Tự Truyện Tôi Ghét Cô Chủ Nhiệm Cũ Của Tôi - Phong

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi phongg1930, 9 Tháng một 2022.

  1. phongg1930

    Bài viết:
    1
    Tác phẩm: Tôi ghét cô chủ nhiệm cũ của tôi

    Tác giả: Phong

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Tôi ghét cô chủ nhiệm cũ của tôi. Ghét, rất ghét.

    Ngày đó, tôi chân ướt chân ráo bước vào trường cấp hai, dò tên theo danh sách và cứ thế vào lớp ngồi. Lớp tôi có ba mươi tám thành viên, quen có, lạ có, nhưng tôi không hứng thú một chút nào với việc kết bạn cả.

    Cô chủ nhiệm dạy văn, tên là Thúy An.

    Cô không xinh như trong lời bài hát, cũng không hiền như cô Tấm khi xưa. Giọng cô đanh đanh, nghe vô cùng chối tai. Cô gầy đét như cái cành cây khô, mặt đen nhẻm, tóc xơ xác như bó rạ. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ để tôi không thích cô rồi.

    Cô giáo, ít nhất cũng phải ưa nhìn, giọng nói phải ngọt ngào để còn đưa chúng tôi chu du vào xứ sở văn chương. Cô giáo dạy văn, phải có lời nói nhẹ nhàng, nói những lời "dịu dàng dễ nghe", phải động viên học sinh khi chúng vấp phải những khó khăn, khen đúng chỗ và chê sao cho không đụng chạm nhiều tới lòng tự ái của những đứa trẻ đương tuổi dậy thì.

    Tất cả những điều đó, cô Thúy An không hề đáp ứng được. Đúng là thất bại mà.

    Tôi vẫn còn nhớ, ngay buổi học đầu tiên, cô đã cho chúng tôi làm bài kiểm tra chất lượng đầu năm. Một học sinh giỏi văn như tôi, mấy bài kiểm tra chất lượng đó có là gì, đề cô cho cũng thật là dễ. Chỉ cần một nửa thời gian quy định, tôi đã làm xong bài rồi. Tôi nộp bài trước sự ngưỡng mộ của cả lớp, ôi cứ ngưỡng mộ đi, vì sắp tới, lần nào kiểm tra văn thì tôi đây cũng sẽ nộp bài nhanh nhất.

    Kết quả, tôi được bốn phẩy năm điểm.

    Tin được không, một học sinh giỏi văn mà kiểm tra văn lại chỉ được bốn phẩy năm điểm, gần như là thấp nhất lớp rồi còn gì.

    Bài kiểm tra tôi viết được sáu mặt giấy, hơn phân nửa trong số đó là nét bút đỏ gạch chồng chéo lên nhau, chói mắt.

    Dĩ nhiên là tôi không bao giờ chấp nhận kết quả này, tôi đã mang bài kiểm tra lên và yêu cầu cô Thúy An chấm lại. Cô không những không chấm lại, còn nặng lời nói tôi, làm tôi bẽ mặt trước lớp.

    Từ đó, trong tâm trí tôi, tình cảm của tôi dành cho cô phát triển từ "không thích" trở thành "ghét".

    Ghét thế nào ư? Dĩ nhiên là ghét cay ghét đắng rồi.

    Những bài giảng của cô vô cùng khô khan, kết hợp với chất giọng đanh đanh liền tạo thành những giờ văn chán chết.

    Rõ ràng đang phân tích tác phẩm "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu, cô lại chuyển sang nói về tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán. Lan man quá, nói để làm gì trong khi chỉ riêng "Lượm" đã ghi đặc năm mặt giấy?

    Những buổi học văn bồi dưỡng, cô không dạy mà bắt chúng tôi làm đề. Làm đề chán, cô chữa đề. Tôi công nhận là làm đề thì phải chữa, nhưng cách chữa đề của cô khiến tôi không thể nào ngấm nổi. Cô ngồi trên bục giảng, đọc lời giải cho chúng tôi chép. Đọc lời giải cho chúng tôi chép thì chớ, nhưng cô đọc cứ đều đều, chẳng có tí cảm xúc nào, thành ra cơn buồn ngủ ập tới ngay tức khắc. Và thế là tôi, cùng với một số các bạn khác lăn ra ngủ, không thèm ghi bài nữa. Dù sao thì việc tôi ngủ trong lớp cũng là lỗi của cô, vì cô đã không gây được sự chú ý của tôi với bài học. Vậy mà mới chợp mắt được một tí, cô đã mắng sa sả vào mặt rồi. Cô không thể nói nhẹ nhàng được ư? Cô không thể dạy dỗ học sinh giống như cô chủ nhiệm lớp bên cạnh ư? Chưa bao giờ tôi khao khát được chuyển lớp đến như thế.

    Ngoài những tiết văn "ác mộng", còn có giờ sinh hoạt cũng "ác mộng" không kém. Lớp người ta, giờ sinh hoạt vui vẻ bao nhiêu, thì lớp tôi, giờ sinh hoạt "kinh hoàng" bấy nhiêu.

    Tại sao lại "kinh hoàng"? Vì suốt bốn mươi lăm phút đó, cô chẳng làm gì ngoài dùng những lời nói nặng, to tiếng để nói chúng tôi. Suốt bốn mươi lăm phút, chúng tôi chẳng làm gì ngoài việc ngồi im một chỗ để cô "dạy dỗ" cả. Bốn mươi lăm phút, có khi hơn, chỉ ngồi nghe những lời quở trách nặng nề, tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng. Gì mà "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", đối với tôi, mỗi ngày đến trường luôn luôn là một niềm đau.

    Nhưng mà, người ta vẫn thường nói, trong cuộc đời này, có những thứ phải mất đi rồi mới nhận ra là mình đã từng có được.

    Tôi vẫn sẽ mãi mãi ghét cô như thế, nếu như chẳng có ngày thứ bảy của sáu năm về trước.

    Hôm đó, tôi trực nhật nên đã đến lớp sớm. Theo thường lệ, ai trực nhật thì sẽ giữ chìa khóa lớp, tới lớp mở cửa và dọn dẹp cho sạch sẽ. Vì đến phiên tôi trực nhật, nên tôi chắc hẳn phải là người tới lớp đầu tiên.

    Từ phía sân trường nhìn vào lớp học, tôi thấy đèn sáng. Chết, chả lẽ hôm qua mình về mà không tắt điện? Hay là có ai đó tới sớm hơn tôi?

    Suy đoán của tôi khá đúng, vì có mặt trong lớp lúc đó là cô Thúy An và lớp trưởng lớp tôi.

    Đứng ngoài cửa, tôi nhìn thấy cô khóc, nghe thấy giọng cô nghẹn ngào nức nở.

    Cuộc nói chuyện giữa cô và lớp trưởng hôm ấy, tôi nghe không sót một chữ nào.

    Cô không xinh, cũng không hiền như cô Tấm khi xưa. Giọng cô đanh đanh, nghe vô cùng chối tai. Cô gầy đét như cái cành cây khô, mặt đen nhẻm, tóc xơ xác như bó rạ.

    Tại sao lại như thế? Bởi cuộc đời cô vô cùng gian nan vất vả.

    Vì cô vừa đi dạy, vừa một tay quản công việc đồng áng. Nhà cô nghèo, năm miệng ăn trông chờ vào đồng lương giáo viên và mảnh ruộng phèn chua đất mặn. Bố cô bị tai biến, em trai bị động kinh, tiền thuốc thang chạy chữa dồn lên đôi vai gầy. Chồng cô mất sớm, một nách hai con, tay chèo tay chống một mình bươn chải giữa cuộc đời, người phụ nữ tảo tần ấy chẳng còn phút giây nào để chăm lo cho mái tóc xác xơ, cho gương mặt đen nhẻm.

    Giọng của cô đanh đanh chối tai, là do cơn hen suyễn hành hạ. Suốt ngần ấy năm trên đời, nghe biết bao câu chuyện kể mà dường như tôi chưa thấy một cô giáo nào có số phận lao đao, sóng gió đến thế.

    "Nước non lận đận một mình

    Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay."

    Bài kiểm tra bốn phẩy năm điểm gạch đầy mực đỏ, không phải là tại cô chấm sai, mà là tại tôi chủ quan, tự tin thái quá rồi làm sai đề, làm lạc đề. Bốn phẩy năm, là ngưỡng điểm cao nhất mà cô có thể chấm. Này tôi ơi, cô Thúy An đã chấm rộng tay lắm rồi.

    Những bài giảng của cô vô cùng khô khan, kết hợp với chất giọng đanh đanh liền tạo thành những giờ văn chán chết.

    Không, chẳng chán một chút nào, chán là do tôi không chú ý đến bài giảng của cô, lúc nào cũng nghĩ tâm huyết mà cô bỏ ra chẳng bằng nơi bố mẹ gửi tôi tới học thêm vào mỗi buổi tối.

    Rõ ràng đang phân tích tác phẩm "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu, cô lại chuyển sang nói về tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán. Lan man quá, nói để làm gì trong khi chỉ riêng "Lượm" đã ghi đặc năm mặt giấy?

    Chẳng phải riêng gì "Lượm", học tác phẩm nào cô cũng so sánh và liên hệ với các tác phẩm khác, cốt để chúng tôi hiểu bài hơn, nhìn nhận vấn đề một cách sâu và rộng hơn, sau đó áp dụng vào bài thi để đạt được kết quả tốt nhất.

    Những buổi học bồi dưỡng, cô cho chúng tôi làm đề. Làm đề để luyện phản xạ, khi vào phòng thi chúng tôi sẽ không bị bỡ ngỡ. Cô muốn nhìn thấy học trò của cô khi nhận lấy đề thi, đứa nào đứa nấy cũng sẽ "à" lên một tiếng, vì dạng này cô An đã dạy rồi, dạy ít nhất hai lần rồi.

    Việc tôi ngủ trong lớp vào giờ bồi dưỡng, ấy cũng chẳng phải do cách chữa đề buồn chán, cách đọc đều đều như ru ngủ, mà xuất phát từ chính bản thân tôi. Ai là người thức cả đêm hôm trước để chơi điện thoại, bỏ ngoài tai câu nhắc nhở của bố và tiếng thở dài của mẹ? Ai là người trưa hôm đó không chịu tranh thủ chợp mắt một tí để cho buổi chiều đầu óc tỉnh táo hơn, cứ mải mê xem nốt bộ phim truyền hình? Tới khi cơn buồn ngủ bủa vây lấy, liền kiếm cớ cô dạy chán, giọng cô đanh đanh, cách đọc đều đều để đánh một giấc ngon lành ngay trên lớp?

    Còn những giờ sinh hoạt cuối tuần "ác mộng" là vì sao? Lúc nào cũng đổ lỗi cho cô, đổ tội cho những lời khiển trách nặng nề của cô mà chẳng quay lại nhìn bản thân mình. Tại sao cô khiển trách? Nhìn lại xem một tuần vừa qua lớp đã làm điều gì khiến cô phiền lòng. Tại sao cô phải nặng lời? Nhìn lại xem thái độ của học sinh cô chủ nhiệm, rằng nó cúi đầu nhận lỗi chưa, hay cứ vênh mặt lên như đang thách thức?

    Cô còn khiển trách chúng tôi, ấy thế là cô vẫn còn quan tâm tới lớp lắm! Nếu như cô chẳng thiết tha gì, thì cô đã bỏ mặc chúng tôi từ những ngày đầu tiên rồi.

    Thực ra cô không dùng những lời nói nặng, to tiếng để nói chúng tôi mà là do tôi ghét cô. Ừ, vì ghét nên đã "tìm đủ mọi đàng mà chê", vì ghét nên đã "nói thiếu nói thừa như không". Cô chẳng làm gì nên tội cả, chính tôi, chính sự ác cảm trong tôi đã quàng lên đầu cô những lời khó nghe nhất.

    Cô Thúy An chẳng đáng bị nói như thế đâu mà.

    Tôi đã không cố gắng để hiểu cô, đã lờ đi những nỗ lực muốn hiểu tôi, muốn gần gũi tôi của cô.

    Cô chỉ muốn tôi mở lòng ra kết bạn, hòa nhập với cả lớp.

    Cô chỉ muốn tôi trở thành một phần của lớp, trở thành một học sinh ngoan để cô dạy dỗ từng ngày.

    Cô chỉ muốn tôi đừng đối xử như vậy với cô nữa.

    Cô chỉ muốn quan tâm tôi, quan tâm tới từng bạn một trong lớp.

    Vì "cô là mẹ, và các cháu là con."

    Mắt tôi mỗi lúc một hoa lên. Những lời nói của cô không ngừng nhảy múa trong đầu tôi, cứ nhảy hết một điệu, chúng lại mở ra cho tôi một bí mật mới, những bí mật sâu thẳm trong lòng cô mà dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy thì tôi cũng không thể nào hình dung nổi. Hóa ra đằng sau những con điểm xấu xí có thể tước đi danh hiệu học sinh giỏi, học sinh khá bất cứ lúc nào, sau những lời phê nghiêm khắc trên mỗi bài kiểm tra và sau những câu quở trách nặng nề trước lớp lại là một trái tim dạt dào tình yêu thương. Tình yêu thương rộng lớn và lặng thầm thầy cô dành cho học trò đó, học trò ít khi nhìn thấy.

    Không những không nhìn thấy, lại còn nghi oan cho tấm lòng tận tụy của cô. Tệ hơn nữa, tôi đã ghét cô suốt một quãng thời gian dài, nói cô thế này thế nọ, tìm mọi cách để càng ngày càng ghét cô. Thật đúng là nông nổi và dại dột, và rồi bây giờ bứt rứt và hổ thẹn, không dám đối mặt với cô.

    Đúng là cô chẳng hiền, chẳng dịu dàng như cô Tấm trong truyện cổ tích, mà cô giống mẹ. Tình yêu của cô cũng giống mẹ, không có khởi đầu cũng chẳng có kết thúc. Nó dung dị mà vĩ đại, tự nhiên mà mạnh mẽ vô cùng. Cho đi chín mươi chín phần trăm mà chỉ nhận lại đuợc một phần trăm ít ỏi.

    Tôi hối hận rồi. Con bé mười hai tuổi ấy đã hối hận rồi. Bởi khi đó, nó đánh giá con người bằng "mắt" chứ không phải bằng "tim".

    Biết bao nhiêu lần tôi muốn thành khẩn đứng trước mặt cô, thật lòng xin lỗi cô và mong cô tha lỗi. Biết bao nhiêu lần tôi muốn hỏi cô rằng, liệu em có thể ôm cô một cái đuợc không?

    Nhưng mặc dù muốn đến như vậy, tôi vẫn không đủ dũng cảm để thực hiện ý định của mình. Tôi cứ lừng khà lừng khừng, dùng dà dùng dằng, nhiều lần đã chạy tới sau lưng cô và chỉ cách cô một sải tay nữa, tôi bỗng đâm ra hoang mang và lo lắng vu vơ, cuối cùng lại tiu nghỉu nuốt xuống những lời mình muốn nói.

    Và để đáp lại những nấn ná đó trong lòng tôi, một ngày cuối năm, cô nhận quyết định chuyển công tác.

    Cô lẳng lặng rời đi mà chẳng nói với chúng tôi – những đứa ghét cô một câu nào. Nói làm gì trong khi chúng tôi không "lắng nghe"? Đúng, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ "nghe" chứ không hề "lắng nghe", để rồi không "thấu hiểu".

    Tới tận lúc cô đã ngồi trên xe khách, tôi mới biết về việc cô chẳng còn là cô chủ nhiệm của tôi nữa.

    Trách cô một, thì trách tôi mười.

    Người run rẩy, tôi cố cắn chặt môi để đè nén nỗi thổn thức dâng lên trong lòng. Nhưng tôi chỉ kiềm chế được một lúc thôi, chỉ năm phút sau tôi đã òa lên khóc.

    Sau tất cả, tôi nợ cô An một lời xin lỗi.

    Sáu năm trôi qua, giờ tôi lớn rồi. Tôi đã không còn như xưa, không chủ quan, không tự tin thái quá, giờ giấc sinh hoạt đã khoa học hơn, đã biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ hơn, đã biết nhìn người bằng "tim" chứ không phải bằng "mắt". Tôi cũng đã hoàn thành được rất nhiều điều dự định đã đặt ra, duy chỉ có dự định xin lỗi cô là vẫn chưa làm được.

    Nhờ cô Thúy An, mới có tôi của ngày hôm nay.

    "Mai đây trên bước đường dài

    Công thành danh toại nhớ hoài ơn cô."

    Tôi yêu cô chủ nhiệm cũ của tôi. Yêu, rất yêu.
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...