Tóm tắt truyện Sống Mòn - Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 11 Tháng tám 2019.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Sống mòn viết xong năm 1944, xuất bản năm 1956 ban đầu với tên gọi Chết mòn - Nhà xuất bản Văn nghệ. Nội dung của tác phẩm nói lên bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của mình, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính của con người.

    Tác phẩm với những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc sống, trong niềm xót xa dằn vặt khôn nguôi, trong thái độ cưỡng lại và giọng điệu phê phán trước những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách, và lòng khát khao sự đổi thay cuộc sống nhọc nhằn, không xứng đáng bằng một cuộc đời rộng rãi và đẹp đẽ hơn, nhân bản hơn - tức là những vấn đề thiết cốt cho sự sống con người trong bất cứ xã hội nào.

    Tóm tắt nội dung:

    Thứ là một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung, y vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, nghèo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Trong thời gian đó, Đích – anh họ đồng thời cũng là bạn của Thứ cùng vợ chưa cưới là Oanh mở một trường tư ở ngoại thành Hà Nội. Do phải công tác xa, Đích mướn Thứ đứng tên hiệu trưởng và dạy ở trường. Cùng dạy với Thứ, Oanh còn có San. Ban đầu Thứ hết lòng vì công việc nhưng sau đó, việc nhiều mà chỉ được trả những đồng lương còm cõi, lại bị bớt xén khẩu phần ăn hằng ngày, y khó chịu, chán nản, đôi khi muốn trả miếng nhưng rồi tự cảm thấy xấu hổ và ân hận.

    Nhiều lần Thứ muốn nói chuyện dứt khoát với Oanh nhưng do bản tính nhút nhát, do dự, ngại va chạm nên y đã không làm. Cuộc sống chung đụng khiến cho mâu thuẫn giữa Oanh với San và Thứ ngày càng gay gắt. Không thể chịu đựng thêm, hai người đã nhờ Mô - cậu giúp việc của trường tìm một nơi ở mới. Ở đây, họ sỗng dễ chịu hơn và Thứ đã có dịp nhìn nhận, suy nghĩ về những người sống quanh mình. Y nhận thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh chẳng có ý nghĩa gì. Kiếp sống nghèo khổ đã thui chột ước mơ, hoài bão và đẩy y đến cảnh "sống mòn". Y trở nên ti tiện với bạn bè, nhỏ nhen với vợ. Khi nghe Đích ốm nặng, y đã thầm mong Đích chết nhưng sau đó lại khóc, khóc cho cái chết của tâm hồn.

    Kỳ nghỉ hè, Thứ tưởng được thanh thản nhưng nào ngờ lại phải đối mặt với những chuyện khó chịu, làm khổ nhau một cách vô lý ở thôn quê và ở ngay trong gia đình. Đến khi ra Hà Nội, y lại gặp những tình huống bất ngờ: Trường phải đóng cửa vì thành phố luôn trong tình trạng báo động, Đích đang hấp hối trên giường bệnh.. Thứ đành phải trở về quê. Anh chua chát hình dung đời mình sẽ mục ra, và sẽ "chết mà chưa kịp sống". Nhưng nghĩ đến cuộc chiến tranh đang diễn ra, lòng Thứ đột nhiên lóe lên tia hy vọng về một cuộc sống công bằng, tốt đẹp hơn.

    Trích dẫn hay:

    "Trên những bãi sông kia, có biết bao người sống như y, nhưng không bao giờ cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi.."

    "Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen.."

    [​IMG]

    Bình luận tiểu thuyết sống mòn

    Tiểu thuyết Sống mòn Nam Cao viết xong ở làng quê Đại Hoàng ngày 1 – 10 - 1944 - như được ghi cuối sách – đúng vào năm nhà văn 27 tuổi, nghĩa là chưa đến tuổi "tam thập nhi lập". Cho đến tận bấy giờ, nghĩa là áp sát vào Cách mạng tháng Tám rồi, Nam Cao vẫn chưa được xem là cây bút nổi tiếng, vì sau Chí Phèo năm 1941, Nam Cao vẫn chỉ mới là một cái tên quen qua các truyện ngắn in trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Những truyện này cũng rất muộn mới được gom lại, trong hai tập Nửa đêm và Cười. Còn về truyện dài, Nam Cao chưa mấy được để ý vì Sống mòn viết xong 1944, nhưng mãi đến 1965 mới được in lần đầu; Truyện người hàng xóm mới được đăng tải trên Trung Bắc chủ nhật; còn một số truyện khác như Cái bát, Ngày lụt, Một đời người thì sau khi đã bán đứt bản quyền cho nhà xuất bản rồi cũng không được in; có thể vì lý do kiểm duyệt hoặc vì không sinh lợi được cho nhà xuất bản bằng bán giấy ra chợ đen. Tóm lại, tính về trước 1954, hoặc có thể kéo dài cho đến trước 1960, khó hình dung Nam Cao là một "cây" tiểu thuyết, sau những tên tuổi lực lưỡng như Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng..

    Hiểu như vậy để thấy bản thảo Chết mòn còn giữ được trong ba lô Tô Hoài, để sau 1956, ra mắt bạn đọc, dưới tên Sống mòn quả là một may mắn lớn cho Nam Cao; và cố nhiên, nó cũng đem lại niềm sung sướng cho chúng ta, những người đọc yêu mến Nam Cao, ngưỡng mộ Nam Cao.

    Từ lâu, Sống mòn có phần đượchiểu như một tiểu thuyết về nội tâm, thậm chi còn hẹp hơn, như một kiểu tự truyện của Nam Cao. Cách hiểu đó không phải không có lý; cố nhiên không phải vì thể mà Sống mòn kém giá trị so vói các tiểu thuyết khác.

    Phần tôi, đó là một tiểu thuyết có thể đọc nhiều lần. Đọc lại rồi lại đọc. Đọc để hiểu Nam Cao, hiểu một thế hệ trí thức kiểu Nam Cao và hiểu một thời thanh niên Nam Cao đã sống. Đồng thời cũng là một cách tự soi lại con người mình, thế hệ mình, soi lại mà thấy sao những Thứ, San, Đích, Oanh và cả thế giới những người thân kẻ sơ chung quanh họ vẫn cứ là thế giới quen thuộc, dẫu thời thế đã đổi khác.

    Rõ ràng Nam Cao không nói khác những gì ông và thế hệ của ông đã sống; ông nói chính sự sống, và sự trải nghiệm của ông, và một thế hệ như ông. Nhưng sao khi đào sâu, thật sâu vào sự sống rất riêng tư ấy, ông lại cho thấy kỹ lưỡng đến thế, dồi dào đến thế, và ấn tượng đến thế một sự sống rất nghèo, rất chật, một sự sống mòn, một sự sống cứ như muốn thu nhỏ lại mà hóa ra có biên độ rất rộng, không dễ khơi hết. Từ đặc điểm ấy mà nhìn, có lẽ Nam Cao là người đầu tiên, và cũng là người cuối cùng của văn học hiện thực Việt Nam cho ta cảm nhận được một cách đầy đủ hơn bất cứ ai cái dư vị nhạt phèo mà thật mặn chát của một sự sống.. mòn; cái "sống mòn" đã trở thành một phát hiện kỳ thú, một biểu trưng cho sự độc đáo trong sáng tạo của Nam Cao.

    Nhưng Sống mòn không chỉ là một tiểu thuyết hướng nội như cách ta hiểu lâu nay. Đó cũng chính là một tiểu thuyết rất taà năng trong các khả năng hướng ngoại.

    Đọc Sống mòn, thấy thật là sắc sảo bút pháp Nam Cao trong khắc họa đời sống khách quan của hiện thực, qua những chân dung và tính cách con người; qua các bức tranh sinh hoạt ở một vùng ngoại ô Hà Nội. Đó là cái thế giới nhân vật nơi một cái trường tư và chung quanh ngôi trường tư đó – nôi kiếm sống của hai nhà giáo Thứ, San với Đích, Oanh là đồng nghiệp và là người chủ cái trường. Cái thế giới đó mở rộng dần ra, từ người gần gũi nhất là Mô, anh loong toong làm đủ mọi thứ việc ở trường và những người chủ trương: Mô, rồi vợ và bà mẹ vợ, làm thành một gia đình con con, giúp việc thổi nấu cho hai ông giáo. Ngán cảnh sống chung với Oanh, hai nhà giáo nhờ Mô liên hệ thuê nhà riêng mà thế giới truyện có thêm gia đình ông Học, chuyên nghề làm đậu phụ ở trong một cái ngõ hẻm rất sâu, ngập đầy phân gio, rác rưởi, rất bẩn thỉu, mất vệ sinh. Cùng là người ở thuê với hai ông giáo, dưới gian nhà lá, là anh xe nhà mới tìm được cô vợ để sống chung; đến khi người chồng cũ cô ta phát hiện ra, thì cái tổ ấm ấy tan, và gian nhà được nhượng lại cho ba mẹ con một gia đình có người chồng, người cha đã đi theo người vợ le có của trên phố mà đâm ra bạc bẽo với vợ con.. Rộng ra khỏi những chung đụng chặt chẽ đó là bà béo - chủ trọ của trường, có cô gái rượu là Dung mà San thường ưa qua lại tán tỉnh, có lúc nổi hứng huênh hoang "cố làm cho nó chửa". Là Tư, cô gái mới lớn "tóc bỏ lõi, răng trắng muốt, đôi mắt to và đen lay láy.. hay đứng đợi xe ở trước cổng trường", cô bé mà Thứ hay ngắm trộm bằng "đôi mắt buồn rầu của một kẻ thương tiếc một cái gì đó đã lỡ". Xa hơn một chút là dinh thự nhà Hải Nam, ông thầu khoán kiêm laá gỗ, kiêm chủ đồn điều quá ư là giàu, đã về già với đông đúc đám hầu non và lũ gái cấm cung, cùng đám con sen đứa ở. Xa nữa, nhưng lại rất gắn bó với cuộc sống của mấy nhà giáo là làng quê, nơi họ thường xuyên phải đi - về không phải để hưởng cái thú điền viên, thư giãn mà vì sự sống cơm ăn áo mặc của một cộng đồng lam lũ, tất cả đều trông mong và tìm chỗ dựa ở họ, kẻ đã lĩnh cái sứ mệnh đi học để có công ăn việc làm và đỡ vực cả một gia đình.

    Bút pháp Nam Cao rất sắc sảo khi đặc tả những cảnh sống ấy, ở một khu ngoại ô – nơi máy nước, chỗ tụ tập đám con sen đứa ở; nơi một cái ngõ hẻm tối tăm, ẩm ướt với sự sống lam lẽ, không có chút sinh thú.. Lớp nguời này có tên chung là dân nghèo thành thị. Gọi là thành thị nhưng tất cả đều có cuống nhau gắn với nông thôn. Tất cả đều có gốc quê, vì sự sống bần cùng mà phải ra thành thị; có khổ cực đến mấy cũng cố bám thành thị mà sống. Dẫu phải làm bất cứ nghề gì, dẫu chỉ là kiếp sống con sen đứa ở.

    Miêu tả sự sống của lớp dân nghèo này, Nam Cao có dịp đối chiếu để làm rõ thêm cảnh sống của lớp người trí thức như ông.

    Giá cứ việc đẩy tới sự miêu tả theo hướng ngoại, lấy chính cuộc sống của lớp dân nghèo thành thị làm đối tượng miêu tả, chắc chắn văn học hiện thực Việt Nam sẽ có thêm một tiểu thuyết xuất sắc – có thể là xuất sắc nhất, so với tất cả mọi tiểu thuyết cùng đề tài, vào cùng thời - về lớp dân nghèo ngoại ô, với tất cả sự sống phập phồng, quằn quại của nó; một sự sống là sự nối dài cảnh bần cùng, bế tắc ở nông thôn; để cùng với đời sống nông thôn như trong Chí Phèo và nhiều truyện ngắn khác của Nam Cao mà làm thành một toàn cảnh về nỗi khổ cực của người dân Việt Nam đang bị dồn tới điểm mút của sự bần cùng, những năm tiền Cách mạng.

    Nhưng, như tên truyện Sống mòn, Nam Cao vẫn dành phần chủ yếu và tâm huyết cho việc khắc họa thế giới bên trong, thế giới những dằn vặt, những nghĩ suy, ao ước, trăn trở của một lớp trí thức nghèo.

    Thứ trong hồi nhớ về mình và qua lời kể ở ngôi thứ ba, đã từng học rất chăm và đọc rất chăm. Thứ đã có ba năm lăn lộn ở Sài Gòn, kiếm sống bằng rất nhiều nghề, và hăm hở đón một chuyến đi Tây không biết nản.. Y những mong và luôn luôn tự nhủ: "Phải có một cái trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài. Có học, có tài y mới đủ năng lực để mà phụng sự cái lý tưởng của y. Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu." Nhưng chỉ mới sau ba năm, y đã bị hất trả về quê. "Y đã thấy những gì ở quê nhà? Gia đình y khánh kiệt rồi. Bà ngoại y già nua, ốm yếu, bẳn gắt, buồn rầu"... "

    Làng y vẫn như xưa, khổ như xưa. Vải tây rẻ như bèo. Nghề dệt cổ sơ của làng chết hẳn rồi".. Quyết không thể sống vùi ở một xó nhà quê, Thứ lại ra Hà Nội và kiếm được một chỗ dạy tư. Ông thầy giáo trẻ có bằng Thành chung lại nao nức ý nguyện cải tạo và xây dựng cái trường. Nhưng y đâu phải là người chủ trường. Y chỉ là một kẻ dạy thuê để tháng tháng được lĩnh hai mươi đồng; số tiền y phải tính toán chặt chẽ đ 2000 ến chừng nào, mới có thể tạm đủ cho sự chi dùng ở mức tối thiểu, chưa nói đến chuyện phải gửi về nhà đỡ đần vợ con.

    Vậy là mới dăn năm vào đời - chỉ mới dăm năm thôi, mà anh thanh niên hăm hở, nồng nhiệt là Thứ đã nhanh chóng trở thành một anh nhà giáo lù rù, xo xúi, an phận; những ước mơ cao rộng của anh dần dần bị lụi tắt; mọi suy tính của anh không vượt ra nổi vòng vây áo cơm cứ thít chặt quanh anh, quanh cả cái gia đình lớn bé của anh, rộng ra là cả một quần thể người sống quanh anh – nơi một cái làng quê, và một xóm nhỏ ngoại ô. "Kiếp chúng mình tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả ước mong, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mòn mỏi tài năng trí óc, giết chết những mong muốn đẹp những hy vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho khỏi chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?"

    Ở mở đầu Sống mòn, trong ước nguyện và quyết tâm "cầm bút mà chiến đấu", nhân vật Nam Cao lòng đầy những ước mơ đi xa và hăm hở như một tráng sĩ. Đến kết thúc Sống mòn, thấm thía mọi bất hạnh, Thứ đã có thể tổng kết cho thân phận và tương lai của mình: "Y sẽ chẳng đi đâu? Ấy, cái đời y là vậy! Y biết thế! Y nhu nhược quá, hèn yếu quá! Y không bao giờ cưỡng lại không bao giờ nhảy xuống sông xuống bể, không bao giờ chĩa súng lục vào mặt người bẻ lái và ra lệnh cho hắn hãm máy, quay mũi lại. Y để mặc cho con tàu mang đi.."

    Cả cuốn tiểu thuyết xoay trở xung quanh sự sống ấy, một sự sống rất ít có sinh thú, nếu không nói là nó còng lăm le tiêu diệt hết mọi sinh thú của đời nguời. Một sự sống rất ít có ánh sáng, nếu không nói là mọi ánh sáng soi vào đấy, đều chỉ còn leo lét và có nguy cơ tắt rụi.

    Ngót ba trăm trang Sống mòn chỉ trở đi trở lại, vừa trên sự trải nghiệm một cảnh sống mòn, vừa trên sự giãy giụa để thoát ra khỏi cảnh sống đó; nhưng càng vùng vẫy như càng bị xiết chặt lại, quay trở đằng nào cũng không có lối thoát: "Chao ôi! Cuộc sống như cuộc sống chúng ta đang sống bây giờ thật có gì đáng cho ta thấy vui chưa? Người ta ghét nhau hoặc yêu nhau, nhưng bao giờ cũng làm khổ nhau cả. Tại sao như vậy?"

    * * * Tôi chưa quen lắm với các thao tác phân tích không gian và thời gian nghệ thuật vốn đang rất được ưa chuộng hiện nay. Tôi chỉ nêu một số cảm nhận rất đơn giản về ba không gian sống chủ yếu của nhân vật Sống mòn. Đó à gian ở nơi nhà trường, với những buổi sáng tràn ngập ánh nắng, gắn với ước vọng rồi sự lụi tắt dần những ước nguyện cải tạo mái trường. Gian nhà ông Học thường xuyên trong tối ẩm, để gắn bó và mở rộng thêm những chiêm nghiệm của hai nhà giáo về cuộc sống lầm than của lớp người ngoại ô. Và gian nhà ở quê gắn với biết bao kỷ niệm sầu tủi của một đôi vợ chồng trẻ quá qua nhanh tuổi thanh xuân, và cả một gia đình không lúc nào hết lo âu vì túng đói.

    Cái nắng chan hòa xuất hiện hai lần trong Sống mòn. Lần đầu nơi gian ở của nhà trường, khi mở đầu Sống mòn "Nắng cháy thành vũng trên sân. Hai vũng sáng, trước cửa nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ hình thêm. Sau cùng thì đã rõ ràng là hai cánh hình chữ nhật lệch có sọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chỉ nâu. Nó hắt cả lên cái đi văng Thứ đang ngồi, khiến y nheo nheo mắt, nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn." Và lần thứ hai, ở kết thúc Sống mòn, trên toa tàu đang kéo Thứ về quê khi trường vỡ - cái con tàu chậm chạp trườn qua những đồng ruộng, ao chuôm, làng mạc xơ xác và im lìm; thế nhưng trời lại rất xanh trong: "Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn - Trời xanh lơ, tươi màu như vừa quét sơn. Một vài túm mây trắng lửng lơ. Không gian như rộng quang ra, ánh nắng chan hòa rực rỡ". Cái ánh nắng mở đầu và kết thúc Sống mòn này cứ hiện lên như một tương phải hoặc như một thách thức với sự sống tinh thần triền miên trong mù xám và heo hút dần bao choán suốt từ đầu đến cuối truyện.

    Nếu sự sáng sủa chỉ đập vào cái giác quan chúng ta có hai lần như một sự tương phản – thì sự tối tăm, mù xám cứ triền miên, dai dẳng như một nền cảnh thích hợp cho cái buồn, những mặc cảm xấu hổ, bi quan và sự vô vọng ở tương lai. Sự ẩm thấp và tối tăm, đó là cái ngự trị không gian nhà ông Học: "Thật ra thì trong nhà đã nhá nhem rồi. Bên ngoài cái cửa sổ sau, màu xanh của bức giậu giăng tây dâng lên đến sau lưng chừng cửa sổ, đã thẫm lại thành đen. Không gian xám tro – và tít ngoài xa, đằng sau những đám lá me loáng thoáng như những mạng nhện đen, trên một nền trời bằng 2000 lặng, mấy vệt máu đỏ chết, cứ chết dần, đổi sang màu tím sẫm." Khung nhà đã tối tăm, hai nhà giáo lại chỉ sinh hoạt ở đấy về đêm. Đêm càng thêm hiu hắt vì sự hiện diện của một người u em "Mở cái buồng ra, y thâấ nhà ngoài vẫn còn đèn. Người u em đang ngồi vá áo dưới đất, ngay chỗ cửa ra, ngẩng mặt lên một thoáng rồi lại cúi xuống, im lặng vá. Thứ có cảm tưởng như chị vá, chỉ vì đêm quá dài, không sao ngủ hết, cũng như bà ngoại y thường bắt rận vào những đêm mùa rét, vì không ngủ được."

    * * * "San đi học. Nhà ngoài ngủ cả rồi. Còn một mình u em, lặng lẽ như một con ma, ngồi vá áo trên một ngọn đèn con - Thị lấy đâu ra nhiều áo rách để vá quanh năm như thế? – Cái bóng rất to của thị sừng sững ở trên tường; như một kẻ ranh mãnh đứng nín hơi nhìn thị".

    Cái buồn đọng lại rất sâu quanh hình ảnh u em nhà ông Học trong căn nhà hai ông giáo ở thuê. Cái buồn kèm với bao xót xa, tiếc nuối, hờn giận, yêu thương như càng trĩu nặng hơn nơi gian nhà riêng của Thứ ở quê. Gian nhà, và những buổi trưa "bên ngoài nắng nhạt dần dần. Nắng úa vàng. Sức nắng giảm rất mau.." Gian nhà, chỉ những lúc Thứ chuẩn bị đi, hai vợ chồng mới có dịp được ngồi bên nhau, người vợ "nhổ cho chồng những sợi tóc sâu, hay là muợn cớ thế, để được ngồi nói chuyện với chồng.. Họ nhìn nhau, như chưa bao giờ được chán nhìn nhau. Những con mắt rất ảo não, rất ngậm ngùi như thương lẫn cho nhau, nói với nhau tất cả nỗi buồn mênh mông của đời mình".

    Sống mòn ngán ngẩm và chua chát thế, nhưng không thiếu những trang đọc ứa nước mắt; những trang về người vợ và cái gia đình nhỏ của Thứ ở quê; về một tuổi trẻ quá chóng qua của Thứ, cùng biết bao người thân và bạn bè của Thứ.

    Thế giới Sống mòn, để thấm thía vị mòn mỏi của nó, còn là sự dàn trải đến lê thê, đơn điệu của những nghiền ngẫm, suy tư, tính toán; nhất là tính toán; không lúc nào thấy không tính toán: "Một buổi sáng, trong lúc đánh răng, y bỗng tính ra rằng, mỗi tháng nguyên về hai lớp của y, người thu được tám muơi đồng. Y chỉ được một phần tư. Còn sáu mươi đồng nữa thì vào đâu? Tiền nhà mười bảy đồng, tiền thằng ở độ sáu đồng, thì nó còn làm đến trăm việc khác cho Oanh chứ riêng gì về việc trường đâu; tiền phấn bảng độ vài đồng.." "Thứ tính ra rằng họ đưa như vậy thì cả hai người mới được bốn hào, chưa đến năm hào, độ bốn hào với sáu xu, già sáu xu gì đó.." Qua những nghiền ngẫm suy tư, tính toán đó, thế giới truyện quả như đươc giãn ra, tải ra trong một khí hậu thật loãng, nhạt. Nhưng mặt khác, Sống mòn lại chứa đựng một sự sống luôn luôn như dồn nén; vì thời gian truyện chỉ là gom lại trong hai cuộc chuyển nhà. Một từ chỗ ở cũ ngoài phố về trường được xem vào hồi ức; và bây giờ là từ trường chuyển sang nhà ông Học - Giữa hai cuộc chuyển nhà - một trong hồi ức, một ở hiện tại, kéo dài khoảng giữa năm học cho đến nghỉ hè, là cả một dung lượng rất rộng lớn. Đó là toàn bộ tuổi trẻ và tuổi thanh niên của Thứ, là mọi ao ước nghĩ suy, hy vọng và thất vọng của Thứ. Và qua quan hệ với Thứ, nó cũng là sự thâu tóm toàn bộ quá khứ và hiện tại của gần như tất cả các nhân vật truyện, kể cả từ San, Đích, Oanh và những người thân sơ của họ, đến gia đình Mô – Hà, gia đình ông Học, và những người cho thuê..

    Như vậy là thế giới truyện Sống mòn, cả không gian và thời gian đều như là sự dồn nén, thu nhỏ lại, rồi thu nhỏ nữa. Trong dồn nén mà chứa chất, mà diễn biến cho hết mọi cử động, mọi hoạt động, mọi hành động, mọi suy tư và ý nghĩ.. Trong dồn nén mà tạo nên hình ảnh và ám ảnh về một sự ngưng đọng, sự mòn rỉ - nó chính là tố chất để lấn át và làm tiêu mòn sự sống; để tạo nên nhịp điệu và giọng điệu thích hợp với Sống mòn. Cho đến lúc đi tới biên độ của cái gọi là "chết mòn" như tên truyện đầu tiên Nam Cao đặt. Rồi sau đó được đổi thành "sống mòn" khi cuốn truyện được in ra. Nhưng "chết mòn" và "sống mòn" thì có khác gì đâu, dẫu "sống" hay "chết" là hai khái niệm mang nghĩa ngược nhau. Ngược nhau mà lại cứ như hô ứng cho nhau, xích lại gần nhau, rồi chụm vào nhau mà làm rõ cái thực trạng của một cái chết trong sự sống, hoặc một sự sống đang đi dần về cõi chết..

    Ở Chí Phèo, và nhiều truyện ngắn, Nam Cao đã cho thấy biết bao cái chết – cái chết no của bà cái Đĩ. Cái chết trong quằn quại vì ăn bả chó của Lão Hạc. Cái chết vì xấu hổ và trì độn của Lang Rận và mụ Lợi. Cái chết vật vã giữa tỉnh và say của Chí Phèo và hai cha con nhà Thiên Lôi. Cái chết nhẫn nhục câm lặng của Phúc trong Điếu văn, và cái chết giấu giếm vợ con của người cha đau ốm trong Nghèo.. Những cái chết vì bần cùng hoặc khùng điên. Còn trong Sống mòn, Nam Cao nói đến cái chết mòn, 2000 nó là "cái chết ngay trong lúc sống" – cái chết của những người sống sờ sờ ra đấy mà không biết dùng sự sống của mình vào việc gì.

    Ngót ba trăm trang truyện, nói theo cách nói lý luận, đó là một cuộc đối thoại lớn giữa cái sống và cái đang mất dần sự sống; giữa cái sống và cái chết; và cuối cùng là sự toàn thắng của cái chết – cái chết mòn.

    Cái chết mòn của một lớp người, và cũng là của cả một dântộc vào những năm tiền Cách mạng tháng Tám.

    Năm năm về trước, trong bài tổng kết Hội thảo về Nam Cao nhân kỷ niệm 75 năm sinh, vào tháng 12 – 1992, tôi có dành một đoạn ngắn cho sống mòn: "Một bút pháp tự sự độc đáo; một chủ nghĩa hiện thực tâm lý nghiêm ngặt; một cảm quan hiện thực nhìn từ sâu, nhìn từ trong; một khát vọng nhân văn được chiêm nghiệm và đúc rút từ bản thân, và từ trong gã, hắn, y; một khả năgn khám phá và dự báo; một cách khái quát giàu sức chứa và sức mở đã đem lại cho thiên tiểu thuyết may mắn còn sót lại và cũng là có một không hai này những giá trị có thể nói là ổn định, là trường tồn. Đây là cuốn tiểu thuyết không có cốt, không có truyện, không có gay cấn và ly kỳ; bố cảnh truyện chỉ là sinh hoạt của mấy nhà giáo dạy tư, nhưng sao lại có sức gắn đến thế với cả cuộc đời rộng lớn; cái tiếng thì thầm của tác phẩm lại có sức ám ảnh đến thế đối với nhiều lớp người trong hành trình cuộc đời, giữa bao thăng trầm của lịch sử. Cuốn tiểu thuyết tách ra một lối riêng giữa bao nhiêu kiểu, dạng giống nhau hoặc khác nhau, từ văn xuôi lãng mạn sang văn xuôi tả chân – xã hội; và trong khi trung thành đến từng chi tiết của đời riêng và tràn ngập những chuyện đời tư, trong khi hội nhập được hai mặt tương phản của sống và chết, của sự sống và cái chết, trong một định ngữ mòn lại nói được bao nhiêu điều vừa tủn mủn vừa lớn lao của nhân thế."
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng tám 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...