Review Sách Tính Dục Trong Tiểu Thuyết Đời Du Nữ Của Ihara Saikaku - Triệu Thị Tươi

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Triệu Thị Tươi, 23 Tháng bảy 2020.

  1. Triệu Thị Tươi

    Bài viết:
    3
    YẾU TỐ TÍNH DỤC TRONG TIỂU THUYẾT ĐỜI DU NỮ CỦA IHARA SAIKAKU

    Ihara Saikaku là một nhà văn nổi tiếng của Nhật thời Edo. Tác phẩm của ông đã tạo được tiếng vang và thu hút được nhiều người độc giả không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới và các tác phẩm của ông cũng được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Các tác phẩm ông hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và chứa đựng phần giá trị, triết lí riêng ẩn sau những nội dung được thể hiện trong tác phẩm.

    Khi tìm hiểu các sáng tác của nhà văn Ihara Saikaku chúng ta sẽ thấy ông có nhiều tiểu thuyết nói đến yếu tố tính dục, như là một yếu tố quan trọng trong các sáng tác của ông, mặc dù ông viết về yếu tố tính dục nhưng vẫn mang những ý nghĩa nhất định chứ không phải chỉ là một sự giải trí chứa đầy nhục cảm.

    [​IMG]

    Tiểu thuyết Đời du nữ - Ihara Saikaku​

    Tiểu thuyết Đời du nữ (1686), là một tiểu thuyết của nhà văn Ihara Saikaku về đề tài sắc tình, sự phù thế của thế gian. Trong tiểu thuyết gồm 24 chương, nhân vật chính không được cho biết tên mà chỉ biết nàng là một du nữ trải qua một cuộc đời chìm đắm trong sự nhục cảm, suốt đời đi tìm những thú vui thỏa mãn về thể xác. Tiểu thuyết gồm 24 chương, kể theo cách nhìn của nhân vật nữ nhưng tên thật của cô không hề được nêu lên. Hai mươi tư phần truyện ngắn trong tiểu thuyết là hai mươi tư lần nàng sa ngã vào sắc dục như một con nghiện, với những lời tâm sự hời hợt về cuộc đời đã trải qua của mình, nàng không oán thán cũng chẳng tuyệt vọng. Nàng sống nhưng chẳng có mục đích gì lớn lao cả, nàng bị trói buộc bởi sắc dục, mặc dù trong mắt nàng sắc dục chẳng hơn một chiếc áo kimono là bao nhưng nàng vẫn không thể thoát ra được. Nàng bước vào con đường sắc dục không phải vì tiền bạc, nàng không để giá trị của mình được đong đếm bằng những xu tiền bèo bọt, bằng những người đàn ông một đêm, nàng chẳng muốn có gì cả. Nhục thể của con người rồi cũng sẽ thối rữa chỉ có tên là tồn tại với thời gian, vậy mà đến cuối truyện Saikaku không cho nàng một cái tên. Điều đó như con đường sắc tình vậy, dù có bao nhiêu người đi qua cuộc đời nàng, hay nàng đi qua cuộc đời họ thì cũng chỉ dừng lại ở những ngày tháng đó, một tồn tại ngắn ngủi trong trí nhớ của nhau với sự xuất hiện của bao cái tên lạ lẫm.

    Nhân vật nữ được xây dựng là một cô gái xinh đẹp, khiến cho mọi chàng trai phải say đắm bởi vẻ đẹp của nàng. Tuy không được miêu tả vẻ đẹp tỉ mỉ, chi tiết nghiêng nước nghiêng thành nhưng qua cách kể lại cuộc đời mình của nàng có thể cho ta thấy mọi người đều mê muội vì vẻ đẹp của nàng. Một cuộc đời trầm luân trong sự hiếu sắc, với biết bao bức thư tình của các chàng trai đem lòng yêu mến gửi cho nàng nhưng nàng không hề màng tới. Mới chỉ 12 tuổi mà nàng đã có những hành động sai lầm đó là vụng trộm tình ái, không thể tưởng tượng nổi khi nàng ta làm ra hành động như vậy khi mới 12 tuổi và sau hành động đấy nàng bị đuổi. Khi gia đình sa sút đi xuống vì mưu sinh nàng đã bị ném vào "thành phố không đêm" Shimabara ở Kyoto, từ đó nàng bắt đầu một cuộc sống luân lạc làm bao nhiêu nghề để bươn trải cho cuộc sống. Có những lúc cứ nghĩ cuộc đời nàng sẽ êm ấm khi được làm thiếp hay được hứa gả cho một gia đình khá giả nhưng chính nàng lại tự chặt đứt tương lai tốt đẹp phía trước của nàng khi làm ra những việc sai trái. Nàng từng là du nữ; là tình nhân của bao người: Của một nhà sư, một thầy dạy viết thư.. ; ca nữ; thợ khâu; gái nhà tắm; có những khi xuống đến cùng cực không có việc gì làm kiếm ra tiền để trang trải cuộc sống nàng đã phải làm cả gái điếm ở bên đường. Mặc dù nói hoàn cảnh của nàng một phần do những yếu tố khách quan đưa đẩy, nhưng khi đọc tiểu thuyết này ta cũng nhận thấy rằng một phần cũng do tính cách và hành động của nàng đã nhiều lần đẩy nàng vào những hoàn cảnh khốn khó, rơi vào đường cùng.

    Sống trong cõi coi trọng nhan sắc đó nàng sẽ mất tất cả khi nhan sắc đã tàn phai, khi ở đời người ta chỉ thích những cô gái trẻ đẹp, nếp nhăn đã xuất hiện trên khuôn mặt vốn từng trẻ đẹp đó của nàng khiến cho khách tìm đến nàng ngày càng thưa thớt dần. Khi về già nàng không tìm thấy lạc thú nữa, quay trở lại nơi cũ đứng trước pho tượng của những người đàn ông đã từng đi qua đời nàng. Nàng nhìn lại những việc nàng đã làm trong quá khứ và nói lên một lời thú tội nhưng hầu như vô nghĩa với nàng, với những người đàn ông đó. Ngắm nhìn những bức tượng La Hán đó, ngẫm nghĩ lại không gì tội lỗi bằng thân phận người phụ nữ buôn hương bán sắc. Chỉ một đời người mà nàng gặp gỡ với rất nhiều người đàn ông với những thân phận khác nhau, ấy vậy mà nàng vẫn còn tồn tại trên thế giới này trong khi những người đàn ông đó giờ đây xương cốt đã thành tàn tro được chôn lấp dưới cây cỏ.

    Tuổi tác chồng chất nàng mới nhận ra trong cõi đời trôi nổi này không gì buồn bằng vướng vào sắc dục, nàng đã dành cả tuổi trẻ của mình theo đuổi những điều phù phiếm, sống trong nhục dục, cả một thời tuổi trẻ không lấy gì là niềm vui thật sự. Sống trong sắc dục như những bông hoa sớm nở tối tàn, hay sớm lìa khỏi cành thì thật là ngu muội, nhưng những con người như thế lại không ngừng xuất hiện. Nàng quyết tâm vứt bỏ vong niệm sai lầm, quay về chánh niệm, một lòng thành kính, tụng kinh niệm Phật không hề nghĩ đến sắc dục nữa. Cuộc đời nàng, từ một bông hoa nồng nàn hương sắc cho đến khi héo tàn, mặc dù cả đời nàng sống trong chìm đắm sắc dục nhưng nàng không để cho cuộc đời mình kết thúc không có ý nghĩa, kết thúc với trái tim vẩn đục.

    Tiểu thuyết như một lời cảnh tỉnh cho những ai còn chìm đắm trong sắc tình mà không có cho mình một mục tiêu trong cuộc đời này. Tiểu thuyết vừa châm biếm nhưng cũng như chấp nhận, hiểu cho nàng ta khi nàng sống một cuộc đời như vậy. Nhưng đến cuối cùng nàng vẫn nhận ra rằng: "Cho dù tôi đã sống cả đời trong thế giới này với thân phận du nữ, nhưng không vì thế mà tôi kết thúc đời mình với trái tim vẩn đục", điều đó đã làm cá tính cho thân xác nàng và làm nên giá trị vượt thời gian cho tác phẩm.

    Nghệ thuật Saikaku là hiện thực trào lộng nghiêng về mặt xã hội, thể hiện cho những về đề của xã hội, của thời đại, nhưng không có nghĩa ông không khai thác sâu về tâm lí đặc biệt là tâm lí phụ nữ và những người làm giàu. Ông châm biếm bản chất phù phiếm của con người, luôn muốn thay đổi để tốt hơn nhưng lại đầu hàng trước cám dỗ, họ vì lợi ích trước mắt mà quên đi cái lợi lâu dài. Tuy viết về cuộc sống sắc dục nhưng vẫn mang tính giáo huấn cho người đọc khi mà cuối cùng nhân vật nữ phải gánh những hậu quả nhất định cho hành động tuổi trẻ của mình. Tính dục là một mặt của đời sống và nó tồn tại không hề sai, mà sai là những hành động, suy nghĩ tạo nên tính dục đó. Đừng để cho lí trí bị điều khiển bởi những cảm xúc sắc dục, đừng sống với một trái tim vẩn đục.
     
    Last edited by a moderator: 21 Tháng bảy 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,165
    Đây là một tác phẩm rất đặc biệt. Thông thường thì khi viết về kỹ nữ, dù là cổ đại hay hiện đại, người ta sẽ cho các nàng một số phận bị đưa đẩy mà phải miễn cưỡng làm công việc đó, nhưng trong câu chuyện này thì không. Theo hành trình của nàng du nữ ấy, một phần xã hội Nhật Bản cũng được lột tả, khiến người đọc phải kinh ngạc trước sự đa dạng của xã hội. Nhật Bản pha trộn giữa sự phóng khoáng đến phóng túng và sự nghiêm cẩn đến gò bó. Và những góc khuất của con người. Tất cả đều bị bóc trần.
     
    Hahahahahaha thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...