Cảm Nhận Thơ Tình Trai - Xuân Diệu

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Lê Thành Hưng, 17 Tháng năm 2024.

  1. Lê Thành Hưng

    Bài viết:
    11
    Tình trai

    Xuân Diệu

    Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng bộc bạch:

    "Yêu là chết ở trong lòng một ít

    Vì mấy khi yêu mà ta được yêu"

    Tình yêu là một hành trình mà con người ta phải đối mặt với muôn vàn trắc trở thế. Bài thơ Tình trai của ông cũng vậy, đó chính là một hành trình dũng cảm của đôi lứa đồng tính yêu nhau vượt qua định kiến và quy chuẩn xã hội.

    Để làm minh chứng cho hành trình tình yêu đầy phức tạp ấy, Xuân Diệu đã mượn hình ảnh của hai nhà thơ người Pháp để kể câu chuyện tình cảm đó. Đó chính là Rimbaud - một nhà thơ lớn tuổi người Pháp và Verlaine - một nhà thơ trẻ hơn Rimbaud 10 tuổi. Câu chuyện tình của họ đã được bắt đầu từ những câu thơ truyền tay nhau nhưng cùng vì thế mà từ đó họ đã bị đẩy vào sự xa lánh và kì thị của xã hội.

    "Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,

    Hai chàng thi sĩ choáng hơn men,

    Say thơ xa lạ, mê tình bạn,

    Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen."

    Xuân Diệu không hề khẳng định một cách chắc chắn về câu chuyện tình này mà ông lại chỉ thuật lại rằng "Tôi nhớ". Chính cách nói này đã khiến cho câu thơ trở nên trữ tình hơn với người đọc. Hơn nữa, câu thơ có bảy chữ nhưng đã có tận năm chữ là vần bằng. Điều này đã khiến cho giọng điệu trở nên tâm tình và thủ thỉ hơn. Lúc đó, lời tâm sự của Xuân Diệu đã bắt đầu - anh nhớ về Rimbaud với Verlaine. Tại sao lại là hai cái tên đó mà không phải là ai khác. Bởi đó là hai nhà thơ tình người Pháp, họ đều là những người xuất phát từ nền văn học giàu trù phú với nhiều thi phẩm hay cho nhân loại. Đó chính là hai cái tên của hai thi sĩ gắn liền với những câu chuyện tình cảm tuy bình dị song lại hết sức cao đẹp. Họ đều có một điểm chung - nét "choáng hơi men". Cái "choáng hơi men" được đề cập trong câu thơ thứ hai thực chất là nét nam tính nhẹ nhàng, mềm mại, đậm chất thư sinh chứ không phải là một nét nam tính theo quy chuẩn xã hội là sự quyết đoán, mạnh mẽ và bạo lực. Nhưng đó cũng không phải là nét nữ tính mà phần lớn người đồng tính bị quy chụp. Người Việt ta có câu "Gió tầng nào gặp mây tầng đó", những điểm chung kia đã trở thành sợi dây đã kết nối hai con người đó lại với nhau, tạo những cảm hứng chung cho một câu chuyện tình.

    Câu chuyện tình của cặp đôi thi sĩ này không bắt đầu từ đâu xa mà xuất phát từ chính những cảm hứng đời thường, bình dị. Có ý kiến cho rằng: "Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là đích đến của văn học". Chỉ từ cảm hứng về "thơ", chỉ từ những cơn say với thi ca mà đã có thể khơi nguồn cho một câu chuyện tình ấy. Từ những câu thơ, đối thơ "xa lạ" mà họ có thể đồng ứng, tương hỗ mà làm nên những câu chuyện hay rồi giúp cho mối quan hệ đó phát triển lên thành tình bạn. Nhưng ông hoàng thơ tình lại dùng từ "mê" thay vì "thích" hay "yêu" liệu có phải do họ đã sa vào mật ngọt của thơ ca, sa vào mật ngọt của tình yêu. Dường như lúc này, Rimbaud và Verlaine đã tiến lên một cung bậc cao hơn nữa của tình yêu - thích và nhớ nhung. Bởi nhà thơ đã rất tài tình trong việc sử dụng từ ngữ. "Say mê" vốn là một từ chỉ sự say đắm của con người. Ấy vậy mà, ông hoàng đã tách thành hai từ "say" và "mê" đi kèm với những diễn biến của cuộc tình làm cho câu chuyện tình này được tiến triển một cách tự nhiên hơn.

    Chính vì sự bình dị ấy mà cả hai nhân vật trữ tình đã không viết câu chuyện tình của mình theo bất kì mô-típ quen thuộc nào. Dấu phẩy trong hai câu thơ tiếp theo đã ngắt thành phép liệt kê về câu chuyện tình của họ. Họ thậm chí còn "khinh rẻ" và "bỏ" những ràng buộc đó. "Khuôn mòn" và "lối quen" đều thuộc một trường từ vựng chỉ những hình mẫu, thủ tục đã có sẵn trong tình yêu. Khuôn mòn chính là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, xã hội nói gì bạn làm đấy. Xã hội phong kiến Việt Nam chỉ coi tình yêu chuyện cưới xin, chuyện con cái, chuyện vợ chồng, tất cả đều bị đặt dưới sự soi mói của xã hội, chịu tiếng rèm pha của họ. Vậy tại sao họ phải làm những thủ tục đó? Vì xã hội cho rằng đó là tình yêu, đó là sự gắn kết, chỉ có như vậy mới có thể giúp cho con người hạnh phúc. Còn "lối quen" cũng vậy, đó là một hành trình bao gồm: Tán tỉnh mật ngọt - kết hôn vội vã - sinh con đẻ cái - chung sống. Nhưng cuộc khủng hoảng mất nước những năm 1900 đã giúp cho các nhà thơ thức tỉnh. Họ đã nhận thức được rằng tình yêu không phải là như vậy. Tình yêu là một sự gắn kết về tình cảm, cảm xúc và có thể là thể xác. Nó phải xuất phát từ nhịp đập trái tim, từ một thời điểm mà lí trí không thể lí giải được. Xuân Quỳnh sau này qua bài thơ "Sóng" đã bất lực khẳng định rằng:

    "Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau"

    Hay như chính Xuân Diệu sau này lí giải rằng:

    "Làm sao để cắt nghĩa được tình yêu!

    Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều"

    Thật may mắn vì tình yêu của nhân vật trữ tình cũng như vậy, không có bất kì một hình thức, một định kiến nào có thể ràng buộc họ. Đây dường như là một động lực lớn lao để không chỉ họ mà những đôi lứa cùng giới khác có thể theo đuổi, phải chăng bao gồm cả Xuân Diệu với người bạn Huy Cận của mình.

    Từ những rung cảm đầu tiên của tiếng yêu, câu chuyện tình của đôi bạn người Pháp này đã bước sang những buổi hẹn hò bình dị nhưng cũng hết sức lãng mạn của một tình yêu đích thực

    "Những bước song song xéo dặm trường,

    Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương,

    Họ đi, tay yếu trong tay mạnh,

    Nghe hát ân tình giữa gió sương."

    Buổi hẹn hò ấy bình dị từ những bước đi nhẹ nhàng cũng đầy tiếng vang. Nó nhẹ nhàng từ những bước "song song" nhịp nhàng, đồng điệu trong tâm hồn. Nhưng những bước đi ấy cũng không kém phần mạnh mẽ bởi nó "xéo" rất mạnh mẽ và mãnh liệt. "Xéo" ở đây được hiểu là những bước giẫm mạnh mẽ, giẫm bất cứ nơi đâu trên đoạn đường dài. Đoạn đường ấy thực dài, dài với số từ "dặm" - nghìn mét, dài với tính từ Hán Việt "trường". Tất cả đã làm nên âm hưởng mạnh mẽ của buổi hẹn hò đầy ân tình ấy. Với những bước đi mạnh mẽ này, Xuân Diệu như muốn thay các nhân vật trữ tình khẳng định tình yêu của họ một cách quyết đoán. Đây tựa như lời tuyên ngôn về tình yêu của họ: Chúng tôi sẽ cùng nhau đi tới cuối chặng đường dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn và gian khổ. Với lời tuyên ngôn này, nhà thơ đã thể hiện một cái tôi mãnh liệt, một cái tôi sẵn sàng bảo vệ cho cái đẹp của tình yêu. Nguyễn Bính với bài thơ Nhớ đã khẳng định rằng "Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người", tình yêu của hai nhân vật trữ tình cũng sẽ kiêu hãnh và trường tồn như vậy.

    Có điều tình yêu đâu chỉ gắn liền với những hành động mạnh mẽ mà nó còn gắn liền với cách bộc lộ tình cảm thấu đáo. Đầu tiên là sự gắn bó giữa tôi và bạn. Họ hài hòa và đồng điệu trong tâm hồn. Cách nói "Đôi hồn" khiến cho câu chuyện tình của họ trở nên tâm tình hơn, làm cho các nhân vật trữ tình - ta với mình, mình với ta tuy hai mà một. Hơn nữa, điều này đã khiến cho câu thơ trở thành tiếng nói tình cảm, thành "chuyện đồng điệu, tiếng nói của đồng ý, đồng chí, đồng tình". Cuộc hẹn hò của họ còn lãng mạn qua đảo ngữ "tươi đậm" và "ngát hoa hương". Xuân Diệu nói là "tươi đậm" để nhấn mạnh hương vị của cuộc tình đậm đà, nồng thắm nhưng ông cũng nói là "ngát hoa hương" như để lan tỏa hương dịu nhẹ của cuộc hẹn hò. Hơn nữa, chẳng phải "hoa" ẩn dụ cho những gì tinh tuý của con người hay sao? Chính cách miêu tả này đã làm nên một phép đối lập vừa cân xứng, vừa hài hòa. Rồi cả cái nắm tay lúc họ đi cũng thật tình biết bao. Cái nắm tay đó tình, tình từ cách "họ đi". Dấu phẩy trong câu "Họ đi, tay yếu trong tay mạnh" đã ngắt câu thơ thành nhịp 2/2/3 tạo nên nhịp nhàng trầm bổng của cuộc tình. Phép đối lập "yếu.. mạnh" khi kết hợp với liên từ "trong" đã giúp cho cái nắm tay của họ trở nên thắm thiết hơn nữa. Bởi trong tình yêu ai cũng có những lúc mềm yếu, ai cũng có những lúc cần được chở che. Cách nói "tay yếu trong tay mạnh" đã gợi ra sự bao bọc và chở che của cả hai người khiến cho tình yêu của họ không chỉ mạnh mẽ, không chỉ dịu dàng mà còn đầy ấm áp. Đọc đến đây, độc giả như được sưởi ấm trong tâm hồn của họ, như được tiếp thêm hi vọng về tình yêu đẹp đẽ. Cuộc hẹn này tình thật đấy! Nó còn tình trong tiếng hát của anh và em, hát cho nhau nghe những giai điệu ân tình giữa gió sương se lạnh đặc trưng của tiết trời mùa thu. Sau này, ta cũng bắt gặp những tiếng hát ân tình ấy trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu khi phác họa bức tranh tứ bình mùa thu

    "Rừng thu trăng rọi hòa bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung"

    Ôi! Cuộc hẹn hò này lãng mạn biết bao. Chính cái giản dị của cuộc tình này đã làm tan chảy biết bao nhiêu trái tim của người đọc.

    Câu chuyện tình giữa hai người thi sĩ này đã tiến đến một bước ngoặt mới - lời tuyên ngôn mãnh liệt về tình yêu, về sự gắn kết bền chặt

    "Kể chi chuyện trước với ngày sau;

    Quên gió môi son với áo màu;

    Thây kệ thiên đường và địa ngục!

    Không hề mặc cả, họ yêu nhau."

    Mặc kệ cho sự chảy trôi của thời gian, họ vẫn tiếp tục câu chuyện tình đẹp đẽ của mình. Cách hỏi "Kể chi" dường như không phải để hỏi mà để khẳng định sự tiếp diễn của câu chuyện ấy. Phép đối "chuyện trước với ngày sau" đã nhấn mạnh rằng sự luân chuyển của thời gian sẽ không bao giờ ngăn lại được họ. Dù là "chuyện trước" trong quá khứ, dù là "ngày sau" của tương lai, họ vẫn sẽ tiếp tục sống và yêu hết mình. Mặc kệ cho những cám dỗ của cái đẹp, họ vẫn sẽ yêu và gắn bó bên nhau. Xuân Diệu đã rất tinh tế khi sử dụng hình ảnh "gió môi son" và "áo màu" để hoán dụ cho những bóng dáng của người phụ nữ, người con gái đẹp trên trần gian. Bởi cả hai hình ảnh này đều chỉ cái đẹp bề ngoài của người phụ nữ, đều chỉ những đặc điểm mà có thể thu hút nhiều ánh nhìn đến từ đối phương, có thể khiến cho họ xao lòng. Ấy vậy mà họ vẫn có thể quên được những cám dỗ đó. Phải là người có bản lĩnh rất lớn thì mới có thể đủ dũng cảm để quên đi những hình ảnh đó. Có lẽ tình yêu lớn lao của cả hai người thi sĩ đã giúp cho họ vượt qua chúng. Đó mới đúng là tình yêu. Chỉ có tình yêu cao cả mới giúp cho con người ta sẵn sàng bỏ qua cả cái đẹp để đến với lí tưởng cao cả. Tình yêu là vậy đấy, sẵn sàng chấp nhận cả những điểm yếu của nhau để vươn lên mà sống chứ nó không cần con người ta phải có ngoại hình đẹp, phải biết nói lời ong bướm.

    Do đó, câu chuyện tình này đã được khép lại bằng lời khẳng định đanh thép của nhà thơ và cũng là lời tổng kết cho hành trình đến với tình yêu của hai chàng thi sĩ. Không chỉ vượt qua nỗi lo về thời gian, cám dỗ của cuộc đời mà hai chàng thi sĩ còn sẵn sàng đi cùng nhau cả một hành trình khó khăn và thử thách. Xuân Diệu đã sử dụng phép đối "thiên đường.. địa ngục" để nhấn mạnh những khó khăn trong hành trình tình yêu dài. Con người ta sau khi sống hết cuộc đời của mình có hai nơi để đến - thiên đường và địa ngục. Thiên đường là nơi người tốt được đưa đến còn địa ngục là nơi của người xấu. Còn với câu thơ này, nếu như "thiên đường" ở đây có thể hiểu là sự công nhận, ủng hộ của xã hội, của cộng đồng thì "địa ngục" là sự cấm đoán, ngăn cản của xã hội để họ không thể tiến tới tình yêu của mình. Nhưng dấu chấm than cuối câu đã biến câu thơ trên thành một lời khẳng định đanh thép, làm cho giọng điệu trở nên dứt khoát hơn. Chưa dừng lại ở đó, họ còn dứt khoát trong chuyện tình của mình qua lời khẳng định "Không hề mặc cả, họ yêu nhau". Nhịp thơ 4/3 lúc này đã giúp cho câu thơ tách thành hai câu tuyên ngôn mạnh mẽ. Thứ nhất, họ "không hề mặc cả" với những định kiến của xã hội, với sự sắp đặt của gia đình, với những lối tư duy cũ. Thứ hai, "họ yêu nhau" dù biết bản thân có phải đối mặt với muôn vàn trắc trở. Đó mới chính là tình yêu, như ca dao từng dặn ta rằng:

    "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

    Thất bát sông cũng lội

    Tam thập lục đèo cũng qua"

    Một câu chuyện tình đẹp rất cần những lời tuyên ngôn mạnh mẽ như thế này, chứ nó không cần một cuộc hôn lễ rườm rà, không cần một bộ sính lễ của thông gia hai bên, không phải "cưới vợ phải cưới liền tay" chỉ để tránh lời rèm pha của người đời. Lời tuyên ngôn mạnh mẽ này phải chăng đã thức tỉnh biết bao nhiêu con người đang đi trên hành trình này.

    Để viết lên câu chuyện tình đẹp này, Xuân Diệu ắt hẳn đã rất tài tình với ngòi bút của mình. Ông đã sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt của văn học cổ - làm cho mẩu ngôn tình hiện đại của hai chàng trai người Pháp này đẹp mang đậm tính cổ điển. Hơn nữa, Xuân Diệu đã sử dụng ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc kết hợp với một chút yếu tố Hán - Việt làm cho tính cổ điển và hiện đại của bài thơ như được xen kẽ với nhau vậy. Bên cạnh đó, giọng điệu của bài thơ cũng rất linh hoạt, có những lúc trầm lắng, có những lúc thủ thỉ tâm tình, nhưng cũng có lúc mạnh mẽ, quyết đoán. Sự tài tình của ông đã góp phần làm nên một "Tình trai" rất đẹp trong lòng người đọc.

    Diệp Tiến từng nhận định: "Thơ là tiếng lòng" và "Tình trai" cũng vậy. Đó chính là tiếng lòng của một ông hoàng thơ tình về khát khao một tình yêu đẹp, một tình yêu cao cả, một tình yêu không vì vụ lợi và định kiến của xã hội. Hơn nữa, "Tình trai" đã góp phần khẳng định quan điểm tiến bộ của Xuân Diệu về tình yêu, tiếp thêm ngọn lửa cho người trẻ về hi vọng một tình yêu bền vững.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...