Đây là lon nước còn dư của một bé khách còn hơn nửa lon. Và tui rót uống ngon lành. Mặc dù bé ấy rót ra chưa hề chạm miệng vào.. nhưng uống đồ dư thừa ngta liệu có quá bần tiện không. Cách đây nhiều năm, có 1 lần tôi và người yêu ham vui theo chân nhóm moto đi chơi ở một thôn bản gì đó nằm rất xa phía biên giới Nghệ An, thăm một cô bạn đi dạy tình nguyện ở đó. Tất nhiên chúng tôi đến một cách bất ngờ, không một lời thông báo trước. Những con người trẻ ở SG như chúng tôi không hề có ý định đi từ thiện hay tình nguyện gì cả, cũng không tìm hiểu cô giáo ấy đang sống dạy học ở một nơi như thế nào, chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi cho vui sẵn thăm bạn. Trèo đèo lội suối, đi nhờ xe bò, rồi cuốc bộ cả nửa ngày đường mới đến được trường nơi cô bạn dạy học. Trong đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến đó làm cô ấy bất ngờ, trêu chọc và nghĩ đến chuyện xin ăn ké, phải bắt cô giáo nhà giàu khao cho bằng hết tháng lương đầu. Đúng giờ cơm chiều, đương nhiên là cô giáo vừa vui vừa bất ngờ, mắc cỡ gần chết bởi lời trêu chọc. Mọi thứ chẳng có gì để nói khi chúng tôi kéo nhau vô lớp học để định ăn ké cơm mà không cần xin xỏ gì cô bạn. Để rồi cả đám ngơ ngác, thậm chí thảng thốt.. rất lâu, để rồi ngay cả mấy ông anh hổ báo cứng rắn nhất cũng lén quay mặt đi lau nước mắt, tất nhiên tôi và cô người yêu cũng nước mắt lưng tròng. Trong tô cơm của những đứa trẻ ấy chỉ là rau, canh mà chúng tôi chưa từng biết.. và thịt chỉ là một mẩu thịt nhỏ rim mặn với rất nhiều đậu (lạc) rang muối trộn cơm. Miếng thịt nhỏ đến nổi một phần thịt dĩa cơm sườn ở SG cô giáo có thể cắt ra chia được đến 5 6 đứa. Hôm ấy chủ nhật.. là ngày trong tuần tụi nhỏ được ăn sang. Nhà tụi nhỏ nghèo, đi học được là một việc khó, tiền cô giáo mang theo, tháng lương đầu đã dành cho việc mua sắm sách vở, phấn bút và áo ấm. Chi phí, trợ cấp phía trên cũng như nhỏ giọt khi về đến nơi này. Hằng ngày ăn rau, dưa mắm, muối.. thịt cá thậm chí cô giáo phải trổ tài làm thành chà bông, xay nhỏ trộn vào cơm cho có mùi vị. Thịt miếng nguyên nhỏ xíu như hôm ấy là ngày duy nhất trong tuần cô trò tự cho phép ăn hoành tráng.. Cô giáo đùa, lên đây không cần đi tập gym cũng giảm cân siêu hiệu quả. Tất cả chúng tôi đều cười, để rồi đều xót xa, ngơ ngác và giận dữ với chính bản thân mà chẳng biết giận vì điều gì. Cả một ngày đường về SG chúng tôi đều k ăn gì và cũng vì toàn bộ tiền mọi người đều gom để lại cho cô giáo, chỉ chừa đủ tiền xăng về. Mắt thấy, tai nghe.. không hề có 1 sự sắp đặt, hình ảnh những đứa nhỏ không quen biết đó, lời kể của cô giáo trẻ bạn mình ám ảnh trong lòng tôi.. day dứt đến lạ. Đó là lúc tôi và người yêu thay đổi hoàn toàn mặc dù trước đó tôi vẫn đọc, vẫn xem những chưng trình truyền hình, những clip trên mạng về cuộc sống ở nơi rừng núi xa xôi.. nhưng chỉ xúc động một chút rồi quên ngay. Mắt thấy tai nghe đã khiên tôi trở nên khác, thay đổi mình trong việc ăn uống, người yêu tôi dù là một cô gái nhà rất giàu cũng trở nên khác, trân trọng đồ ăn thức uống hơn, đi ăn dù là nhà hàng hay quán ven đường đều cố gắng ăn hết phần ăn của mình, đi tiệc nhậu nhẹt bạn bè chúng tôi đều sẵn sàng xin hộp bỏ đồ ăn thừa nếu hợp lý với cách nhìn của chúng tôi để mang về, hoặc làm nóng ăn bửa sau, hoặc dành cho chó mèo hàng xóm.. Cho đến giờ tôi vẫn giữ thói quen "bần" như vậy, luôn cố ăn hết phần ăn của mình, vô tư bỏ hộp mang về đồ ăn nhìn vẫn còn nguyên nguyên cho dù là đang đi hẹn hò bạn bè, gái gú, chai nước của khách còn nhiều mà tôi chắc họ chưa ngậm miệng vào.. tôi đều giữ lại trong tủ lạnh nhâm nhi uống dần. Vẫn cứ vô tư, vui vẻ mặc dù tôi biết có nhiều lời nói trước mặt sau lưng. Tôi không thánh thiện, đạo đức gì, càng không thiếu thốn đến không mua nổi nước mắc tiền.. Nhưng vẫn vui vẻ làm theo ý mình thích từ lần đi chơi đó.. cũng không nghĩ quá sâu xa rằng sẽ giúp dc gì cho những con người thiếu thốn đâu đó từ việc thói quen ăn uống của mình. Tôi chỉ đơn giản muốn "bần" như vậy.. để chính lòng mình được an yên! Nguyễn Mon
Câu chuyện của bạn thật cảm động, làm mình nhớ đến những câu chuyện về bọn trẻ con mà anh rể mình kể - sau những chuyến đi của anh ấy lên vùng cao với hội mê đạp xe của anh, những câu chuyện khác nhau nhưng đều có điểm chung là: Tụi nhỏ ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, và nghèo, thiếu thốn, dễ dàng vui sướng và cực kỳ hạnh phúc với những món ăn, món quà nhỏ mà đám người lớn thì nhìn (hay nghe kể thôi) đều rơi nước mắt. Mình thì không phải đến khi biết những câu chuyện đó mới có thói quen ăn uống tiết kiệm, mà là từ nhỏ đã có thói quen vậy rồi, và đúng là không phung phí khiến bản thân thấy đúng đắn, quan trọng là vậy :)