TÓM TẮT TRẬN ĐÁNH CỦA NGÔ QUYỀN NĂM 938 Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (17 tháng 4 năm 898) trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm, Ái Châu. Cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền được sử sách mô tả là bậc anh hùng tuấn kiệt, "có trí dũng". Mùa thu năm 930, Lưu Nghiễm là vua nhà Nam Hán đem quân sang đánh Tĩnh Hải Quân (nước ta thời bấy giờ). Khúc Thừa Mỹ- Tiết Độ Sứ của Tĩnh Hải Quân không chống nổi, bị bắt mang về Nam Hán. Tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ tiến hành tập hợp lực lượng, quy tụ hào kiệt khắp nơi. Trong số đó có Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn- một hào trưởng ở Châu Phong, Đinh Công Trứ- một hào trưởng vùng Trương Châu. Dương Đình Nghệ xuất binh từ Thanh Hóa ra Bắc, đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại thành Đại La vào năm 931. Khi Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, xưng là Tiết độ sứ, giao Ngô Quyền cai quản vùng Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay). Ngô Quyền đem hết tài năng, nhiệt huyết mang lại cuộc sống no ấm cho nhân dân trong vùng. Mến phục tài đức của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ gả con gái yêu là Dương Như Ngọc cho người. Tháng 3 năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết để đoạt ngôi. Ngô Quyền vô cùng căm phẫn, liền đem quân từ Châu Ái ra bắc, tấn công thành Đại La để diệt trừ Kiều Công Tiễn. Biết tin, Kiều Công Tiễn liền giở trò hèn hạ vua Nam Hán giúp đỡ. Năm 938, trời đang tiết mưa dầm gió bấc. Đoàn quân Ngô Quyền, người người lớp lớp vượt đèo Ba Dội tiến ra bắc. Quân xâm lược còn đang ngấp nghé ngoài bờ cõi thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu ở ngoài cửa thành Đại La (Hà Nội). Mối họa bên trong đã được trừ khử. Kế sách trước trừ nội phản sau diệt ngoại xâm đã được thực hiện. Sau khi diệt trừ xong bọn Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền và bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển Đông Bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Thần tích và truyền thuyết dân gian các làng thuộc xã Nam Hải, Đằng Hải đều nói rõ từ Bình Kiều. Hạ Đoạn tới Lương Khê (thuộc An Hải, Hải Phòng) là khu vực đóng quân của Ngô Quyền. Hơn 30 đền miếu thờ Ngô Quyền và các tướng phá giặc Nam Hán đã được phát hiện, đều phân bố tập trung ở vùng hạ lưu sông Bạch Đằng. Đồn trại của Ngô Quyền đóng tại các thôn Lương Xâm (An Hải, Hải Phòng), Gia Viên (nội thành Hải Phòng) Ngô Quyền vào thành, hợp các tướng tá, bàn rằng: "Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được!" "Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được!" "Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả." Phán đoán đúng con đường tiến quân của địch: Ngô Quyền - người được nhà sử học Lê Văn Hưu ngợi ca là "mưu giỏi mà đánh cũng giỏi" - đã chủ trương bố trí một trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng để đón quân Nam Hán. Sông Bạch Đằng là con sông dài hơn 20km, nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, là nơi giao nhau của sông Giá, sông Chanh và sông Đá Bạc. Đây cũng là cửa biển thuận lợi nhất để tiến vào nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Phía hữu ngạn có dãy núi vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở. Hạ lưu sông Bạch Đằng thấp, độ dốc không cao nên chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài cây số. Lòng sông đã rộng, lại sâu, từ 8 m - 18 m. Triều lên xuống vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30 cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất khoảng 2, 5 - 3, 2 m. Cộng thêm địa hình hai bên là rừng cây và núi đá vôi với nhiều kênh rạch, rất thích hợp để mai phục. Tất cả mọi thứ đều nằm trong kế hoạch đánh giặc của Ngô Quyền. Ngô Quyền đã huy động hàng ngàn binh sĩ và nhân dân dân địa phương xây dựng trận địa cọc. Hơn 3000 cây cọc được vót nhọn, bịt sắt rồi chờ cho nước triều rút, họ đóng xuống lòng sông thành hàng dài tạo thành một bãi cọc, một bãi chướng ngại dày đặc và dài đến 3 dặm. Khi triều lên mênh mông thì cả bãi cọc ngập chìm dưới nước, khi triều xuống thì hàng cọc nhô lên cản trở thuyền qua lại. Bãi cọc làm cho địa hình thiên nhiên hiểm trở nay lại càng hiểm trở hơn. Trận địa cọc này là một nét độc đáo của trận Bạch Đằng phá quân Nam hán và cũng là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa phát hiện được thêm nhiều di tích của bãi cọc này. Ngô Quyền cho quân mai phục sẵn trên các đảo nhỏ và rừng cây xung quanh; trong các nhánh sông và trên hai bụi rậm. Trong thế trận của Ngô Quyền, rõ ràng trận địa mai phục giữ vai trò quyết định. Trận địa cọc ở cửa sông là nhằm chặn đường tháo chạy của tàn quân giặc. Sự phối hợp giữa hai trận địa chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền là phen này không phải chỉ đánh bại quân giặc mà còn phải tiêu diệt toàn bộ quân giặc, đập tan mộng tưởng xâm lăng của triều đình Nam Hán. Một ngày cuối đông năm 938, Hoàng Tháo đã vượt biển từ Quảng Châu, chuẩn bị vào cửa sông Bạch Đằng. Quân sĩ đã mỏi mệt, lại hay tin Kiều Công Tiễn đã bị giết nên lòng quân đã hoang mang dao động. Tuy nhiên, vì cậy quân đông thuyền lớn, Hoàng Tháo vẫn từ từ tiến quân. Đầu tiên, Ngô Quyền cho một đội thủy quân, đón đánh và giả thua, nhử quân Nam Hán tiến vào bãi cọc ngầm. Hoàng Tháo thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền cho quân ta giả vờ rút chạy lên vùng thượng lưu, Hoàng Tháo thấy thế thì vội vàng đuổi theo, vượt qua bãi cọc, tiến vào ổ mai phục của ta. Chờ khi nước triều rút và bãi cọc nhô lên, Ngô Quyền ra lệnh tổng phản công toàn diện, ông dẫn đoàn quân phủ lực phục sẵn ào ra, bất ngờ đánh xuống, chặn đầu quân Nam Hán. Bị đánh bất ngờ, quân Nam Hán hoản loạn, mất hết ý chí chiến đấu, chỉ đánh cầm chừng rồi bỏ chạy. Thế nhưng vừa đến cửa sông, đạo quân của Hoàng Tháo lại sa vào bãi cọc ngầm. Thuyền kia bị đâm thủng, thuyền này bị dồn lại rồi kẹt cứng, không sao thoát ra biển được. Quân Nam Hán vô cùng hoảng loạn, nhiều tên nhảy xuống sông hòng bơi lên bờ chạy trốn. Lúc đó, thủy quân của Ngô Quyền đuổi tới nơi, quyết chiến một trận. Quân giặc kẻ thì bị giết, kẻ thì bị thương, kẻ rơi xuống sông va phải cọc nhọn, kêu la thảm thiết. Hai bên bờ, quân ta bắn tên ra xối xả, quân giặc chết như cỏ rạ, chết nhiều đếm không xuể. Chúng chà đạp lên nhau, cố gắng níu giữ sinh mạng quý giá. Lưu Hoàng Tháo chưa kịp định hình lại vấn đề, đã bị trúng tên rồi bỏ mạng nơi đất khách. Sông Bạch Đằng không còn trong lành như ban đầu mà bị nhuốm đỏ bởi máu, tiếng rên la, mùi tang tóc vương lên đến rợn người. Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh, gọn đến mức vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới mà không sao kịp tiếp ứng. Nghe tin quá bất ngờ và kinh hoàng, vua Nam Hán đành thương khóc cho Lưu Hoàng Tháo rồi thu nhặt tàn quân quay về nước. Y bèn hạ đổ tội cho Trước tác Tá Lang hầu Dung "làm cho khí thế quân binh không phấn chấn lên được". Lúc này Dung đã chết, chúa Nam Hán tàn bạo sai quật mả, phơi thây Dung để trả thù! Sau chiến thắng chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc Ngô Quyền bắt tay xây dựng quốc gia. Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, định đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ông đặt ra chức quan văn, võ, nghi lễ trong triều. Nhưng đáng tiếc thời gian tại ngôi của ông thật ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944). Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, thọ 47 tuổi. Ngợi ca Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".