Truyện Ngắn Tôi Là Hòa Mít - Cỏ Cỏ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TH susii, 31 Tháng một 2022.

  1. TH susii

    Bài viết:
    38
    Tên truyện: Tôi là Hòa Mít

    Thể loại: Truyện ngắn thiếu nhi

    Tác giả: Cỏ Cỏ

    Tôi là Hòa Mít, cái biệt danh này là do anh Nam, anh trai của tôi đặt cho. Vì tôi hay khóc nhè, hay mít ướt, tôi sợ nhiều thứ lắm, tôi sợ ma, sợ máu, sợ mấy con như ốc sên không vỏ, cóc, đỉa, vắt và sợ cả tiêm nữa. Mít có nghĩa là mít ướt chứ không phải quả mít nhiều múi mùi thơm lừng kia đâu. Mẹ bảo, con cả là con gái sẽ tốt hơn con trai nhiều, chứ mẹ lỡ đẻ anh Nam ra trước, nó nghịch quá, quản không nổi, la nó nhiều cũng chẳng buồn la nữa. Rồi thằng anh nó quậy, nó bày luôn cho con em quậy theo. Ba mẹ nào chịu cho được, nuôi một thằng giặc giời lại lòi ra, khuyến mãi cả đứa giặc con. Đúng vậy, từ nhỏ tới giờ, tôi nghịch lắm. Một lần có bác vào nhà tôi mua lợn, đúng hôm tôi lau nhà, sàn ướt, tôi ngã "bịch" một cái, thế mà tôi còn cười khanh khách, khách vào nhà tôi cũng chẳng quan tâm, đứng dậy chơi trượt sàn tiếp. Rồi bác mua lợn xong, chất hết mấy con lợn lên xe, bác quay lại bảo mẹ tôi: "Nhà chị có đứa con gái kinh phết nhỉ". Thế có bực mình không chứ. Hơn thế nữa, tôi toàn mặc quần áo của anh là chính, toàn mặc quần ngố, tôi không thích mặc váy. Tôi ghét bánh bèo, ẻo lả. Mỗi khi thấy mấy đứa cùng tuổi mặc váy công chúa, tôi ngứa mắt. Cứ quần âu, áo phông là tôi tự tin ra ngoài rồi. Tôi chơi bi rất chi là giỏi, bắn dây thun, zozo, đập bài thẻ tôi cân được tất, mỗi bắn chim, bẫy cò là tôi không dám thử, vì thấy chúng tội tội sao ấy. Anh Nam với tôi coi vậy mà thân lắm đấy, được cái hợp nhau nên có gì tôi cũng tâm sự với anh. Nhưng cũng chẳng nhận lại được điều gì hay ho cả, một là bị trêu, hai là bị mắng, hết, nhưng tôi cứ thích kể với anh Nam cơ. Bạn bè cũng toàn là con trai, vì chúng nó không bánh bèo. Tôi mít ướt thật đấy, nhưng chỉ khi nào ở ngoài trời tối thôi. Tôi rất sợ bóng tối. Bà ngoại kể rằng ma chỉ ở trong bóng tối, nếu gặp ánh sáng, chúng nó sẽ bị tan chảy, giống như cây kem để ngoài trời nắng vậy. Chỉ khác là vị nó không ngon như cây kem của tôi. Tôi chưa thấy ma bao giờ, mấy bọn ở lớp cũng chưa có đứa nào thấy nên tôi cũng không biết con ma nó to hay bé, cao hay thấp, lùn hay béo, nam hay nữ nhưng chắc hẳn là xấu xí lắm, hôi hám, lại còn ác độc nữa. Chỉ tưởng tượng là nó có màu trắng, xấu xí, máu me bê bết và phát ra những thứ âm thanh kinh tởm đến gợn gai ốc. Tôi nhớ có một lần, năm đó tôi học lớp hai hay lớp ba gì đó. Là một đêm trăng rằm trung thu. Một năm chỉ có một ngày gọi là Tết thiếu nhi. Là ngày của mấy bọn trẻ chúng tôi. Bác trưởng thôn quý chúng tôi lắm, bác lại vui tính, nhiều ý tưởng, nên năm nào chúng tôi cũng có một cái tết tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Quà bánh lúc nào cũng đầy giỏ. Xung quanh làng đâu đâu cũng có đèn ông sao sáng rực rỡ. Tết trung thu, là ngày mặt trăng tròn nhất, to nhất, đẹp nhất, sáng nhất trong năm. Ba tôi dạy rằng vì đó là ngày mặt trăng gần trái đất nhất. Tôi đoán rằng, mặt trăng và trái đất chắc hẳn

    Là anh em với nhau. Vì cả hai cùng trưởng thành rồi nên mỗi người một nơi, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần. Như ba tôi và thím tôi vậy, họ cũng chỉ được gặp nhau vào dịp tết Nguyên Đán. Thím tôi trưởng thành, lấy chồng ở mãi miền Nam xa tít xa tắp, thím làm việc ở đó nên ít khi mà có thời gian rảnh về thăm ba tôi. Còn ba tôi thì cứng đầu, rảnh cũng không thăm thím bao giờ. Ba bảo kệ cha nó, bảo lấy gần không lấy, xa như thế, ba say xe, ba chả đi đâu. Nhưng mà mỗi lần thím ra Bắc thăm ba tôi là mặt tươi roi rói, mua bao nhiêu là bánh kẹo cho chúng tôi, lại cả quần áo mới cho cả nhà tôi nữa. Mỗi lần gặp lại, chúng tôi đều vui như chẩy hội, mở tiệc linh đình. Nói ngoa vậy thôi, chứ nhà tôi nghèo, thịt con gà là sang chảnh lắm rồi. Thím về, ba tôi cũng biếu thím quà cáp chẳng kém, cho thịt, cho gà, cho trứng, lạc, đỗ, bao nhiêu nông sản nhà trồng là cho thím cả. Nên tôi nghĩ, có lẽ mặt trăng và trái đất cũng vậy, vì một năm chỉ gặp một lần nên mặt trăng vui quá, phát ra những ánh sáng dịu dàng để bày tỏ sự vui mừng của mình khi gần anh trái đất. Thật là thú vị và ấm áp làm sao. Hôm nay trung thu, mẹ mua cho anh Nam một lồng đèn con cá vàng, mua cho tôi một đèn ông sao để chúng tôi đi rước đèn cùng chúng bạn dưới ánh trăng vàng bao trùm khắp không gian làng quê. Thật ra, tết trung thu mà chỉ có lồng đèn thôi thì "lạc hậu" lắm. Bọn bạn tôi toàn đèn điện tử chạy bằng pin, hình thù bắt mắt nữa, nào là búp bê phát sáng có cả nhạc, nào là siêu nhân phát sáng, gậy Tôn Ngộ Không nhấp nháy, đến cả những chiếc cài tóc tai mèo, tai thỏ đủ màu sắc nhấp nhánh, có đứa còn khủng hơn, nó sắm cả bộ trang phục thiên thần có cánh, tay cầm cây phép màu điều ước. Nhìn thèm nhỏ nước nhãi. Thời nay là thế, đồ chơi trẻ con cho những dịp như vậy ngày càng đa dạng và bắt mắt, hiện đại và cũng hại tiền, chúng rất đắt đỏ. Một chiếc đèn con gà chạy bằng pin sáng lấp lánh cũng phải mất một ngày công của ba tôi rồi. Ban đầu tôi cũng đòi mẹ mua cho tôi, tôi hứa là chỉ một năm nay thôi, năm sau con không đòi nữa. Mẹ tôi lưỡng lự và cũng đồng ý. Tôi háo hức làm sao. Có trong tay món đồ chơi đắt tiền đi rước đèn thì thật tuyệt vời, tôi sẽ cho mấy đứa nhà giàu kia lác mắt, rồi chúng nó xin chơi cùng tôi sẽ đuổi hết, nghĩ thôi mà cũng thấy hả lòng hả dạ rồi. Chúng nó có bao giờ cho tôi chơi cùng đâu, vì sợ tôi làm hỏng đồ đắt tiền của tụi nó, tôi ghét. Mẹ dặn ngủ sớm để sáng mai theo mẹ đi chợ mẹ mua cho. Ấy thế mà chả thấy anh Nam Thúi đòi mẹ mua cho cái gì cả. Tôi mới ra cái giọng nói móc, nói khoáy:

    - Chàng Thúi lớn rồi đấy à? Chàng Thúi hổng thích chị Hằng Nga nữa hả? Năm nay Chàng Thúi không rước đèn để giữ gìn thanh cao sao?

    Anh Nam nhìn tôi với ánh mắt khó chịu, cái miệng lại văng ra cả ao nước bọt:

    - Mày lại bắt đầu liên thiên rồi đấy. Tao đâu có trẻ con như mày. Đòi mấy cái vớ vẩn đâu đâu.

    Tôi cãi lại:

    - Đâu đâu cái đầu nhà anh ý, anh bị ốm à, hay cảm rồi, tự nhiên nói như thầy giáo em vậy.

    Anh Nam tiếp lời tôi:

    - Ê Mít, hôm nay mày thắng bao nhiêu viên vi.

    - 10 viên

    - Thế mày đổi 10 viên đó để lấy cái đĩa Tôn Ngộ Không của thằng Thắng Vịt đi.

    Nghe xong mà tôi nhảy bổng lên, tôi cãi lí:

    - Em đâu có điên. Cái đĩa đó xước như cái rẻ lau, xem mất cả hứng, với lại cái đầu đĩa nhà ta hỏng lâu rồi còn gì. Anh quên thật hay quên cố tình đấy. Một ngày vất vả mới kiếm được 10 viên bi, anh tưởng thắng mà dễ à, em phải tiết kiệm chứ. Không đổi đâu, 10 viên bi là tài sản em tích góp. Khi nào đầy cái lọ kia tức là 500 viên thì em sẽ đổi được một đôi giày đi học.

    - Mày tích cũng được hơn nửa rồi còn gì.

    - Em không đổi. Không là không.

    Tôi quả quyết không đồng ý với ý kiến của anh Nam Thúi. Anh nghĩ gì mà lại đề nghị với tôi như vậy, anh biết rõ là tôi quý mấy viên bi đó đến nhường nào cơ mà. Mỗi lần thắng được là tôi lại lau sạch từng viên bi, viên nào viên ấy sáng bóng như được bôi một lớp dầu oliu, màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng đều được phân loại để trong chiếc hộp dưới gầm giường. Có những lần bị thua, tôi lại khóc nhè, ôm khư khư cái hộp bi để an ủi tụi nó vì tôi chơi dở nên mới để chúng nó mất bạn. Anh Nam ngồi đầu giường nhìn tôi với ánh mắt thật khó hiểu, mọi lần mà tôi cãi nhem nhẻm như thế là anh đuổi theo cốc đầu tôi rồi đấy, nhưng hôm nay sao hiền thế nhỉ. Anh khẽ nói:

    - Cái đèn chạy bằng pin đó bằng một ngày công của ba.

    Dứt lời, anh chùm kín chăn đi ngủ luôn, bỏ lại mình tôi bơ vơ dưới ánh đèn điện lập lòe, không gian căn phòng bỗng tĩnh lặng, thời gian như ngừng lại không trôi nữa. Tôi muốn nói điều gì đó nhưng miệng tôi cứng đơ, cả thân hình tôi cũng cứng đơ, tôi chợt nhận ra một điều gì đó, điều ấy đã làm con tim tôi nhói lên một cái, lồng ngực tôi đập mạnh, cơ mặt tôi run run, lòng nặng dần. Tôi quên mất, quên mất là ba tôi còn chưa đi làm về, 9h tối rồi mà ba còn chưa được ăn cơm. Hôm nay ba tăng ca nên về muộn. Ấy vậy mà tôi lại đối xử với ba như vậy, tôi thật đáng trách, lẽ ra tôi nên hiểu chuyện sớm hơn, có như vậy thì tôi mới chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với ba mẹ được. Thật ra, đó là những gì anh Nam dạy cho tôi. Anh bảo nếu yêu ba mẹ, yêu gia đình thì sẽ làm được, hiểu chuyện một chút sẽ giúp tôi đỡ thiếu thốn và nhận được nhiều hơn những gì nhìn thấy. Và tất nhiên tôi có thể làm được. Từ nhỏ tôi đã được sống trong môi trường toàn lối sống giản dị và không cầu kì, từ bà nội tôi, ba tôi, mẹ tôi và cả anh Nam nữa, họ đều là những bậc thầy vĩ đại. Vậy là tôi biết ngày mai đi chợ cùng mẹ tôi sẽ phải làm gì rồi..

    Trăng đã lên đến đỉnh đầu, đã đến giờ bọn con nít chúng tôi rồng rắn lên mây nối đuôi nhau cùng chị Hằng Nga và anh Cuội rước đèn phá cỗ. Đã đến lúc khoe khoang món đồ chơi của mình, khoe những chiếc đèn lồng xinh xắn trên tay. Toàn là tiếng nói cười khanh khách, ánh sáng xanh, đỏ, tím, vàng đủ cả. Chúng tôi đi tới đâu là mấy con chó trong nhà nơi đó lại chạy ra sủa ầm ĩ. Không biết là chúng muốn được hòa chung không khí nô nức cùng chúng tôi hay là nó đang bảo chúng tôi im đi để nó được yên tĩnh nữa. Tôi không quan tâm, dù sao thì tôi cũng phải rước đèn cho đến khi nến tắt đã. Chó có niềm vui của chó, tôi có niềm vui của tôi. Dẫu sao tôi không để bị nó cắn vào chân là được. Nhưng coi bộ, có mấy chú chó còn bị đám đông dọa cho hết hồn hết vía, chạy vào nằm dưới gầm cũi im re, người run cầm cập, trông đáng thương làm sao.

    Trẻ con thì cũng có trẻ ngoan, trẻ hư, đứa quậy tung chảo, đứa hiền như bụt, đứa giỏi như sách, đứa ngu như bò.

    Chúng tôi nối đuôi nhau đi qua một con đường gần cánh đồng, lúc này bóng đèn đường không còn đủ sức chiếu sáng tới chỗ này. Nhưng phải đi qua đó thì mới đến được cung trăng, là nơi mà chúng tôi sẽ được phát quà sau khi rước đèn. Tôi không thích đoạn đường này, tôi sợ bóng tối. Nhưng các bạn biết đấy, đôi khi có những niềm vui có thể lấn át được nỗi sợ. Tôi sợ bóng tối, nhưng tôi thích các món quà bí ẩn kia. Tôi không đi một mình mà là đi cùng vô số người. Sao cứ mỗi lần tôi cần anh Nam là anh lại chạy đi đâu mất tiêu, tôi đành bám vào tà áo của chị Hằng Nga. Bước chân không còn được lon ton, dứt khoát như lúc nãy, bây giờ có vẻ như bước đi ngắn hơn và vấp váp hơn. Tôi nhớ đến lời của bà kể, trong bóng tối sẽ có ma xuất hiện. Giả dụ bây giờ mà ma nó hiện lên thì tôi biết làm thế nào đây, tôi còn không biết nó nói tiếng gì nữa, mà nếu nó ăn thịt tôi thì tôi xin nó tha cho kiểu gì được. Ngộ ngỡ nó bắt tôi về làm vợ thì đời tôi coi như xong. Tại mẹ tôi vẫn mắng "Nghịch như mày có ma nó lấy". Tôi phải thật là thận trọng, nhìn trước nhìn sau, nếu tôi thấy nó thì chạy trước tiên, vì nó chỉ bắt những đứa ở lại cuối cùng được thôi. Đúng vậy, tôi phải thật nhanh chân nhanh mắt. Hơn nữa cũng phải giữ cho cây nến không được tắt, ma sợ ánh sáng và tôi còn có hơn như vậy, cây nến là lửa, tôi sẽ đốt nó nếu đó đòi cưới tôi, hoặc ăn thịt tôi. Đã đỡ sợ hơn rồi, tôi thở cái phào nhẹ nhõm, lấy tay vuốt ngực, coi như là tạm thời an toàn, kế hoạch đã có thì không phải lo lắng.

    Tôi cẩn thân lấy tay che ngọn đèn cây nến để không bị gió làm cho tắt, vì đó là mạng sống của tôi lúc này. Chỉ còn một đoạn nhỏ nữa là qua chỗ tối rồi. Bống cái Mai ở cuối nó hét lên:

    - Ối mẹ ơi cứu con, Ối trời đất ơi, Ối cha mẹ ơiiiiii

    Nó khóc tu tu, vừa khóc vừa hét, hóa ra chỉ là một con nhái xanh nhảy vào chân nó. Mới thế mà nó đã bỏ cuộc không đi tiếp nữa rồi. Các anh chị lớp trên vào an ủi nó cho nó đỡ sợ và cõng nó đi tiếp. Cuối cùng cũng đi hết quãng đường tối mù mịt đó. Tôi đã an toàn. Trong đầu tôi lúc này chỉ toàn là quà, tôi đoán già đoán non không biết năm nay quà to như thế nào. Ước gì đó là một đôi giày hoặc một quyển truyện tranh, hoặc một chiếc cặp sách thật xinh, cặp sách thì đắt quá, nhưng mà là cái hộp bút cũng được. Tôi lại thẩn thơ bước tiếp đoạn đường cuối cùng. Trăng hôm nay đẹp quá, vầng trăng trông như một cô thiếu nữ nhan sắc rạng ngời đang được các vì sao xung quanh tỏ tình tán tỉnh, phát ra những ánh sáng lấp lánh quyến rũ người yêu. Đó là những gì tôi học được từ sách vở. Còn tôi thì thấy mặt trăng như một vị cứu tinh, ban cho tôi ánh sáng để tôi có thể rước đèn vào buổi tối. Trăng càng sáng thì ma sẽ không có cơ hội hiện nguyên hình ăn thịt tôi. Ánh trăng xuyên qua các tán lá cây in bóng xuống lòng đường, xuyên qua mái tóc, xuyên qua gương mặt của các bạn nhỏ. Trăng đẹp quá, lúc này mà dải chiếu nằm ở sân và nhâm nhi một con mực nướng thì còn gì bằng. Sau này mà có người yêu giống chị Hải Tú thì tôi cũng không còn rước đèn nữa, cũng không phải đi đâu xa chơi, chỉ cần ở nhà cùng nhau, nằm nhìn lên bầu trời, ngắm vầng trăng và vạn vì sao, hai bàn tay nắm chặt. Mỗi đứa cầm một quả táo gặm rồi nhai sột soạt, thế là đủ.

    Tôi thấy ướt ướt ở lưng. Ngỡ là mưa, nhưng cái thời tiết này đâu phải là y phục của một cơn mưa đâu chứ. Nhưng tôi cũng đâu đến mức sợ toát mồ hôi đến nỗi ướt lưng áo. Bắt đầu thấy kì lạ, tôi đưa tay vòng vào trong áo phía sau lưng xem là gì. Những đầu ngón tay cũng bị thấm ướt. Tôi đưa lên mũi ngửi, có mùi gì đó giống giống quả rau mùng tơi, nhưng tôi không chắc lắm. Đưa những ngón tay dính nước lên cao hơn để có thể thấy rõ là gì, nhưng ánh trăng không đủ sáng để tôi nhìn thấy màu sắc của loại nước đó. Tôi đang ngơ ngác và khó hiểu cái tình huống tôi đang gặp phải. Sao thế nhỉ? Nó là cái gì? Tại sao nhìn lại bị dính ở áo của mình?

    Bỗng có một cái vỗ vai tôi từ phía sau. Tôi giật bắn cả mình. Toàn thân tê liệu, mạch máu của tôi giường như ngừng hoạt động, không chảy nữa. Trái tim tôi vỡ làm trăm mảnh, mặt tái xanh. Theo phản xạ tự nhiên, tôi quay đầu lại. Một làn gió lướt qua khiến tóc tôi bay lung tung. Là một con quỷ mặt sói thật kinh tởm đến khiếp sợ, mắt trợn trừng đỏ lừ cùng bộ lông rối giằng nhịt bẩn thỉu dí sát vào da thịt tôi, vào khuôn mặt cứng đờ của tôi. Tôi ngất lịm đi.

    Lúc tỉnh dậy thì mặt trời cũng đã lên đỉnh đầu rồi. Và đó là một cái tết Trung Thu tôi muốn quên đi mà không thể quên được. Thêm nữa tôi nghe tin anh Nam Thúi phải qua bà ngoại ở mấy hôm để tránh mặt tôi. Ba mẹ tôi đang phát điên lên vì cho nó đi học chữ học nghĩa mà nó lại học cái trò dọa em gái mình đến phát ngất.

    Hết.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...