Đề ôn tập đọc hiểu 01: NÚI CỦA TA (trích) Giữa cánh đồng, người ta có thể vang vang cất cao giọng. Ở đỉnh núi, người ta chỉ im lặng và nhìn. Tôi nhớ hình ảnh những chấm sáng xanh xao, trong lẻo trên con đường vắng ngắt từ bãi Cậm Cam lúp xúp ngoằn trườn vào chân núi. Không cần một sự khích động nào mà đom đóm vẫn cứ vẩn loạn lên, cứ tự xô dạt, náo động. Vào những lúc thế, núi Hột lại phát ra tiếng thì thầm đầy khó hiểu, tuồng như chỉ dành cho bầy đom đóm nghe. Trong lòng núi, là tôi cảm thấy thế, luôn có một ai đó đang giật dây điều khiển đêm trăng với sự tuân phục của vạn vật. Ai đó đang nói thầm với chúng ta về những bí ẩn vô tận của nỗi hoang vu, và thúc giục chúng ta bước tới. Con người có thể đem biển vào nhà của mình, nhưng với núi thì bất khả. Núi, mọi ngọn núi, đều đứng ngoài các khuôn khổ. Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là một cạm bẫy, nó giam cầm chúng ta, nó thu nhỏ chúng ta lại, làm chúng ta cạn kiệt dần đi, và khiến đôi chân trở nên thừa thãi trong khi đôi cánh không hề mọc ra. Tự do thường biến mất bởi đủ đầy. Núi cung hiến cho chúng ta một thứ cực giá trị, đó là khả năng tự tại. Chỉ trên mảnh đất tự tại, hạt tự do mới nảy mầm. Từ núi, chúng ta có cả một dải sáng nếu đấy là bình minh, và có cho mình một quầng rực rỡ màu cam nếu đấy là lúc mặt trời đang chậm chậm nghiêng theo sườn non. Vạt nghiêng của núi mang tới cho chúng ta sự tinh tế sảng khoái. Chúng ta cao lớn cùng với núi bởi chúng ta được cộng thêm trí tưởng tượng tuyệt vời của mình. Khi con người nhắm mắt, giữa hai hốc mắt nó sẽ có khoảng nhập nhoàng các sắc màu. Cái nhập nhoàng ấy là sự hỗn độn thần diệu của khoảnh khắc trước lúc thế giới hình thành. Sau đó phong cảnh sẽ dần dà hiện ra. Với tôi, trong phong cảnh nào cũng có núi Hột, ngọn núi mà từng tế bào của tôi vun vén, đắp xây nên, thông qua ký ức và ước mơ. (Trích Núi của ta, Nguyễn Bình Phương, Tạp chí Tia sáng, số 2+3 ngày 20/01/2024, tr. 8) *Chú thích: Núi Hột của xã Linh Sơn, thuộc Thái Nguyên Câu 1. Xác định nội dung của đoạn văn bản trên Văn bản viết về những cảm xúc tự hào, yêu mến, trân trọng của tác giả với những giá trị tinh thần mà núi mang lại. Câu 2. Tìm những chi tiết nói về vẻ đẹp của quang cảnh ở núi Hột được nói tới trong văn bản Chi tiết: - Những chấm sáng xanh xao, trong lẻo trên con đường vắng ngắt từ bãi Cậm Cam lúp xúp ngoằn trườn vào chân núi - Đom đóm vẫn cứ vẩn loạn lên, cứ tự xô dạt, náo động - Có cả một dải sáng nếu đấy là bình minh, một quầng rực rỡ màu cam nếu đấy là lúc mặt trời đang chậm chậm nghiêng theo sườn non Câu 3. Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu văn sau: "Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là một cạm bẫy, nó giam cầm chúng ta, nó thu nhỏ chúng ta lại, làm chúng ta cạn kiệt dần đi, và khiến đôi chân trở nên thừa thãi trong khi đôi cánh không hề mọc ra." - Phép liệt kê: là một cạm bẫy giam cầm chúng ta thu nhỏ chúng ta lại làm chúng ta cạn kiệt dần đi khiến đôi chân trở nên thừa thãi trong khi đôi cánh không hề mọc ra - Tác dụng: Nhấn mạnh đầy đủ và sâu sắc các tác động không tốt của "một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi" với tinh thần và ý chí của con người Tạo nhịp điệu cho lời văn Cho thấy tình yêu, sự biết ơn, trân trọng của tác giả với những giá trị tinh thần mà núi Hột mang lại Câu 4. Trong văn bản, theo tác giả, đứng trước núi, con người chúng ta có thể cảm nhận được những giá trị tinh thần? Từ đó, theo anh/chị, hình ảnh núi Hột có ý nghĩa gì? Câu 5. Từ cách hiểu của anh/chị về văn bản trên, hãy rút ra và giải thích ngắn gọn một thông điệp cho bản thân (Viết 3-5 câu)
Đề ôn tập đọc hiểu 02: Sông Hương giữa rừng Trường Sơn Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng. (Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường) 1. Nêu nội dung của đoạn trích Nội dung: Miêu tả vẻ đẹp của sông Hương ở giữa rừng Trường Sơn 2. Liệt kê những từ ngữ miêu tả sông Hương và nhận xét về sông Hương giữa rừng Trường Sơn - Từ ngữ miêu tả sông Hương: một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở phần tâm hồn sâu thẳm mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại - Nhận xét về sông Hương: vẻ đẹp đa dạng, phong phú dòng chảy hoang sơ dữ dội rất khác biệt khi nó ở Huế 3. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong đoạn trích - Biện pháp nghệ thuật nhân hóa: Coi dòng sông như một người con gái phóng khoáng và man dại - Hiệu quả tu từ: Khiến lời văn sinh động, gợi hình gợi cảm Nhấn mạnh vẻ đẹp gợi cảm, cá tính của sông Hương giữa rừng Trường Sơn (khác với vẻ đẹp nữ tính khi nó ở Huế) Thể hiện tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ, sự thích thú, bất ngờ trước sự thay đổi qua từng vùng của sông Hương 4. Nhận xét về cảm xúc của tác giả đối với sông Hương trong đoạn trích - Cảm xúc của tác giả: Bất ngờ trước sự dữ dội và mãnh liệt của sông Hương ở thượng nguồn "nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn", Thích thú trước sự kín đáo của sông Hương - Tình cảm với sông Hương được bộc lộ khi thì trực tiếp qua các từ ngữ ca ngợi "dòng sông đẹp", "khuôn mặt kinh thành", khi thì gián tiếp qua lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu với những so sánh, liên tưởng độc đáo, thú vị. Câu văn có xu hướng dài ra như sự tuôn chảy của cảm xúc trước cái đẹp -> ngôn ngữ cũng thăng hoa, tinh tế, mềm mại, thấm đẫm chất thơ - -> Tình yêu mãnh liệt đắm say của một chàng trai với cô gái sông Hương, tình cảm của một người Huế với dòng chảy của quê hương (hai tình cảm chung, riêng hòa quyện, đan cài -> thể hiện cái tôi lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường) (Ghi chung chung là yêu quý thì không được điểm) 5. Từ nội dung của văn bản, em có suy nghĩ gì về giá trị của dòng sông đối với sự phát triển kinh tế và văn hóa của vùng đất mà nó đi qua (Viết 3 - 5 câu) - Cung cấp phù sa, nước cho sự phát triển của môi trường, nhu cầu trồng trọt (từ thuở bình minh của loài người, mọi nền văn minh đều gắn liền với các dòng sông) - Tạo ra cảnh quan đẹp cho nơi nó đi qua - Địa chỉ du lịch yêu thích - Điểm hẹn văn hóa
Đề ôn tập đọc hiểu 03: CÂY CƠM NGUỘI Mang một cái tên xấu xí, cây cơm nguội chẳng có hương thơm, cành cũng không thẳng và lá không to.. nhưng nó là sức bền, là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết.. Nhưng cây cơm nguội có vẻ riêng mà không cây nào sánh được. Hà Nội có những đường cây khá đẹp. Nó là niềm yêu của ai đang ở Hà Nội, là nỗi nhớ của người đi xa, cũng là mong chờ của ai chưa đến. Phố Trần Hưng Đạo có rặng sấu sum suê, tán tròn, xanh quanh năm. Phố Lò Đúc có hàng sao đen cao vút, thân thẳng tắp, đầy bóng mát. Đường Thanh Niên có phượng đỏ rực trời hè, nay còn thêm hoa ban tím. Phố Hàng Dầu có hoa sữa, nay còn thêm dâu da xoan. Đặc biệt phố Lý Thường Kiệt và quãng cửa Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng, có hàng cây cơm nguội. Cái tên xấu xí, nhưng nó có vẻ riêng, không cây nào sánh được. Nó còn có tên nữa là sếu. Hình như chỉ Hà Nội mới có nhiều cây này. Bóng mát lăn tăn, mùa hè xanh ngát. Mùa đông rụng hết lá, cành trơ ra từ to đến nhỏ trong sương mờ, trong mây bạc nhìn cành khẳng khiu mà tưởng ta đang đi trong tranh thuỷ mặc. Cây cơm nguội rụng lá trước mọi loại cây. Tháng mười, khi hoa sữa tỏa hương trong đêm thì lá cơm nguội vàng au, bay đầy mặt đất. Thu đã đến hẳn rồi Hà Nội ạ. Nhưng nó cũng lại hồi sinh cùng mùa xuân sớm nhất.. Ngay từ tháng chạp, khi những cây bàng còn thả những tờ thư đỏ cho mặt đường, thì từ những cành tưởng đã chết khô, chết héo kia bật ra những cái chấm màu đồng điếu; màu tím hồng, rồi chẳng bao lâu thành màu xanh lá mạ, xanh non như màu nõn chuối, tắm trong mưa xuân sớm, nắng xuân sớm. Lá ấy trông ngon như màu cốm, hấp dẫn trẻ thơ ngắt quả chơi, hấp dẫn cả những ai yêu nhau phải hò hẹn tìm nhau. Cây cơm nguội sống hàng trăm năm, có khi còn dài hơn một đời người. Cây cơm nguội mọc thành hàng, cho phố thêm thơ mộng. Trong bóng hàng cây ấy, ai là người có những kỷ niệm vui buồn của đời mình với một gốc cụ thể nào? Có thể đó là buổi không thuộc bài, hôm đi bắt ve sầu, lúc đánh mất hòn bi ve, hôm đi tiễn đưa người bạn, cái buổi lần đầu tiên cầm tay ai, hồi hộp không nói nên lời. Cũng có thể đó là chỗ hai người chia tay vĩnh biệt, hoặc cắt đứt mọi ràng buộc một đời.. Cây cơm nguội hẳn biết chia sẻ nỗi niềm, tình cảm ấy. Vì thế mà nó cứ thì thầm lao xao, mà rung rinh sáng lên trong nắng ấm, trong mưa phùn, trong dòng đời của bao cây khác, hoa rực rỡ hoặc thơm ngát hoặc thơm nồng.. Cây cơm nguội khiêm tốn vì hoa không thơm, cành không thẳng, lá không to.. nhưng nó là sức bền, là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết.. Tuy vậy, cũng có những cây cơm nguội quá già nua, bị sâu ăn ruỗng, phải nhường chỗ cho cây non, có khi là khác loài. Nhưng nó im lặng, vui lòng. Băng Sơn – Hương sắc bốn mùa, 1993 Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản Biểu cảm (PTBĐ chính của tùy bút là biểu cảm, của ký là tự sự) Câu 1'. Đề tài của văn bản là gì? Cây cơm nguội/Thiên nhiên Câu 1'. Chủ đề của văn bản là gì? Ca ngợi một loài cây sống, gắn bó với người Hà Nội/Ca ngợi vẻ đẹp bình dị và sức sống bền bỉ của cây cơm nguội, từ đó ca ngợi những con người giản dị, hiền hậu Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã chỉ ra những đặc điểm nào của loài cây mang một cái tên xấu xí? - Bóng mát lăn tăn, mùa hè xanh ngát - Mùa đông rụng hết lá, cành trơ ra từ to đến nhỏ trong sương mờ, trong mây bạc nhìn cành khẳng khiu mà tưởng ta đang đi trong tranh thuỷ mặc. - Từ những cành tưởng đã chết khô, chết héo kia bật ra những cái chấm màu đồng điếu; màu tím hồng, rồi chẳng bao lâu thành màu xanh lá mạ, xanh non như màu nõn chuối, tắm trong mưa xuân sớm, nắng xuân sớm. Câu 3. Gọi tên và phân tích tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: "Ngay từ tháng chạp, khi những cây bàng còn thả những tờ thư đỏ cho mặt đường, thì từ những cành tưởng đã chết khô, chết héo kia bật ra những cái chấm màu đồng điếu; màu tím hồng, rồi chẳng bao lâu thành màu xanh lá mạ, xanh non như màu nõn chuối, tắm trong mưa xuân sớm, nắng xuân sớm". - Phép so sánh: "Xanh non như màu nõn chuối" - Hiệu quả Lời văn gợi hình, gợi cảm (đối với so sánh, nhân hóa. Còn lời văn mạch lạc, có nhịp điệu, đối với liệt kê) Miêu tả cụ thể sắc màu của cây cơm nguội trong tháng chạp, cho thấy sự sống mãnh liệt của cỏ cây khi xuân đến Cho thấy sự yêu mến, thích thú của nhà văn trước sức mạnh của cỏ cây Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản - Tình cảm gì, đối tượng nào: tình yêu dành cho cây cơm nguội sự khâm phục trước sự sức bền và sự kiên tâm của cây cơm nguội - Cách thể hiện tình cảm: Khi thì được bộc lộ một cách trực tiếp thông qua những câu tán thưởng cây cơm nguội, ví dụ "có vẻ riêng mà không cây nào sánh được" (lặp lại hai lần) Khi thì được thể hiện gián tiếp qua các phép so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị "xanh non như màu nõn chuối, tắm trong mưa xuân sớm, nắng xuân sớm. Lá ấy trông ngon như màu cốm", lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc, nhạc điệu Sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ về cây cơm nguội trong bốn mùa, và trong sự so sánh với những cây khác - > Tình yêu dành cho thiên nhiên và Hà Nội Câu 5. Từ Cây cơm nguội, em có suy nghĩ như thế nào những việc cần phải làm để giữ gìn các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại? - "Từ Cây cơm nguội.. các giá trị văn hóa" --> Cần lý giải cây cơm nguội -> giá trị văn hóa: Loài cây cơm nguội có mặt, tham gia, chứng kiến, song hành với cuộc sống của người Hà Nội qua bốn mùa và trong cả hàng trăm năm. Sự tồn tại của cây cơm nguội như một giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại - Hành động: Thái độ trân trọng, biết ơn Tuyên truyền vẻ đẹp văn hóa Duy trì, bảo vệ giá trị văn hóa Tham gia những chương trình, cuộc thi để những giá trị văn hóa hiện diện một cách cụ thể, sinh động trong cuộc sống của chúng ta Băng Sơn - một đời văn thuộc về Hà Nội
Đề ôn tập đọc hiểu 04: MÙI RƠM RẠ QUÊ MÌNH.. Ngọc Bích Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội. Nơi tôi sống ruộng lúa không hẳn là thẳng cánh cò bay mà đủ ngan ngát* mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt. Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên, bởi nó gắn liền với tuổi thơ – phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người. Trong ký ức của tôi, bức tranh đồng quê sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân. Ngày mùa trong tôi còn là những ụ rơm, nhánh rạ trơ ra sau vụ gặt. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vàng những lối đi. Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi. Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng, mùi của mồ hôi ba ngày vác cuốc ra đồng, mùi của niềm vui mùa lúa trúng, mùi nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ sau mỗi vụ thất thu. Nồi cơm mới thơm lừng, không những thơm bởi hạt gạo mà còn vì được đun bằng bếp rơm, lửa cháy bùng, cơm sôi ùng ục. Đó là cái mùi cứ phảng phất theo tôi, để rồi những tháng năm sau đó tôi đi khắp mọi miền, đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao con người lớn lên từ ruộng đồng như tôi. [..] Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ quê hương, mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa qua xứ Tây Đô lập nghiệp, có đứa đi làm dâu tận vùng miệt thứ Cà Mau. Còn tôi.. sống và làm việc ở phố thị xa hoa, đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả. Mỗi lần về nhà đúng mùa gặt lúa, tôi hít lấy một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí ấy, nhớ về mình còn là đứa trẻ của những tháng năm xưa. Những tháng năm đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm, những tháng năm còn được nằm trọn trong vòng tay của ba mẹ. Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước vọng và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình. Những kí ức tuổi thơ gắn liền với mùi rơm rạ quê hương bỗng chốc ùa về làm cho con đường đến sân bay trở nên ngắn ngủi. Tôi và anh tài xế công nghệ kia tạm gác lại những ký ức miền Tây thân thương của mình để hòa vào nhịp sống hối hả. Tôi tin là nó chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người rồi đến khi gặp người "rà đúng tần số" hoặc đôi khi chỉ cần nhắc về hai tiếng miền Tây thì những ký ức thân thương ấy lại ào ạt ùa về. Đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được. *ngan ngát :(mùi thơm) dễ chịu và lan tỏa ra xa. (Nhiều tác giả, Nghĩa tình miền Tây, NXB Hồng Đức, 2022, tr. 41-44) Câu 1. Trong văn bản sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào? Biểu cảm kết hợp miêu tả, tự sự Câu 2. Theo tác giả, tại sao với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê, cánh đồng lại trở thành một phần kí ức không thể nào quên? Bởi nó gắn liền với tuổi thơ – phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người. Câu 3. Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình trong các đoạn của văn bản. Biểu hiện của yếu tố tự sự, trữ tình - Tự sự (Kể, miêu tả, mang lại cho người đọc những thông tin về đối tượng) : kể về những kỷ niệm của tác giả với mùa gặt quê hương: "Đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm", "lần về nhà đúng mùa gặt", về hoàn cảnh sống của tác giả: "Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội", "mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi", "tôi.. sống và làm việc ở phố thị xa hoa" miêu tả bức tranh đồng quê, mùi rơm rạ.. - Trữ tình (Cảm xúc của tác giả) : Sự nâng niu, trân trọng những gì thuộc về quê hương: "Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình", "Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình." Sự nhớ nhung, hoài niệm, khát khao được trở về quê hương: Đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả. Tác dụng: - Cung cấp thông tin cho độc giả -> cho thấy sự uyên bác, kiến thức đời sống phong phú của người cầm bút - Khiến văn bản giàu cảm xúc, chất thơ -> khơi dậy những cảm xúc nhân văn, tích cực trong lòng người đọc Câu 4. Em nhận xét như thế nào về tình cảm của tác giả trong đoạn trích? - Tình cảm gì, đối tượng nào: tình yêu dành cho mùi rơm rạ quê hương sự nhớ nhung, hoài niệm khi xa quê - Cách thể hiện tình cảm: Khi thì được bộc lộ một cách trực tiếp qua thán từ hay những từ chỉ cảm xúc: "Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình", "đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả" Khi thì được thể hiện gián tiếp qua các phép liên tưởng độc đáo, nhiều tầng bậc "Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước vọng và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình", lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc, nhạc điệu Sự huy động những ký ức tuổi thơ nằm sâu trong lòng - > Tình yêu dành cho quê hương xứ sở Câu 5. Em có đồng ý với quan điểm của tác giả rằng: Những ký ức "chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người" không? Vì sao? b1, giải thích quan điểm B2, đồng tình hay không B3, tại sao B4, chốt lại thái độ của ta với vấn đề + hành động Ký ức là những điều tồn tại trong quá khứ, nán lại trong mỗi con người. Quan điểm những ký ức chỉ tạm lắng lại trong tâm thức là một quan điểm đúng đắn. Bởi cuộc sống quanh ta luôn bộn bề, có quá nhiều thứ ta phải quan tâm, phải nỗ lực, đương đầu, nên những ký ức sẽ tạm lắng xuống. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, là khi được khơi gợi, ký ức sẽ lại hiện diện về, khiến ta thổn thức, xao xuyến. Vì vậy, ta cần sống trân trọng, biết ơn quá khứ mà ta đã đi qua.
Đề ôn tập đọc hiểu 05: NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (trích) Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật lành: "Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?". Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên "Dải Sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" của "một người tình nhân chưa quen biết" (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên. Nguyễn Tuân Câu 1. Chỉ ra đối tượng của văn bản Thiên nhiên ven sông và trên sông Đà Câu 2. Liệt kê những chi tiết miêu tả cảnh hai bên bờ sông - Cảnh ven sông ở đây lặng tờ - Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa - Tịnh không một bóng người - Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp - Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật trong câu văn: "Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi" - Biện pháp nghệ thuật: So sánh bụng đàn cá dầm xanh - bạc rơi thoi - Hiệu quả Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho lời văn Miêu tả sắc trắng vui mắt ở bụng những con cá dầm xanh dưới nắng ánh lên màu bạc -> sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên Tình cảm yêu mến, tự hào của tác giả với sự giàu đẹp của sông Đà Câu 4. Nhận xét về chất trữ tình của văn bản - Chất trữ tình thể hiện ở tình yêu, sự tự hào trước vẻ đẹp, sức sống và sự trù phú của thiên nhiên Tây Bắc. Cảm xúc sảng khoái khi đứng trước một cảnh thiên nhiên vẫn giữ vẹn nguyên tính hoang sơ, không bị tàn phá bởi khói lửa chiến tranh -> Cho thấy sự sống bắt đầu trào ra -> một sự tái sinh của Tổ quốc - Thể hiện qua lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc, giàu nhạc điệu - Chất trữ tình tạo nên sức hấp dẫn cho văn bản, khơi dậy tình yêu thiên nhiên, đất nước và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của dân tộc Câu 5. Từ nội dung của văn bản, em có suy nghĩ gì về vai trò của thiên nhiên đối với đời sống tinh thần của con người Vai trò của thiên nhiên (nêu đủ 4 ý không trùng lặp) : cho con người một môi trường sống sạch, thân thiện giúp ta tìm được niềm vui, sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn dạy ta những bài học sâu sắc về lẽ sống, quy luật của cuộc đời khởi nguồn cho thơ văn nhạc họa - > Chúng ta cần biết trân trọng, biết ơn, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của chúng ta, có sự kết nối chặt chẽ với thiên nhiên
BONUS PHẦN VIẾT NLXH (2đ) thường xuất hiện trong các đề kiểm tra cuối HKII lớp 11 Dạng 1. Viết cảm nhận về cái tôi của tác giả trong văn bản Ví dụ: Viết cảm nhận về cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích "Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm.. dưới chân núi Kim Phụng." Thể loại tùy bút là nơi cái tôi được thể hiện trọn vẹn và thăng hoa nhất, nói như Nguyễn Tuân: Tùy bút là lối chơi độc tấu của cái tôi trữ tình; là tùy theo bút mà viết.. Nêu đủ 4 luận điểm - Cái tôi uyên bác: Là cái tôi giàu tri thức, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, địa lý, văn học (phân tích phương diện biểu đạt) sự khám phá hiện thực có chiều sâu sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú. Các thuật ngữ chuyên môn của các ngành địa lý, lịch sử, quân sự, võ thuật, điện ảnh, hội họa.. được huy động một cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả chính xác và ấn tượng những cảm giác về đối tượng có kiến thức sâu rộng, dẫn dắt người đọc cùng ngắm nhìn sông Hương ở thượng nguồn, cung cấp những tri thức về đặc điểm thủy trình và vai trò của nó - Cái tôi trữ tình: Là cái tôi lãng mạn, giàu cảm xúc, chất thơ (những rung động, say mê với đối tượng -> những tình cảm thiêng liêng với quê hương đất nước/văn hóa truyền thống (nâng đối tượng lên)) (phân tích phương diện cảm xúc) cách tác giả cảm nhận, trân trọng và nâng niu.. hàng loạt những so sánh về sông Hương: "Bản trường ca của rừng già", "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở" tình yêu sâu sắc với sông Hương: Tự hào và yêu mến về vẻ đẹp đa dạng của sông Hương - Cái tôi nghệ thuật: sự tài hoa, tinh tế trong văn chương (phân tích phương diện nghệ thuật) tài quan sát (đối tượng được miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu, hoặc những phát hiện bất ngờ), nhìn sự vật bằng con mắt của người họa sĩ, dưới góc độ thẩm mỹ.. trí tưởng tượng phong phú cách thể hiện cảm xúc (trực tiếp qua từ ngữ, gián tiếp qua phép liên tưởng, so sánh độc đáo, thú vị, nhiều tầng bậc, lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu, các câu văn dài như sự thăng hoa của cảm xúc) cách dùng từ, đặt câu, (lối viết uyển chuyển, linh hoạt/ngôn ngữ giản dị tao nhã/ngôn ngữ điêu luyện/sự giàu có về chữ nghĩa/ giọng văn nhẹ nhàng tinh tế) - Đánh giá: cái tôi người cầm bút tạo nên sức hấp dẫn cho văn bản khơi dậy những cảm xúc nhân văn, tích cực Dạng 2. Phân tích đặc trưng ngôn ngữ của thể loại được thể hiện trong văn bản: A. Thể tùy bút Ngôn ngữ tùy bút giúp tác giả bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại 4 luận điểm - Giàu hình ảnh các phép so sánh, nhân hóa, phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường khơi gợi liên tưởng - Giàu chất trữ tình câu cảm thán, câu hỏi tu từ thể hiện cảm xúc, suy tư - Giàu tính nhạc điệu phép điệp từ, liệt kê giọng văn - Đánh giá: tạo nên cái tôi nghệ thuật, cá tính sáng tạo của tác giả b. Thể ký - Đảm bảo tính khách quan khi tái hiện đối tượng - Đồng thời pha trộn tính chủ quan, in đậm cá tính riêng của người viết (cái này là chủ yếu) - Ngôn ngữ giàu chất thơ, hình ảnh, nhạc điệu, cảm xúc (các phép ẩn dụ, so sánh, nhân hóa hòa quyện với nhau) - Đánh giá: Tạo màu sắc cho mạch kể chuyện, tạo nên cái tôi nghệ thuật, cá tính sáng tạo của tác giả Dạng 3. Phân tích chất trữ tình của văn bản 1. Mở đoạn: Sự vật được miêu tả chỉ là cái cớ để nhà văn thể hiện cảm xúc và suy tư -> mỗi trang văn thấm đẫm chất trữ tình 2. Thân đoạn: Phân tích - Luận điểm 1: Chất trữ tình thể hiện ở nội dung: cảm xúc gì, với đối tượng nào - Luận điểm 2: Chất trữ tình thể hiện ở nghệ thuật: từ ngữ, hệ thống hình ảnh giọng điệu 3. Kết đoạn: Đánh giá về cảm xúc của tác giả -> thông điệp
Một số đề tự luyện: Đề ôn tập đọc hiểu 06: Đọc đoạn trích sau: Đó là loài hoa nở vào cuối năm Đó là loài hoa mọc nơi cuối đất Đó là loài hoa đợi ở cuối đời Khi hầu hết các loài hoa trong năm đã khoe sắc phô hương cả rồi, nó mới nở. Nếu xem mỗi niên hoa như một dãy dằng dặc, xếp hàng đợi đến lượt nở, thì nó đứng ở cuối hàng. Kiên nhẫn, nhún nhường, hay biết phận biết thân? Thật khó nói. Chỉ biết khi năm hầu tàn, mùa hầu cạn, chẳng còn loài hoa nào tranh chòi nữa, nó mới dâng hoa. Nó nở trong gió bấc mưa phùn, dưới màu mây xám bạc của ngày đông tận. Nhưng không ai đợi nó dịp tất niên. Càng không ai chờ nó cho tân niên. Nó là loài hoa không được chào đón. Nó là loài hoa không biết đến hội hè. Nó không có chỗ trong các bình hoa bày trang trọng tại những chốn cao sang. Cũng không có chỗ trong những vựa hoa, quầy hoa, sạp hoa bày trên phố xá. Không ai đầu tư, không ai khuyến mại. Nó không bao giờ có mặt trong danh sách những thứ hoa cần mua sắm để trang hoàng khánh tiết cho bất cứ kì cuộc nào. Và nó cũng chẳng dám mơ được nằm trên bàn tay tình nhân trao tặng nhau những dịp lễ lạc. Bàn tay chăm thôi còn chả dám mong, nói gì đến bàn tay tình. Có phải bàn tay duy nhất nó được biết đến trong đời là bàn tay cầm nắm nó khi triệt bỏ nó? Không có chỗ trong vườn nhà. Không bén mảng tới những hoa viên. Nó không có căn cước tại đấy. Có ai cấp thẻ xanh để cho nó quyền cư trú tại đấy đâu. Thảng hoặc có bóng nó vươn hoa ở góc vườn nào, thì nó chỉ được xem như dân lậu, dân liều. Nó thường bị trục xuất trước tiên khỏi những hoa viên, hoa uyển. Họa chăng, chỉ khi vườn đã bỏ hoang, nó mới có hi vọng. Chủ nhân chả còn đoái hoài, các loài khác chả thèm giành giật đất nữa, thì nó mới đến mọc. Nó rón rén mọc trên đất bỏ, đất thí. Dạng nhảy dù. Sống chui. Nó là loài hoa vườn hoang. Ta thường thấy nó ở bên đường. Đúng hơn, nó vẫn ở bên đường mà ta thường không thấy. Nó không phải là địa chỉ cho những ánh mắt thưởng ngoạn kiếm tìm. Từng đoàn xe cứ vút qua. Những ánh mắt vãng cảnh cứ rướn xa. Nhưng điểm nhìn của dòng người thường không đặt vào nó. Nó bị lãng quên ngay trong tầm mắt người đời. Dù ngọn hoa có đâm ngang tầm nhìn, xiên vào nhãn giới, thì cũng thế thôi. Cả khi du khách dừng lại để chụp ảnh, ống kính zoom qua đầu nó là để chớp lấy những cảnh hớp hồn phía xa. Về xem lại, thấy nó lỡ có mặt trong khuôn hình ngoài ý muốn, thì bực mình. Khi in ra, người ta cẩn thận dùng photoshop xóa nó đi, cho hết vướng. Nó là loài hoa bên đường. Nhưng, vương quốc thực sự của nó là miền hoang, là núi đồi gò bãi. Nó là cư dân của những miền đời quên lãng. Lãng quên, đó mới là không gian cho nó, của nó. Một kiếp hoa chung thân chốn lãng quên. Có phải nỗi hoang vu vón lại thành loài hoa ấy. Có phải nó là đứa con tự túc của nỗi hoang vu. Sinh ra nó để tự khuây khỏa, khoảng trống của hoang vu có bớt đi được phần nào không, mà giữa chốn hoang vắng, có bóng nó chập chờn, lại chỉ thấy lòng thêm hoang dại. Nó là hoa lau. (Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn 2019, tr. 132) Thực hiện yêu cầu sau: Câu 1. Văn bản trên nói về loài hoa gì? Câu 2. Chỉ ra những câu văn mang yếu tố trữ tình được sử dụng trong đoạn trích. Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ điệp cấu trúc trong đoạn thơ sau: Đó là loài hoa nở vào cuối năm Đó là loài hoa mọc nơi cuối đất Đó là loài hoa đợi ở cuối đời Câu 4. Nhận xét về yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn văn. Câu 5. Thông điệp tác giả gửi gắm qua đoạn văn là gì? Đề ôn tập đọc hiểu 07: Đọc văn bản sau: SEN THÁNG NĂM Guồng quay thời gian vẫn nhịp nhàng lặng lẽ, tháng năm về giữa bộn bề hoài cảm, suy tư. Tháng năm vẫy gọi mùa hè theo về trong râm ran tiếng ve sầu, chim chóc, gọi phượng vĩ nhuộm đỏ khung trời bâng khuâng, gọi bằng lăng tím ngát những cung đường. Đi trong những ngày tháng năm trong veo, lòng ta như cũng rung lên bao cung bậc của niềm nhớ, của xúc cảm đắm say, vời vợi, khi cơn mưa đầu mùa bất chợt ùa về trong một chiều hanh hao. Bởi thế mà không lạ khi ta gọi tháng năm là tháng của hoài niệm với dạt dào điệp khúc mùa hạ, đất trời bật lên những tín hiệu đổi thay làm lòng người xao xuyến. Ở một góc khác trầm tư của phố phường xô bồ, những cánh sen hồng vẫn lặng thầm tỏa hương, làm lòng tôi bất chợt cũng dịu dàng, quyện hòa cùng thanh âm xa vắng.. Tháng năm đánh thức mùa sen nở. Bao giờ ta cũng dành cho sen niềm ưu ái như nâng niu một vẻ đẹp tinh khôi, nhã nhặn. Lòng ta trân quý, ngất ngây làn hương thanh tao ấy, làn hương sinh ra từ bùn đất chân phương mà nền nã, dịu dàng. Sen cánh hồng đậm hồn dân tộc, màu của đôi má ửng hồng trên khuôn mặt thiếu nữ thanh tân. Sen cánh trắng trinh nguyên, thuần khiết như màu áo lụa xênh xanh, duyên dáng, làm ta nhớ quá tà áo dài uyển chuyển. Sen lặng thầm nở trên đất bùn đẫm vị phù sa, cũng nhẹ nhàng điểm tô lên bức tranh tháng năm nét đẹp của trắng trong, thơm thảo, vừa ý nhị lại vừa sâu sắc. Khi đứng trước sen, lòng ta như lắng xuống chỉ còn vị ngọt của bình yên thẳm sâu trong tâm hồn, mọi bão giông gói lại thành giọt sương đọng trên kẽ lá. Vẻ tĩnh lặng của sen như thôi miên ánh nhìn, màu hồng cánh sen, màu của tấm lòng son sắt, làm bừng thức trong ta bao hoài niệm.. Bên vườn nhà nội tôi cũng có một đầm lầy nhỏ, tháng năm về sen nở thấp thoáng trên đầm, dệt vào gió làn hương xa vắng, mơ hồ, gọi đàn bướm vàng lượn vòng xôn xao. Tôi nhớ vị trà nội pha chắt chiu hương sen tinh khiết, nồi chè hạt sen mẹ nấu thơm ngon nức mũi, những sớm mai trong lành chỉ có tiếng bếp lửa reo tí tách, tiếng gà gáy xôn xao, tiếng gió vờn xào xạc, nghe an nhiên quá đỗi. Tôi thầm cảm ơn sen, đã nhẹ nhàng dắt tôi về với nguồn cội. [..] (Trần Văn Thiên, Sen tháng năm, Link, ngày 21/05/2020) Trả lời các câu hỏi: Câu 1. Xác định đề tài của văn bản trên. Câu 2. Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn văn: "Bên vườn nhà nội tôi cũng có một đầm lầy nhỏ, tháng năm về sen nở thấp thoáng trên đầm, dệt vào gió làn hương xa vắng, mơ hồ, gọi đàn bướm vàng lượn vòng xôn xao. Tôi nhớ vị trà nội pha chắt chiu hương sen tinh khiết, nồi chè hạt sen mẹ nấu thơm ngon nức mũi, những sớm mai trong lành chỉ có tiếng bếp lửa reo tí tách, tiếng gà gáy xôn xao, tiếng gió vờn xào xạc, nghe an nhiên quá đỗi. Tôi thầm cảm ơn sen, đã nhẹ nhàng dắt tôi về với nguồn cội." Câu 3. Nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản. Câu 4. Nhận xét cái tôi của tác giả được thể hiện qua văn bản. Câu 5. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả "Khi đứng trước sen, lòng ta như lắng xuống chỉ còn vị ngọt của bình yên thẳm sâu trong tâm hồn, mọi bão giông gói lại thành giọt sương đọng trên kẽ lá." không? Vì sao? Đề đọc hiểu 08: Đọc văn bản: .. Miền đất này đã từng là thăm thẳm đại ngàn. Người và cây cộng sinh (1) để làm nên một đời sống vô cùng đậm chất, riêng có, không lẫn lộn với bất cứ vùng miền nào. Nhắc đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến miền rừng thiêng nước độc. Rừng ở đây không chỉ là lãnh địa của thảo mộc và thú dữ, mà còn là nơi cư ngụ của thần linh. Vậy nên, người Tây Nguyên nương tựa vừa đủ vào rừng. Và hàng năm, họ làm lễ cúng rừng, thành tâm và nghiêm cẩn. Tôi cũng đã từng được sống những tháng năm với tất cả cảm xúc của một người Tây Nguyên nương mình vào với núi rừng. Tôi theo đám trẻ học trò đi lấy măng, lấy nấm. Lũ trẻ dạy tôi cách tìm sản vật của rừng. Chúng đào măng và hái nấm xong, bao giờ cũng làm một việc, đó là lấy lá mục và đất lấp lại chỗ vừa đào bới, để mùa sau còn có thể quay lại "xin" của mang về. Đám trẻ dạy tôi trồng lúa rẫy, trỉa (2) hạt bắp nương và mong ngóng, chờ đợi mùa về. Mùa đi canh rẫy (3) trên những chiếc chòi dựng tạm nơi bìa rừng, vừa hồi hộp, vừa run sợ, vừa thích thú. () Đêm ở rừng, nằm nghe tiếng thác reo, tiếng suối chảy, tiếng côn trùng ri rích, cả tiếng lá mục khẽ hoai (4) đi.. lòng như quên hẳn phố thị với chật đầy tính toán vội vã. Giấc ngủ ở rừng như được thấy lại mình giữa khu vườn mùa hạ ngập đầy ánh nắng ríu ran nhảy nhót theo chân bầy sẻ nâu; thấy sợi khói mảnh vương lên trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng và thấy cả âm thanh của cơn mưa đầu mùa lộp bộp trên tàu lá che đầu.. Lúc đó mới hiểu được rằng ký ức khi nào cũng như cây cung kéo căng về phía ngày cũ, chỉ cần nhẹ tay buông là mũi tên sẽ lao vút đi thôi. Tôi có thể ngồi hàng giờ dưới một lùng xanh, đưa tay khẽ chạm vào lớp rêu xanh mượt ôm cứng lấy thân cây, rồi ngước tầm mắt nhìn nhánh phong lan buông hờ những chùm hoa giữa đám tầm gửi vấn vít. Rừng dạy cho tôi bài học về đời sống cộng sinh, về tấm lòng thảo thơm chở che nương náu, về sự trả vay và vừa vặn ở đời.. Đừng lãng phí và tàn phá, rừng sẽ mãi ở đó, an hòa với con người. Với tôi, rừng luôn chứa đầy bí ẩn. Sự mường tượng về thế giới ắp đầy màu xanh ấy khiến tôi nghĩ đến một kiếp nào đó, mình có thể đã từng là loài rêu, là chiếc lá, là một dây leo hay một lối mòn mất hút giữa thăm thẳm non ngàn. Được làm một thành tố nào đó tạo nên chốn non xanh ấy, rồi tan biến đi, hẳn cũng đã vẹn tròn hạnh phúc. (1) Cộng sinh :(sinh vật không cùng một loài) sống chung và cùng làm lợi cho nhau (2) Trỉa: Gieo trồng bằng cách tra hạt giống vào từng hốc và lấp đất lên (3) Rẫy: Đất trồng trọt ở vùng rừng núi, có được bằng cách phá rừng, đốt cây rồi trồng tỉa (4) Hoai :(phân) đã mất mùi hôi và biến thành mùn, rất tốt cho cây cối (Trích Tan biến giữa rừng - Đào An Duyên, Tan biến giữa rừng - Tản văn của Đào An Duyên, cập nhật ngày 11/04/2025) Câu 1 (0.5đ). Theo đoạn trích, vì sao hàng năm người Tây Nguyên làm lễ cúng rừng? Câu 2 (0.5đ). Chi ra 2 chi tiết thể hiện yếu tố trữ tình trong đoạn trích. Câu 3 (1đ). Hãy nêu tác dụng của những từ láy được sử dụng trong câu văn sau Giấc ngủ ở rừng như được thấy lại mình giữa khu vườn mùa hạ ngập đầy ánh nắng ríu ran nhảy nhói theo chân bầy sẻ nâu; thấy sợi khói mảnh vương lên trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng và thấy cả âm thanh của cơn mưa đầu mùa lộp bộp trên tàu lá che đầu.. Câu 4 (1đ). Theo anh chị, tại sao tác giả nói Rừng dạy cho tôi bài học về đời sống cộng sinh ? Câu 5 (1đ). Thói quen của bọn trẻ Tây Nguyên Chúng đào măng và hái nấm xong, bao giờ cũng làm một việc, đó là lấy lá mục và đất lấp lại chỗ vừa đào bới, để mùa sau còn có thể quay lại "xin" của mang về gợi cho anh chị bài học gì về cuộc sống? Hãy lý giải trong 5-7 dòng.
Đề đọc hiểu 09: HOA TRÁI QUANH TÔI Dù trong những ngày thanh thản nhất, tôi vẫn cứ thấy như là yên lòng trở lại mỗi lần bước qua cái vòm cổng kia, thấy nhô lên ở cuối sân chiếc mái ngói cổ với những nét uốn cong giống như nụ cười nhếch mép của thời gian phảng phất giữa ngàn lá xanh biếc. Một lối đi khá dài, hai bên trồng mai trắng, lá đan vòm che trên đầu người như nối dài thêm cái vòm cổng vào đến sân. Tôi vẫn dành một niềm ngưỡng mộ riêng về chất trí tuệ của truyền thống dân tộc ở Huế qua cái ngỏ hạnh này: Ở đây, qua vài chục bước đi thong thả dưới lá xanh, nó thường mang lại cho tôi một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo thực khó tả - một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển. Trong phút chốc, nó đánh thức con người mơ mộng trong tôi để rủ nhau vào cuộc đối thoại với cây cỏ. Vườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi, đứng sát cổng, cây cao bóng cả, đồ sộ như một áng thơ dân gian. Thu tàn đông lạnh, nó chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một mầu lục tươi nguyên khối không hề biết đến năm tháng; cây già mà hoa trẻ, những cánh mầu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến. Hồi tôi đến đây, cây ngọc lan vẫn còn, hoa nở không có mùa, cứ mỗi cơn mưa cơn nắng chợt đến lại bừng lên dễ đến hàng vạn đóa trên cây, hương bay xa mấy dặm, giống như người danh sĩ dân giã trong vùng chưa gặp đã biết. Tiếc quá, pháo Mỹ hồi tết Mậu Thân đã găm vào thân cây một mảnh đạn không gắp ra được; nó vẫn xanh tươi nhưng rỗng ruột dần; nấn ná bao lâu rồi bà Lan Hữu đành phải cho đốn đi, sợ có lúc nó đổ xuống làm sập cổng. Tôi đi xa về, không còn cây ngọc lan, lòng cứ bâng khuâng như thể mùa thu đã mất đi, dù rằng đối với mùa thu thực sự thì chưa bao giờ tôi cảm thấy mất mát như vậy cả. Hôm nọ đi quanh vườn, tôi lại chợt nghe mùi hương ngọc lan thơm nồng, cứ tưởng là ảo giác về nó. Tìm mãi, thấy ở góc vườn một cây hoa lạ, cũng là ngọc lan nhưng hoa vàng mầu đu đủ chín hườm, tôi mới biết lần đầu. Hỏi bà Lan Hữu, mới hay đó là hoa hoàng lan, thường gọi là bông sứ vàng, giống còn lại ở Huế rất hiếm. Tôi thường đi dạo trong vườn, đưa mắt nhìn cây cối trong vẻ đẹp của nó, thế mà thỉnh thoảng cứ thấy bị bất ngờ về những bí mật ấp ủ trong hoa trái; khu vườn đối với tôi vẫn mãi giữ sức hấp dẫn của một cuốn sách hay chưa đọc hết.. Tôi đã được nghe nhiều nhận xét thực tế, và vẫn chưa được giải thích về tính tổng hợp đặc biệt của môi trường sinh thái riêng của vùng Huế. Không hiểu vì sao đất Huế lại là nơi quần cư của các loại trái cây đặc sản hai miền Nam - Bắc. Cây măng cụt chẳng hạn từ miền Đông Nam bộ nó nhảy băng qua suốt một dải miền Trung rồi xuất hiện trở lại ở những khu vườn Huế. Tương tự như vậy theo những chiều ngược lại, có thể kể cây vải Hưng Yên hoặc nhiều thứ hoa quả khác của phong thổ miền sông Hồng. Vườn An Hiên thật là Huế, trong cái nét tổng hợp và đa dạng đó của đất nước. Nó cũng thật là Huế khi trong phòng tiếp khách của bà Lan Hữu vào cuối mùa đông, người ta có thể nhìn thấy trên một đĩa cắm hoa, những bông mai trắng điểm xuyết bên cạnh mấy nụ hồng đào mới chớm. Đó là bóng dáng của mùa đông đang ra đi trong âm vang xa xôi của mùa xuân sẽ về. Và đó cũng chính là cái nhìn hướng vọng của tâm hồn mà bà nuôi dưỡng lặng lẽ qua bao nhiêu cái bi và cái hài, cái ảo và cái thực, cái thiện và cái đẹp, giữa tháng năm đất nước, đời người.. Mùa xuân bên vườn An Hiên, đâu óc tôi không còn muốn bận bịu gì, để buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối. Sau Tết trở đi, mọi cây lớn trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá, thì chính trong khu vườn này, tôi mới cảm nhận hết cái sức sống kì diệu của "Người Mẹ tạo vật". Từ mặt đất ướt lạnh, rạo rực, như một khúc rối loạn xiêm áo. (Trích Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập, Tập 1, NXB Trẻ 2024, tr. 8 - 10) Chú thích: Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả có nhiều đóng góp trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một nhà văn có phong cách độc đáo, tài hoa. Đến với tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường người đọc sẽ tiếp xúc với một thế giới tâm hồn sâu sắc tinh tế, đồng thời được cung cấp một lượng thông tin phong phú, thú vị về nhiều lĩnh vực. Ngoài một vài tập thơ, toàn bộ tinh hoa và năng lực của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều dành cho thể ký. Nhà văn đã thành danh và đóng góp nhiều cho văn học sau năm 1975 là ở thể loại này. Theo Nguyên Ngọc: "Anh là một trong số mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay.." Thực hiện các yêu cầu: Câu 1 (0, 5đ). Xác định đề tài của văn bản. Đề tài: Cảnh sắc thiên nhiên ở Huế/Vẻ đẹp của vườn An Hiên xứ Huế Câu 2 (0, 5đ). Tác giả có cảm nhận gì khi đi qua các "ngõ hạnh"? Cảm nhận của tác giả: - Thấy yên lòng trở lại - Ngưỡng mộ chất trí tuệ của lối kiến trúc dân tộc ở Huế - Mang lại một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo thực khó tả - Đánh thức con người mơ mộng trong tôi để rủ nhau vào cuộc đối thoại với cây cỏ (được 2/4 ý thì đủ điểm) Câu 3 (1đ). Nhận xét về cảm xúc của tác giả đối với cây ngọc lan. - Cảm xúc: Thích thú, ấn tượng, yêu mến, ngưỡng mộ, say đắm vẻ đẹp của cây ngọc lan: "Cây cao bóng cả", "cánh mầu ngà thon thon", "màu xanh lục tươi nguyên" Tiếc nuối, đau đớn khi cây bị đốn hạ vì "một nửa mảnh đạn găm vào thân" Bâng khuâng nhớ thương khi về mà cây không còn Bất ngờ trước sự xuất hiện của cây hoàng lan -> sức sống mãnh liệt và kỳ diệu của cỏ cây - Nhận xét: Đó là những cảm xúc chân thật, là tình yêu mãnh liệt, sâu sắc, bền bỉ đối với một loài cây và đối với quê hương xứ sở. Được diễn tả một cách trực tiếp qua những từ như "Tiếc quá", "lòng cứ bâng khuâng như thể mùa thu đã mất đi" và gián tiếp qua những cách miêu tả, so sánh thú vị: "Cây già mà hoa trẻ, những cánh mầu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến," hương bay xa mấy dặm, giống như người danh sĩ dân giã trong vùng chưa gặp đã biết ". Câu 4 (1đ). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong những câu văn: " Dù trong những ngày thanh thản nhất, tôi vẫn cứ thấy như là yên lòng trở lại mỗi lần bước qua cái vòm cổng kia, thấy nhô lên ở cuối sân chiếc mái ngói cổ với những nét uốn cong giống như nụ cười nhếch mép của thời gian phảng phất giữa ngàn lá xanh biếc. " - Biện pháp tu từ so sánh:" Những nét uốn cong "của chiếc mái ngói cổ -" nụ cười nhếch mép của thời gian phảng phất giữa ngàn lá xanh biếc " - Tác dụng (đủ 4 ý) : Giúp lời văn gần gũi, sinh động, gợi hình, gợi cảm Diễn tả vẻ đẹp độc đáo, duyên dáng, trầm mặc của những chiếc mái ngói cổ Cho thấy sự tự hào, trân trọng vẻ đẹp cổ kính, bền bỉ, sừng sững với thời gian của những chiếc mái ngói cổ ở khu vườn An Hiên Sự quan sát kỹ lưỡng, tinh tế và tâm hồn lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường Câu 5 (1đ). Anh/chị có đồng tình với suy ngẫm: Con người ta được " buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối" ? Vì sao? (Trình bày bằng đoạn văn khoảng 5- 7 dòng). - Dẫn vào - Đồng ý hay không - Lý do: Vì đó là khi con người được tách ra khỏi cuộc sống xô bồ, phức tạp/Sự trong lành của thiên nhiên có tác dụng chữa lành những mệt mỏi của con người..