1. Nơi cư trú: Cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An 2. Kinh tế mưu sinh: Làm nương rẫy du canh, trồng ngô, trồng lúa ở một vài nơi có nương ruộng bậc thang.. Chăn nuôi của gia đình người Mông có trâu, bò, ngựa, chó, gà. 3. Nhà ở: Nhà thường ba gian 4. Trang phục: 4.1. Trang phục nam Nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Ðầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, có khi mang vòng bạc cổ, có khi không mang. 4.2. Trang phục nữ Thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy. 5. Phong tục tập quán: 5.1. Tục cưới hỏi Người con trai phải biết về sáo H'Mông, Khèn H'Mông, vào các đêm thổi trước cửa nhà cô gái. Nếu điệu sáo hay điệu khèn thu hút được lòng cô gái thì cô gái sẽ đi ra trò chuyện. Vào các ngày lễ hội để mong được người bạn gái để ý đến, người con trai cũng thể hiện làn điệu nhạc để thu hút bạn gái. Nếu người bạn gái đồng ý thì hẹn bạn trai làm một thủ tục Bắt vợ. Theo tục bắt vợ của người Mông, sau ba ngày bắt được vợ, người con trai phải cùng bố mẹ đẻ đem lễ vật gồm thịt lợn, thịt gà, rượu sang nhà gái để tạ ơn và làm vía thành hôn đồng ý cho hai người lấy nhau. Sau khi làm vía, người con trai phải cùng vợ ngủ lại nhà gái một đêm rồi sáng mai mới được về sớm. Bắt được vợ rồi thì hai người có thể về chung sống với nhau đến lúc nào có điều kiện kinh tế khá giả thì mới tổ chức đám cưới, thậm chí có những đôi ở với nhau có con rồi cưới cũng chẳng sao. Ngày nay thủ tục này có phần thay đổi khác tiến bộ hơn, biến đổi giống người Kinh. Người con gái tìm hiểu kỹ hơn, tự do lựa chọn người bạn đời. Hầu như hiện tại tất cả dân tộc mông đặc biệt là giới trẻ đều sử dụng chung ngôn ngữ viết mông để giao tiếp trong nước cũng như nước ngoài để thống nhất ngôn ngữ chung cho dân tộc mông "hmoob". 5.2. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Trong thế giới tâm linh của người H'mông, thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện niềm tin, mà còn là những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng. Tín ngưỡng này có vai trò to lớn để người H'mông nhớ đến cội nguồn và văn hóa dân tộc. Người H'mông quan niệm rằng, tổ tiên là những người đã chết trong 3 đời trở lại (cha, ông, cụ). Do đó, trong các dịp lễ Tết của mình, người H'mông thường cúng gọi tên tuổi những người thuộc 3 thế hệ đã khuất của dòng họ mình trở về ăn Tết, phù hộ cho con cháu. Trong lễ cúng năm mới, theo quy định của văn hóa cộng đồng vốn đã hình thành và tồn tại lâu đời, người H'mông bao giờ cũng phải làm 3 chiếc bánh dày tượng trưng cho 3 thế hệ những người đã khuất (ông bà, bố mẹ và những người bằng vai đã qua đời). Nếu không có 3 chiếc bánh dày đó, ông bà tổ tiên sẽ không về vui Tết cùng con cháu. 5.3. Tín ngưỡng thờ các loại ma Người H'mông quan niệm rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn, mỗi một ngọn núi, cánh rừng, gốc cây, hòn đá đều có ma cai quản. Ma thiện thì ít, còn ma ác thì nhiều, chúng luôn rình rập để bắt hồn người sống. Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp chuyện gì không may thì người H'mông cho rằng đó là do ma làm. Do đó, trong gia đình người H'mông bên cạnh thờ cúng tổ tiên, còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những nghi thức cúng khác nhau. Ma ngũ hải là ma nguy hiểm nhất trong quan niệm của người H'mông; nó thường gây ra những cái chết đột ngột, chẳng hạn như ngạt thở hoặc hộc máu mồm mà chết. Ma theo sau được gọi là "đax khua đê". Theo người H'mông, loại ma này chỉ có trong nội bộ tộc người; nó xuất hiện khi các cá nhân có mối hiểm khích, có thể khấn ma đi làm hại người khác. Loại ma này thường gây ra những trận ốm đột ngột nhưng không nguy hiểm như ma ngũ hải. Ma thi vi sú (thix vi suz, thiz vi sư) là loại ma mà người H'mông luôn đề phòng. Loại ma này thường gây ra tai nạn, như cháy nhà, đá lăn, cây đổ vào người đi rừng, đi nương. Với những cái chết bị ma thi vi sú làm, người H'mông phải mời thầy cúng đến để tẩy rửa mọi xui xẻo trong nhà, trong dòng họ. Con vật được thay thế để nhận mọi xui xẻo là con dê. Con vật này sẽ cõng những điều không may mắn đi thật xa, đến nơi hồ rộng biển sâu, nơi không có con người và cả chim muông cũng không thể đến đẻ trứng, khuất hẳn cuộc sống của họ. 5.4. Đón tết Ăn tết, cúng tết, cúng tất niên của họ không cầu kỳ. Ngoài tết riêng thì người H'Mông còn chuẩn bị nhiều đồ ăn, thức uống đón Tết cùng người Kinh. Trong đó không thể thiếu món truyền thống là thịt gác bếp, mèn mén, cải xanh, ớt nướng làm muối chấm trong bữa ăn. Người H'Mông ăn tết từ tháng chạp (theo lịch của người H'Mông). Theo tục lệ thì: • Từ ngày 25 tháng chạp là thời điểm mọi người đem lễ đến "trả ơn" cho thầy thuốc, thầy dạy khèn, thầy cúng để tỏ lòng biết ơn. Vì ngày thường thầy cúng dành thời gian để cúng lễ cho người dân trong bản. Ngày tết thầy cúng sẽ ấn định một số ngày nghỉ ngơi và đây là dịp để người trong bản đến lạy trả ơn thầy cúng. Ngoài ra, người H'Mông nào khi sinh ra khó nuôi được đổi họ, cho làm con nuôi thì cũng nhân dịp tết để lạy trả hiếu cho cha mẹ nuôi. • Ngày 30 tết, sau khi làm bánh giầy xong, người H'Mông "treo niêu", không ăn uống một ngày. Đêm giao thừa mỗi nhà tự làm mâm lễ cúng tổ tiên đón giao thừa. • Trong ngày mùng một tết, người H'Mông tuyệt đối không dùng nồi chảo đựng nước, ăn cơm không nấu món canh, không được chải đầu và giặt quần áo và không đi đâu hết trong ngày mùng một. Mùng hai, mùng ba mới được rủ nhau đi chơi. Nếu vi phạm, xong tết lúa cấy sẽ không mọc và cả năm sẽ bị ngập lụt, lũ quét. Người vợ sẽ được nghỉ ngơi, còn chồng phải vào bếp nấu ăn. Nấu ăn phải cẩn thận, không để cho lửa bén vào người. Sáng mùng một, mọi người được ngủ thẳng giấc mà không ai được đánh thức. • Ngày mùng hai là ngày thực hiện nghi lễ "lạy tết". Người con gái H'Mông khi lấy chồng được xem như đã "cắt linh hồn về với nhà chồng", nên ngày tết là dịp để trả ơn cha mẹ đẻ. Trong ba năm đầu khi về nhà chồng, mỗi năm vào ngày mùng hai tết, người con gái sẽ được cha mẹ chồng đưa về để "lạy tết" cha mẹ ruột. Đêm 30 tháng 11 âm lịch là đêm giao thừa, từ mồng một đến mồng ba hoặc mồng năm tết là thăm hỏi, chúc tết họ hàng, người thân, sau đó vui chơi. Lễ hội đầu năm của người H'Mông ngoài phần nghi lễ là các trò chơi dân gian như đua ngựa, thi dệt lanh dệt vải, thổi múa khèn.. thì còn thi nấu miến, thi hát hò những bài truyền thống bằng tiếng H'Mông. Mỗi năm, một gia đình trong bản sẽ được giao làm chủ lễ để tổ chức lễ hội vui chơi tết cho cả bản. Ngày 26 tháng chạp, chủ lễ sẽ đốn một cây mai to (một loại tre), chặt nhánh, chỉ chừa nhánh ở chín đốt trên ngọn rồi đem ra bãi đất chọn sẵn cắm xuống làm cây nêu báo hiệu cho mọi người biết nơi này sẽ diễn ra lễ hội đầu năm mới. [ 6. Ẩm thực: Mèn mén, chế biến từ ngô hạt đem xay nhỏ, phải xay bằng cối đá và xay hai lần mới nhỏ mịn và khi đồ mới ngon. Đêm bột ngô vẩy nước vào đảo đều với độ ẩm vừa phải, khi cầm nắm ngô bột không bị dính, cũng không bị bở ra là được. Tiếp đó cho vào chõ đồ lần 1, đến khi hơi bốc lên thơm thì đổ ra mẹt vẩy thêm một ít nước rồi đảo đều cho tơi ra, sau đó lại cho vào chõ đồ lần 2; khi có mùi thơm lừng bốc lên, khi đó mèn mén đã chín, bưng ra chỗ cao ráo để ăn trong cả ngày. 7. Văn hóa dân gian: 7.1. Âm nhạc: Khèn: Thân Khèn Mông được chế tác bằng gỗ pơmu cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho tình anh em tụ hợp. Chúng được xếp khéo léo, song song trên thân Khèn. Nhìn và tưởng tượng thêm một chút thấy chúng như dòng nước đang trôi. Dòng nước đó chở thứ âm thanh huyền diệu, chảy mãi từ nguồn lịch sử cho đến tận bến bờ hiện tại. Đàn môi: Là loại nhạc cụ dùng để tỏ tình, giao duyên và là thứ nhạc cụ không thể thiếu được trong tiếng hát tình yêu (gầu plềnh) của chàng trai, cô gái dân tộc Mông. Kèn lá: Là một loại nhạc cụ tự tạo đơn giản, ở đâu cũng có thể hái ra được kèn lá. Kèn lá tuy giản dị, dễ kiếm như vậy nhưng không phải loại lá nào thổi cũng phát ra thành tiếng được. Người thổi kèn lá thường chọn loại lá hơi mềm, tương đối dai, mép lá trơn. Những loại lá kim, lá dòn, mép răng cưa không thể phát ra âm thanh chuẩn và hay được. Sáo Mông: Là dạng sáo đơn, có gắn lưỡi gà. Âm thanh của Sáo Mông rất độc đáo, có những tiếng thô đục và rè bên cạnh những tiếng trong trẻo êm ái như tiếng người thủ thỉ, thấm sâu vào lòng người Ống hát: Hát ống là một hình thức sinh hoạt văn hóa - âm nhạc khá phổ biến của người Mông. Cấu tạo của ống hát rất đơn giản chỉ bao gồm hai ống mai hoặc ống vầu cắt ngắn khoảng 20cm đường kính 10cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt bằng bóng bò, có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua hai ống hát để nối với nhau và có tác dụng truyền âm. Khi hát ống thì một đầu hát còn một đầu nghe, đối tượng hát ống thường là những người đã yên bề gia thất hoặc những đám trai gái hát đối nhau.. khoảng cách giữa hai ống hát thường từ 10-20m. Âm thanh sẽ truyền qua sợi lanh nối giữa hai ống tới bên người nghe. Hát ống là một hình thức sinh hoạt tập thể thường chỉ diễn ra ở các lễ hội hay các phiên chợ đông người ngoài bãi chơi. 7.2. Điệu múa: Múa khèn trong đám tang, đám giỗ: Khèn Mông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông, điều này thể hiện qua đám tang của họ. Khi trong làng có người qua đời, chủ nhà thường mời các thầy khèn có uy tín, hiểu nhiều, biết rộng đến giúp. Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn. Múa khèn trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ: Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.