.

    Tôi biết rằng bạn vẫn đang ở quanh đâu đây, bởi vì tiếng chim hót ríu rít và tiếng sóng nước ì oạp của dòng sông luôn đánh thức tôi dậy vào mỗi buổi sáng. Đó là lý do tại sao vẫn le lói trong tôi một niềm hy vọng mong manh tựa như những tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ nứt của căn lều này, rằng: Tôi sẽ được ra ngoài đón ánh ban mai và chơi giai điệu mùa Xuân đầu tiên của tôi. Tôi thường mơ về mưa và điều đó luôn khiến tôi nhớ về thời thanh xuân của mình, khi tôi đi lưu diễn đến các lễ hội. Tôi thường được trang trí bằng những chùm mimosa tươi rói vừa hái, còn nghệ sĩ vĩ cầm của tôi luôn được thưởng bằng những đồng xu cùng rất nhiều lời ca tụng. Tôi còn nhớ một cô bé bị ốm, nằm bất động trên giường bệnh đã lâu, nói với người cha rằng, điều duy nhất giúp cô ấy lấy lại niềm tin và hy vọng được lành bênh chính là giai điệu tuyệt vời của cây vĩ cầm. Người cha tội nghiệp của cô đã đi hàng trăm cây số mong tìm bằng được nghễ sĩ vĩ cầm hay nhất để giúp con gái mình. Đó là một trong những khoảnh khắc cảm động nhất tôi đã có với mọi người: Đối với người những người bình dị. Cũng như với người chân thành nhất – Cô bé có đôi mắt sáng. Xanh biếc màu nước biển ấy đã cố ghìm nén những giọt nước mắt vui sướng. Tôi không thể quên những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời tôi, nhiều bản dạ khúc được chơi dưới cửa sổ của các thiếu nữ đang yêu cùng những bài ca mừng đám cưới tựa như hoàn tất cho những giai điệu của tôi.. Tôi nghe vài người tình cờ đi ngang qua nói rằng, thế giới đáng kinh ngạc trước một số trào lưu âm nhạc mới. Phòng hòa nhạc ít được khán giả lui đến hơn, mọi người không còn khiêu vũ nhiều như trước nữa, lễ hội thì thưa thớt, và nhạc sĩ đường phố gần như biến mất.

    Cuối cùng, khi tôi sắp tuyệt vọng thì một ông lão đánh cá xuất hiện trong căn lều cũ để tìm đồ đánh bắt. Thay vì tìm được ngư cụ, ông lão đã nhận ra tôi và hệt như một thủy thủ thực thụ, ông cẩn thận gạt đống đồ để kéo tôi ra, phủi sạch bụi bẩn cho tôi, nhặt chiếc mã vĩ bị quăng ở gần đó lên, rồi kéo cái mã vĩ trên đám dây lỏng lẻo của tôi. Khi nghe tiếng rít rè rè vang lên, ông lão nói: "Anh bạn này lỗi thời rồi!".

    Sau đó, ông lão mỉm cười như một người lái buôn khôn ngoan và nói thêm: "Có lẽ ta sẽ tìm một công dụng mới cho chú mày!" Ngay lúc đó, tôi vô cùng khiếp hãi sợ rằng đời tôi sẽ kết thúc như một thứ đồ cổ hoặc biến thành củi đun. Thế nhưng, ông lão quấn tôi trong một mảnh vải và đưa tôi về xưởng của ông. "Mình gặp may rồi!", tôi tự nhủ. Ông lão đánh cá vui tính này không chỉ chuyên làm nghề chài lưới mà ông còn có một gian xưởng khiêm tốn làm nơi đóng thuyền. Tại đây, ông lão căng lại dây và chỉnh lại các phím cho tôi, sửa chữa và chuốt véc-ni cho cái mã vĩ. Cuối cùng, ông lão kiểm tra âm một trong những giai điều mà tôi yêu thích. Đúng giây phút đó, khuôn mặt khắc khổ của ông lão bỗng trở nên dịu dàng, thanh thản và có phần trầm tư như thể cảm xúc thời trai trẻ đang do ông tự đóng lấy. "Nhìn thấy chú mày dáng vẻ thế này chắc cu cậu sẽ vui lắm đây!". Ông lão đánh cá thốt lên khi ngoảnh nhìn về phía làng.

    Khi ông lão dừng chân trước ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, một cậu bé tóc vàng, mắt xanh và đi chân đất đang đợi ở cửa. Cậu bé chính là cháu nội của ông lão, cậu ôm chặt lấy người ông và hét lên vui mừng: "Ông về rồi". Cậu bé chỉ còn mỗi ông nội là người duy nhất kiếm sống và nuôi dưỡng cho cả hai ông cháu, bằng nghề đánh bắt cá và bằng tình yêu thương vô bờ bến. Ông nội của cậu biết rằng, đứa cháu trai mình rất mê nhạc và luôn ao ước được được học chơi đàn. Cậu bé hằng mơ về một cây vĩ cầm xinh đẹp, sáng loáng tựa như một viên kim cương lung linh dưới ánh mặt trời mùa Xuân ấm áp. Cậu hay lấy cỏ mềm mượt và xanh mướt quấn kèn thổi hoặc tự chế những nhạc cụ khác bằng gỗ nhặt từ khu rừng gần làng.

    Cậu bé chưa bao giờ có được một loại nhạc cụ thực sự cho đến cái ngày ông nội của cậu, người hằng mong muốn đem lại niềm vui cho đứa cháu trai, kéo chiếc vĩ cầm ra khỏi chiếc hộp đựng. Cậu bé vô cùng sung sướng khi nhìn thấy loại nhạc cụ đặc biệt này, và ngay lập tức cậu nhẹ nhàng nâng cây đàn lên rồi chơi một giai điệu kỳ diệu đến mức chưa một ai từng nghe thấy bao giờ. Thầy giáo dạy nhạc ở làng phát hiện ra tài năng của cậu bé và gửi cậu đi học vĩ cầm ở thị trấn. Cậu bé luyện tập chăm chỉ và đã được đền đáp. Tại cuộc thi đầu tiên trong đời, cậu giành được một giải thưởng danh giá khiến cậu nổi bật hơn rất nhiều nghệ sĩ khác. Nhưng danh tiếng không khiến cậu kiêu ngạo và cũng không vô ơn. Để tỏ lòng biết ơn, cậu đã xây dựng một ngôi trường tại quê nhà, ngôi trường ấy mang tên cậu bé cho đến tận ngày nay. Cậu bé đã khiến ông nội vô cùng hạnh phúc bằng cách đạt được nhiều thành công; còn người ông đã dành những năm tháng cuối đời mình để chứng kiến những thành công ấy của đứa cháu nội.

    Bạn mùa Xuân thân mến, bằng cách thay đổi cuộc sống của một cậu bé, đó là cách mà tôi tiếp tục chặng đường của mình để mang lại niềm vui cho mọi người và khiến trái tim họ tràn ngập tình yêu. Vai trò của tôi sẽ chẳng đáng gì nếu như những giai điệu nổi tiếng nhất trên thế giới vẫn còn được thưởng thức cho đến tận ngày nay lại không được vang lên từ những chuỗi dây của đàn tôi. Tên của những người đưa tôi trở lại với cuộc sống không quan trọng. Điều quan trọng duy nhất đó là tất cả mọi người đều yêu âm nhạc, các giá trị cũ tạo ra những giai điệu mới cho chính họ và cho những thính giả đam mê, mang lại bình an cho tâm hồn của họ, mang lại niềm tin vào một khởi đầu mới và tin vào cuộc sống trường tồn.

    Mãi là bạn của cậu!

    Vĩ Cầm​

    Natasa Milosevic, Bosnia và Herzegovin​

    - Bài dự thi đạt giải nhất cấp Quốc gia, giải Khuyến khích cấp Quốc tế- Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 (Năm 2014)

    Tác giả của bài viết đạt được các giải thưởng này là bạn Phạm Phương Thảo, học sinh trường THCS Chu Văn An, Ngô Quyền, Hải Phòng.

    Trong bài dự thi, Phương Thảo đã hóa thân thành cây đàn violon, viết thư gửi cho người mẹ của cậu bé có hoàn cảnh đặc biệt với thông điệp Âm nhạc kết nối tình cảm kì diệu.

    [​IMG]

    Mời các bạn đón đọc nội dung bức thư xuất sắc này:​

    Ngày 17 tháng 1 năm 2014

    Kính gửi bà!​

    Tôi là cây vĩ cầm nhỏ của cậu Vĩ Phong - con trai út của bà. Những ngày tháng vừa qua quả là những ngày tháng căng thẳng và vô cùng đau khổ của gia đình bà. Tôi xin chia buồn. Nhưng xin bà, bà đừng làm mất đi niềm đam mê âm nhạc của cậu con trai bé bỏng.

    Là một cây đàn ngày ngày được để gọn ghẽ nơi góc phòng, tôi được chứng kiến sự tình đang diễn ra trong gia đình bà. Chồng bà đã bỏ đi theo cô nghệ sĩ chơi violin nổi tiếng khiến bà buồn bã và trở nên ghét violin, ghét cái gọi là âm nhạc. Vì vậy mà bà nỡ vô tình phá hỏng ước mơ âm nhạc của cậu con trai để cậu lại trở về sống lầm lũi như trước ư?

    Cậu chủ bị mù từ nhỏ. Cậu đã nhiều lần tâm sự với tôi về cuộc sống xưa kia. Khi chưa có tôi, cậu lặng lẽ, cô đơn biết bao! Không bạn bè, không vui chơi, không dám bước chân ra khỏi nhà khi không có ba mẹ.. Cậu mặc cảm, tự ti, luôn dựa dẫm vào người khác. Cho đến một ngày, vô tình nghe thấy tiếng đàn violin bên tai, cậu khao khát có một cây đàn. Nhiều lần như vậy, chẳng biết từ đâu, niềm đam mê âm nhạc đã trỗi dậy trong tâm hồn nhỏ bé của cậu. Từ khi tôi đến với cậu, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Âm nhạc với cậu là từ đôi tai, nhưng hơn cả là từ trái tim. Cậu đã học chơi đàn với đôi mắt mù lòa và niềm khâm phục của cô giáo dạy nhạc. Từng đầu ngón tay khẽ lướt gậy qua khung đàn, cậu đã cảm nhận âm nhạc bằng tình yêu, niềm say mê. Cậu quá yêu âm nhạc!

    Và rồi, bà biết đấy, cậu chủ đã mở lòng với cuộc sống. Cậu đòi đi học, đòi đi chơi, đòi được giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Một phần cậu muốn khoe mình biết chơi đàn, và một phần là do sự tác động của âm nhạc với tâm hồn cậu. Âm nhạc ư? Nó không chỉ là thứ sinh ra để giải trí, mà còn làm thay đổi cuộc sống của cả một con người. Chính tôi - thứ nhạc cụ đại diện cho âm nhạc đã biến một cậu bé lầm lũi trở thành người có ước mơ, hoài bão. Bà có biết cậu đã ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi violin tài ba không?

    Vậy là bà đã hiểu sự lay động của âm nhạc tới mỗi con người như thế nào. Cậu con trai bé nhỏ của bà là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Tâm hồn cậu trong sáng hơn, lạc quan hơn, cậu sống có mục đích hơn. Cậu muốn đi học, muốn được chơi với bạn bè, có nhiều bạn bè yêu mến. Cậu đã vứt hết cái mặc cảm của cuộc đời đen tối trước kia. Ấy là khi âm nhạc lên ngôi. Âm nhạc quá quan trọng, quá cần thiết với cậu. Nó mang đến một chân trời mới, một thế giới mới - thế giới của ánh sáng, của những thăng hoa mà cậu đã nhìn thấy không phải bằng đôi mắt. Tương lai đang đến, thử tưởng tượng một cậu bé có cái tên Vĩ Phong kiêu hãnh đứng trên sân khấu, mải miết theo những nốt nhạc cao vút và rong ruổi cùng sự tán thưởng của khán giả - thứ mà bà không mang đến được, ba cậu cũng không mang đến được.

    Đó chẳng phải là một điều kì diệu ư?

    Và bà chẳng phải sẽ rất hạnh phúc và tự hào ư?

    Vậy mà tại sao bà nỡ cấm con trai mình chơi nhạc vì một lẽ quá ư là cá nhân. Nhưng bà có biết, mỗi khi bà ra khỏi nhà là cậu chủ vẫn lén lôi tôi ra, kéo lên những nốt nhạc bình yên, thả hồn mình vào những giai điệu trong veo. Để rồi mỗi lần bà về, cậu cuống lên vứt tôi vào xó, như những gì bà đã làm với tôi - đập tôi không thương tiếc để bà không phát hiện. Sau mỗi lần ném tôi như vậy, cậu lại sà vào chỗ tôi, ôm tôi trong lòng, thổn thức với những tiếng nấc trong đau đớn. Còn tôi, sau những trận bầm dập bởi bụi bặm, vì tình thương, sự nâng niu, trân trọng của cậu chủ, tôi vẫn sống như hôm nay.

    Bà chủ đáng kính! Chẳng nhẽ bà muốn cuộc sống của con trai mình trở về sự lầm lũi ngày xưa sao? Chẳng nhẽ bà muốn cậu bé đầy khát khao và ước mơ kia phải từ giã âm nhạc, từ bỏ những tiếng đàn đã làm cho cậu tự tin như ngày hôm nay sao? Bà thật vô tâm và độc ác quá! Âm nhạc một khi đã là cuộc sống của con người thì khó có thể kéo nó ra khỏi họ.

    Vì vậy, tôi mong bà sau khi đọc bức thư này, hãy gạt đi những nỗi buồn cá nhân mà nghĩ về con trai mình, về tương lai tươi sáng mà cậu đang hướng đến. Tôi rất mong có một sự thay đổi tốt đẹp.

    Từ căn phòng của cậu chủ.

    Cây Violin​

    Phạm Phương Thảo, Lớp 7B8, Trường THCS Chu Văn An, Quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

    2, Hai bài dự thi xuất sắc nhất Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần 44, năm 2015

    Chủ đề của Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần 44, năm 2015 là: "Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó"

    Đạt huy Chương Vàng Thế giới– giải nhất của cuộc thi lần này là bạn học sinh có tên Sara Jadid, đến từ Liban- Quê hương nơi em sinh ra và lớn lên đang ngập tràn trong bom rơi đạn lạc.

    Cô bé 13 tuổi ấy đã viết bức tâm thư đẫm nước mắt.

    Dưới đây là nội dung bức thư:

    SARA JADID

    (LI-BĂNG)​

    Tri-po-li, Li-băng, ngày 14 tháng 2 năm 2015​

    Đối với tất cả những ai đang hủy hoại bao ước mơ của tôi cũng như với tất cả những người đã dập tắt niềm vui trong trái tim tôi, tôi xin gửi một lời chào đẫm nước mắt của tuyệt vọng, một lời chào chứa

    Đầy yêu thương lẫn hy vọng, một nỗi đau khiến tôi phải chịu đựng và một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

    Từ nơi đây, chính tại thế giới này, nơi tôi sống trong đau khổ, tôi viết ra những lời này để vẽ nên một thế giới đang hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi, những gì tôi viết ra đây sẽ giống như một lá thư, vì vậy mà hình ảnh tưởng tượng ấy biết đâu sẽ trở thành hiện thực. Từ nơi đây, từ chính thế giới tối tăm này, tôi mơ ước được sống trong một thế giới tươi sáng, thậm chí thế giới ấy vượt ra ngoài chân trời.

    Từ nơi đây, bằng lá thư này, tôi tìm đến gõ cửa lương tâm những kẻ khủng bố, những kẻ luôn để nhân tính ngủ say, và để chiến tranh luôn thức tỉnh. Từ nơi đây vang lên lời nói của tôi, từ bầu không khí đẫm mùi chiến tranh này chính là nơi chúng ta đang sống.

    Thế giới của tôi thật khác lạ. Thế giới ấy không hề có hận thù, chiến tranh và chủ nghĩa bè phái. Lá cờ của hoàn hảo tung bay trên khắp thế giới của tôi và đoàn kết dưới bầu trời là mặt trăng của thân thiện và mặt trời của tự do. Mỗi lần nhắm mắt lại, tôi mơ về một thế giới nơi có chim bồ câu bay lượn và ánh đèn bừng sáng từ làng mạc ven sườn núi mỗi khi màn đêm buông xuống.

    Thế giới của tôi là một giấc mơ, giấc mơ ấy đưa tôi đi du ngoạn trên mọi nẻo đường, trên những con thuyền nơi cảng biển và chu du cùng ánh nắng mặt trời, đắm mình cùng ánh nắng phía chân trời và chạm vào cầu vồng, giấc mơ lại đưa tôi ngao du cùng mặt trăng trên đường trở về từ những xứ sở nơi người dân tưng bừng chào đón lễ hội bằng pháo hoa tỏa hình sao lấp lánh. Đó là một thế giới mà chúng ta tìm thấy nền văn minh, chợ cổ và những ngôi nhà có cửa sổ rực rỡ sắc hoa hồng.

    Trong thế giới của tôi, tiếng chuông thánh đường Hồi giáo và chuông nhà thờ cùng gióng lên khúc hát ru, và một ngôi sao duyên dáng tỏa sáng rực rỡ giữa muôn vì sao nhỏ nhảy múa xung quanh mỗi khi đêm về. Đó là một thế giới luôn giang rộng cánh tay của mình cho tất cả mọi người, không hề phân biệt màu da.

    Tôi không muốn thế giới của tôi là một nhà máy thuốc súng và tôi không muốn con cái của mình trở thành nạn nhân của sự chia ly. Tôi muốn thế giới này là một nhà máy sản xuất những điều thiện, là nơi cung cấp khoa học, tri thức và văn hóa. Tôi muốn cả thế giới là một chú chim bồ câu mang một cành ô liu trong thế gian đầy bão tố, là một ngọn hải đăng hướng dẫn tàu thuyền cần ẩn náu nơi xa. Tôi muốn nhìn thấy ánh sáng của thế giới trong những đám mây, thấy tiếng cười trong nước mắt.

    Tôi muốn thế giới của tôi trường tồn bất diệt, hoành tráng tựa thiên đường cổ tích với những dãy núi trùng điệp và hùng vĩ. Tôi muốn cả thế giới là một xứ sở nơi trẻ em không hề biết đến âu lo, một thế giới yên bình không biết đến bom rơi, đạn nổ hay gươm dao.

    Tôi muốn thế giới của tôi trở thành một pháo đài vững chắc, mỗi tảng đá của pháo đài chính là những cánh tay của trẻ em luôn ngẩng cao đầu. Tôi muốn thế giới của tôi luôn kiêu hãnh và hiên ngang, một thế giới bất diệt sẽ khiến cho tôi cảm thấy bình minh đang hé sáng.

    Tôi ước mơ tới ngày được sống trong một thế giới nơi bốn mùa đều là mùa xuân, một thế giới rợp màu xanh cây lá, một thế giới đầy sức sống, khoan dung và nhân ái và trung thành, một thế giới nơi trẻ em luôn cố gắng làm điều thiện.

    Tôi ước muốn một thế giới không gì sánh bằng, một thế giới nơi mọi người không chỉ có bình đẳng, một thế giới nơi những đỉnh núi là hy vọng, không khí là tình yêu, đất là lòng nhân ái, và nước là lòng vị tha. Tôi muốn có một xứ sở thần tiên để ươm những mầm xanh của lòng nhân hậu, của lòng vị tha, để tạo ra những thế hệ xuất chúng cho một tương lai đầy hứa hẹn như chúng ta hằng mơ ước.

    Tôi muốn lòng chung thủy luôn bao trùm trên thế giới của tôi, vì nơi tôi sống đang thiếu đức tính này. Tôi ước mơ được làm chủ một thế giới mà tình yêu trở thành biểu tượng và lòng chung thủy là nền tảng, một thế giới nơi mà cả phản bội lẫn hận thù đều chẳng có ý nghĩa gì.

    Tôi không muốn xảy ra các cuộc xung đột giữa người dân trong thế giới của tôi. Tôi muốn mọi người được thống nhất và đoàn kết mãi mãi, mọi người cư xử với Trái đất như một người mẹ ân cần với đứa con mới lọt lòng của mình.

    Tôi mong muốn thế giới của tôi đại diện cho những điều tốt lành, thế giới ấy như tươi sáng hơn nhờ những giọt nước, trái cây ngọt ngào, hàng cây rợp bóng, cơn gió ngát hương hoa, khúc hát của dòng sông, mùa xuân trong lành, rạng chiếu rực rỡ, hoàng hôn đỏ rực, những ngôi sao lấp lánh và vầng trăng tròn vành vạnh. Trong thế giới của tôi, bốn mùa trôi qua không ngừng nghỉ để nuôi dưỡng mọi chúng sinh.

    Tôi ước muốn thế giới của tôi trở thành một người mẹ thứ hai luôn sưởi ấm tôi bằng tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, hy vọng và chở che. Tôi muốn thế giới ấy là nơi mà đau khổ ẩn sâu phía sau những cánh cửa của lãng quên để các chú chim bồ câu của tương lai bay liệng trên bầu trời; một thế giới hội tụ những khoảnh khắc của thiên đường sáng chói; một thế giới quan tâm tới mỗi thế hệ bằng sự dịu dàng, không hề báng bổ hay giận dữ; một thế giới được ru ngủ trên tấm nệm của hy vọng bằng những lời kể về sự bất từ và làm mới những câu chuyện kể ấy bằng các quy tắc của tương lai; một thế giới luôn được quan tâm để không bao giờ tiếc nuối vì tuột mất cơ hội. Đấy là một thế giới mạnh mẽ, cao cả và bất diệt, thế giới ấy cam kết một tương lai huy hoàng và phồn thịnh. Tôi ước muốn thế giới của tôi tựa như một người cha vạm vỡ nhưng hiền lành, một người cha nghiêm khắc nhưng đầy dịu dàng. Hiện nay, chúng tôi đang phải đối mặt với sự chia rẽ và chiến tranh - những hành động cốt để hủy hoại những giấc mơ và ước muốn của chúng tôi.

    Mọi người đều có ước mơ về một người bạn mang tên Thế giới, nhưng tôi cảm thấy bạn luôn ấm áp giữa một cơn bão mùa đông, và tôi thấy bạn tựa như mặt trời trong bầu trời âm u mờ mịt. Bạn là thế giới của tôi, là nơi nương tựa ấm áp như lòng mẹ mỗi khi cô quạnh.

    Đường phố, quảng trường, các tòa nhà và những đại lộ trong thế giới của tôi sẽ không bị ô nhiễm bằng bê tông cốt thép, người dân không lâm vào cảnh vô gia cư, và không thể phá vỡ nổi sự đoàn kết của cộng đồng. Ngày độc lập sẽ không dẫn đến nỗi thất vọng.

    Bạn Thế giới thân mến, tôi thấy bạn giống như một cầu vồng xuất hiện sau những cơn khủng hoảng, trên chiếc cầu vồng ấy không hề có tôn giáo này chinh phục tôn giáo khác, không hề có màu da nào được coi là thượng đẳng. Bạn là một thế giới vượt qua xung đột của con người.

    Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, lá thư vẽ nên những gì tôi tưởng tượng sắp đến đoạn kết tuy rằng lá thư này không giống như những giấc mơ của tôi: Không có hồi kết và sẽ không bao giờ có hồi kết; Vì thế giới của tôi không phải là sao Thổ, sao Kim, sao Thủy hay sao Mộc cho nên đó là một thế giới không có chủ nghĩa bè phái hoặc phân biệt chủng tộc. Thế giới ấy an toàn, ổn định, và được đặc trưng bởi lòng nhân ái và các quyền của con người ở khắp mọi nơi luôn được công nhận.

    Chúc bạn mãi trường tồn và gửi bạn những lời chúc cùng mong ước tốt lành!

    Sara Jadid​

    -Bài dự thi đạt giải nhất Quốc gia, giải Khuyến khích cấp Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 44 (Năm 2015)

    Tác giả của giải thưởng này là bạn học sinh tên là Trương Hải Nam, học sinh trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, với bức thư "Gửi nhà văn Andersen". Bức thư đầy tính nhân văn, tình yêu thương về cuộc sống mà nhiều người mong ước, đặc biệt là những em bé không may có cuộc sống bất hạnh

    [​IMG]

    Dưới đây là nội dung bức thư, mời các bạn đón đọc:



    Xứ sở tình thương..

    Nhà văn Andersen kính mến!

    Ông còn nhớ cháu chứ? Cháu là "Cô bé bán diêm" trong truyện ngắn cùng tên của ông đây ạ, cô bé nghèo khổ phải dò dẫm lê bước trên tuyết giữa mùa đông lạnh giá và từ giã cuộc sống trong một đêm Giáng Sinh – đêm mà ai ai cũng đều cầu chúc những điều tốt lành.

    Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết nên câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhân vật đáng thương đến vậy. Cháu muốn được lớn lên trong một thế giới đẹp đẽ hơn, sống một cuộc sống yên bình hạnh phúc nhưng ngặt nỗi số phận và chính ông đã chẳng cho cháu quyền lựa chọn. Cháu đã phải sống trong cảnh mồ côi mẹ, không lâu sau người bà thân thương nhất cũng đã qua đời, gia sản tiêu tán bởi người cha nghiện ngập, suốt ngày đánh đập, hành hạ con gái, nhất là khi cả ngày cháu chẳng bán được bao diêm nào. Không chỉ nuôi ước mơ về một gia đình hạnh phúc, cháu còn muốn được đi học, được vui chơi như biết bao bạn bè cùng trang lứa; không phải mang bên mình chiếc túi đầy những bao diêm và canh cánh nỗi lo rằng sẽ không bán hết, bị mắng, bị chửi, bị đánh đập.. Cháu buồn và tủi thân lắm ông ạ. Giá như năm ấy, ông tặng cháu một mái ấm trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ để cháu được học, được đến trường cùng bạn bè thì hay biết mấy!

    Thực lòng, thế giới cháu luôn mơ về trong những đêm say giấc không hẳn là một thế giới hiện đại, văn minh bậc nhất; cháu chỉ cần một cuộc sống mà ở đó con người chẳng bao giờ phải đối mặt với chiến tranh, hận thù, bệnh tật, đói nghèo, tệ nạn xã hội.. Chính người bà mà cháu yêu quý đã rời xa cháu vĩnh viễn chỉ vì bệnh tật và nghèo khổ đấy ông ạ! Những cánh chim bồ câu trắng khẽ bay lượn trên bầu trời trong lành, thoáng đãng, chẳng chút bụi bặm, ô nhiễm, bên dưới là mái nhà có dây thường xuân bao quanh, có tiếng mẹ, tiếng cha ấm áp, dịu dàng. Đó mới là cuộc sống mà cháu hằng mong ước, ông có biết?

    Điều mà cháu tiếc nhất ở câu chuyện của ông đó là giữa những con người còn có một khoảng vô hình tồn tại, ngăn cản sự chan hòa của tình thương. Ông cũng biết đấy, trông thấy một bé gái nhỏ, lạnh co ro vì rét giữa đêm giao thừa giá buốt chào diêm mà chẳng ai dừng lại mua giúp một bao. Để rồi khi cô bé ấy "nắm tay bà bay lên", bay về một thế giới khác, người ta cũng chẳng buồn quan tâm, họa chăng chỉ là đôi lời bàn tán để thỏa mãn cho sự hiếu kỳ của họ. Ông ơi, trước khi chết vì cái đói, cái rét, cô bé kia đã chết vì sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn và ích kỷ cả người đời. Càng ngẫm nghĩ, cháu lại càng thấm thía câu nói tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng lại vô cùng ý nghĩa của Loilla Cather: "Nơi nào có tình thương yêu thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu". Giá như con người biết quan tâm đến nhau nhiều hơn thì có lẽ điều kỳ diệu đã xảy ra và cháu đã chẳng trở về với Thượng đế. Tình thương, sự sẻ chia, giúp đỡ đồng loại, chỉ mơ ước nhỏ bé ấy thôi mà chẳng ai giúp cháu, giúp những em bé có hoàn cảnh như cháu thực hiện được, ông nhỉ?

    Ông ơi! Chắc hẳn ông ngạc nhiên lắm! Cô bé của ông ngoan ngoãn ngày nào, nay lại viết thư để phiền trách ông với lý do ông chưa cho nó được một cuộc sống như nó vẫn mơ ước. Không đâu ông, cháu hiểu vì nỗi lòng trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết nên một câu chuyện buồn như thế; ông viết nó bằng cả tâm huyết của mình với hi vọng có thể thức tỉnh được trái tim vô cảm của một số con người, để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Phải rồi ông ơi, từ ngày "Cô bé bán diêm" được xuất bản và phát hành nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều fan hâm mộ viết thư cho cháu. Bức thư gần nhất mà cháu nhận được là những dòng tâm sự đầy cảm xúc của một cậu bé giấu tên, đến từ Việt Nam. Trong thư, cậu có nhắc đến một cuộc thi với chủ đề rất hay: "Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó". Vậy là cháu quyết định viết và gửi thư cho ông, với mong muốn qua những chuyến xe bưu chính UPU, lá thư này sẽ đến được tay ông, giúp ông hiểu được nhiều hơn những ước mơ, hoài bão của cháu cũng như bao trái tim bé bỏng khác về một thế giới mà mọi đứa trẻ đều muốn lớn lên và phát triển ở đó.

    Ông ơi, hi vọng ông sẽ nhớ về cháu, về truyện ngắn mang tên đứa bé này hơn 166 năm về trước. Luôn ấp ủ một niềm tin là ông vẫn khỏe mạnh, luôn ấp ủ một tình yêu đối với Andersen của cháu. Chúc ông một buổi tối thật nhiều niềm vui!

    Cô bé bán diêm​

    Hết phần 4 (Còn nữa)

    Mời các bạn đón đọc phần 5 của chủ đề: Những bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU – Những xúc cảm nhân văn nhất về nhân loại!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...