Kinh Dị Tôi Và Những Câu Chuyện Dân Gian - Ngọc Dạ Minh Châu

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi Ngọc Dạ Minh Châu, 24 Tháng mười một 2021.

  1. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Tôi và những câu chuyện dân gian

    [​IMG]


    Tác giả: Ngọc Dạ Minh Châu

    Thể loại: Kinh dị, dân gian truyền miệng, có yếu tố phóng đại

    Rating: 15+


    Link góp ý:

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm, Sáng Tác Của Ngọc Dạ Minh Châu

    Giới thiệu:


    Truyện viết dựa trên các câu chuyện dân gian truyền miệng mà tác giả từng được nghe,

    Có yếu tố phóng đại cho hợp hoàn cảnh.



    Nhân vật "tôi" không phải bản thân tác giả.

    Cùng "tôi" khám phá thế giới huyền bí đằng sau những câu chuyện kể, những bài đồng dao dân gian Việt Nam các bạn nhé!
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 1: Cá dẻ lau.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đôi lời tâm tình: Bộ truyện này được viết trên cơ sở dân gian truyền miệng, sẽ có một vài tình tiết giống nhau, thậm chí có xu hướng phóng đại (lời đồn mà). Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.

    Phần 1: Cá dẻ lau.

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Vụ Bản, Nam Định. Hồi tôi còn bé, quê tôi nghèo lắm. Ông nội vượt đất ruộng, xây cho gia đình tôi một cái nhà ra ở riêng.

    Nhà xây còn chưa xong, còn chưa có cửa, chưa trát xi măng, tường rào và cái cổng còn chưa làm thì ông nội đã ốm đến không dậy nổi.

    Cầm cự được đâu mấy tháng thì ông mất. Lúc đó tôi mới có 5 tuổi, em trai cũng mới sinh được nửa năm. Tôi vẫn chưa hiểu cái gì là tử vong.

    Khi ông mất, tôi ngơ ngác nhìn người ta thổi kèn đánh trống, mẹ tôi cùng các bác các thím khóc đến ngất đi bên cái hộp gỗ. Ông tôi hiền lành nên mọi người yêu mến lắm.

    Tôi đi theo xe đò đi ra nghĩa địa, ở quê tôi người ta gọi là Đồng Hống.

    Tôi thấy bố tôi, bác tôi, chú tôi vừa đào hố vừa khóc. Rồi mọi người khiêng cái hộp gỗ có ông tôi thả xuống. Tôi ngờ ngác nhìn ông tôi đứng bên bờ ruộng, cúi đầu nhìn chằm chằm cái hố, rồi ông ngẩng đầu lên nhìn mọi người.

    Gương mặt ông tôi xám trắng, lúc nhìn đến tôi ông cười thật tươi. Tôi cảm thấy có gì đó bận bận trong mắt mình, đưa tay dụi một cái, ngẩng lên không thấy ông đâu nữa. Tôi nhìn thấy mọi người bắt đầu bốc đất ném xuống dưới hố, bà cô trong họ bảo tôi:

    - Nào, đi tiễn ông con một đoạn đi.

    Bà cầm tay tôi, hướng dẫn tôi bốc một nắm đất nhỏ.

    Tôi đột nhiên khóc thét lên, gào lớn:

    - KHÔNG NÉM KHÔNG NÉM CHÁU MUỐN ÔNG CƠ. ÔNG ƠI!

    Bà cô vội vàng bế tôi lên, tôi giãy dụa đến lợi hại. Mọi người thúc giục:

    - Mau mau bế con bé về.

    Bà vội vàng bế tôi chạy về. Vừa đi tôi vừa giãy dụa gào đến tắt cả tiếng. Có người nhìn thấy bảo: Nó biết ông nó chết rồi.

    Đó là lần đầu tiên tôi biết cái gì gọi là chết, là không bao giờ trở lại nữa. Đó là kí ức rõ nét nhất khi ở tuổi ấy của tôi.

    Trẻ con khóc nhanh quên cũng nhanh.

    Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ làm việc cật lực mới đủ nuôi chị em tôi.

    Đêm nào bố mẹ cũng đi kéo lưới đến hai ba giờ sáng mới về. Chị em chúng tôi được bà nội trông.

    Nhà tôi vẫn chưa có cổng. Phải nói là ngoại trừ nhà tôi thì xung quanh chẳng có ngôi nhà nào cả.

    Tôi nghe bà nội hay kể với mấy bà trong làng:

    - Đêm qua nó lại đứng ở ngoài đường gọi tôi, tôi đến thở cũng không dám thở.

    - Ấy, bà đừng có mà ra ngoài cũng đừng có mà trả lời nghe chưa. Không là nó bắt đi đấy.

    Tôi nghe mà vẫn chưa hình dung ra được "nó" là cái gì.

    Tôi lên tám tuổi, biết nấu cơm biết hái rau giặt quần áo rồi. Bây giờ tụi nhỏ bằng tuổi tôi thời ấy khéo vẫn còn không biết lọ mắm lọ muối như thế nào đâu nhỉ *cười nhe răng*

    Nhà tôi cuối cùng cũng có cổng. Bố mẹ tôi ban ngày đi chở gạch thuê, buổi tối lại đi kéo lưới. Kéo dọc con sông ven làng, nếu kéo ngược dòng thì càng được nhiều cá. Nhưng mà cái lưới nó nặng lắm luôn.

    Tôi ngủ đến tầm hai giờ sáng liền dụi mắt nhập nhèm ngồi ở bờ hiên, thắp đèn dầu chờ bố mẹ về để mở cửa.

    Ông Bảy đi đơm đó về ngang qua, thấy tôi thì bảo:

    - Này, chờ bố mẹ hả cháu? Bố mẹ mày đang thu lưới sắp về rồi đấy.

    - Vâng. Ông Bảy bắt được nhiều cá không?

    - Có. Haha. Mai bảo mẹ có ăn cá chuối thì ra nhà ông nhá. Ông bắt được bảy tám con, con nào con nấy to tướng, chắc phải hơn 1 cân đấy.

    - Oa, to thế.

    Tôi thốt lên thán phục. Ngày ấy, cá sông mà được hơn cân một con là to lắm. Ít người bắt được cá to như thế chứ đừng nói bắt được bảy tám con.

    Ông Bảy vừa cười vừa đi về. Xung quanh nhà tôi đã có thêm hai ba căn nhà nữa, không đến nỗi mình nhà tôi trơ trọi như mấy năm trước.

    Bố mẹ tôi chở lưới trên cái xe thồ về, tôi chạy vội ra mở cửa. Bà nội đang cho em ngủ cũng đặt em đấy rồi đi ra chong thêm hai ngọn đèn nữa cho sáng.

    Nhà tôi vẫn chưa lắp được điện. Bố bảo mấy hôm nữa công ty điện lực làm cột điện ở chỗ chúng tôi rồi, không cần phải dùng đèn dầu nữa.

    Bố mẹ tôi trông không được vui. Tôi nhìn cái rổ to có vài con cá rô lít nhít liền biết hôm nay nhà tôi không thu hoạch được nhiều lắm.

    Kéo lưới ấy à, may mắn thì được mớ cá mớ tôm ngon, còn không thì chỉ toàn rong rêu.

    Mẹ đổ túi rêu chưa nhặt ra, tôi và bà nội cầm rá ra bới. Được một ít tép, chắc bán được 500 đồng.

    Tôi chẹp miệng bảo:

    - Nhà ông Bảy sướng cực, ông ý bắt được bảy tám con cá chuối to, hơn cân một con ấy bố.

    - Thế á. Chắc ông ý gặp may. Mai mẹ mày mang ít tiền với quả mít sang, mua lấy con cá nhỏ nhỏ về kho cho bọn trẻ con nó ăn.

    Tôi nghe mà tứa nước miếng. Bà nội lại bảo:

    - Mấy hôm nay nước to ngập bờ lấy đâu ra nhiều cá chuối thế. Có mà cá ma.

    - Thì mai cứ thử sang xem sao.

    Tôi chấm hỏi đầy đầu. Giờ ngẫm lại chắc ngày đó ý bà tôi nói là ông ấy bốc phét.

    Nhặt rong rêu xong bà cháu tôi rửa tay đi ngủ. Mẹ thì đem mớ cá rô với ít cá vụn mang ra chợ bán. Ngày đó họp chợ sớm mà.

    Tôi ngủ đến hơn 5 rưỡi thì dậy, vừa ngáp vừa quét sân. Quét ra đến cổng thì gặp mấy bà trong làng. Tôi chào mà mấy bà ý mải buôn, chả thèm trả lời tôi luôn.

    - Mấy bà không biết đâu, toàn dẻ là dẻ, làm mẹ gì có con cá chuối nào.

    - Tôi thấy là bị thằng nào ăn trộm cá xong nó nhét dẻ vào cho tức chết rồi.

    - Này này tôi thấy có khi bị ma trêu rồi.

    Tôi nắm cây chổi chống lên cằm nghĩ nghĩ. Cá chuối à? Chắc mấy bà ý đang nói về nhà ông Bảy nhỉ.

    Mẹ tôi cũng về rồi, vừa đi vừa châu đầu ghé tai với bác Hoan hàng xóm.

    Tôi hoan hô mẹ đã về, rướn cổ dòm vào trong rổ. Trống không.

    - Mẹ, cá chuối đâu?

    - Chuối cái gì mà chuối, toàn dẻ lau.

    Ồ, xem ra tôi đoán đúng rồi. Mấy bà lúc nãy nói về nhà ông Bảy đây mà. Bác Hoan nói với mẹ tôi:

    - Ôi thím thấy không, mặt lão Bảy xanh như tàu lá chuối ấy.

    - Chứ còn gì nữa. Đi đánh đó cả đêm được mấy con cá. Chả biết người làm hay ma làm.

    * * *

    Chuyện buôn dưa lê thì nhiều lắm, chuyện nhà ông Bảy chỉ hot có một hôm rồi mấy hôm sau chẳng ai nhắc đến nữa.

    Hôm ấy, anh Chiến con nhà bác cả rủ tôi ra ruộng bắt cua. Tôi ngu khoản này dã man. Người ta cho tay hay cho cái móc vào, khều khều vài cái ra con cua, tôi thì chọc vào là xé con cua ra làm hai nửa.

    Chúng tôi đi đến bờ cánh Đồng Sâm thì gặp ông Bảy đang ngồi bên bờ ruộng. Đi qua chào thì ổng chả thèm ừ hứ gì, cũng chả buồn ngoái lại nhìn chúng tôi.

    Tôi còn định hỏi sao mấy nay không thấy ông đi bắt cá thì thằng anh họ tôi kéo tay tôi chạy thục mạng. Chả hiểu nó bị làm sao luôn.

    - Này.. hộc.. anh sao thế..

    - Đờ mờ.. mày không thấy à.. Ông ý có bóng đếch đâu.

    - Anh điên à? Ma chỉ có buổi tối thôi chứ ban ngày ban mặt lấy đâu ra.

    - Đờ mờ bố nói điêu bố làm con mày.

    Tôi không tin quay lại thử nhìn xem. Nào còn bóng dáng ông Bảy nữa. Tôi bỗng nhiên rùng mình, cảm thấy hơi buồn đi vệ sinh.

    Tôi với lão Chiến hét ầm lên co giò chạy té khói. Về đến đầu làng thấy người lớn chạy xi xao về một hướng, vừa chạy vừa bảo nhau:

    - Chết bao giờ thế?

    - Ai mà biết được.

    Tôi với lão Chiến nhìn nhau.

    - Đi theo xem sao đi.

    Hai đứa lon ton chạy theo, ra đến bờ sông thấy mọi người đang túm tụm lại chỉ trỏ.

    Tôi loáng thoáng thấy mấy cái nơm của ông Bảy nổi lềnh phềnh trên mặt nước.

    Toàn người là người không xem được gì cả, hai đứa bèn chui qua chân bọn họ.

    Vừa với ngó được có người nổi trên mặt nước, chưa nhìn kĩ gáy đã bị túm lấy.

    Bố tôi hùng hổ xách cổ hai đứa tụi tôi lôi về nhà, chửi cho một trận rồi khóa cổng không cho ra. Tức ói máu.

    Hôm sau tụi tôi đang chơi gần gốc đa nghe thấy mấy bà trong làng đang thì thầm chuyện hôm qua, bèn giả vờ chơi tìm tổ tò vò, len lén sát lại gần nghe ngóng.

    - Ui giời ơi, ghê lắm. Mắt lão ý trợn to như thế này này, lười thè ra, tôi nhìn một cái mà đêm qua mơ thấy ác mộng luôn.

    - Chả thế thì không à. Này nhớ, tôi đã bảo là hôm nọ lão Bảy bị ma trêu mà. Bà có thấy không, tay chân lão bị cột dẻ, cổ cũng bị dẻ buộc chặt, lúc tháo ra tôi đếm được đúng 7 cái luôn.

    - Chắc lão ý chết từ đêm hôm kia rồi. Chết đúng cái chỗ hôm nọ lão bắt được cá luôn.

    - # ("& (-

    Tôi với lão Chiến nhìn nhau, tóc gáy dựng đứng. Ông Bảy chết từ đêm hôm kia rồi, thế thì buổi sáng hôm qua chúng tôi nhìn thấy ma thật rồi.

    Tụi tôi vội về nhà vặt trụi cả cây bưởi nhà bác cả, hai đứa đun nước lên xong đổ ra thau ngồi thu lu trong ấy. Bác cả về thấy cái cây bưởi mới trồng tan hoang thì chửi ầm lên. Bố tôi kéo tai tôi lôi xềnh xệch ra nằm úp sấp trên giường đánh cho một trận nhừ tử. Tôi yếu ớt thều thào.

    - Bố ơi, sáng hôm qua bọn con gặp ông Bảy..

    Bố tôi vội vàng bịt chặt mồm tôi lại.

    - Câm mồm, không được nói.

    Chập tối hôm đó bố tôi rải gạo với muối quanh nhà, đặt con dao với bó tỏi ở đầu giường, dặn dò tôi có ai gọi cũng không được thưa.

    Đêm hôm đó tôi ngủ mà cứ chập chờn, lúc tỉnh lúc mê. Nghe loáng thoáng có người gọi tên mình, định há mồm ra đáp thì nhớ lời bố dặn vội vàng câm họng lại.

    Tiếng người cứ ở bên tai tôi thì thào, lặp đi lặp lại.

    - Cá.. dẻ.. lau.. Cá.. dẻ.. lau..

    Hết phần 1.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng mười một 2021
  4. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 2: Cua mắt đỏ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mùa hè năm tôi 11 tuổi, đám trẻ con trong xóm chúng tôi rủ nhau đi xúc cua. Chính là đem cái rá hay cái rổ mắt nhỏ luồn xuống dưới lớp bèo rũ rũ xong nhấc lên ấy. Phải lội đến ngang bụng mới bắt được nhiều.

    Tôi bắt được nhiều cua lắm mà trời vẫn còn sớm nên đi ra mấy cái góc bờ ao với kè sông bắt ít ốc.

    Ông Thọ đi chăn bò về, con bê con của ổng ngứa cẳng đá đổ xô cua của tôi, còn dẫm nát mấy con nữa. Tôi cáu quá chửi om sòm lên, ổng còn cười ha ha bảo:

    - Ối dồi ôi con gái con đứa mà gớm chưa. Thôi tí tao đền cho quả trứng, sang nhà bác mà lấy.

    Nói xong ổng dắt bò đi về. Tôi hậm hực nhặt của vào xô, may mà chỉ mất có ít chứ mất nhiều chắc tôi đào mả tổ nhà ông ý lên mà chửi.

    Tôi bắt được lưng rá ốc thì trời cũng tắt nắng. Xách cua với ốc đi về, tắm táp thay quần áo xong tôi chạy ù sang nhà ông Thọ đòi trứng. Ổng chỉ cái rổ trứng vịt bảo:

    - Đấy bác đền cho hai quả, cầm về luộc mà ăn.

    Tôi nhặt hai qua trứng nhỏ. Mấy con cua bé tẹo của tôi làm gì được hai quả trứng. Ông ý cho tôi thôi.

    - Lấy hai quả to to vào về luộc hai chị em ăn.

    - Thôi bác ạ cháu chả thích trứng to. Trứng nhỏ ăn thơm hơn.

    Ông ý phá lên cười hềnh hệch, rồi lại bảo tôi.

    - Này, sau này đi bắt cua mà lỡ có bắt được con cua có mắt đỏ thì phải chạy đi nghe không? Về tắm lá bưởi, ăn tỏi sống vào. Trai 7 gái 9.

    - Sao thế hả bác?

    Ông ý xua tay không trả lời tôi đuổi tôi về. Mắt thấy sắp đến giờ nấu cơm không về chắc ăn no đòn, tôi đành chậc lưỡi chạy về. Thôi để hỏi sau vậy.

    - Bà ơi, bà biết cua mắt đỏ không?

    Bà đang may cái áo quay sang hỏi:

    - Ai nói cho con biết mà hỏi?

    Tôi không hiểu vì sao nhưng vẫn nói:

    - Ông Thọ ạ. Ông ý bảo con đi bắt cua nếu có bắt phải cua mắt đỏ thì phải chạy, về nhà tắm lá bưởi còn ăn tỏi sống nữa.

    Bà nội trầm ngâm, đem mũi kim mài mài lên tóc.

    - Cua mắt đỏ người ta gọi là Cua quỷ.

    - Cua quỷ?

    - Ừ. Mày biết cái nhà để hoang ở chỗ Cửa Hiển không?

    - Có ạ. Ngày nào cháu chả đi chăn bò qua đấy.

    - Đấy là nhà của ông Năm. Nhà ông ý dọn đi nơi khác hơn hai chục năm rồi, chắc hai mươi ba năm có thừa ấy nên mấy đứa không biết ông ý đâu.

    Bà kể cho tôi nghe câu chuyện xảy ra vào hai mươi ba trước. Năm đó xã tôi vẫn còn nghèo rớt mùng tơi, muốn mua muốn bán gì phải đi ra tận chợ huyện. Cách cả mười cây số ấy. Mà ngày ấy nhà nào có điều kiện lắm mới có con xe đạp phượng hoàng, còn đâu toàn xe thồ hay gánh đòn gánh mà đi thôi.

    Chợ huyện họp sớm, chưa sáng đã tan rồi đến muộn thì mua với bán cho ai. Thế là mọi người toàn phải rủ nhau đi từ 11 giờ đêm ấy.

    Nhà ông Năm thuộc dạng khá giả, có cái xe phượng hoàng cũ. Ông ý hay chở ngô non lên chợ huyện bán.

    Hôm đó ngô ngon mọi người tranh nhau mua đến khoảng 3 giờ sáng là hết. Ông Năm không đợi mọi người về cùng mà về trước một mình.

    Đi về qua cánh đồng thôn Lời, thì gặp một người đàn bà đang lúi húi bắt cua. Ông Năm bèn xuống xe hỏi:

    - Chị gì đó ơi, bắt được nhiều cua không? Bán cho tôi mấy con.

    Người đàn bà ngẩng đầu lên, đăm đăm nhìn ông ta. Đôi mắt trong bóng đêm dưới ánh đèn măng sông như than đá đen, nhìn đến ông ta rợn tóc gáy.

    Đang tính tháo chạy thì bà ta cười hì hì, bảo:

    - Có, em bắt được lưng giỏ rồi đây. Bác mua nhiều không?

    Ông Năm thở hắt ra:

    - Khiếp, chị làm tôi sợ muốn chết cứ tưởng gặp ma. Nhặt cho tôi khoảng ba chục con, to to tí về rang muối nhắm rượu.

    - Vâng, bác đem bị đây em nhặt cho.

    Bà ta thò tay vào giỏ nhặt bỏ vào bị của ông năm đúng 3 chục con cua, con nào con nấy to đùng, phải bằng 3 ngón tay chụm lại.

    - Úi. Cua to thật đấy. Mà cái giỏ của chị trông bé tí mà đựng được nhiều cua thế nhỉ?

    Người đàn bà cười cười không nói, đưa lại cái bị cho ông Năm.

    - Chị lấy bao nhiêu tiền thế?

    - Em lấy bác hai ngàn.

    Ông Năm móc túi đưa hai ngàn đồng cho bà ta, chào hỏi rồi đi về. Trước khi đi còn không quên thắt chặt cái bị để cua khỏi bò ra ngoài.

    Đi được một đoạn thì ông Sơn cũng phóng xe về đến gần.

    - Bác Năm nay về sớm thế.

    - Ừ chú cũng về sớm thế còn gì?

    - Vâng, nay em có ít đồ nên về sớm. Bác có cái gì mà buộc bị chặt thế?

    - Vừa mua được mớ cua của cái chị đang bắt ở dưới kia. Thế chú không mua à?

    - Chị nào? Em có thấy ai đâu?

    - Thế chắc người ta đi sang bên kia bờ rồi nên chú không thấy. Cua to lắm, trưa về tôi rang muối chú sang làm vài chén nhá.

    - Được thế thì còn gì bằng. Em còn ít rượu đế, trưa nay em mang sang.

    Ông Năm về đến nhà, bà Năm ra mở cổng. Ông Năm đưa bà cái bị bảo bà đổ cua ra cái thau nhôm lấy cái sàng đậy kín vào kẻo cua bò đi mất. Còn ông cất xe vào mái hiên, rửa chân tay mặt mũi, vào rít điếu thuốc lào rồi lên giường đi ngủ.

    Bà Năm đổ cua ra chậu. Mấy con cua không bò lung tung, mà con này quấn lấy con kia thành một cục, đám chân ngọ nguậy ngọ ngậy trông như một đống giun đất bò cùng một chỗ. Không hiểu sao bà có cảm giác rùng mình, vội lấy cái sàng đậy lại rồi đặt hòn gạch lên trên.

    Sáng hôm sau ông Năm gỡ cái sàng ra định lấy cua đi ngâm cho ra đất thì thấy còn mỗi một con. Ông tức tối chạy ra ruộng ngô chửi bà Năm một trận té tát.

    Kệ bà Năm biện giải thế nào ông vẫn chửi, chửi từ ngoài đồng về đến nhà. Ông Sơn mang bình rượu sang đến nơi thấy thế liền hỏi:

    - Sao thế bác Năm?

    - Mẹ nó chứ. Có mấy con cua cũng đậy không hẳn hoi nó bò đi hết mẹ nó rồi. Mất mẹ nó hai nghìn bạc.

    - Thế không còn con nào à bác?

    - Còn có mỗi một con thì ăn uống đếch gì?

    - Thôi bác bớt nóng, cua bò đi rồi chả bắt lại được. Em mang rượu sang rồi anh em mình nướng tí cá khô lên nhắm xuông vậy.

    Ông Năm cũng không nói gì nữa. Về nhà thấy con cua cuối cùng cũng mất nốt, chắc hồi nãy tức quá quên không đậy cái sàng lại.

    Ông bèn lấy cái mớ cá khô trên gác bếp mang ra ngoài sân bắc cái bếp than củi, hai ông vừa ăn vừa uống rượu.

    Gần trưa con trai ông Năm vác cuốc đi về.

    - Bố ạ, chú Sơn.

    - Ừ. Trường đi làm về hả cháu? Trai lớn rồi bao giờ cho các chú uống chén rượu mừng đấy?

    - Cháu mới 17 tuổi thôi lấy vợ sớm làm gì chú.

    Anh vừa cười vừa đặt cái cuốc xuống sân giếng, múc nước lên rửa chân. Đang đổ nước chợt thấy có gì bò trên chân, anh hét toáng lên xong vớ lấy cái cuốc bổ lên cái con vật đen sì vừa bị anh hất ra.

    - Sao đấy? Làm sao?

    Ông Năm với ông Sơn quăng chén rượu chạy vội ra sân giếng thì thấy anh Trường ngồi phệt dưới đất thở hổn hển.

    Ông Năm vội vã hỏi con:

    - Trường, làm sao đấy con?

    - Bố, cái con kia là cái con gì thế?

    Ông Sơn lại gần cái xác màu đen, nhìn ngó một hồi:

    - Cua? Bác Năm, cua bác mua to thế này cơ à.

    Ông Năm nhìn xác con cua bị bổ làm hai nửa mà sững sờ. Cua ông mua chỉ to khoảng 3 ngón tay thôi. Cái con trước mắt này phải to bằng bàn tay ông xoè ra.

    - Sao em cứ thấy nó lạ lạ thế nào ý bác ạ.

    Ông Sơn nói xong liền bẻ cái que tre làm dàn mướp, gẩy gẩy xác con cua.

    Từ chỗ bị bổ đôi chảy ra cái gì đó đỏ hon hỏn, còn nhầy nhầy như óc lợn khiến ba người lợm giọng muốn nôn.

    Anh Trường cứ có cảm giác từng đợt gió lạnh lùa vào từng chân tơ kẽ tóc, da khắp người nổi gai.

    Ông Sơn bảo cái thứ này kì quái tốt nhất là đem vứt đi. Ông Năm gật đầu đỡ con trai ngồi dậy để anh ngồi ở cái chõng ngoài hiên, rồi lấy cái cuốc gạt xác con cua ném ra ngoài mương nước sau nhà.

    Xảy ra chuyện như vậy chả ai còn tâm trạng đâu mà rượu với chè nữa.

    Bà tôi dừng lại một chút uống nước lấy hơi. Tôi thúc giục:

    - Sao nữa hả bà? Bà mau kể nốt điiii.

    - Ừ. Ai mà ngờ được đêm hôm đó xảy ra chuyện.

    Ông bà Năm dậy lúc 10 giờ tối chuẩn bị chở ngô ra chợ huyện bán. Lúc cầm đèn ra sân mở cổng bà Năm vấp phải cái gì ngã lăn ra, cái đèn dầu lăn vào đống lá bạch đàn khô góc sân, lửa bùng cháy lên. Ông Năm đang lúi húi dắt xe nhìn thấy đang định chửi thì nhìn thấy thứ nằm ở giữa sân. Bà Năm cũng quay lại nhìn xem mình vấp phải thứ gì, vừa nhìn liền hét toáng lên.

    Thứ nằm giữa sân là một cái xác người, bị phân làm đôi, máu tươi lênh láng. Đống lá cây bắt lửa càng lúc càng sáng, ông bà nhìn rõ người nằm giữa sân. Chẳng phải thằng Trường con ông bà thì ai.

    Ông Năm ngã khụy trước bậc hiên, còn bà Năm chỉ kịp hét lên: "TRƯỜNG CON ƠI" rồi cũng ngất đi.

    Hàng xóm nghe tiếng la, lại thấy ánh lửa lại tưởng có cháy liền hô hào nhau mang xô chậu sang dập lửa. Nhưng mà lúc mọi người đạp đổ cổng tre xông vào thì đều chết sững. Có người sợ quá ngất tại chỗ, người bạo gan hơn thì chạy lại xem rồi không nhịn được chạy ra xa nôn mửa.

    Bà nội tôi rùng mình một cái như tưởng tượng lại cảnh lúc đó rồi lại kể với tôi:

    - Thằng Trường bị chém làm hai nửa, cả người nhung nhúc toàn cua. Tụi nó chui ra từ vết chém, từ mắt từ mồm thằng bé. Cả một đám cua con nào con nấy tưới đẫm máu, đến mắt cũng màu đỏ.

    Con Thu con Hiền đang ngủ say nghe tiếng động cũng chạy từ trong nhà ra. Hai đứa nó ngất ngay tại chỗ. Nhà ông Năm lúc đó loạn thành một nùi.

    - Sau đó thì sao ạ?

    - Còn thế nào nữa? Cả làng chỉ có mấy nhà thân với gia đình ông Năm đến giúp họ chôn cất con trai, đến người kéo xe đò cũng là ông Năm bà Năm.

    Đứa con gái út nhà ông Năm điên rồi, cứ ra đường là gào lên: Cua quỷ, cua quỷ.

    Cho đến một ngày người ta nhìn thấy nó chết ở mương nước sau nhà, bụng trương lên mắt trợn lớn, mồm thì há hốc. Trong mồm nó có mấy con cua bò ra. Toàn là cua mắt đỏ.

    Lời đồn trong làng mỗi lúc một nhiều. Nhà ông Năm đi đến đâu bọn nó xua đuổi đến đó, có đứa còn lấy đá nhọn ném bể đầu bà Năm.

    Ngày xưa tình làng nghĩa xóm là thế mà nhà ông ý có chuyện bọn họ lại quay lại chửi rủa, xua đuổi.

    Ông Năm không chịu được nữa phải thu gói đồ đạc đem vợ và đứa con gái cuối cùng bỏ làng mà đi. Lúc đi cũng chỉ có ông nội mày với nhà ông Sơn, ông Khánh tiễn bước.

    Bà kể chuyện xong rồi đi trở lúa, còn mình tôi ngồi ngẩn ngơ suy ngẫm.

    Thật sự là quỷ làm à?

    Sao tôi cứ cảm thấy lòng người so với quỷ càng đáng sợ hơn.

    Hết phần 2.
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười hai 2021
  5. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 3: Tóc.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi 12 tuổi, em tôi 8 tuổi.

    Nhà tôi nuôi hơn 300 con vịt, sáng thả đi chăn tối lùa về.

    Nghe thì đơn giản nhưng mà mệt thấy mẹ, nhất là vào mùa lúa trổ đòng đòng, trong ruộng nhiều cá, nhiều tép. Bọn vịt cứ nhè chỗ nào hổng là chúng nó chui vào, đuổi được đầu này chúng chạy đầu kia, nhảy vào ruộng nhà người ta rỉa rụng cả phấn lúa.

    Không có người thì không sao, cùng lắm lúc mình về người ta thăm đồng thấy cũng chỉ chửi đổng vài câu.

    Có người thì thảm rồi. Họ chửi rủa, đánh chúng tôi. Điển hình là mụ Lý toét, mụ ý xoắn tai em tôi mà kéo, tôi nhảy vào cắn bị người ta tát cho nổ đom đóm mắt.

    Bố chở gạch về qua nhìn thấy, nhảy vào hỏi sao bà đánh con tôi. Bà già điêu ngoa đặt điều chị em tôi lùa vịt vào cho ăn lúa, xong tước hết đòng đòng non nhà mụ ý ăn. Bố tôi tính tình nóng nảy, chẳng những không giúp chúng tôi còn bồi thêm cho vài đạp.

    Tôi ghét bố lắm. Cái con ngang bướng như tôi ăn no đòn cũng muốn phản kháng.

    Tôi nhảy luôn xuống ruộng nhà mụ ý vừa đạp vừa nhổ mất cả một khoảng lúa, bố tôi nhảy xuống đạp tôi ngã dúi ngã dụi xuống ruộng. Thằng em tôi cũng khôn, biết không làm gì được liền chạy vội sang lò gạch gọi bác cả với chú út.

    Mụ Lý cứ đứng trên bờ mà chửi, nghe giọng mụ có vẻ hả hê lắm.

    Bố tôi càng cục càng đánh hăng. Tôi thiết nghĩ nếu bác cả tôi không chạy về kịp chắc giờ tôi đứng đầu giường kể chuyện cho các bạn nghe rồi cũng nên.

    Mụ Lý cũng chả được lời gì, còn bị bố con tôi quần cho nát bươm cả ruộng lúa.

    Cuối cùng vẫn là bác cả tôi bắt con vịt bồi thường cho mụ ý.

    Từ đó mụ Lý bị tôi ghi thù. Cứ ruộng nào của nhà mụ tôi không cho bò liếm thì cũng cho vịt vào quần. Trồng lạc thì chỉ cần ra hoa là tôi nhổ, trồng khoai ra củ tôi cầm cuốc bổ ngang.

    Mụ đuổi đánh thì tôi chạy, mách bố tôi thì tôi trốn. Tôi ăn đòn lần nào là nhà bà ý tan hoang lần ấy. Bố mẹ tôi cũng bất lực luôn.

    Dạo gần đây mụ Lý canh chừng ghê lắm, tôi muốn phá cũng không được. Buồn buồn lục mấy cuộn len của mẹ ra ngồi đan. Tuy tôi nghịch như giặc nhưng đừng coi thường tôi nha. Nữ công gia chánh cái gì tôi cũng thành thạo.

    Cầm sợi len màu đen tôi chợt nghĩ ra ý tưởng hay ho.

    Tôi đem len gỡ cắt thành sợi dài bằng nhau lấy cái móc móc thành bộ tóc giả. Trông lôm ca lôm côm nhưng mà dùng vào buổi tối chả ai phát hiện ra đâu.

    Tôi rủ lão Quyết lão Chiến với con Quỳnh đi dọa ma mụ Lý. Mấy đứa này đều bị mụ Lý làm cho ăn đòn oan mấy lần nên tôi vừa đưa ra ý tưởng tụi nó vỗ tay reo hò luôn.

    Con Quỳnh lấy trộm cái áo dài trắng của chị nó, thằng Chiến thằng Quyết thì đi chặt tre. Chúng tôi buộc hai đoạn tre thành cái giá chữ thập, đem áo dài mặc vào cho nó, xong nhìn kiểu gì cũng ra con bù nhìn.

    Thằng Chiến bảo hay cắt ngắn thanh ngang đi chỉ đủ máng đến vai áo thôi còn hay cái tay cho buông thõng xuống. Tôi nghĩ cũng phải. Sau khi mắc cái đám tóc giả bườm xườm của tôi lên thì cũng ra dáng ma nữ áo trắng lắm rồi đấy.

    Tối hôm ấy bọn nó bảo sang nhà tôi học nhóm rồi ngủ luôn ở nhà tôi, chờ bố mẹ tôi đi kéo lưới, bà và em tôi ngủ say tụi tôi trèo tường mang đạo cụ ra ra bờ ao nhà mụ Lý, trên đường còn nhặt thêm mấy mẩu gạch vụn. Để tăng thêm kịch tính tôi còn mang theo một đó rơm ướt với cái đèn pin của bố tôi.

    Thằng Quyết đốt rơm, thằng Chiến chịu trách nhiệm cầm đạo cụ, tôi trèo lên bờ tường cầm gạch vụn ném vào cửa nhà mụ ý dụ mụ ra còn con Quỳnh thì chịu trách nhiệm canh gác. Thực ra canh gác cho có chứ nhà mụ Lý ở tuốt trong làng, còn cái nhà ngoài này buổi tối chỉ có mình mụ ý ra ngủ để canh ao cá, một mình một góc cánh đồng, chẳng có hàng xóm láng giềng nên mụ có sợ quá la toáng lên thì cũng chả có ai nghe thấy.

    Sau khi tôi ném ba bốn hòn gạch vào cửa nhà, liền nghe loáng thoáng tiếng mụ Lý chửi đổng, rồi tiếng mở cửa kẽo kẹt vang lên. Tôi tụt vội xuống, bọn thằng Chiến ngay lập tức đem con ma giả dựng lên.

    Mụ ngó giáo giác xung quanh vừa ngó vừa chửi, thằng Quyết đem bó rơm đặt phía dưới con bù nhìn, tôi thì bật đèn pin chiếu từ dưới lên. Mẹ nó khói cay xè cả mắt.

    Quả nhiên mụ Lý hét ầm lên, tụi tôi khoái chí cười khúc khích. Đột nhiên con Quỳnh nó nắm áo tôi giật giật, kéo đến tôi suýt làm rơi cái đèn xuống mương. Tôi quay sang chửi nhỏ:

    - Mẹ mày làm cái gì đấy, rơi hỏng đèn về bố tao đập chết.

    Con Quỳnh nó ú ớ, tay run rẩy chỉ bên kia cánh đồng. Tụi tôi nhìn theo hướng nó chỉ thì tóc gáy dựng ngược lên.

    Ở hướng đó có một người bóng người áo trắng đang đứng, tóc dài xõa tung. Gió đêm lớn như vậy mà tóc và góc áo không có một tia động đậy. Theo tiếng chó sủa, tôi thấy cái bóng kia càng lúc càng lại gần.

    Thế là ngoại trừ tiếng hét của mụ Lý giờ thêm tiếng hét của tụi tôi nữa. Chúng tôi vứt hết đồ đạc ù té chạy, cái đèn pin tôi làm rơi lăn trên bờ vài vòng rồi rơi xuống nước tắt ngóm.

    Chúng tôi chạy thục mạng, về đến nhà tôi cả lũ phi thẳng qua tường mặc kệ chân tay bùn đất lấm lem chui tọt vào trong màn trùm chăn ôm nhau run như cầy sấy.

    Bà nội tôi nghe tiếng động thì giật mình dậy, hỏi đứa nào đấy. Bà bật điện lên thấy nền gạch toàn dấu bùn. Hốt hoảng chạy vào trong buồng thấy bốn đứa tụi tôi khóc bù lu bù loa, quấn chặt chăn run như cái sàng. Bà sợ quá la lên:

    - Tụi mày làm sao đấy? Ngọc, làm sao? Mày đừng làm bà sợ.

    - Bà.. ơi.. Ma.. có.. ma..

    - Vớ vẩn ma mãnh ở đâu ra.

    Trong số chúng tôi, thằng Quyết gan cứng nhất. Nó ngồi dậy thở hổn hển mấy hơi rồi lắp bắp kể lại đầu đuôi câu chuyện. Bà tôi nghe xong thì biến sắc, vớ cái vọt ở gầm giường vụt lấy vụt để:

    - Mẹ tiên sư chúng mày, ăn no rửng mỡ à. Mẹ mày đứa nào nghĩ ra cái trò mất dạy này thế hả?

    Ba đứa kia không hẹn mà cùng nhau chỉ vào tôi, thế là tôi ăn đủ. Mẹ cái lũ phản phúc.

    Bị bà đánh một trận tụi tội không còn thấy sợ nữa, lầm lũi đi ra bể nước rửa tay chân thay quần áo, sau đó lau nhà dọn cửa đem chăn màn phi tang. Chứ không tí bố tôi về chắc ổng vặn cổ tôi.

    - Bà ơi, thế còn cái bóng..

    - Im mồm. Đi ngủ.

    Tôi lập tức ngậm mồm, trải cái chiếu khác ra. Nhà có mỗi một cái màn bị chúng tôi làm bẩn, giờ bốn đứa nằm mời muỗi xơi.

    Bà đem con dao đặt đầu giường tụi tôi, trộn muối với gạo cho vào cái sàng vừa đi quang giường chúng tôi vừa sàng xảy, mồm lầm bẩm:

    - Nam mô A Di đà Phật, oan có đầu nợ có chủ. Nhận lễ xong đừng làm khó kẻ vô tội. Con Nam mô a di đà phật.

    Bà làm thế đúng bảy lần rồi đem cả gạo cả muối hất ra ngoài cổng. Lúc này tôi mới bình tĩnh lại được. Tôi quay sang bọn nó bảo:

    - Mẹ bọn phản quân, làm bố lằn cả mông.

    - Bọn tao nói thật mà.

    - Mai bố đếch chơi với chúng mày nữa.

    - Làm như bọn tao thèm – Con Quỳnh bĩu mỏ - Mất mẹ cái áo đồng phục của chị tao rồi, mai về nó cạo đầu tao.

    - Mẹ, tao còn làm rơi cái đèn pin rồi đây này. Mai không biết còn ở đó không?

    - Chắc chả còn đâu. Kiểu gì mụ Lý chả đi ra thăm dò. Mai tao chăn bò qua đấy tao xem thử cho. Dù sao thì mụ ý chắc không biết tụi tao cùng bọn với mày đâu.

    Thằng Chiến nói thế tôi cũng yên tâm. Mặc dù vậy đêm đó tôi chẳng thể nào ngủ yên được. Cái bóng đó cứ chập chờn trong giấc mơ tôi. Con mắt trắng giã qua khe hở của mái tóc cứ to dần to dần cho đến khi dí sát vào mặt tôi.

    Sáng ra tôi cứ thấy lưng ươn ướt, ngồi nhỏm dậy thấy con Quỳnh ngồi lù lù ở đấy, mặt đỏ tưng bừng. Mẹ kiếp, con ranh này thế mà lại đái dầm.

    - Mẹ mày, nhà tao còn mỗi cái chiếu.

    - Tại tao mơ thấy "nó" sợ quá nên không nhịn được.

    - Ơ? Thế mày cũng mơ thấy "nó" à?

    - Mày cũng mơ thấy à?

    Hai đứa tôi không hẹn mà cùng rùng mình. Chỉ có hai thằng chết toi kia là vẫn ngáy khò khò, tôi tức quá đạp cho mỗi đứa mấy phát lăn xuống đất.

    - Mẹ đứa nào đạp bố đấy?

    - Sáng rồi về cho gà ăn đi không mẹ anh ra chửi cho bây giờ.

    Tụi nó ngáp ngắn ngáp dài lững thững đi ra ngoài.

    Đúng lúc ra đến cửa buồng thì va phải bà tôi hớt hải chạy vào. Mặt bà tái mét không còn giọt máu.

    - Ngọc, bà hỏi. Hôm qua mấy đứa có thấy con Lý toét đi ra không?

    Tôi ngơ người chả hiểu làm sao.

    - Có mà, bà ý ra mở cửa còn chửi đổng xong thấy ma giả của tụi con thì hét to lắm. Sao thế bà ơi?

    - Chết rồi chết rồi, con Lý nó chết rồi.

    Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, không hẹn mà cùng nhau chạy ra nhà bà Lý. Quanh nhà bà Lý vây đông người lắm. Người vào hẳn trong sân, người không có chỗ đứng thì trèo lên bờ tường xem.

    Sân thì chúng tôi không vào được, bèn phải trèo lên bờ tường. Tôi với con Quỳnh nhỏ con trèo một cái là lên được trên, sau đó tôi sợ đến nỗi la toáng lên, còn con Quỳnh thì ngất ngay tại chỗ, cả người rơi tùm xuống ao. Anh Minh vội nhảy xuống vớt nó lên, vừa cấp cứu vừa chửi:

    - Mẹ nó ai cho chúng mày ra đây?

    Tôi bịt mồm lại nhìn trừng trừng vào xác bà Lý. Bà Lý mặc một cái áo dài trắng, cả người bị treo lên cành bưởi, chân thõng xuống vừa chạm mặt ao. Thứ treo cổ bà Lý không phải là dây thừng hay gì cả mà chính là tóc của bà ta. Lưỡi bà ta thè ra, đôi mắt trắng dã trợn trừng nhìn thẳng vào tôi.

    - Mẹ con kia, mày trèo lên đấy làm gì? Xuống, về nhà ngay.

    Tôi quay ra, nước mắt nước mũi tùm lum, run lẩy bẩy.

    - Hu hu bố ơi con sợ quá. Con không xuống được cứu con với bố ơi. Oa hu hu.

    Thấy tôi mặt mày trắng bệch, cả người lung lay sắp ngã, bố vội nhảy qua mương vươn tay bế tôi. Lúc bố đặt tôi xuống mặt đường, chân tay tôi mềm nhũn ngã phịch xuống. Bố vội cõng tôi về nhà. Hai thằng kia cũng trắng mặt ngồi phịch bên bờ mương, thấy bố con tôi về cũng vội chạy theo bám lấy tay bố tôi:

    - Cậu ơi, chờ cháu với.

    Từ hôm ấy trở về nhà, con Quỳnh cứ sốt cao mãi không lui uống bao nhiều thuốc mà không đỡ. Cuối cùng mẹ nó phải mời thầy cúng bên làng Bông về cúng cho. Còn tôi cứ nửa đêm là giật mình la hét thất thanh, mẹ tôi phải gửi tôi lên chùa ở với sư cô, tụng kinh niệm phật cả chục ngày trời. Anh em nhà Quyết Chiến thì đeo vòng bện bằng tỏi, ngày nào cũng phải tắm lá bưởi.

    Sau này, chúng tôi vẫn còn nghe người lớn kháo nhau:

    - Ác giả ác báo, ác quá bức chết con dâu, cháu nội giờ nó tìm về báo thù.

    Từ lời bọn họ tôi mới biết được, bà Lý sống ác đem con dâu cháu nội bức chết. Năm đó chắc tụi tôi còn nhỏ nên không biết.

    Con dâu mang thai bảy tháng bà ta còn bắt trèo lên hái bưởi, không may ngã xuống đẻ non. Đứa bé trai sinh ra vì quá yếu nên đã chết ngay, sau đó mấy ngày thì con dâu bà ta cũng treo cổ tự tử. Chết rồi còn bị bà ta cầm roi vụt xác, chửi cái thứ xúi quẩy.

    Con trai bà ấy mất vợ mất con từ đó cũng trở nên điên điên khùng khùng, ôm cái áo dài mua tặng vợ hồi mới cưới tay bồng cái bọc tã không vừa đi vừa hát ru, sau cùng đi mất tích.

    Chúng tôi nhìn nhau không nói, cũng không có đứa nào nhắc đến bộ "đạo cụ" không cánh mà bay kia nữa.

    Ma thì làm sao? Mà người.. thì lại thế nào? Lòng người còn tởm lợm hơn cả ma quỷ.

    Hết phần 3.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  6. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 4: Em bé búp bê (1)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhà bà ngoại tôi ở làng bên cạnh, cách nhà tôi một cánh đồng rộng. Nhà bà có hai cây táo, cứ đến mùa là bà lại gọi chúng tôi sang hái quả đi bán giúp bà.

    Tôi vừa hái quả vừa ăn vụng. Chẹp, chuaaaa ^~^

    Hôm đó như thường lệ tôi sang nhà bà hái táo lại phát hiện ra căn nhà bỏ không đằng sau vườn nhà bà có người đến ở rồi.

    - Bà ơi, nhà ai đấy?

    - À, nhà bác Hùng. Cả nhà bác ý mới ở trong Nam về.

    Tôi leo lên cây táo dòm sang. Trong sân có một đứa bé gái tuổi cũng chạc tuổi tôi, nó đang ngồi khâu áo hay váy gì đó.

    Tôi hái một trái táo chọi sang, cô bạn ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi nhe răng cười:

    - Chào đằng ấy, tớ tên Ngọc. Đằng ấy tên gì thế?

    - Tui tên Linh.

    Có bé đáp lại tôi bằng tiếng miền Nam. Trời má, cái thứ tiếng dễ nghe gì đâu.

    - Cậu bao nhiêu tuổi rồi?

    - 13, còn cậu?

    - Tớ cũng thế. Thế là chúng ta bằng tuổi nhau rồi. Làm bạn nha?

    - Ừ. Cậu leo trèo giỏi thật đấy.

    - Haha, mẹ tớ bảo tớ không phải con dê mà là con khỉ mới đúng. Thế bố mẹ cậu đâu sao tớ không thấy?

    - Bố mẹ tớ sang bên bà nội rồi.

    - Cậu không đi cùng à?

    - Không đi. Tớ không thích bà nội.

    - Thế hả? Cậu ăn táo không? Táo chua chấm muối bột canh ăn ngon lắm.

    Linh gật đầu. Tôi tụt xuống bốc hai vốc táo bỏ vào cái rổ, tiện thể mang thêm gói muối Hảo Hảo sang. Hai đứa vừa ăn táo vừa nói chuyện với nhau, chẳng mấy chốc trở nên thân thiết.

    - Cái váy màu đẹp ghê. Nó bị rách à?

    - Ừ. Hôm qua bị mắc vào cành ổi, rách mất một đường. Tớ vá lại mà không được đẹp cho lắm.

    - Đâu đưa tớ xem.

    Tôi cầm lấy cái váy lật vết rách ra xem. Váy bị toạc mất một mảng khá to, các sợi vải vẫn còn lơ thơ. Tôi rút bớt mấy sợi chỉ thừa rồi nhanh nhẹn vá lại giúp Linh. Cậu ấy nhìn tay tôi thoăn thoắt qua lại, mắt sáng rực lên ngưỡng mộ. Chỉ một lúc tôi đã vá xong, đường chỉ mịn màng như may bằng máy vậy, gần như không nhìn ra chỗ đó từng bị rách.

    - Quao, cậu giỏi thiệt đó.

    - Chuyện, tớ cái gì cũng giỏi. He he.

    Tôi đứng dậy dũ chiếc váy cho phẳng, rồi lại thấy lạ lạ chỗ nào ấy.

    - Ơ Linh, sao nó nhỏ thể. Cậu căn bản không mặc vừa.

    - À thì.. Tớ vá giúp em họ. Tớ cũng có bảo đó là váy của tớ đâu.

    Linh ấp úng trả lời. Tôi cũng không để ý nhiều, chỉ tặc lưỡi:

    - Vậy hả? Tớ còn tưởng của cậu nữa. Vá xong rồi cậu cất đi kẻo bẩn.

    - Ừ.

    Linh đem cái váy cất vội vào trong nhà rồi chạy ra. Tôi rủ cậu ấy đi đào khoai. Linh hơi lưỡng lự một chút nhưng cũng gật đầu đồng ý. Khóa cửa khóa cổng lại, chúng tôi lên bãi đất bồi ở phía sau thôn. Chỗ đó có trồng mấy cây phi lao, ở dưới là một bãi khoai lang dại. Vì mọi người hay đổ khoai vụn cho bò ăn ở đây nên dây khoai cứ thế mà mọc lên.

    Hai đứa tôi lấy cái bay xây của cậu tôi đem đi làm dụng cụ. Có mấy lần đào phải ổ chuột, mấy con chuột đồng trong hốc phi ra chạy qua chân Linh làm cậu ấy hét ầm ĩ, chân nhảy cẫng lên. Tôi bật cười ha hả, bị Linh cầm mấy cục đất chọi.

    Chúng tôi đào được gần chục củ khoai trắng không được to lắm mang về rửa sạch sau đó đốt rơm trong bếp của bà ngoại lên cho vào nướng.

    Trong lúc chờ khoai chín, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, ngồi cười khúc khích với nhau.

    Trời thì nóng, ngồi trong bếp tro bụi bay lung tung, mặt đứa nào đứa nấy nhọ như đít nồi.

    Khoai chín là lúc bà ngoại đi thăm đồng về, thấy hai cái mặt mo thì phá lên cười, bảo chúng tôi ủ khoai ở đấy ra ngoài rửa mặt mũi chân tay cho mát.

    Không biết có phải do chênh lệch nhiệt độ không mà lúc vừa bước ra khỏi cửa bếp tôi chợt thấy sống lưng lạnh toát, bất chợt rùng mình một cái.

    - Cậu sao đấy?

    - Chắc đổ mồ hôi nhiều xong ra ngoài mát nên thấy rùng mình.

    Bà ngoại nghe tiếng liền chạy ra bảo:

    - Chết chửa, không khéo mà lại cảm lạnh. Rửa tay chân mặt mũi nhanh xong vào thay áo xoa dầu gừng đi.

    Mặc dù biết bây giờ là mùa hè, cảm lạnh gì đó là không có khả năng nhưng tôi vẫn nghe lời bà thay quần áo xoa dầu gừng.

    Đợi thêm lúc nữa thì khoai chín, tôi lấy que cời lôi mấy củ khoai ra đặt trong cái rế bắt nồi.

    Mấy bà cháu ngồi ngoài hiên bóc khoai ăn đến nhọ nhem mồm mép. Linh cảm thán:

    - Công nhận khoai nhỏ mà nướng lên ăn bở ghê. Lại còn thơm nữa. Mai mình đi đào tiếp nha.

    - Lấy đâu lắm khoai mà đào thế. Khoai dại có xíu củ thôi hà. Mấy hôm nữa nhà tớ dỡ khoai tớ mang ra cho.

    Ăn xong chơi thêm một lúc thì Linh nghe tiếng gọi, chắc bố mẹ cậu ấy về rồi. Linh đáp lời rồi chào bà cháu tôi lon ton chạy về nhà.

    Từ khi có Linh làm bạn, tôi chăm ra bà ngoại hẳn. Chúng tôi càng ngày càng thân. Chỉ là, theo độ thân thiết tăng, cảm giác lạnh sau gáy cũng theo đó mà tăng. Tôi luôn cảm thấy có ai đó đang nhìn chằm chằm mình, hỏi Linh thì Linh bảo đâu có thấy ai nhìn gì đâu.

    Chẳng lẽ tôi cảm giác sai?

    Ở bên hông trái nhà bà ngoại có một cái ao, bên rìa trồng mấy cây đậu bắp. Hôm đó bà bảo tôi ra hái một ít về luộc ăn. Bố con tôi không thích cái quả nhớt nhớt này nhưng lại thích ăn nước luộc vì nó ngọt. Tôi bưng cái rổ lúi húi hái quả, bất chợt thấy trên mặt ao hiện lên bóng một cái đầu đen sì. Tôi giật bắn người suýt thì trượt chân lộn cổ xuống.

    Quay phắt lại thì thấy một bé gái đứng đó. Tôi vỗ ngực thở phào.

    - Giời ơi, em làm gì đứng lù lù đó làm chị sợ muốn chết.

    Cô bé không trả lời tôi mà cứ đứng nhìn tôi chằm chằm. Tôi định thần lại quan sát nó từ trên xuống dưới. Đó là một bé gái tầm 6, 7 tuổi, có 8 phần giống Linh. Ngạc nhiên nhìn con bé, lại nhìn cái váy hồng nhạt trên người trông có vẻ quen quen, tôi bừng tỉnh:

    - A, em là em họ của Linh đúng không?

    Con bé vẫn không trả lời, cứ đứng lẳng lặng nhìn tôi. Đôi mắt con bé rất đẹp nhưng nhìn cứ quái quái kiểu gì ý. Giống như không có sức sống vậy.

    - Ngọc ơi, làm cái gì mà lâu thế? Không hái về nhanh mà nấu cơm bố mày lại đánh cho.

    Tiếng bà ngoại ở sân trước gọi vọng ra, tôi ngoái cổ lại đáp lời:

    - Vâng cháu hái xong rồi.

    Quay đầu lại đính há mồm ra nói lại không thấy con bé đâu nữa. Tôi ngạc nhiên nhìn quanh quẩn, không có một ai.

    Đưa tay gãi gãi đầu khó hiểu, tôi bưng rổ đậu vào trong nhà, kiếm cái bịch nilong bọc lại rồi bỏ giỏ xe đi về. Dọc đường tôi vẫn cảm thấy có ai đó đang nhìn, nhưng hễ cứ ngoái đầu lại là không thấy gì nữa. Quái thật.

    (Còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  7. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 4: Em bé búp bê (2)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi ngơ ngác ôm rổ đứng cạnh bờ ao, nhìn chằm chằm vào bóng mình trên mặt nước. Hồi sáng tôi đã hái đậu rồi mà, sao giờ tôi lại ở đây nữa?

    Một cái bóng xuất hiện bên cạnh cái bóng của tôi, tôi đờ đẫn nhìn sang. Là cô bé kì lạ đó. Tôi nghe tiếng mình hỏi:

    - Em là ai?

    Con bé vẫn không trả lời. Nó duỗi ngón tay chỉ trên mặt nước, đầu ngón tay hơi co lại. Tức thì tôi bị sức mạnh nào đó kéo xuống, sau đó đầu của tôi bị người ta ấn xuống. Tôi vùng vẫy hòng thoát ra nhưng không được.

    Lúc tưởng sắp kết thúc sinh mệnh đến nơi, tôi cảm thấy hai má nóng rát. Bố tôi đem tôi đánh tỉnh.

    - Cái con này, mày làm gì mà đem mặt úp xuống nước thế hả?

    Mắt tôi dại ra đem bố dọa sợ:

    - Con ơi, con làm sao thế hả?

    Thằng em tôi đứng bên trong nhà ló đầu ra:

    - Bố ơi chị lạ lắm. Đang ngủ mà ngồi bật dậy ra bể nước, con gọi không tỉnh.

    - Hay nó bị chứng mộng du rồi.

    Bà nội cùng mẹ đi ra vây quanh tôi. Tiếng xì xào làm tai tôi ù ù. Tôi lắc đầu cho thanh tỉnh, ngơ ngẩn nhìn bố mẹ mình rồi òa lên khóc, câu được câu không kể lại chuyện mình vừa xảy ra.

    Cả nhà tôi biến sắc, bà nội vội chạy sang hô hào hàng xóm. Bị đánh thức lúc nửa đêm nhưng nghe chuyện của tôi, không ai phàn nàn điều gì, trái lại mỗi người đều tham gia đóng góp ý kiến.

    Mọi người thống nhất là đưa tôi lên chùa ở cùng sư cô bởi chùa làng tôi có xá lợi tử, rất tốt trong việc ngăn chặn tà ma.

    Thế là quãng thời gian sau đó tôi làm bạn với Phật và kinh thư.

    Đêm đêm, vẫn cái ao nhà bà ngoại, vẫn đứa trẻ không biết tên nhưng nó không dìm tôi xuống được nữa.

    Mỗi lần nó định ra tay lại bị luồng sáng vàng đánh cho ngã ngửa. Sau mỗi đêm hình dạng của nó càng thêm khủng bố, dần dần lộ ra chân diện.

    Là một con búp bê sứ, kiểu búp bê Nhật. Hai mắt híp lại, má tô đỏ hồng, miệng cười quái dị.

    Bẵng đi vài ngày tôi không thấy nó đến tìm tôi nữa.

    Nhưng đêm nay tôi lại nằm mơ, mơ thấy Linh.

    Trong một góc tối, Linh cầm một đĩa thịt sống cầm vào trong một cái phòng luôn đóng kín. Cậu ấy đặt cái đĩa trước mặt một con búp bê Nhật cao ngang người mình rồi từ từ đi ra. Đôi mắt búp bê vẫn luôn híp lại nhưng Linh lại có cảm giác như bị nhìn chằm chằm. Cậu ta co giò bỏ chạy.

    Chạy ra ngoài sân hít thở không khí, lại thấy bên bà ngoại tôi đang lấp ao, Linh hỏi:

    - Bà ơi, sao lại lấp ao? Với cả mấy nay sao không thấy Ngọc ra chơi thế ạ?

    - À nó ốm liệt giường mấy hôm nay rồi. Cứ mơ thấy có đứa bé gái dìm nó xuống cái ao này nên bà cho người lấp luôn.

    - Bé.. gái.. - Linh lắp bắp- Bé gái nào ạ?

    - Bà biết đâu. Nó bảo một đứa con gái tầm 5, 6 tuổi, mặc váy búp bê màu hồng nhạt. À còn bảo rất giống cháu nữa, hình như như là em họ cháu. Chắc nó mê sảng chứ nhà cháu thì bà biết mà. Cả nhà nội nhà cháu có mỗi cháu là con gái chứ đâu.

    Tôi nhìn thấy huyết sắc trên mặt Linh dần rút đi.

    Loảng xoảng. Mẹ của Linh làm rơi cái mâm cơm, bố Linh thì ngã ngồi trên ghế.

    - Ơ? Chúng mày làm sao đấy?

    Bà ngoại tôi lấy làm lạ hỏi. Bố Linh trả lời:

    - Không sao bà ơi, vợ cháu làm cháu giật mình thôi. Này mẹ nó, tay chân vụng về quá. Mau dọn dẹp đi kẻo con dẫm vào.

    Linh ơi, trời nắng độc vào nhà đi con.

    Nói rồi dẫn Linh vào trong nhà. Bà ngoại tôi ngẩng đầu nhìn mây đen kịt trên trời nghệt mặt ra.

    Linh giãy ra khỏi tay bố vào trong phòng bất chấp sợ hãi chỉ tay vào mặt con búp bê mà gào lên.

    - Đó là bạn tao mày không được làm hại cậu ấy. Coi như tao cầu xin mày, tao không chơi với Ngọc nữa, mày buông tha cho cậu ấy đi.

    Linh quỳ xuống trước con búp bê, dập đầu trên mặt đất. Tiếng đầu cậu ấy đập xuống nền gạch phát ra tiếng cồm cộp, con búp bê hơi xoay cái cần cổ cứng nhắc.

    Mẹ Linh trở vào kéo con gái lên, rồi dìu Linh ra nhà ngoài. Bố Linh hút một hơi thuốc thật dài, tựa như bất lực.

    Khung cảnh trước mắt tôi nhoè đi, tôi thấy mình đang ngồi ở bậc thềm nhà bà ngoài, bên cạnh là một cuốn truyện tranh. Tôi cầm nó lên và mở ra.

    Cuốn truyện không có trang bìa, không có chữ viết chỉ có những bức tranh nho nhỏ chồng chéo lên nhau.

    Mở đầu là khung cảnh một ngôi làng nhỏ, ở trong một căn phòng giống như phòng sinh ở bệnh viện, một người phụ nữ đang cố sức sinh đứa bé trong bụng ra. Bên ngoài là người nhà cô ấy, có người chồng, có đứa con gái khoảng 5 tuổi, còn có một người phụ nữ luống tuổi đang nước miếng tung bay.

    Khi nữ hộ sinh bọc đứa nhỏ trong tã mang ra, người đàn bà tiếp lấy rồi vạch tã ra xem. Là một đứa bé gái.

    Bà ta thẳng tay ném đứa bé ra ngoài cửa sổ, người đàn ông cướp lại không kịp. Tiếp đó là cảnh tượng nhốn nháo khắp nơi, không ai biết đứa con gái lớn đã chạy xuống dưới. Nó chạy xuống nhìn em gái trong bọc tã máu thịt bầy nhầy, rồi lại ngầng đầu nhìn lên tầng ba của bệnh viện, ánh mắt đầy thù hận và giết chóc.

    Các bức tranh kế tiếp là cảnh gia đình ba người đem xác đứa trẻ xấu số đi hỏa táng, rồi cất tro cốt vào chiếc bình nhỏ, mang theo hành trang rời bỏ quê nhà đầy đau thương đến một nơi xa xôi khác bắt đầu lại từ đầu.

    Người đàn ông đem tro cốt vượt biên giới sang Thái Lan nhờ một người thầy cúng đúc thành búp bê. Một con búp bê Nhật được nặn từ tro cốt cứ thế ra đời.

    Các khung cảnh tiếp theo miêu tả, gia đình đó chăm sóc con búp bê như nào, người mẹ nhỏ máu mình vào mắt búp bê ra sao hay cô con gái sai khiến búp bê giết bà nội mình như nào.

    Tôi kiên nhẫn ngồi đọc cho hết. Quyển sách vừa kết thúc, cảnh lại chuyển một lần nữa.

    Lần này tôi thấy đứa bé kia đã lớn, đã đi học, quen nhiều bạn bè. Nhưng cứ người bạn nào chơi cùng cô bé đều chết một cách bí ẩn. Người thì bị dìm chết, người tự dưng mở cửa sổ nhảy tử tầng 5 xuống, người bị tai nạn..

    Dần dần cô bé bị coi là biểu tượng của sự xúi quẩy, bị cô lập, bị xua đuổi.

    Cô bé lớn lên từng ngày trong sự cãi vã của bố mẹ, cho đến một ngày cô không chịu nổi nữa, bỏ thuốc mê vào đồ ăn, rồi nhân lúc bố mẹ mê man từng dao từng dao xẻo thịt đút cho búp bê ăn.

    Cô sai búp bê giết chết những kẻ đuổi đánh mình bằng những phương thức tàn khốc nhất. Hành động của cô bé bị cảnh sát chú ý.

    Cảnh sát tìm đến trước cửa nhà, bấm chuông hồi lâu không có ai mở cửa.

    Bọn họ nhìn nhau, quyết định phá cửa. Mùi hôi thối bốc lên, hai cái xác trên mặt đất bị róc hết thịt lộ ra xương trắng đang trong quá trình phân hủy khiến những người chứng kiến qua sinh tử như họ cũng không nhịn được mà nôn mửa.

    Phía trong phòng trong có tiếng đồ sứ rơi vỡ, cánh sát cố nén ghê tởm xông vào. Họ nhìn thấy một cô bé cả người đầy máu, tay cầm cây búa cũng đang nhỏ máu tong tong, bên cạnh là con búp bê sứ bị đập cho nát bét.

    Cảnh sát giơ súng lên nhắm thẳng người cô bé. Cô bỗng cười khanh khách, từ mắt mũi miệng không ngừng tuôn ra máu tươi.

    Cô đẩy cửa sổ nhảy xuống đất, rơi xuống tử vong.

    Tôi sững sờ chứng kiến hết thảy, xuyên qua thân thể những người bên đường đến cạnh cái xác kia.

    Tôi chợt thấy cái xác cử động, nó ngồi dậy lấy tư thế kì quái nhìn tôi. Tôi nhận ra khuôn mặt này. Đó là Linh.

    Một người nắm lấy tay tôi, dắt tôi ra khỏi đám đông. Tôi ngẩng lên nhìn, nhận ra đó là sư cô.

    Cô vừa dắt tôi đi vừa nói:

    - Nhân quả tuần hoàn, ác giả ác lai, thiện giả thiện báo. Mọi chuyện kết thúc ở đây được rồi. Sẽ có người giúp các ngươi. A di đà phật.

    Tôi ngoái lại nhìn. Linh vẫn đứng đó nhìn tôi, thân thể giống như búp bê sứ, từng chút từng chút vỡ vụn.

    (Còn nữa~~)
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  8. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 4: Em bé búp bê (Cuối)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi tỉnh dậy trong tiếng khóc nức nở của mẹ. Tôi đã mê man suốt 7 ngày 7 đêm.

    Sau này tôi không còn mơ thấy bất cứ thứ gì nữa, sức khoẻ cũng dần khôi phục. Lúc ra bà ngoại, cái ao vẫn ở đó chỉ là cái nhà hàng xóm bên cạnh không còn nữa.

    Tôi hỏi bà nhà họ đâu rồi, bà nhìn tôi kì lạ:

    - Đó là bãi đất trống mà làm gì có cái nhà nào đâu? Mày ngủ mơ à.

    Tôi sững sờ hỏi bà:

    - Thế nhà cái Linh bác Hùng đâu. Con trai nhà bà Tuyến ấy.

    - Nhà bà Tuyến có 6 đứa con trai làm gì có ai tên là Hùng. Với cả nhà ý đẻ ra toàn con trai, lấy đâu ra cháu gái.

    Rồi bà chép miệng:

    - Cái nhà cũng lạ. Từ đời con dâu đến mẹ chồng, chả ai đẻ được đứa con gái nào.

    Tôi mím môi, hoàn toàn không tin Linh không tồn tại.

    Về nhà tôi nói với bố:

    - Bố, bố thuê máy xúc đến đào mảnh đất trống đằng sau nhà bà ngoại lên đi.

    - Mày điên à, đất của làng của xã đào để người ta chửi mả bố mày lên à?

    - Bệnh của con từ đó mà ra. Không đào lên, con không sống nổi đâu bố.

    Bố tôi giật mình, mẹ tôi cũng vội vàng từ sân chạy vào. Mẹ nói với bố:

    - Anh xem thế nào chứ con mình nó suýt chết, em sợ xảy ra chuyện mất.

    - Từ từ nào. Để tôi sang nhà bác trưởng họ nhà bà xem có nói chuyện được không.

    Bố đội cái mũ cối lên rồi đạp xe sang làng bên, đi đến sẩm tối thì về.

    Về đến nhà mẹ tôi liền chạy ra hỏi ngay:

    - Thế nào, có được không?

    - Được rồi- Bố uống ngụm nước cho mát họng- Nói khô cả cổ ông trưởng thôn mới đồng ý cho đào lên. Tôi cũng mướn được người lái máy xúc rồi, sáng mai bắt đầu.

    Tôi ở trong nhà nói vọng ra:

    - Không được, phải đào ngay.

    Bố nhảy dựng lên. Chưa kịp để bố nói gì, tôi đã nói ngay:

    - Phải đào ngay nếu không đêm nay con sẽ chết thật đấy.

    Bố mẹ tôi hốt hoảng nháo nhào gọi cô dì chú bác họ hàng nội ngoại ra đó. Mọi người đốt đuốc lên cho sáng, người đào người đổ đất, máy xúc thì thuộc dạng nhỏ nên chỉ đào được một góc.

    Bỗng chú ba nhà bà Hợi cuốc trúng cái gì kêu đến cạch. Mọi người xúm lại xem. Bác trưởng làng gạt mọi người ra:

    - Nào nào, có cái gì mà xem. Xúm vào thế ai mà đào được. Tản ra tản ra. Mấy cậu kia đem đuốc lại đây. Thằng Tứ lấy tao cái xẻng.

    Bác nhảy xuống cùng chú ba, dùng xẻng xúc đất. Một lát sau mọi người bới tung cả bãi đất trống đào lên được 17, 18 con búp bê sứ, mới có cũ có, lớn cỡ đứa nhỏ sơ sinh.

    Mọi người xì xầm to nhỏ:

    - Ôi chao sao lắm búp bê thế nhỉ?

    - Ai mà đem chôn búp bê dưới đất, thấy ghê ghê sao á.

    - Ừ ừ.

    Người lớn loay hoay nhìn đám búp bê không biết phải làm sao thì tôi lững thững đi vào giữa.

    Chọn một con búp bê mới tinh, tôi giơ lên đập mạnh xuống.

    Choang..

    Con búp bê vỡ nát, lộ ra thứ gì đó bên trong. Bác trưởng làng cầm đuốc lại gần soi kĩ, rồi bật ngửa ra sau hét toáng lên:

    - Áaaaaa, Ối giời ơi là xác trẻ con. Mả cha đứa nào thất đức thế này?

    Tức thì tất cả mọi người nhao nhao lên, bố tôi sợ hãi ôm chặt lấy tôi.

    Bà ngoại tôi thì bất tỉnh nhân sự. Thì ra bấy lâu nay bà tôi sống cạnh một cái nghĩa địa mà không biết.

    Bác trưởng thôn lấy lại bình tĩnh, tức giận gào lên:

    - TÌM, TÌM CHO TAO TẤT CẢ NHỮNG NHÀ NÀO TRONG LÀNG CÓ CON DÂU VỪA SINH CON. XEM NHÀ ĐỨA NÀO MỚI ĐẺ MÀ KHÔNG THẤY CON. MẸ NÓ LŨ ÁC NHÂN.

    Thanh niên trai tráng tủa nhau đi tìm, ai cũng hầm hè không ngại mặt mũi mà xông thẳng vào phòng sản phụ nhà người ta. Sau cùng anh Tứ chạy về báo:

    - Trưởng làng, nhà bà Tuyến không thấy cháu nội. Con dâu nhà đó khóc lóc bảo đứa trẻ là con gái, bà nội nó đem cho rồi.

    - Trưởng làng.. trưởng làng..

    Hai vợ chồng trẻ dìu dắt nhau tiến lại gần:

    - Trưởng làng ơi ngài làm ơn tìm con cho cháu với, mẹ cháu đem con cháu đi rồi.

    Con dâu út nhà bà Tuyến mới sinh được một ngày, sắc mặt đau đớn trắng bệch lê lết đi đến. Bên cạnh còn có chồng cùng mấy anh trai chị dâu trong nhà.

    Sắc mặt trưởng làng khó coi, cẩn thận phủi lớp mảnh sứ vỡ, nâng đứa trẻ đến trước mặt đôi vợ chồng.

    - Nhìn xem, phải con của chúng mày không?

    Dưới ánh đuốc lập loè, hai vợ chồng run rẩy chạm vào cái xác. Người vợ vừa nhìn liền hét lên một tiếng lăn ra bất tỉnh nhân sự, người chồng thì thẫn thờ khụy gối xuống, hai tay buông thõng. Không nghi ngờ gì nữa, đây là con của họ.

    Trường làng đảo mắt qua đám con trai con dâu bà Tuyến, nói:

    - Chúng mày cũng vào tìm đi, tao thấy trên mỗi con búp bê đều có đánh dấu tên và ngày tháng. Cũng chả biết ngày tháng sinh hay gì.

    Bọn họ nhào lên như ong vỡ tổ đến gần những con búp bê run rẩy tìm kiếm. Có người phụ nữ ôm lấy bốn con búp bê khốc lớn, người đàn ông bên cạnh cũng quỳ xuống khóc theo.

    Có người trực tiếp nổi điên chửi rủa chồng mình, lao vào cắn xé.

    Chỉ duy nhất một đôi vợ chồng lẳng lặng ôm lấy một cặp búp bê có vẻ ngoài cũ kĩ nhất. Giữa một mớ hỗn độn ồn ào, tôi lại nghe rõ mồn một lời họ nói.

    - Linh ơi, Lan ơi. Bố mẹ tìm được các con rồi.

    Một toán thanh niên từ đằng xa đi đến. Họ vừa kéo theo một người vừa chửi bới không tiếc lời. Là bà Tuyến.

    Thì ra lúc nãy, ngay khi vợ chồng con út nhà bà Tuyến nhận ra cái xác đứa trẻ là con mình, đám thanh niên không ai bảo ai tự động đi bắt ác phụ này.

    - Trưởng thôn, may mà chúng cháu nhanh tay không có mụ ta đã chạy thoát rồi.

    Mụ Tuyến bị trói gô ném vào giữa bãi đất trống, quần áo tóc tai xộc xệch, mặt bầm tím, hiển nhiên đã ăn no đòn.

    Con dâu thứ ba nhà mụ thôi cắn xé chồng lao lên tát cho mụ mấy bạt tai.

    - Con mụ già độc ác, chúng tao chịu nhục chịu khổ hầu hạ mày tối ngày mà mày dám làm thế à? Con chúng tao có tội gì mà mày ra tay giết chúng nó. Mày có còn là người không?

    - Xì..

    Mụ Tuyến nhổ cái răng gẫy trong mồm ra, khinh miệt nói:

    - Mấy cái thứ hàng lỗ vốn đó nuôi làm gì cho tốn cơm tốn gạo. Là lũ chúng mày ngu, đẻ cũng không biết đẻ, đẻ toàn lũ vịt giời.

    - Con mẹ mày, tao giết mày.

    Cô con dâu nổi điên dùng sức siết chắt cổ mụ ta lè cả lưỡi.

    Mọi người vội vàng vào lôi cô ta ra:

    - Vợ thằng Tập bình tĩnh đã. Phải đưa lên công an chứ bây giờ giết người là phạm pháp.

    - Tôi thà bị tử hình cũng phải bóp chết nó. Con tôi, các con tội nghiệp của tôi.

    Nói xong cô ta ngồi phệt xuống đất gào khóc. Cô đến gần chỉ từng con búp bê nói:

    - Đây là đứa lớn của tôi. Mụ bảo tôi là gửi ở nhà bà cô trong họ mười ba tuổi mới được đón về, không được gặp con nếu không nó không sống qua 13 tuổi. Mụ hỏi tôi đặt tên con là gì sau này còn dễ gọi. Tôi nói tên Thủy.

    Cô ta lại lướt qua một lượt đứng trước một cặp vợ chồng chỉ hai con búp bê trong lòng bọn họ:

    - Đây là hai đứa sinh đôi nhà thím tư chúng tôi đặt tên là Tố và Cầm. Nó mới đẻ bà ta không cho nó về mẹ đẻ, tôi giúp nó thay tã cho con. Nó mệt ngủ thiếp đi, tỉnh dậy máu me vương vãi khắp nơi. Bà ta chửi rủa nó bảo không trông nổi con để cho hoang tha đi.

    - Đây là đứa út nhà thằng năm, đây là đứa thứ ba nhà bác hai, đứa thứ nhất thứ hai cho đến thứ tư nhà chú tư, tất cả đều bị mụ lừa dối nào mang đi gửi, mang đi cho để giải vận giải hạn.

    Cô ta đứng trước mặt bố mẹ Linh:

    - Đây chắc là hai đứa sinh đôi bị bắt cóc lúc mới đẻ ra của nhà bác cả nhỉ? Haha. Tính cả đứa mới đẻ cách đây một ngày của thằng út là 18 đứa. Thứ ác quỷ này băm ra cho chó ăn vẫn còn chưa hết giận.

    Dân làng mỗi người một cước đạp mụ Tuyến, lúc công an huyện đến nơi mụ chỉ còn lại chút hơi tàn.

    Công an ngăn cản người dân manh động, áp giải mụ Tuyến cùng gần hai chục con búp bê sứ lên xe. Có vài người còn muốn đi theo lên huyện, lại bị trưởng thôn ngăn lại.

    - Ở đây chờ, lát nữa công an sẽ lấy lời khai.

    Các chú công an quả thật quay lại lấy lời khai, người dân nhao nhao tố cáo tội ác của mụ Tuyến, mấy chú ghi chép không kịp.

    Tôi kéo bố đi đến gần chú công an có vẻ chức to nhất ở đây, cả bố lần chú đều không hiểu.

    Tôi chầm chậm nói, âm thanh rõ ràng mạch lạc, làm đám đông nhốn nháo cũng im bặt:

    - Họ cũng không hề vô tội đâu chú.

    Tôi đưa tay chỉ bố mẹ Linh ngồi trong góc. Trong giấc mơ tôi thấy Linh cầm dao giết chết họ, đem thịt đút cho em bé búp bê ăn. Vậy họ thật sự vô tội sao?

    - Cháu bé, không thể nói bậy được. Cháu có chứng cứ gì?

    - Họ chưa từng rơi một giọt nước mắt.

    - Điều đó cũng không chưng minh được gì cả.

    - Bà Tuyến không thể tự làm búp bê, càng không thể để người khác làm hộ sẽ bại lộ. Mà cháu biết chú Hồng biết làm gốm sứ, ở trong bếp, núp sau đống củi còn có một cái lò nung gốm nhỏ nữa.

    Tất cả ánh mắt đổ dồn về phía đôi vợ chồng. Bọn họ run bắn lên:

    - Mày.. mày nói láo.. Mày đã vào nhà tao bao giờ đâu mà biết.

    - Con gái tôi không bao giờ nói dối. Có hay không kiểm tra là biết ngay.

    Chú đội trưởng gật đầu tán thành. Gã đàn ông khi công an đến gần liền đẩy ngã vợ mình rồi co giò chạy trốn. Chỉ tiếc gã chạy không thoát.

    Ba chú công an chặn đầu đem gã đè xuống đất, một chú khác giữ chặt người ả đàn bà đang muốn trốn.

    Công an nhanh chóng đi về hướng nhà gã kiểm tra lục soát quả nhiên tìm được một lò nung gốm nhỏ giấu sau đống củi, còn tìm được tã lót và cả con dấu khắc chữ chưa kịp thủ tiêu nữa. Dân làng ồ lên, được một phen sáng mắt.

    - Trời ơi, nói vậy là bọn chúng đem con của mình giết luôn à? Khốn nạn, phải bằm văm chúng ra nhiều mảnh.

    Vì gã đàn ông không ngừng chửi rủa khó nghe, một chú công an đã trực tiếp rút tất của mình ra nhét vào mồm gã.

    Trước khi gã lên xe, tôi lại gần.

    - Chú công an ơi, cháu muốn nói với người này mấy lời có được không?

    - Ừ, nhưng phải giữ khoảng cách nếu không sẽ nguy hiểm.

    - Vâng ạ.

    Tôi nhỏ nhẹ đáp lời rồi đi trước mặt người đàn ông. Ánh mắt gã long sòng sọc như muốn giết chết tôi. Tôi mỉm cười:

    - Chú Hồng này, chú có biết tại sao cháu chưa từng đến nhà chú cũng không quen chú mà lại biết chú biết làm gốm và có giấu lò nung trong bếp không?

    Gã ứ ứ giãy dụa như thể muốn lao lên sống mái với tôi, lại bị câu nói của tôi định trụ:

    - Là Linh, con gái chú nói cho cháu biết đấy. Ác giả ác báo chú ạ. Các người sẽ nhận được quả báo sớm thôi.

    Nói xong tôi gật đầu với chú công an tỏ vẻ đã nói xong. Chú áp giải gã lên thùng xe đóng lại. Chú đội trưởng lại gần tôi, hỏi nhẹ:

    - Cháu gái, sao cháu biết người đàn ông này biết làm gốm, còn biết cả bí mật hắn dấu nữa?

    - Thứ nhất: Sáng nay cháu thấy ông ta vác quốc đi từ hướng nhà bà ngoại cháu ra, trên tay và ống quần còn dính bột men, chỉ có thợ làm gốm mới hay bị dính thứ này trên người. Lúc cháu đứng trên bãi đất trống thấy rõ ràng có vết đào bới. Thực ra trước lúc hô hào người đến đào bới cháu đã bới lên xem trước rồi. Thứ 2: Trên thân con búp bê hai vợ chồng đó ôm không hề khắc tên hay ngày tháng năm sinh, vậy mà họ lại có thể chuẩn xác ôm lấy, còn gọi tên chắc nịch nữa. Đã thế còn không hề khóc. Cho nên cháu mới đưa ra suy đoán thôi. Có đoán sai cũng chả sao, tại cháu là trẻ con mà, cháu có quyền.

    - Con nhóc tinh ranh, sau này không làm cảnh sát hình sự thì hơi phí.

    Chú cốc đầu tôi một cái, rồi chào mọi người leo lên xe công vụ. Mọi người nhao nhao vào tâng bốc bố tôi rằng có đứa con thông minh các kiểu trên đời. Có điều ông bô nhà tôi mặt vẫn thối hoắc.

    - Cũng muộn rồi, em cũng phải cho cháu về kẻo mẹ nó sốt ruột.

    Mấy chú mấy bác trong họ nội nhà tôi cũng từ biệt mọi người, dắt nhau đi về.

    Tôi ngồi đằng sau xe, đầu gục lên lưng bố thủ thỉ:

    - Bố ơi, sinh ra là con gái thì đáng tội chết à bố?

    - Nói linh tinh cái đ' gì đấy. Con tao là con gái tao mừng còn không kịp, tội cái cục cứt.

    Tôi phì cười. Các chú các bác cũng bảo:

    - Ôi dồi, tao mong đẻ con gái mãi mà đếch được được đứa nào đây này.

    - Sướng nhất là có cô con gái, nó đáng yêu gì đâu.

    Tôi cười cười nhìn về cồn phi lao mà tôi và Linh thường trốn ra đào khoai bắt dế. Tôi thấy hai bóng dáng mặc váy ở đó, gió theo tiếng phi lao xì xào giống như tiếng cảm ơn.

    Vài ngày sau, tôi nghe bà nội bà ngoại ngồi nói chuyện với nhau, rằng mụ Tuyến ở trong ngục tạm giam bị bạn tù dùng ga trải giường giết chết, xương cốt lúc nâng lên cáng còn phát ra tiếng lạo xạo như tiếng đồ sứ vỡ cọ vào nhau.

    Còn con trai bà ta tự dưng phát điên, đem gương trong nhà tắm đập vỡ rồi tự tay cắt thịt của mình, cuối cùng cứa đứt động mạch mà chết.

    Cuối cùng chỉ còn mụ vợ gã còn sống, không ngừng lẩm bẩm mẹ xin lỗi các con, là mẹ ngu si, tha cho mẹ đi tha cho mẹ đi mà.

    Bố tôi trầm mặc dắt xe ở cổng vào cắt đứt cuộc nói chuyện giữa hai người. Ông gọi tôi ra, đeo lên cổ tôi một sợi dây có một hạt tràng.

    Bố nói, sư cô bảo thể chất tôi đặc biệt, hấp dẫn quỷ ma, không cẩn thận sẽ vong mạng. Hạt tràng này là một trong bảy hạt xá lợi tử thỉnh được từ Tây Thiên, tôi phải luôn đeo cho đến khi bước vào quan tài.

    Trải qua mấy lần suýt chết, tôi cũng biết trân trọng mạng mình hơn. Cho đến bây giờ hạt tràng vẫn ở trên cổ tôi.

    Còn chuyện về Linh, tôi cũng không biết đó là giấc mơ hay sự thật tôi đã trải qua nữa. Bởi nó không thống nhất. Rõ ràng ban đầu là Linh đã lớn, em gái sinh ra bị bà nội ném chết, rồi bố mẹ Linh vì yêu thương con mà nặn búp bê từ tro của em gái. Tôi đoán có lẽ đó là mộng tưởng của Linh. Cậu ấy luôn mơ được lớn lên, có bố mẹ yêu thương như bình thường. Nhưng tất cả điều đó đều bị cái vỏ búp bê làm vặn vẹo đi. Cảnh cuối Linh cầm búa đập nát búp bê cũng chẳng phải là giết em gái mà là muốn phá vỡ thứ đang phong ấn mình.

    Tôi còn hỏi sư cô tại sao bé Lan muốn giết tôi. Sư cô nói rằng đó là đố kị. Tôi nhìn thấy cũng chẳng phải bé Lan nào cả mà chính là bản thân Linh. Cậu ấy đố kị tôi được sinh ra và lớn lên, được kết bạn được vui đùa được chạy nhảy. Đó là điều cậu ấy mong muốn có mà không được

    Linh, thật sự muốn giết tôi.

    Đố kị, là gốc rễ của tội ác. Người hay ma đều không ngoại lệ.

    Hết phần 4.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  9. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 5: Ông ba bị (1)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Mày mà không nín khóc là ông ba bị bắt đi đó nghe chưa?

    Đó là câu cửa miệng của người dân quê tôi mỗi khi hăm dọa trẻ con. Tôi luôn tò mò không biết cái ông ba bị ấy hình dáng như thế nào mà người lớn lại lấy ra để hù chúng tôi.

    Hỏi bà tôi thì bà bảo:

    - Tao biết đâu mà mày hỏi. Cái này truyền lại từ xa xưa rồi. Thằng Bình boong ngày còn bé tí gặp rồi đấy nhưng mà chả biết thật giả thế nào. Dù sao cũng chả ai tin nó cả.

    Người bà nhắc đến là ông chú thuộc chi dưới của họ Trần Tây chúng tôi. Chúng tôi gọi chú ấy là chú nhưng thật ra cũng chả thân nhau lắm. Vì nhà ông Nhật cực kì khó gần với cả chú ấy đầu óc không được bình thường. Thỉnh thoảng lại lên cơn co giật.

    Hôm ấy tôi đạp con xe phượng hoàng chở thằng em đi học về, chú Bình lùa vịt chạy ngang qua. Vịt nhà ông ý ngu dễ sợ, tự dưng chìa cổ nằm giữa đường, há mỏ nhìn tôi như kiểu chị cứ đi đi.

    Đậu moè nó chứ. Tôi phải đánh lái sang một bên, thằng Chung cưỡi con mini nhật ngay sát bên cạnh bị quả đánh lái điêu luyện của tôi đánh cho phi thẳng xuống ruộng lúa. Còn tôi kịp thời phanh lại bên vệ cỏ. Nhưng mà con xe tôi đi là con phượng hoàng nam truyền kì, chân tôi thì ngắn cho nên lúc hạ cánh nó thốn thế nào chắc chả cần phải miêu tả đâu nhỉ.

    Thấy tôi nhăn nhó, cha Bình còn phá lên cười hô hố.

    - Cười cái con đ ấy mà cười.

    - Ơ con này mất dạy, bố mày dạy mày nói chuyện với người lớn thế à?

    - Chú thì lớn với đếch ai. Mẹ, lùa con vịt cũng xong.

    Lũ bạn tôi đi ngang qua dừng xe đỡ hộ tôi thằng em để tôi hạ cái xe nằm xuống đường. Mn, tôi đi chân hai hàng luôn rồi nè.

    - Ê, Thương ơi. Mày kéo hộ thằng Chung cái xe lên kìa, nó kéo nãy giờ.

    Con Thương bằng tuổi tôi nhưng nó còn cao hơn cả bọn con trai trong lớp. Nó chạy ra nắm cái đuôi xe nhấc một cái, thế là lôi được xe lên.

    Thằng Chung cả người lấm lem lôi cái cặp sách trong giỏ xe ra. May mà buổi chiều chúng tôi còn có lớp nên phần lớn sách vở đều để trong ngăn bàn. Bên trong cặp cũng chỉ còn có mấy tờ giấy kiểm tra bị ướt với bộ đồ dùng học tập.

    Nó thở ra.

    - May quá không bị ướt quyển vở nào không về mẹ tao quật cho nát đít.

    Nói xong nó quay sang tôi đang ngồi bó gối giọng hầm hè:

    - Mày đi đứng kiểu gì thế. Tự dưng đánh lái sang mà ăn cứt à.

    - Tại tao đếch đâu, tại lão Bình kia kìa. Tao mà cố đi đè chết vịt nhà lão về lão ý chả sang nhà tao làm ầm lên à.

    Tôi hất cằm chỉ chỉ về phía chú Bình đã đi được một đoạn khá xa. Con Thương bảo:

    - Chú ý mặt mày cũng đẹp trai sáng sủa mà sao lại bị thế nhỉ?

    - Tao nghe bà tao nói ngày xưa chú Bình học giỏi lắm nhưng từ khi gặp phải ông ba bị, bị ăn mất hồn nên giờ cứ ngu ngu ngơ ngơ. Nhà ông ý thấy không có hi vọng nên chuyển qua đầu tư cho thằng em.

    Tụi tôi luyên thuyên chốc lát rồi dắt díu nhau đi về. Nhìn đến con xe nhà tôi, tôi quay sang nói với em trai:

    - Thôi chiều nay chị em mình đi bộ đi. Chứ tao sợ lắm rồi.

    Em tôi bĩu mỏ.

    - Chị mà học giỏi bố đã mua cho con mini nhật lâu rồi. Ai bảo toàn đội sổ cơ.

    - Ơ tiên sư mày. Mày có tin bà quẳng mẹ mày xuống sông không?

    Tôi giờ tay hù thằng em, nó rụt cổ cười hề hề.

    Buổi tối đi học về bố bảo tôi ra sông lùa vịt về nhà.

    Tôi đếm đi đếm lại, có mỗi ba trăm lẻ bảy con. Đàn vịt nhà tôi có 319 con

    - Bố ơi, thiếu 12 con.

    - Thế à. Bác Trố ơi, có con vịt nào nhà em nó lạc sang đàn nhà bác không?

    - Tôi chưa đếm, chú đợi tôi tí.

    Bác Trố đếm lại vịt, thừa ra 9 con. Vịt nhà tôi được nhuộm đuôi màu vàng, nhà bác Trố màu hồng nên rất dễ tóm được chúng ra.

    - Còn ba con chú thử sang nhà thằng Bình xem. Chiều nay nó cũng chăn ở đồng này đấy.

    Bố sai tôi sang hỏi. Tôi chạy lon ton sang, thấy cả nhà ông Nhất đang ăn cơm. Vợ chồng ông cùng với chú út ngồi quây quần ở chiếu, mâm cơm có một đĩa thịt giống như thịt vịt. Còn chú Bình thì lại ngồi ở góc nhà, cái mâm sứt trước mặt cũng chỉ có một tô cơm cục, mấy quả cà và bát nước mắm. Tôi chào họ, vừa mới hỏi đến vịt thì ông Nhất đã hằm hè, mồm miệng sặc mùi rượu.

    - Vịt ở đâu, nhà tao đủ rồi không có vịt thừa.

    Tôi bán tín bán nghi nhìn lại bà Nhất cùng với con trai út nhà ông bà đang ngồi ăn cơm. Cả hai đều cúi đầu chăm chú ăn không nói gì cả. Chỉ có chú Bình đang ngồi ăn ở xó nghển cổ lên nói:

    - Vịt đuôi vàng chứ gì? Còn 2 con thôi một con ông ý thịt rồi.

    Vừa nói xong một cái bát sứ phi đến đập thẳng vào đầu chú Bình. Tôi kinh hãi nhìn chú ôm lấy đầu, máu từ kẽ tay chảy ra nhuộm đỏ tô cơm.

    Ông Nhất phi đến đạp cho chú vài cái, vừa đạp vừa chửi:

    - Cái mả mẹ mày, thằng chó. Việc của mày à? Tao đánh chết cái thứ chó chết mày.

    Mắt thấy chú Bình bị đánh túi bụi mà mẹ với em trai vẫn ngồi ăn như thường, tôi chạy ra sân gào lớn:

    - Giết người rồi, giết người rồi. Ông Nhất giết người rồi.

    Lúc này bà Nhất mới ném bát cơm xuống, chửi tôi:

    - Mẹ kiếp con kia mày nói nhăng nói cuội gì đấy? Cút mẹ mày ra khỏi nhà tao ngay.

    Bà ta vớ cái chổi để ở xó cửa quật tôi túi bụi, lôi xềnh xệch tôi ra cổng. Tôi càng bị đánh càng gào khoẻ:

    - Giết người rồi, bớ người ta nhà ông Nhất giết người rồi.

    Làng xóm xung quanh thấy tôi hô hào đã sớm chạy ra, có người thấy tôi bị đánh thì chạy về gọi bố tôi.

    Dù gì là lão Nhất nổi tiếng xa gần không ai dám dây vào. Trị được lão cũng chỉ có mỗi bố tôi với chú út nhà tôi.

    Bà Nhất đang muốn giơ chổi lên phang tôi tiếp thì bị mẹ tôi đạp vào bụng cho ngã ngửa. Hai người đàn bà lao vào đánh nhau túi bụi, miệng lôi tổ tông họ hàng nhà nhau lên chửi. Bác gái cả với thím út nhà tôi vừa đi làm đồng về qua cũng vất cuốc nhảy vào giúp một tay.

    - Cho mày đánh cháu tao, tao cho mày đánh.

    Bà Nhất bị mấy người quần ẩu, ông Nhất với thằng con trai út cũng chả khá hơn, bị bố tôi với các bác hàng xóm đánh cho tơi bời hoa lá. Tôi ôm cánh tay bị trầy xước do cán chổi quật ra, đứng nhìn chú Bình được các bác các thím đỡ ra sang sân nhà bên cạnh lau vết thương rịt thuốc cầm máu cho.

    Tối hôm ý chú Bình ở lại nhà tôi. Có thể là do bị đau hoặc là do lạ nhà, tôi thấy chú trằn trọc chả ngủ được.

    Chú ra bờ hiên ngồi ngẩn người nhìn cánh đồng lúa trong đêm tối. Tôi lò dò ra ngồi cạnh chú. Dù gì tôi cũng phải đợi bố mẹ đi kéo lưới về mà.

    - Chú Bình ơi chú có đau lắm không?

    Chú quay sang nhìn tôi, cười nhẹ bảo:

    - Không sao chú quen rồi.

    Ý là chú thường xuyên bị đánh thế này ấy hả. Lòng tôi có chút khó chịu.

    - Chú ơi, cháu nghe nói ngày xưa chú gặp ông ba bị rồi phải không?

    - Ừ. Nhưng mà chả ai tin.

    - Chắc vì chưa ai gặp bao giờ á. Chú ơi, ông ba bị trông như thế nào vậy ạ?

    - Hình dáng à - chú suy tư - Cao hơn chú một tí, người hơi gầy. Cái mặt thì ti hí thế này, cái miệng thì cười ngoác tới tận mang tai. Từ tai đến miệng còn bị may lại bằng chỉ đen. Mặt mũi thì trắng ởn, tóc tai bườm xườm. Ông ta mặc một bộ quần áo đen rách tả tơi.

    Chú kể lại cho tôi qua trình gặp ông ba bị.

    Ngày đó chú cũng chỉ học lớp hai thôi, còn nhỏ lắm. Ông Nhật bố chú hay đặt lưới ở những bờ ruộng chỗ có nước sông chảy vào. Những chỗ như thế thường có nhiều cá rô. Dạo đó ông Nhật đi thu lưới đêm hôm mò mẫm mới về, mẹ chú cũng hay lầm bầm.

    - Có mấy cái lưới mà thu đến tờ mờ mới xong.

    Tối hôm đó, ông Nhật đi thu lưới được một lúc lâu thì mẹ chú dặn chú ở nhà trông nhà bà đi có việc.

    Chú đợi lâu thật lâu cũng không thấy mẹ về. Nhớ bố hay đặt lưới ở khu Đồng Đoang với khu Cây Đa, chú liền cầm đèn bão đi tìm.

    Trời lúc ấy sắp đổ mưa, sấm chớp đùng đoàng. Chú đi đến cái bờ lớn ở Cây Đa thì nhìn thấy có bóng người đang lụi hụi làm gì đó. Chú tưởng là bố mình liền gọi lớn:

    - Bố ơi.

    Cái bóng giống như bi giật mình ngẩng lên. Sau đó vác theo cái gì đó đi về phía chú.

    Bóng người lại gần, một tia sét đằng xa loé lên giúp chú nhìn rõ người tới.

    Đó là ông ba bị mà chú miêu tả, trên tay còn xách theo cái bị đựng gì đó.

    Chú giơ đèn nhìn cho kĩ lại chả nhìn thấy gì, cho tới khi một tia sét thứ hai chiếu sáng. Chú nhìn thấy dưới đáy cái túi đang nhỏ máu tong tong, phía dưới còn thò ra một cái ngón tay người.

    Quá hoảng sợ chú quăng đèn bỏ chạy, vừa đi vừa hô lớn có ông ba bị ai cứu tôi với.

    Đáng tiếc, cơn mưa lớn ập tới bất thình lình cùng tiếng sấm rền át đi hết thảy.

    Trời mưa như trút nước mấy hôm liền, đồng nước ngập hết cả. Chú Bình dính mưa bị ốm sốt cao mấy ngày nhưng lại không được ai chăm sóc.

    May mắn bác Thục hàng xóm hôm ý sang mượn cái nong sẩy thóc phát hiện chú sốt cao lên cơn co giật thì vội vàng mặc kệ tiếng quát tháo chửi bới của ông Nhật, cõng chú đi tìm ông Lương thầy thuốc. Nhờ đó mà chú giữ được cái mạng nhưng đầu óc từ đó trở đi không được bình thường nữa.

    Chú cứ ngây ngốc kể lại chuyện mình gặp ông ba bị nhưng chẳng có ai tin. Mọi người cho rằng chú bị sốt cao dẫn đến ảo giác, lại thêm chuyện mẹ bỏ đi theo trai nữa nên mới như vậy.

    Nghe đến đây tôi mới vỡ lẽ. Thì ra bà Nhật hiện tại không phải mẹ đẻ chú Bình. Thảo nào lúc chú Bình bị đánh bà ấy với thằng em lại tỏ ra hờ hững như vậy.

    Nghe xong chuyện của chú Bình tôi cứ thấy là lạ.

    Chú mệt đi ngủ rồi, tôi bắt đầu lấy ít giấy nháp ra vẻ vòng tròn trên giấy. Tôi bắt đầu từ ông Nhật, sau đó mẹ đẻ chú Bình, ông ba bị, chú bình bị sốt không ai chăm, bà hai Nhật, em trai chú Bình..

    Tôi khoanh tròn vào cậu em trai. Năm nay chú Bình hai mươi hai. Tính tuổi thì em trai chú Bình chỉ nhỏ hơn chú Bình sáu tuổi.

    Tôi nhìn lại cục giấy rồi vo tròn nhét vào trong cặp.

    (Còn nữa~~~)
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  10. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 5: Ông ba bị (2)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bố mẹ tôi đợt này chỉ kéo lưới đến khoảng 10h tối là về. Tôi giúp bố mẹ dọn dẹp xong cũng leo lên giường đi ngủ, trước khi ngủ còn lén đem hạt tràng tháo ra nhét dưới gối.

    Tôi nằm mơ. Tôi mơ thấy đủ mọi thứ, đủ loại quỷ quái nhưng tuyệt nhiên không có cái nào là cái tôi muốn nhìn thấy.

    Tôi chán ngán nhìn đứa bé 4 tuổi ngọng nghịu gọi mẹ ơi mẹ bế bế.

    Cho tao xin. Chị đây còn chưa dậy thì, OK?

    Nó lắc tôi vài cái thì tôi tối sầm mặt mũi, mất ý thức. Lúc tỉnh dậy tôi chợt thấy toàn thân cứng ngắc, cử động của thân thể hoàn toàn không theo sai khiến của tôi. Tôi thấy mình đứng lên, vặn nhỏ ngọn đèn dầu rồi căn dặn bé trai đang ngồi bóc lạc ăn:

    - Bình, ăn xong thì dọn vỏ rồi đi ngủ đi. Mẹ đi có việc tí mẹ về.

    Đứa bé ngoan ngoãn vâng. Đó là chú Bình. Xem ra tôi đã mơ được giấc mơ cần mơ rồi. Tôi đang ở trong thân thể mẹ đẻ chú Bình. Bà ấy tên gì nhỉ? Tôi quên chưa hỏi rồi.

    Tôi thấy mình đứng lên ra khỏi cửa, khóa cổng kĩ càng rồi lén lút tránh thoát tầm mắt của mấy người đi làm về muộn, nhanh nhẹn đi về phía Đồng Khoang.

    Tôi ngạc nhiên. Người đàn bà này rõ ràng là đang đi tìm chồng.

    Tìm khắp Đồng Khoang không thấy, "tôi" bèn quay bước đi qua Cây Đa.

    Cây Đa thực ra là một cánh đồng nhỏ, có một trạm bơm nước ở ngay dưới gốc đa.

    Trạm bơm này tôi đã từng vào rồi. Ở đó bé tí, có một cái giường nhỏ trải tấm chiếu cho người canh trạm lúc cần bơm nước xuyên đêm.

    Lúc đi ngang qua trạm bơm, "tôi" chợt nghe tiếng rên rỉ, cười ám muội lắc đầu. Chắc là có đôi trai gái nào dắt nhau ra đây vụng trộm đây mà.

    "Tôi" đi thêm vài bước rồi khựng lại, giơ đèn bão nhìn đống lưới với cái xô để dưới gốc đa. Quay phắt lại nhìn cánh cửa trạm bơm đóng hờ, "tôi" nhẹ nhàng bước đến, nương theo ánh sánh mờ ảo nhìn vào bên trong.

    Chỉ thấy một đôi nam nữ trần truồng kịch liệt mây mưa với nhau. Tôi càng muốn nhắm mắt lại thì "tôi" kia càng trợn to mắt ra nhìn, nhìn đến muốn nứt khoé mắt ra.

    Ối giời bà gì đó ơi, cháu còn chưa mười tám, không xem cảnh full HD không che thế này đâu.

    "Tôi" dường như không chịu đựng được nữa, đạp tung cánh cửa. Ánh sáng từ đèn bão trên tay tôi rọi vào chiếu rõ gương mặt hai kẻ đang sững sờ kia.

    - Ối giời ơi anh Nhật. Anh nói với tôi anh đi thu lưới, đây là lưới là cá của anh đấy à? Ối giời ơi là giời.

    Ôi thì ra người đàn ông này chính là ông Nhật. Tôi thấy mình ném chiếc đèn bão xuống đất, lao vào kéo tóc người đàn bà kia tát túi bụi.

    - Mẹ mày con đĩ. Chồng vừa chết đã đi ngủ với chồng người khác. Tao đánh chết thứ dâm loàn nhà mày.

    Người đàn bà kia lấy tay che đầu và thân thể, ông Nhật bắt được tay "tôi" bóp mạnh.

    - Cô đủ chưa? Ầm ĩ cái gì?

    - Ầm ĩ cái gì? Anh sau lưng tôi và con mèo mả gà đồng với con ả này, anh còn hỏi tôi âm ĩ cái gì? Có phải chồng nó chết bất kì tử cũng là ông làm phải không?

    Tôi thấy ông Nhật và ả đàn bà kia biến sắc thì biết mẹ chú Bình nói trúng rồi.

    - Ôi trời, lũ mất nhân tính chúng mày. Tao phải đi báo công an.

    Nói rồi "tôi" vùng ra, chạy đi. Không nghĩ tới hai kẻ kia đồng loạt xông tới, đè "tôi" xuống đất.

    Gã đàn ông nghiến răng nghiến lợi túm tóc "tôi" đập mạnh vào họng máy bơm. "Tôi" choáng váng ngất đi.

    Lúc trên thân thể đau đớn tột cùng tôi muốn tỉnh dậy mà không thể cứ động. Tôi cảm nhận được tay mình quơ quào, cào qua cái gì đó, nghe được tiếng hét đau đớn.

    - Á, mẹ con đĩ này, dám cào bố mày.

    Sau đó tôi nghe từng tiếng giống như tiếng chặt thịt của đồ tể, cơ thể "tôi" cũng đau đớn theo. Nỗi đau này cấu xé thân thể cùng linh hồn tôi.

    Tôi thấy mình lơ lửng trên trời, nhìn xuống đống thịt bầy nhầy trước mắt.

    Tôi bàng hoàng không thể tin được cái đống giống thịt băm này lại từng là cơ thể hoàn chỉnh của một người phụ nữ.

    * * *

    Tôi được bố dựng dậy từ giấc mơ, bên tai còn nghe bố chửi:

    - Tiên sư bố mày, ai cho mày tháo hạt tràng ra.

    Tôi đẩy bố ra chạy ra sân giếng nôn thốc nôn tháo, nôn ra mật xanh mật vàng sau đó kiệt sức ngồi bệt trên nền giếng. Chỉ là một giấc mơ thôi mà tôi giống như đã trải qua cả đời người vậy.

    Bố tôi vội vàng chạy ra cõng tôi vào trong nhà:

    - Hạt tràng đâu, mày để chỗ nào rồi?

    Tôi run rẩy lấy chiếc vòng từ dưới gối ra, bố vội giật lấy đeo vào cổ cho tôi.

    Hơi ấm từ hạt tràng thẩm thấu qua da tôi, đem cơ thể và trái tim lạnh lẽo của tôi lần lượt sưởi ấm.

    - Con à, sao rồi?

    - Con không sao rồi ạ.

    Bốp!

    Tôi nhận được cái tát cháy má. Người đánh không phải bố tôi mà là mẹ tôi. Bà đánh tôi xong ôm lấy tôi òa lên khóc. Chú Bình vẫn còn ở nhà tôi, cái đầu quấn băng gạc trắng hơi nghiêng khó hiểu nhìn cả nhà tôi.

    Tôi để yên cho mẹ ôm tôi khóc, bố tôi bà tôi đứng một bên chửi tôi như tát nước.

    Tôi cũng kệ vì ít ra như thế tôi mới cảm nhận được mình còn sống.

    Hôm nay bố xin cho tôi nghỉ học.

    Khoảng hơn 9h, tôi chạy ra ngoài ao hỏi bố:

    - Bố ơi. Cái chú công an năm ngoái đưa cho bố số điện thoại bố còn giữ không?

    - Còn. Mà để làm gì?

    - Bố cho con mượn đi.

    Bố mặc dù không hiểu nhưng biết trước giờ tôi làm gì cũng có lí do nên cũng không hỏi nhiều. Ông bỏ việc đang làm dở về mở tủ lấy quyển sổ nhỏ bọc da cũ, tìm kiếm một hồi rồi chỉ cho tôi một dãy số.

    Tôi cầm rồi ra chiếc điện thoại bàn mới lắp nhà mình.

    Bấm số xong tôi kiên nhẫn chờ từng hồi tút tút dài. Một hồi rồi ba bốn hồi, cuối cùng cũng có người nhấc máy.

    - Alo?

    - Cháu chào chú. Chú ơi cho cháu gặp chú Hòa.

    - Chú đây. Cháu là ai vậy?

    - Cháu là Ngọc ở thôn Đông ấy, chú nhớ không? Em bé búp bê.

    - À à, chú nhớ rồi. Sao vậy thám tử nhỏ?

    - Chú à, án hơn mười năm rồi chú có nhận nữa không?

    - Còn phải xem mức độ nghiêm trọng của vụ án nữa. Nếu nghiêm trọng thì là 10 năm còn đặc biệt nghiêm trọng thì là 15 năm. Án cháu muốn báo thuộc mức độ nào?

    - Ừm.. Cháu không rõ. Giết người rồi băm xác thì thuộc mức độ nào ạ?

    - Gì cơ? - Chú Hòa hít sâu một hơi - Đó là tội cực kì nghiêm trọng. Cháu bé, cháu nói thật chứ?

    - Cháu chẳng có lí do gì để bịa đặt cả. Tuy chứng cứ không đủ nhưng cháu tin với năng lực của các chú sẽ điều tra được nhanh thôi. Mười bốn năm rồi, chỉ còn một năm nữa. Chú, chú giúp cháu đi.

    - Chú lấy cơ sở nào để giúp cháu? Cháu chỉ là một đứa trẻ, hơn nữa thời gian lâu như vậy cháu có thể cung cấp được thứ gì? Hoàn toàn không có tính thuyết phục.

    - Chú, chú có thể bớt chút thời gian đến gặp cháu được không? Không cần giống như làm việc, chỉ coi như là đến thăm đứa cháu này thôi. Có được không? Coi như cháu xin chú.

    Chú Hòa trầm ngâm một lúc. Chú ấy có vẻ như cũng tò mò về đứa trẻ như tôi liền đồng ý:

    - Được, vậy hai ngày nữa chú không có ca trực, buổi chiều đến nhà cháu được không?

    - Vâng, chú là người lớn nói phải giữ lời. Cháu ở nhà chờ chú.

    Nói xong không đợi chú trả lời tôi đã dập máy. Bố tôi ngồi bên cạnh ánh mắt phức tạp:

    - Con à, mày lại dính vào vụ gì nữa rồi?

    - Bố này, con thấy chú Bình không giống ông Nhật, chắc giống mẹ ruột chú ấy nhỉ?

    - Mày biết rồi à?

    - Vâng.

    - Ừ. Nhiều năm như vậy bố cũng không nhớ lắm nhưng mà nhìn thằng Bình nó giống với cậu ruột bảy tám phần chắc là giống mẹ nó.

    Nói xong bố ngừng một chút, nhìn tôi hỏi:

    - Năm đó ông Nhật đi khắp làng rêu rao bà Liên bỏ nhà theo trai còn mang hết cả tiền của trong nhà đi. Mọi người ai cũng nghi ngờ vì bà Liên là người đoan trang đức hạnh. Nhưng mà ông Nhật vẫn khẳng định như vậy nên dần dần ai cũng tin như vậy. Bà ấy thực sự chết rồi à?

    - Vâng bố. Chờ chú Hòa đến, con sẽ kể rõ mọi chuyện.

    Nhưng cuối cùng không đợi đến hai ngày làng tôi lại xảy ra chuyện. Chú Bình mất tích. Ông Nhật hô hoán bảo chú Bình lên cơn điên, đánh ông ý vỡ đầu rồi bỏ chạy.

    Ông ta cầm dao hùng hổ xông vào từng nhà lục soát.

    Linh cảm mách bảo tôi có chuyện không hay xảy ra. Tôi gọi cho chú Hòa, vừa khóc vừa nói:

    - Chú ơi chú mà không đến án mạng 14 năm trước lại lặp lại đấy. Chú ơi cháu xin các chú mau tới đây đi. Cứu chú của cháu đi.

    (Còn nữa~~~)
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
  11. Ngọc Dạ Minh Châu

    Bài viết:
    42
    Phần 5: Ông ba bị (Cuối)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chú Hòa cùng tổ công tác về ngay nhà tôi trong đêm. Cả làng người cầm đèn pin người đuốc chia nhau đi tìm. Rạng sáng vẫn không tìm được tung tích chú Bình.

    Mọi người mệt mỏi trở về nhà văn hóa thôn.

    - Có lẽ phải mở rộng phạm vi tìm kiếm, bắt đầu từ nơi này.. Một tốp sẽ đi bên này..

    Chú Hòa cùng mấy người trưởng thôn ngồi phía trên bục đang phân tích tình hình. Việc tìm người mất tích này vốn không phải nhiệm vụ của các chú ấy nhưng xét đến mức độ nghiêm trọng có thể dính dáng đến mạng người nên các chú ấy mới can thiệp.

    - Này, nhà lão Nhật hồi chiều còn lùng sục khắp nơi đi tìm con trai mà giờ cả làng đi tìm lại không thấy bóng dáng nhà lão.

    - Ừ. Không khéo thằng Bình mất tích liên quan đến lão cũng nên. Chứ không sao vừa nhìn thấy công an liền rụt vòi.

    Các bà nói đúng rồi đấy. Tôi nheo mắt nhìn sơ đồ làng trên tường nhà văn hóa, trong đầu tự động khoanh tròn một số điểm.

    Tôi cảm nhận được chú Bình chưa chết nên chỉ cần sớm tìm ra chú ấy thì tính mạng chú ấy mới được đảm bảo.

    Lịch bơm nước..

    Khi mắt tôi vừa lướt qua mấy chữ này trong đầu liền giống như được thắp sáng.

    Tôi đứng bật dậy:

    - Tìm được rồi.

    Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Đã quen bị người ta nhìn ngó tôi cũng không còn thấy xấu hổ nữa.

    Tôi run rẩy chỉ vào một điểm trên tường.

    - Trạm bơm nước.

    Các chú công an nhanh chóng đứng dậy, một anh thanh niên nhanh nhẹn dẫn đường.

    Tôi lon ton chạy theo, chỉ tiếc chân ngắn quá chạy không lại mấy người lớn.

    Một chú công an trông có vẻ to khoẻ liền cõng tôi lên. Chú giật mình:

    - Trời. Cháu gần 15 tuổi rồi mà sao nhẹ như bông vậy?

    Bố tôi nghe thế thì xụ mặt. Bởi cái thể chất đặc biệt của tôi mà tôi càng lớn càng gầy giống cái xác khô. Cơm thịt trong nhà nhường cho tôi hết mà cứ như muối bỏ bể.

    Trưởng thôn quát người dân trong làng.

    - Ai về nhà người nấy đi. Nghỉ ngơi tí còn đi làm. Ở đây có công an họ lo rồi.

    Tuy vậy vẫn có một số người độ hóng cao chạy theo chúng tôi đi về trạm bơm nước.

    Từ xa thấy trạm bơm sáng đèn tôi thầm hô không ổn:

    - Không xong, bác Hải sắp bơm nước rồi.

    Mọi người nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ. Bác trưởng thôn đưa cái loa cầm tay lên miệng gào:

    - HẢI KHÔNG ĐƯỢC BƠM NƯỚC. MẸ CÁI THẰNG KIA NGHE ĐƯỢC KHÔNG? KHÔNG ĐƯỢC BƠM NƯỚC.

    Gào xong bác trưởng thôn bước hụt, ngã tùm xuống ruộng rau muống.

    Tràng cảnh có chút buồn cười nhưng không ai cười nổi. Mọi người chỉ lo bác Hải không nghe thấy tiếng mà bật máy bơm.

    Ở máy bơm, bác Hải đang định kéo cầu dao lên thì nghe tiếng gào của bác trưởng thôn, không nghe rõ là gì.

    Bác vội bước ra cửa, thấy cả đoàn người đèn đuốc sáng trưng đang chạy ào ào về phía mình thì sợ run chân.

    - Làm.. làm sao?

    - Không.. hộc.. không được bật máy..

    Chú Hòa vừa thở vừa nói.

    - Tôi.. tôi chưa bật.

    Các chú công an ngăn mọi người ở ngoài. Trạm bơm quá nhỏ, nhiều người vào sẽ làm mất dấu vết.

    Tìm một hồi không thấy gì cả. Có người ở ngoài còn chui cả người vào miệng ống bơm, soi đèn vào trong gọi:

    - Bình ơi, có trong đấy không Bình? Nghe thấy tao gọi không Bình ơi?

    Không có phản hồi. Khẽ nhíu mày, chẳng lẽ tôi đoán sai.

    Chú Hòa nhìn tôi:

    - Có khi nào cháu đoán sai rồi không?

    - Cháu không chắc nữa.

    Tôi định quay ra chợt thấy khoảng không trước mắt thay đổi. Tôi ngất đi.

    Mọi người hốt hoảng gọi tôi nhưng tôi không thể tỉnh lại.

    Tôi đang ở trong một không gian tối om chật chội. Cả cơ thể không thể duỗi ra được.

    Tôi cảm nhận phía trước có bóng người, cố căng mắt ra nhìn. Bóng người lại gần tôi, một lát sau gương mặt khủng bố dí sát lại.

    Đó là một gương mặt không còn gọi là mặt. Nó bầy nhày máu thịt lẫn lộn, hốc mắt không có con mắt, máu tươi từ đó chảy ra trong kinh khủng đến ghê người. Tôi hét ầm lên nhưng không gian lại đem tiếng của tôi kéo dài. Dường như bị tôi dọa sợ, "người" đó hơi rụt rụt cổ lại.

    Sau đó "người" này quay lưng lại phía tôi làm động tác bò lên phía trước, thỉnh thoảng lại ngoái đầu lại nhìn giục tôi đi theo.

    Tôi run lập cập ráng rướn người bò theo. Bò được một lát không gian lại biến đổi, có chút ánh sáng giúp tôi nhìn rõ mọi thứ.

    Nơi này là một đoạn đường ống cỡ một người trưởng thành chui lọt, ở giữa còn có các trục răng cưa. Giống như bộ chuyển động của một cỗ máy nào đó.

    Bóng "người" kia đưa lưng về phía tôi. Cũng không rõ "nó" làm thế nào mà ngồi được giữa một không gian chật hẹp như vậy trong khi tôi chỉ có thể nằm bò.

    Thân thể "người" kia hơi dịch ra một chút để lộ một người đang nằm.

    Đồng tử tôi co rụt lại. Đó là chú Bình. Chú bất tỉnh nhân sự, máu trên trán đã khô lại bết trên mặt, cả người bị trói vào bánh răng.

    "Người" kia muốn lau vết thương trên trán chú nhưng tay lại chỉ xuyên qua không chạm vào được. "Người" đó quay lại nhìn tôi. Gương mặt nhìn không rõ ngũ quan, không có đôi mắt nhưng tôi lại đọc được sự khẩn cầu trên đó.

    Tôi gật mạnh đầu, gật đến tỉnh luôn.

    - Tỉnh rồi tỉnh rồi.

    Có người reo lại. Mọi người đều thở phào nói may quá may quá.

    Tôi túm chặt tay chú Hòa:

    - Chú, ở đằng kia, ở đằng kia.

    Tôi chỉ vào góc trong cùng của trạm bơm. Đằng đó là bộ phận vận hành của máy bơm, bị họng bơm nước che khuất.

    Các chú công an nhanh chóng đến xem xét. Một chú hô lên:

    - Nhìn này, ở đây có vết máu khô.

    Mọi người nhanh chóng đem xà beng, cờ lê mỏ lết đến mở khoang máy.

    Phần ốc vặn không biết vô tình hay cố ý mà bị vặn cong khiến mọi người mãi không mở được.

    Cũng may ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc chú Hòa đã sớm liên lạc tổ chuyên án điều động thêm hai chiến sĩ cứu hộ.

    Hai người họ chạy tới xe đậu phía đầu đường lôi dụng cụ khoan cắt trong đó ra.

    Chúng tôi nín thở nhìn khoang máy bị máy cắt ra từng chút một. Có người còn nhịn không được lên tiếng:

    - Cắt nhẹ thôi, cắt nhẹ thôi. Cắt sâu quá vào người thì làm sao?

    - Ông im đi cho người ta còn làm việc.

    Khoang máy cuối cùng cũng được tháo ra. Mọi người cẩn thận gỡ phần nắp khoang, sau đó tìm được chú Bình bị trói chặt ở phần dưới khoang chuyển động.

    Lúc này cả người chú máu me bất tỉnh nhân sự được nâng ra cấp cứu. Khi chú tỉnh lại ngơ ngác nhìn xung quanh, mọi người không nhịn được mà bật khóc.

    Ở quê là thế. Tình làng nghĩa xóm thân thiết như anh em. Một người có chuyện cả làng đều lo. Chú Bình tuy hơi ngờ nghệch nhưng lại được rất nhiều yêu mến.

    - Độc ác, thật độc ác quá mà. Nếu không ai biết thằng bé chắc chắn là bị nghiền nát rồi.

    Tổ chuyên án nhanh chóng thành lập vụ án, cấp tốc tiến hành bắt giữ vợ chồng ông Nhất cùng con trai út.

    Trước khi lên xe tù lão Nhất nhìn về phía tôi và chú Bình bằng ánh mắt thù hằn.

    Tôi nhác thấy được của bóng "người" đứng chắn trước chúng tôi.

    Lão Nhất hình như cũng nhìn thấy được. Lão hét lên điên cuồng giãy dụa muốn chạy bị chú công an áp tải thúc cho mấy dùi cui điện.

    Chú Bình thều thào gọi "người" trước mặt:

    - Mẹ, mẹ ơi!

    Chú được đưa lên xe cứu hộ đằng sau để đưa đến bệnh viện huyện. Tôi và một số người có tên tuổi trong làng được đi cùng lên huyện để lấy lời khai.

    Tôi bị chứng say xe, cộng thêm cả đêm không ngủ nên vừa lên xe, nói chuyện câu được câu chăng với chú Hòa một lúc rồi lăn ra ngủ mất, còn há hốc mồm chảy nước miếng ròng ròng.

    Các chú công an bật cười, đồng thời lấy làm lạ vì năng lực của tôi.

    - Đây là năng lực thông linh mà mấy gã bên Tổ chuyên án đặc biệt hay nói đấy hả?

    - Hình như thế đấy. Trước tôi còn không tin, giờ cũng hơi hơi tin rồi đấy.

    Chú Hòa thở dài.

    - Mấy gã đó chỉ là lũ ăn không ngồi rồi chả có tí năng lực nào toàn dựa vào ba hoa chích choè. Con bé này mới là người có năng lực thật sự. Kể cả không thông linh đi chăng nữa thì khả năng tư duy, phán đoán và kết luận sự việc của nó người lớn chúng ta không thể theo kịp. Đây mới là thiên tài.

    Các chú kia cũng đồng loạt gật gù tán thành.

    Bọn họ bàn luận về tôi thế nào tôi cũng không thể biết được vì hiện giờ "tôi" đang bước đi trên bờ ruộng, tay cầm đèn bão vừa đi vừa run rẩy.

    "Tôi" nhìn thấy bóng người từ xa đang lúi húi làm gì đó dưới ruộng. Tôi thấy bản thân mở miệng gọi:

    - Bố ơi, bố ơi bố.

    Bóng người hơi lảo đảo một chút dường như bị "tôi" làm giật mình.

    Bóng người đứng thẳng lẳng lặng đi về phía tôi.

    Dưới ánh chớp lập loè, tôi thấy kẻ đó có gương mặt trắng bệch miệng cười quái dị. Từ tai đến miệng bị may lại, đôi mắt híp cong cong như tấm mặt nạ sân khấu kịch hay thấy trên tivi.

    Kẻ đó từng bước đi đến gần tôi, cái tải xách trên tay con đang nhỏ máu tong tong, ở chỗ bị rách còn có một ngón tay cong cong nhầy nhụa máu thò ra.

    "Tôi" hét lớn bỏ chạy, vừa chạy vừa hô "ông ba bị", "ông ba bị".

    Tôi bị đẩy văng lên trên đứng cạnh "người" kia, cùng nhìn thân ảnh nhỏ bé chật vật chạy trốn dưới cơn mưa.

    "Ông ba bị" rượt đuổi theo thằng bé một đoạn rồi mặc kệ, nhanh chóng quay trở lại bờ ruộng đem thịt nát rải khắp các lưới cá.

    "Người" kia quay sang nhìn tôi, máu từ trong hốc mắt chảy xuống ngày một nhiều.

    - Này, đến nơi rồi dậy đi cháu.

    Chú Hòa lay tôi dậy. Tôi thoát khỏi giấc mở đưa tay sờ lên cổ. Hạt tràng vẫn ở đó, hơi nóng vẫn từng đợt từng đợt truyền vào lòng bàn tay tôi.

    Tôi nhận ra đó không phải giấc mơ của tôi mà là của chú Bình. Người mẹ xấu số ấy dùng mọi cách kéo tôi theo vào, dường như muốn tôi giúp chú ấy.

    Hình ảnh đêm đó là cơn ác mộng đã bám theo chú ấy bao nhiêu năm, trở thành tâm bệnh.

    Tôi ngồi trong phòng làm việc của chú Hòa, từ tốn kể cho chú ấy nghe những gì mà tôi biết về vụ án 14 năm trước.

    Các chú nhanh chóng phong tỏa hiện trường, tìm kiếm những manh mối còn sót lại, rửa sạch oan khuất cho người phụ nữ xấu số.

    Tôi nể các chú thật. Chỉ còn vài vết máu hòa cùng vết sơn dính trên ống bơm, một vài mẩu xương chưa kịp phân hóa đã có thể phá được án.

    Tôi không được tận mắt chứng kiến quá trình diễn ra phiên tòa nhưng được mọi người đi dự về kể lại cho nghe.

    - Tất cả bắt nguồn từ câu nói của bà mẹ chồng khi sinh con. Bởi vì thằng bé giống ngoại không giống nội nên bà ta châm chọc lão Nhất nuôi con thay người.

    Lão Nhất luôn khăng khăng chú Bình không phải con lão.

    Lúc chú Bình được hơn một tuổi lão bắt đầu cặp kè với Lan, cũng chính là bà Nhật bây giờ. Chú Bình lên năm, bà Lan có chửa. Đứa bé đẻ ra giống hệt lão Nhất làm lão tự hào lắm. Chỉ là theo đứa bé lớn lên chồng bà Lan càng nghi ngờ.

    Hai kẻ mèo mả gà đồng lập mưu bỏ thuốc chuột vào đồ ăn giết chết ông ta, giả như bị cảm đột ngột qua đời.

    Từ đó hai kẻ này càng không nể nang gì làm xằng làm bậy cho đến khi bị bà Liên bắt tại trận.

    Lão Bình nói lão không muốn giết bà Liên, chỉ vì bà Liên phát hiện chuyện lão cùng bà Lan giết chết chồng bà ta, cộng với nỗi cay đắng vì bị cho ăn ốc đổ vỏ bao nhiêu năm mà lão lên cơn hận.

    Lão đập đầu bà Lan vào ống bơm cho đến chết sau đó đem thân thể chặt ra băm nát, rải xuống lưới cá cho cá rỉa.

    Lão cũng muốn giết chú Bình từ lâu vì chú Bình không phải con lão. Chỉ là chưa có cơ hội mà thôi.

    Mấy hôm trước, chú Bình hiếm khi có thời gian tỉnh táo dài như vậy, vô tình buột miệng nghi ngờ về "ông ba bị" năm đó.

    Lão Nhất nhân lúc chú lúi húi nấu cơm dùng búa sắt đập cho bất tỉnh. Nghĩ rằng chú đã chết, lão đem chăn bọc chú lại, nhân lúc nửa đêm cùng con trai út đem chú ra trạm bơm thực hiện phi tang.

    Lão ta miêu tả quá trình từ đầu đến cuối khiến cho ai có mặt ở đấy cũng phải rùng mình.

    - Bà biết không? Thằng Bình ngồi đó nghe mà như bị sét đánh ấy. Tội thằng nhỏ quá.

    - Ừ. Lúc lão Bình xem xét nghiệm cái gì.. A A..

    - Đê nờ a (DNA).

    - Ừ ừ. Lão xem xong biết thằng Bình thật sự là con ruột của lão liền quỳ xuống dập đầu với thằng Bình. Nó quay lưng bỏ đi luôn. Trong cái rủi có cái may, nhờ cú đập của lão Nhất mà thằng bé tỉnh táo lại, không lúc tỉnh lúc mê như lúc trước nữa.

    - Tỉnh táo thì lại làm sao, thay đổi được gì? Chắc nó cũng lạnh tâm rồi, sau này chả biết nó định thế nào nhỉ?

    Chú Bình thế nào? Ông Nhất bị phán tử hình, bà Lan chung thân, em trai út là đồng phạm nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng lại chưa đủ 18 tuổi nên chỉ là đưa đi cải tạo.

    Chú Bình xin miễn tội cho em trai, xin được cải tạo tại địa phương. Hết thời gian cải tạo, xác định là sau này không sống được ở quê nữa, chú Bình quyết định bán lại nhà ở đất vườn đưa em trai đi nơi khác sinh sống.

    Sau này nghe nói chú Bình vào Sài Gòn làm ăn buôn bán cũng khá giả nhưng thằng em chú lại không chịu tu tâm dưỡng tính ăn chơi đàn đúm, bị đâm chết trong một vụ ẩu đả.

    Sau ngày lão Nhất bị tử hình, tôi nhìn thấy bóng một người phụ nữ đứng ngoài cổng nhà tôi. Người phụ nữ rất trẻ, rất xinh đẹp.

    Bà quỳ xuống giữa cổng, hướng tôi dập đầu lạy rồi sau đó như khói mà biến mất.

    Thì ra chú Bình giống mẹ là thật.

    Sau vụ này tôi cũng không dám tháo hạt tràng ra nữa bởi cái nỗi đau bị lăng trì khắc sâu vào linh hồn tôi luôn rồi.

    Bà Liên dù lúc bị băm xác đã chết rồi nhưng đau đớn tôi cảm nhận được chính là nỗi đau từ sâu trong linh hồn bà ấy.

    Đau thương và oán hận không ngừng giằng xe, khiến bao nhiêu năm nay bà ấy như cô hồn dã quỷ vất vưởng chốn nhân gian.

    Nếu không phải vì còn đứa con chắc bà ấy đã sớm thành ác quỷ từ lâu.

    Những người mẹ luôn vì con mình mà giữ lại bản ngã cuối cùng.

    Hết phần 5.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...