Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế - Adam Khoo

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi diepnhi, 20 Tháng hai 2020.

  1. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 10: Mô hình trí nhớ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khám phá mô hình trí nhớ

    Bạn có biết rằng trí nhớ có một mô hình hoạt động nhất định không? Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu tại sao có những lúc bạn có thể học dễ dàng hiệu quả, trong khi có những lúc bạn lại cảm thấy đầu óc như bị bão hòa không thể tiếp thu thêm nữa.

    Bạn hãy cùng tôi làm một thử nghiệm ngắn sau đây. Nó sẽ giúp bạn khám phá mô hình trí nhớ của riêng bạn. Bạn hãy đọc danh sách các từ bên dưới, chỉ đọc một lần duy nhất và không sử dụng bất kỳ nguyên tắc Trí Nhớ Siêu Đẳng nào. Sau đó, bạn hãy cố gắng hết sức để nhớ lại càng nhiều từ càng tốt.

    [​IMG]

    Bây giờ, không nhìn lại danh sách trên, bạn hãy viết ra càng nhiều từ càng tốt. Bạn không cần phải viết đúng thứ tự.

    [​IMG]

    Bạn có thể bỏ sót rất nhiều từ, nhưng hãy nhìn kỹ lại những từ bạn nhớ được và viết ra. Tại sao bạn nhớ một số từ này mà không phải những từ khác? Nếu bạn xem xét thật kỹ, bạn sẽ phát hiện một mô hình trong cách nhớ của bạn. Nói chung, trong bất kỳ thời điểm nào, bạn sẽ có khuynh hướng:

    1. Nhớ những thông tin trong khoảng thời gian vừa bắt đầu học. Do đó, bạn có thể đã viết được 3-5 từ đầu tiên.
    2. Nhớ những thông tin trong khoảng thời gian gần kết thúc việc học. Bạn có thể đã viết được 3-5 từ cuối.
    3. Nhớ những thông tin được lặp lại. Ví dụ: "Là", "cái".
    4. Nhớ những thông tin nổi bật. Bạn có thể dễ dàng nhớ từ "ông già Nôen".
    5. Nhớ những thông tin liên quan với nhau. Bạn có thể nhớ hai từ "trái" và "phải".

    Dưới đây là biểu đồ minh họa về "phần trăm thông tin nhớ được trong một khoảng thời gian".

    [​IMG]

    Chúng ta có thể thấy từ biểu đồ trên, trong bất kỳ một khoảng thời gian hai tiếng học nào (nhóm A), luôn luôn có hai đỉnh điểm ghi nhớ thông tin, thời gian lúc bắt đầu học và thời gian sắp kết thúc việc học. Giữa lúc học, có một khoảng thời gian mà khả năng trí nhớ chúng ta bị suy giảm rõ rệt. Do đó, trong bất kỳ khoảng thời gian học nào, bạn sẽ quên rất nhiều thông tin đã học vào khoảng giữa này. Thời gian học càng lâu bao nhiêu, khoảng thời gian trí nhớ suy giảm càng dài bấy nhiêu.

    Nếu bạn phải học liên tục trong hơn hai tiếng (nhóm B), bạn chỉ có duy nhất một khoảng thời gian đỉnh điểm để ghi nhớ thông tin. Điều này khiến bạn lãng phí thời gian. Đây là lý do tại sao có những lúc bạn cảm thấy trí nhớ như bị bão hòa và không thể tiếp thu thêm nữa.

    Học trong bao lâu là tối ưu?

    Các nghiên cứu cho thấy thời gian học lý tưởng nhất trong mỗi lần học không nên dài quá hai tiếng. Mỗi lần học này nên được chia thành bốn phần nhỏ dài 25 phút mỗi phần. Giữa các phần, bạn nên nghỉ ngơi khoảng năm phút.

    Trong lúc nghỉ ngơi, bạn nên làm vài động tác thể dục đơn giản. Sau mỗi lần học dài hai tiếng, bạn nên thư giãn ít nhất nửa tiếng trước khi bắt đầu học lại.

    Bằng cách này, bạn sẽ có được tám đỉnh điểm ghi nhớ thông tin và những khoảng thời gian trí nhớ suy giảm ngắn đi rất nhiều (xem biểu đồ bên dưới). Kết quả là bạn có khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn cũng như thời gian học được tận dụng một cách hiệu quả nhất.

    [​IMG] [​IMG]

    "Nhồi nhét" không hiệu quả

    Nhiều học sinh tin rằng việc ôn bài sớm chỉ vô ích vì họ sẽ quên hết trước khi thi và phải học lại từ đầu. Những học sinh này cho rằng chỉ nên ôn bài cho mỗi môn học trong năm ngày trước khi thi môn đó. Chính vì thế, họ thường không ôn được hết bài hoặc chỉ ôn được một lần trước khi thi. Kết quả là họ không thể nào đạt điểm cao vì họ không hiểu rõ bài và phạm những lỗi bất cẩn đáng tiếc do quá căng thẳng.

    Với tôi, đây là một cách học "tự sát" vì nó đi ngược lại tất cả những nguyên tắc của việc học hiệu quả. Việc ôn bài vào phút cuối, "nước đến chân mới nhảy" thường cần một khoảng thời gian học dài liên tục không được nghỉ ngơi. Do đó, khả năng ghi nhớ cũng như hiệu quả học tập bị giảm sút trầm trọng.

    Hơn nữa, kiến thức mà học sinh thu thập được vào lúc này thường rất lộn xộn. Trước khi đầu óc họ có cơ hội để sắp xếp, tổng hợp những gì họ vừa học, những thông tin mới đã đan xen với những thông tin cũ tạo nên một mớ rối rắm lùng bùng.

    [​IMG]

    Vậy thì, nếu bạn phải chuẩn bị bài sớm và rải đều suốt quá trình học, bạn phải làm thế nào để duy trì trí nhớ ở phong độ tốt nhất cho đến ngày thi? Câu trả lời nằm ở việc ôn bài.

    Nhiều học sinh nghĩ rằng việc ôn bài làm lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn có một kế hoạch ôn bài hợp lý cùng với Sơ Đồ Tư Duy, bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian so với cách học bình thường. Không những thế, khi bạn ôn bài nhiều lần, bạn sẽ hiểu bài hơn, ghi nhớ thông tin nhiều hơn và tăng kỹ năng áp dụng kiến thức.

    Thông thường, chúng ta có thể biết khái niệm và cách giải quyết một vấn đề, nhưng trong kỳ thi, chúng ta lại đâm ra lúng túng và phạm lỗi. Lý do là vì chúng ta chưa đạt đến trình độ áp dụng kiến thức không cần suy nghĩ. Cách duy nhất để chúng ta đạt đến trình độ này là phải biết cách ôn bài.

    Bạn sẽ quên 80% thông tin mới trong vòng 24h

    Nghiên cứu cho thấy nếu bạn không ôn bài trong vòng 24 giờ sau khi học, bạn sẽ quên 80% kiến thức vừa học.

    Đây là lý do tại sao nhiều học sinh thường than phiền họ quên gần hết mọi thứ trước kỳ thi. Những nỗ lực ôn bài trước kỳ thi giống như học lại từ đầu. Việc ôn bài này tốn thời gian cũng nhiều như lúc học ban đầu vì họ đã quên hầu hết các thông tin cần học.

    Điều này có nghĩa là chúng ta nên ôn bài vào đúng thời điểm trí nhớ chúng ta đang ở đỉnh cao. Bằng cách này, việc ôn bài được hoàn tất trong một thời gian ngắn, và giúp những liên kết thông tin trong não trở nên bền vững hơn.

    Cách ôn bài hiệu quả

    Việc ôn bài nên diễn ra trong một khoảng thời gian cụ thể sau mỗi lần học. Lần ôn bài đầu tiên nên bắt đầu sau khi học 10 phút. Các nghiên cứu cho thấy khả năng nhớ bài thường đạt đỉnh điểm sau khi học 10 phút rồi sau đó giảm từ từ. Những lần ôn bài tiếp theo nên lần lượt diễn ra sau 24 giờ, sau một tuần, một tháng, và sau ba đến sáu tháng. Thời gian biểu này giúp trí nhớ của bạn luôn ở đỉnh cao. Biểu đồ dưới đây tóm tắt lại thời gian biểu ôn bài tối ưu nhất.

    [​IMG]

    Lý tưởng nhất là bạn nên lên kế hoạch thời gian ôn bài sao cho giai đoạn ôn bài cuối cùng rơi vào một ngày trước ngày thi. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào kế hoạch ôn bài của bạn và số lượng môn học bạn đang học.

    Việc ôn bài giúp bạn tiết kiệm thời gian

    Có thể bạn nghĩ rằng: "Nếu mình làm theo phương pháp này, có phải là mình sẽ tốn rất nhiều thời gian hơn so với cách ôn bài một lần trước khi thi không?" Câu trả lời là "KHÔNG".

    Xin nhớ rằng, nếu bạn làm theo phương pháp học truyền thống là học một lần và ôn lại một lần trước khi thi, bạn đã quên 80-90% kiến thức trước khi ôn bài. Như thế, việc ôn bài của bạn cũng tốn nhiều thời gian như lúc bạn học ban đầu. Không những thế, việc ôn bài như vậy cũng không hề củng cố lại những gì bạn đã học mà chỉ đơn thuần là học lại những gì bạn đã quên.

    Do đó, nếu thông thường bạn mất khoảng hai tiếng để học xong một chương sách, bạn sẽ phải cần gần hai tiếng nữa để ôn lại nó. Vậy là bạn cần khoảng gần bốn tiếng để học và ôn lại chương đó

    Nếu bạn ôn bài bốn lần trước khi thi, việc học lúc đầu của bạn sẽ tốn hai tiếng nhưng các lần ôn bài sau khi học 10 phút, 24 giờ, một tuần, một tháng, và trước khi thi chỉ mất 10-15 phút mỗi lần. Lý do là vì bạn ôn bài vào đúng những thời điểm mà kiến thức vẫn còn rất dễ tìm trong trí nhớ.

    Nếu bạn cộng tất cả thời gian học và ôn bài lại, bạn chỉ mất khoảng ba tiếng, nghĩa là ít hơn cách học truyền thống gần một tiếng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là khả năng lĩnh hội kiến thức của bạn lại tốt hơn gấp bốn năm lần so với cách ôn bài truyền thống vì bạn đã ôn bài trong lúc bạn còn nhớ rõ thông tin.

    Ôn bài 4-5 lần Ôn bài một lần

    Thời gian học và ôn 3 tiếng 4 tiếng

    Khả năng hiểu bài ít nhất 4 lần 1 lần (hoặc ít hơn)

    Xin chúc mừng bạn! Bạn đã được học hai phương pháp học hiệu quả nhất, đó là Sơ Đồ Tư Duy và hệ thống Trí Nhớ Siêu Đẳng. Bạn chắc chắn có thể đạt những kết quả mong muốn khi đã thành thạo hai phương pháp này.
     
  2. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 11: Nghệ thuật ứng dụng lí thuyết vào thực hành

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phương pháp của người thông minh

    Sau khi được trang bị đầy đủ các kỹ năng của Trí Nhớ Siêu Đẳng, bạn đã nắm được một yếu tố quan trọng để đạt thành tích xuất sắc. Đó là khả năng nhớ lại thông tin và số liệu trong một khoảng thời gian ngắn.

    Tuy nhiên, khả năng nắm vững lý thuyết chưa đủ đảm bảo cho bạn điểm 10. Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém. Đó là khả năng ứng dụng lý thuyết để trả lời câu hỏi thực hành trong kỳ thi.

    Để tinh thông khả năng ứng dụng những gì được học, bạn phải phát huy một loạt kỹ năng suy nghĩ bao gồm sáng tạo, phân tích, lập luận. Chi tiết hơn, những kỹ năng suy nghĩ bạn cần phải thành thạo bao gồm:

    1. So sánh các dữ liệu để tìm ra sự khác nhau và giống nhau.
    2. Phân tích thông tin và mối liên hệ giữa các thông tin với nhau.
    3. Xác định nguyên nhân và hệ quả.
    4. Lựa chọn và sắp xếp các thông tin có liên quan.
    5. Biết cách lập luận.
    6. Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
    7. Giải thích và phát triển ý cụ thể.
    8. Đánh giá độ tin cậy và tính đúng đắn của thông tin.
    9. Phân biệt giữa các dữ kiện, các thông tin không phải dữ kiện, và các ý kiến cá nhân.
    10. Đưa ra kết luận từ những bằng chứng cụ thể.

    Mặc dù những kỹ năng ứng dụng này nghe có vẻ đáng sợ, bạn sẽ thành thạo chúng dễ dàng khi bạn biết cách sử dụng. Những học sinh sử dụng các kỹ năng này hiệu quả là do họ nắm được phương pháp. Một khi bạn học và nắm được những phương pháp này, bạn sẽ có thể đạt kết quả như họ.

    Quá trình suy nghĩ diễn ra từ việc đặt câu hỏi (cho bản thân) tới việc hình thành các mối liên kết giữa thông tin mới và thông tin cũ mà bạn đã biết. Nếu bạn đang "suy nghĩ" về những gì tôi vừa nói, bạn có thể đang tự hỏi mình rằng "Thật không? Mình có suy nghĩ bằng cách đặt câu hỏi không?".

    Những học sinh thông minh thường tự đặt các câu hỏi hữu ích. Những học sinh kém không biết đặt câu hỏi về những gì họ vừa học. Ví dụ, nếu một học sinh giỏi cần đánh giá tính xác thực của một sự việc, anh ta sẽ đánh giá bằng cách đặt câu hỏi như "Có bằng chứng nào về việc này không?", "Nguồn gốc thông tin có đáng tin cậy không?", "Thông tin có bị làm sai lệch hoặc bị ảnh hưởng bởi ý kiến cá nhân nào không?". Một học sinh kém không bao giờ đặt những câu hỏi hiệu quả như trên.

    Nghệ thuật ứng dụng lí thuyết vào thực hành

    Trong bất kỳ môn học nào, cho dù là môn lịch sử, văn học, địa lý, vật lý hoặc toán học, luôn tồn tại một số phương pháp, khuôn mẫu hoặc phong cách đặt câu hỏi thông dụng trong kỳ thi.

    Hãy ghi nhớ, nghệ thuật ứng dụng lý thuyết vào thực hành của bất kỳ môn học nào cũng có bốn bước bạn phải thành thạo. Trong mỗi chương sách của từng môn học, bạn phải:

    Bước 1: Xác định các dạng câu hỏi thường gặp

    Bước đầu tiên là bạn phải xem qua tất cả các loại câu hỏi khác nhau như câu hỏi ra thi các năm trước, câu hỏi trong sách giáo khoa, câu hỏi kiểm tra thử và bài tập trong lớp. Từ đó, bạn hãy ghi chú lại các dạng câu hỏi thông dụng thường được đặt ra. Bạn sẽ phát hiện rằng luôn tồn tại một khuôn mẫu nhất định trong cách đặt câu hỏi. Ví dụ, trong môn lịch sử, các dạng câu hỏi thông dụng gồm có:

    Ví dụ về dạng câu hỏi thường gặp trong môn lịch sử

    1. Dạng Câu Hỏi Viết Luận

    A. "Bạn đồng ý đến mức nào?"

    Ví dụ:

    • Bạn đồng ý đến mức nào về ý kiến cho rằng Hitler giữ vững được quyền lực của mình sau năm 1933 chỉ vì ông ta đánh bại được các phe đối lập?
    • "Một nhà lãnh đạo tài ba". Bạn đồng ý đến mức nào về lời nhận xét trên về Mao Trạch Đông?
    • Bạn đồng ý đến mức nào về ý kiến cho rằng phe Đồng Minh đã thiết lập một chính quyền được mọi người ủng hộ ở Nhật Bản?

    B. "Bạn có nghĩ rằng?"

    Ví dụ: Bạn có nghĩ rằng Nhật Bản đã đầu hàng nếu không bị Mỹ đánh bom nguyên tử?

    C. "Liệu có công bằng?"

    Ví dụ: Liệu có công bằng không khi gọi Phát-xít là một chuyên chế? Giải thích.

    D. "Mô tả và cho ví dụ"

    Ví dụ: Hãy mô tả và cho ví dụ về cách thức mà Phát-xít áp dụng để duy trì quyền lực chính trị.

    E. "Tại sao?"

    Ví dụ:

    • Tại sao Liên Xô cần cải cách sau năm 1985?
    • Tại sao mối quan hệ giữa Nhật và Mỹ trở nên căng thẳng trong những năm 1930?
    • Tại sao Mao tiến hành "Đại nhảy vọt"?

    F. ".. gì?"

    Ví dụ:

    • Gorbachev đã dùng những chính sách gì để cải cách Liên Xô?
    • Chính quyền Nhật đã có những hiệp ước gì sau Chiến tranh thế giới thứ hai?
    • Mao đã đối đầu với những vấn đề gì trong khi tiến hành các chính sách ở Trung Quốc?

    2. Dạng Câu Hỏi Dựa Vào Nguồn Gốc Dữ Liệu

    A. "Bạn hãy cho biết lý do tại sao ông ta nói như vậy?" hoặc "Bạn nghĩ ông ta có ý gì khi nói như vậy?"

    Ví dụ:

    • Bạn hãy cho biết lý do tại sao Winston Churchill phát biểu với nhân dân Hoa Kỳ như vậy vào tháng 1 năm 1946.
    • Bạn nghĩ Liên Xô có ý gì khi họ nói rằng khủng hoảng ở Berlin đã được "lên kế hoạch ở Washington"?

    B. "Hai nguồn thông tin này giống nhau ở điểm nào?

    Ví dụ: Hai nguồn thông tin xác nhận Hiệp ước Vẹc-xây (Versailles) này giống nhau ở điểm nào?

    C." Tác giả cảm thấy như thế nào? "

    Ví dụ:

    • Tác giả của đoạn trích trên cảm thấy như thế nào về Hiệp ước Vẹc-xây? Giải thích.
    • Tác giả của đoạn trích trên chỉ trích ai về sự bất công trong Hiệp ước Vẹc-xây?
    • Đoạn văn trên cho bạn thấy được gì về thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc năm 1931?

    D." Thông tin trên có ích như thế nào trong việc? "

    Ví dụ:

    • Liệu thông tin này có chứng minh được rằng Liên hiệp quốc là một thành công? Cho biết lý do.
    • Thông tin này đã chứng minh được gì về việc chủ nghĩa quân phiệt dậy lên ở Nhật Bản vào những năm 1930?

    E." Ý kiến của tác giả về? "

    Ví dụ: Ý kiến của tác giả như thế nào về thất bại của Gorbachev?

    F." Thông tin này cho thấy.. Bạn có đồng ý không? "

    Ví dụ: Thông tin này cho thấy các yếu tố kinh tế là nguyên nhân duy nhất gây ra sự sụp đổ của Liên Xô. Bạn có đồng ý không?

    Bước 2: Xác định kỹ năng suy nghĩ tương ứng

    Bạn sẽ phát hiện mỗi dạng câu hỏi như" Thông tin trên có ích như thế nào trong việc? "hoặc" Bạn đồng ý đến mức nào về việc? "yêu cầu các kỹ năng suy nghĩ khác nhau. Do đó, đối với từng dạng câu hỏi, bạn hãy xác định kỹ năng suy nghĩ cần thiết cho từng câu trả lời.

    Ví dụ, trong tất cả câu hỏi dạng" Bạn đồng ý đến mức nào về việc?", người ra đề muốn kiểm tra các kỹ năng suy nghĩ sau đây của bạn:

    1. Khả năng lựa chọn thông tin liên quan để chứng minh các điểm đúng và điểm sai.
    2. Khả năng trình bày hai quan điểm cụ thể.
    3. Khả năng tự đánh giá dựa trên các chứng cứ hiện hữu.

    Bước 3: Áp dụng phương pháp đạt điểm tối đa cho từng dạng câu hỏi

    Mỗi dạng câu hỏi đòi hỏi một phương pháp cụ thể giúp bạn đạt điểm tối đa. Do đó, bước tiếp theo là bạn phải học các dạng câu trả lời tương ứng với từng dạng câu hỏi. Bạn có thể học cách trả lời thông qua thầy cô hoặc qua các bài giải mẫu.

    Nói tóm lại, bạn cần ghi chú tất cả các dạng câu hỏi thông dụng cho từng môn học. Trong từng dạng câu hỏi, tìm hiểu những kỹ năng suy nghĩ cần có và các phương pháp trả lời tương ứng để đạt điểm tối đa. Cuối cùng, hãy thực hành một vài ví dụ của từng dạng câu hỏi.

    [​IMG]

    Nghệ thật ứng dụng lí thuyết vào thực hành trong môn toán và các môn khoa học tự nhiên

    Tôi nhận thấy việc ứng dụng lý thuyết vào thực hành trong môn toán và các môn khoa học tự nhiên không phức tạp. Lý do là vì thường chỉ có một câu trả lời chính xác cho mỗi câu hỏi.

    Nhiều học sinh tự rèn luyện mình bằng cách trả lời các câu hỏi trong đề thi các năm trước hoặc các câu hỏi bài tập. Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn trước các câu hỏi mới mẻ rắc rối, mặc dù họ đã thực tập trả lời rất nhiều câu hỏi.

    Bạn phải chuẩn bị như thế nào để đến khi vào phòng thi, bạn có thể giải quyết bất kỳ dạng câu hỏi có khả năng ra thi nào? Cho dù người ra đề thi uốn éo, vặn vẹo câu hỏi như thế nào, bạn vẫn có thể trả lời được. Để đạt được điều đó, bạn cần có một phương pháp khác hệ thống hơn.

    Cùng một vấn đề nhưng có hàng ngàn cách đặt câu hỏi

    Trong các môn học dựa trên khoa học như toán học, vật lý, hóa học, tôi tin rằng trong mỗi chương sách hoặc mỗi khái niệm mà bạn được dạy, luôn tồn tại một số cách đặt câu hỏi nhất định. Chúng ta hãy gọi tổng số cách đặt câu hỏi nhất định này là số N.

    Hãy trình bày việc này một cách đơn giản. Giả sử bạn được dạy một khái niệm vật lý là Lực = Khối lượng x Gia tốc (F = ma). Bạn chỉ có thể gặp một số dạng câu hỏi nhất định về khái niệm này. Đó là:

    Dạng câu hỏi 1: Biết Khối Lượng và Gia Tốc, tính Lực.

    Dạng câu hỏi 2: Biết Khối Lượng và Lực, tính Gia tốc.

    Dạng câu hỏi 3: Biết Lực và Gia tốc, tính Khối lượng.

    Đây thật là một tin tốt lành đối với học sinh. Trong mỗi chương sách, bạn cần phải tìm ra tất cả các cách tổng hợp câu hỏi khác nhau (bước 1). Sau đó đối với từng dạng câu hỏi, bạn phải tìm hiểu các bước trả lời câu hỏi (bước 2). Một khi bạn đã biết các bước giải quyết từng dạng câu hỏi, việc tiếp theo để ghi nhớ các bước này là thực hành trả lời mỗi dạng câu hỏi ít nhất ba lần (bước 3). Chúng ta hãy cùng thảo luận kỹ hơn về ba bước này.

    Bước 1: Thu thập

    Thu thập tất cả các dạng câu hỏi khác nhau khả thi trong từng chương. Tổng số dạng câu hỏi này luôn là một số nhất định.

    Bạn có thể tìm thấy tất cả dạng câu hỏi từ các đề thi năm trước, sách bài tập, bài kiểm tra thử, và từ các trường khác đặc biệt là các trường giỏi nếu cần thiết.

    Bạn sẽ biết được là mình đã tìm đủ các dạng câu hỏi khi không thể tìm ra dạng nào mới nữa.

    Bước 2: Tìm hiểu các bước giải quyết câu hỏi

    Đối với từng dạng câu hỏi thu thập được, bạn phải tìm ra các bước cần thiết để trả lời chúng. Bạn sẽ phát hiện ra trong từng dạng câu hỏi cụ thể, các bước giải quyết luôn giống nhau mặc dù dữ kiện có thể khác nhau.

    Bước 3: Ghi nhớ các bước bằng thực hành

    Cuối cùng, bạn phải thực hành các bước trả lời cho từng dạng câu hỏi ít nhất ba lần. Vậy thì tại sao có nhiều học sinh chăm chỉ thực hành hàng trăm câu hỏi mà vẫn lúng túng khi gặp các câu hỏi mới trong kỳ thi? Lý do là vì họ không sử dụng kỹ năng vừa đề cập bên trên mà chỉ thực hành các bài tập một cách ngẫu nhiên.

    Tôi sẽ giải thích vấn đề này bằng ví dụ minh họa bên dưới. Trong một chương sách (giả sử gọi là chương X), bạn sẽ tìm được một tổng số dạng câu hỏi nhất định là N gọi là: X1, X2, X3, Xn (minh họa bên dưới).

    [​IMG]

    Mỗi dạng câu hỏi yêu cầu các bước hoặc kỹ năng giải quyết cụ thể. Ví dụ: Trong phần toán sơ cấp (giải phương trình), y = x, y = x2, y = x3, y = x4.. là các dạng câu hỏi khác nhau yêu cầu các bước hoặc công thức khác nhau để giải.

    Thêm vào đó, bạn sẽ thấy rằng từng dạng câu hỏi (ví dụ X1) có rất nhiều biến thể khác nhau trong cách ra đề thi: X1a, X1b, X1c, X1d, X1e, v. V.. Nhiều biến thể của một dạng câu hỏi được tạo ra bằng cách thay đổi số liệu liên quan. Ví dụ: Y = 2x, y = 2x+1, y = 3x, 2y = 10x.. là các biến thể khác nhau của y = x. Có bao nhiêu biến thể của mỗi dạng câu hỏi? Câu trả lời là vô hạn! Tuy nhiên, tất cả các biến thể của cùng một dạng câu hỏi có thể được giải quyết bằng cách sử dụng một công thức hoặc các bước giống nhau. Nếu bạn có thể giải quyết một biến thể (ví dụ X1a), bạn có thể giải quyết được tất cả các biến thể còn lại (ví dụ X1b, X1c, X1d, v. V.).

    [​IMG]

    Thêm phạm vi và biến thể

    [​IMG]

    Trong một khoảng thời gian ôn bài có hạn, làm thế nào để bạn có thể thành thạo tất cả các dạng câu hỏi ra thi? Câu trả lời là bạn chỉ cần thực hành mỗi dạng câu hỏi ít nhất ba lần. Nói cách khác, bạn chỉ cần thực hành cách giải quyết X1, X2, X3, Xn. Lý do là vì khi bạn có thể trả lời X1, bạn có thể giải quyết tất cả các biến thể của X1 như X1a, X1b, X1c và cứ thế. Ví dụ: Nếu bạn giải được y = x+3, bạn có thể giải được y = x+10, y = 2x+4, y = 3x+3, y = x+22, v. V..

    Vấn đề nằm ở chỗ là đa số học sinh lãng phí thời gian cho việc thực tập hàng trăm câu hỏi mà thực ra đó chỉ là các biến thể của một vài dạng câu hỏi giống nhau. Do thời gian có giới hạn, họ không thể ôn hết tất cả các dạng câu hỏi từ X1 đến Xn vì họ lãng phí quá nhiều thời gian vào các biến thể (ví dụ X1a, X1b.), trong khi họ chỉ cần nắm vững dạng câu hỏi (ví dụ X1) là đủ. Giả sử vì lý do đó, họ không ôn được đến X6. Nếu trong đề thi xuất hiện dạng câu hỏi X6, họ sẽ gặp khó khăn. Rõ ràng, vấn đề không phải là bạn thực tập bao nhiêu câu hỏi, mà là bạn thành thạo bao nhiêu dạngcâu hỏi.

    Một ví dụ về vật lí: Tốc độ, vận tốc và gia tốc

    Chúng ta hãy cùng lấy một ví dụ từ môn vật lý cấp hai. Nếu bạn đã học về tốc độ, vận tốc và gia tốc, bạn sẽ phát hiện là có 20 dạng câu hỏi khác nhau.

    Dưới đây, tôi liệt kê tất cả 20 dạng câu hỏi và xếp loại chúng theo dạng câu hỏi dựa trên công thức và dạng câu hỏi dựa trên đồ thị.

    Tốc độ, vận tốc và gia tốc

    Từ công thức v = d/t (v là vận tốc, d là quãng đường, t là thời gian)

    1. Cho biết d và t, tìm v
    2. Cho biết v và t, tìm d
    3. Cho biết v và d, tìm t

    Từ công thức a = (v-u) /t (v là vận tốc cuối, u vận tốc đầu, a là gia tốc và t là thời gian)

    1. Cho biết v, u và t, tìm a
    2. Cho biết v, u và a, tìm t
    3. Cho biết a, t và u, tìm v
    4. Cho biết a, t và v, tìm u

    Từ đồ thị quãng đường-thời gian

    1. Cho biết t, tìm d
    2. Cho biết d, tìm t
    3. Cho biết t, tìm v (gradient của đường chéo)
    4. Cho biết v (gradient của đường chéo), tìm t

    Từ đồ thị vận tốc-thời gian

    1. Cho biết t, tìm v
    2. Cho biết v, tìm t
    3. Cho biết t, tìm gia tốc a (gradient của đường chéo)
    4. Cho biết a (gradient của đường chéo), tìm t
    5. Cho biết v1, v2, t1, t2, tìm d (vùng bên dưới đồ thị)
    6. Cho biết v1, d (vùng bên dưới đồ thị), t1, t2, tìm v2
    7. Cho biết d (vùng bên dưới đồ thị), v2, t1, t2, tìm v1
    8. Cho biết v1, v2, d (vùng bên dưới đồ thị), t2, tìm t1
    9. Cho biết v1, v2, t1, d (vùng bên dưới đồ thị), tìm t2

    Bước tiếp theo là tìm các bước giải quyết từng dạng câu hỏi trong 20 dạng kể trên. Cuối cùng, thực hành từng dạng câu hỏi ít nhất ba lần.

    Xin chúc mừng bạn! Bạn đã hoàn tất phần Phương Pháp Học Hiệu Quả. Bằng việc áp dụng và thành thạo các phương pháp học tôi vừa đề cập tới, bạn sẽ được trang bị đầy đủ vũ khí để đánh bại bất kỳ câu hỏi khó nào. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang một chủ đề hết sức thú vị..
     
  3. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 12: Dám ước mơ. Sức mạnh của mục tiêu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thành công không phải do may mắn mà có

    Chào mừng bạn đến với chương yêu thích nhất của tôi. Mặc dù đây là chương 12 trong sách, xác định mục tiêu lại là bước đầu tiên quan trọng nhất mà bạn phải thực hiện trong quá trình vươn đến thành công trong học vấn và cuộc sống. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được chia sẻ với bạn về sức mạnh của mục tiêu vì chính bản thân tôi đã gặt hái rất nhiều thành công từ việc xác định mục tiêu và hành động. [​IMG]

    Tôi muốn nói với các bạn rằng tất cả mọi thứ tôi có được ngày hôm nay không phải do may mắn mà có. Thay vào đó, tôi thành công là do tôi đã mơ ước thành công và đã thiết kế con đường đi đến thành công trong các mục tiêu của tôi. Ở chương 1, tôi nói rằng việc đầu tiên thay đổi cuộc sống của tôi là do tôi xác định ba mục tiêu lớn trong khi vẫn đang bị coi là một đứa trẻ đần độn. Đó là vươn lên dẫn đầu trường cấp hai, được tuyển vào trường trung học Victoria (trường trung học hạng nhất ở Singapore thời đó), thi đậu và dẫn đầu trường Đại Học Quốc Gia Singapore. Trong vòng tám năm, tôi đã đạt được những mục tiêu tôi xác định. Tôi thành công chính xác theo đúng cách mà tôi đã hình dung.

    Khi có được những thành công ban đầu, tôi càng có thêm động lực mạnh mẽ để xác định những mục tiêu to lớn hơn, vĩ đại hơn. Tôi xác định rõ ràng những mục tiêu trong cuộc sống vượt xa ngoài việc học. Tôi đã viết ra rằng tôi muốn trở thành tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, sở hữu được nhiều công ty và đúng thế.. tôi muốn trở thành triệu phú. Tôi xác định những mục tiêu đầy đam mê này khi chỉ mới 15 tuổi. Vào tuổi đó, tôi vẫn chưa biết chắc mình phải làm gì để đạt những mục tiêu trên. Tuy nhiên, cái ý nghĩ được sống một cuộc sống do chính tôi thiết kế thật sự cuốn hút và thúc đẩy tôi làm việc thật chăm chỉ.

    Vào năm 21 tuổi, cuốn sách đầu tiên của tôi, chính là quyển sách bạn đang đọc đây, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Singapore. Vào tuổi 26, tôi đã biến ước mơ làm chủ bốn công ty thành hiện thực, mang lại thu nhập hơn một triệu đô la mỗi năm cho bản thân. Tôi muốn mở đầu chương này bằng việc chia sẻ những điều này với các bạn không phải để khoe khoang hay tạo ấn tượng gì. Tôi thật sự hy vọng, thông qua những điều tôi chia sẻ, các bạn sẽ hiểu được lời nhắn nhủ của tôi. Đó là bạn phải dám ước mơ. Mục tiêu chính là động lực thúc đẩy bạn đi đến thành công.

    Đại học Yale năm 1952: Bài học đầu tiên về sức mạnh của mục tiêu

    Tôi đã nhận ra sức mạnh của mục tiêu thông qua một cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale (một trong những đại học hàng đầu ở Mỹ) vào năm 1952. Lúc đó, khóa sinh viên sắp tốt nghiệp được hỏi rằng họ có những mục tiêu cụ thể nào về những gì họ muốn đạt được sau khi tốt nghiệp.

    Ngạc nhiên thay, chỉ có 3% trong tổng số sinh viên viết ra được những mục tiêu của họ. Những sinh viên này biết rất rõ là họ muốn có công việc như thế nào, họ muốn kiếm bao nhiêu tiền và họ khao khát những thành công nào. Họ còn thiết kế cuộc sống mơ ước của họ trong vòng 15-20 năm tới. Ngược lại, 97% số sinh viên còn lại không hề có mục tiêu nào cả. Họ bỏ mặc mọi thứ cho số phận với thái độ "chuyện gì tới sẽ tới".

    20 năm sau, vào năm 1972, một cuộc khảo sát tiếp tục được thực hiện trên những sinh viên kể trên. Kết quả cuộc khảo sát này thật đáng kinh ngạc. Tổng thu nhập của 3% số sinh viên, những người đã xác định mục tiêu trước đó, đạt gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% số sinh viên còn lại, những người không xác định mục tiêu. Nói cách khác, trung bình mỗi sinh viên xác định mục tiêu có thu nhập cao gấp 97 lần thu nhập của mỗi sinh viên không xác định mục tiêu.

    Chuyện gì đã làm nên sự khác biệt to lớn này? Chắc chắn không phải là do mức độ thông minh hoặc khả năng của họ. Nói cho cùng thì tất cả họ đều tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng. Sự khác biệt chính là ở sức mạnh của mục tiêu.

    Tiger Woods, Steven Spielberg và Bill Clinton giống nhau ở điểm nào?

    Nếu bạn để ý kỹ những người nổi tiếng, bạn sẽ nhận ra rằng họ thành công là do họ dám mơ ước về thành công đó từ rất sớm. Họ cũng hiểu rằng thành công mà họ có được là do họ đã lên kế hoạch để thành công.

    Tiger Woods hiện là vận động viên đánh gôn số một thế giới. Ở tuổi 24, anh đã đạt nhiều thành tích trong môn thể thao gôn hơn bất kỳ ai khác trong lịch sử. Bạn có biết rằng Tiger đạt được những điều này là do anh đã xác định mục tiêu đánh bại những vận động viên đánh gôn hàng đầu và trở thành số một thế giới từ năm anh tám tuổi.

    Năm 12 tuổi, Steven Spielberg xác định mục tiêu trở thành nhà đạo diễn phim giỏi nhất. Năm 36 tuổi, ông trở thành một trong những nhà làm phim thành công nhất trong lịch sử thế giới. Ông đã đạo diễn bốn trong mười phim đạt doanh thu cao nhất thế giới và thu về nhiều giải thưởng điện ảnh nhất. Nhờ đâu mà ông có thể đạt được những thành công phi thường đến thế khi còn rất trẻ? Một lần nữa, đó chính là nhờ ông hiểu được sức mạnh của mục tiêu.

    Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, con của một góa phụ nghèo sống ở một nông trại nhỏ, xác định tham vọng trở thành tổng thống Mỹ khi vẫn còn là một đứa trẻ. Thầy cô, họ hàng, bạn bè đều nói với ông rằng "Tỉnh dậy đi, đừng mơ nữa nhóc!". Nhưng cũng như Woods và Spielberg, ông đã dám vạch ra tương lai và biến ước mơ thành hiện thực.

    Tại sao mọi người không xác định mục tiêu?

    Bạn có thể tự hỏi "Nếu việc xác định mục tiêu có sức mạnh phi thường giúp bạn thành công đến vậy, tại sao mọi người lại không xác định mục tiêu?".

    Khi còn nhỏ, chúng ta luôn có những ước mơ và mục tiêu bay bổng về tương lai. Chúng ta mơ được làm bác sĩ, lính cứu hỏa, ngôi sao điện ảnh và những anh hùng. Thật đáng tiếc, khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta lại từ bỏ mục tiêu của mình và cũng không màng tới việc đặt ra mục tiêu mới. Dưới đây là ba lý do chính tại sao người ta không xác định mục tiêu.

    1. Họ không tự tin

    Lý do chính khiến người ta không xác định mục tiêu là vì họ thiếu tự tin. Sự tự tin chính là cảm giác tin tưởng vào giá trị bản thân. Tôi thường khuyên các học sinh của tôi nên hướng tới những kết quả tốt nhất và những trường tốt nhất. Một số thường trả lời tôi rằng họ không bao giờ đạt được những kết quả đó, hay vào được những trường hạng nhất đó. Những học sinh khác thì trả lời rằng những kết quả tốt đẹp đó không dành cho họ mà là dành cho những "học sinh khác". Có thể là do trong quá khứ, thầy cô, cha mẹ hay bạn bè thường nói rằng chúng ta rất kém hoặc không có khả năng. Tất cả những lời nhận xét này khiến chúng ta mất hẳn sự tự tin.

    Xin nhớ rằng tất cả những điều này đều không đúng sự thật. Như bao người khác, bạn có một tiềm năng to lớn ẩn chứa trong con người bạn. Nếu người khác làm được, bạn cũng có thể làm được. Bạn xứng đáng lãnh nhận những gì tốt nhất trong cuộc sống. Một khi bạn hiểu được điều này, bạn sẽ bắt đầu xác định mục tiêu cho bản thân.

    2. Họ không tin vào sức mạnh của mục tiêu

    Nhiều học sinh không xác định mục tiêu là vì họ không tin vào việc làm này. Họ không tin vào sức mạnh của mục tiêu. Họ đưa ra nhiều ví dụ về việc họ đã từng xác định mục tiêu trong quá khứ nhưng họ không đạt được. Chúng ta cũng được nghe nói về nhiều người xác định mục tiêu lớn lao nhưng thất bại. Lý do thất bại của tất cả những người này không phải là do việc xác định mục tiêu không có tác dụng, mà là do họ đã không cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu, hoặc do họ áp dụng sai phương pháp và bỏ cuộc giữa chừng.

    Việc xác định mục tiêu tự nó sẽ không mang lại thành công cho bạn. Bạn phải hành động liên tục với một quyết tâm mãnh liệt để đạt được mục tiều đề ra.

    3. Họ sợ thất bại. Họ sợ xấu hổ

    Một lý do lớn khác khiến học sinh không dám xác định mục tiêu là vì họ sợ thất bại và sợ xấu hổ. Họ sợ rằng nếu họ xác định mục tiêu đạt tất cả điểm 10 mà không đạt được, họ sẽ cảm thấy thất bại tràn trề. Để né tránh thất bại, họ không bao giờ dám xác định mục tiêu. Nếu bạn không xác định mục tiêu, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thất bại, đúng không? Nhưng thật sự bạn đang thất bại. Thêm vào đó, nếu bạn không bao giờ xác định mục tiêu, bạn cũng chẳng bao giờ thành công cả.

    Những học sinh giỏi dám xác định mục tiêu to lớn vì họ không tin vào thất bại. Khi họ không đạt được mục tiêu, họ không nghĩ đó là thất bại. Thay vào đó, họ xem đó là một kinh nghiệm cần học hỏi. Kết quả là họ không cảm thấy xấu hổ về việc này. Họ biết rằng miễn là họ học hỏi kinh nghiệm và liên tục hành động, cuối cùng họ cũng sẽ đạt được mục tiêu. Thay vì mất tinh thần khi bị người khác cười chê, tôi muốn bạn chuyển sự nhạo báng đó thành sức mạnh và động lực thúc đẩy bạn. Chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này nhiều hơn trong chương Công Thức Để Đạt Điểm Tuyệt Đối.

    Thật sự, động lực mạnh mẽ thúc đẩy tôi khi còn là một học sinh chính là việc tôi muốn chứng tỏ với tất cả thầy cô, bạn bè rằng họ đã sai. Họ càng cười nhạo tôi và nói rằng tôi không thể đạt được điều đó, tôi càng cảm thấy mạnh mẽ để học tập chăm chỉ, đạt được mục tiêu để chứng tỏ cho họ thấy. Vậy thì, đừng để nỗi sợ xấu hổ làm bạn mất tinh thần. Hãy biến nỗi sợ đó thành sức mạnh.

    Mục tiêu là động lực thúc đẩy chúng ta đến thành công

    Tại sao mục tiêu lại có tác động mạnh đến như vậy? Tại sao xác định mục tiêu lại thúc đẩy chúng ta đi đến thành công? Mục tiêu có ba đặc tính mạnh mẽ sau đây có thể giúp chúng ta thành công.

    1. Mục tiêu dẫn đường và quyết định thành công của chúng ta

    Mục tiêu mà bạn xác định sẽ luôn hướng dẫn cuộc sống của bạn từng giây từng phút. Mục tiêu dẫn đường cho những lựa chọn và hành động của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành học sinh giỏi nhất trường, bạn sẽ có những lựa chọn gì? Bạn sẽ chọn việc tập trung trong lớp học, ghi chú đầy đủ, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Khi bạn bè rủ bạn đi chơi sau giờ học, bạn sẽ từ chối vì bạn biết rằng việc đó không giúp bạn đạt được mục tiêu.

    Mặt khác, nếu bạn xác định mục tiêu trở thành một người chơi gôn chuyên nghiệp như Tiger Woods, bạn có lựa chọn và hành động khác không? Dĩ nhiên! Bên cạnh việc tập trung đạt điểm cao ở trường, bạn sẽ chọn việc tập đánh gôn và dành hàng giờ liền để chơi gôn. Tương tự, nếu mục tiêu của bạn là trở thành vận động viên bơi lội cấp quốc gia, bạn sẽ quyết định đi tập bơi. Bạn thấy không, mục tiêu quyết định những việc bạn làm. Mục tiêu quyết định những lựa chọn trong cuộc sống của bạn.

    Nguy hiểm nhất là khi bạn không có mục tiêu. Khi bạn không có mục tiêu, bạn không biết tập trung vào việc gì, và bạn sẽ có khuynh hướng làm những việc mà bạn cảm thấy quan tâm vào thời điểm đó. Bạn sẽ di chuyển khắp mọi hướng để rồi quay lại đúng chỗ cũ thay vì tiến lên theo một hướng nhất định. Nói đơn giản, bạn chỉ hành động theo đám đông như một con cừu không hơn không kém.

    Một nguy hiểm nữa từ việc không xác định mục tiêu rõ ràng là trong tiềm thức của bạn sẽ tự tạo ra những mục tiêu nguy hại. Trước khi tôi được học cách xác định mục tiêu trong chương trình Thiếu Niên Siêu Đẳng, tôi đã từng có những mục tiêu nguy hại như "xem tivi càng nhiều càng tốt", "né tránh việc học", "gây khó khăn cho thầy cô", "ngủ càng nhiều càng tốt" và "ráng đừng để thi rớt là được". Không có gì bất ngờ khi tôi luôn nhận những kết quả tệ hại, những mục tiêu nguy hại này hướng tôi ra khỏi con đường thành công và tiến thẳng đến thất bại. Vậy thì xin bạn ghi nhớ rằng, nếu bạn không quyết định và lên kế hoạch về những gì bạn muốn, tiềm thức của bạn sẽ quyết định những mục tiêu nguy hại thay bạn.

    Bạn phải chủ động thiết kế những mục tiêu thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta tới thành công

    2. Mục tiêu thúc đẩy chúng ta

    Trong thời gian tôi còn là một học sinh kém, tôi luôn tự hỏi rằng làm thế nào mà những bạn học giỏi cùng lớp có thể tìm thấy đủ năng lượng và động lực để hoàn thành tất cả bài tập, hoặc ôn bài kỹ lưỡng cho bài kiểm tra? Làm thế nào mà họ có thể học nhiều giờ liền, thậm chí vào cuối tuần, không xem tivi, không chơi trò chơi điện tử, không đi chơi? Bí quyết của họ là gì? Làm thế nào mà họ có nhiều động lực thúc đẩy đến thế trong khi tôi luôn cảm thấy lười biếng, mệt mỏi? Tôi đã phát hiện ra bí quyết nằm ở những mục tiêu mà chúng ta xác định. Mục tiêu tiếp thêm năng lượng và sức mạnh cho chúng ta. Không có mục tiêu, chúng ta luôn cảm thấy lười biếng, mệt mỏi.

    Không có học sinh lười,

    Chỉ có học sinh không có mục tiêu rõ ràng

    Bạn có bao giờ cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi khi phải học một chương sách nào đó không? Nhưng cùng lúc đó, nếu bạn được chơi trò chơi điện tử yêu thích của bạn, bạn lại cảm thấy dồi dào năng lượng và có thể chơi hàng giờ liền không biết mệt đúng không? Vậy mà, ngay khi vừa cầm quyển sách lên đọc, bạn lại ngáp ngắn ngáp dài và cảm thấy hết sức buồn ngủ. Tại sao lại như vậy?

    Khi chơi trò chơi điện tử, chúng ta có một mục tiêu rõ ràng, đó là chiến thắng. Điều này tiếp thêm năng lượng và động lực để chúng ta tiếp tục chơi. Vấn đề là khi chúng ta học bài, đa số chúng ta không có mục tiêu rõ ràng là đạt điểm 10 hay vươn lên đứng nhất, do đó não bộ chúng ta tự ngưng hoạt động và làm chúng ta mất năng lượng. Ngay khi bạn xác định những mục tiêu hào hứng trong việc học cho bản thân, bạn sẽ tìm thấy nguồn năng lượng thúc đẩy bạn vượt qua sự lười biếng.

    3. Mục tiêu giải phóng tiềm năng của chúng ta

    Một lý do khác của việc xác định mục tiêu là mục tiêu giúp chúng ta vượt xa hơn khả năng bình thường để đạt những kết quả tuyệt vời. Giả sử bạn luôn nhận điểm 2 môn toán. Đây là điểm số bình thường của bạn. Và bạn xác định mục tiêu đạt điểm 10 trong kỳ thi sắp tới. Bằng việc xác định mục tiêu đạt điểm 10, bạn sẽ bắt đầu học theo một cách khác. Bạn ghi chú bài giảng chi tiết hơn, tìm hiểu rõ hơn về những khái niệm còn mờ mịt, dành nhiều thời gian hơn để giải những bài toán khó. Kết quả là, ngay cả khi bạn không đạt điểm 10, bạn cũng có thể đạt điểm 8-9, cao hơn nhiều so với điểm số 2 trung bình của bạn.

    Xác định mục tiêu trong tùng lĩnh vực cuộc sống

    Tất cả chúng ta đều biết rằng công nhân là người xây dựng nên những căn nhà. Nhưng trước khi họ bắt đầu công việc xây dựng, họ cần những kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà. Tại sao vậy? Bởi vì việc thiết kế này giúp họ biết được mái nhà cao bao nhiêu, có bao nhiêu cửa ra vào, có bao nhiêu cột nhà, v. V.. Họ sẽ làm theo đúng thiết kế để xây nên một căn nhà hoàn chỉnh.

    Các công nhân có xây được nhà mà không cần bản thiết kế không? Điều này nghe có vẻ nực cười. Nếu không có bản thiết kế cụ thể, họ chỉ có thể xây một cách vô tôi vạ đến khi không còn gạch mà vẫn không biết hình thù căn nhà ra sao. Chuyện gì sẽ xảy ra? Sản phẩm của họ sẽ chỉ là một ngôi nhà siêu vẹo, xấu xí với hình thù kỳ quái.

    Bạn có thể cho rằng việc xây nhà mà không có bản thiết kế là vô lý. Vậy bạn có nhận ra việc chúng ta sống cũng giống như việc xây dựng một căn nhà? Ấy thế mà, nhiều người sống mà không hề có kế hoạch nào về cuộc sống tương lai sau này. Mỗi ngày chúng ta sống cũng giống như mỗi viên gạch chúng ta dùng để xây cuộc sống. Nếu bạn cứ liên tiếp xây từng viên gạch mà không biết bạn đang xây gì, cuối cùng bạn sẽ xây được một cuộc sống không như ý chút nào. Thật đáng tiếc, nhiều người không nhận ra được điều này cho đến khi họ phải gánh chịu một cuộc sống tồi tệ. Lúc ấy, họ mới nhận ra rằng lẽ ra họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều nếu họ biết thiết kế cuộc sống của họ.

    Khi bạn xây nhà, bạn phải thiết kế tất cả mọi phần của căn nhà như phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp, v. V.. Tương tự, khi bạn xác định mục tiêu trong cuộc sống, bạn phải tập trung vào tất cả những lĩnh vực đem lại cho bạn một cuộc sống mong muốn. Ví dụ, chẳng có ích gì khi bạn học rất giỏi nhưng lại không có sức khỏe. Cũng chẳng ích gì khi bạn có một nghề yêu thích, có sức khỏe tốt nhưng lại cực kỳ nghèo.

    Nhìn chung, bạn phải thiết kế và xác định mục tiêu trong bốn lĩnh vực cuộc sống. Đó là:

    1. Mục tiêu về học tập và nghề nghiệp
    2. Mục tiêu về sức khỏe và thể thao
    3. Mục tiêu về tài chính và lối sống
    4. Mục tiêu về gia đình và xã hội

    [​IMG]

    Xác định những mục tiêu to lớn và hấp dẫn

    Nhiều người nói với tôi rằng họ vẫn không cảm thấy có động lực thậm chí sau khi họ đã xác định mục tiêu. Họ vẫn không cảm thấy muốn hành động. Lý do là vì những mục tiêu mà họ đề ra không đủ hấp dẫn đối với họ.

    [​IMG]

    Muốn có được quyết tâm, động lực để hành động kiên trì, bạn phải xác định những mục tiêu to lớn. Những mục tiêu to lớn là những mục tiêu vượt xa ngoài khả năng hiện tại của bạn. Điều quan trọng nhất là ý nghĩ đạt được những mục tiêu ấy thật sự làm bạn cảm thấy hết sức hạnh phúc, phấn khởi.

    Khi tôi xác định mục tiêu vươn lên dẫn đầu trường (một mục tiêu rất lớn), ý nghĩ đạt được mục tiêu này thật sự làm tôi cảm thấy rất vui sướng, nhất là khi tôi đang là học sinh đứng chót lớp lúc bấy giờ. Cảm giác vui sướng đặc biệt này thúc đẩy tôi thức đêm thức hôm học hành chăm chỉ. Một mục tiêu to lớn khác của tôi là kiếm được một triệu đôla. Mục tiêu này thúc đẩy tôi mạnh mẽ đển mức tôi đã thành lập công ty đầu tiên của mình năm 15 tuổi và làm hai công việc cùng lúc khi vẫn còn đi học.

    Thay vào đó, nhiều người có khuynh hướng xác định những mục tiêu dễ dàng, nhỏ bé với ý nghĩ rằng những mục tiêu này dễ đạt được hơn nhiều so với những mục tiêu khác. Vấn đề ở đây là những mục tiêu này không thúc đẩy bạn hành động được. Nếu tôi xác định mục tiêu là một trong 50 học sinh giỏi nhất trường, tôi sẽ không cảm thấy hào hứng bằng việc tôi muốn trở thành học sinh giỏi nhất.

    Chắc hẳn là bạn đã nghe bạn bè, thầy cô nói rằng "Đừng nên quá tham vọng. Hãy sống thực tế". Đa số những người nói câu này đều lo sợ thử thách to lớn vì họ sợ thất bại. Những người như vậy sống một cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt.

    Những người vĩ đại đạt được những thành công vĩ đại ít khi "có óc thực tế" theo tiêu chuẩn của đa số mọi người. Họ thiên về những ước mơ mà người khác cho là ảo tưởng. Nhưng họ lại cảm thấy thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến lúc ước mơ đó thành hiện thực. Điều này thúc đẩy họ bằng mọi giá phải đạt được những ước mơ ấy. Anh em nhà Wright bị người đời nhạo báng là điên rồ khi họ có ý tưởng chế tạo máy bay. Khi cựu tổng thống Mỹ John F Kennedy xác định mục tiêu đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất, mọi người cho là ông ta đang ảo tưởng. Nhưng hiện nay, chúng ta đã đạt được tất cả những điều đó và còn nhiều hơn nữa. Tại sao? Chính là nhờ vào những ước mơ táo bạo và hầu như không tưởng của những con người dám nghĩ, dám làm này.

    Sáu bước xác định mục tiêu hiệu quả

    Bây giờ thì bạn đã hiểu sức mạnh và tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu. Bạn phải học cách tạo ra những mục tiêu thúc đẩy bạn đi đến cùng. Những quyết tâm đầu năm mới thường bị bỏ ngang chỉ vì không có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ. Đó chỉ là những ước mơ nhỏ bé, yếu ớt. Để mục tiêu có thể làm động lực thúc đẩy chúng ta, bạn phải làm theo sáu bước sau đây:

    1. Viết ra những gì bạn mong muốn một cách cụ thể

    Bước đầu tiên là viết ra những mục tiêu của bạn càng chi tiết càng tốt. Khi bạn xác định mục tiêu cụ thể, tâm trí bạn sẽ tập trung tốt hơn để đạt mục tiêu đó. Khi mục tiêu của bạn quá chung chung hoặc không rõ ràng, tâm trí bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được những gì bạn thật sự muốn. Ví dụ, những mục tiêu như "Tôi muốn học toán khá hơn", "Tôi muốn thi tốt", "Tôi muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn" và "Tôi muốn có một công việc ổn định" là những mục tiêu không rõ ràng.

    Việc học môn toán khá hơn có thể có nghĩa là tăng thêm được ba điểm, bốn điểm hoặc năm điểm môn toán. Thi tốt có thể đơn thuần chỉ là thi đậu với điểm năm hoặc có thể là đạt điểm 10. Một công việc ổn định cũng có thể là làm người thu dọn rác hoặc một nhà khoa học. Cả hai nghề này đều ổn định.

    Thay vào đó, mục tiêu của bạn nên cụ thể như "Tôi muốn tăng điểm toán từ bốn điểm lên chín điểm", "Tôi muốn đạt sáu điểm 10 và một điểm chín trong kỳ thi", "Tôi muốn tiết kiệm 20 ngàn đồng một tuần và hai triệu đồng trước khi tôi 17 tuổi" hoặc "Tôi muốn trở thành một nhà vật lý hạt nhân chuyên nghiên cứu các dạng năng lượng thay thế".

    2. Liệt kê tất cả những những mục đích và lí do cho việc đạt mục tiêu

    Nguyên nhân tại sao nhiều người không quyết tâm để đạt mục tiêu là vì họ không có những lý do rõ ràng tại sao họ muốn đạt mục tiêu đó. Chúng ta ít khi có động lực làm một việc gì trừ khi chúng ta biết rõ nguyên nhân và lợi ích của nó. Bởi thế, sau khi bạn đã xác định mục tiêu, bạn hãy viết ra ít nhất năm lý do tại sao bạn phải đạt mục tiêu đó. Ngoài ra, bạn cũng cần viết ra những lợi ích đi kèm với mục tiêu đó. Xác định một mục tiêu sẽ không thúc đẩy được bạn trừ khi bạn có những lý do chính đáng, thuyết phục.

    3. Lên kế hoạch hành động

    Vạch ra kế hoạch chi tiết và những hành động cụ thể để tiến gần đến mục tiêu đề ra. Một cuốn sổ sắp xếp thông tin và một cuốn lịch sẽ giúp bạn lên kế hoạch hiệu quả.

    Ví dụ:

    1. Kế hoạch của tôi là tạo Sơ Đồ Tư Duy cho môn lịch sử và áp dụng các kỹ năng Trí Nhớ Siêu Đẳng để ghi nhớ thông tin.
    2. Các bước hành động của tôi là tạo ra hai Sơ Đồ Tư Duy mỗi ngày trong vòng hai tuần tới. Sau đó tôi sẽ dành ba tiếng mỗi ngày cho tuần kế tiếp để ghi nhớ thông tin.

    4. Xác định thời hạn

    Tiếp theo, bạn phải xác định thời hạn cụ thể để đạt mục tiêu của bạn. Nếu bạn không có thời hạn cụ thể, bạn sẽ có khuynh hướng trì hoãn cho đến khi mục tiêu của bạn bị lãng quên. Xác định thời hạn cụ thể có nghĩa là viết rõ ra ngày tháng năm bạn phải đạt mục tiêu đó.

    5. Tiếp thêm cảm xúc cho mục tiêu của bạn

    Hầu hết những hành động trong ngày của chúng ta không phải do lý trí mà là do cảm xúc chúng ta thúc đẩy. Về mặt lý thuyết, chúng ta muốn đạt một mục tiêu và biết rõ lý do tại sao chúng ta nên đạt mục tiêu đó, nhưng chính cảm xúc lại là động lực thật sự thúc đẩy chúng ta hành động. Bởi thế, đây là một trong những bước quan trọng nhất. Bạn phải nhắm mắt lại, tưởng tượng cảnh bạn đạt được mục tiêu đề ra và tận hưởng cảm giác vui sướng, thỏa mãn, cũng như những lợi ích do việc đạt được mục tiêu mang lại. Tôi muốn bạn hãy mơ mộng về việc đạt được ước mơ của bạn cho đến khi ước mơ đó trở nên rất thật trong tâm trí bạn. Làm như vậy sẽ giúp bạn có nguồn cảm hứng dồi dào để hành động kiên định tiến về mục tiêu.

    [​IMG]

    6. Lấy đà bằng việc học ngay tức khắc

    Thông thường, mọi người xác định mục tiêu, lên kế hoạch hành động rồi chỉ để trì hoãn chúng đến ngày hôm sau. Chẳng bao lâu, họ sẽ chần chừ và không bao giờ bắt đầu thực hiện mục tiêu. Bạn phải tránh điều này bằng việc làm một cái gì đó ngay sau khi bạn viết xong mục tiêu để lấy đà cho các chuỗi hành động tiếp theo sau này. Cho dù lúc đó là một giờ sáng, bạn cũng nên làm một chuyện gì đó giúp bạn tiến gần đến mục tiêu hơn một chút. Ngay khi bạn vừa xác định mục tiêu là nâng cao điểm toán, bạn nên cầm quyển sách toán lên đọc ít nhất vài trang. Ngay khi bạn vừa xác định mục tiêu mua một chiếc xe hơi mới, bạn nên đi đến phòng triển lãm lấy những tờ quảng cáo. Việc lấy đà ngay lập tức này có sức mạnh phi thường giúp bạn tiếp tục hành động kiên định tiến dần về phía mục tiêu của bạn.

    Ví dụ về xác định mục tiêu hiệu quả

    Chúng ta hãy cùng xem xét một vài ví dụ về những mục tiêu hiệu quả mà bạn cần xác định. Bạn có thể viết chúng vào nhật ký, sổ ghi chép hoặc sổ lên kế hoạch của bạn.

    Ví dụ về mục tiêu trong học tập

    Tôi quyết tâm đạt điểm 10 môn toán trong kỳ thi cuối năm. Lợi ích và Nguyên nhân:

    • Đủ điểm đậu vào lớp chuyên ở trường trung học.
    • Đạt được mục tiêu học ngành y và trở thành bác sĩ.
    • Tôi muốn chứng tỏ cho tất cả bạn bè của tôi thấy rằng tôi có thể đạt điểm 10 môn toán.

    Kế hoạch hành động:

    Kế hoạch của tôi là thực tập các bài thi trong sáu năm trước cho đến khi tôi đạt 10 điểm trên từng bài thi. Tôi sẽ làm việc này hai lần một tuần (vào thứ hai và thứ năm). Hơn nữa, tôi sẽ dành hai tiếng một ngày để ôn lại từng chương sách.

    Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 26 tháng 11 năm 2007.

    Ví dụ về mục tiêu sức khỏe

    Tôi quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm. Lợi ích và Nguyên nhân:

    • Để trở nên toàn diện ở trường
    • Để có nguồn năng lượng dồi dào
    • Để chứng tỏ rằng tôi có thể làm được

    Kế hoạch hành động:

    Chạy hai cây số vào mỗi tối thứ ba và thứ năm. Tập động tác bụng 50 lần và hít đất 100 lần mỗi buổi sáng.

    Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 14 tháng 10 năm 2007.

    Áp phích mục tiêu

    Mục tiêu không phải là thứ mà bạn xác định rồi bỏ qua một bên và chỉ xem lại sau một năm. Mục tiêu là những việc bạn phải thường xuyên xem xét, ghi nhớ và hành động hướng đến chúng hàng ngày. Một thói quen tốt bạn cần có là bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc lại những mục tiêu trong cuốn sổ của bạn. Một phương pháp tốt khác nữa là bạn nên tóm tắt các mục tiêu trong học tập của bạn vào một tờ giấy lớn rồi dán lên tường. Bằng cách này, bạn sẽ luôn được nhắc nhở về mục tiêu ngay khi bạn vừa thức dậy mỗi buổi sáng. Dưới đây là một ví dụ minh họa về bảng tóm tắt mục tiêu bạn có thể tạo ra cho kỳ thi sắp tới của bạn.

    Kết quả kỳ thi cuối năm 2007

    Anh văn 9 điểm

    Toán 10 điểm

    Vật lý 10 điểm

    Hóa học 10 điểm

    Địa lý 9 điểm

    Lịch sử 9 điểm

    Lý do tôi phải đạt những kết quả này là để thi đậu vào trường trung học chuyên Lê Hồng Phong. Tôi muốn chứng tỏ cho bản thân cũng như bạn bè thấy rằng tôi thật sự thông minh và có thể đạt những gì tôi muốn.

    Thời hạn đạt mục tiêu là ngày 7 tháng 7 năm 2007.

    Lên kế hoạch hành động cho cuộc sống

    Bên cạnh việc xác định mục tiêu trong bốn lĩnh vực trọng yếu trong cuộc sống (học tập/nghề nghiệp, sức khỏe/thể thao, tài chính/lối sống và gia đình/xã hội), bạn phải xác định những mục tiêu dài hạn cũng như những mục tiêu ngắn hạn. Những mục tiêu dài hạn là những mục tiêu bạn hướng tới từ hai đến 15 năm nữa. Những mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu bạn muốn đạt được trong vòng hai năm tới.

    Nhiều học sinh không cảm thấy có động lực thậm chí sau khi đã xác định tất cả các mục tiêu đạt điểm 10 vì họ không biết họ muốn làm gì trong tương lai xa sau này. Tôi luôn nói với các học sinh của tôi rằng họ sẽ không bao giờ có động lực trong học tập trừ khi họ biết được họ muốn làm gì trong tương lai. Nếu bạn không có định hướng rõ ràng về cuộc sống của bạn trong vòng 10 tới 15 năm từ bây giờ, việc đạt được điểm 10 hoặc học một môn học không hề có ý nghĩa hay động lực nào thúc đẩy bạn.

    Nói cách khác, nếu bạn có mục tiêu dài hạn trở thành một nhà chính trị gia hoặc thậm chí một tổng thống, bạn sẽ có động lực học lịch sử, kinh tế, chính trị. Bạn sẽ có động lực thi đậu vào trường trung học hạng nhất. Nếu bạn có mục tiêu dài hạn trở thành một diễn viên, bạn sẽ có động lực học văn học, tâm lý con người, truyền thông đại chúng, lịch sử. Bạn cũng sẽ thấy được sự cần thiết của việc thi đậu vào trường nghệ thuật.

    Vậy thì, đây là lúc bạn bắt đầu mơ ước và quyết định bạn muốn làm gì trong vòng 15 năm tới. Bạn mơ ước về nghề nghiệp gì? Bạn mơ ước được làm cho công ty nào hay bạn mơ ước thành lập công ty riêng của bạn? Bạn muốn kiếm bao nhiêu tiền? Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào? Bạn muốn giao du với tầng lớp xã hội nào? Căn nhà mơ ước của bạn ra sao? Chiếc xe mơ ước của bạn thế nào? Bạn muốn mình làm được những gì? Được đi du lịch nghỉ mát mỗi năm hai lần? Bạn còn muốn làm được gì nữa?

    Những giấc mơ tương lai tuyệt đẹp này sẽ đem lại cho bạn ý nghĩa, niềm say mê, khát khao vượt trội đạt được điểm cao và được tuyển vào những trường danh tiếng nhất. Khi bạn nghĩ về tất cả những ước mơ của bạn, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng. Xin nhớ rằng bạn phải mơ cao mơ xa, đừng để trí tưởng tượng giới hạn bạn. Bạn có thể tạo ra được những gì bạn khát khao. Để làm được điều này, bạn cần phải để cảm xúc của bạn tăng vọt. Lý do là vì con người chúng ta có khuynh hướng làm việc theo cảm xúc chứ không phải lý trí.

    Một khi bạn đã ghi lại tất cả những ước mơ dài hạn của bạn, tôi muốn bạn biến chúng thành bản thiết kế trên một mảnh giấy lớn. Đây chính là bản thiết kế cuộc sống của bạn. Sau khi hoàn tất, bạn hãy dán nó lên tường nơi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy để tiếp thêm cảm hứng mỗi ngày. Không có giới hạn về những gì bạn có thể vẽ trên bản thiết kế cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, sau đây là một số chi tiết quan trọng mà bạn cần phải thiết kế:

    1. Viết ra những gì bạn muốn đạt được một cách cụ thể
    2. Viết ra thời hạn đạt được mục tiêu
    3. Viết ra tuổi của bạn trong từng giai đoạn

    Dưới đây là một ví dụ minh họa.

    Thiết kế cuộc sống của tôi

    Trường cấp hai Ping Yi

    16 Tuổi

    - Đạt bảy điểm 10 trong kỳ thi cuối năm

    - Đạt loại xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp cấp hai

    Trường trung học Victoria

    16-18 Tuổi

    - Đạt bốn điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba

    - Vật lý/Kinh tế học/Toán sơ cấp/Toán trung cấp

    Nghĩa vụ quân sự

    18-21 Tuổi

    - Vào trường sĩ quan Cadet

    - Đạt cấp bậc trung úy

    - Đạt loại tốt trong kỳ kiểm tra sức khỏe

    Đại học quốc gia Singapore

    21-24 Tuổi

    - Đứng trong nhóm 1% sinh viên giỏi nhất trường

    - Tốt nghiệp với loại xuất sắc danh dự

    - Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh

    Trở thành chuyên gia động sực sống, chuyên gia tư vấn kinh doanh và tác giả nổi tiếng nhất

    24-26 Tuổi

    - Bán 100, 000 quyển sách trong một năm

    - Đạt được mức lương 20.000 đô/tháng

    Trở thành ông chủ của ít nhất năm công ti về tổ chức, giáo dục và tư vấn

    26-28 Tuổi

    - Đạt được doanh thu 20 triệu đô mỗi năm

    - Tổng lợi nhuận là năm triệu đô mỗi năm

    Đưa công ti lên sàn chứng khoán

    31 Tuổi

    Nghỉ hưu với 100 triệu đô tài chính

    35 Tuổi

    Chơi Golf và làm từ thiện

    36 Tuổi Trở Đi

    Các mục tiêu khác

    Ø Tậu chiếc xe hơi mơ ước BMW/Mercedes vào tuổi 25

    Ø Cưới một người vợ thông minh, xinh đẹp, đảm đang và có hai đứa con vào tuổi 29

    Ø Mua ngôi nhà mơ ước – 30 tuổi

    O Nhà biệt thự rộng 15.000 m2

    O Có hồ bơi

    O Có sáu phòng ngủ

    O Có phòng giải trí ca nhạc, điện ảnh

    Ø Đi du lịch nghỉ mát hàng năm với gia đình, 31 tuổi trở đi.

    Thiết kế cuộc sống của bạn

    Bạn đã sẵn sàng định hướng cho những thành tựu mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống chưa? Tốt lắm. Xin nhớ rằng bạn có đủ tiềm năng và năng lực để đạt những kết quả phi thường. Vậy thì bạn hãy thiết kế cuộc sống của bạn với niềm đam mê và niềm tin tuyệt đối. Chúc bạn vui vẻ với công việc thiết kế cuộc sống của chính mình!

    Xác định mục tiêu cá nhân của bạn

    Khi hoàn tất, bạn có thể sử dụng bốn bước xác định mục tiêu để viết ra những mục tiêu cá nhân của bạn trong cuốn sổ tay hay nhật ký. Đây chính là tất cả những mục tiêu bạn cần phải đạt được để có một cuộc sống như bạn đã phác thảo trong bản thiết kế. Bạn có thể viết theo mẫu dưới đây.

    1. Xác định mục tiêu của bạn một cách cụ thể.
    2. Liệt kê các lợi ích và nguyên nhân để đạt được mục tiêu đó.
    3. Lên kế hoạch hành động cụ thể.
    4. Viết ra thời hạn đạt được mục tiêu.

    Thiết kế áp phích mục tiêu

    Bạn đã hoàn thành việc xác định mục tiêu chưa? Tốt lắm. Bây giờ, tôi muốn bạn hãy thiết kế một áp phích mục tiêu cho kỳ thi sắp tới của bạn. Làm theo các hướng dẫn bên dưới, vẽ lại những mục tiêu đó trên một tờ giấy lớn với nhiều màu sắc và hình ảnh. Dán tờ giấy này lên tường nơi bạn học bài ở nhà khi đã hoàn tất.

    Bước 1:

    Viết ra tên kỳ thi sắp tới của bạn. Kế tiếp, liệt kê tên môn học và điểm số bạn muốn đạt được cho từng môn

    Bước 2:

    Viết ra ít nhất năm nguyên nhân và năm lợi ích của việc đạt kết quả thi trên.

    Bước 3:

    Viết ra thời hạn rõ ràng (ngày tháng năm) bạn sẽ đạt được kết quả đó.

    Xác định mục tiêu và não bạn sẽ tìm được cách thực hiện

    Trong khi xác định mục tiêu, một trong những niềm tin quan trọng nhất mà bạn phải có đó là tin rằng bạn có thể đạt bất cứ điều gì bạn khao khát. Bạn hãy lên kế hoạch cho cuộc sống của bạn với một niềm tin tuyệt đối như thế.

    Thậm chí nếu vào lúc này bạn chưa chắc chắn được phương pháp để đạt mục tiêu, không có vấn đề gì cả. Cứ xác định mục tiêu đi. Nếu bạn có thể tìm đủ lý do tại sao bạn muốn đạt những mục tiêu đó, não bộ của bạn sẽ hướng dẫn bạn xác định con đường đi đến mục tiêu. Mục tiêu thật sự khiến não bộ chúng ta luôn minh mẫn và lĩnh hội tất cả những cơ hội xung quanh. Không có mục tiêu, chúng ta có khuynh hướng bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống.

    Vậy việc xác định tất cả các mục tiêu này có nghĩa là bạn sẽ thành công sao? Không thể chắc chắn về điều này. Nếu mục tiêu của bạn không được hỗ trợ bằng những hành động vững chắc, mục tiêu sẽ chỉ mãi là những ước mơ. Nhưng nếu bạn hành động để đạt được mục tiêu, những mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực. Vậy thì chúng ta phải làm gì để tự thúc đẩy bản thân mình hành động? Hãy khám phá về việc này trong chương tiếp theo.
     
  4. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 13: Động lực mạnh mẽ: Vượt qua sự lười biếng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vượt qua sự lười biếng

    Đã bao nhiêu lần bạn xác định mục tiêu mà không bao giờ bắt tay vào hành động để đạt được mục tiêu đó? Hoặc đã bao nhiêu lần bạn hành động nhưng lại bỏ dở chỉ sau vài ngày đầu?

    Tất cả chúng ta đều biết rõ những việc chúng ta nên làm trong cuộc sống như ôn bài cho kỳ thi quan trọng, nhưng vì một lý do nào đó, chúng ta không bao giờ thật sự bắt tay vào làm cho đến khi mọi việc đã quá trễ. Thói quen lười biếng này ảnh hưởng đến hầu hết mọi người chúng ta. Nó đơn thuần ngăn chặn mọi hành động mà chúng ta biết là sẽ mang lại lợi ích cho bản thân.

    Lười biếng là nhân tố chính phá hoại sự thành công. Bạn có thể xác định những mục tiêu tuyệt vời nhất và đề ra những kế hoạch hoàn hảo nhất, nhưng nếu bạn không hành động, bạn đã thất bại rồi.

    Khi bạn lười biếng, bạn cũng cảm thấy không làm chủ được cuộc sống của mình đúng không? Cảm giác lo sợ nhắn nhủ bạn nên ngừng xem tivi để học bài, nhưng một động lực hấp dẫn khác lại lôi kéo bạn tiếp tục xem thêm một chương trình tivi nữa. Để vượt qua thói quen lười biếng, bạn phải học cách làm chủ nó thay vì để nó làm chủ bạn.

    Động lực thúc đẩy nổi khổ và niềm vui

    Hai động lực chính thúc đẩy hành động của chúng ta là nỗi khổ và niềm vui. Chúng ta luôn luôn hành động theo hướng né tránh những gì chúng ta nhận thức là nỗi khổ, và tiến gần đến những gì chúng ta nhận thức là niềm vui. Tại sao chúng ta cứ liên tục trì hoãn việc làm bài tập đến phút cuối mặc dù chúng ta biết rằng nên làm bài từ sớm? Đơn giản là vì đa số chúng ta luôn nghĩ việc học rất cực khổ, và ngược lại, gắn liền niềm vui với những việc khác như xem tivi.

    Làm thế nào để chúng ta có thể bắt tay vào làm bài tập? Thông thường, chúng ta chỉ bắt tay vào làm bài tập khi ngày mai là hạn chót nộp bài hoặc khi chúng ta cảm thấy bị áp lực nặng nề từ bạn bè – những người đã làm xong bài tập đó. Nhưng tại sao chúng ta lại có thể làm bài tập vào lúc ấy mà không phải sớm hơn? Lý do là ngay lúc ấy, chúng ta nhận thức được việc không làm bài tập sẽ khiến chúng ta gánh chịu một hậu quả tệ hại hơn khi không nộp bài đúng hạn. Điều này khiến chúng ta phải bắt tay vào hành động.

    Thay vì trở thành nô lệ của nỗi khổ và niềm vui như thế, bạn hãy chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Bạn hãy tận dụng những động lực này để thúc đẩy bạn hành động theo những gì bạn muốn như kiên trì học bài, ôn bài và hoàn tất bài tập trước thời hạn. Chất lượng công việc của bạn phụ thuộc vào việc bạn gắn liền nó với nỗi khổ hay niềm vui một cách có ý thức hay vô ý thức. Không có việc gì tự nó là khổ hay vui cả, mà chỉ vì chúng ta gắn việc đó với nỗi khổ hay niềm vui. Những học sinh giỏi biết cách gắn niềm vui vào việc học và nỗi khổ vào việc không đạt được kết quả như ý. Những học sinh này không bao giờ lười biếng trong học tập. Kết quả là họ luôn đạt điểm 9-10.

    Thay vào đó, những học sinh khác lại luôn có ý nghĩ rằng việc học rất cực khổ. Họ cảm thấy rất vui khi không phải học. Những học sinh này luôn lười biếng và không bao giờ hoàn thành kế hoạch để đạt mục tiêu. Để vượt qua sự lười biếng, họ cố gắng thử tất cả mọi cách nhưng những cách này lại không giải quyết được tận gốc vấn đề. Trong tâm trí, họ vẫn gắn liền nỗi khổ với việc học, còn niềm vui với việc không phải học. Đây là lý do tại sao cho dù họ cố gắng đến mức nào, cuối cùng họ vẫn quay lại tình trạng lười biếng như cũ.

    Bởi thế, chìa khóa để khắc phục tình trạng lười biếng là bạn phải thay đổi những việc bạn gắn liền với nỗi khổ hoặc niềm vui. Bạn phải học cách gắn liền niềm vui với việc học và nỗi khổ với việc lười biếng ngay từ bây giờ.

    Lập trình lại não bộ của bạn

    Đầu tiên, bạn hãy xác định bạn muốn thay đổi những hành động hiện tại nào và bạn muốn thay thế chúng bằng những hành động mới nào. Ví dụ, bạn có thể muốn thay thế thói quen "nước đến chân mới nhảy" trong việc học (lười biếng) của bạn bằng thói quen học tức thì.

    Viết ra trong khoảng trắng bên dưới tất cả những hậu quả mà bạn có thể phải gánh chịu nếu bạn tiếp tục lười biếng. Ví dụ, bạn có thể thi rớt, ở lại lớp, bị thầy cô, gia đình la rầy và bị bạn bè cười nhạo. Viết ra càng nhiều hậu quả càng tốt để làm bạn cảm thấy thật sự sợ hãi.

    Bước 1

    Tất cả hậu quả tôi sẽ gánh chịu nếu tiếp tục thói quen lười biếng này. 1. ________________________________________________________________

    2. ________________________________________________________________

    3. ________________________________________________________________

    4. ________________________________________________________________

    5. ________________________________________________________________

    Bước 2:

    Tận dụng trí tưởng tượng của bạn để cảm nhận thật rõ những nỗi khổ được liệt kê phía trên mà bạn phải hứng chịu nếu tiếp tục lười biếng. Bạn hãy tưởng tượng những gì bạn sẽ thấy, sẽ nghe và sẽ cảm nhận khi gánh chịu nỗi khổ đó.

    Bài tập thực hành này nhằm mục đích tạo ra đủ cảm xúc thúc đẩy bạn từ bỏ thói quen xấu. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn bị điểm kém. Khi nhìn thấy bạn bè được điểm cao, bạn cảm thấy hối hận, tức giận và thất vọng vì không chuẩn bị bài sớm hơn. Bạn cảm thấy đau đớn vì không được nhận vào trường hoặc lớp học mà bạn lựa chọn.

    Hình dung bản thân bạn bị cha mẹ thầy cô la rầy, bạn bè khinh rẻ. Hãy tạo ra càng nhiều cảm giác đau đớn càng tốt. Tưởng tượng về nỗi đau đó càng thật càng tốt.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Kế tiếp, tôi muốn bạn hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ ra sao trong vòng năm năm tới nếu bạn tiếp tục thói quen lười biếng này. Tôi muốn bạn tưởng tượng ra tình huống tệ hại nhất có thể xảy ra. Bạn có thể tưởng tượng bản thân bị bỏ rơi, không có bạn bè, thất nghiệp và hối hận tràn trề về những việc trong quá khứ. Một lần nữa, hãy sử dụng hình tượng, âm thanh, cảm giác để tạo ra cảm xúc thật sự.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Khi bạn đã bắt đầu cảm thấy thôi thúc phải vượt qua sự lười biếng, bây giờ bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của bạn trong 10 năm tới nếu bạn vẫn giữ thói quen lười biếng này. Một lần nữa, hãy tưởng tượng tình huống tệ nhất có thể xảy ra và biến nó thành cảm giác thật ngay bây giờ. Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng lương của bạn rất thấp, bạn phải mặc những bộ quần áo xấu xí cũ kỹ, ăn những loại thức ăn hạng bét, ở trong một căn phòng trọ tồi tàn và hầu như không có bạn bè.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Tại sao bạn phải làm những việc này? Bởi vì bạn chỉ bắt đầu cảm thấy hối hận và ước gì bạn có thể thay đổi sự việc khi mọi việc đã quá muộn. Chỉ đến khi bạn không có kiến thức, không có tiền và không có tương lai, bạn mới thốt lên "Giá mà lúc trước mình..". Thật đáng tiếc, mọi việc lúc ấy đã quá trễ. Vậy thì, trước khi việc này xảy ra, bạn hãy tự tưởng tượng những hậu quả tệ hại nhất để buộc mình phải hành động ngay tức thì và không bao giờ phải nói "Giá mà..".

    Bước 3:

    Bước tiếp theo là gắn liền càng nhiều niềm vui càng tốt vào thói quen mới mà bạn muốn sở hữu. Trước hết, bạn hãy viết ra trong khoảng trống dưới đây những cảm xúc vui sướng và những kết quả tốt đẹp bạn sẽ nhận được nếu bạn chăm chỉ học tập.

    Tất cả niềm vui sướng mà tôi sẽ có được với thói quen mới này. 1. ________________________________________________________________

    2. ________________________________________________________________

    3. ________________________________________________________________

    4. ________________________________________________________________

    5. ________________________________________________________________

    Bước 4

    Một lần nữa, đây là một bước rất quan trọng để lập trình lại não bộ của bạn. Hãy tưởng tượng như thể bạn đang cảm nhận và trải nghiệm được niềm vui tột đỉnh mang lại từ việc ôn bài sớm. Hãy tưởng tượng bạn nhận được sổ liên lạc với những điểm số bạn hằng ao ước. Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của bạn.

    Hãy cảm nhận sự thõa mãn và niềm hạnh phúc khi bạn nhận được kết quả học tập xứng đáng. Hình dung cảnh bạn tốt nghiệp đại học trong sự ngợi khen của gia đình, thầy cô, bạn bè. Hãy nếm trải vị ngọt thành công này một cách thật sự.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Bây giờ khi bạn nghĩ về việc học, bạn phải cảm nhận được nhiều cảm xúc tích cực hơn trước đây. Bây giờ, tôi muốn bạn hãy tưởng tượng về cuộc sống của bạn trong năm năm tới tính từ thời điểm mà bạn bắt đầu chăm chỉ học tập. Bạn có thể hình dung bản thân học trong một trường đại học danh tiếng và nhận được các học bổng có giá trị.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Cuối cùng, hãy hình dung bản thân bạn trong 10 năm tới với một công việc mà bạn khao khát. Hãy cảm nhận thật sự những cảm xúc tuyệt vời lúc đó.

    Hãy dành ra ba phút và làm việc đó ngay bây giờ

    Bước 5

    Ở bước cuối cùng này, bạn cần phải phá vỡ thói quen hành động cũ của bạn và lập trình bản thân theo một thói quen mới. Bắt đầu từ bây giờ, hãy thực hiện những hành động mà bình thường bạn không làm hoặc thay đổi cách làm hiện tại của bạn. Thay vì giết thời gian một cách vô vị trước màn hình tivi hoặc đi ngủ ngay khi vừa đi học về, bạn hãy ôn nhanh lại bài hoặc đọc sách. Thậm chí bạn nên chạy bộ hoặc tập thể dục trong chốc lát.

    Con người ai cũng có thói quen. Chúng ta cần phải phá vỡ những thói quen xấu khiến ta luôn luôn thất bại.

    Cuối cùng, lặp lại hai bài thực hành tưởng tượng trên thường xuyên (ít nhất hai lần một tuần) cho đến khi bạn lập trình được hành động mới của bạn.

    Bài học từ cuộc sống: Catherine đã vượt qua sự lười biếng bằng cách nào?

    Một trong những người bạn của tôi, Catherine, đã chia sẻ với tôi cách cô vượt qua sự lười biếng của mình. Catherine là học sinh giỏi nhất trong vòng hai năm liền ở một trường trung học danh tiếng ở Singapore. Cô quý trọng giấc ngủ và những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn.

    Cô luôn quan niệm rằng nếu cô cứ tiếp tục trì hoãn việc làm bài tập thì cô sẽ phải ngủ ít hơn và có ít thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn sau này. Chính vì thế, cô gắn liền nỗi khổ với việc lười học và niềm vui với việc học, ôn bài, làm bài ngay lập tức. Quan niệm đơn giản này đã thúc đẩy cô tận dụng tối ưu được thời gian học và vươn lên dẫn đầu trường Đại Học Quốc Gia Singapore.
     
  5. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 14: Công thức để đạt điểm tuyệt đối

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi luôn tin rằng có một công thức hoặc phương pháp chung giúp các học sinh giỏi đạt thành tích cao trong học tập. Nói cách khác, thành công luôn có bí quyết riêng của nó. Nếu chúng ta nắm được bí quyết đó, chúng ta có thể đạt được kết quả tương tự.

    Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào mà một số bạn bè của bạn không cần bỏ nhiều thời gian học mà vẫn đạt điểm 10 một cách dễ dàng không? Trong khi đó, bạn phải thức khuya thức hôm để ôn lại hàng đống tài liệu trước kỳ thi mà vẫn chỉ nhận được điểm trung bình mà thôi. Trong chương này, tôi muốn chia sẻ với bạn một số công thức bí mật giúp tất cả các học sinh giỏi giảm thiểu thời gian học mà vẫn đạt điểm tối đa.

    Công thức 1: Kiên định

    Một đặc tính chung mà tôi nhận thấy ở tất cả những học sinh giỏi là họ rất kiên định trong học tập. Điều này có nghĩa là họ luôn trong tư thế sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào về bài giảng họ vừa được học.

    Những học sinh này duy trì sự kiên định để bảo đảm rằng họ hiểu toàn bộ bài giảng trước khi thầy giáo giảng tiếp bài mới. Nếu họ còn ngờ vực vấn đề gì, họ sẽ đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời ngay lập tức. Kết quả là khi kỳ thi đến gần, họ đã học được hầu hết mọi thứ. Họ chỉ cần dành chút thời gian ôn lại kiến thức và làm thêm bài tập thực hành trước ngày thi. Đó là lý do tại sao hầu như họ không cần học thi gì nhiều. Thật ra, họ đã trải rộng thời gian học trong suốt cả năm.

    Những hành động nhỏ trong một khoảng thời gian

    Tạo ra kết quả lớn!

    Mặt khác, hầu hết các học sinh còn lại không hề kiên định. Trong suốt năm học, họ gần như không hề học hay cố hiểu hết về những gì đang được học. Khi kỳ thi đến gần, họ bắt đầu hoảng sợ, học bài chăm chỉ, thức đêm thức hôm với hy vọng tiếp thu được toàn bộ kiến thức chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi. Hậu quả là họ thường nhận điểm kém mặc dù họ có vẻ học thi rất chăm chỉ.

    Phương pháp để giữ vững sự kiên định

    Dưới đây là một số cách hữu ích nhằm giúp bạn luôn kiên định trong suốt năm học. Tôi đã phát hiện ra đây là những cách mà tất cả các học sinh giỏi sử dụng.

    1. Đọc bài trước khi nghe giảng

    Bạn có cảm thấy khó theo kịp những gì thầy giáo giảng trong lớp không? Đừng lo lắng. Bạn không phải là người duy nhất. Sau 20 phút nghe giảng, hầu hết học sinh đều có khuynh hướng lo ra hoặc không thể tiếp thu thêm nữa. Khi lớp học kết thúc, họ chỉ hiểu được khoảng 30% bài giảng và nhớ được khoảng 10%. Sang ngày hôm sau, họ chỉ còn nhớ được 2% hoặc ít hơn. Thật là lãng phí thời gian học trong lớp.

    Những học sinh giỏi mặt khác lại hiểu được và nhớ được 100% bài giảng khi kết thúc lớp học. Làm thế nào mà họ làm được như thế? Đó là nhờ vào việc họ tìm hiểu về chương sách mà thầy giáo sẽ giảng trước khi đến lớp. Sau đó, họ đọc sách trước khi nghe giảng và ghi chú bằng Sơ Đồ Tư Duy. Vì họ đã đọc sách trước và tạo Sơ Đồ Tư Duy, họ rất dễ dàng theo kịp bài giảng của thầy.

    2. Tập trung và đặt câu hỏi

    Bạn có thể thắc mắc "Nếu mình đã đọc sách rồi, vậy thì mình cần đến lớp và nghe giảng về những gì mình đã biết để làm gì?" Tôi tin rằng công việc của thầy không phải chỉ để dạy bạn về những dữ kiện mà còn giúp bạn hiểu rõ những chỗ bạn chưa hiểu.

    Bởi thế, bạn hãy tận dụng bài giảng của thầy để làm sáng tỏ những vấn đề bạn còn lấn cấn, cũng như giúp não bạn ghi nhớ kiến thức tốt hơn. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ thật sự hiểu rõ và ghi nhớ 100% bài học khi bước ra khỏi lớp.

    3. Ôn bài nhanh trong vòng 24 tiếng

    Trên đường từ trường về nhà, bạn hãy nhẩm ôn lại nhanh bài vừa học. Việc này giúp trí nhớ bạn lưu giữ kiến thức lâu hơn nhiều. Ngoài ra, sau 24 tiếng, bạn cũng nên ôn bài lại lần nữa để đảm bảo bạn không quên bất kỳ kiến thức nào. Sau đó, bạn cũng nên áp dụng phương pháp ôn bài như đã hướng dẫn ở Chương 10. Trước khi kỳ thi đến, bạn sẽ có thể thư giãn vì bạn đã học mọi thứ trong năm học.

    4. Luôn hoàn tất bài tập về nhà trước khi đến lớp

    Bằng việc hoàn tất bài tập về nhà trước khi đến lớp, bạn sẽ tận dụng được thời gian một cách tối đa. Bạn sẽ biết được những chỗ bạn còn yếu, những vấn đề bạn gặp khó khăn và khắc phục được chúng sớm hơn. Thêm vào đó, bài tập về nhà sẽ giúp bạn biết được là liệu bạn đã hiểu toàn bộ những gì được học hay chưa.

    5. Tìm hiểu lỗi trong bài tập về nhà

    Nếu bạn làm sai bài tập về nhà, đừng bỏ qua một bên. Bạn hãy tìm hiểu tại sao bạn làm sai ngay lập tức. Nếu không, bạn sẽ có thể phạm lại lỗi đó trong bài thi.

    Công thức 2: Rút kinh nghiệm ngày sau khi phạm lỗi

    Không như đa số học sinh nghĩ, những học sinh giỏi không phạm lỗi ít hơn những học sinh kém. Ngược lại, họ phạm lỗi nhiều hơn bất cứ ai khác. Khác ở chỗ là họ chỉ phạm lỗi trong lúc làm bài tập để rút kinh nghiệm trước kỳ thi. Cho nên, họ rất hiếm khi phạm lỗi trong lúc thi.

    Phạm lỗi giúp bạn kiểm tra kiến thức một cách tốt nhất

    Khi bạn phạm lỗi trong bài tập về nhà hoặc bài kiểm tra trong lớp, không có nghĩa là bạn sẽ suốt đời phạm lỗi và không bao giờ làm tốt được. Phạm lỗi chỉ đơn thuần giúp bạn phát hiện ra rằng bạn chưa thật sự hiểu bài và chưa áp dụng kiến thức tốt. Quan trọng là bạn phải biết cách khắc phục lỗi và rút kinh nghiệm.

    Hãy để việc phạm lỗi giúp bạn, không phải làm hại bạn

    Hãy thay đổi cách nhìn của bạn về việc phạm lỗi. Những học sinh giỏi xem việc phạm lỗi là dấu hiệu cho biết rằng phương pháp học hiện tại của họ không hợp lý. Kết quả là họ liên tục thay đổi cách học cho đến khi họ có thể chuẩn bị thật chu đáo cho kỳ thi.

    Không có thất bại, chỉ ó bỏ cuộc

    Miễn là bạn rút kinh nghiệm từ thất bại và việc phạm lỗi, điều chỉnh phương pháp học của bạn, cuối cùng bạn sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ cuộc vì phạm lỗi, bạn quả thật đã thất bại ngay từ lúc đó.

    Bài học từ cuộc sống: Người không biết đến thất bại

    Hầu hết những danh nhân, hoặc những nhà kinh doanh thành đạt đều đặt chân lên đỉnh vinh quang sau khi vượt qua những thử thách to lớn có thể đánh bại đa số những người bình thường khác. Tuy nhiên, người mà cuộc đời của ông ta khiến tôi ngưỡng mộ nhất là người đã..

    Được sinh ra trong một căn nhà gỗ, ba mẹ mù chữKhông được đi học đàng hoàng, không hề có một tấm gương nào để noi theo

    Mất mẹ vào năm 9 tuổi

    Kinh doanh phá sản năm 22 tuổi

    Thất bại trong nỗ lực trở thành luật sư năm 23 tuổi

    Phá sản lần hai năm 25 tuổi

    Vượt qua nỗi đau mất người thân năm 26 tuổi

    Vượt qua khủng hoảng tinh thần năm 32 tuổi

    Ứng cử cho Quốc hội và thất bại năm 37 tuổi

    Thất bại trong nỗ lực trở thành Phó tổng thống năm 47 tuổi

    Thất bại trong cuộc bầu cử thượng nghị viện năm 49 tuổi

    Được bầu cử trở thành vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ năm 51 tuổi

    Người đàn ông này là Abraham Lincoln, một trong những vị Tổng thống Mỹ được tôn trọng nhất. Mặc dù thất bại liên tiếp, ông vẫn tin rằng ông xứng đáng nhận được những thành công vĩ đại. Đối với ông, thất bại chỉ đơn thuần là một dấu hiệu ám chỉ rằng ông phải tiếp tục thay đổi cách thức hành động, làm việc chăm chỉ hơn cho đến khi ông đạt được mục tiêu to lớn nhất. Bởi thế, mỗi khi bạn phạm lỗi và nghĩ rằng đến đây là hết, hãy nghĩ đến Abraham Lincoln.

    Công thức 3: Tận dụng triệt để các bài tập thực hành và kiểm tra

    Nhiều học sinh không nhận ra được sự quan trọng của bài tập thực hành và bài kiểm tra. Họ xem đây như một gánh nặng trong học tập. Những bài kiểm tra thật ra là công cụ định vị được bạn đang đứng ở đâu trên con đường đi đến thành công.

    Nếu bạn luôn nhận điểm kém trong các bài kiểm tra, rất khó mà bạn đạt điểm 10 trong kỳ thi học kỳ. Nếu bạn kiên định, hiểu được bài và làm tốt trong các lần kiểm tra, chắc chắn bạn sẽ làm bài thi tốt. Trước khi chúng ta có thể tận dụng triệt để những bài kiểm tra này để cải thiện bản thân, chúng ta phải làm hai việc. Đó là cố gắng làm bài kiểm tra hết sức mình và rút kinh nghiệm sau mỗi bài kiểm tra.

    1. Cố gắng làm bài kiểm tra thật tốt

    Chỉ khi chúng ta chuẩn bị kỹ cho bài kiểm tra, chúng ta mới có thể phân tích kết quả nhận được để phát hiện điểm yếu thật sự hoặc khẳng định điểm mạnh của chúng ta. Nhiều học sinh không bận tâm đến việc học bài để làm kiểm tra. Cho nên, khi họ bị điểm kém, họ không thể biết được kết quả kém này là do cách họ học chưa đúng hay chỉ là do họ chưa thật sự cố gắng. Hậu quả là họ không biết được họ cần phải cải thiện những chỗ nào.

    2. Rút kinh nghiệm sau mỗi bài kiểm tra

    Làm bài kiểm tra và làm bài thi chỉ có ích nếu bạn biết rút kinh nghiệm về kết quả mà bạn nhận được. Rút kinh nghiệm là phân tích tại sao bạn phạm lỗi. Một khi bạn biết được điều này, bạn có thể sửa chữa khuyết điểm. Chắc chắn nếu gặp câu hỏi tương tự đó lần nữa, bạn sẽ không phạm lỗi tương tự. Trước khi đi thi, bạn phải bảo đảm rằng bạn sẽ không phạm lỗi nào nữa.

    Bước 1: Xác định dạng lỗi mà bạn đã phạm

    Việc đầu tiên bạn phải làm khi nhận lại bài kiểm tra hoặc bài thi đã được chấm điểm là phải xác định dạng lỗi mà bạn đã phạm. Tổng cộng có bốn dạng lỗi hoặc bốn lý do tại sao bạn trả lời sai câu hỏi.

    Dạng 1: Không Chuẩn Bị Bài (C)

    Dạng lỗi đầu tiên xảy ra là do bạn không chuẩn bị bài hoặc không học bài đó. Kết quả là bạn không biết cách trả lời câu hỏi. Thông thường điều này xảy ra là do bạn không đủ thời gian ôn bài, hoặc nghĩ rằng bài đó sẽ không xuất hiện trong bài kiểm tra.

    Dạng 2: Quên Bài (Q)

    Dạng lỗi thứ hai xảy ra là do bạn không thể nhớ được các dữ kiện mặc dù có thể là bạn đã dành thời gian ôn bài và hiểu được các bài liên quan.

    Dạng 3: Không Thể Áp Dụng Kiến Thức (A)

    Dạng lỗi thứ ba xuất hiện khi bạn học bài, nhớ bài nhưng lại không biết cách áp dụng những gì bạn học để trả lời câu hỏi. Đặc biệt là khi bạn gặp dạng câu hỏi đòi hỏi bạn phải suy nghĩ nhiều hơn là chỉ viết ra những gì bạn nhớ.

    Ví dụ, bạn có thể đã học và ghi nhớ các công thức tính tốc độ, vận tốc và gia tốc. Tuy nhiên, bạn không thể trả lời được các câu hỏi vật lý vì nó yêu cầu bạn phải áp dụng công thức theo cách mà bạn không hiểu được.

    Bạn cũng có thể phạm lỗi này khi chỉ đơn thuần viết ra các dữ kiện trong khi câu hỏi cần sự phân tích, so sánh điểm giống và khác nhau, hoặc giải thích.

    Dạng 4: Bất Cẩn (B)

    Đây là dạng lỗi thông thường nhất của các học sinh học hành chăm chỉ, ghi nhớ kiến thức và biết cách áp dụng kiến thức. Tuy nhiên, họ vẫn trả lời câu hỏi sai đơn giản chỉ vì họ bất cẩn. Lỗi này còn được gọi là "lỗi ngu ngốc". Bạn thường chỉ phạm lỗi này trong khi làm bài thi. Khi về nhà và thử trả lời câu hỏi đó lần nữa, bạn lại có thể trả lời chính xác. Lỗi này thường xảy ra trong môn vật lý, toán học, hóa học..

    Đánh Dấu Lại Các Lỗi

    Nếu bạn phạm lỗi bất cẩn, ghi chú chữ "B" kế bên lỗi đó. Nếu bạn không chuẩn bị bài, ghi chú chữ "C". Tương tự, ghi chú chữ "A" cho phần câu hỏi bạn không hiểu cách áp dụng kiến thức, và chữ "Q" cho phần câu hỏi bạn không nhớ những gì đã học.

    Tại Sao Chúng Ta Phải Phân Loại Lỗi?

    Bạn phải xác định và phân tích các dạng lỗi mà bạn phạm phải trong bài kiểm tra để biết được khả năng thật sự của bạn.

    Hãy để tôi cho bạn một ví dụ. Giả sử Nam và Hoa đều nhận điểm năm cho bài kiểm tra môn hóa học. Có vẻ như họ có thực lực ngang nhau trong môn học này. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện ra tất cả những lỗi Nam phạm phải đều là lỗi bất cẩn (B) và lỗi của Hoa là do cô ấy không biết cách áp dụng kiến thức được học (A). Vậy là bạn biết rằng thật ra Nam học hóa giỏi hơn Hoa. Nam chỉ cần tìm cách ngăn ngừa sự bất cẩn trong khi Hoa phải học nhiều hơn nữa.

    [​IMG]

    Một khi bạn đã phân loại lỗi của bạn, bước kế tiếp sẽ là..

    Bước 2: Tìm cách khắc phục lỗi

    Dạng 1: Không Chuẩn Bị Bài (C)

    Dạng lỗi đầu tiên này rất dễ giải quyết. Nếu bạn liên tục thi rớt vì đã không học những chương cần thiết thì câu trả lời là bạn phải lên kế hoạch sao cho bạn có đủ thời gian chuẩn bị tất cả kiến thức cho kỳ thi. Nắm được lịch thi sẽ giúp bạn lên kế hoạch phân chia thời gian hợp lý.

    Dạng 2: Quên Bài (Q)

    Nếu lý do chính của việc không làm bài tốt là vì bạn quên kiến thức nhanh chóng, đó là do bạn đã sử dụng sai cách thức ghi nhớ dữ kiện. Bạn cần phải áp dụng các quy luật Trí Nhớ Siêu Đẳng và Hệ Thống Trí Nhớ đã được học ở Chương 8, 9 và 10.

    Một lý do khác là vì bạn không ôn bài đầy đủ. Trong Chương 10 và Chương 17, bạn sẽ thấy rằng bạn cần ôn bài ít nhất ba lần trước kỳ thi.

    Dạng 3: Không Thể Áp Dụng Kiến Thức (A)

    Nếu bạn phát hiện rằng bạn không thể áp dụng những gì bạn đã đọc và ghi nhớ, đó là vì bạn đã không dành đủ thời gian thực tập trả lời các dạng câu hỏi có thể ra thi. Bạn có thể chỉ làm một vài câu hỏi mẫu trước kỳ thi nhưng điều đó không đủ. Bạn phải làm tất cả các dạng câu hỏi từ dễ đến khó.

    Trong Chương 11, bạn đã biết rằng bạn phải xem xét sách giáo khoa, bài tập về nhà, các bài kiểm tra, các đề thi năm trước để tổng hợp tất cả các dạng câu hỏi khác nhau có thể ra thi, rồi sau đó là học các bước giải quyết chúng.

    Dạng 4: Bất Cẩn (B)

    Trước khi bạn có thể giải quyết được vấn đề lỗi bất cẩn, bạn phải hiểu tại sao bạn phạm lỗi ấy. Các lỗi bất cẩn là kết quả của việc không tập trung đọc câu hỏi hoặc đưa ra câu trả lời vội vàng do thời gian có hạn trong phòng thi. Có ba cách để khắc phục vấn đề này.

    1. Dành thời gian kiểm lại bài

    Luôn luôn dành khoảng nửa tiếng để kiểm tra lại câu trả lời của bạn. Nếu thời gian thi quy định là ba tiếng, bạn nên cố gắng trả lời tất cả câu hỏi trong vòng hai tiếng rưỡi và dành nửa tiếng còn lại để kiểm tra các câu trả lời một cách chi tiết. Chú ý về các lỗi bất cẩn bạn hay phạm phải khi làm bài tập về nhà.

    2. Đọc nhép miệng câu hỏi và câu trả lời

    Để tập trung cao độ hơn, bạn hãy thử nhép miệng khi bạn đọc câu hỏi và viết câu trả lời.

    3. Thực tập trả lời câu hỏi nhiều hơn

    Trước kỳ thi, thực tập các dạng câu hỏi có thể ra thi nhiều lần cho đến khi bạn thông thạo các bước giải quyết vấn đề. Trong phòng thi, bạn sẽ có thể trả lời những câu hỏi này một cách chính xác.

    Ccông thức 4: Công thức để đạt điểm tuyệt đối

    Tất cả ba công thức mà chúng ta đã đề cập phía trên có thể được tóm tắt thành một công thức tối ưu để thành công trong học tập và luôn đạt điểm tuyệt đối.

    Bước đầu tiên là xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể về thành quả bạn muốn đạt được. Chúng ta đã thảo luận về việc này trong Chương 12.

    Xác định mục tiêu cũng không ích gì trừ khi bạn đề ra một kế hoạch hành động ở bước thứ hai để đạt mục tiêu đó. Quyển sách này chứa đựng hàng loạt những phương pháp Học Siêu Đẳng mà bạn có thể áp dụng.

    Bước thứ ba là phải hành động kiên định theo kế hoạch của bạn. Trong Chương 13 và 16, tôi phác thảo những động lực dùng để thúc đẩy bạn hành động một cách kiên định.

    Khi bạn hành động, có hai khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là bạn đạt kết quả tốt đẹp và tiến lại gần mục tiêu của bạn. Bạn bắt đầu đạt điểm 10 cho các bài tập và bài kiểm tra. Đây chính là mũi tên "thành công" màu xanh trong biểu đồ phía trước.

    Thông thường, bạn có thể không đạt kết quả như ý ngay lập tức. Chúng ta có thể vẫn chỉ nhận được các kết quả thấp hơn dự tính. Mặc dù nỗ lực rất nhiều trong môn toán, chúng ta vẫn có thể chỉ nhận kết quả yếu kém. Chúng ta không hề tiến lại gần mục tiêu một chút nào. Nhiều người nghĩ đây chính là thất bại. Tuy nhiên, những gì xảy ra cho bạn không quyết định được thành công của bạn mà chính cách phản ứng của bạn với những việc này mới quyết định thành công của bạn. Có ba cách chúng ta có thể phản ứng với những "thất bại" như thế.

    Cách phản ứng của kẻ thật bại – "Tôi thật tệ, việc này quá khó"

    Nhóm đầu tiên có thể phản ứng lại bằng cách bảo rằng họ đã thất bại. Họ tự nói với bản thân rằng họ thất bại vì họ không đủ khả năng hoặc vì việc này quá khó. Họ bắt đầu tìm nhiều lời biện hộ, trách móc thầy cô hoặc đổ thừa cho bài kiểm tra. Cuối cùng họ bỏ cuộc và cho rằng cố gắng thêm chỉ vô ích. Cách phản ứng này là cách phản ứng của những kẻ thất bại thật sự.

    Cách phản ứng của người tầm thường – "Tôi đã không cố gắng hết sức"

    Nhóm thứ hai sẽ phản ứng bằng cách nói rằng họ thất bại là do họ không chuẩn bị bài kỹ. Kết quả là họ tiếp tục hành động nhiều hơn nữa. Họ dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn trong việc học cho kỳ thi kế tiếp. Mặc dù có tiến bộ ít nhiều, họ không bao giờ đạt kết quả tốt mà họ hướng tới. Sau một thời gian, họ bắt đầu cảm thấy chán nản và cũng bỏ cuộc. Bạn thấy đó, mặc dù họ học chăm chỉ hơn, họ vẫn học theo cách học kém hiệu quả trước đó. Những phương pháp học không hiệu quả luôn mang lại cho bạn những kết quả tệ như nhau cho dù bạn rất cố gắng.

    Cách phản ứng của người thành công – "Thay đổi phương pháp và hành động cho đến khi thành công"

    Nhóm thứ ba phản ứng theo cách sẽ đưa họ đến thành công. Khi họ không đạt được mục tiêu, họ không xem đó là thất bại. Họ xem đó chỉ là một bài học. Họ hiểu rằng họ đạt kết quả không như ý là vì họ áp dụng phương pháp hoặc hành động không hiệu quả. Vì vậy, họ phải linh hoạt thay đổi phương pháp và hành động một lần nữa. Nếu họ vẫn không đạt mục tiêu, họ xem xét lại phương pháp, thay đổi nhiều hơn nữa và hành động nhiều hơn nữa. Họ liên tục thay đổi phương pháp và hành động cho đến khi họ đạt được mục tiêu. Nói cách khác, họ làm bất cứ việc gì để thành công.

    Đây là con đường mà bạn cần phải đi. Nếu bạn nhận được những kết quả tệ hại dọc đường, hãy xem đó chỉ là những bài học. Sau đó hãy mở rộng tầm nhìn, áp dụng những phương pháp mới bạn học được trong quyển sách này và liên tục hành động. Nếu bạn làm được điều này, cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu của bạn.
     
  6. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 15: Thời gian là tiền bạc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Làm chủ thời gian, làm chủ cuộc sống

    Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi "Làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?".

    Mặt khác, những học sinh kém than phiền rằng lý do họ nhận kết quả thi kém là do họ không có thời gian. Tuy nhiên, những học sinh này thường không tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa như những học sinh giỏi.

    Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, Tổng thống nước Mỹ hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như Tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lý cả một quốc gia trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không thể kiếm ra thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lý thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian của chúng ta. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

    Bạn sử dụng thời gian thế nào?

    Những người thành công có vẻ như có rất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu vì họ biết cách sử dụng thời gian. Mặt khác, những người bình thường mỗi ngày lãng phí nhiều thời gian quý báu mà không hay biết.

    Thời gian là tiền bạc. Mỗi phút trôi qua là mỗi phút bạn tiêu pha. Nếu bạn không biết cách sử dụng thời gian khôn ngoan, bạn sẽ không nhận được gì cả. Nếu bạn dành thời gian đọc sách, bạn đang mua kiến thức bằng thời gian. Nếu bạn để mặc thời gian trôi qua vô ích, bạn đang vứt hàng đống tiền qua cửa sổ. Cho nên, bạn hãy cẩn thận trong cách sử dụng thời gian.

    Bạn sử dụng thời gian như thế nào? Bạn sử dụng thời gian để đạt mục tiêu hay đang lãng phí nó? Thực hành bài tập dưới đây để tìm câu trả lời.

    Trong thời gian biểu bên dưới, bạn hãy điền vào những hoạt động thường ngày của bạn trong khoảng thời gian tương ứng. Ví dụ, bạn có thể viết ra "chạy xe từ trường về nhà" trong khoảng từ 5-6 giờ chiều. Trong cột "Lãng Phí", viết ra lượng thời gian bạn lãng phí trong từng hoạt động kể trên.

    Thời gian bị lãng phí khi nào?

    Một việc được coi là lãng phí thời gian khi nó không hướng đến mục tiêu đã xác định. Nói cách khác, những việc này không giúp bạn đạt mục tiêu về học tập, mục tiêu về tài chính, mục tiêu về sức khỏe, thể thao, v. V.. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là đạt tất cả điểm 10 trong kỳ thi sắp tới, nhưng bạn dành bốn tiếng mỗi ngày chơi đá bóng với bạn bè. Việc chơi đá bóng được coi là lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm trở thành cầu thủ bóng đá cấp quốc gia, việc rèn luyện bốn tiếng một ngày có thể không phải là lãng phí thời gian.

    Nếu bạn viết ra "học ở trường" từ 9-10 giờ sáng, có phải là khoảng thời gian này không bị lãng phí không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn thường xuyên nói chuyện trong giờ học, không tập trung nghe giảng, kết quả là bạn không học được gì cả, bạn cũng lãng phí một giờ đồng hồ cho dù bạn "học ở trường". Các hoạt động như ngủ, đi tắm có thể làm lãng phí thời gian nếu bạn tốn quá nhiều thời gian cho chúng. Ví dụ, nếu bạn ngủ 12 tiếng một ngày, tôi sẽ nói là bạn đang lãng phí thời gian vì chúng ta thường chỉ cần ngủ bảy tiếng một ngày là đủ.

    Bạn đã hiểu rõ hơn chưa? Tốt lắm. Hãy điền vào thời gian biểu dưới đây trước khi đọc tiếp.

    Thời gian biểu

    Thời Gian Hoạt Động Lãng Phí

    06-07 giờ sáng

    07-08 giờ sáng

    08-09 giờ sáng

    09-10 giờ sáng

    10-11 giờ sáng

    11-12 giờ trưa

    12-01 giờ trưa

    01-02 giờ trưa

    02-03 giờ chiều

    03-04 giờ chiều

    04-05 giờ chiều

    05-06 giờ chiều

    06-07 giờ tối

    07-08 giờ tối

    08-09 giờ tối

    09-10 giờ tối

    10-11 giờ khuya

    11-12 giờ khuya

    12-01 giờ sáng

    01-02 giờ sáng

    02-03 giờ sáng

    Một bài toán gây sửng sốt

    Bây giờ, bạn hãy cộng tất cả thời gian (tính theo giờ) mà bạn thường lãng phí trong một ngày. Lấy số này, giả sử là 6 giờ, nhân lên 365 ngày. Bạn sẽ có số giờ bị lãng phí trong một năm.

    Kế tiếp, nhân số này lên 80 năm (giả sử bạn thọ 80 tuổi), bạn sẽ có tổng số giờ bạn lãng phí trong suốt cuộc đời.

    Thời gian lãng phí trong một ngày = 6 giờThời gian lãng phí trong một năm = Thời gian lãng phí trong một ngày x 365 ngày= 6 giờ x 365 ngày

    = 2.190 giờ

    Thời gian lãng phí cả cuộc đời bạn = Thời gian lãng phí trong một năm x 80 năm

    = 2.190 giờ x 80 năm

    = 175.200 giờ

    Kế tiếp, chuyển số giờ này (175.200 giờ) thành số năm bằng cách chia cho 24 rồi lấy kết quả chia lần nữa cho 365.

    Thời gian lãng phí cả cuộc đời bạn = 175.200 / 24 = 7.300 ngày

    = 7.300 / 365 = 20 năm

    Như vậy, nếu trung bình bạn lãng phí 6 giờ một ngày (rất phổ biến đối với học sinh trung bình khá), bạn sẽ lãng phí 20 năm trong cuộc đời bạn. Hãy suy nghĩ về những thành công vĩ đại có thể có nếu bạn tận dụng được thêm 20 năm đó.

    Hiệu qủa của việc ưu tiên công việc

    Những người thành đạt làm chủ thời gian bằng cách sắp xếp ưu tiên công việc. Vì chúng ta ai cũng có 24 giờ một ngày, bạn phải ưu tiên những việc giúp ta tiến gần đến mục tiêu. Những việc này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu và thành công hơn trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

    Những người bình thường không biết được điều này, do đó họ thường ưu tiên làm những việc không đưa họ đến đâu cả. Họ tốn 24 giờ cho những công việc không hợp lý. Họ tập trung làm những việc nhỏ nhặt như đi chơi, đi xem ca nhạc hoặc không làm việc gì cả.

    Để hiểu được sự khác nhau trong việc sử dụng thời gian mỗi ngày của chúng ta, bạn hãy xem xét bảng thông tin dưới đây.

    Chúng ta sử dụng thời gian như thế nào?

    Khẩn cấp Không khẩn cấp

    Hướng đến mục tiêu

    U1

    • Làm bài tập về nhà
    • Chuẩn bị cho bài kiểm tra đột xuất
    • Hoàn tất những dự án khẩn cấp

    U2

    • Đọc sách trước giờ học
    • Tạo Sơ Đồ Tư Duy
    • Chuẩn bị bài thi từ sớm
    • Tập thể dục mỗi ngày
    • Tập chạy maratông

    Không hướng đến mục tiêu

    U3

    • Các công việc làm gián đoạn giữa chừng
    • Trả lời tin nhắn
    • Theo dõi chương trình tivi
    • Trả lời thư điện tử

    U4

    • Lướt mạng, xem tivi
    • Lười biếng cả ngày
    • Đi chơi
    • "Nấu cháo" điện thoại

    Trong bảng thông tin trên, theo hàng ngang là những hoạt động hướng đến mục tiêu (giúp chúng ta thành công) và không hướng đến mục tiêu (không giúp chúng ta thành công). Một số hoạt động không hướng mục tiêu cũng cần thiết vì chúng ta sẽ kiệt sức nếu chỉ tập trung vào những hoạt động hướng đến mục tiêu. Đôi khi chúng ta cần thư giãn, xem tivi để giảm bớt căng thẳng trong công việc. Tuy nhiên, quá nhiều thời gian dành cho những hoạt động không hướng đến mục tiêu là sự lãng phí rất lớn.

    Bên cạnh đó, theo hàng dọc, chúng ta phân loại những việc khẩn cấp cần hành động ngay và những việc không khẩn cấp có thể trì hoãn. Kết hợp hàng dọc và hàng ngang, chúng ta thấy rằng có bốn cách chúng ta sử dụng thời gian :(U1) Hành động khẩn cấp hướng đến mục tiêu, (U2) Hành động không khẩn cấp hướng đến mục tiêu, (U3) Hành động khẩn cấp không hướng đến mục tiêu, (U4) Hành động không khẩn cấp không hướng đến mục tiêu. Chúng ta hãy cùng thảo luận về từng cách.

    (U1) Hành động khẩn cấp để hướng đến mục tiêu

    Tất cả chúng ta đều dành thời gian làm những việc khẩn cấp hướng đến mục tiêu. Những việc này rất quan trọng cần chúng ta hành động ngay tức khắc. Chúng bao gồm làm bài tập về nhà cho ngày hôm sau, gấp rút hoàn thành một bài thuyết trình trên lớp, chuẩn bị cho bài kiểm tra hoặc dạy em làm bài tập về nhà. Dạng việc này được xếp loại Ưu tiên 1 (U1) do tính chất quan trọng khẩn cấp của nó. Đây là những việc đầu tiên trong ngày chiếm thời gian của chúng ta.

    Một số công việc dạng này cực kỳ khẩn cấp như chăm sóc cha mẹ ốm hoặc chuẩn bị cho bài kiểm tra đột xuất ngày mai. Tuy nhiên, rất nhiều công việc khẩn cấp hướng đến mục tiêu lại được tạo ra do sự lười biếng của chúng ta. Khi chúng ta liên tục trì hoãn việc làm bài tập, không chuẩn bị bài thuyết trình, lười biếng không ôn bài đến khi cận ngày thi, chúng ta buộc phải hành động khẩn cấp khi không còn thời gian. Nếu chúng ta làm những việc đó sớm hơn thì đâu phải làm gấp rút vào phút cuối.

    Những việc khẩn cấp hướng đến mục tiêu này khiến chúng ta cực kỳ căng thẳng dẫn đến kết quả không như ý. Ôn bài gấp rút cho bài kiểm tra khiến điểm số tệ hơn nhiều so với khi bạn chuẩn bị bài từ sớm.

    Nếu bạn nhận thấy bạn dành nhiều thời gian cho những việc như thế này, rất có thể bạn là loại người lười biếng hoặc "nước đến chân mới nhảy". Chúng ta nên cố gắng giảm thời gian cho những việc U1 bằng cách lên kế hoạch và sắp xếp công việc hợp lý. Chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn làm những việc hướng đến mục tiêu khi chúng vẫn chưa khẩn cấp (U2).

    (U2) Hành động không khẩn cấp hướng đến mục tiêu

    Mặc dù đây là cách sử dụng hầu hết thời gian của những người thành công, nhiều người trong chúng ta lại không sử dụng thời gian theo cách này. Những việc không khẩn cấp hướng đến mục tiêu là những việc quan trọng để đạt đến mục tiêu nhưng chúng ta không cần phải hành động tức thì. Những việc này bao gồm ôn bài thi sớm, bắt tay vào làm những đề án được giao ngay lập tức, lập Sơ Đồ Tư Duy trước khi nghe thầy giảng, lên thời gian biểu, tập thể dục buổi sáng, v. V..

    Dạng việc này được xếp loại Ưu tiên 2 (U2). Một khi bạn đã hoàn tất các việc U1, bạn phải dành thời gian làm những việc U2. Mặc dù những việc này không khẩn cấp, bạn vẫn phải làm ngay để đạt hiệu quả cao và thành công. Đáng tiếc, đa số học sinh bỏ qua những việc này vì chúng có vẻ không khẩn cấp. Thay vào đó, họ lại dành thời gian làm những việc U3. Bạn sẽ thấy rằng những việc U3 tuy có vẻ khẩn cấp nhưng thật ra chỉ làm lãng phí thời gian của bạn.

    Những học sinh dành hầu hết thời gian làm những việc U2 là những học sinh biết cách đầu tư thời gian và lên kế hoạch trước. Tương tự như những nhà đầu tư nhạy bén, những học sinh này đầu tư thời gian vào những việc rất quan trọng đối với họ về lâu dài. Kết quả là họ sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp trong tương lai. Bạn phải lên kế hoạch dành nhiều thời gian cho những việc này.

    (U3) Hành động khẩn cấp không hướng đến mục tiêu

    Những việc khẩn cấp không hướng đến mục tiêu là những việc có vẻ quan trọng cần hoàn tất ngay tức khắc. Tuy nhiên, những việc này thật ra không quan trọng gì cả vì chúng không giúp bạn thành công. Chúng bao gồm trả lời tin nhắn, nói chuyện điện thoại, đi xem phim mới, xem chương trình tivi ưa thích, v. V.. Những việc U3 này chỉ nên làm khi bạn đã hoàn tất tất cả các việc U1 và U2 của bạn.

    Nhiều học sinh nhận thấy rằng mình làm rất nhiều việc U3. Bởi thế, họ cảm thấy rất bận rộn mà không bao giờ đạt kết quả tốt. Những người dành nhiều thời gian cho việc U3 là những người dễ bị phân tâm bởi mọi thứ xung quanh.

    Bạn phải hướng tới việc giảm thiểu thời gian vào những việc này bằng cách học cách né tránh áp lực từ bạn bè và từ chối những hoạt động không giúp bạn đạt được mục tiêu. Mặc dù một số bạn bè có thể sẽ cảm thấy bạn không hòa đồng, họ sẽ nể phục bạn trong tương lai sau này.

    (U4) Hành động không khẩn cấp không hướng đến mục tiêu

    Loại việc cuối cùng này chỉ dành cho những người lười biếng. Những việc này bao gồm ngủ quá nhiều, xem tivi quá mức, lướt mạng vô tội vạ, ăn không ngồi rồi.

    Mặc dù đôi khi làm một số việc U4 rất thú vị, những việc này phải được xếp cuối cùng trong bảng ưu tiên công việc của chúng ta. Bạn chỉ nên nghĩ đến chúng sau khi đã hoàn tất mọi việc U1, U2 và U3. Nếu không, chúng sẽ giết chết tương lai của bạn.

    Nếu bạn thấy rằng bạn dành nhiều thời gian cho những việc U4, bạn phải bắt đầu thay đổi cách sống ngay bây giờ hoặc là cuộc sống của bạn sẽ rất bất hạnh.

    Làm thế nào để ưu tiên thời gian?

    Nếu chúng ta có thể sử dụng thời gian theo bốn cách, chúng ta cần phải phân chia thời gian như thế nào cho từng loại việc?

    Đối với hầu hết các học sinh trung bình, họ có khuynh hướng tập trung vào những việc khẩn cấp rất nhiều vì họ có quá nhiều việc loại này do tính lười biếng và thích trì hoãn. Họ sẽ làm những việc U1 và U3. Thời gian còn lại, thường là rất ít, sẽ được dành cho những việc ít khẩn cấp như U2 và U4.

    Học sinh trung bình làm việc theo thứ tự dưới đây.

    Ưu Tiên Thời Gian Hoạt Động

    U1: U3 (50%30%) : Làm bài tập nộp gấp ngày mai, việc khẩn cấp: Kiểm tra thư điện tử, trả lời điện thoại, nhắn tin, v. V.:

    U4 (15%) : Ăn không ngồi rồi, xem tivi, lướt mạng, v. V..

    U2 (5%) : Chuẩn bị ôn thi sớm, lập Sơ Đồ Tư Duy, v. V..

    Kết quả là họ luôn cảm thấy quá bận rộn, đầu óc luôn căng thẳng, làm việc kém hiệu quả và nhận những kết quả tệ hại.

    Thay vào đó, bạn nên ưu tiên thời gian theo cách sau. Đầu tiên, lên kế hoạch thực hiện tất cả những việc U1 của bạn. Sau khi có kế hoạch hợp lý, bạn có thể giảm thiểu tối đa thời gian vào những việc này. Kế tiếp, lên kế hoạch dành thật nhiều thời gian vào những việc U2. Mặc dù những việc này không khẩn cấp, bạn phải tự động viên bản thân làm những việc này mỗi ngày. Thời gian còn lại có thể dành cho những việc không hướng đến mục tiêu như U3 và U4.

    Những học sinh giỏi làm việc theo thứ tự dưới đây.

    Ưu Tiên Thời Gian Hoạt Động

    U1: U2 (20%60%) : Làm bài tập nộp gấp ngày mai, việc khẩn cấp

    U3 (15%) : Chuẩn bị ôn thi sớm, lập Sơ Đồ Tư Duy, v. V..

    U4 (5%) :

    Kiểm tra thư điện tử, trả lời điện thoại, nhắn tin, v. V..

    Ăn không ngồi rồi, xem tivi, lướt mạng, v. V..

    [​IMG]

    Làm thế nào để sắp xếp thời gian?

    Bây giờ bạn đã biết được những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên (U1, U2, U3 và U4), chúng ta phải học cách lên kế hoạch thực hiện những công việc hàng ngày của chúng ta.

    Bản chất con người là nếu không lên kế hoạch cho những việc quan trọng (U2), chúng ta sẽ luôn trì hoãn và không bao giờ bắt đầu làm. Nguyên do là chúng ta hay bị lôi kéo dành thời gian cho những việc khác thay vì những việc mà chúng ta nên làm. Đã bao nhiêu lần bạn nói rằng "Khi nào tôi có thời gian, tôi sẽ..", nhưng cuối cùng lại không bao giờ làm việc đó?

    Khi xác định mục tiêu, chúng ta sẽ có những giấc mơ

    Khi bắt đầu lên kế hoạch, giấc mơ sẽ khả thi

    Khi bắt đầu hành động, giấc mơ sẽ trở thành hiện thực

    Bạn đã sẵn sàng bắt đầu việc quản lý thời gian của bạn chưa? Tuyệt lắm. Việc đầu tiên là bạn cần có một quyển sổ tay có phần sắp xếp công việc theo tháng và theo tuần. Phần sắp xếp công việc theo tháng là để bạn lên kế hoạch từng tháng cho cả năm. Phần sắp xếp công việc theo tuần là để bạn lên kế hoạch theo tuần và theo ngày.

    Kế hoạch hàng tháng cho cả năm

    Vào đầu năm học, bạn luôn nên dành một ngày lên kế hoạch cho cả năm. Để làm điều này, bạn hãy dùng phần sắp xếp công việc theo tháng trong sổ tay của bạn. Phần này chứa đựng tất cả các ngày trong mỗi tháng vào một hoặc hai trang.

    Bước 1: Đánh dấu những sự kiện quan trọng

    Việc đầu tiên bạn nên làm là đánh dấu tất cả những sự kiện quan trọng trong năm. Những sự kiện này bao gồm lịch thi, lịch kiểm tra, thời hạn nộp đề án, v. V..

    Bước 2: Xác định thời gian biểu

    [​IMG] Việc kế tiếp là tìm hiểu bao nhiêu chương sách cần học cho mỗi môn học trong năm. Ví dụ, bạn phải học 24 chương toán học, 30 chương địa lý, v. V.. Cộng tất cả lại để biết được tổng số chương bạn sẽ cần học trong năm đó. Ví dụ, nếu trung bình bạn có 20 chương cho mỗi môn học và có bảy môn học, vậy bạn sẽ có tổng cộng 140 chương để học.

    Bước 3: Đặt thời hạn học tất cả các chương trong năm

    Bây giờ, hãy phác thảo kế hoạch khi nào bạn cần học từng chương trong suốt cả năm. Lý tưởng nhất là bạn nên lên kế hoạch hoàn tất tất cả các chương khoảng hai tháng trước kỳ thi cuối năm. Ví dụ, nếu bạn có 24 chương lịch sử và 10 tháng trước kỳ thi cuối năm, bạn phải học ba chương lịch sử mỗi tháng. Bạn có thể lên kế hoạch học một chương lịch sử vào mỗi thứ ba của tuần thứ nhất, tuần thứ hai và tuần thứ ba trong tháng. Tuần thứ tư thì dùng để ôn lại những chương lịch sử đã học. Mỗi lần học, bạn nên tận dụng cách đọc hiệu quả, Sơ Đồ Tư Duy và các kỹ thuật học siêu đẳng khác để đạt hiệu quả cao nhất.

    Xác định kế hoạch cả năm tức là bạn đang lên kế hoạch cho các việc U2 mà thôi. Đây là những việc không khẩn cấp hướng đến mục tiêu của bạn. Một khi bạn đã hoàn tất kế hoạch cả năm, bạn nên có những kế hoạch hàng tuần chi tiết hơn như sau.

    [​IMG]

    Kế hoạch hàng tuần

    Mỗi chủ nhật hàng tuần, bạn nên dành một ít thời gian lên kế hoạch cho tuần tới (bảy ngày) ở phần sắp xếp công việc theo tuần trong sổ tay của bạn. Phần này hiển thị một tuần trong một đến hai trang. Kế hoạch hàng tuần sẽ cụ thể hơn nhiều so với kế hoạch hàng tháng cho cả năm.

    Kế hoạch hàng tuần của bạn nên bao gồm tất cả các việc bạn cần làm mỗi ngày trong bảy ngày trong tuần. Kế hoạch hàng tháng của bạn chỉ đưa ra những việc U2 (đọc sách trước giờ học, Sơ Đồ Tư Duy, v. V.), do đó bạn phải thêm các việc U1 (làm bài tập về nhà, chuẩn bị dự án, v. V.) vào kế hoạch hàng tuần. Cuối cùng, thêm các việc U3 và U4. Xin nhớ rằng hầu hết thời gian của bạn nên dành cho những việc U1 (20%) và U2 (60%). Thời gian còn lại sẽ được dành cho những việc U3 và U4 không quan trọng.

    [​IMG]

    Kiểm tra kế hoạch ngày mai vào mỗi buổi tối

    1. Định thời gian cụ thể cho từng việc

    Mỗi tối, xem xét các việc cần làm cho ngày mai và phân phối thời gian cụ thể cho từng việc. Xác định một hệ thống thời gian chi tiết nhằm giúp bạn tránh việc lười biếng và nói rằng "Tôi sẽ làm việc này sau".

    2. Bám sát thời gian biểu của bạn

    Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn phải hết sức kỷ luật với bản thân để hoàn tất những việc đã lên kế hoạch trước khi đi ngủ. Thậm chí cho dù bạn có phải bỏ lỡ chương trình tivi yêu thích của bạn hoặc ngủ ít đi một chút. Sự tự trừng phạt bản thân sẽ giúp bạn nhận ra cái giá phải trả cho việc lãng phí thời gian và trì hoãn công việc.

    3. Điều chỉnh lại kế hoạch làm việc

    Rõ ràng là cho dù bạn cố gắng tuân thủ kế hoạch đến mức nào, cũng sẽ có những việc U1 bất ngờ xảy ra khiến bạn không thể hoàn tất kế hoạch dự định. Chỉ khi nào bạn không còn lựa chọn nào khác, bạn mới nên điều chỉnh lại kế hoạch làm việc cho ngày mai hoặc ngày hôm sau nữa. Tuy nhiên, hãy cẩn thận không nên điều chỉnh kế hoạch thường xuyên. Nếu không, bạn sẽ lần lữa mãi và chẳng bao giờ hoàn thành bất cứ việc gì.

    Lưu ý:

    1. Luôn luôn lên kế hoạch bằng bút chì để bạn có thể điều chỉnh lại khi cần thiết.
    2. Tuyệt đối chỉ đẩy lùi kế hoạch trong trường hợp bất khả kháng. Hãy xem đó như một bước lùi khỏi thành công và một bước tiến đến thất bại.

    4. Gạch bỏ những việc đã hoàn tất

    Khi bạn làm xong một việc nào đó, hãy gạch bỏ chúng khỏi danh sách. Việc này sẽ mang lại cảm giác thõa mãn cho bạn khi hoàn tất công việc dự định.
     
  7. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 16: Tạo quyết tâm mạnh mẽ tức thì

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cảm xúc làm chủ cuộc sống

    Đến lúc này, bạn đã biết được nhiều phương pháp, kỹ thuật để học hiệu quả hơn và đạt điểm cao. Bạn cũng đã biết được cách xác định những mục tiêu lớn lao cũng như cách lên kế hoạch hành động. Liệu điều này có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bắt tay vào hành động không?

    Bạn có thể tự nhủ: "Vâng, tôi biết rằng tôi phải bắt đầu lên kế hoạch học tập, tận dụng phương pháp đọc sách hiệu quả, lập Sơ Đồ Tư Duy, v. V.. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không cảm thấy có động lực để hành động? Tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lười biếng và bất lực".

    Là con người, chúng ta thường hành động theo lý trí hay cảm xúc? Câu trả lời là cảm xúc. Cảm xúc luôn vượt lên trên lý trí chúng ta. Có rất nhiều việc chúng ta biết là nên làm, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy không muốn làm và rồi không làm. Nhiều lần chúng ta biết là nên ngưng xem tivi để bắt đầu làm bài tập, nhưng chỉ đơn giản là chúng ta không muốn làm bài tập. Mặc dù nhiều người biết là việc hút thuốc có hại và sẽ giết chết họ, họ vẫn tiếp tục hút thuốc. Tại sao thế? Tại vì họ cảm thấy thoải mái khi hút thuốc.

    Khi bạn cảm thấy chán nản, lười biếng hay bất lực, có nhiều khả năng là bạn không muốn làm gì cả. Bạn có thể sẽ vứt sách sang một bên và nằm lăn ra giường. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy có động lực hoặc phấn chấn, bạn sẽ hoàn tất công việc ngay lập tức.

    [​IMG]

    Bạn đã nhận ra được cảm xúc chế ngự hành động của chúng ta như thế nào chưa. Nếu bạn có thể học cách làm chủ cảm xúc, bạn sẽ có thể làm chủ hành động cũng như kết quả đạt được.

    Cảm xúc chế ngự hành động của chúng ta

    Chúng ta có thể làm chủ cảm xúc

    Đáng tiếc, nhiều học sinh cảm thấy bất lực vì họ nghĩ rằng họ không thể làm chủ cảm xúc. Họ chấp nhận những cảm xúc đang có, để chúng chế ngự hành động và cuộc sống của họ.

    Ví dụ, nếu thầy cô la mắng họ hoặc họ xung đột với bạn bè, họ sẽ lâm vào tình trạng thất vọng não nề và không thể học được. Nếu họ được thầy cô khen ngợi hoặc làm bài kiểm tra tốt, họ sẽ cảm thấy phấn chấn, vui vẻ để học. Tệ hơn nữa, vào một số ngày khi thức dậy, họ tự nhiên cảm thấy chán nản lười biếng. Vào một số ngày khác, họ lại thức dậy cảm thấy rất hăng hái phấn khởi.

    [​IMG]

    Sự thật là chúng ta bị cảm xúc chế ngự mọi lúc mọi nơi. May mắn thay, cảm xúc không giống như vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác, mà tự chúng ta tạo ra cảm xúc cho mình. Nếu bạn cảm thấy chán nản lười biếng, đó là vì bạn tạo ra cảm xúc ấy. Nếu bạn cảm thấy hăng hái phấn chấn, đó cũng là vì bạn tạo ra cảm xúc ấy. Và nếu chúng ta tạo ra cảm xúc, chúng ta có thể thay đổi chúng.

    [​IMG]

    Cho nên, thậm chí nếu cha mẹ la rầy bạn hoặc bạn làm bài thi một cách tệ hại, bạn luôn có thể tự đặt mình vào trạng thái sung mãn phấn khởi để hành động một cách tích cực. Trước khi chúng ta có thể học cách kềm chế và thay đổi cảm xúc, hãy cùng tìm hiểu làm thế nào mà chúng ta tạo ra cảm xúc từ lúc đầu.

    Cảm xúc được tạo ra như thế nào?

    Yếu tố nào quyết định cảm xúc của chúng ta? Cảm xúc được quyết định bởi suy nghĩ và cách chúng ta điều chỉnh cơ thể. Xin nhắc lại, cảm xúc ảnh hưởng đến hành động và do đó ảnh hưởng kết quả chúng ta đạt được. Khi chúng ta có những cảm xúc tích cực như hưng phấn, vui vẻ, chúng ta sẽ hành động tích cực và đạt kết quả tích cực. Khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, chán nản, lười biếng, chúng ta sẽ hành động tiêu cực và nhận lãnh hậu quả tiêu cực. Vậy để thay đổi hành động cũng như kết quả, chúng ta phải học cách làm chủ cảm xúc thông qua việc làm chủ suy nghĩ và điều chỉnh cơ thể hợp lý.

    [​IMG]

    Cách bạn điều chỉnh cơ thể ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn

    Việc đầu tiên ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn là cách bạn điều chỉnh cơ thể. Cảm xúc của bạn hiện giờ bị ảnh hưởng bởi:

    • Tư thế của bạn, vai của bạn đang cúi về phía trước hay hướng thẳng ra phía sau.
    • Vẻ mặt của bạn, bạn đang mĩm cười hay nhăn mặt.
    • Nhịp thở của bạn, bạn thở sâu hay cạn, chậm hay nhanh.
    • Độ căng cơ trên cơ thể và trên mặt bạn.
    • Giọng điệu, cường độ và âm lượng giọng nói của bạn.

    [​IMG] Thật sự, vẻ mặt của bạn hiện giờ cùng với cách bạn thở và tư thế bạn ngồi đang ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Tôi muốn bạn hãy cùng tham gia với tôi vào một số thực nghiệm sau đây. Những thực nghiệm này nhằm giúp bạn nhận ra được làm thế nào mà vẻ mặt, tư thế, giọng điệu và nhịp thở có thể ảnh hưởng cảm xúc của bạn.

    Thực nghiệm 1

    Bạn hãy ngồi theo tư thế ngồi, thở theo cách thở, và làm vẻ mặt của một người đang cực kỳ chán nản mệt mỏi. Bây giờ, giữ nguyên tình trạng đó, tôi muốn bạn hãy để ý tư thế vai của bạn như thế nào? Bạn đang thở sâu hay cạn? Các điệu bộ khác của bạn như thế nào? Cơ mặt của bạn căng hay lỏng.

    Hãy ngừng đọc và thực hiện thực nghiệm trên ngay bây giờ

    Đa số các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng vai của bạn thõng xuống, bạn cúi người về phía trước, thở cạn và chậm. Đồng thời, cơ mặt của bạn lỏng, mắt nhìn xuống. Một phát hiện thú vị đúng không? Trước khi chúng ta có thể thật sự chán nản mệt mỏi, chúng ta phải điều chỉnh cơ thể theo một cách nhất định. Nếu chúng ta không thay đổi cơ thể theo cách đó, chúng ta không thể nào cảm thấy chán nản mệt mỏi được.

    Thực nghiệm 2

    Hãy thử thêm một thí nghiệm khác. Tôi muốn bạn hãy đặt quyển sách xuống rồi đứng lên theo cách đứng, thở theo cách thở và làm vẻ mặt của một người cực kỳ sung mãn phấn chấn.

    Bây giờ, trong lúc cơ thể bạn đang ở trong trạng thái tuyệt vời ấy, tôi muốn bạn hãy cố gắng cảm thấy chán nản buồn phiền. Đừng buông thõng vai và hãy tiếp tục cười vui vẻ. Đừng gian lận nhé. Vẫn thở sâu, vẫn giữ nụ cười tươi trên mặt, đứng thẳng vai và mở to mắt. Trong tư thế này, bạn có thể cảm thấy chán nản buồn phiền được không?

    Hãy ngừng đọc và thực hiện thực nghiệm trên ngay bây giờ

    Xin lưu ý rằng, trong thực nghiệm trên, nếu bạn không hề thay đổi vẻ mặt, tư thế của bạn, thì không có cách nào bạn cảm thấy chán nản được cả. Rõ ràng, để có một cảm xúc nào đó, bạn phải điều chỉnh cơ thể theo những cách nhất định phù hợp với cảm xúc ấy.

    Vậy thì, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy lười biếng mệt mỏi, không muốn bắt tay vào học, bạn chỉ cần đứng thẳng dậy, chuyển nhanh vào trạng thái dồi dào năng lực bằng cách thở sâu, hướng thẳng vai ra phía sau, rồi cười thật tươi. Bạn cũng có thể hét lớn đầy quyết tâm "Tôi cảm thấy thật sung sức!". Bạn sẽ thay đổi được cảm xúc và hành động ngay lập tức. Nếu bạn bè, gia đình bạn thấy bạn làm việc này, họ sẽ nghĩ rằng bạn điên. Đừng bận tâm về họ. Những người thành công làm những việc mà kẻ thất bại không bao giờ làm.

    Đây là một phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Hãy thực tập việc chuyển đổi bản thân vào một trạng thái đầy năng lượng bằng cách thay đổi cơ thể của bạn bất cứ lúc nào bạn cảm thấy chán nản lười biếng. Càng thực tập nhiều, bạn sẽ càng thành thạo và có thể tự động thay đổi. Chẳng bao lâu, mỗi khi bạn cảm thấy chán nản mệt mỏi, tâm trí bạn sẽ tự động chuyển đổi vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ.

    Bài học từ cuộc sống

    Một nghiên cứu được tiến hành tại trường Đại Học California vào đầu những năm 1980 liên quan đến một nhóm người bị trầm uất. Không một liệu pháp điều trị nào có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu buộc những người này phải mĩm cười và thở sâu hơn, nhiều người trong số họ sau bao nhiêu năm sống trong u uất đã bắt đầu cảm thấy trạng thái tinh thần được cải thiện.

    [​IMG]

    Suy nghĩ ảnh hưởng cảm xúc của bạn

    Bạn đã biết được cách bạn điều chỉnh cơ thể ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào. Nhân tố thứ hai ảnh hưởng đến cảm xúc chính là suy nghĩ của chúng ta. Nếu học được cách điều khiển suy nghĩ, chúng ta có thể làm chủ được cảm xúc.

    Có bao giờ bạn thắc mắc là bạn suy nghĩ như thế nào không?

    Trước khi bạn có thể học cách làm chủ suy nghĩ, bạn phải hiểu được bạn suy nghĩ như thế nào. Hãy suy nghĩ về việc này. Bạn suy nghĩ như thế nào?

    Ví dụ, hãy nghĩ về một thầy cô bạn yêu quí ở trường.

    Hãy ngừng đọc và nghĩ về một thầy cô bạn yêu quí ngay bây giờ

    Khi nghĩ về thầy cô bạn yêu quí, trong tâm trí bạn tồn tại những gì? Bạn có mường tượng được hình ảnh của thầy cô đó? Bạn có đang tự nói với mình rằng "để xem nào", "không biết mình yêu quí thầy cô nào"? Nếu bạn giống như đa số mọi người, bạn sẽ bắt đầu mường tượng hình ảnh trong tâm trí và tự đối thoại với bản thân.

    Bạn thấy đó, chúng ta suy nghĩ bằng:

    1. Mường tượng hình ảnh trong tâm trí
    2. Tự nói với bản thân

    [​IMG] Cảm xúc của bạn lúc nào cũng dựa trên những hình ảnh bạn tạo ra trong tâm trí và cách bạn tự nói với bản thân. Nếu bạn ở trong trạng thái tồi tệ như buồn phiền, thì chỉ đơn giản là do bạn đang tạo ra những hình ảnh u ám trong tâm trí như cảnh cha mẹ la rầy bạn hoặc cảnh bạn bè lừa dối bạn. Đó cũng là do bạn đang tự nói với bản thân một cách tiêu cực "Cuộc sống thật tệ hại", "Mình không biết tại sao mình lại ngu đến thế?", "Mình cảm thấy quá đau đớn".

    Ngược lại, khi bạn nhận thấy bản thân trong trạng thái đầy động lực mạnh mẽ, đó là khi bạn tạo ra những hình ảnh phấn khởi trong tâm trí về thành công và những lợi ích đạt được. Đó cũng là lúc bạn tự nói với bản thân "Mình có thể làm được việc này!", "Việc này thật dễ như trở bàn tay", "Mình cảm thấy thật sung sức".

    Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu chính xác làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được những hình ảnh chúng ta tạo ra và cách chúng ta tự đối thoại với bản thân.

    Điều khiển suy nghĩ thông qua từ ngữ

    Việc đầu tiên bạn phải học để điều khiển suy nghĩ là kiểm soát những từ ngữ bạn dùng để đối thoại với bản thân. Trung bình chúng ta nói chuyện với bản thân hơn 60.000 lần một ngày. Thật đáng tiếc, 80% những lời nói ấy có tính chất tiêu cực.

    Có những từ ngữ tích cực mà khi tự nói với bản thân sẽ giúp chúng ta có được trạng thái dồi dào năng lực, thúc đẩy hành động chúng ta và mang lại kết quả tốt đẹp. Đồng thời, cũng có những từ ngữ tiêu cực khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ và không muốn hành động.

    Những từ ngữ tích cực thúc đẩy chúng ta

    Tôi có thể làm được việc này

    Tôi sẽ làm hết sức mình

    Tôi yêu toán học (yêu là một từ có động lực mạnh mẽ)

    Tôi giỏi ngoại ngữ

    Những từ ngữ tiêu cực cần tránh

    Tôi không thể làm được việc này

    Tôi sẽ cố hết sức (cố là một từ thiếu quyết tâm)

    Tôi ghét toán học (từ ghét làm chúng ta suy yếu)

    Tôi dở ngoại ngữ

    Bài học từ cuộc sống: Từ ngữ bạn dùng có thể bật / tắt não của bạn

    [​IMG] Những từ ngữ mà chúng ta tự nói với bản thân có tác động mạnh đến nỗi chúng có thể bật / tắt não bộ theo đúng nghĩa đen của việc bật / tắt. Chắc chắn bạn đã gặp trường hợp khi mẹ bạn nhờ bạn lấy giùm một món đồ gì đó trong nhà bếp, và bạn trả lời rằng "Con không biết nó ở đâu". Sau khi mẹ bạn giục bạn đi tìm nó, bạn đi vào bếp trong đầu liên tục tự nói với bản thân "Mình đâu biết nó ở đâu". Thế là, bạn tìm kiếm khắp bếp mà vẫn không tìm thấy nó. Sau đó, bạn gọi mẹ bạn "Con không thấy nó đâu cả". Mẹ bạn trả lời "Tìm kỹ đi. Nó nằm ở ngay đó". Bạn lại tiếp tục tự nhủ "Mình không biết làm sao tìm được". Cuối cùng, mẹ bạn buộc phải bước vào nhà bếp lấy món ấy ngay trước mũi bạn và quát lên rằng "Đây nè. Mắt mũi con để đâu thế?"

    Mặc dù món đồ ở ngay đó, mắt của bạn không thấy nó vì bạn đã liên tục nói với bản thân là bạn không thể tìm thấy nó. Việc này cũng áp dụng tương tự trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn liên tục tự nhủ rằng bạn không thể nào thi đậu môn toán, bạn sẽ không bao giờ thi đậu được, bởi vì bạn đang ra lệnh cho não bộ của bạn ngừng việc hiểu môn toán. Tuy nhiên, khi bạn tự nói rằng môn toán rất dễ học, não bộ của bạn sẽ huy động tất cả khả năng để giúp bạn học và hiểu toán dễ dàng hơn.

    Tự đặt câu hỏi hợp lí

    Chúng ta rất thường tự nói với bản thân bằng cách đặt câu hỏi. Nếu bạn vừa nghĩ "mình có tự đặt câu hỏi cho mình không nhỉ?", bạn chẳng phải vừa tự đặt câu hỏi cho bản thân là gì?

    Những loại câu hỏi mà bạn tự hỏi cũng rất quan trọng với việc bạn cảm thấy quyết tâm hay mất tinh thần. Ví dụ, khi thi rớt dù đã học hành chăm chỉ, chúng ta có thể tự hỏi "Tại sao mình lại thi rớt?", hoặc "Tại sao mình lại bất cẩn đến thế?", hoặc "Tại sao mình luôn luôn thất bại?". Nếu chúng ta gặp chuyện rắc rối, chúng ta có thể tự hỏi "Tại sao những chuyện này luôn xảy ra với mình?". Bằng việc đặt ra những câu hỏi như thế, chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ hơn và mắc kẹt ở trạng thái tệ hại ấy.

    Thay vào đó, bạn nên tự đặt ra những câu hỏi tạo động lực thúc đẩy bạn. Nếu bạn thi rớt hoặc nhận điểm bài tập kém, hãy hỏi "Mình rút ra được bài học gì giúp mình thành công ở lần sau?". Bằng việc đặt ra những câu hỏi tích cực mới, bạn giữ được trạng thái tinh thần mạnh mẽ để cải thiện bản thân. Bạn cũng cảm thấy quyết tâm tìm ra phương pháp hiệu quả hơn và học chăm chỉ hơn. Tương tự, nếu bạn gặp phải chuyện không vui, hãy phản ứng bằng cách tự hỏi "Không kể đến những mặt xấu, chuyện này có thể giúp mình ở điểm nào?". Bằng cách thay đổi câu hỏi tự đặt ra trong tâm trí, bạn sẽ trở thành một người sống tích cực và có động lực hơn.

    "Tại sao mình luôn luôn thất bại?"

    –> "Mình rút ra được bài học gì giúp mình thành công ở lần sau?"

    Vấn để không phải việc gì xảy ra với bạn mà là cách bạn phản ứng như thế nào

    Tôi đã đề cập phía trước là cho dù chuyện gì xảy ra với bạn đi chăng nữa, bạn vẫn có thể làm chủ được cảm xúc và trạng thái tinh thần của bạn. Bạn làm được việc đó bằng cách kiểm soát phản ứng của bạn với những việc xảy ra. Ví dụ, nếu ai đó đến trước mặt bạn và nói "Bạn rất ngu ngốc, không làm được việc gì và không bao giờ thành công trong cuộc sống", bạn nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đa số mọi người sẽ nói rằng họ cảm thấy kinh khủng, bị xỉ nhục hoặc suy sụp tinh thần.

    Như đã biết, cảm xúc lệ thuộc vào cách chúng ta tự nói với bản thân. Nếu bạn phản ứng bằng cách tự nói rằng "Có thể anh ta nói đúng. Mình rất ngu ngốc và không làm được việc gì." Sau đó, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ, không muốn làm gì nữa cả. Tuy nhiên, bạn có thể phản ứng bằng cách tự nhủ "Thật buồn cười. Tôi có đầy đủ khả năng để thành công. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy điều đó." Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy quyết tâm mạnh mẽ để hành động và chứng tỏ khả năng bản thân.

    Luôn chọn cách đối thoại với bản thân

    Theo hướng thúc đẩy bạn hành động tích cực.

    Điều khiển suy nghĩ thông qua những hình ảnh trong tâm trí

    Bạn đã biết từ ngữ bạn dùng ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn như thế nào. Việc tiếp theo bạn cần biết để làm chủ cảm xúc chính là kiểm soát những hình ảnh trong tâm trí bạn.

    Chúng ta thường cảm thấy lười biếng, không có động lực vì chúng ta tạo ra những hình ảnh trong tâm trí về sự khó khăn, tẻ nhạt, tốn thời gian của việc học. Kết quả là chúng ta không thích học. Hoặc chúng ta luôn cảm thấy chán nản vì cứ liên tục quay đi quay lại trong tâm trí những hình ảnh bị la rầy hay thất bại.

    Bạn cần phải hiểu rằng bạn có thể điều khiển những hình ảnh, những đoạn phim diễn ra trong đầu bạn giống như một nhà đạo diễn phim vậy. Bạn có thể cho ngừng quay những hình ảnh chán nản, thất vọng, và chỉ tập trung vào những hình ảnh vui vẻ, phấn khởi trong tâm trí bạn.

    Điều khiển cường độ cảm xúc của bạn

    Bạn có bao giờ để ý rằng chúng ta cảm được những mức độ khác nhau của hạnh phúc, động lực, của lười biếng hoặc thất vọng? Đôi khi chúng ta cảm thấy một chút quyết tâm, trong những lúc khác, chúng ta lại cảm thấy rất quyết tâm, và thậm chí thỉnh thoảng là cực kỳ quyết tâm. Có những lúc chúng ta cảm thấy chỉ hơi buồn, nhưng một vài lúc khác lại cực kỳ buồn thảm.

    Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể kiểm soát được cường độ cảm xúc của chúng ta đúng không? Chúng ta sẽ luôn tăng cường những cảm xúc tích cực như vui vẻ, phấn chấn. Đồng thời, chúng ta sẽ giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. Đúng thế, bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó bằng cách thay đổi những hình ảnh trong tâm trí bạn. Điều này có nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua một thực nghiệm nhỏ.

    Thực nghiệm

    Tôi muốn bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến một thời điểm trong quá khứ mà bạn cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Đó có thể là lúc bạn đạt điểm 10 trong kỳ thi, hoặc lúc bạn thắng một giải thi đấu, hoặc bất cứ thời điểm nào khiến bạn cảm thấy tuyệt vời nhất.

    Khi bạn nghĩ về giây phút đó, bạn có cảm thấy tự tin và vui vẻ không? Tốt lắm. Bây giờ tôi muốn bạn để ý về hình ảnh trong tâm trí bạn. Hình ảnh đó:

    Đen trắng hay đầy màu sắc? _____________

    Gần hay xa? _____________

    Sáng hay mờ? _____________

    Lớn hay nhỏ? _____________

    Bất động hay là một đoạn phim? _____________

    Nhập tâm hay không nhập tâm? _____________

    Ở bên trái, bên phải, trên hay dưới màn ảnh tâm trí của bạn? _____________

    *Hình ảnh nhập tâm là hình ảnh bạn dùng để mường tượng về sự việc theo góc nhìn của bản thân (giống như cách bạn luôn nhìn thế giới xung quanh). Hình ảnh không nhập tâm là hình ảnh bạn dùng để mường tượng về sự việc theo cách nhìn của một người khác (giống như bạn xem một đoạn phim trong đó có bạn).

    Bây giờ tôi muốn bạn hãy đạo diễn những hình ảnh trong tâm trí bạn. Trong lúc đạo diễn, hãy để ý liệu cảm xúc của bạn đang mạnh hơn hay yếu đi. Nếu hình ảnh của bạn màu đen trắng, hãy thêm màu sắc cho nó. Nếu hình ảnh nằm ở phía xa, hãy kéo nó lại gần. Tương tự, nếu hình ảnh mờ mịt nhỏ bé, hãy phóng to ra và thêm ánh sáng. Thay đổi vị trí hình ảnh trên màn ảnh tâm trí của bạn cho đến khi cảm xúc của bạn tăng mạnh hơn. Nếu đó vẫn còn là một hình ảnh tĩnh, hãy biến nó thành một đoạn phim. Cuối cùng, nếu bạn đang hình dung sự việc theo con mắt của người khác quan sát bạn, hãy nhập tâm để hình dung sự việc theo cách nhìn của chính bạn.

    Hãy ngừng đọc và làm thực nghiệm trên ngay bây giờ

    Nếu bạn đã đạo diễn thành công, bạn chắc hẳn cũng nhận thấy cảm xúc của bạn thay đổi một cách mạnh mẽ. Đối với hầu hết mọi người, cảm xúc tăng vọt mạnh mẽ khi họ:

    • Thay đổi hình ảnh trong tâm trí từ đen trắng sang đầy đủ màu sắc
    • Kéo hình ảnh từ xa đến rất gần
    • Phóng to kích cỡ hình ảnh
    • Chuyển từ một hình ảnh bất động thành một đoạn phim
    • Làm hình ảnh sáng hơn
    • Làm hình ảnh sắc nét hơn
    • Thay đổi từ hình ảnh không nhập tâm đến hình ảnh nhập tâm

    Tương tự, khi bạn làm ngược lại, cảm xúc của bạn sẽ yếu đi và giảm cường độ.

    Biết được lúc nào nên tăng cường độ, lúc nào nên giảm thiểu cảm xúc

    Vậy thì, bạn nên tận dụng những kiến thức này như thế nào trong cuộc sống? Bất cứ khi nào bạn rơi vào trạng thái tồi tệ, bạn có thể làm giảm cảm giác tệ hại đó bằng cách thay đổi hình ảnh trong tâm trí bạn, nghĩa là điều chỉnh hình ảnh nhỏ đi, mờ dần, không nhập tâm và đẩy nó ra xa.

    Khi bạn cảm thấy vui vẻ tự tin, hãy tăng cường cảm xúc bằng cách điều chỉnh hình ảnh trong tâm trí của bạn to hơn, sáng ra, với nhiều màu sắc rực rỡ. Nhập tâm hoàn toàn vào hình ảnh đó, biến nó thành một đoạn phim và kéo nó lại gần phía bạn.

    Làm thế nào để thay đổi hoàn toàn cảm giác tồi tệ?

    Giả sử có ai đó hoặc một việc gì đó làm bạn bực bội. Ví dụ, một bạn cùng lớp xúc phạm bạn khiến bạn cảm thấy rất chán nản, thất vọng, thậm chí giận dữ. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn sẽ nghĩ mãi về chuyện này cả ngày và cứ quay đi quay lại những hình ảnh tồi tệ đó trong tâm trí bạn. Thế là cả ngày của bạn (và có thể những ngày tiếp theo) sẽ bị phá hủy vì bạn không có tâm trạng để làm gì cả.

    Thay vào đó, bạn có thể chọn cách thay đổi hình ảnh trong tâm trí để giúp bạn chuyển từ cảm giác tồi tệ sang cảm giác bình tâm hoặc thậm chí vui vẻ ngay lập tức.

    Đây là những việc bạn có thể làm. Trước hết, tách rời bản thân bạn ra khỏi hình ảnh nếu hiện tại bạn đang nhìn sự việc theo cách nhập tâm. Tưởng tượng cảnh bạn bước ra khỏi bức tranh đó, đi xa mười bước và đẩy bức tranh ra xa cho đến khi nó nhỏ lại chỉ còn khoảng một phần tư kích cỡ ban đầu. Bây giờ, hãy tưởng tượng có hai tai chuột mọc ra từ tai của người bạn đó và mũi của hắn thì sưng tấy lên như một quả cà chua to đùng. Cuối cùng, tóm lấy hình ảnh đó trong tay bạn, vò nát, rồi quăng mạnh nó ra xa về phía mặt trời và thưởng thức cảnh nó vỡ tung ra thành hàng triệu mảnh. Bạn cảm thấy thế nào? Tuyệt!

    Làm thế nào để có động lực ngay tức thì?

    Bạn đã bao giờ ở trong tình huống là phải hoàn tất một công việc nhưng lại cảm thấy quá lười và mệt chưa? Xin nhớ rằng điều bạn cảm thấy chỉ đơn thuần là một trạng thái tinh thần có thể được thay đổi ngay lập tức. Chúng ta hãy áp dụng những gì vừa học theo các bước sau đây.

    1. Tạo hình ảnh

    Nghĩ về một khoảnh khắc trong quá khứ mà bạn cảm thấy quyết tâm mạnh mẽ và hết sức hưng phấn. Đó có thể là bất cứ sự kiện nào khiến bạn cảm thấy thật tuyệt vời. Hãy tạo ra một hình ảnh thật rõ ràng trong tâm trí bạn.

    2. Tăng cường độ cảm xúc

    Bây giờ, tăng cường cảm xúc bằng cách nhập tâm hoàn toàn vào hình ảnh như thể bạn thật sự đang hiện diện ở đó. Kế tiếp, chuyển những hình ảnh đó thành một đoạn phim. Phóng to, kéo gần và thêm đủ màu sắc vào hình ảnh. Tăng âm lượng của những âm thanh, tiếng nói mà bạn nghe được xung quanh. Cảm nhận giây phút tuyệt vời đó lan tỏa trong cơ thể bạn.

    3. Thay đổi tư thế của bạn

    Cùng lúc đó, tôi muốn bạn thay đổi hoàn toàn tư thế để phù hợp với cảm xúc khi bạn quyết tâm mạnh mẽ với một tinh thần phấn chấn. Đứng thẳng dậy và nhảy nhót xung quanh nếu bạn muốn. Đẩy vai ra phía sau, hít thở sâu với vẻ mặt cực kỳ phấn kích.

    4. Thay đổi từ ngữ của bạn

    Bây giờ, thay đổi từ ngữ bạn dùng để đối thoại với bản thân. Tự nói với bản thân bằng giọng điệu phấn khởi nhất bạn có thể nghĩ tới: "Đúng thế! Mình sẽ hành động ngay bây giờ! Mình cảm thấy rất phấn khởi!"

    Hãy ngừng đọc và làm thực nghiệm trên ngay bây giờ

    Sức mạnh của neo

    Một phương pháp hiệu quả khác mà tôi dùng để chuyển đổi trạng thái tinh thần ngay lập tức là sử dụng neo. Trước hết, định nghĩa neo là gì? Theo nghĩa đen, neo là một dụng cụ hàng hải để giữ tàu thuyền không bị nước cuốn đi. Còn theo nghĩa trừu tượng mà chúng ta dùng ở đây? Hãy tưởng tượng mỗi trạng thái tinh thần của bạn là một con tàu. Nếu bạn không neo chúng lại một chỗ cố định mà để chúng trôi tự do, bạn sẽ mất nhiều thời gian tìm lại chúng khi cần. Ngược lại, nếu bạn neo chúng vào một vị trí cố định, bạn sẽ tìm được chúng ngay. Cũng như mỗi con tàu, mỗi cảm xúc có một cái neo riêng của nó. Neo của cảm xúc chính là những gì bạn thấy, bạn nghe, bạn làm hoặc cảm nhận khiến bạn có được cảm xúc đó ngay lập tức.

    Bạn đã có rất nhiều cái neo xung quanh mà không hề biết. Thật đáng tiếc, đa số chúng lại đi cùng với những cảm xúc tiêu cực khiến bạn cảm thấy tồi tệ. Ví dụ: Những cái neo có thể là chiếc giường của bạn, giọng nói của thầy, sách giáo khoa và phòng thi.

    Đối với nhiều học sinh, chỉ cần nhìn thấy chiếc giường đã khiến họ cảm thấy uể oải, nhìn thấy sách giáo khoa khiến họ cảm thấy lười biếng, nghe giọng nói của thầy khiến họ cảm thấy tẻ nhạt, vào phòng thi khiến họ cảm thấy lúng túng lo sợ. Tất cả những cái neo tồi tệ này cần được tháo bỏ để những cảm xúc tồi tệ trôi đi tự do vì bạn không cần tìm lại chúng.

    Đồng thời, chúng ta cần tạo ra những cái neo tích cực để có được cảm xúc tích cực ngay khi cần. Những cái neo tích cực chính là những việc chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy có tác dụng mang lại động lực mạnh mẽ cho chúng ta.

    Làm thế nào chúng ta tạo ra những cái neo?

    Bất cứ khi nào chúng ta ở trong một trạng thái tinh thần mạnh mẽ và có một tác nhân kích thích (một cái gì đó chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy) được liên tục lặp đi lặp lại, tác nhân kích thích ấy sẽ gắn liền vào trạng thái tinh thần cụ thể đó. Bởi thế, ở lần tiếp theo khi chúng ta làm, nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy tác nhân kích thích trước đó, chúng ta sẽ có lại được cùng trạng thái tinh thần ấy ngay tức khắc. Tác nhân kích thích lúc này đã trở thành một cái neo.

    Ví dụ, giả sử bạn đang rất vui vẻ phấn khởi. Bây giờ, trong lúc cảm thấy hết sức vui vẻ phấn khởi này, bạn vỗ tay lặp đi lặp lại thật nhiều lần theo một cách nhất định. Sau một lúc, việc vỗ tay (tác nhân kích thích) sẽ gắn liền với cảm giác vui vẻ. Lần tới nếu bạn cảm thấy tệ hại, chỉ cần vỗ tay chính xác theo cách trước đây và nó sẽ lập tức mang lại cho bạn trạng thái vui vẻ phấn khởi. Đây là một kỹ năng hết sức hiệu quả mà tôi đã sử dụng nhiều lần.

    [​IMG]

    Tạo ra những neo tích cực của riêng bạn

    Vậy thì những gì tôi muốn bạn làm bây giờ là tạo ra những cái neo tích cực của riêng bạn. Sau đây là các bước cụ thể.

    1. Đặt bản thân vào một trạng thái tinh thần tích cực

    Đầu tiên, áp dụng những gì bạn đã học về việc thay đổi hình ảnh trong tâm trí bạn, thay đổi tư thế của bạn để đặt bản thân vào một trạng thái cảm xúc tích cực càng mạnh mẽ càng tốt.

    2. Áp dụng tác nhân kích thích

    Kế tiếp, khi bạn đang ở trong trạng thái cảm xúc mãnh liệt nhất, hãy áp dụng một tác nhân kích thích độc nhất mà bạn muốn dùng như một cái neo. Đó có thể là một hành động nhỏ, một vật bạn nhìn thấy, một âm thanh bạn nghe hoặc một điều gì đó bạn cảm thấy. Ví dụ, cái neo đó có thể là việc bạn vỗ tay (hành động, âm thanh, cảm giác) hoặc đấm tay vào không khí (hành động) như Tiger Woods. Bạn cũng có thể sử dụng âm nhạc vì khi được dùng làm neo, âm nhạc tỏ ra rất hữu hiệu.

    3. Lặp đi lặp lại nhiều lần

    Bây giờ, hãy lặp đi lặp lại cái neo này ít nhất 10 lần trong khi bạn vẫn giữ nguyên cảm xúc tích cực mãnh liệt.

    4. Kiểm tra và áp dụng

    Cuối cùng, bạn có thể kiểm tra cái neo này bằng cách trở về trạng thái bình thường và sau đó bắt đầu dùng neo (đấm tay vào không khí hoặc bật nhạc). Việc này nên mang lại cho bạn cảm xúc tích cực vừa rồi ngay tức thì.

    Bài học từ cuộc sống: Những vận động viên hàng đầu sử dụng neo

    Kỹ thuật dùng neo thật ra không có gì mới. Nó thường được các vận động viên hàng đầu sử dụng để đặt họ vào trạng thái tinh thần tích cực trước khi họ có thể thi đấu một cách tốt nhất. Lần tới nếu bạn xem các trận thi đấu bóng rổ, bóng đá, bóng chày, quần vợt hoặc đánh gôn, bạn hãy theo dõi cách những vận động viên này tạo ra những cử chỉ độc nhất trước khi họ thi đấu. Ví dụ, Michael Jordan thường hay lè lưỡi trước khi ném bóng vào rổ, một số vận động viên bóng chày lại thường lầm bầm tự nói với mình trước khi họ đánh vào một mục tiêu.
     
  8. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 17: Tăng tốc về đích

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi ngày thi càng đến gần

    Khi ngày thi càng đến gần, bạn sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc để về đích. Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn toàn bộ quá trình giúp bạn chuẩn bị cho kỳ thi một cách tối ưu nhất.

    Đến lúc này, bạn chắc hẳn đã chuẩn bị đầy đủ Sơ Đồ Tư Duy (Chương 7) của tất cả bài vở, cũng như đã tổng hợp được một danh sách những dạng câu hỏi ứng dụng khác nhau và các bước giải quyết chúng (Chương 11). Bạn chắc hẳn đã hoàn tất các bài tập, các đề án, các bài kiểm tra được giao và phân tích những lỗi mà bạn phạm phải trong đó (Chương 14). Giai đoạn chuẩn bị thi cuối cùng nên bao gồm việc ôn lại mọi thứ bạn đã học.

    Mục tiêu của bạn là đạt được năng lực tiềm thức

    Làm thế nào mà có những học sinh hoàn thành bài thi sớm mà vẫn đạt điểm 10, trong khi những học sinh khác lại làm bài không kịp? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt về năng lực của hai nhóm học sinh này. Những học sinh luôn thiếu thời gian làm bài thi thường chỉ học đến giai đoạn hiểu bài, nhưng lại chưa thành thạo về chủ đề đó. Họ vẫn cần thời gian để suy nghĩ và phân tích câu hỏi trước khi trả lời. Nói ngắn gọn, họ chỉ mới đạt được đẳng cấp năng lực ý thức.

    Những học sinh xuất sắc mặt khác, luôn học để đạt được một đẳng cấp cao hơn. Đó là đẳng cấp năng lực tiềm thức. Họ ôn đi ôn lại kiến thức cho đến khi họ có thể trả lời câu hỏi theo bản năng mà không cần phải động não quá nhiều để phân tích. Sự thành thạo về kiến thức cũng như phương pháp áp dụng giúp họ tìm được cách trả lời câu hỏi một cách nhanh chóng, điêu luyện.

    Cho nên, nếu bạn muốn đảm bảo kết quả tuyệt đối, mục tiêu của bạn là phải đạt được năng lực tiềm thức trong khi học và ôn bài. Sau đây là một số yếu tố có thể giúp bạn đạt được điều đó.

    Tạo ra một môi trường học tối ưu

    Để học hiệu quả, trước hết bạn phải tạo ra một môi trường học tối ưu. Bạn nên chọn việc học tại một nơi nhất định để tâm trí bạn có được thói quen làm việc bất cứ lúc nào bạn ở đó. Bạn nên chọn chỗ học có những đặc điểm sau đây:

    Phải có đèn sáng

    Môi trường có lợi cho việc học nhất là nơi có đèn sáng, tốt nhất là đèn vàng. Lý do là vì bóng đèn huỳnh quang (ánh sáng trắng) rất chói và dễ làm bạn nhức đầu.

    Kiểm tra nhiệt độ

    Nhiệt độ quá cao sẽ khiến bạn buồn ngủ. Hãy cố hết sức để học ở một nơi có nhiệt độ lạnh hơn bình thường một chút. Lý do là vì nhiệt độ thấp hơn sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn. Nhiệt độ tối ưu cho não bộ là 190C.

    Tránh những thứ làm bạn mất tập trung

    Trừ khi bạn có tính kỷ luật cao hoặc có khả năng tập trung phi thường, bạn nên luôn luôn bảo đảm địa điểm học của bạn phải tránh xa những thứ làm bạn mất tập trung như tivi, điện thoại, trò chơi điện tử, truyện tranh, tạp chí hoặc giường ngủ.

    Đừng tham ăn quá mức

    Đừng ăn quá mức trước giờ học. Việc này thường khiến bạn buồn ngủ vì năng lượng và máu của bạn đều tập trung cho hệ thống tiêu hóa thay vì não. Cố gắng tránh ăn các loại thịt đỏ (thịt bò.), đường hoặc bột trắng (bánh ngọt.) trước khi học vì những loại thức ăn này làm giảm khả năng lưu trữ thông tin của não bộ.

    Bật nhạc không lời

    Bật nhạc không lời vào bất cứ khi nào bạn học. Việc nghe nhạc có tác dụng hỗ trợ cho sức mạnh não bộ. Loại nhạc tốt nhất cho việc học là loại nhạc Ba-rốc (Baroque) vì loại nhạc này duy trì nhịp điệu sáu nhịp một phút giúp tâm trí bạn thư giãn để học.

    Học riêng hay học nhóm?

    Học riêng tốt hơn hay học nhóm tốt hơn? Tùy bạn. Học nhóm giúp bạn tổng hợp được năng lực và kiến thức của cả nhóm. Tuy nhiên, nếu bạn chọn học với những học sinh kỷ luật kém, bạn sẽ bị mất tập trung dẫn đến hiệu quả kém và lãng phí thời gian. Cho nên, bạn nên tìm những học sinh có năng lực và kỷ luật cao hơn bạn. Bằng cách này, bạn sẽ được ảnh hưởng tốt hơn.

    Việc học riêng mặt khác lại bảo đảm sự tập trung cao nhất, nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn không thể chia sẻ hoặc so sánh bài tập với những học sinh khác.

    Tốt nhất là bạn nên học riêng và thỉnh thoảng sắp xếp việc học nhóm.

    Lên kế hoạch học từ sớm

    Trước kỳ thi, hãy vẽ ra một thời gian biểu chi tiết để sắp xếp những gì bạn cần học mỗi ngày cho đến ngày bạn bắt đầu thi môn đầu tiên. Việc này sẽ bảo đảm bạn có đủ thời gian học hết tất cả các môn học cần thiết trước khi thi.

    Bạn nên chuẩn bị sớm cỡ nào?

    Bạn nên sắp xếp thời gian biểu đi ngược bắt đầu từ ngày thi môn đầu tiên của bạn. Bạn phải tính toán lượng thời gian bạn cần để hoàn tất việc ôn lại tất cả các môn học một cách hiệu quả. Cố gắng dành ra năm ngày dự phòng trong trường hợp bạn có việc khẩn cấp khác. Tuy nhiên, luôn luôn nghĩ rằng năm ngày dự phòng đó không tồn tại, nếu không bạn sẽ dễ bị sự trì hoãn cám dỗ.

    Mỗi môn học cần bao nhiêu thời gian?

    Mặc dù mỗi người có cách phân chia thời gian cho mỗi môn học khác nhau, bạn có thể làm theo hướng dẫn sau đây.

    1. Trải dài việc ôn bài cho mỗi môn học

    Thay vì nhồi nhét ôn một môn cụ thể như địa lý trong vài ngày liên tiếp, tốt hơn là bạn nên chỉ ôn một hoặc hai chương mỗi ngày trong một thời gian dài như 10 ngày. Trải dài việc ôn tập cho một môn học giúp tâm trí bạn có thời gian ghi nhớ chắc chắn hơn, cũng như sắp xếp lại những thông tin đã ôn, trước khi tiếp tục ôn những thông tin khác của cùng môn học đó.

    2. Lên kế hoạch cho các lần học mỗi ngày

    Xin nhớ rằng để đạt được nhiều đỉnh điểm gợi nhớ thông tin nhất, bạn nên luôn luôn lên kế hoạch cho mỗi lần học dài tối đa hai giờ đồng hồ.

    Sau mỗi lần học, thư giãn ít nhất nửa tiếng trước khi bắt đầu lần học tiếp theo. Mỗi lần học của bạn nên được chia thành bốn giai đoạn nhỏ dài khoảng 25 phút mỗi giai đoạn. Luôn luôn nghỉ ngơi giữa các giai đoạn từ hai đến năm phút. Trong lúc nghỉ ngơi, tâm trí bạn nên thư giãn càng nhiều càng tốt.

    3. Lên kế hoạch cho lần ôn bài thứ ba và thứ tư

    Xin nhớ rằng để giữ tâm trí bạn trong trạng thái tốt nhất, bạn phải ôn lại những gì đã học sau 10 phút, sau 24 giờ, sau một tuần và một tháng. Hai lần ôn bài đầu tiên (sau 10 phút đầu và sau 24 giờ) đã được tiến hành ngay khi bạn đang học trong học kỳ. Cho nên, bạn chỉ cần sắp xếp thêm các giờ học cho đợt ôn bài thứ ba và thứ tư với từng môn học. Tôi đề nghị đợt ôn bài lần thứ tư của từng môn học nên rơi đúng vào một ngày trước khi thi môn đó.

    Cách học trong mỗi lần

    Trong mỗi lần ôn, bạn nên làm những việc sau đây:

    1. Ôn lại bài ngày hôm trước

    Lý tưởng nhất là bạn nên tự kiểm tra lại trong tâm trí toàn bộ Sơ Đồ Tư Duy của chương sách bạn đã ôn lần trước mà không cần nhìn lại bài. Bạn cũng phải ôn lại các câu hỏi ứng dụng và bài tập trong chương cụ thể đó.

    2. Ghi nhớ thông tin

    Về chương mà bạn chuẩn bị ôn, bạn nên xem lại toàn bộ các Sơ Đồ Tư Duy một cách chi tiết, sau đó sử dụng các hệ thống ghi nhớ như Hệ Thống Liên Kết và Hệ Thống Số để đảm bảo bạn ghi nhớ 100% các ý chính. Bạn nên lặp đi lặp lại cho đến khi bạn có thể nhẩm được Sơ Đồ Tư Duy trong tâm trí và thuộc từng chi tiết.

    3. Thực tập các câu hỏi ứng dụng

    Bên cạnh việc ghi nhớ tất cả thông tin, bạn phải thực tập tất cả câu hỏi ứng dụng khác nhau liên quan đến chương đó. Sau đó, bạn nên kiểm tra lại để bảo đảm rằng bạn đã áp dụng đúng các bước giải quyết vấn đề của từng dạng câu hỏi và tìm được câu trả lời chính xác. Mặc dù bạn có thể đã biết được câu trả lời, bạn vẫn nên thực tập lại câu hỏi đó. Bằng việc thực tập lại các câu hỏi, bạn sẽ nâng cao khả năng của mình lên đẳng cấp năng lực tiềm thức.

    4. Tổng ôn lại kiến thức trong ngày

    Việc này sẽ không đòi hỏi bạn quá nửa tiếng.

    Thời gian biểu học tập

    Dưới đây là ví dụ minh họa về cách tạo một thời gian biểu học tập cho riêng bạn. Trong ví dụ minh họa này, tôi sẽ giả sử rằng bạn phải thi các môn học dưới đây.

    Môn học Số chương Ngày thi

    Toán

    Địa lý

    Lịch sử

    Vật lý

    Hóa học

    Văn học

    10

    12

    10

    12

    10

    12

    18 tháng 11

    28 tháng 11

    22 tháng 11

    24 tháng 11

    25 tháng 11

    27 tháng 11

    Cụ thể là bạn nên ghi chú những điểm sau đây trong việc lên thời gian biểu:

    1. Năm ngày dự phòng (13-17 tháng 11) được dành cho các việc khẩn cấp khác.
    2. Chúng ta bắt đầu lập thời gian biểu bắt đầu từ ngày ôn thi cuối cùng. Ngày này là ngày trước khi bước vào giai đoạn dự phòng.
    3. Đợt ôn bài cuối cùng, thường là lần thứ tư, được thực hiện vào một ngày trước khi thi mỗi môn. Ví dụ, đợt ôn bài môn sử cuối cùng là vào ngày 21 tháng 11, ngày trước khi thi môn sử.
    4. Nên tổng hợp nhiều môn học trong một ngày ôn.
    5. Trước khi bắt đầu một ngày học, nên ôn lại những gì đã ôn trong ngày hôm trước. Việc này được đánh dấu bằng hoa thị *
    6. Sau một tuần, nên tổng ôn lại những gì đã ôn trong tuần trước.
     
  9. diepnhi

    Bài viết:
    77
    Chương 18: Chiến thắng và vinh quang

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tự đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ

    Mặc dù hầu như chắc chắn rằng một học sinh chuẩn bị bài tốt sẽ đạt kết quả tốt, bạn có thể phải cần nhiều hơn thế để đạt kết quả xuất sắc tuyệt đối. Nguyên do là vì vẫn có những học sinh chuẩn bị bài tốt nhưng lại không thể làm bài hoàn hảo trong không khí căng thẳng của kỳ thi. Ở chương này, tôi sẽ chỉ ra một số sai lầm thông thường mà học sinh phạm phải dưới áp lực của kỳ thi. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về các phương pháp phòng tránh nhằm giúp bạn có thể làm bài thi ở phong độ cao nhất.

    Nếu bạn đã hoàn tất tất cả các bước học thi và đã chuẩn bị bài đầy đủ, thứ duy nhất còn lại có thể lấy mất cơ hội đạt điểm 10 của bạn chính là trạng thái tinh thần của bạn. Nếu bạn đi thi trong trạng thái tiêu cực như lo lắng, căng thẳng hoặc bối rối, bạn có thể đi đến tình trạng "đầu óc trống rỗng", hoặc phạm phải nhiều lỗi bất cẩn không đáng có.

    Bởi thế, việc đầu tiên mà bạn cần làm là tự đặt mình vào trạng thái tự tin, quyết tâm mạnh mẽ nhất như những gì bạn đã được học ở Chương 16: Tạo Quyết Tâm Mạnh Mẽ Tức Thì. Xin nhớ rằng trạng thái tinh thần của bạn sẽ ảnh hưởng cảm xúc của bạn. Cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng hành động và kết quả của bạn. Khi bạn ở trong trạng thái tự tin tuyệt đối, phấn khởi và quyết tâm, bạn sẽ làm bài với tất cả khả năng của bạn. Sau đây là một số việc bạn có thể làm để duy trì trạng thái đó.

    1. Đến nới thi sớm để thư giãn

    Đến nơi thi sớm hơn giờ thi bao giờ cũng tốt. Trước hết, việc này bảo đảm bạn sẽ không bị trễ giờ. Bên cạnh đó, việc đến sớm giúp tâm trí bạn thư giãn rất nhiều trước khi thi. Xin nhớ rằng não bộ của bạn chỉ làm việc hiệu quả nhất khi bạn ở trong trạng thái thư giãn.

    2. Dứt bỏ kỳ thi ra khỏi tâm trí

    Sẽ rất có ích nếu bạn có thể tán gẫu với bạn bè về bất cứ chuyện gì ngoài chuyện kỳ thi hay tài liệu học tập nhằm giúp bạn tách rời tâm trí khỏi việc thi cử. Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ học bài vào ngày thi. Nó làm bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Hơn nữa, những thông tin mới có thể làm rối rắm, lộn xộn những thông tin trước đó đã được sắp xếp ngăn nắp trong não của bạn khi bạn ngủ.

    3. Sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ

    Ở Chương 16, chúng ta đã phát hiện ra những từ ngữ chúng ta tự nói với bản thân có thể động viên hoặc hủy hoại chúng ta. Hãy dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Hãy liên tục nói với bản thân "Mình sẽ đạt điểm 10", "Bài thi này rất dễ vì mình đã chuẩn bị kỹ", "Mình có thể làm được dễ dàng", "Không có vấn đề gì cả, mình sẽ hoàn thành một cách xuất sắc trước khi giờ thi kết thúc".

    Thậm chí khi bạn cảm thấy lúng túng trước một câu hỏi khó, không bao giờ cho phép bản thân được nói những lời tiêu cực. Một khi bạn lâm vào trạng thái tiêu cực, mọi chuyện sẽ trở nên tiêu cực. Bởi thế, hãy liên tục nói với bản thân những lời tích cực.

    4. Tự đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ

    Trước giờ thi, bạn hãy tự đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ bằng cách nghĩ về một thời điểm trong quá khứ mà bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin, không ai có thể ngăn cản bạn và bạn thật sự mạnh mẽ. Hình dung hình ảnh này rõ ràng trong tâm trí bạn. Hãy nhập tâm và thêm đủ màu sắc vào hình ảnh đó, làm hình ảnh này sáng lên và to ra.

    Kế tiếp, bạn hãy bảo đảm rằng cơ thể bạn chuyển đổi sang một tư thế mạnh mẽ. Hãy thở theo cách thở như lúc bạn tự tin tuyệt đối. Hãy tạo vẻ mặt quyết tâm. Hãy hướng thẳng vai ra phía sau và đi qua đi lại như thể không ai có thể cản bạn được.

    Bạn cũng có thể tận dụng sức mạnh của việc dùng neo mà bạn đã học để chuyển đổi bản thân vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ như đấm tay vào không khí, vỗ tay, hét lớn, v. V.. (những cái neo này là những hành động/cử chỉ bạn đã phát huy và thực tập nhiều lần trước đây).

    Một khi bạn đã ở trong trạng thái quyết tâm tột đỉnh, bạn có thể bắt đầu làm bài thi.

    1. Đọc lướt qua đề thi

    Việc đầu tiên mà bạn nên làm khi bắt đầu làm bài thi là đọc lướt qua tất cả các hướng dẫn và toàn bộ đề thi từ đầu đến cuối, trước khi bắt đầu trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Việc đọc lướt này giúp bạn lên kế hoạch thứ tự trả lời câu hỏi cũng như lượng thời gian cần thiết cho từng câu hỏi.

    2. Thời gian

    Việc thiếu thời gian là yếu tố thất bại của nhiều học sinh cho dù họ có chuẩn bị bài hay không. Cho nên, điều quan trọng là bạn nên theo dõi thời gian bằng cách nhìn đồng hồ mỗi khi cần thiết. Để tránh việc thiếu thời gian làm bài, bạn nên:

    Phân chia thời gian hợp lí

    Luôn luôn lên kế hoạch cho lượng thời gian bạn cần trong từng câu hỏi trước khi làm bài. Bạn nên thực tập việc lên kế hoạch thời gian này trong lúc làm các đề thi thử.

    Thời gian dự phòng

    Bạn cũng nên dự phòng thời gian để kiểm tra lại bài trong vòng ít nhất 15 phút. Lượng thời gian này cũng có thể được dùng vào những việc khẩn cấp nếu bạn vượt quá lố thời gian dự định khi trả lời câu hỏi.

    3. Tiếp cận câu hỏi

    Dễ trước, khó sau

    Việc trả lời câu hỏi theo thứ tự cho sẵn không bao giờ tốt cả. Lý do là vì đôi khi những câu hỏi khó được đưa lên đầu trong khi những câu hỏi dễ hơn lại nằm ở phía dưới. Khi đối mặt với tình huống như thế, chúng ta có thể cứ tiếp tục cố gắng trả lời câu hỏi khó cho đến khi phát hiện ra chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi. Hậu quả là chúng ta hối hả làm tiếp bài thi chỉ để nhận ra không có đủ thời gian làm bài, thậm chí không kịp trả lời những câu hỏi dễ. Để tránh vấn đề này, bạn nên làm theo một trong những cách sau đây:

    1. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mắc kẹt vào một câu hỏi khó, lập tức khoanh tròn câu hỏi khó đó và nhảy sang trả lời câu hỏi kế tiếp. Bạn có thể quay lại câu hỏi khó đó sau khi bạn đã trả lời hết các câu hỏi dễ.

    1. Trả lời hết tất cả các câu hỏi dễ trước khi tiến hành làm các câu hỏi khó. Luôn luôn để dành những câu hỏi đòi hỏi suy nghĩ, phân tích và viết nhiều sau cùng khi bạn đã hoàn tất hầu hết bài thi. Lý do là bạn có thể trả lời câu hỏi khó tốt nhất khi tâm trí bạn ở trạng thái thư giãn hơn (vì bạn đã hoàn tất các câu hỏi dễ).

    Đừng đi quá đà

    Học sinh thường cảm thấy phấn khởi khi trả lời một câu hỏi quen thuộc. Họ cứ liên tục viết mãi cho đến khi nhận ra rằng họ đã lãng phí quá nhiều thời gian cho câu hỏi này. Hãy tránh việc viết nhiều thông tin dư thừa không cần thiết.

    Đừng bao giờ bỏ cuộc

    Những câu hỏi khó, đặc biệt là nếu nằm ở đầu đề thi, thường có tác động làm bạn mất tinh thần. Khi việc này xảy ra, bạn sẽ thậm chí không thể trả lời những câu hỏi dễ phía dưới. Nguyên nhân là vì bạn đã hình thành một niềm tin là đề thi này rất khó, vượt quá khả năng của bạn.

    Nếu việc này xảy ra với bạn, hãy hít thở sâu, thư giãn và đừng bỏ cuộc. Bỏ qua những câu hỏi phức tạp và trả lời các câu hỏi dễ để giúp bạn tự tin hơn. Cuối cùng khi bạn quay lại câu hỏi khó và thấy rằng bạn vẫn không biết cách trả lời, đừng bao giờ để giấy trắng vì điều này sẽ bảo đảm bạn lãnh điểm 0 cho câu hỏi đó. Thay vào đó, viết ra những gì bạn biết miễn là hợp lý. Bạn không những không có gì để mất mà còn có thể nhận được vài điểm. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa điểm rớt và đậu.

    Tả lời câu hỏi

    Bạn nên làm theo hai nguyên tắc sau đây trong việc trả lời bất kỳ dạng câu hỏi nào. Đó là:

    1. Luôn đọc kĩ câu hỏi

    Luôn luôn đọc từng câu hỏi một cách từ từ, cẩn thận trước khi đặt bút trả lời. Các học sinh thường chỉ đọc vài chữ đầu và tự cho rằng câu hỏi này tương tự như câu hỏi họ đã làm trước đây trong bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà. Kết cục là bạn có thể đưa ra một câu trả lời hoàn toàn lạc đề.

    Xin nhớ rằng chỉ cần một từ khác cũng có thể thay đổi toàn bộ ý nghĩa câu hỏi. Nếu không đọc kỹ, chúng ta có thể bỏ lỡ từ quan trọng đó và hiểu sai toàn bộ câu hỏi. Do đó, luôn luôn để ý những từ khóa quan trọng xuất hiện trong câu hỏi.

    Ví dụ, đừng có đọc "và" trong khi câu hỏi ghi "hay". Đồng thời, đừng lầm lẫn giữa "Mệnh đề nào bên dưới là" đúng" "với" Mệnh đề nào bên dưới là "không đúng" ".

    2. Trả lời câu hỏi vừa đủ

    Không bao giờ ngụp lặn vào câu hỏi trước khi biết được thật sự câu hỏi cần thông tin gì. Nếu bạn làm thế, bạn có thể đưa ra quá ít thông tin, quá nhiều thông tin hoặc lạc đề.

    Bước đầu tiên là phải biết được bạn cần đưa ra bao nhiêu thông tin. Bạn có thể lấy điểm số phân chia trong từng câu hỏi làm tiêu chuẩn.

    Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách trả lời những dạng câu hỏi cụ thể như câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi viết luận.

    Câu hỏi trắc nghiệm – Đánh đố nhất

    Nhiều học sinh cho rằng các câu hỏi trắc nghiệm là đơn giản nhất trong các dạng câu hỏi. Lý do là vì câu trả lời đã được đưa ra sẵn và bạn chỉ có việc chọn.

    Lời khuyên của tôi là đừng bao giờ đánh giá thấp câu hỏi trắc nghiệm. Thật sự, đây là dạng câu hỏi đánh đố nhất. Thông thường, người ra đề thi sẽ cho ra những lựa chọn rất giống nhau đến nỗi bạn phải cần đến không chỉ kiến thức mà còn cả các kỹ năng để chọn câu trả lời đúng. Nếu bạn không hiểu rõ khái niệm trong bài, bạn có thể trả lời sai dễ dàng. Câu hỏi trắc nghiệm cũng là dạng câu hỏi mà học sinh phạm lỗi bất cẩn nhiều nhất. Cho nên, dưới đây là một vài phương pháp giúp bạn thành thạo trong lĩnh vực này.

    1. Đọc kỹ

    Như thường lệ, đọc thật kỹ câu hỏi. Đừng tự cho rằng câu hỏi này có vẻ giống với câu hỏi bạn từng làm trước đây. Một từ thay đổi có thể làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa câu hỏi. Ví dụ" tất cả đều đúng "và" tất cả đều không đúng "nhìn rất tương tự nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

    2. Đưa ra câu trả lời của bạn trước

    Trước khi bạn xem xét các lựa chọn trả lời cho sẵn, luôn luôn viết câu trả lời của bạn trước bên cạnh câu hỏi trên giấy. Sau đó, so sánh câu trả lời của riêng bạn với từng lựa chọn.

    3. Đọc hết tất cả các lựa chọn

    Nhiều học sinh phạm lỗi kinh khủng khi đánh dấu chọn câu trả lời họ nghĩ là đúng mà không đọc hết tất cả các lựa chọn trả lời khác. Họ tự nhủ rằng" các lựa chọn khác chắc chắn là sai". Luôn luôn đọc kỹ từng câu trả lời trước khi lựa chọn câu trả lời đúng nhất. Lý do là vì có thể có câu trả lời đúng hơn câu trả lời bạn chọn. Dĩ nhiên, chỉ có duy nhất câu trả lời đúng nhất mới được xem là đạt.

    4. Phương pháp loại trừ

    Nếu không chắc chắn được nên lựa chọn câu trả lời nào, bạn có thể sử dụng phương pháp loại trừ. Dưới đây là vài kỹ thuật bạn có thể sử dụng để loại trừ các lựa chọn sai.

    1. Loại trừ lựa chọn sai rõ ràng.
    2. Loại trừ lựa chọn sai chút ít. Đây là lựa chọn có vẻ đúng nhưng có một hai từ làm nó sai.
    3. Loại trừ lựa chọn vốn dĩ là đúng, nhưng không liên quan đến câu hỏi.
    4. Loại trừ lựa chọn rất khác biệt so với các lựa chọn khác. Lựa chọn này thường là sai.
    5. Nếu có hai lựa chọn rất giống nhau, một trong hai lựa chọn thường là đúng.
    6. Nếu có hai lựa chọn đối nghịch nhau, một trong hai lựa chọn thường là đúng.

    Cẩu hỏi viết luận

    Để thành thạo dạng câu hỏi viết luận, bạn phải chứng tỏ được rằng bạn có thể nhớ lại tất cả các thông tin liên quan, diễn tả được rằng bạn hiểu cách áp dụng chúng vào câu hỏi và có thể sắp xếp các thông tin theo cách tốt nhất có thể.

    Sơ đồ tư duy giúp bạn trả lời câu hỏi viết luận

    Một công cụ rất hữu ích nhằm giúp bạn nhớ lại và sắp xếp thông tin chính là Sơ Đồ Tư Duy. Trước khi bạn bắt tay vào viết câu trả lời, luôn luôn dành 5-10 phút để lên kế hoạch viết câu trả lời. Sử dụng Sơ Đồ Tư Duy để viết bản thảo bằng bút chì. Sơ Đồ Tư Duy sẽ giúp bạn nhớ lại các ý chính cũng như nhận ra được cách sắp xếp thông tin tốt nhất.

    Một lý do quan trọng của việc phác thảo bài viết này là nó giúp bạn thấy được cấu trúc tổng quát của bài viết trước khi bạn bắt tay vào viết. Lúc này, bạn có thể quyết định nên đưa thông tin nào vào bài, cách sắp xếp thông tin tốt nhất, nên đưa ý nào vào đoạn văn đầu tiên, đoạn văn thứ hai và cứ thế. Nói chung, bài viết luận của bạn có thể được chia thành ba phần: Phần mở bài, phần thân bài và phần kết bài. Điều quan trọng là trong phần kết bài, các ý chính nên được tóm tắt lại và đưa ra được lập trường vững chắc. Một lỗi thông thường nhất mà học sinh hay phạm phải trong bài thi viết luận là viết lạc đề. Phác thảo trước bài viết của bạn sẽ giúp bạn tránh được lỗi này.

    Chỉ khi bạn đã hoàn toàn thõa mãn với bản thảo Sơ Đồ Tư Duy (nhưng đừng bao giờ mất quá 10 phút), bạn mới nên bắt tay vào viết bài luận.

    Những phút cuối

    Sau khi trả lời tất cả các câu hỏi, lý tưởng nhất là bạn nên dành 15 phút cuối để đọc lại bài như dự tính. Đây là những phút quan trọng nhất. Chắc chắn là bạn sẽ phát hiện ra vài lỗi nhỏ và một số thông tin bị bỏ lỡ.

    Vậy thì, chúng ta nên kiểm lại bài như thế nào?

    1. Đọc lại câu hỏi để bảo đảm bạn đã hiểu câu hỏi chính xác.
    2. Đọc lại bài luận và các câu trả lời ngắn để bảo đảm những câu trả lời này không lạc đề và không có lỗi chính tả, văn phạm. Cũng bảo đảm rằng không có ý chính quan trọng nào bị bỏ lỡ.
    3. Nếu thời gian cho phép, tính toán lại (dùng những cách thay thế khác) tất cả những câu hỏi làm tính để biết rằng liệu bạn có ra cùng một kết quả không. Nếu bạn không có đủ thời gian, chỉ cần đọc lại cách tính của bạn.
    4. Đối với câu hỏi trắc nghiệm, bạn hãy kiểm lại xem bạn có bỏ lỡ câu hỏi nào không. Điều quan trọng hơn là khi bạn phải trả lời ở một tập đáp án riêng chứ không phải trực tiếp trên câu hỏi, bạn phải kiểm tra xem bạn có đánh dấu câu trả lời tương ứng với câu hỏi hay không. Cuối cùng, không bao giờ bỏ trống bất cứ câu hỏi nào

    Số phận của bạn do bạn tự tạo ra

    Thế là bạn đã đi được một đoạn đường dài rồi, đúng không nào? Cho dù bạn là ai và đang ở đâu trên thế giới, khi bạn bỏ thời gian đọc quyển sách này, bạn đã học được nhiều kiến thức đơn giản nhưng mạnh mẽ đến mức có thể thay đổi được cách học của bạn, mãi mãi. Bạn đã nhận ra rằng niềm tin bạn có về bản thân bạn là ai và bạn có thể làm gì sẽ quyết định kết quả bạn đạt được. Bạn biết rằng nếu những học sinh khác có thể đạt kết quả tốt, bạn cũng có thể đạt được. Vấn đề chỉ là ở việc sử dụng đúng các kỹ năng và phương pháp. Bạn cũng đã biết về tiềm năng không giới hạn của não bộ. Bạn đã nhận ra rằng, nếu nắm được chìa khóa thành công, bạn sẽ giải phóng được những khả năng phi thường tiềm ẩn trong bạn. Bạn đã được học về những chìa khóa này, đúng không nào? Bạn đã biết cách tận dụng cả hai bán cầu não của bạn bằng cách sử dụng Sơ Đồ Tư Duy và hệ thống Trí Nhớ Siêu Đẳng để tạo nền tảng cho một tương lai hấp dẫn mà bạn đã xác định. Bạn có khả năng tự động viên bản thân và trở thành một người quản lý thời gian giỏi. Sự lười biếng và trì hoãn không còn dành cho bạn nữa.

    Tôi muốn bạn hãy hành động ngay từ bây giờ khi bạn lật đến trang cuối cùng của quyển sách. Hãy mở sách giáo khoa ra, lập Sơ Đồ Tư Duy và sử dụng kỹ năng Trí Nhớ Siêu Đẳng để thấy rằng việc học rất vui và dễ dàng. Hãy sử dụng sổ tay để lên kế hoạch sắp xếp thời gian cho tuần tới. Thậm chí bạn có thể viết ra những mục tiêu lớn lao trong tương lai.

    Xin nhớ rằng, việc bạn học kém trong quá khứ không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ học giỏi trong tương lai. Thành công trong tương lai phụ thuộc vào những gì bạn làm ngày hôm nay, chứ không phụ thuộc vào những gì diễn ra trong quá khứ. Vậy thì, hãy dũng cảm bước ra và bắt đầu gieo mầm cho một mùa bội thu đi nào.

    Cuối cùng, tôi chúc bạn mọi sự tốt đẹp nhất trên con đường đi đến thành công. Tôi hy vọng bạn sẽ viết thư cho tôi hoặc nếu chúng ta gặp nhau trong một buổi chuyên đề nào đó, bạn sẽ kể cho tôi nghe câu chuyện thành công của bạn.

    Cho đến lúc đó, hãy sống vì ước mơ của bạn.

    END
     
Từ Khóa:
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...