Tóm tắt nội dung sách: Những kẻ xuất chúng

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nguyên Vĩ Thu Thu, 19 Tháng bảy 2018.

  1. Nguyên Vĩ Thu Thu Tàn Hồng

    Bài viết:
    392
    NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG

    Lưu ý: Đây chỉ là tóm tắt.

    Ai nên đọc cuốn sách này?

    Bất cứ ai muốn hiểu sâu sắc hơn về thành công và phương pháp đạt được nó.

    Các giáo viên, huấn luyện viên và những người trong ngành đào tạo.

    Những chuyên gia tư vấn và những người quan tâm đến cải cách đất nước

    Tác giả cuốn sách là ai?

    Malcolm Gladwell là một phóng viên cho tạp chí New Yorker. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành báo chí như một phóng viên mảng kinh doanh và khoa học cho tờ Washington Post. Năm 2005, ông đã có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng của tạp chí Time.

    Ngoài Những kẻ xuất chúng, Gladwell đã viết nhiều cuốn sách bán chạy khác, trong đó có Điểm bùng phát: Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt lớn lao và Trong chớp mắt: Sức mạnh của việc suy nghĩ mà không cần suy nghĩ.

    1. Tôi sẽ học được gì từ cuốn sách? Tại sao thành công "tự thân" chỉ là huyền thoại.

    Bạn đã bao giờ đọc một cuốn tiểu sử của một người thành công mà sự thành công của họ chỉ nhờ vào may mắn? Có lẽ là không. Khi nói đến những câu chuyện thành công, chúng ta thường nghĩ rằng những người được nhắc tới bước lên bục thành công nhờ vào tài năng và sự nỗ lực không ngừng. Đó chính là huyền thoại về "những người tay không gây dựng cơ đồ", và trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng, Malcom Gladwell sẽ chứng minh cho bạn thấy đó là những câu chuyện thiếu căn cứ. Bạn sẽ thấy rất nhiều nhân tố vô hình ảnh hưởng đến thành công của một người, và đa phần nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

    Trong các phần tiếp theo bạn sẽ tìm hiểu:

    Tại sao Bill Gates và The Beatles có được thành công vang dội;

    Tại sao ngày sinh của bạn là tác nhân chính khiến cho bạn không bao giờ trở thành một siêu sao hockey; và

    Trồng lúa thì liên quan gì đến việc giải toán.

    2. Văn hóa của chúng ta luôn đề cao tinh thần tự lập và những "Tấm gương tự lập"

    Nếu ta gặp một nhà toán học xuất sắc, ta có xu hướng cho điều quyết định tài năng của anh về tư duy logic chính là yếu tố thiên bẩm (bẩm sinh). Ta cũng sẽ nghĩ tương tự với sự khéo léo của các vận động viên chuyên nghiệp, cảm nhận về giai điệu âm nhạc tuyệt vời của csac nhạc sỹ, hay kỹ năng gỡ rối của các lập trình viên.

    Nguyên nhân của việc này là chúng ta có một chế độ suy nghĩ mặc định được bật sẵn là Sự thành công của một cá nhân là do anh ta có năng khiếu bẩm sinh.

    Khi Jeb Bush tranh cử chức Thống đốc bang Florida, ông tự gọi mình là "một người tự lập" như một phần trong chiến dịch tranh cử. Điều này thật nực cười và vô lý. Bởi lẽ dòng họ của ông có tới hai đời tổng thống Mỹ, một chủ ngân hàng phố Wall giàu có, và một thượng nghị sĩ Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân được đánh giá rất cao trong văn hóa Mỹ và Jeb Bush đã tận dụng nó trong chiến dịch tranh cử.

    Những thành tích của Jeb Bush biến ông thành một kẻ xuất chúng – một người đã giành được kỳ tích về mặt thống kê. Nhưng cũng giống như những lợi thế về nguồn gốc gia đình đã giúp Bush có được thành công, những yếu tố tác động bên ngoài cũng giúp những kẻ xuất chúng vượt lên trên mức trung bình so người kẻ khác.

    Ta đánh giá quá cao những gì "tự thân" họ có được tới mức quên luôn rằng để có được thành công cần rất nhiều những yếu tố khác.

    "Tự lực thành tài" là một truyền thuyết – và truyền thuyết này vô cùng phổ biến.

    3. Khi bạn đạt tới một ngưỡng nào đó, tập luyện thêm sẽ không thể giúp bạn thành công.

    Dù có tài năng thiên bẩm, hay chiều cao tới 2m cũng sẽ không đảm bảo bạn có một hợp đồng bóng rổ đáng giá triệu đô. Và có chỉ số IQ cao ngất trời thì bạn cũng khổng thể bỗng dưng mà đạt được giải thưởng Nobel. Tại sao thế?

    Những phẩm chất nuôi dưỡng thành công như chiều cao đối với những cầu thủ bóng rổ trí thông minh tính toán của các nhà toán học.. đều có một "ngưỡng" nào đó. Ví dụ, Nếu đã cao tới 2m thì dù có cao thêm vài cm nữa cũng sẽ chẳng tạo ra quá nhiều khác biệt cho một cầu thủ chơi bóng rổ.

    Điều này cũng đúng trong ngành giáo dục. Một số trường luật hạ thấp các tiêu chuẩn đầu vào của họ với nhóm thí sinh dân tộc thiểu số theo một chính sách ưu tiên. Những sinh viên này thường có lực học kém hơn một chút so với những sinh viên da trắng. Nhưng khảo sát về công việc của họ sau khi ra trường thì không có sự khác biệt giữa nhóm sinh viên thiểu số và sinh viên da trắng. Dù năng lực học tập của họ kém hơn trước khi học ở trường luật và trong suốt quá trình học tập ở trường luật cũng vậy, các sinh viên thuộc nhóm thiểu số vẫn được hưởng mức lương ngang bằng, kiếm được nhiều danh hiệu, và họ cũng có nhiều đóng góp cho giới luật gia giống như các sinh viên da trắng cùng khóa với họ.

    Tương tự, chiều cao ở các cầu thủ bóng rổ chỉ có giá trị tới một ngưỡng nào đó, khi bạn có đủ trình độ chuyên môn về luật chơi, các yếu tố khác bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn. Các kỹ năng và phẩm chất liên quan là nền tảng cần thiết để thành công trong một lĩnh vực. Bạn không thể là chuyên gia luật hàng đầu nếu bạn có kĩ năng lý luận logic bằng 0 – tuy nhiên một khi chạm đến ngưỡng, việc tiếp tục tập luyện kĩ năng này sẽ không thể đưa bạn tiến xa. Trong trường hợp này, các kỹ năng khác như kỹ năng xã hội, kỹ năng kết nối hoặc may mắn lại cần thiết hơn để bạn tiến xa hơn.

    4. Những chuyên gia hàng đầu trong bất cứ lĩnh vực nào cần ít nhất 10.000 giờ tập luyện – không phải chuyện đơn giản

    Dù tài năng là một yếu tố quan trọng trong công thức của thành công nhưng việc cần cù tập luyện cũng quan trọng không kém. Bill Gates tận dụng mọi cơ hội và thời gian để được ngồi và lập trình với máy tính. The Beatles dành gần như toàn bộ thời gian để luyện tập và hát trên sân khấu. Họ đúng là những thiên tài. Nhưng nhờ tập luyện bền bỉ họ mới có thể vươn tới đẳng cấp thế giới.

    Để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực gì, các nghiên cứu cho thấy bạn cần phải dành một khoảng thời gian "tối thiểu khoảng 10.000 giờ" để thực hành. Tất nhiên, không phải mọi người đều có cơ hội có được 10.000 giờ để thực hành cho một công việc nào đó.

    Trước tiên, bạn cần có cơ hội để bắt đầu sớm giúp bạn có thời gian thực hành nhiều nhất có thể và đảm bảo lợi thế xuất phát trước trong cuộc đua. Ngoài ra, bạn hoặc gia đình bạn phải có đủ các nguồn lực để hỗ trợ bạn. Ví dụ: Bạn dành 40 tiếng một tuần để luyện tập và trở thành một nghệ sĩ violin đẳng cấp thế giới thì bạn đâu còn thời gian để làm các việc nhà?

    Tùy thuộc vào những gì bạn muốn vươn tới, bạn có thể sẽ cần phải được tiếp cận với những thiết bị hỗ trợ tiên tiến và đắt tiền khác nhau. Bill Gates ở thời kì đầu, khi mà máy tính cá nhân còn là một thứ xa xỉ đã có được cơ hội tiếp cận máy tính thông qua sự hỗ trợ của CLB các bà mẹ.. Những lời động viên, khích lệ từ phía gia đình, bạn bè, người hướng dẫn hay những người quen mà bạn vô tình gặp được cũng sẽ giúp bạn rất nhiều.

    Nếu may mắn như Bill Gates hay The Beatles, bạn sẽ có tất cả những điều này. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó, vì vậy họ không có đủ cơ hội để đạt được đẳng cấp và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà họ đã lựa chọn.

    5. Tháng sinh của bạn có thể ảnh hưởng lớn đến thành tích bạn đạt được.

    Mối tương quan giữa độ tuổi của bạn so với bạn bè đồng trang lứa có thể là một con dao hai lưỡi.

    Ví dụ: Trong giải đấu khúc côn cầu dành cho thiếu niên, độ tuổi phù hợp để tham gia giải đấu hợp lệ là ngày 1 tháng 1. Tất cả bọn trẻ sinh cùng năm dương lịch sẽ phải cạnh tranh với những đứa trẻ khác cùng năm sinh. Điều này có vẻ rất công bằng?

    Tất nhiên là không. Điều này khiến cho những đứa trẻ sinh tháng 12 phải cạnh tranh với những đứa trẻ sinh vào tháng 01. Nghĩa là bọn trẻ sinh tháng 12 phải cạnh tranh với những đứa trẻ khác hơn nó gần 1 tuổi.

    Hệ thống này không chỉ thiếu công bằng, nó còn tạo ra hiện tượng "lời tiên tri tự đúng". Huấn luyện viên khen ngợi nhóm 9 tuổi bởi vì chúng khỏe hơn, chơi tốt hơn, trong khi thực tế không phải như vậy. Lũ trẻ 9 tuổi chỉ già dặn hơn – một năm cũng đủ tạo ra sự khác biệt lớn khi nó làm cho những đứa trẻ 9 tuổi lớn hơn tới 1/8 tuổi so với những đứa trẻ mới chỉ 8 tuổi.

    Những đứa trẻ có lợi thế chênh lệch về tuổi này có được nhiều sự khuyến khích và cơ hội để cải thiện ở giai đoạn quan trọng trong thời kỳ phát triển của chúng. Điều này được gọi là lợi thế tích lũy, và đó cũng là lý do tại sao các cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp lại có ngày sinh tập trung vào tháng 01 đến tháng 06. Số còn lại sinh vào tháng 07 đến tháng 12 là rất ít.

    Bạn có thể nghĩ: "Hey, đó chẳng phải vấn đề gì quá to tát – Tôi không phải là một cầu thủ khúc côn cầu. Tôi cũng chẳng phải là một công dân Canada!"

    Nhưng mối tương quan về độ tuổi có thể tạo ra những cơ hội bất bình đẳng trong bất kỳ lĩnh vực nào có sử dụng ngày "ngắt ngọn" hàng năm để chia mọi người thành các nhóm dựa theo độ tuổi. Hầu hết các giải đấu thể thao đều sử dụng "ngày ngắt ngọn" để phân chia các nhóm vận động viên (cutoff dates – dịch theo sách là ngày ngắt ngọn). Liệu có một nơi nào khác cũng sử dụng "ngày ngắt ngọn" để chia nhóm? Đó chính là hệ thống trường học.

    Vì vậy, một bé gái 5 tuổi có sự tập trung kém hơn khiến cho nó có xu hướng cầm bút chì màu vẽ nguệch ngoạc lên bài tập đánh vần khi lớn lên có thể sẽ nghĩ rằng nó là đứa trẻ "có vấn đề" Đồng thời, một bé gái 6 tuổi trầm tĩnh ngồi cạnh bé gái 5 tuổi sau này lại có thể vào Harvard

    6. Cách bạn được nuôi dạy cũng ảnh hưởng lớn đến con đường tới thành công của bạn.

    Sau khi kỹ năng của bạn đạt đến một "ngưỡng", những khả năng tự nhiên sẽ không còn ý nghĩa nhiều trên con đường tìm kiếm sự thành công nữa. Một yếu tố quan trọng hơn nhiều là liệu bạn có trí thông minh thực tế.

    Trí thông minh thực tế là loại kiến thức theo "Quy trình" : Biết phân tích vấn đề và tận dụng nguồn lực xã hội để đạt được những gì bạn muốn – nói cách khác, biết đưa ra câu hỏi đúng, hỏi ai, hỏi cái gì và khi nào thì hỏi. Khả năng ảnh hưởng và đàm phán với những nhân vật đứng đầu có thể giúp mọi người đến gần hơn với mục tiêu của họ.

    Trí thông minh thực tế không phải là loại kiến thức bẩm sinh. Nhà xã hội học Annette Lareau phát hiện ra rằng những cha mẹ giàu có truyền cho con cái họ cảm giác "tự chủ" và "tôi có quyền" nhiều hơn so với những cha mẹ có điều kiện kinh tế kém hơn. Nói chung, họ làm điều này bằng cách chú ý nhiều hơn đến con cái của họ, hoặc ít nhất là tạo ra cho con cái của họ các hoạt động phong phú thúc đẩy sự phát triển về trí tuệ.

    Họ giáo dục con cái của họ hiểu rằng chúng cũng cần được "Tôn trọng" và cách để chúng "Tự xử lý" tình huống sao cho hợp với mong muốn của bản thân. Nói cách khác, họ giáo dục con cái áp dụng trí thông minh thực tế.

    Trái lại, cha mẹ nghèo thường sống khép nép và để cho con cái của họ phát triển theo một mô hình "tăng trưởng tự nhiên" – không thúc ép, không có quá nhiều tác động vào quá trình phát triển của trẻ như những gia đình giàu có. Điều này có nghĩa là trẻ em từ các hộ gia đình nghèo ít có khả năng được giảng dạy thông minh thực tế, và chính cách giáo dục này làm giảm cơ hội của bọn trẻ tiến tới thành công.

    7. Tác động của năm sinh lên thành công

    Những lợi thế từ sự "Thiếu công bằng" đến từ rất nhiều khía cạnh không mong muốn.

    Xem xét một số các tỷ phú công nghệc như: Bill Gates, Steve Jobs, người đồng sáng lập của Sun Microsystems – Bill Joy. Tất cả trong số họ đã được sinh ra với một món quà đặc biệt là khả năng lý luận logic xuất chúng, trí thông minh thực tế và cơ hội để có được tối thiểu 10.000 giờ thực hành các kỹ năng của họ. Bí ẩn của thành công đã được phơi bày?

    Từ từ đã. Không chỉ có những điều kiện đó, họ đã có được "thiên thời" giúp họ đạt được tối thiểu 10.000 giờ thực hành lập trình máy tính vào đúng "thời khắc" quan trọng trong lịch sử.

    Để bắt kịp xu hướng thay đổi liên tục trong ngành công nghiệp phần mềm, họ phải được sinh ra đúng lúc, đủ trễ để có thể tiếp cận các thế hệ máy tính mới giúp cho việc tìm lỗi phần mềm đơn giản hơn. Nhưng không quá muộn để bị người khác chớp lấy ý tưởng trước. Họ cũng phải đủ chín khi bắt đầu khởi nghiệp với công ty của chính mình. Nếu họ già hơn, họ có thể sẽ quan tâm đến sự "ổn định" hơn là mạo hiểm để thành công.

    Không phải tỷ phú công nghệ nào cũng sinh vào khoảng giữa năm 1954 đến năm 1956, nhưng thực tế rất nhiều tỷ phú được sinh ra vào khoảng thời gian đó. Điều này cho chúng ta thấy vấn đề "thiên thời – địa lợi" vô cùng quan trọng.

    8. Quê bạn ở đâu có thể có ảnh hưởng lớn đến những gì bạn đạt được.

    Bạn có thể quen với những câu nói dập khuôn như "Dân châu Á rất giỏi toán". Một vài người có thể sẽ thét lên "Động chạm chính trị!" khi nghe thấy điều này, nhưng đúng là một vài yếu tố văn hóa Phương Đông khuyến khích học toán tốt hơn. Điều đầu tiên thể hiện ở ngôn ngữ. Khi trẻ học đếm số bằng từ trong ngôn ngữ châu Á, chúng tự động học được cách làm phép cộng, vì vậy phát triển năng lực toán học ngay từ khi còn nhỏ.

    Ngoài ngôn ngữ, gạo – thành phần chính trong bữa ăn của người Châu Á – cũng giúp học sinh học toán bởi vì ngành nông nghiệp lúa nước yêu cầu kỉ luật lao động cao hơn. Trồng lúa khó khăn hơn nhiều so với trồng các loại câu khác ở phương Tây. Một vụ lúa bội thu đòi hỏi sự chính xác, tỷ mỷ và vô cùng kiên trì.

    Các chế độ phong kiến ở châu Âu làm nông dân không thu lợi được nhiều; họ phải trả hầu hết hoa màu của họ cho các địa chủ bất nhân, nhưng hệ thống này lại không phổ biến ở châu Á. Vì vậy trồng lúa là công việc cho thấy rõ mối tương quan giữa năng suất và thu hoạch. Vì thế, ý thức chăm chỉ đã bén rễ từ xa xưa; có một câu tục ngữ lâu đời minh họa điều này rất rõ, "Không ai dậy trước bình minh 360 ngày trong một năm lại không thể làm gia đình anh ta giàu có."

    Điều này có liên quan gì đến toán học? Giống như trồng lúa, toán đòi hỏi rất nhiều tư duy: Bạn có thể dành cả giờ để cố gắng hiểu ra tại sao đáp án là 19, 473.6 chứ không phải là -17. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên phương Tây bỏ cuộc trước các bài tập toán sớm hơn nhiều so với các sinh viên phương Đông.

    Vậy nên, đúng là dân châu Á thường giỏi toán hơn; nó là một phần trong di sản văn hóa của họ. Những người có tổ tiên làm việc trên các cánh đồng lúa thường thừa hưởng thái độ làm việc rất có ích cho việc học toán. Tính cách này lưu truyền lại, kể cả khi rất nhiều thế hệ đã không còn quan tâm tới việc đồng áng.

    9 Nếu ta ghi nhận sự quan trọng của di sản văn hóa, ta có thể giúp mọi người vươn tới thành công – và tránh phải thất bại.

    Có những sự việc gọi là "phi thường" nhưng không theo kiểu đáng ca ngợi, mà điển hình là tai nạn máy bay. Chúng xảy ra là do sự tích tụ của một chuỗi những vấn nạn nhỏ hoặc những lỗi mà bản thân không đáng kể. Giống như Bill Gates đã may mắn hết lần này đến lần khác, phi công cũng có thể gặp vô số các vấn đề nhỏ liên tục cho đến khi chúng biến thành thảm họa.

    Một ví dụ điển hình: Trước năm 2000, Hãng hàng không Hàn Quốc – Korean Air đã có một kỷ lục khủng khiếp về sự thiếu an toàn. Tỷ lệ tai nạn của họ cao hơn 17 lần so với mức tai nạn trung bình của ngành vận tải hàng không. Nguyên nhân cho vấn đề này rất có thể là một di sản khác của văn hóa Hàn Quốc, giống như quan niệm dân châu Á giỏi toán.

    Văn hóa Hàn Quốc coi trọng sự phục tùng và cho rằng người ta luôn nên coi trọng ý kiến cấp trên. Vì vậy, nếu cơ trưởng mắc lỗi, những thành viên tổ bay sẽ không dám cãi lời cấp trên bởi vì văn hóa không khuyến khích họ làm thế.

    Một trong những vụ tai nạn của Hãng hàng không Hàn Quốc tại đảo Guam có thể được truy nguồn về lỗi giao tiếp này. Cơ phó của chuyến bay cố gắng bảo người cơ trưởng đã kiệt sức rằng tầm nhìn đường bay quá kém, nhưng để tránh làm phật lòng với lời phê phán rõ ràng, anh ta chỉ nói:

    Anh có nghĩ là trời mưa to hơn không? Ở khu vực này ấy?

    Người cơ trưởng bỏ qua lời góp ý rón rén của cơ phó về thời tiết – và máy bay của họ đâm thẳng vào một ngọn đồi.

    Sau một cuộc cải cách thừa nhận vấn đề về di sản văn hóa thứ bậc cứng nhắc của Hàn Quốc có thể gây nguy hiểm cho máy bay, Hãng hàng không Hàn Quốc đã thuê một công ty Mỹ để cải thiện kĩ năng giao tiếp của tổ bay. Ngày nay, mức độ an toàn của Korean Air đã ngang bằng với các đối thủ.

    10. Nếu ta nhận thức những lý do khiến sân chơi trở nên không bình đẳng, ta có thể đem lại nhiều cơ hội thành công hơn cho mọi người.

    Những quy trình ta sử dụng để sàng lọc tài năng mới nở thành những nhân vật thành công hiếm khi hiệu quả, dẫn đến bỏ sót rất nhiều nhân tài.

    Trong khúc côn cầu, chọn ngày "ngắt ngọn" hàng năm đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sinh muộn phải cạnh tranh với những đứa lớn hơn chúng gần 1 tuổi. Nhưng một cầu thủ khúc côn cầu người Canada sinh ngày 27 tháng 12 không thể yêu cầu mẹ của mình hãy "cố nhịn" và sinh con vào ngày 01 tháng 01 để con có cơ hội công bằng như những đứa trẻ khác.

    Rất nhiều cầu thủ lẽ ra đã có tương lai tươi sáng hơn nếu các nguồn lực không đổ vào những người có xuất phát điểm không công bằng nhờ sinh đúng thời điểm. Lợi ích tích lũy với người này đồng nghĩa với bất lợi cộng dồn với người khác.

    Tuy nhiên một khi lỗi hệ thống này được ghi nhận, nó có thể được sửa chữa. Thay vì sử dụng ngày "ngắt ngọn" hàng năm, ta có thể chia những cầu thủ nhỏ thành 4 nhóm nhỏ cho tới khi lợi thế tuổi tương đối giảm xuống. Các em sinh từ tháng 1-3 có thể chơi trong một nhóm, tương tự với tháng 4-6..

    Tương tự như với hệ thống giáo dục. Thay vì không làm gì và để con nhà giàu có tiếp cận được nhiều cơ hội hơn, ta có thể tạo ra các chương trình như học viên KIPP (Chương Trình Kiến Thức Là Sức Mạnh – Knowledge Is Power Program) của South Bronx – trường trung học chất lượng cao dành cho những học sinh đến từ các khu vực có thu nhập thấp. Mặc dù không phải thi sát hạch hay đề ra tiêu chí tuyển sinh, và đa phần học sinh có hoàn cảnh khó khăn, KIPP vẫn có thể giúp 84% học sinh của mình đạt thành tích về toán cao bằng hoặc cao hơn cấp lớp 8.

    Tổng kết

    Thông điệp chính của cuốn sách:

    Không một ai có thể chỉ dựa trên chính họ mà thành công được. Đỉnh cao vinh quang là kết quả của một chuỗi những cơ hội gần như trời cho, may rủi, và ngẫu nhiên kết hợp lại - mà ta còn gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa - để tạo ra hoàn cảnh chín muồi giúp họ đạt được thành tích như hiện tại.

    Người dịch: Tô Triều
     
    Ánh Trăng Sáng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...