Tổng hợp các câu hỏi mở rộng một điểm phần nghị luận văn học cho tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 25 Tháng sáu 2022.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Tổng hợp các câu lệnh (câu hỏi phụ) mở rộng một điểm phần nghị luận văn học đề thi THPT quốc gia 2022 cho tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu



    [​IMG]

    1. Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn

    - Nhà văn đã đem đến cho người đọc một truyện ngắn có chiều sâu nhận thức và có giá trị phát hiện bằng những nghịch lý của đời thường. Chiếc thuyền chỉ đẹp khi nó ở ngoài xa trong sương mù bồng bềnh huyền ảo, nhưng khi nó đến gần thì bên trong nó lại bộc lộ ra những cái xấu xa của cuộc sống con người. Đồng thời trong cuộc sống bất hạnh của người đàn bà khốn khổ kia vẫn ánh lên những nét đẹp của người phụ nữ lao động - cho dù đó là những nét đẹp của sự âm thầm nhẫn nhục, cam chịu không đáng có và không nên có của người phụ nữ trong thời đại ngày nay.

    - Gửi gắm đến mọi người thông điệp: Nhìn con người, cuộc sống một cách toàn diện, trên nhiều phương diện.

    - Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: Cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Từ đó đề ra một vấn đề trong xã hội: Giải quyết triệt để, mang tính chất toàn xã hội với các bi kịch của cuộc sống con người.



    2. Bài học nhân sinh mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm.

    - Qua quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã mang đến bài học đúng đắn, sâu sắc, toàn diện, mới mẻ về nhân sinh:

    + Cuộc sống, con người vốn dĩ phong phú, kì diệu song phức tạp và đầy nghịch lí. Vì vậy, hãy có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng; không thể nhìn đơn giản, sơ lược, một chiều mang tính lý tưởng hóa.

    + Nghệ thuật và người nghệ sĩ hãy đến gần với cuộc đời, với con người; người nghệ sĩ không chỉ cần có tài năng mà còn cần có tấm lòng yêu thương, dũng cảm đấu tranh chống lại sự bất công, sẵn sàng bảo vệ những con người bất hạnh và đem lại giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.. Đó chính là nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật chân chính, cái tạo nên giá trị đích thực của một tác phẩm, và khẳng định tầm vóc của một tác giả.

    - Bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn đã tạo nên một truyện ngắn xuất sắc, có chiều sâu nhận thức, có giá trị phát hiện bằng những nghịch lý, có quan niệm mới mẻ. Với triết lí nhân sinh đó, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là người mở đường tài năng, tinh anh cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới; xứng đáng là cây bút bản lĩnh, tài hoa.

    3. Nhận xét về nét mới trong cách nhìn của Nguyễn Minh Châu

    - Ông đã thu nhỏ ống kính quay của mình trong phạm vi cuộc sống gia đình, một nội diện hẹp hơn nhưng lại mở ra nhiều điều lớn lao, sâu sắc.

    - Trong bức tranh nhỏ, chứa đựng tất cả các vấn đề xã hội. So sánh với Mảnh trăng cuối rừng – truyện ngắn viết trong thời kì đấu tranh chống Mĩ ở miền Bắc 1970, lúc này con người cuộc sống mang vẻ đẹp lí tưởng vì yêu cầu của thời đại.

    - Nhà văn cần khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, cái cao cả với cái sâu xa, thấp hèn.. Trước sau, Nguyễn Minh Châu vẫn là một con người suốt đời đi săn tìm cái đẹp, tìm cái "hạt ngọc" ẩn sâu trong tâm hồn con người đó là "mảnh trăng cuối rừng", là "chiếc thuyền ở ngoài xa", song đã có sự đổi thay trong cách nhìn về hiện thực vì cuộc sống và tâm thế sáng tạo.

    4. Nêu giá trị nhân đạo của tác phẩm

    - Biểu hiện ở sự đồng cảm của nhà văn đối với cuộc đời người lao động sau chiến tranh. Nhà văn đã nhìn thấu và miêu tả chân thực cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực, khốn khổ của những con người lao động thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Nguyễn Minh Châu đã dành biết bao yêu thương cho số phận bất hạnh của chị (phân tích nỗi khổ của người đàn bà: Xấu xí, nghèo khổ, nạn nhân của bạo hành gia đình).

    - Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn còn lí giải những nguyên nhân gây nên đau khổ cho con người. Từ đó, ông phê phán, lên án hành động vũ phu thô bạo của người chồng trong đối xử với vợ, con (miêu tả, phân tích cảnh người chồng đánh vợ). Đồng thời, thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người (cảnh đói nghèo, cơ cực, tình trạng bất ổn, bất trắc trong cuộc sống.. là nguyên nhân sâu xa của sự bạo hành và sự nhịn nhục chịu đựng) ; bày tỏ niềm trắc trở trước cuộc sống của thế hệ tương lai (qua cách nhìn của nhà văn đối với cậu bé Phác).

    - Tác giả đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mà tiêu biểu là người đàn bà hàng chài và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của họ: Đó là vẻ đẹp của lòng vị tha, sự thấu hiểu lẽ đời và tình mẫu tử sâu nặng (các bạn phân tích câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện). Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo khó, tăm tối vẫn ngời lên vẻ đẹp của tình yêu thương, của đức hi sinh thầm lặng.

    - Tư tưởng nhân đạo mang tính triết lí của tác phẩm, còn được thể hiện ở việc nhà văn đặt ra vấn đề: Làm thế nào để giải phóng con người khỏi những bi kịch gia đình, bi kịch cuộc sống con người muốn thoát khỏi đau khổ, tăm tối, man rợ cần những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn, cần rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và hiện thực đời sống (các bạn đưa thông điệp của nhà văn vào bài viết).
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...