Tổng Hợp Kiến Thức Quốc Phong

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Hà Ngọc Băng Tâm, 1 Tháng một 2019.

  1. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    Cái gọi là Quốc Phong xuất phát từ Thi Kinh, có từ thời Xuân Thu-Trung Quốc. Tinh hoa trong Thi Kinh là tập hợp thi ca xuất sắc nhất trong nhân gian. Ngày nay nhắc đến Quốc Phong không chỉ là vinh quang và khí phách của nền lịch sử Trung Hoa thâm sâu rộng lớn, mà còn là trách nhiệm của cả dân tộc Trung Hoa trên con đường gìn giữ và phát triển Quốc Phong!

    [​IMG]

    Bài viết này tổng hợp những kiến thức cơ bản của những chủ đề thuộc về Quốc Phong. Các chủ đề cụ thể sẽ được tổng hợp trong phần bình luận để mọi người tiện theo dõi.
     
    Clionadhshasha thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  2. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    1. Tước-chén rượu hay còn gọi là Ẩm tửu khí (đồ uống rượu) (có hình dáng giống chim tước)

    [​IMG]

    "Dĩ tửu điện ư giang trung, mãn ẩm tam tước" -Tam Quốc Diễn Nghĩa​

    Dịch nghĩa: Rót rượu xuống sông, uống ba chén đầy

    Vài nét về văn hóa Rượu của người Trung Quốc:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    -Rượu được xem là loại thức uống thể hiện sự trang trọng trong văn hóa Trung Hoa.

    - Xuất hiện trên đất nước Trung Quốc cách đây hơn 7000 năm, từ thời Thần Nông-ông vua huyền sử dạy dân nghề nông và trồng thảo dược; việc trồng ngũ cốc dần dần đưa đến việc nấu rượu. Theo một thuyết khác, kỹ thuật nấu rượu bắt đầu từ đời Hạ (2100 TCN - khoảng 1600 TCN).

    - Rượu có hai loại : Hoàng tửu và mễ tửu

    +Hoàng tửu:

    *được lên men và ủ trực tiếp từ ngũ cốc như gạo hoặc lúa mì và trải qua thời gian dài đun nấu

    *nồng độ thường dưới 20 độ

    *là loại rượu nhẹ, được khử trùng, đóng chai và đem bán trên thị trường

    *Cũng được dùng làm nguyên liệu để chưng cất thành mễ tửu

    +Mễ tửu

    *nồng độ cao, thông thường lớn hơn 30 độ

    *khi uống có cảm giác cay và nóng đốt trong cổ

    *thường được hâm nóng trước khi uống nên còn được gọi là Thiêu tửu

    *không tốt cho sức khỏe bằng hoàng tửu

    - Rượu được làm từ ngũ cốc nhưng có sự khác nhau giữa các vùng:

    +miền Nam dùng gạo nếp

    +miền Bắc dùng lúa mì, đại mạch, cao lương hoặc hỗn hợp ngũ cốc

    - Men rượu gọi là khúc bính hay tửu dược

    - Rượu Mao Đài (tỉnh Quý Châu), được tôn là quốc tửu

    - Một số loại rượu nổi tiếng : Rượu Phần và rượu Trúc Diệp Thanh (tỉnh Sơn Tây) ; rượu Ngũ Lương Dịch, rượu Kiếm Nam Xuân, rượu Đại Khúc, rượu Đặc Khúc, rượu Lô Châu Lão Diếu (tỉnh Tứ Xuyên) ; rượu Cổ Tỉnh (tỉnh An Huy) ; rượu Dương Hà Đại Khúc (tỉnh Giang Tô) ; rượu Đồng (tỉnh Quý Châu) ; rượu Mỹ Vị Tư (tỉnh Sơn Đông) ; rượu nho đỏ Bắc Kinh, rượu nho trắng Sa Thành (tỉnh Hà Bắc) ; rượu nho trắng Dân Quyền (tỉnh Hà Nam) ; rượu nếp Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang)..

    - Các loại rượu thuốc hay rượu bổ như rượu nhân sâm, rượu cao hổ cốt, rượu lộc nhung, rượu rắn, rượu tráng dương bổ thận..

    - Rượu và đời sống :

    +thời xa xưa: Rượu dùng trong các buổi yến tiệc của vua quan và hoàng đế

    +trong những cuộc chiến sinh tử, rượu là thức uống mà các tướng soái dùng để mời các binh lính của mình trước khi ra trận như là một sự tôn trọng và đại diện cho lòng trung thành

    +rượu còn là nguồn ngẫu hứng thi ca, uống rượu là một thói quen tao nhã của thi nhân, hiện thân trong những buổi họp mặt, đoàn viên, cả trong buổi ước hẹn hay chia ly lưu truyền cho đến ngày nay.

    +ngày nay, Người Trung Quốc cũng thường sử dụng rượu trong những ngày đặc biệt như: Ngày Tết Nguyên đán, ngày Tết Trùng dương (hay Trùng cửu, mồng 9 tháng 9 Âm lịch), ngày thôi nôi và đầy tháng của trẻ, cưới hỏi, thi đậu, thăng quan tiến chức, mừng thọ, sinh nhật, chia tay đưa tiễn.. Ở miền Nam, khi sinh con gái, cha mẹ cô bé nấu rượu, cho vào bình, chôn xuống đất. Lúc con gái lấy chồng, bình rượu được đào lên làm quà mừng cô dâu.

    - Cách uống rươu:

    +Khi mời rượu, chủ nhân phải rót tràn ly để thể hiện sự tôn trọng khách.

    +mời bậc trưởng thượng dùng trước

    +người mời rượu nên đứng dậy, hai tay nâng ly trang trọng

    +Khi cụng ly thì người nhỏ tuổi hay người có địa vị thấp hơn phải để ly rượu thấp hơn miệng ly của người kia một chút. Khi nâng ly thì mời mọc, đẩy đưa, chúc tụng qua lại, nào là "Chúc ngài phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn", hay "tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu - uống rượu gặp tri kỷ, ngàn ly cũng là ít"

    +Lúc uống phải dùng một hơi cạn ly, trường hợp không uống được thì nhờ người khác uống thay để giữ thể diện. Nếu tửu lượng kém thì nên báo trước để mọi người thông cảm, bằng không đến lượt uống mà từ chối sẽ bị đánh giá là thiếu tôn trọng
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  3. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    2. Đàn tam huyền

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tam huyền là loại nhạc cụ truyền thống của người Trung Quốc. Thùng đàn hình vuông, hai mặt bọc da, có ba dây đàn. Đàn tam huyền chịu ảnh hưởng từ các vùng miền văn hóa khác nhau, nên đàn tam huyền cũng có nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến là đàn lớn và đàn tam huyền nhỏ hai dây.

    Đàn tam có âm sắc không giống các đàn khảy dây khác như đàn tỳ bà, đàn nguyệt hay đàn tứ. Điều này có lẽ chịu ảnh hưởng phần nào bởi mặt bầu vang bịt da trăn. Đàn tam có màu âm vang, ấm, sáng sủa, thích hợp rộn rã. Dây đàn được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol – Do -Sol hoặc Sol – Re – Sol. Tuy nhiên khi ở quãng thấp âm sắc đàn tam hơi đục, dùng để thể hiện những giai điệu trầm hùng, khỏe khoắn.

    Đối với đàn tam cỡ vừa và lớn, âm sắc hơi mờ và đục hơn đàn cỡ nhỏ, âm thanh gần giống như tiếng trống. Các loại đàn tam đều có âm vực khoảng 3 quãng tám.
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  4. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    3. Kinh kịch

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    -Kinh kịch là một loại hình sân khấu có lịch sử trên 200 năm, được xem như một trong những di sản văn hóa đặc sắc nhất của Trung Quốc, mang đậm nét văn hóa thuần túy Á Đông, được người phương Tây gọi là "ca kịch phương Đông"

    - Kinh kịch là biến thể của các loại tuồng cổ địa phương

    - Hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của vương triều nhà Thanh, là kết quả của sự trộn lẫn giữa Huy kịch với Hán kịch.

    Ban đầu nghệ thuật diễn tuồng sân khấu của Trung Hoa cổ được gọi là ca kịch hay hí kịch là một thể loại diễn tuồng bao gồm ca múa (ngâm khúc kèm theo nghệ thuật vũ đạo), thậm chí có cả các loại tạp kĩ pha trộn như kể chuyện, các màn nhào lộn, xiếc, diễn hoạt kê. Đến thời Nhà Đường nó được gọi là hí kịch. Các thể loại kịch của Trung Quốc thường lấy các sự tích câu chuyện những vị anh hùng trong dân gian và lịch sử làm đề tài chủ đạo. Thời nhà tống nó được gọi là Tham Quân hí hay Tạp Kịch. Các nhân vật trong tạp kịch thời nhà Nguyên là anh hùng, văn nhân, kĩ nữ, cường đạo, quan tòa, ẩn sĩ, và các vai siêu nhiên (ma, quỷ, v. V). Trải qua nhiều giai đoạn nó có tên là Nam hí, Truyền kì, Côn khúc, Huy Kịch và cuối cùng được gọi là Kinh Kịch.

    Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bằng cả quá trình thể hiện hợp nhất giữa "Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, vũ đạo", để thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Các nhân vật trong Kinh kịch chủ yếu được chia làm bốn vai lớn là: Sinh (vai nam), Đán (vai nữ), Tịnh (vai tà), Sửu (vai hề), ngoài ra còn có một số vai phụ.

    Mặt nạ trong kinh kịch được gọi là kiểm phổ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành công của kinh kịch. Qua mặt nạ khán giả có thể nhận dạnh được tính cách nhân vật. Màu sắc chính được dùng trong kiểm phổ là màu đỏ - tính cách trung thành nhất mực; màu trắng – tính cách gian trá, độc ác; màu xanh dương – tính cách kiên cường, dũng cảm; màu vàng – đại diện cho thần phật, quý quái..

    Ở thời kỳ Hoàng Cung, Vua chúa, Hoàng gia quý tộc thường xuyên xem những buổi biểu diễn kinh kịch. Nhờ thế mà kinh kịch hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đó. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, là thời kỳ Kinh kịch phát triển mạnh mẽ và trở thành loại tuồng sân khấu lớn nhất Trung Quốc. Về số lượng phong phú của các tác phẩm Kinh kịch, số lượng nghệ nhân biểu diễn, số lượng các đoàn Kinh kịch, số lượng khán giả xem Kinh kịch, cũng như sự ảnh hưởng sâu rộng của Kinh Kịch đều đứng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng giữa những năm 40 của thế kỷ 20 kinh kịch mất dần vị thế trên nền nghệ thuật sân khấu Trung Quốc. Để cải thiện tình hình này, những năm gần đây kinh kịch bắt đầu được đầu tư và cho ra đời hai bộ kinh kịch gây tiếng vang lớn. Một là "Bá Vương Biệt Cơ", hai là "Forever Enthralled" (Đời nô bộc) cùng của đạo diễn Trần Khải Ca và do Chương Tử Di đóng vai chính. Các đạo diễn đã cải biên tác phẩm văn học sang kịch bản Kinh kịch. Chính điều này tạo nên sự mới mẻ và thu hút cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

    Hiện nay, trong các sự kiện văn hóa Trung Quốc, Kinh Kịch được diễn cho khán giả xem để biết về văn hóa, lịch sử của Trung Quốc. Tham quan thành phố Bắc Kinh bạn có thể tới Nhà hát Kinh Kịch Bắc Kinh là một nhà hát lớn nổi tiếng để trình bày loại hình nghệ thuật được yêu thích này, nhất là những người cao niên. (theo tiengtrungvip. Com)
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  5. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    4. Đôn Hoàng

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đôn Hoàng - vùng đất phía Tây Bắc Trung Quốc - là điểm khởi đầu trên con đường giao thương hay còn được gọi là "con đường tơ lụa" giữa Trung Quốc và các nước Tây vực. Không chỉ đẹp về mặt vị thế, Đôn Hoàng còn là nơi chứa đựng nhiều kho báu nghệ thuật của người Trung Hoa cổ, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.

    Xưa kia, Đôn Hoàng do các bộ tộc thiểu số, chủ yếu là Hung Nô cai quản, từ thời Tây Hán mới được nhập vào Trung Quốc. Cũng tại nơi đây vào những năm 300, hệ thống hang Mạc Cao với hơn 1.000 hang động bắt đầu được xây dựng, kéo theo sự ra đời của hàng ngàn tượng Phật với vô số tư thế và kích thước khác nhau. Đặc biệt, những bích họa phủ kín các vòm trần và tường trong các hang động tại Đôn Hoàng, gắn liền với các sự tích Phật giáo mà nhiều nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật.

    Những bích họa ở Hang Đôn Hoàng phần lớn đều mang đề tài Phật giáo, ví dụ hình vẽ các loại Phật, Bồ Tát, Thiên Hoàng, những bức vẽ liên hoàn theo cốt chuyện trong Kinh Phật; hay những bức họa về sử tích Phật giáo v.. v.. kết hợp với những chuyện truyền thuyết và nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Ấn độ, Trung Á và Trung Quốc.

    Hang đá Mạc Cao là một hệ thống 492 ngôi đền cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 km về phía Đông Nam. Đây cũng được gọi là Thiên Phật Động hay hang Đôn Hoàng. Các hang đá này thực sự không phải là hang đá tự nhiên mà là các công trình chạm khắc trong đá, thuộc dạng kiến trúc chạm khắc đá.

    [​IMG]

    Hang Mạc Cao là một ngôi nhà đá có quy mô lớn nhất, nội dung phong phú nhất và có giá trị nghệ thuật cao nhất của Trung Quốc còn tồn tại cho đến ngày nay. Các tác phẩm nghệ thuật chủ yếu trong ngôi nhà đá này là các tượng điêu khắc và các bức bích họa.

    Hang Mạc Cao còn gọi là "Động nghìn Phật" tọa Tây nhìn ra phía Đông. Chiều dài Nam Bắc của các hang động Mạc Cao lên tới 1610m, từ trên xuống dưới tổng cộng có 5 tầng. Hang Mạc Cao được công nhận là kho báu văn hóa nghệ thuật và phòng tranh nghệ thuật Phật giáo được bảo tồn hoàn chỉnh nhất, có nội dung phong phú nhất, có quy mô lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới.

    Hang Mạc Cao có chiều dài 1600m trong đó cất giữ hơn 50.000 bản văn thư, có bích họa của 10 triều đại.. chiếm hơn 45000m2. Kiến trúc kết cấu gỗ, cột đá hoa sen và gạch lát nền hàng nghìn tấm. Nếu nối liền tất cả các bích họa trong hang lại, có thể tạo thành một hành lang tranh cực lớn, dài tới 25km

    Ở đây có hơn 490 hang, 45 nghìn m2 tranh vách đá trong hang, hơn 3 nghìn pho tượng màu toàn thân và 5 công trình kiến trúc động thời Đường Tống.

    Ngoài ra, trong động chứa Kinh Phật còn phát hiện khoảng 5 vạn bản kinh chép tay và các tư liệu lịch sử khác. Trong đó, có hàng nghìn bức tranh lụa, tranh khắc gỗ, tranh thêu và nhiều tác phẩm thư pháp. Các học giả phương Tây gọi tranh vách đá Đôn Hoàng là "Thư viện trên vách đá".

    Phi thiên-Bích họa Đôn Hoàng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    [​IMG]

    Phi thiên là Phi Thần được vẽ trong hang động của Đôn Hoàng với tạo hình váy áo tung bay. Bích họa Đôn Hoàng là một thành phần quan trọng trong nghệ thuật Đôn Hoàng-quy mô và tinh xảo
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  6. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    5. Đường thi

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Toàn bộ Đường thi tổng cộng có 900 bài. Mục lục có 12 tập.

    Thơ Đường toàn tập do hoàng đế Khang Hi thời Thanh tự tay biên soạn, đến năm Khang Hi 44 mới soạn xong. (theo Quốc Phong mỹ thiếu niên)

    Thơ Đường có thể chia ra làm 4 giai đoạn:Sơ Đường (618 - 713 ), Thịnh Đường (714 - 766 ), Trung Đường (766 - 835), Vãn Đường (835 - 907 )

    Bài viết sưu tầm liên quan chủ đề: Những tinh túy của âm nhạc Trung Hoa qua cái nhìn của thơ ca-dkn. Tv

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một đặc điểm độc đáo của nền nghệ thuật truyền thống Trung Hoa là các loại hình nghệ thuật thường được phối hợp với nhau để cùng tôn lên giá trị của từng môn nghệ thuật riêng lẻ, cũng như tạo hiệu ứng nghệ thuật tổng hợp cho người thưởng thức, ví như kết hợp thư pháp với tranh, gốm sứ với họa, thơ với nhạc.

    Việc giám định vẻ đẹp của âm nhạc có thể thông qua những bài thơ, bài từ, ca, phú của các văn nhân, từ đó làm nổi bật tinh hoa của cả âm nhạc và thơ ca. Hơn nữa văn hóa truyền thống Trung Hoa là văn hóa thần truyền; cho nên trong câu thơ điệu nhạc thường phảng phất những yếu tố thần tiên cao thâm.

    Dưới đây điểm qua một số bài thơ nổi tiếng của các văn nhân cổ xưa, miêu tả về thanh âm của các nhạc cụ, xin được chia sẻ cùng với quý vị độc giả:


    [những phần nhỏ dưới đây thuộc bài viết được dẫn, những để dễ theo dõi, mình đã tách ra từng nội dung nhỏ, nếu có làm gián đoạn sự theo dõi của các bạn, mong mọi người bỏ qua]

    Nhạc Tiên

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Phạm Thành Quân kích động âm khánh" – Phạm Truyện Chính (thời Đường)

    Lịch lịch văn kim tấu, vi vi hạ ngọc kinh.

    Vi tường gia điệp cửu, thiên thức Động Âm danh.

    Đạm trữ nhân gian thính, khanh thương cổ khúc thành.

    Hà tu bách thú vũ, tự sướng cửu thiên tình.

    Chú mục khán vô kiến, lưu tâm ký vị tinh.

    Vân tiêu như khả thác, tá hạc hướng tằng thành.

    Dịch nghĩa: "Nhạc khánh của Phạm Thành quân làm xúc động"

    Nhiều lần nghe bản tấu vàng, nhẹ nhàng đến kinh đô

    Hỏi dò tình hình gia đình đã lâu, chỉ biết được tên Động Âm

    Lẳng lặng mong nhân gian lắng nghe, leng keng khúc nhạc thành

    Đâu cần xem muông thú nhảy múa, thỏa thích chín tầng Trời

    Chăm chăm nhìn chẳng thấy, để tâm nhớ (nốt nhạc) chưa tinh

    Mây kia nếu có thể nhờ, mượn giùm hạc đến thành lầu

    Phạm Truyện Chính là một thi nhân trong thời kỳ Đường Đức Tông, từng làm Tô Châu thứ sử, là một người vô cùng tài năng, ông có quan hệ khá thân thiết với Lý Bạch. Sau cái chết của Lý Bạch, ông tự mình viết lên trên bia mộ của Lý Bạch dòng chữ: "Tặng tả thập di hàn lâm học sĩ Lý công".

    "Phạm Thành Quân kích động âm khánh" là một bài thơ đại ý nói về âm thanh tiếng nhạc từ thiên cung truyền tới, nguyên là từ tiên nhân Phạm Thành Quân gõ vào chiếc khánh (khánh là một loại nhạc khí), thanh âm vang vang, điệu khúc êm tai, để cho ta đứng ngẩn ngơ hồi lâu, dù cho thời kỳ viễn cổ có trăm loài thú nhảy múa cũng khó so với vẻ đẹp này, ta lại nghe được tiên nhạc tuyệt diệu, thật sung sướng vô cùng, chỉ tiếc ở ngoài thiên cung, chẳng những không nhìn thấy, cũng không nhớ rõ, nếu có mây thì ta dựa vào, ta đem hạc cưỡi đến mà tiếp tục lắng nghe..

    "Lịch lịch"... "vi vi" ở đây là hai từ giàu âm cảm, biểu thị sự tao nhã của tiên nhạc huyền ảo, khó mà đoán được. "Chú mục khán vô kiến, lưu tâm ký vị tinh" có ý càng chú ý càng không thấy, hãy chú ý đến vẻ đẹp tinh khiết, càng miêu tả tiên nhạc càng khó, không thể dùng nhạc khí dân gian để hình dung. Nếu miễn cưỡng mà ghi nhớ sẽ rất khó có cảm thụ lâu dài, chỉ có thể tu thành đắc đạo lên tiên giới mới có thể sáng tỏ.

    Thanh nhạc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Thính Dương Thị ca" – Đỗ Phủ (thời Đường)

    Giai nhân tuyệt đại ca, độc lập phát hạo xỉ.

    Mãn đường thảm bất nhạc, hưởng hạ thanh hư lý.

    Giang thành đái tố nguyệt, huống nãi thanh dạ khởi.

    Lão phu bi mộ niên, tráng sĩ lệ như thủy.

    Ngọc bôi cửu tịch mịch, kim quản mê cung chinh.

    Vật vân thính giả bì, ngu trí tâm tẫn tử.

    Cổ lai kiệt xuất sĩ, khởi đãi nhất tri kỷ.

    Ngô văn tích Tần Thanh, khuynh trắc thiên hạ nhĩ.

    Dịch nghĩa: "Nghe Dương Thị hát"

    Giai nhân tuyệt đẹp đang ca hát, đứng một mình, lộ ra hàm răng trắng

    Người nghe buồn bã cả sảnh đường, âm thanh trong trẻo vang trong hư không

    Trăng đã lên bên sông mênh mông thành quách, tiếng ca vang như rách đêm thanh

    Già nua biết phận những năm tàn, tráng sĩ lệ như nước

    Chén ngọc đã lâu không dùng đến, sáo vàng thổi theo từng cung bậc

    Người nghe nào phải ngại ngùng, dù khôn hay dại, lòng đều đắng cay

    Xưa nay ca nhân giỏi trên đời, đâu chỉ chờ một người tri kỷ

    Ta nghe xưa có Tần Thanh, khiến cả thiên hạ nghiêng một bên tai.

    Chữ của Đỗ Phủ rất đẹp, thơ ca rất tinh tế, là một trong những người được đánh giá cao về thơ ca cổ đại Trung Hoa. Ông được thế nhân sùng bái tôn làm "thánh thơ", thơ của ông được gọi là "thi sử".

    Bài thơ mô tả một cách sinh động tiếng hát động lòng người của nàng Dương thị. Dương thị cùng tiếng ca, bất luận là lão nhân, tráng sĩ, kẻ ngốc, trí giả, người thưởng rượu, kẻ đệm đàn đều bị mờ mịt trước giọng ca này. "Thính giả bì" không có ý chỉ sự mệt mỏi, mà ý nói đến cảnh tượng được tạo thành từ thanh âm như phải kiệt sức. "Tâm tận tử" – trái tim đã chết càng làm nổi lên điểm này. Bài thơ này cho thấy những cảnh tượng tàn tạ khắp nơi sau "An Loạn sử", mượn tiếng hát của Dương thị tới miêu tả, cuối cùng kết thúc với bài hát buồn thời chiến quốc Tần Thanh.

    Nhạc đả, kích

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Phương hưởng ca" – Ngư Thù (thời Đường)

    Nhạc trung hà nhạc thiên kham thưởng, vô quá dạ thâm thính phương hưởng.

    Hoãn kích cấp kích khúc vị chung, Bạo vũ phiêu phiêu sinh tọa thượng.

    Khanh khanh đang đang hàn trọng trọng, bàn qua túc phái minh giao long.

    Cao lâu lậu tích kim hồ thủy, toái điện đả trứ sơn tự chung.

    Hựu tự công khanh nhập triêu khứ, Hoàn bội minh ngọc trường nhai lộ.

    Hốt nhiên toái đả nhập phá thanh, thạch sùng thôi đảo san hô thụ.

    Trường đoản tham soa thập lục phiến, xao kích cung thương vô bất biến.

    Thử nhạc bất giáo ngoại nhân văn, Tầm thường chích hướng đường tiền yến.

    Tạm dịch: "Nghe nhạc cụ Phương Hưởng"

    Trong nhạc có thể thưởng thức, vượt qua đêm sâu nghe tiếng phương hưởng,

    Chậm chậm đánh từng hồi vang vào không chung, mưa xối xả trên mặt đất,

    Leng keng leng keng trùng lặp, xoáy nước phát ra âm thanh của giao long (thuồng luồng)

    Lầu cao từng giọt chảy xuống hồ nước, tia chớp đánh vào chiếc chuông sơn miếu,

    Tựa như Công Khanh vào triều, ngọc bội đeo dọc trên đường dài,

    Bỗng nhiện đánh một tiếng vỡ, đá thạch đập vào san hô

    Dài ngắn kém sáu phiến, gõ âm cung âm thương không ngừng,

    Nhạc này không dạy người ngoài, bình thường chỉ theo tiệc rượu an nhàn

    Ngưu Thù – một thi nhân đời Đường, giỏi làm thiên trường ca (những bài hát dài). Bài thơ này miêu tả nhạc khí phương hưởng với đặc điểm âm thanh của nó. Phương hưởng được làm từ 16 phiến đồng hoặc sắt, khi trình diễn sẽ đưa người nghe vào trạng thái như "mưa bay thác đổ". Tác giả trong bài sử dụng phép ẩn dụ khác nhau để miêu tả khí thế của nhạc khúc tấu từ phương hưởng, cùng với những miêu tả khác nhau để so sánh với tiếng nhạc.

    "Khanh khanh đang đang" là tiếng vang trầm tĩnh hùng hồn có âm cảm, trong vòng xoáy nước của giao long thể hiện sự vang vọng âm thanh này. "Cao lâu tích thủy" để nói về tiếng nhạc chậm rãi, ung dung, "Đả sơn tự chung" để nói về tiếng nhạc nhỏ vụn, "Công Khanh nhập triều"... "Hoàn bội minh ngọc" là nói về sự thanh lịch, xinh đẹp của âm thanh. "Thôi đảo san hô tụ" nói về tiếng vang khi phá điệu khúc. Bài thơ này có đặc sắc là không sử dụng điển cố nào, từ ngữ trong bài đều rất gần với lời nói hàng ngày, hoạt bát lưu loát, sinh động tự nhiên.

    Chuông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Viễn sơn chung" – Tiễn Khởi (thời Đường)

    Phong tống xuất sơn chung,

    Vân hà độ thủy thiển.

    Dục tri thanh tẫn xử,

    Điểu diệt liêu thiên viễn.

    Tạm dịch: "Tiếng chuông từ núi xa"

    Gió đưa tiếng chuông từ núi

    Áng mây đo nước cạn

    Muốn biết thanh âm khắp nơi

    Chim lác đác vắng vẻ xa trời

    Tiền Khởi, tự là Trung Văn, là một thi nhân đời Đường, phong cách thơ rất rõ ràng, ưu nhàn, tài hoa, tiêm tú, đặc biệt giỏi tả cảnh, là một trong mười tài tử của Đại Lịch. "Viễn sơn chung" là một bài thơ miêu tả tiếng chuông trong núi thổi theo làn gió, hai chữ "xuất sơn" cùng với chữ "viễn" ở cuối cho thấy tiếng chuông ngân nga vang vọng. "Vân hà" và "độ nước" là hai hình ảnh phân ra chỉ trời và đất, một phóng khoáng, một thanh cạn, tạo nên một cảnh giới ưu mỹ, làm nổi lên thanh lượng của tiếng chuông, hai câu sau thiên về tả tiếng chuông biến mất như chim lác đác, cùng với từ "viễn" xuyên thấu qua hình ảnh, khiến cho người đọc cảm nhận được sâu sắc ý cảnh không gian. Những câu thơ ngắn mà ý cảnh sâu xa là đặc điểm của thơ Đường, trong bài không nói rõ hàm nghĩa, những trong từng chữ viết là ẩn dụ sâu xa, có thể nhìn ra được qua quan niệm nghệ thuật của nhà thơ.

    Đàn Tỳ bà

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trích từ "Tỳ bà hành" – Bạch Cư Dị (thời Đường)

    Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ. Tự tố bình sinh bất đắc chí

    Đê mi tín thủ tực tực đàn. Thuyết tận tâm trung vô hạn sự

    Khinh lung mạn nhiên mạt phục khiêu. Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu

    Đại huyền tào tào như cấp vũ. Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ

    Tào tào thiết thiết thác tạp đàn. Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn

    Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt. U yết lưu cảnh thủy hạ than

    Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt. Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết

    Biệt hữu u sầu ám hận sinh. Thử thời vô thanh thắng hữu thanh

    Ngân bình sạ phá thủy tương bính. Thiết kỵ đột xuất đao thương minh

    Khúc chung thu bát đương tâm hoạch. Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch

    Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn. Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch

    Dịch nghĩa: "Chơi đàn tỳ bà"

    Nghe hoài niệm mấy dây đàn ấn xuống, tựa như dãi bày nỗi niềm bấy lâu

    Hạ thấp lông mày, tay gảy khúc sầu, nói hết chuyện vô hạn trong lòng

    Ngón buông, chậm vuốt, rồi lại gảy, trước là khúc Nghê Thường, sau là khúc Lục Yêu

    Dây lớn ào ào như mưa táp, dây nhỏ nỉ non như tỉ tê chuyện riêng

    (Rồi tiếp đến) tiếng rào rào lẫn tiếng nỉ non, (nghe như) mân ngọc bỗng nảy hạt châu

    (Nghe như) tiếng chim oanh ríu rít trong hoa, như suối róc rách chảy xuống ghềnh

    Suối nước lạnh băng, dây đàn ngưng bặt, tiếng đàn ngưng bặt, bấy giờ bỗng yên lặng

    Tựa có mối sầu hận riêng, lúc này không có tiếng động nhưng lại như có tiếng

    (Bỗng dưng nghe như) Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước, (nghe như) đoàn quân thiết kỵ ào ào đến, thét ngược tiếng đao

    Nàng lướt tay qua bốn dây rồi chấm dứt, bốn dây vang lên một âm thanh như xé mảnh lụa

    Thuyền phía đông tây không một tiếng nói, chỉ thấy vầng trăng thu trong vắt giữa sông

    Bài thơ "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị là một bài thơ được yêu thích của rất nhiều thi nhân xưa và nay, đoạn trích này miêu tả đặc đặc về âm thanh của tiếng đàn tỳ bà, nổi bật ở những phần như:

    "Tào tào" thể hiện cảm giác sâu rộng của dây đàn, "thiết thiết" thể hiện âm nhỏ vụn. "Như cấp vũ"... "tư ngữ" chia ra âm thanh lớn nhỏ phát ra từ sợi dây đàn, sau đó lại lấy "Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn" để miêu tả sự hài hòa của hai âm thanh khi quyện lại. Mặc dù âm thanh cao thấp bất đồng, nhưng khi nghe lại rất dễ chịu, hiện ra chỗ giống nhau trong chỗ bất đồng.

    "Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt"... "U yết lưu tuyền thủy hạ than"... "Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt", là câu thơ truyền thần biểu hiện tiếng tỳ bà xảo diệu biến hóa. "Thử thì vô thanh thắng hữu thanh", câu thơ nói về hiện tượng lúc này không có tiếng nhưng lại như có tiếng, đó là do âm thanh trước đó vẫn còn lưu lại, mặc dù người đã dừng gảy đàn, tạo một cảm giác không gian rộng lớn, dư âm chuyển động của tiếng đàn tỳ bà vẫn còn quanh đây.

    "Ngân bình sạ phá thủy tương bính"... "Thiết kỵ đột xuất đao thương minh".. Sau một dư âm đọng lại, tiếng đàn lại vang lên, hai câu trên mô tả sức mạnh cùng khí thế sinh động của nhạc khúc, vang vang có lực, khí thế tràn trề! "Khúc chung thu bát đương tâm họa" sau bốn câu mô tả tiếng đàn, lại một lần nữa im lặng, âm thanh lần nữa quay về tĩnh mịch, khác với sự im lặng trước đó vì đây là kết thúc thực sự. Đọc đoạn thơ này dường như ta đang được thưởng thức hoàn chỉnh một bài nhạc khúc, chỉ tiếc rằng không được ở tại đó mà thưởng thức.

    Đàn Nhị hồ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Trương Tinh Tinh hồ cầm dẫn" – Dương Duy Trinh (thời Nguyên)

    Trương tinh tinh, thị tửu phục thị âm. Xuân vân tiểu cung anh vũ ngâm, tinh tinh trướng để yết hồ cầm.

    Nhất song ngân ti tử long khẩu, tả hạ ly châu tam bách đấu. Hoa yên hỏa đậu bạo tuyệt huyền, thượng giác oanh thanh tại dương liễu.

    Thần huyền mộng nhập quỷ công thu, tương sơn diêu giang giang đảo lưu. Ngọc thỏ vi nhĩ đình nguyệt cữu, phi ngư vi nhĩ dược thần chu.

    Tây lai thiên quan tọa khảo lão, khương ti trù trù thính giả não. Trương tinh nhất khúc độc đương diên, khất dữ ngũ hoa kim tuyến áo.

    Xuân phong tàn ti nhị thập niên, giang nam tương kiến lạc hoa thiên. Đạo nhân xuân mộng phi hồ điệp, thủ lộng kim biều hợp hoàng diệp.

    Dịch nghĩa:

    Trương Tinh Tinh, ham rượu ham thơ

    Xuân Vân trong điện nhỏ ngâm thơ

    Tinh Tinh sau màn chướng lên dây hồ cầm

    Một đôi miệng rồng xiết 300 hạt ly châu

    Dây cung gảy chỗ này như lửa như đậu vỡ

    Làm bừng tỉnh chim oanh trên cây dưỡng liễu

    Tiếng đàn như nhập quỷ thần mộng

    Núi Tương, sông lớn chảy ngược

    Thỏ Ngọc vì tiếng đàn mà dừng lên cung trăng

    Cá chuồn vì tiếng đàn mà nhảy tận thuyền châu

    Quan trên thiên cung ngồi sọt liễu

    Khương Tơ nghe mà lòng phiền muộn

    Trương Tinh một khúc một mình độc tấu

    Xin làm áo khoác kim tuyến cho năm hoa

    Gió xuân tàn hai mươi năm

    Giang Nam gặp nhau vào ngày hoa rơi

    Đạo nhân trong giấc mộng xuân hóa thành bướm

    Tay gảy dây kim, hợp dây đàn.

    Dương Duy Trinh (1296 – 1370) – một nhà thơ nổi tiếng cuối triều đại nhà Nguyên và đầu triều đại nhà Minh, hiệu là Thiết Tâm Đạo Nhân, ông là người có những bài thơ cổ phong phú và đầy màu sắc, vừa uyển lệ động lòng người, lại hùng tráng tự nhiên, lịch sử gọi ông là "Thiết nhai thể", được nhiều văn nhân các triều đại sùng bái. Bài thơ này được viết khi ông nghe một màn trình diễn của Trương Tinh Tinh, trong bài ông đã miêu tả rất sinh động tiếng đàn nhị hồ (hồ cầm).

    Đoạn thứ nhất nói "ly châu" là nói về truyền thuyết miệng ly long ngậm bảo châu, đem màn trình diễn hồ đàn, ví như miêng rồng nhả châu. Giống như trên bài "Tỳ bà hành" được Bạch Cư Dị dùng hạt châu lớn nhỏ để hình dung tiếng đàn, chỉ có điều ở đây nhạc khí bất đồng, nhưng vẫn có hàm ý lộ vẻ trân quý, hiếm thấy.

    "Hoa yên hỏa đậu bạo tuyệt huyền, thượng giác oanh thanh tại dương liễu. Thần huyền mộng nhập quỷ công thu, tương sơn diêu giang giang đảo lưu." miêu tả một âm vang vang có lực, tựa như vượt qua thời không, khiến chim phải giật mình, tài đánh đàn nhập quỷ thần công, làm cho núi sông điên đảo, thậm chí có thể làm Thỏ Ngọc đến tháng mà dừng lên thiên cung, làm cá phải bay nhảy. Tiếng đàn còn bay đến thiên cung, thần linh cũng có thể nghe thấy, Trương Tinh Tinh đàn một khúc có thể mở một bữa tiệc rượu trước sân nhà cho mọi người đến thưởng thức.

    Âm sắc này còn khiến cho ông nhớ về một câu chuyện, giống như cảm giác du ngoạn Giang Nam nhìn thấy cánh hoa rơi. "Đạo nhân xuân mộng phi hồ điệp, thủ lộng kim biều hợp hoàng diệp", đoạn này dùng câu chuyện cổ về Trang Chu mộng điệp: Như ảo mộng, là Trang Chu hóa thành con bướm? Hay con bướm nằm mộng hóa thành Trang Chu? Liệu có phải đang thực sự ngồi nghe đàn, hay chỉ nằm mộng đến tiếng đàn này mà thôi!

    Theo epochtimes. Com

    Uyển Vân biên dịch
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
  7. Hà Ngọc Băng Tâm

    Bài viết:
    54
    6. Cổ cầm

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cổ cầm hay còn được gọi là Thất Huyền Cầm, là loại nhạc cụ xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc. Cổ cầm thường được dùng tron g các nghi lễ. Âm vực của cổ cầm rất rộng, âm sắc thâm trầm, dư âm vọng xa. Thời cổ đại, cổ cầm không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là công cụ để các văn nhân nhã sĩ tu thân dưỡng tính, cầm là đời sống tinh thần, dùng đàn đề tĩnh tâm ngộ đạo.

    Bài viết hay liên quan: 6 điều kiêng kị và 7 điều cấm khi gảy cổ cầm

    Cầm, kỳ, thư, họa "là tứ nghệ của văn nhân thời cổ đại. Trong đó Cầm là đứng đầu. Cổ nhân thưởng thức nghệ thuật cầm lạc thì đặc biệt chú ý đến sự" thanh tĩnh "và" sạch sẽ ". Thời xưa, cổ nhân không tùy tiện gảy Cổ Cầm, hay nói cách khác, Cổ Cầm không phải nhạc khí mà cổ nhân muốn gảy lúc nào cũng được.

    Nếu thấy bản thân không đạt được trạng thái" tịnh "và" tĩnh ", các văn nhân nhã sĩ thời xưa sẽ không gảy Cổ Cầm. Điều này có nguyên nhân từ nguồn gốc ra đời và ý nghĩa biểu đạt của Cổ Cầm.

    Về hình dáng, Cổ Cầm được mô phỏng giống với hình dáng của Phượng Hoàng, toàn thân đàn tương ứng với thân Phượng Hoàng (cũng có thể nói tương ứng với thân người) bao gồm: Đầu đàn, cổ đàn, vai đàn, lưng đàn, đuôi đàn, chân đàn. Phần phía trên đầu đàn được gọi là phần trán, đoạn dưới phần trán có nạm gỗ cứng để buộc dây đàn, gọi là Nhạc Sơn (hay Lâm Nhạc) là phần cao nhất của đàn. Phần đáy đàn có hai rãnh âm, nằm ở phần giữa đáy đàn kích thước lớn gọi là Rãnh Long, nằm ở phần đuôi của đáy đàn kích thước nhỏ hơn gọi là Rãnh Phượng, đây gọi là trên núi dưới biển vừa có Rồng lại vừa có Phượng, tượng trưng cho đất trời vạn vật.

    Trong" Tân luận – Cầm đạo thiên "của Hoàn Đàm (23 – 56 TrCN) ghi:" Xưa kia Thần Nông kế tục Bào Hy làm vua thiên hạ, trên theo phép trời, dưới theo phép đất, gần lấy thân, xa lấy vật, vì thế đã vót cây ngô đồng làm cầm, lấy tơ làm dây, lấy đức thần linh hòa cùng trời đất ". Nói cách khác, kết cấu của" cầm "tượng trưng cho đức của thần linh, hòa điệu cùng trời đất.

    Vì đã là chế tạo của bậc thánh hiền," cầm "đương nhiên trở thành công cụ để phát dương đạo đức tinh thần của tiên hiền. Bởi vậy, mỗi một khâu trong quá trình chế tạo" cầm "đều ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt.

    Tỷ như, tiêu chuẩn hình dạng của" cầm "là trước rộng sau hẹp. Điều này là có ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn ti. Trong" Phong tục thông "của Ứng Thiệu thời Đông Hán có ghi lại:" Cầm dài 4 thước 5 tấc, theo tứ thời ngũ hành, 7 dây tượng trưng cho 7 tinh tú, dây lớn là quân, dây nhỏ là thần, thêm 2 dây Văn vương và Võ vương, mang ý nghĩa ân huệ vua tôi ". Điều này nói rõ rằng," cầm "ban đầu vốn có 5 dây tượng trưng cho ngũ hành, sau thêm 2 dây Văn vương và Võ vương để có nội hàm ý nghĩa ân huệ của vua tôi.


    [​IMG]

    (Hình minh họa: Qua hongyaxuan)

    Về huy vị (âm vị trên đàn) của đàn Cổ Cầm, trong" Cầm tiên "của Thôi Tôn Độ (954 – 1020) triều nhà Tống có kể rõ:" 13 huy tượng trưng cho các tháng trong năm, ở giữa tượng trưng cho nhuận ". Vốn là đàn cổ có 12 huy tượng trưng cho 12 tháng, còn huy lớn nhất ở giữa đại biểu cho Quân vương, tượng trưng cho tháng nhuận.

    Về âm sắc, đàn Cổ Cầm có 3 loại là" âm phiếm "..." âm án "và" âm tản ", tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân hòa hợp. Trong" Lạc thác – Ngụy Văn Hầu "ghi:" Quân tử nghe âm cầm sắt, tất nghĩ về bề tôi có chí nghĩa ". Có nghĩa là âm sắc ôn nhu của dây cầm sắt là để liên hệ đến bề tôi có chí nghĩa chính trực, trung hậu.

    Lịch sử đàn Cổ Cầm có thể truy về 3000 năm trước, các văn nhân hiền sĩ ngày xưa thường nhờ đàn Cổ Cầm mà nổi danh thiên hạ, như bậc thánh hiền Khổng Tử chính là một nhà soạn nhạc cũng như diễn tấu Cổ Cầm nổi tiếng. Hay như Bá Nha nổi danh thời Xuân Thu cũng qua quá trình học Cổ Cầm trên đảo Bồng Lai, cho chúng ta lãnh hội được trí tuệ" lặng nhìn đất trời, thuận theo tự nhiên ".

    Trong mưu kế" bỏ trống thành "nổi tiếng thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã dùng cách gảy đàn Cổ Cầm âm điệu khoan thai để đẩy lùi mười vạn quân của Tư Mã Ý. Thời Ngụy Tấn, Kê Khang tinh thông đàn Cổ Cầm, tuy bị Tư Mã Chiêu hãm hại, nhưng trước khi bị tử hình vẫn thản nhiên diễn tấu bài Quảng Lăng thất truyền, làm cảm động trời đất, quỷ sợ thần khóc.

    Đây là những câu chuyện nổi tiếng lịch sử liên quan đến đàn Cổ Cầm, từ đây chúng ta phần nào hiểu được tinh thần của các sĩ phu và văn nhân thời cổ đại đối với loại nghệ thuật này.


    [​IMG]

    (Hình minh họa: Qua kknews)

    Âm điệu của Cổ Cầm sở dĩ có thể khiến tâm trạng chúng ta khi nghe cảm thấy có gì đó thanh cao cổ xưa, là vì người xưa nghiên cứu rất cẩn thận về thời cơ, tâm tình, dáng vẻ, bầu không khí, thậm chí lựa chọn đối tượng khi chơi đàn. Có thuyết gọi là" lục kỵ, thất bất đàn "(6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi đàn).

    " Lục kỵ "là chỉ 6 hiện tượng thiên văn thời tiết, bao gồm: Đại hàn (trời lạnh), đại thử (trời nóng), đại phong (lúc gió lớn), đại vũ (lúc mưa lớn), tấn lôi (lúc sấm sét) và đại tuyết (tuyết rơi).

    " Thất bất đàn "bao gồm bảy tình huống là: Nghe tin có tang ma, khi có tấu nhạc ồn ào, khi có sự cố lộn xộn, người không sạch sẽ, áo mũ không ngay ngắn, không đốt hương, và không gặp tri âm.

    Trong" Thần kỳ bí phổ "thời nhà Minh đã chỉ rõ:" Cổ Cầm là vật do thánh nhân làm thành, theo thuật chính tâm, dẫn chính sự, hòa lục khí, điều ngọc chúc, đúng là linh khí của trời đất, là thần vật của đời thái cổ, là giai điệu để thánh nhân quản lý việc nước, là vật để quân tử tu dưỡng ". Như vậy," cầm "được xem là một chuẩn mực để thánh nhân quản lý quốc sự, là điểm tựa để người quân tử tu tâm dưỡng tính, vì thế chỉ cần làm trái khí phách của thánh nhân và quân tử thì nhất định không đàn.

    Trong" Bạch hổ thông ", Ban Cố (32 – 92) đã chú giải tuyệt vời về nội hàm của" cầm "..." Kẻ đàn, nhẫn nhịn, vì thế nghiêm cấm tà ma, phải chính nhân tâm ". Như vậy, có thể thấy" cầm "có ẩn chứa sức mạnh ngăn chặn dâm tà và uốn nắn, tu chỉnh tâm con người.

    Người xưa xem nghệ thuật Cổ Cầm là thể hiện vẻ đẹp, cao quý, trí tuệ vượt ra ngoài thế gian, được xem là cảnh giới" thiên nhân hợp nhất "và" thiên địa tương thông". Vì thế so với các loại nhạc khí khác thì Cổ Cầm thể hiện sâu sắc hơn về nội hàm văn hóa truyền thống và thể hiện cảnh giới tinh thần của thánh nhân truyền lại mà người tu đạo cần phải có.

    An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)
     
    Last edited by a moderator: 3 Tháng một 2019
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...