Tôi từng bị trầm cảm Tác giả: Tiểu Táo Thể loại: Tùy bút, cuộc sống, sức khỏe Lời mở đầu: Đây là một câu chuyện có thật, không phải bịa đặt hay tưởng tượng. Là câu chuyện của chính bản thân tôi, viết lại những gì mà tôi đã từng trải qua. Những ngày tháng mà tôi trải qua có vui cũng có buồn, nhưng nỗi buồn còn nhiều gấp mấy lần niềm vui. Những ngày tháng khó khăn, đau khổ kèm theo sự mất kiểm soát về hành động và ý thức khiến cho tinh thần của tôi ngày càng suy sụp, ngày càng chán nản với cuộc sống này. Tuy nhiên vào lúc tôi suy sụp nhất, tuyệt vọng nhất thì thật may mắn là tôi đã tìm được động lực để tiếp tục sống. Lý do khiến tôi viết câu chuyện này không chỉ để chia sẻ tâm sự của bản thân, mà còn là lời cảnh báo tới tất cả mọi người về căn bệnh trầm cảm. Hy vọng mọi người có thể hiểu rằng trầm cảm không phải căn bệnh hiếm lạ gì nên bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Nó thực sự rất nguy hiểm, hãy cẩn thận với nó. * * * Xin chào! Là tôi đây, một cô gái thuộc về bầu trời đầy tự do, lạc quan. Nhưng, không một ai biết được rằng trước khi trở nên lạc quan tôi đã từng mắc một căn bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính.. đó là căn bệnh trầm cảm "nhẹ". Bạn có thấy lạ khi tôi nói là trầm cảm nhẹ không? Bạn đừng nghĩ rằng tất cả các trường hợp trầm cảm đều giống nhau.. không hề, nó cũng phân biệt nặng và nhẹ đấy. * * * Trầm cảm.. Bạn đã từng tìm hiểu về trầm cảm chưa? Nếu bạn chưa tìm hiểu thì tôi sẽ giới thiệu qua về bệnh trầm cảm nhé. Bệnh trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Khi bị rối loạn tâm trạng người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có (hoặc không) thường hay khóc. Người bệnh sẽ không có động lực và giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích của bản thân trước đây. Trầm cảm sẽ gây ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và cách hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về mặt thể chất và tinh thần. Trầm cảm là bệnh. Nó cần được quan tâm và điều trị đúng cách, kịp thời. Một điều đặc biệt ở bệnh nhân trầm cảm nhẹ, đó là bệnh nhân có thể chưa cần phải sử dụng đến các loại thuốc điều trị và tình trạng cũng sẽ không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh rất cần nhận được sự quan tâm của gia đình, bạn bè và cả bác sĩ để hỗ trợ khắc phục tình trạng này, bởi tình trạng của nó có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu như không được chăm sóc, điều trị kịp thời. Có thể mọi người không biết rằng bệnh trầm cảm mức độ nhẹ sẽ không có tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm nói chung. Để có thể chẩn đoán được có mắc bệnh trầm cảm hay không phải có ít nhất một trong hai triệu chứng cốt lõi của bệnh trầm cảm đó là: "Tâm trạng buồn bã, có hoặc không thường hay khóc. Hoặc không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây". Không chỉ hai triệu chứng này mà còn có thể có một số triệu chứng khác như: "Khẩu vị có sự thay đổi, rối loạn giấc ngủ, hay mệt mỏi, dễ bị kích động, khó khăn trong việc tập trung hoặc trong giải quyết các vấn đề đơn giản hàng ngày, thường hay có cảm giác thất vọng và tội lỗi về bản thân. Và đặc biệt là suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định" tự tử ". Trầm cảm nhẹ gồm 1 triệu chứng cốt lõi và có ít hơn 4 triệu chứng liên quan khác. Những người mắc bệnh trầm cảm nhẹ có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc, theo thời gian các triệu chứng sẽ dần dần mất đi. Đó là trong trường hợp người bệnh nhận được sự chăm sóc và được điều trị kịp thời. Trầm cảm không phải căn bệnh hiếm lạ gì, nó không kén chọn mà rất dễ xảy ra đối với bất cứ ai. Trầm cảm vừa đáng sợ lại vừa không đáng sợ. Đáng sợ ở chỗ nó có thể dễ dàng khống chế tâm trí con người, thôi thúc họ làm điều mà họ muốn (hoặc không muốn) làm nhất. Nó tước đi sinh mạng của một con người, là một lưỡi dao cứa vào lòng những người ở lại hết mực thương tiếc. Trầm cảm không đáng sợ ở chỗ nó khiến cho một con người cô đơn, buồn tủi nhận được sự quan tâm từ người thân mà họ vẫn luôn hằng ao ước. Có đôi lúc nó lại khiến cho con người được giải thoát, có được sự thanh thản mà bản thân hiếm có được. Tuy nhiên tôi phải khẳng định một điều rằng:" Trầm cảm có hại hơn có lợi ". Hy vọng qua những điều trên sẽ giúp bạn đã có cảm nhận và hiểu hơn về bệnh trầm cảm. Cũng hy vọng bạn sẽ có cái nhìn mới về căn bệnh này, từ đó thấu hiểu và xóa bỏ những suy nghĩ xấu về những người mắc bệnh trầm cảm. Sự cảm thông và thấu hiểu sẽ giúp an ủi cũng như động viên chúng tôi phần nào. * * * Tôi mắc bệnh trầm cảm rồi.. Hehe! Vậy đấy. Tôi lỡ mắc bệnh trầm cảm rồi. Áp lực trong cuộc sống đã khiến tôi dần dần thay đổi, từ tính cách, lời nói cho đến cử chỉ và suy nghĩ. Tất cả đều thay đổi nhưng nó không theo chiều hướng tốt lên mà chỉ toàn là những sự tiêu cực. Tôi dần khép kín cánh cửa tâm hồn lại. Tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Học cách che giấu những cảm xúc thật. Dùng lớp mặt nạ giả dối hay có thể gọi nó là vỏ bọc để đối mặt với cuộc sống và để bảo vệ bản thân. Nhưng, áp lực không ngừng nghỉ. Có quá nhiều chuyện không tốt. Sự tiêu cực ngày càng lan rộng và cuối cùng nó xâm chiếm toàn bộ cơ thể, ý thức của tôi. Khi tôi hoàn toàn suy sụp cũng là lúc tôi nhận ra các triệu chứng của trầm cảm 'nhẹ'. Các triệu chứng của tôi là:" Rất hay khóc, bị rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động, thường hay cảm thấy bản thân tội lỗi và đặc biệt là tôi luôn có những suy nghĩ về cái chết". Tôi.. cũng không nhớ rằng bản thân đã muốn chết bao nhiêu lần nữa rồi. Khi đối mặt với cái chết tôi không hề thấy sợ hãi mà lại cảm thấy nó đến thật tự nhiên và thật hạnh phúc. Đối với tôi, ranh giới giữa sự sống và cái chết không phải là một cái gì đó xa xăm, mà chỉ đơn giản giống như vạch ngăn cách giữa con đường mà thôi. Một bên là tôi. Một bên là Tử thần. Tử thần nhìn tôi. Ngài mỉm cười và khẽ nói gì đó rồi đưa tay về phía tôi. Bất kể là lúc nào ngài cũng sẵn sàng để đưa tôi đi, chỉ cần tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay ấy thì tôi liền không thể nào quay lại được nữa. Mọi người đều nói khi đối mặt với cái chết phản ứng đầu tiên của con người chính là sợ hãi, là hoài niệm, là luyến tiếc đôi khi cũng có hối hận. Nhưng còn tôi, lúc đối mặt với cái chết lại là sự thoải mái, thanh thản mà trước đây tôi chưa từng có, chưa từng cảm nhận được. Tôi không ngần ngại mà lao thẳng về phía trước. Tôi khao khát muốn nắm lấy bàn tay mát lạnh, thoải mái của Tử thần. Cảm xúc lúc đó thật hạnh phúc.. Không. Tôi đã không khống chế được bản thân nữa rồi. Dường như cả ý thức lẫn cơ thể đều không nghe lời tôi nữa, nó đang tự làm những gì mà nó cho là đúng. Tôi bây giờ cũng không còn biết mình đang làm gì nữa, đã không kịp dừng lại nữa rồi. 'Có lẽ mọi thứ sắp kết thúc rồi, thời gian của tôi cũng sắp ngừng lại rồi.' Tôi đã nghĩ như vậy, cũng chắc rằng nó sẽ như vậy. Thật ngạc nhiên. Bởi cái chết vốn đã định không thể tránh khỏi, vậy mà trong tích tắc tôi lại thoát chết. Chỉ là sau khi thoát chết tôi lại không còn thấy cái cảm giác thoải mái, hạnh phúc tới kì lạ đó nữa. Tôi đứng hình mất vài giây rồi lại như không có gì tiếp tục đi thẳng. Có lẽ mọi người nghĩ hành động tìm chết của tôi sẽ gây hại cho người khác. Không đâu, 'cơ hội' này chỉ là một sự tình cờ mà thôi, tôi đã đi đúng làn đường của mình rồi, là do xe tải đi phía đối diện vượt qua xe khác nên đã lấn sang gần hết đường bên tôi. Vốn dĩ chính là đâm thẳng vào tôi nhưng rồi chẳng hiểu sao tới giây cuối nó lại tránh được cách tôi khoảng 10cm, vì vậy mới không đâm vào tôi. Cũng có lẽ ông trời thương sót tôi nên chưa để tôi chết. Còn rất nhiều việc tôi vẫn chưa làm được, có rất nhiều niềm vui còn chưa trải qua, có người mà tôi muốn chăm sóc, muốn bảo vệ, cho nên tôi chưa thể chết được. Nếu bạn nghĩ rằng người mắc bệnh trầm cảm thật ghê tởm, thật đáng ghét thì bạn đã nhầm rồi. Đừng bao giờ coi thường căn bệnh này hay bất kì người nào mắc phải căn bệnh này. Bởi, một ngày nào đó có thể chính bạn sẽ trở thành nạn nhân của nó. Những người mắc bệnh trầm cảm đã phải chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, cuộc sống hay chỉ là bất kì một lí do đơn giản khó tin nào khác. Và đặc biệt là nó không hềphân biệt tuổi tác hay giới tính của một người nào cả, bất cứ ai dù già hay trẻ cũng đều có thể mắc trầm cảm. Bạn có biết những người có thể thoát khỏi được căn bệnh trầm cảm đã phải cố gắng như nào không? Hãy lấy tôi làm ví dụ, khi mắc bệnh trầm cảm 'nhẹ' tôi trở nên trầm tính, không còn giống như trước đây nữa, tôi lúc đó vô cùng ít nói. Tất cả mọi tâm sự, suy nghĩ tôi đều giấu kín trong lòng không nói với bất kì ai cả. Không để bất kì ai biết rằng tôi bị trầm cảm 'nhẹ', tôi giấu nó kín tới mức chẳng ai phát hiện ra cả. Mỗi ngày tôi đều im lặng. Trong đầu luôn suy nghĩ vớ vẩn. Có lúc bỗng dưng khóc rất nhiều. Thậm chí nhiều lúc tôi còn nghĩ xem nên chết như thế nào. Tôi.. có chút sợ hãi rồi. Không phải sợ chết mà là sự sợ hãi khi mình trở nên bất thường. Trở nên kì lạ. Trở nên điên loạn. Khoảng thời gian đó đối với tôi thật sự rất khó khăn. Tôi không muốn bản thân cứ tiếp tục điên loạn như thế nữa. Vì vậy, tôi đã đặt ra cho bản thân những mục tiêu, những việc mà bản thân nhất định phải làm được. Không cần biết nó là thực tế hay là viển vông, tôi chỉ cần nó trở thành động lực để tôi sống tiếp là đủ rồi. Mỗi khi nghĩ đến cái chết tôi luôn tự nhủ rằng tôi cần phải làm được, phải đạt được mục đích mà mình đã đặt ra, cho nên tôi chưa thể chết được. Tôi luôn tìm niềm vui cho mình, luôn cố gắng khống chế bản thân trước cái suy đáng sợ kia. Lâu dần tôi có vẻ như đã thoát khỏi trầm cảm, không thường suy nghĩ về cái chết nữa, luôn lạc quan trước cuộc sống. Tuy rằng khỏi bệnh rồi nhưng tính cách của tôi so với trước kia đã khác đi rồi, sự thay đổi mà tôi không ngờ tới, giống như đã vô tình đánh mất bản thân. Tôi luôn tự hỏi bản thân rằng đây rốt cuộc là những gì sót lại trong con người ta khi từng bị trầm cảm hay do ta ngày càng trưởng thành về tuổi tác, suy nghĩ nên tính cách cũng có sự thay đổi? Và.. tôi vẫn luôn không tìm được đáp án cho mình, nhưng dường như nó không còn quan trọng nữa. Đối với tôi bây giờ, chỉ có người thân và cuộc sống trước mắt là quan trọng nhất. Tôi muốn bắt đầu lại từ đầu, chấp nhận sự thay đổi của bản thân và khiến bản thân trở nên tốt hơn. Thật ra trầm cảm không hề phức tạp, nhưng lại cũng không đơn giản. Trong vô thức ta đã rơi vào trầm cảm lúc nào mà không hề hay biết. Nếu không có phương pháp chữa trị đúng thì bệnh tình có thể sẽ ngày càng xấu đi và ngày càng nghiêm trọng hơn. Người mắc bệnh trầm cảm sẽ không nói với người thân hay bạn về bệnh tình của họ, càng sẽ không nói với bạn về tâm trạng, suy nghĩ của họ. Mỗi Người đều có những tâm lý, suy nghĩ khác nhau, nhưng đôi khi áp lực mà chúng ta phải chịu lại có phần giống nhau. Dù bạn mạnh mẽ như nào, sợ rằng một ngày không xa bạn sẽ hoàn toàn gục ngã, sẽ trở nên điên loạn như tôi. Nên đừng quá cố gắng chịu đựng, hãy tìm nơi có thể giãi bày những tâm sự, những uất ức. Nếu bạn sợ tâm sự với người khác sẽ bị cười nhạo, sợ họ vô tâm với ta thì bạn có thể viết tâm sự của mình vào một cuốn nhật kí, đem tất cả giãi bày hết ra mà không sợ gì hết, không cần phải chịu đựng. Cuốn nhật kí sẽ không cười nhạo bạn, sẽ không xa lánh bạn, nó có thể cùng bạn chia sẻ bất cứ chuyện gì dù là niềm vui hay nỗi buồn. Nhật kí sẽ thay bạn giữ những bí mật, những tâm sự và nó sẽ không đi kể với bất cứ ai, sẽ không tiết lộ những chuyện của bạn. Nên bạn cứ yên tâm đi, hãy giãi bày hết tất cả những tâm sự, áp lực ra bên ngoài, đừng cứ giữ nó trong lòng mãi, như vậy sẽ chỉ khiến bạn chịu nhiều tổn thương hơn mà thôi. Cuối cùng tôi chỉ muốn bạn hãy nhớ rằng những người mắc bệnh trầm cảm cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và họ cần có động lực để vượt qua. Bất kì ai dù là bên ngoài mạnh mẽ thế nào thì trong họ cũng tồn tại ít nhiều sự yếu đuối. Đừng dùng cái nhìn hạn hẹp, tiêu cực để nhìn những người mắc bệnh trầm cảm. Bởi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể giống họ, cũng sẽ được thử những chuyện mà họ đã phải trải qua. * * * Qua câu chuyện của tôi bạn đã có cái nhìn và sự hiểu biết như thế nào về bệnh trầm cảm và người mắc bệnh trầm cảm?
Chào bạn, mình là thành viên của bang LOO, mình vừa đọc truyện ngắn của bạn và có một số góp ý sau. Về tên truyện, không quá cầu kì, đơn giản và dễ hiểu. Sau khi nghe tên truyện cũng đủ biết đây là những lời tâm sự của bạn về căn bệnh trầm cảm, về quãng thời gian mệt mỏi và đáng sợ đấy. Mình thấy điều này rất ý nghĩa. Về ảnh bìa, rất phong phú và độc đáo. Khi nhìn vào, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự bất lực của cô gái. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng lại bị làn khói mỏng che mất. Có lẽ đó cũng là tâm trạng trống rỗng, trốn tránh cuộc sống, muốn chối bỏ tất cả mọi thứ của người bị bệnh trầm cảm. Đó là căn bệnh rất khủng khiếp, nó có thể giết chết chúng ta bất cứ khi nào. Còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh ung thư ác tính. Về nội dung, bạn không chỉ chia sẻ cho độc giả biết những triệu chứng của bệnh mà còn đi sâu vào phân tích, mở rộng, đào bới những vấn đề liên quan đến trầm cảm. Bên cạnh đó bạn còn nhắc nhở mọi người đừng miệt thị hay khinh thường, xa lánh những người đang bị trầm cảm. Bởi hơn ai hết, họ là những người phải hứng chịu cay đắng và tổn thương nhất. Bạn đã trải qua, và bạn hiểu rõ điều đó nhất. Mình rất thích những lời dặn dò cũng như gửi gắm đến độc giả như ở đoạn văn sau. "Hãy nhớ rằng những người mắc bệnh trầm cảm cần sự quan tâm, chăm sóc và học cần có động lực để vượt qua. Bất kì ai dù bên ngoài mạnh mẽ thế nào thì trong họ cũng tồn tại ít nhiều sự yếu đuối. Đừng dùng cái nhìn hạn hẹp, tiêu cực để nhìn những người mắc trầm cảm bởi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể giống họ, sẽ trải qua những điều mà học đã trải qua." Mình biết bạn nói riêng cũng như các bạn trầm cảm nói chung rất khao khát một cái ôm, một lời động viên, một ánh mắt trìu mến, một cái bắt tay, cái gật đầu.. Chỉ cần vậy cũng đủ sưởi ấm trái tim lạnh lẽo và tăng thêm sức mạnh để vượt qua chốn địa ngục nơi sâu thẳm tâm hồn khô héo. Phải không nào? Bạn có cái kết khá mở. Câu kết không phải là câu khẳng định mà là một câu hỏi. Liệu có phải rằng bạn muốn mọi người cùng bạn viết tiếp truyện ngắn của chính mình? Hay là đơn giản chỉ muốn một câu trả lời để lòng mình được yên bình và thở phào nhẹ nhõm? Về hình thức, bạn viết rành mạch và rõ ràng. Câu chữ mượt chứ không hề khô cứng. Bạn biết chia đoạn hợp lý. Bạn không phạm phải lỗi chính tả nào hết. Nhưng, bạn nên lưu ý lúc ngắt nghỉ ở các đoạn. Ví dụ như ở đoạn sau. "Mỗi ngày tôi đều im lặng, trong đầu luôn suy nghĩ vớ vẩn, có lúc bỗng dưng khóc rất nhiều, thậm chí nhiều lúc còn nghĩ xem nên chết như thế nào. Khoảng thời gian đó thật khó khăn, tôi không muốn bản thân trở nên như vậy vì vậy mà đặt ra cho bản thân những mục tiêu những việc mà bản thân nhất định phải làm được không cần biết nó là thực tế hay là viển vông chỉ cần trở thành động lực cho tôi là được." Bạn dùng rất nhiều dấu phẩy mà quên đi dấu chấm. Điều đó khiến cho đoạn văn rất rối. Bạn nên sửa như sau. "Mỗi ngày tôi đều im lặng. Trong đầu tôi luôn suy nghĩ vớ vẩn. Có lúc bỗng dưng khóc rất nhiều, thậm chí nhiều lúc còn nghĩ xem nên chết như thế nào? Khoảng thời gian đó thật khó khăn. Tôi không muốn bản thân trở nên như vậy. Vì vậy mà đặt ra cho bản thân những mục tiêu, những việc mà bản thân nhất định phải làm được. Không cần biết nó là thực tế hay là viển vông, chỉ cần trở thành động lực cho tôi là được." Và một số đoạn liệt kê triệu chứng bệnh, sau dấu hai chấm bạn nên thêm dấu ngoặc kép bạn nhé. Ví dụ như sau. "Vậy đấy, tôi đã từng bị trầm cảm nhẹ. Các triệu chứng của tôi là: Rất hay khóc, rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động, hay cảm thấy bản thân tội lỗi, đặc biệt là luôn suy nghĩ về cái chết. Cũng không nhớ rằng tôi đã muốn chết bao nhiêu lần nữa rồi." Bạn nên sửa như sau. "Vậy đấy, tôi đã từng bị trầm cảm nhẹ. Các triệu chứng của tôi là:" Rất hay khóc, rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động, hay cảm thấy bản thân tội lỗi, đặc biệt là luôn suy nghĩ về cái chết. "Cũng không nhớ rằng tôi đã muốn chết bao nhiêu lần nữa rồi." Sau đây là góp ý của mình về truyện của bạn. Cảm ơn bạn đã lắng nghe.
Em nè! Viết truyện mình đừng dùng các kí tự như thế này trong bài viết nhé! ♡⃛◟ (ˊ̱˂˃ˋ̱) ◞⸜₍ ˍ́˱˲ˍ̀ ₎⸝◟ (ˊ̱˂˃ˋ̱) ◞♡⃛
Xin chào chị em là jin đến từ bang Land Of Obilivion. Sau khi đọc tác phẩm này em cảm thấy nó rất tuyệt. Đây là câu chuyện kể về bản thân chị cũng như kể về bệnh trầm cảm, chị đã có thể kể được chi tiết về bênh trầm cảm này, từ có lợi đến có hại. Ngôn từ hài hòa, hình thức trình bày thoáng đã mang lại cảm giác tò mò khi đọc tác phẩm. Cộng với ngôi kể thứ nhất người kể là bản thân chị - cũng là tác giả giúp cho người đọc có thể hiểu được một cách chân thật nhất khi đọc tác phẩm vì người viết là người đã và đang trải qua, giúp hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời cũng cảm thông với những người bị như vậy. Còn về chính tả thì em cũng chỉ nhận xét như chị tiên không nên cùng các kí hiệu biểu thị khuôn mặt cảm xúc thôi ạ. Với lại nhân tiện thì em cũng mong chị có thể cố gắng mở lòng mình ra nhiều hơn, thoát khỏi cuộc sống như vậy. Vì chỉ khi chị như vậy chị mới có thể bước ra ánh sáng với cuộc sống đầy màu sắc hơn, hãy cố gắng nghĩ đến những điều tích cực, mở lòng mình ra tránh thu mình trong một căn phòng nhỏ và luôn nghĩ đến những điều tiêu cực. Để làm được như vậy thì chị hãy cố gắng tìm lấy mục tiêu mà mình hướng tới. Chúc chị sẽ sớm vượt qua ạ