Tìm Hiểu Và Phân Tích 7 Câu Thơ Đầu Tiên Trong Bài Thơ Đồng Chí Của Chính Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Maskman, 16 Tháng ba 2024.

  1. Maskman

    Bài viết:
    4
    Giờ đây, khi đã bước sang chương trình học mới, có lẽ sẽ ít còn ai quan tâm đến cách phân tích từng dòng, từng chữ trong bài thơ như thế này nữa. Thế nhưng, tôi thiết nghĩ việc phân tích từng biện pháp tu từ, từng con chữ, từng sắc thái, từng nét nghĩa sẽ góp phần không nhỏ trong việc cảm nhận cũng như hiểu về tác phẩm hơn. Chính vì lẽ đó, tôi quyết định sẽ chia sẻ góc nhìn, cảm nhận của bản thân về một vài đoạn trong những bài thơ đã quá đỗi quen thuộc với chương trình lớp 9 cũ. Hy vọng những bài phân tích này sẽ có ích cho quý độc giả.

    Bài phân tích

    ".. Không có kính, rồi xe không có đèn,

    Không có mui xe, thùng xe có xước,

    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

    Chỉ cần trong xe có một trái tim."​

    Qua những vần thơ độc đáo, sát với thực tế của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", ta thấy được ý chí quyết tâm giành thắng lợi, sự lạc quan, yêu đời của những người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Còn nếu nói về sự lãng mạn, về lời tâm sự đầy tha thiết thì có lẽ, bài "Đồng chí" ra đời vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp của người chiến sĩ đất Hà Tĩnh - Chính Hữu - là nổi bật nhất. Phải chăng vì Trần Đình Đắc - tên thật của người thi sĩ ấy - hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nên hầu như thơ ông chỉ viết về người lính trong chiến trận? Nhưng thật đáng tiếc khi một thi sĩ đặc biệt như thế chỉ viết một số ít tác phẩm, dầu vậy, nó vô cùng đặc sắc cùng với ngôn ngữ chọn lọc, hàm súc đã "kéo dài ở sự ngân vang", theo như lời tâm sự của ông. Bài "Đồng chí" ra đời vào năm 1948 khi tác giả cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 và sau đó được in trong tập thơ "Đầu súng trăng treo" - một trong những tác phẩm chính của vị thi sĩ. Cả bài thơ ca ngợi tình đồng đội - một tình cảm cao đẹp - của những người chiến sĩ thời chống Pháp, nhưng có lẽ, đoạn thơ nói về cơ sở hình thành tình đồng chí chính là điểm nhấn nổi bật nhất.

    Mở đầu bài thơ dường như là lời tâm sự từ tận đáy lòng của hai người lính:

    "Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá."​

    Giã biệt quê nhà mà chẳng dám mong ngày về, họ - những người chiến sĩ năm ấy - đêm ngày vượt rừng hoang sương muối, cam chịu nắng dầu mưa dãi để dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình cho tổ quốc thân yêu. Có lẽ, khi nghĩ về quê hương mà xúc cảm dâng trào thì họ kể nhau nghe về nơi chôn rau cắt rốn của mình cho thỏa nỗi nhớ nhung. "Quê hương anh" chắc ở miền biển nên có "nước mặn, đồng chua". Còn "Làng tôi", nơi đồi núi trùng trùng điệp điệp, cũng chẳng khác chi khi "nghèo" vì "đất cày lên sỏi đá". Cùng ra đi từ những nơi mà "ăn no, mặc ấm" là một giấc mơ xa xỉ với biết bao người, nơi mà dường như bị thiên nhiên cho vào quên lãng, họ cảm thông cho nhau, thấu hiểu cho nhau để rồi một tình cảm dần dần nảy nở - tình đồng chí.

    Cho dù chẳng ai biết đến ai, cho dù​

    "Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,"​

    Thì họ vẫn sát cánh bên nhau "chờ giặc tới". Thật tài tình, ở đây, Chính Hữu không viết là "hai người xa lạ" mà lại là "đôi người xa lạ". "Hai người" nghe giống như hai người riêng biệt, chẳng liên quan gì đến nhau cả, anh có cũng được, không thì cũng bình thường. Còn ở "đôi người xa lạ", dù cho "xa lạ", họ đã thành đôi bạn, họ đã kết nối được với nhau bằng tình yêu mãnh liệt với tổ quốc trong cái hoàn cảnh "mới sống đó, rồi chết đó". Từ những chốn xa xăm, họ chỉ biết đến quê hương nhau qua từng lời kể mộc mạc, chân thành, tình đồng đội đã gắn chặt họ lại, làm con tim họ như hòa cùng một nhịp, cùng hướng về một tương lai.

    Vậy mà, qua một thời gian chiến đấu cùng nhau, họ đã trở nên thân thiết lúc nào chẳng hay:

    "Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ."​

    Sát cánh bên nhau trong từng trận chiến, chung bước với nhau trong mọi nẻo đường hành quân, họ từ "đôi người xa lạ" nay đã trở thành một "đôi tri kỉ". Điệp ngữ "súng - súng", "đầu - đầu" như nói lên rằng họ hiểu nhau như hiểu chính bản thân mình. Giữa đêm rừng vắng lạnh mà hai người chỉ có một cái chăn, họ không hề giành giật với nhau, nhưng cũng chẳng thể nhường cho một người bởi thời tiết quá khắc nghiệt. Thế là, họ đã đắp chung. Thêm vào đó, khi họ đắp chung chăn, sức nóng của cơ thể người này sẽ sưởi ấm cho người kia, thế mà lại ấm hơn mỗi người một cái chăn. Có lẽ, lúc ấy, họ lại tâm sự với nhau về ruộng nương ở quê, về gia đình nên mới thành "đôi tri kỉ" được.

    [​IMG]

    Bỗng nhiên, như một khúc của bị bẻ ngoặt của dòng cảm xúc, câu thơ:

    "Đồng chí!"​

    Vang lên từ tận đáy lòng để bay mãi vào trời đêm. Từ "đồng chí" ấy dường như nhịp đập nơi trái tim, như một giọng ca vút cao giữa dàn hợp xướng, như một đóm lửa thắp sáng cảnh khuya u tịch, lạnh lẽo chốn rừng hoang Đông Bắc, như truyền ngọn lửa quyết tâm vào trong lòng những người lính, để họ mang đầy hy vọng mà chặn từng bước tiến của kẻ thù rồi mang hòa bình đến cho đất nước. Một câu thơ mà chỉ có hai từ, có lẽ, tác giả đã gửi hết tâm tư nguyện vọng của mình vào đấy để nó bay vút lên cùng với niềm hy vọng mãnh liệt, lòng quyết tâm cao độ của quân dân ta.

    Một cách tài tình, tác giả đã sử dụng thể thơ tự do để nói lên vẻ đẹp cao quý của tình đồng chí. Từng câu thơ dài ngắn xen lẫn vào nhau làm cho người đọc cảm thấy khi thì dồn dập, hối hả, lúc lại chậm rãi, khoan thai. Những từ ngữ được chắt lọc một cách kỹ càng nhẹ nhàng đi vào trong lòng người đọc, xuyên qua từng lớp của trái tim để đến nơi sâu thẳm nhất của mỗi người. Tình đồng chí đẹp dẽ, lãng mạn của họ sẽ bay mãi, bay mãi lên theo cuộc kháng chiến, bay mãi đến vô cùng.

    *Lưu ý: Bài viết hoàn toàn dựa trên ý kiến và cảm nhân của riêng bản thân tôi về tác phẩm này, hoàn toàn không thể xem là suy nghĩ của tác giả Chính Hữu. Quý độc giả chỉ nên tham khảo, và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng những ý trong bài văn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng ba 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...