Tình cảm của tác giả trước cảnh ngộ của ông đồ (Tp Ông đồ - Vũ Đình Liên)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 11 Tháng ba 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về tình cảm của tác giả trước cảnh ngộ của ông đồ - Tác phẩm Ông đồ.

    Nỗi niềm hoài cổ, tấm lòng thương xót, vị tha của Vũ Đình Liên trước cảnh ngộ của ông đồ được thể hiện qua hình tượng của người cho chữ trên dòng chảy khắc nghiệt của thời gian. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình xuyên suốt cả bài thơ một cách vô cùng nhất quán, cho thấy sự đồng điệu lạ kì giữa nhân vật trữ tình với nhà thơ. Thời kỳ vàng son của ông đồ được tác giả tái hiện rất tài hoa ở hai khổ thơ đầu, bằng nét vẽ toàn cảnh ngày xuân phóng khoáng cùng tinh thần rộn ràng phơi phới, là khung nền hoàn hảo nổi bật ông giáo già.

    [​IMG]

    Cặp từ "mỗi - lại" và hình ảnh sóng đôi "hoa đào - ông đồ" nhấn mạnh hai đối tượng đó là quy luật tuần hoàn bất biến của đất trời và lòng người, là nhân vật trung tâm tạo nên không gian màu hồng cho vùng kẻ chợ. "Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài", tác giả dường như cũng xốn xang trước cảnh đẹp ấy mà đưa tay lên vẽ tiếp những đường nét rất xinh xắn, gọn gàng. Chỉ bằng ba câu thơ, Vũ Đình Liên đã trực tiếp bộc lộ sự thích thú, tự hào trước một nét đẹp văn hóa cổ truyền được bảo tồn, đồng thời vinh dự thay cho một tài năng thư pháp được tôn vinh, mến mộ. Nếu ở trên hoa đào đại diện cho sắc xuân thì "hoa tay" kết tinh tài hoa, khéo léo của ông đồ.

    Có lẽ Vũ Đình Liên đã từng là một trong bao nhiêu người khách chờ mong, háo hức, đón đợi câu chúc của ông đồ, say mê dõi theo từng nét bút "thảo" ra mềm mại, uyển chuyển, mới có thể kí sự lại một cách chân thực và xúc tích như vậy. Ông đồ trong tiềm thức của nhà thơ, chính là một con người điêu luyện, đẹp trong tài khéo trời cho, đẹp trong cả dáng hình chữ viết in trên giấy đỏ. Như "phượng múa rồng bay", những kí tự biến thành họa, trở thành tín hiệu thẩm mỹ, phương tiện lột tả vẻ đẹp tâm hồn của con người, có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật. Từ một nho sĩ viết chữ kiếm ăn, một ông giáo gõ đầu trẻ, qua cách nhà thơ ca ngợi, đề cao và khẳng định tài năng của ông đồ, tác giả của những chữ viết tao nhã bay bổng kia đã trở thành nghệ sĩ đích thực. Chính sự giao cảm ấy đã khiến vai trò của từ "nhưng" nổi bật lên đầy eo le, ngơ ngác. "Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu" tâm trạng nhà thơ cũng đổi chiều theo mạch cảm xúc mà thời gian là người cầm lái. Như một mối linh cảm không lành, cây bút của tác giả lặng lẽ ghi lại những cảnh tượng đối lập tương phản đang dần nối nhau xuất hiện.

    Khách mua chữ thưa thớt dần đi, giấy còn màu nhưng thất sắc, mực còn hình nhưng lạc hồn. Khung cảnh đỏ tươi đầy sức sống của bài thơ đã dần phai nhạt, tình cảnh khó lòng đảo ngược để tất cả trở lại vị trí ban đầu. Một nỗi u buồn, lạnh lẽo, cô đơn túa ra theo câu hỏi tu từ, chạy dọc đến cuối bài, đi vào từng câu thơ như những mầm bệnh xâm lấn cơ thể. Dấu ba chấm kết thúc khổ thơ như một tiếng thở dài đầy ngậm ngùi chua xót của tác giả. Vẫn những đồ vật quen thuộc ấy, nhưng chúng giờ đây đã trở nên vô dụng, cái tủi và sự thất thế lên ngôi. "Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay". Khí tiết tiến lên ấy như chút gặng gượng cuối cùng, vừa đuối sức vừa lạc lõng. Chữ thánh hiền của ông và nền văn hóa Nho giáo được hun đúc, khởi tạo, xây dựng từ nghìn năm nay đã bị rạn nứt và đổ vỡ, dọn đường cho những kẻ qua đường vô tình, cho tàn cuộc. Ông đồ bị gạt ra bên lề, tới tấp và dứt khoát, nhưng câu thơ của Vũ Đình Liên vẫn nhẹ nhàng như làm ra vẻ vô tình.

    "Từ cánh chim tung hoành vùng vẫy, ông đã mất cả trời cao", từ một thời hoàng kim, ông chỉ còn lại là một "cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn". Lá vàng héo úa, sắc màu bay biến, trang giấy vô hồn như tiễn chào một số phận đã đi hết cuộc hành trình. Nhà thơ lột tả "mưa bụi bay", trái ngược hẳn với sự dập vùi của mưa to gió lớn hay sự lạnh lùng của gió bấc mưa phùn, mưa xuân trong thơ nhẹ nhàng nhưng giăng ra một màn che mờ ông đồ, thấm ướt lòng người, nhuốm lạnh tâm can bằng một nỗi buồn cô độc. Hình ảnh thơ lạnh lẽo, ảm đạm, thê lương, cùng khẩu ngữ "giời" mộc mạc dung dị đã cho thấy sự xót xa, buồn tủi của tác giả trước cảnh ngộ của những kiếp người không theo kịp, thích nghi với thời đại, bị quy luật khách quan tất yếu làm cho thất thế, thụt lùi, héo hon, tàn tạ.

    "Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa"

    Cảm xúc day dứt, níu giữ chủ quan của nhà thơ vùi kín trong câu chữ.

    "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ".

    Qua câu hỏi tu từ đầy suy tư, Vũ Đình Liên đã hướng thẳng đến hồn vía tinh túy, cao đẹp của di sản văn hóa dân tộc, băn khoăn, lo lắng những giá trị ấy sẽ đi đâu về đâu. Câu thơ mang một tầm vóc văn hóa lớn, chạm vào mọi góc cạnh của cảm xúc để nâng cao nhận thức của con người, là lời đề nghị đến tất cả các bạn đọc thế hệ sau phải tự vấn về về trách nhiệm và cách ứng xử, cách gạn đục khơi trong, bảo tồn truyền thống cha ông. Cái nhìn thương cảm, tấm lòng nhân ái cùng sự trân trọng ấy chính là đặc trưng cho phong cách hoài cổ của Vũ Đình Liên. Thế kỷ 21 ngày nay, đã dần xuất hiện những ông đồ, anh đồ bày nghiên tàu giấy mực, nếu chứng kiến cảnh ấy, Vũ Đình Liên có lẽ cũng sẽ ngậm cười, bởi ông thấy được những gì đẹp đẽ nhất của dân tộc nói chung sẽ mãi mãi không bị tàn phai. Nhà thơ ấy đã góp một phần quan trọng trong việc hồi sinh nghệ thuật thư pháp của nước nhà.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    AdminThụy Đào thích bài này.
    Last edited by a moderator: 3 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...