Tóm tắt sự biến đổi Kinh Thành Thăng Long qua các triều đại

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Tạp lục, 19 Tháng mười hai 2020.

  1. Tạp lục

    Bài viết:
    20
    Tóm tắt sự biến đổi Kinh Thành Thăng Long qua các triều đại

    1. Hoàng thành thời Lý

    Nhà Lý xây dựng Hoàng thành Thăng Long theo cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách), trong đó, vòng trong cùng – Cấm Thành – và vòng thứ hai – Hoàng thành – tạo thành một thể tương đối thống nhất là nơi ở và làm việc của vua. Vòng thành thứ ba là thành Đại La, hay La Thành, bao bọc quanh khu ở của quan lại, nhân dân và các phố phường – gọi là khu vực Kinh thành.

    Hoàng thành chính là vòng thành thứ hai, bao bọc quanh nơi ở và làm việc của nhà vua.

    Phần thành bao quanh Hoàng thành ban đầu được đắp đất, sau đó được gia cố và xây bằng gạch. Người ta cũng gọi đây là Long thành, Phượng thành, hay Long Phượng thành. Phía ngoài thành này được đào ngòi ngự, nối với dòng Nhị Hà. Theo hệ thống này, thuyền rồng có thể xuôi dòng vào Đại Nội.

    Hoàng thành có bốn cửa.

    Cửa thứ nhất gọi là Tường Phù (cửa phía Đông) với ý nghĩa là điềm lành, điềm tốt, đón ánh sáng mặt trời phương Đông. Cửa này mở ra trước chợ Đông và đền Bạch Mã, nay là phố Hàng Buồm.

    Cửa thứ hai gọi là Quảng Phúc (cửa phía Tây) với ý nghĩa là phúc lớn. Cửa này mở ra trước chùa Một Cột, thuộc khu vực đường Hùng Vương ngày nay. Phía trước cửa này là một khoảng sân rộng được dùng để tổ chức hội mừng ngày sinh của nhà vua.

    Cửa thứ ba gọi là Đại Hưng (cửa phía Nam) với ý nghĩa là sự hưng thịnh lớn. Cửa này mở ra ở khu vực Cửa Nam hiện nay. Nơi này cũng có một khoảng sân rộng để hoàng thân, quốc thích và nhân dân tổ chức lễ hội ném còn.

    Cửa thứ tư gọi là Diệu Đức (cửa phía Bắc) với ý nghĩa là đức sáng ngời, chống lại màu đen u ám của phương Bắc. Cửa này mở ra trước sông Tô Lịch đoạn chảy qua phố Phan Đình Phùng ngày nay.

    Trong Hoàng thành có núi Nùng, ngọn núi thiêng được coi là rốn rồng (Long Đỗ). Nhà Lý cho dựng điện Kính Thiên trên ngọn núi này.

    Trung tâm của khu vực nhà vua thiết triều và làm việc là điện Càn Nguyên. Hai bên tả hữu cung điện này là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Phía trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân. Phía phải mở cửa Đan Phượng. Chính Nam dựng điện Cao Minh. Các quan chầu vua tại thềm Rồng (Long Trì) có hàng hiên bao quanh bốn phía.

    Phía sau điện Càn Nguyên là hai điện Long An và Long Thụy, nơi nghỉ ngơi của nhà vua. Bên trái là điện Nhật Quang, bên phải là điện Nguyệt Minh, phía sau là cung Thúy Hoa và cung Long Thụy để các phi tần ở. Toàn bộ phần phía sau điện Càn Nguyên này là khu Cấm Thành. Giữa Cấm Thành và Hoàng Thành được ngăn cách bằng tường, có cổng và được lính canh nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Phàm quan lại, lính tráng và ngay cả thái tử, nếu không có lệnh đòi thì không được tự tiện đi vào khu vực này. Cấm Thành thời kỳ đầu nhà Lý có quy mô chưa hoành tráng lắm, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1, 5km chu vi.

    Cấm Thành là nơi ở của nhà vua và cung thất. Tuy nhiên, riêng thái tử và các hoàng tử không được ở trong Cấm Thành, mà phải ở các cung điện thuộc khu vực Kinh Thành. Thái tử và các hoàng tử được đưa ra ngoài thành ở cùng dân chúng để tích lũy vốn hiểu biết xã hội, thấu đời sống dân gian.

    Cấm Thành được xây dựng lại toàn bộ vào năm 1029, dưới thời vua Lý Thái Tông. Điện Càn Nguyên sau khi xây dựng lại được đổi tên thành Thiên An, nơi nhà vua thiết triều. Tập Hiền và Giảng Võ được đổi tên thành Tuyên Đức và Diên Phúc. Hai điện Long An và Long Thụy được thay bằng điện Thiên Khánh xây theo hình bát giác để nhà vua làm việc lúc không thiết triều và nghỉ ngơi. Sau nữa là điện Trường Xuân, nơi để khí giới, quân trang, quân dụng của nhà vua, với gác Long Đồ ở trên. Giữa Thiên An, Thiên Khánh và Trường Xuân được nối với nhau bằng cầu Phượng Hoàng. Phía trước điện Thiên Vũ là sân rồng, ở giữa được đặt một quả chuông lớn. Sân rồng là nơi nhà vua tổ chức những nghi lễ quan trọng, như lễ tuyên thệ cho các quan, mở hội Phật. Bao quanh sân rồng là hành lang và giải vũ, hai bên tả hữu sân rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước là điện Phụng Tiên. Trên điện Phụng Tiên có lầu Chính Dương, là nơi có người thường trực trông coi giờ khắc.

    Hệ thống cung điện phía Tây được vua Lý Cao Tông mở mang vào năm 1203. Điện Thiên Thụy được dựng ở giữa, hai bên tả hữu là điện Dương Minh, điện Thiềm Quang. Trước điện Thiên Thụy là điện Chính Nghi, trên dựng điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. Lại cho mở cửa Vĩnh Nghiêm ở giữa, cửa Việt Thành bên phải, dựng thềm Ngân Hồng, bên trái là gác Nguyệt Bảo đặt tòa Lượng Thạch. Dục Đường (nhà tắm) được dựng ở phía Tây điện Thiên Thụy, phía sau là gác Phú Quốc. Tiếp đó là cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư. Lý Cao Tông cho khơi thông ao với sông và dựng đình Ngoạn Y tại ao này, lại cho trồng nhiều hoa thơm, cỏ lạ xung quanh đình. Sử sách chép rằng, phần cung điện mới mở này được chạm trổ khéo léo, đẹp đẽ chưa từng có.

    Nhìn chung, các cung điện thời Lý đều được lợp ngói men xanh, men vàng, phần lớn là ngói ống với đầu bịt ngói được trang trí hình rồng, hình phượng, hình hoa sen, tạo thành hệ thống diềm mái lộng lẫy, mĩ lệ.

    Trải qua các đời vua triều Lý, Hoàng Thành Thăng Long được xây dựng ngày càng bề thế, tráng lệ, xứng tầm là kinh đô của "sông núi nước Nam".

    Theo dự đoán của các chuyên gia khảo cổ học và các nhà sử học, vị trí của Hoàng Thành Thăng Long có thể được xác định như sau: Phía Bắc Hoàng Thành giáp với Hồ Tây, phía Tây giáp sông Tô Lịch, phía Nam giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông ở khoảng phía Đông Quảng trường Ba Đình. Như vậy, Hoàng Thành Thăng Long thời kỳ này có chiều dài theo hướng Đông – Tây khoảng 3km, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam khoảng 2km, vị chi là 6 cây số vuông diện tích và 10km chu vi.

    2. Hoàng thành Thăng Long thời Trần

    Cuối thời Lý, chính sự rối ren, triều đình mục ruỗng, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông đi tu, nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Thánh khi ấy mới 7 tuổi. Lý Chiêu Thánh lên ngôi, lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Tiếp đó, Trần Thủ Độ kiếm cách tác hợp cho Lý Chiêu Hoàng với người cháu của mình là Trần Cảnh, rồi buộc Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng. Cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai nhà Lý – Trần diễn ra như thế.

    Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông (thường thì vị vua khai mở triều đại hay lấy hiệu là Thái Tổ, nhưng vì Trần Cảnh còn có bố là Trần Thừa đang sống, nên mới lấy hiệu là Thái Tông để tỏ ý hiếu thuận với cha). Lúc này, Hoàng thành Thăng Long qua bao phen binh lửa do nội chiến tranh quyền đoạt vị đã bị tàn phá tới mức có lúc nhà vua phải ở nhà tranh. Bởi vậy, khi quyền bính về tay nhà Trần, việc xây dựng lại Hoàng thành Thăng Long, chỉnh đốn lại Kinh thành được cần kíp tiến hành.

    Hoàng Thành Thăng Long

    Tuy có ý xây dựng lại Hoàng thành Thăng Long, nhưng hai vòng Cấm thành và Hoàng thành đều được nhà Trần tu sửa trên cơ sở thành cũ nhà Lý. Năm 1243, Trần Thái Tông cho đắp lại vòng thành trong cùng và gọi thành này là Phượng thành, hay Long Phượng thành, chính là Long thành thời Lý vậy. Cửa Nam Phượng thành được nhà Trần gọi là cửa Dương Minh. Trên cửa Dương Minh là gác Triều Thiên môn. Cửa nách bên trái gọi là Nhật Tân môn, cửa nách bên phải gọi là Vân Hội môn. Phía trong cổng này là khoảng giếng trời có kích thước khoảng 7m x 7m. Qua khoảng giếng trời này là bậc thềm dẫn đến điện Tập Hiền, trên điện có gác Minh Linh các. Từ chái bên phải đi tới là điện Đức Huy, bên trái là cửa Đồng Lạc, bên phải là cửa Kiều Ứng.

    Chính điện có 9 gian, được đặt tên là "Thiên An Ngự điện". Hai phía Đông, Tây làm hành lang, giải vũ. Nhà vua ở cung bên phải, gọi là cung Quan Triều. Cung Thánh Từ phía trái là nơi ở của Thái Thượng Hoàng. Thời Trần, nhà vua ở ngôi một thời gian, rồi nhường ngôi cho con và lên làm Thái Thượng Hoàng. Đây là một hình thức kèm cặp, rèn rũa kĩ năng làm vua của nhà Trần. Vua lên ngôi, nhưng Thái Thượng Hoàng vẫn tham gia chính sự, giúp nhà vua mới làm quen với chức trách mới.

    Ngoài ra, tại khu vực trung tâm Hoàng thành còn có điện Bát Giác, điện Diên Hiền là nơi vua làm việc hay thết yến các quan. Sứ thần nước ngoài được đón tiếp tại điện Tập Hiền và điện Thọ Quang. Điện Diên Hồng là nơi tổ chức các hội nghị bô lão để lấy ý kiền về những việc lớn, đại sự. Chẳng hạn, Hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến các bô lão về việc chủ chiến hay chủ hòa trước đe dọa xâm chiếm của giặc Nguyên Mông. Đây được đánh giá là chủ trương hay của nhà Trần trong việc tìm kiếm sự đồng thuận từ lòng dân, bởi các bô lão là người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn nhất tại cộng đồng dân cư và trong mỗi gia đình. Cũng bởi thế mà điện Diên Hồng có vị trí, vai trò quan trọng.

    Nhà vua thường xem lính đấu với hổ ở Vọng Lâu – chuồng hổ được đặt ngay dưới lầu – hoặc xem voi diễn trò. Sách An Nam Chí lược ghi, nhằm ngày lễ tiết, viên quản tượng lấy gấm phủ lên lưng voi, khiến voi quỳ xuống lạy vua. Khi có tang lễ thì khoác lên lưng voi yên vàng. Voi vốn thông minh, thấy thế thì nước mắt chảy ròng ròng. Các quan thường chầu lạy vua trước khi dự Hội thề mồng 4 tháng tư ở điện Đại Minh.

    Nhà Trần, cung Thái tử được gọi là Sừ cung. Các cung nữ ở trong cung Lệ Thiên hoặc Thưởng Xuân.

    Các cung điện dưới thời Trần được xây dựng với quy mô rất hoành tráng, có trình độ kỹ thuật cao. Thậm chí, trên các gác 2 có thể xây dựng hành lang rộng, có thể nối từ công trình kiến trúc này tới công trình kiến trúc khác. Năm 1368, vua Trần Dụ Tông cho xây dựng hành lang dài nối từ gác Nguyên Huyền tới cửa Đại Triều ở phía Tây. Với hành lang này, bá quan văn võ khi tiến triều yết kiến nhà vua đều có thể tránh nắng mưa.

    3. Hoàng thành Đông Kinh thời Lê

    Cuối thời Trần, chính sự mục nát, triều đình bị Hồ Quý Ly thao túng. Năm 1397, Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông là con rể của mình phải dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa), đổi tên Thăng Long thành Đông Đô. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi vua của cháu ngoại mình là Trần Thiếu Đế, lên làm vua, lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, vẫn đóng đô ở Thanh Hóa. Giặc Minh phương Bắc thấy nước ta có biến, bèn lập kế "Phù Trần diệt Hồ", lấy cớ đưa quân sang giúp nhà Trần giữ cơ nghiệp, nhưng kỳ thực là xâm chiếm nước ta. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly rơi vào tay giặc Minh, nước ta lại bị giặc Bắc đô hộ, thành Đông Đô bị nhà Minh đổi thành Đông Quan, hàm ý rằng nước ta chỉ là một phần trong lãnh thổ của chúng. Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, đến năm 1428 thì dẹp tan quân Minh, đem lại nền thái bình cho đất nước. Sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm, Lê Lợi lên ngôi vua, mở ra triều đại nhà Lê. Lê Thái Tổ quyết định vẫn đóng đô tại thành Thăng Long cũ, nhưng đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh, hàm ý đó là kinh đô của một nhà nước độc lập, chứ không phải là phủ quan như ý muốn của nhà Minh.

    Hoàng thành thời nhà Lê được mở rộng gấp đôi so với Hoàng thành thời nhà Lý và thời nhà Trần.

    Hoàng thành Đông Kinh có 3 cửa. Cửa phía Đông còn gọi là cửa Đông Hoa ở vị trí khoảng Hàng Cân, Hàng Đường ngày nay. Cửa phía Nam còn gọi là cửa Đại Hưng nằm ở khoảng Cửa Nam ngày nay. Cửa phía Tây còn gọi là cửa Bảo Khánh thuộc khu Giảng Võ hiện nay. Về cơ bản, Hoàng thành Đông Kinh được chia làm hai phần: Phần thứ nhất gọi là Cung thành, là nơi ở và làm việc của vua; Phần thứ hai là Hoàng thành.

    Cung thành thời Lê có hình chữ nhật, tường thành được xây bằng gạch, cửa chính Đoan Môn ở phía Nam. Hai bên có hai cửa nách là Đông Tràng An và Tây Tràng An.

    Năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng lại một loạt cung điện làm nơi thiết triều, nơi nhà vua làm việc và nơi ở của hoàng cung. Nổi bật trong số đó là điện Kính Thiên, Cần Chính, Vạn Thọ. Sau đó, Lê Thái Tổ lại cho dựng nhiều cung điện lớn khác, như Hội Anh, Cẩn Đức, Tường Quang, Giảng Võ, Thúy Ngọc, Thừa Hoa, Kim Loan, Bảo Quang, Thừa Thiên..

    Điện Kính Thiên là điện chính, điểm nhấn trong quần thể lầu điện trong Cung thành thời Lê. Điện này được xây dựng lại trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần, nghĩa là nằm tại vị trí núi Nùng. Đây là nơi thiết triều, nhà vua cùng bá quan văn võ bàn tính việc nước, việc quân. Điện Kính Thiên được vua Lê Thánh Tông sửa lại năm 1465. Năm 1467, Lê Thánh Tông lại cho dựng đôi rồng đá ở hai bên thềm trước điện này. Đôi rồng đá ấy cho đến nay vẫn còn tồn tại và là di tích nổi tiếng tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Phía trước điện Kính Thiên, vua cho dựng điện Thị Triều dành cho các quan vào chầu vua, đồng thời dựng điện Chí Kính bên phải, điện Vạn Thọ bên trái.

    Phía Đông Cung thành, nhà Lê dựng khu Đông Cung bao gồm hệ thống cung điện là nơi ở của hoàng thái tử và điện Phụng Tiên là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà vua. Cũng vì thái tử ở khu Đông Cung, nên dân gian vẫn gọi thái tử là Đông Cung, hoặc Đông Cung Thái tử.

    Hoàng thành Đông Kinh càng về cuối đời Lê càng được xây dựng bề thế, hoành tráng. Tuy vậy, việc xây dựng cung điện thời kỳ này chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn chơi xa đọa của vua, khiến ngân khố kiệt quệ, nhân dân khốn cùng, các sử gia khi chép về những việc này đều nghiêm khắc phê phán.

    Lê Hiến Tông, ông vua thứ 5 của triều đại Lê Sơ, trị vì từ năm 1497 đến năm 1504. Trong suốt thời gian trị vì, Hiến Tông cho xây dựng thêm nhiều cung điện tráng lệ: Thượng Dương, Giám Trị, Đồ Trị, Trường Sinh, hay điện Lưu Bôi với hệ thống dẫn nước từ xa về.

    Đỉnh điểm của hoạt động xây dựng cung điện tràn lan là Lê Tương Dực, vị vua thứ 8 của triều đại Lê Sơ. Tương Dực yêu cầu Vũ Như Tô thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng tòa đại điện hơn trăm nóc, có gác Cửu Trùng đài sừng sững, đồ sộ. Phía trước tòa đại điện này là hồ nhân tạo rộng, thông với sông Tô Lịch để tiện cho việc du ngoạn của nhà vua. Công trình khiến ngân khố quốc gia kiệt quệ, dân chúng và quân lính phải nộp thuế, lao công vừa kiệt quệ, vừa cực nhọc bị chết nhiều không kể xiết. Bởi vậy, họ nổi dậy giết chết Tương Dực và Như Tô.

    Thời kỳ này, Hoàng thành Đông Kinh rơi vào giai đoạn bạo loạn triền miên, cung điện được xây dựng nhiều nhưng cũng bị đốt phá nhiều.

    Trịnh Tùng đốt phá Thăng Long, san phẳng La Thành.

    Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập nên nhà Mạc. Tuy lòng dân phần nhiều đều hướng theo Mạc Đăng Dung với ước muốn có được đời sống ổn định sau thời gian dài xung đột giữa các phe phái phong kiến, nhưng một bộ phận khác vẫn hướng về nhà Lê. Trong lúc Mạc Đăng Dung lập triều đình, định đô ở Thăng Long (sử gọi là Bắc Triều), thì các cựu thần nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim với sự phò trợ của con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm, cũng đón hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Ninh lên ngôi, tức là vua Lê Trang Tông, lập lại nhà Lê, đóng quân tại Thanh Hóa (sử gọi là Nam Triều). Nam Triều và Bắc Triều liên tục giao tranh, nhưng bất phân thắng bại. Sau Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, tới đời Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm), nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long. Cuối năm 1591, quân đội Lê – Trịnh gồm 6 vạn quân, chia làm 5 đạo, tiến quân tập kích Thăng Long. Trịnh Tùng sai quân bắn súng vào thành Thăng Long đốt cháy nhà cửa, khói bốc mù trời. Đầu năm 1592, Trịnh Tùng tổng tấn công Thăng Long, quan quân nhà Mạc thua to. Bắt sống tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, quân Trịnh Tùng "phóng lửa đốt cung điện, nhà cửa trong thành, khói lửa kín trời", khiến "trong Kinh thành, xác chết chồng lên nhau. Tướng tá chết chừng vài chục viên, quân lính chết đến hơn nghìn người, khí giới bỏ ngổn ngang, chất cao như núi, lâu đài cung điện sạch không" (trích trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn).

    Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép rằng, sau khi đánh chiếm Thăng Long, Trịnh Tùng sai quân san phẳng các lũy đất ở chung quanh thành Đại La và lấp các hào rãnh, cho thành bình địa: "Nhâm Thìn năm thứ 15 (1592), tháng 6, ngày 15, hạ lệnh cho các quân san phẳng lũy đất ngoài cửa thành Đại La dài đến vài nghìn trượng, đẵn hết bụi rậm, gai góc, cày lấp hào hố, hết thảy thành bằng đất, không mấy ngày là xong". Như vậy, năm 1592 là thời điểm Kinh thành Thăng Long bị hủy hoại tan hoang nhất. Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư đưa ra nhận định: Việc Trịnh Tùng sai đốt phá Kinh thành, san phẳng thành lũy là mưu kế của Nguyễn Quyện nhằm hoãn binh cho nhà Mạc.

    Từ đó trở đi, Kinh thành Thăng Long không có thành lũy bảo vệ ở lớp ngoài cùng. Mãi đến năm 1749, khi Kinh thành bị uy hiếp bởi nhiều cuộc khởi nghĩa do nông dân nổi dậy, chúa Trịnh Doanh sai đắp lại thành mới theo dấu tích thành Đại La cũ, đặt tên là thành Đại Đô. Thành Đại Đô mở 8 cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu, phân phối binh lính canh giữ để phòng bị lúc yên ổn, lúc nguy cấp.

    Như vậy, hơn 150 năm sau ngày bị phá hủy, Kinh thành Thăng Long lại trở về với kiến trúc ban đầu theo kiểu tam trùng thành quách.

    Cung vua hoang phá, phủ chúa thênh thang

    Sau khi đánh đuổi nhà Mạc, Trịnh Tùng xưng là Bình An Vương, định lệ cấp bổng lộc cho vua Lê chỉ được thu thuế 1.000 xã, cấp cho vua 5.000 lính làm quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền rồng. Vua Lê bấy giờ chỉ còn giữ được danh nghĩa, còn thực quyền đều rơi vào tay nhà chúa cả.

    Bổng lộc bị hạn chế, quyền hành không có nhiều, vua Lê không đủ lực để giữ gìn những tòa cung điện lộng lẫy vốn có từ trước. Việc làm mới cung điện lại càng hạn chế. Nhiều cung điện của vua Lê bị bỏ hoang. Ngay cả điện trên nền Nùng Sơn cũng không dùng làm nơi thiết triều, mà biến thành điện Kính Thiên, là nơi thờ trời đất. Mỗi tháng đôi lần, vua coi chầu ở điện Cần Chánh, viện Đãi Lậu. Hai bên điện bị bỏ hoang lâu ngày, "nối nhau sụp đổ, cỏ mọc lên thềm và ngập đến đầu gối, phân ngựa vấy ra bừa bãi".

    Cỏ lá bao trùm lên những lầu son gác tía..

    Không chỉ cung điện bị hoang phế do không được tu bổ thường xuyên, tường Hoàng thành cũng bị sụp đổ gần hết. Sử còn ghi, cuối thế kỷ XVIII, khi quân Tây Sơn ra Bắc phò vua Lê, bẻ gẫy sự chuyên quyền của chúa Trịnh, thì Hoàng thành chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng và Đông Hoa. Nhà Tây Sơn bèn giúp vua Lê đắp lại Hoàng thành đoạn từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng.

    Trong khi hoàng cung bị hoang hóa đến mức "cỏ mọc tới đầu gối, phân ngựa vấy ra bừa bãi", thì phủ Chúa lại quá đỗi thênh thang, bề thế, lộng lẫy với những tòa ngang, dãy dọc sơn son thếp vàng, đèn hoa giăng mắc lung linh. Quần thể kiến trúc thuộc phủ chúa Trịnh được xây dựng trên một diện tích rộng lớn, tập trung chủ yếu ở phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm, trải dài sang tận phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, kéo sát tới bờ sông Nhĩ, tức sông Hồng ngày nay.

    Phủ chúa Trịnh được xây dựng chẳng khác khu Hoàng thành của những bậc đại đế. Toàn bộ khu Phủ chúa có hình vuông với tường thành bao quanh, mở 2 cửa ra ngoài là Chính môn phía Nam và Tuyên Vũ môn phía Đông trông ra hồ Hoàn Kiếm. Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, chúa Trịnh cho dựng nhiều công trình, trên Gò Rùa (gò đất giữa hồ Hoàn Kiếm, nay còn Tháp Rùa ở trên), chúa Trịnh cho dựng Tả Vọng Đình. Đáng kể nhất có lẽ là công trình lầu Ngũ Long cao tới 300 thước (120m). Tả Vọng Đình khắc họa hình 5 con rồng, mình rồng được gắn bằng những mảnh sứ và đá cẩm thạch.

    Khu chính Phủ chúa là một quần thể lâu đài nguy nga, tráng lệ với 52 công trình lớn. Các tòa dinh thự trong Phủ chúa đều được làm 2 tầng, có nhiều cửa lớn nguy nga với khung nhà làm toàn bằng gỗ lim, được sơn son thếp vàng. Những tòa ngang, dãy dọc nguy nga ấy được mô tả ở rất nhiều tư liệu cả trong và ngoài nước, trong đó có tác phẩm Thượng Kinh ký sự nổi tiếng của Lê Hữu Trác. Quần thể lâu đài tráng lệ cùng với vô số hoa thơm, cỏ lạ, chim muông quý hiếm, hồ, suối uốn quanh, non bộ hài hòa tạo thành khung cảnh đẹp tới mức Lê Hữu Trác phải thốt lên rằng "thực chẳng khác gì cõi tiên vậy".

    Càng về sau, những vị chúa Trịnh đời sau vừa chuyên quyền, vừa xa đọa, tàn ác nên nhà Tây Sơn đem quân ra đánh dẹp, giúp vua Lê lấy lại thực quyền. Với sự trợ giúp của nhà Tây Sơn, vua Lê, bấy giờ là Lê Chiêu Thống, mới thoát khỏi sự kiềm chế của chúa Trịnh. Để trừ hậu họa, vua Lê Chiêu Thống bèn cho đốt cháy toàn bộ khu Phủ chúa. Khu Phủ chúa rộng lớn, lại có quá nhiều công trình nên lửa bốc lên ngút trời, cháy lan sang cả nhà dân. Đám cháy thiêu trụi 2/3 Kinh thành Thăng Long. Đây được coi là vụ hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử Kinh thành Thăng Long. Cả một quần thể kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, bề thế của các đời chúa Trịnh, sau 10 ngày chìm trong biển lửa, đã tan thành tro bụi.

    4. Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn

    Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, ấy là vua Gia Long, vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn. Gia Long chọn đóng đô ở Huế. Thăng Long sau đó được đổi thành tổng trấn Bắc Thành với 11 trấn trực thuộc. Nhà Nguyễn bấy giờ đặt quan tổng trấn Bắc Thành và trao quyền hành rất lớn, lại đặt ra các Tào, gần như cơ quan đại diện của các Bộ tại Thăng Long. Quan tổng trấn Bắc Thành được quyền tự quyết cắt đặt quan lại, bãi quan miễn chức, xét xử kiện tụng, sau khi tiến hành xong rồi mới tâu trình. Bởi vậy, quan phủ ở Thăng Long – Bắc thành bấy giờ gần như một triều đình thu nhỏ. Điều đó cho thấy, nhà Nguyễn vẫn đề cao tầm quan trọng của Thăng Long đến mức nào.

    Vua Gia Long cho phá dỡ Cấm thành Thăng Long, cho xây dựng lại một tòa thành mới hình vuông, mô phỏng theo kiểu Vauban của Pháp. Mỗi mặt thành được bố trí 2 pháo đài, mỗi góc đều có pháp đài góc. Thành ngoài được mở 7 cửa, trên mỗi cửa có lầu và cột đồng. Xung quanh thành đều có hệ thống hào được dẫn nước từ sông Tô Lịch. Cầu bắc qua hào để vào thành được xây bằng gạch nung chín. Nền thành rộng chừng 28m, mặt thành rộng khoảng 8m. Trên thành có xây tường nhỏ bằng gạch làm chỗ núp cho quân bắn xuống khi có chiến tranh.

    Vua Gia Long cho xây thêm tòa điện phía sau điện Kính Thiên làm hành cung, xây các cửa thành Đông Nam, Tây Nam, Đông, Tây và Bắc. Phía trước Hoàng thành Thăng Long cũ, vua Nguyễn cho xây cột cờ, gọi là Điền Đài, cao 100 thước.

    Tháng 7 năm 1820, vua Minh Mạng lại bổ sung thêm một số công trình ở Thăng Long. Vua Nguyễn cho dựng thêm các điện, đường hành cung và làm các quán dịch để tiếp sứ thần Trung Quốc từ Kinh Bắc lên tới Lạng Sơn. Phía trước điện Kính Thiên, vua Minh Mạng cho dựng điện Thị Triều và điện Cần Chánh. Ở bờ Nam sông Nhĩ đặt nhà tiếp sứ lợp ngói, bờ Bắc sông Nhĩ đặt các trạm sứ quán từ trạm Gia Quất đến Lạng Sơn cả thảy 7 trạm. Ở giữa trạm dựng một nhà ngói, các tòa nhà trước, sau và hai bên đều dùng gỗ tạp và lợp cỏ tranh.

    Tới năm 1931, vua Minh Mạng thực hiện công cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn. Cấp tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành bị bãi bỏ. Vua Minh Mạng chia cả nước làm 30 tỉnh đặt dưới sự cai trị thống nhất của triều đình. Thủ phủ của Tổng trấn Bắc Thành, gồm khu vực Kinh thành Thăng Long các triều đại trước và mở rộng thêm, được cắt thành tỉnh Hà Nội. Bấy giờ, tỉnh Hà Nội được triều Nguyễn cắt đặt cho 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa và Lý Nhân; 15 huyện là Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thượng Phúc, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Nam Xang, Duy Tiên, Bình Lục, Phú Xuyên, Kim Bảng và Thanh Liêm.

    Thành tỉnh Hà Nội trước đó được nhà Nguyễn dựng lại với chu vi 1.728m, cao 4, 5m, hào bao quanh rộng khoảng 16m. Đến lúc vua Minh Mạng chia lại tỉnh hạt, bèn cho bạt bớt đi 1 thước 8 tấc cho phù hợp với quy chế thành của một tỉnh.

    Như vậy, đến thời Nguyễn, dù Kinh đô được đặt ở Huế, nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn tồn tại như một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn, rất được triều đình coi trọng.

    ST.
     
    PhươngThảo0710 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...