Tính Cách Hung Bạo Của Sông Đà Qua Đoạn Trích: Hùng Vĩ Của Sông Đà … Ở Khuỷnh Sông Dưới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi luiss462, 5 Tháng một 2022.

  1. luiss462

    Bài viết:
    8
    Tính cách hung bạo của sông Đà qua đoạn trích: "Hùng vĩ của sông Đà.. ở khuỳnh sông dưới". Nhận xét về chất ngông trong ngòi bút của Nguyễn Tuân.

    Nguyễn Tuân (1910-1987) quê thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông là cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công ông đến với cách mạng, sử dụng ngòi bút của mình để phục vụ kháng chiến và trở thành nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm cảm giác mãnh liệt, của những phong cách tuyệt mỹ.. kho từ vựng phong phú tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, có phối âm, phối thanh linh hoạt.. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có sự thay đổi trong những sáng tác ở thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng tháng Tám ông đắm chìm trong quá khứ đi tìm cái đẹp ở quá khứ, những cái đẹp đã qua đi bỏ rơi thực tại mục nát, thối rữa. Đây là thời Nguyễn Tuân sáng tác được nhiều tác phẩm gây ấn tượng như: "Vang bóng một thời".. Còn sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tâm hồn ông lúc này hòa nhập với đất nước, cùng cuộc sống con người thức tỉnh khỏi âm vang của quá khứ, ra đi tìm cái đẹp trong chính cuộc sống đời thường và có một số tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng như: "Sông Đà", "Một chuyến đi"..

    Nổi lên trong số các tác phẩm mà ông viết thì có tập tùy bút "Sông Đà" năm (1960), gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo tùy bút "Người lái đò Sông Đà" cũng nằm trong tập trên. Tác phẩm được viết trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đây còn là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm thiết tha của con người, muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, hào hùng vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của người lao động bình dị ở miền tây bắc. Không những thế tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhập cùng sự tài hoa uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kỳ công của tạo hóa và kỳ tích lao động của con người. Có thể thấy "Sông Đà" nói chung và "Người lái đò Sông Đà" nói riêng cũng thể hiện nét tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của ông: Không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác cho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm cho ra những chủ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất.

    Đoạn trích "Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá.. đi ngầm dưới lòng sông đến mười phút sau mới thấy tan xác ở khuỳnh sông dưới" trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" đã miêu tả, khắc họa rõ nét tính cách hung bạo của sông Đà qua đó ta còn nhìn thấy được chất ngông trong ngòi bút của Nguyễn Tuân.

    Thật vậy, trong chuyến đi thực tế đến Tây Bắc với mục đích đi tìm chất vàng mười của mình. Ông đã tìm kiếm, thử lửa thiên nhiên, con người ở nơi đây và để lại trong tâm trí ông sâu sắc nhất là hình ảnh về vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dòng sông Đà, một con sông độc đáo đầy cá tính. Sự gặp gỡ thú vị giữa người nghệ sĩ khao khát tìm cái đẹp như Nguyễn Tuân với sông Đà hoang sơ, nguyên thủy đã tạo nên tùy bút "Người lái đò sông Đà" đồng thời nó cũng đáp ứng mọi tiêu chí về quan niệm cái đẹp của nhà văn. Ngay từ những câu văn đầu tiên, nhà văn đã khắc họa sự hùng vĩ của dòng sông qua hình ảnh vách đá: "Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá". Bằng một câu văn ngắn gọn, chắc khỏe, Nguyễn Tuân như muốn thông báo cho người đọc để họ chuẩn bị thưởng ngoạn cảnh sắc dòng sông ở một góc nhìn hoàn toàn khác. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là "những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy lúc đúng ngọ mới có mặt trời" cũng góp phần tạo nên cảnh thác đá hùng vĩ, sống động. Nhà văn dùng từ "vách thành" chứ không phải "thành vách" như thói quen thường lệ, một thói quen rất lạ, có lẽ từ "thành vách" chưa đủ để diễn tả cái nhà văn mong muốn đó là sự sừng sững, uy nghiêm, chứa đầy hiểm nguy của vách đá đôi bờ sông Đà. Vách đá ấy dựng đứng, cao vời vợi, hun hút khiến ánh nắng mặt trời lúc ngọ mới có thể chạm tới mặt sông. Đọc xong những câu văn miêu tả sự hiện hữu của đá hai bên bờ sông mà người đọc như ngỡ sông Đà sinh ra từ trong núi vậy, nó bị chiếm lĩnh bao bọc bởi rất nhiều đá và nó chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Động từ "chẹt" và hình ảnh so sánh với cái "yết hầu" đã đem đến ấn tượng mãnh liệt về độ hẹp của lòng sông khi trôi giữa hai vách đá sừng sững đến nỗi: "Đứng bên bờ này nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia". Ngòi bút của Nguyễn Tuân không chỉ miêu tả sống động cảnh vật khiến độc giả như đang nhìn thấy tận mắt mà còn khiến họ ngạc nhiên vì "đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè của một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Như cực tả sự âm u đến gai lạnh của quãng sông chật hẹp ít ánh sáng mặt trời này cộng thêm việc lấy nhà cao gợi tả vách đá khúc sông trở nên tăm tối, lạnh lẽo đột ngột. Tác giả vừa khắc sâu sự kỳ bí, hùng vĩ của sông Đà vừa cho thấy khả năng tái hiện hình ảnh bằng ngôn từ bậc thầy của mình.

    Nếu những câu văn trên gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ đẹp hùng vĩ của sông Đà thì những câu văn tiếp theo lại gây ấn tượng về sự hung bạo của sông Đà. Từng câu văn của Nguyễn Tuân tuôn dài như con sông Đà quãng gần Hát Loóng: "Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy". Sóng chữ xô đẩy nhau hối hả như muốn chồm lên mặt giấy, như muốn làm mỏi ý chí người đọc. Câu văn có nhịp ngắn, nhanh, dồn dập kết hợp với các thanh sắc, những từ ngữ trùng điệp nối tiếp thế chỗ nhau trong các cụm từ ngữ đã tái hiện một cảnh sinh động sự dữ dội đến hung bạo của dòng sông qua hình ảnh nước, sóng, gió và đá sông Đà. Mặt nước sông Đà qua ngày cuồn cuộn như con sóng giữ bút lên chồng lên nhau tạo cảm giác kêu sợ hãi, ngồi trên khoang đò của người cầm lái cừ khôi độc giả nín thở tay bấu chặt lấy tiền khi vượt thác ghềnh. Từ láy "gùn ghè" kết hợp hình ảnh so sánh mang đậm sắc thái nhân hóa về việc sóng, gió trên mặt ghềnh Hát Loóng lúc nào cũng lăm lăm, chực chờ sơ sẩy của người lái đò để phá thuyền của họ bất cứ khi nào khiến người đọc hình dung rõ nét sự hung hãn, lì lợm, cuồng bạo của dòng sông Tây Bắc. "Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng con thuyền". Lúc này nó không chỉ là một con sông thiên nhiên nữa mà nó đã thực sự đã trở thành một con thủy quái sống dậy trong nỗi oán hận vô cớ của loài người.

    Đem lại những ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa là hình ảnh những cái hút nước ở quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Đọc những câu văn trong đoạn này người đọc đều dễ dàng hình dung sự hung bạo của sông Đà bởi thứ ngôn từ giàu tính tạo hình của Nguyễn Tuân: Như chạm trổ vào mặt đá quý những nét trác tuyệt. Không miêu tả sự ác liệt của đá, sóng, gió như quãng Hát Loóng, nhà văn tập trung khắc họa sự nguy hiểm của những hút nước "xoáy tít đáy". Nó xuất hiện đột ngột, ngoài tầm kiểm soát của con người. Tác giả dùng hình ảnh so sánh tương đồng về hình dáng "những cái hút nước giống như giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu". Và sự so sánh tương đồng về âm thanh "nước đây đã kêu như tiếng cống cái bị sặc", từ láy "lừ lừ". Qua miêu tả, người đọc không chỉ thấy cái kỳ vĩ, bí hiểm của những hút nước mà còn nghe được âm thanh và cảm giác bị quấn vào cái lỗ hổng đáng sợ ấy như những cánh quạ yếu ớt sắp bị nó nuốt chửng vậy. Sông Đà không hiện lên trong trạng thái tĩnh tại một bức điêu khắc mà Nguyễn Tuân muốn nó hiện lên trong những cảm giác phong phú của người đọc. Độc giả được cùng xuống thuyền trải nghiệm giây phút vượt qua những hút nước ấy, được mở rộng các giác quan để tận mắt nhìn thấy cái kích thước khổng lồ khi men cái hút nước, để lắng nghe tiếng "nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào" và sống trong sự sợ hãi khi đứng giữa bờ vực của sinh tử: "Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý đã là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược lệ ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷu xuống dưới". Để rồi, khi "trèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu" ấy ta mới có thể thấy hết được tận cùng ý nghĩa của cuộc sống, mới đi đến tận cùng của cảm giác chiến thắng của một người, chế ngự được nỗi sợ hãi của bản thân, chế ngự được con thủy quái sông Đà.

    Có thể nói, đoạn trích trên đã cho ta hiểu thêm về tính cách hung bạo, diện mạo và tâm địa ghê gớm của sông Đà, nhìn có vẻ đơn giản nhưng bên trong lại đầy sự phức tạp. Đồng thời đoạn trích cũng thể hiện rất rõ chất ngông trong ngòi bút của Nguyễn Tuân. Cái "ngông" của Nguyễn Tuân được thể hiện với nhiều màu sắc và những nét riêng biệt: Ngôn ngữ của ông là thứ ngôn ngữ có hình, có khối, có nhạc và chắc chắn trong đó còn có cả hồn nữa nên chỉ trong một đoạn rất nhỏ như vậy thôi cũng đã đủ thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ uyên bác của nhà văn. Ngoài ra, cái "ngông" còn được thể hiện ở phương diện của một người nghệ sĩ: Vận dụng tri thức ở nhiều ngành văn hóa và nghệ thuật khác nhau để xây dựng hình tượng con người, cụ thể là người lái đò sông Đà. Không những thế, qua đoạn trích độc giả còn thấy được một góc nhìn về sông Đà hùng vĩ, hung bạo và thấy ở Nguyễn Tuân cái chất kiêu bạc, phóng túng trong nhãn quan nhưng lại hết sức nghiêm túc trong nghề viết. Đọc đoạn trích ta thêm hiểu và yêu quý hơn những cảnh sắc quê hương, trân trọng những người lao động nghệ thuật nghiêm túc, cống hiến hết mình cho những trang viết hay để lại cho hậu thế sau này.

    Chúc các bạn thi tốt nha (mình 2k4, bạn nào muốn trao đổi tài liệu với mình nhé).

    Cre: Luiss462
     
    Admin, TrantiendatDương2301 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 12 Tháng bảy 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...