1. Nếm mật nằm gai / Nằm gai nếm mật: Tích này bắt nguồn từ Việt Vương Câu Tiễn bị mất nước vào tay Ngô Phù Sai. Ông được Phạm Lãi bày mưu vừa dùng Mỹ nhân kế vừa chịu mọi cảnh nhục nhã, chịu bị tù đày nơi Ngô quốc, nằm ngủ trên chiếu gai và nếm mật đắng để luôn nhắc nhở bản thân không được quên mối hận mất nước. Trải qua 3 năm lao khổ, Vua Ngô không phòng bị, kết hợp Mỹ Nhân Kế Tây Thi, khi Câu Tiễn ra tay thì Phù Sai đành thảm bại. Điển tích này dùng để miêu tả sự chịu đựng mọi gian khổ về thể xác để đạt được mục tiêu. 2. Khuynh quốc khuynh thành: Xuất phát từ bài thơ miêu tả vẻ đẹp của người con gái: "Phương Bắc hữu giai nhân, Nhất tiếu khuynh nhân thành, Tái tiếu khuynh nhân quốc." Điển tích này đa phần dùng ám chỉ Mỹ Nhân Kế. 3. Giấc mộng Nam Kha/ Giấc mộng Huỳnh Lương: A). Giấc Nam Kha: Thuần Vu Phần nằm mộng thấy chàng đến nước Hòe An. Thuần được vua Hòe An cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo khôi vĩ nên gả con gái, cho làm phò mã và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng to lớn. Đương lúc vợ chồng Thuần sống một cuộc vương giả, cực kỳ sung sướng thì bỗng có giặc kéo đến vây quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc vây thành đánh phá. Công chúa nước Hòe An, vợ của Vu Phần chết trong đám loạn quân. Thuần Vu Phần đem tàn quân về kinh đô tâu lại vua cha. Nhà vua nghi kỵ Thuần đã đầu hàng giặc, nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần oan ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương.. Vừa lúc ấy thì Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, trên đầu một nhành cây hòe chĩa về phía nam. Cạnh Thuần lại có một ổ kiến lớn. Bầy kiến kéo hàng đàn hàng lũ trèo lên cây hòe. Vì tích có cây hòe nên giấc Nam Kha còn tên gọi khác là Giấc Hòe. B). Giấc Huỳnh (Hoàng) Lương: Đời nhà Đường có một nho sinh họ Lữ đi thi không đỗ. Trở về, dọc đường, vừa buồn lại vừa đói nên ghé vào một ngôi chùa con bên cạnh khu rừng, xin đỡ lòng. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê thay gạo đãi khách. Vì mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, nhà vua lại còn gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc đỗ đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lữ, đưa gươm kề họng.. Lữ hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giựt mình thức dậy mới biết là chiêm bao. Mà giữa lúc ấy nồi kê cũng chưa chín. Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu: "Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không." Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu: "Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai." "Giấc Nam Kha", "Giấc hòe", "Giấc mộng kê vàng" hay "Giấc hoàng lương" đều do điển tích trên. Có nghĩa sự phú quý vinh hoa chẳng khác nào một giấc mộng. 4. Kết duyên Tần Tấn: Hai nước thời Chiến Quốc do quan hệ chính trị nên thường đem công chúa gả cho nhau, một sự liên kết hôn nhân mang màu sắc chính trị nhưng cũng là ngang hàng không thua kém. Điển tích này dùng chỉ mối duyên được sự đồng thuận và xứng hợp. 5. Duyên nợ ba sinh: Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ tự, nằm chơi, bỗng ngủ quên, chiêm bao thấy mình đi chơi non Bồng. Tỉnh Lang nhìn thấy một nhà sư ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây nhang đang cháy. Tỉnh Lang thấy lạ, hỏi. Nhà sư đáp: "Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ba kiếp rồi. Kiếp đầu nhà Đường, đời vua Huyền Tông, làm quan Phủ sứ ở đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cũng đời Đường, đời vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba, sinh ra tên Tỉnh Lang." Tỉnh Lang nghe đến tên mình bỗng giựt mình tỉnh dậy, nhưng lòng nửa tin nửa ngờ. "Ba sinh" nghĩa là số kiếp tiền định. "Nợ ba sinh" là nợ số kiếp tiền định, duyên số với nhau từ kiếp trước. 6. Quạt nồng ấp lạnh: Điển tích từ gương hiếu thảo của người con trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Mùa hè trời nắng nóng, đêm cha khó ngủ, thấy vậy cậu vào quạt trước cho giường thoáng mát rồi mới mời cha vào ngủ cho an giấc; mùa đông thì giường chiếu lạnh lẽo nên cậu cũng vào trước nằm lên chiếu để làm ấm chăn chiếu trước cho cha vào ngủ không bị lạnh lẽo. 7. Hứa Do Sào Phủ: Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua ." Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên dòng nước cho uống. Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: "Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm." Sào Phủ lại nói: "Anh đi đâu cho người ta biết vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi." Điển cố này nói lên sự ẩn dật và lòng trong sạch. 8. Hoa đào năm cũ: Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường trẻ tuổi đẹp trai, nhân dự hội Đạp Thanh đến một xóm trồng toàn hoa đào (Đào hoa trang), gõ cửa một nhà xin giải khát. Bên cửa cổng, một thiếu nữ thập thò đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Hai bàn tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má hây hây đỏ như đóa hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu đoạn từ giã ra đi. Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xóa mờ hình bóng giai nhân. Xóm hoa đào và con người đẹp vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến nhà thơ lãng mạn chan chứa biết bao tình cảm lưu luyến mặn nồng. Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến, Thôi Hộ tìm đến xóm hoa đào. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa lại vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười chào đón khách du xuân. Ngẩn ngơ, thờ thẩn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi: "Hay là nàng đã về nhà chồng?" Từng bước một, chàng quay gót trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, Thôi Hộ lấy bút mực ra, đề mấy câu thơ trên cửa cổng. Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn trên cổng thấy bốn câu thơ: "Khứ niên kim nhựt thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng, Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong." Điển tích này man ý nghĩa cảnh cũ còn đây mà người xưa đã vắng. 9. Ngựa quen đường cũ: Thời Xuân Thu, khi các nước tranh giành quyền lực. Khi nước Yên bị xâm lược bởi dân du mục phương bắc được gọi là Sơn Nhung, đã kêu gọi sự trợ giúp từ nước Tề đang thịnh vượng. Tề Hoàn Công, vua nước Tề, dẫn quân đến bảo vệ Yên, cùng với tể tướng Quan Trung. Chiến dịch bắt đầu vào mùa xuân và kéo dài đến mùa đông. Sau khi giao tranh kéo dài, quân Tề đã giành được chiến thắng, nhưng phải trả giá đắt. Đến lúc trở về, quân Tề phát hiện không còn nhận ra phong cảnh nữa. Họ không thể tìm thấy đường về nhà. Trong lúc bối rối, Quan Trung bước tới và thưa với nhà vua: "Khi một con chó rời khỏi nhà của nó, nó luôn có thể tìm đường quay lại. Thần tin rằng một con ngựa cũng có khả năng tương tự. Hãy để chúng thần sử dụng một con ngựa già để dẫn đường". Nhà vua chấp nhận kế hoạch, một số con ngựa già không được cưỡi đã đi trước quân đội, và dẫn họ về nhà! 10. Nhất ngôn cửu đỉnh: Thời Chiến Quốc, nước Tần tấn công nước Triệu ở Hàm Đan (kinh đô nước Triệu). Bình Nguyên Quân của nước Triệu đến nước Sở cầu viện, muốn liên kết với nước Sở để chống lại nước Tần. Bình Nguyên Quân muốn tuyển 20 môn khách cùng đến nước Sở để thuyết phục, nhưng tìm tới tìm lui chỉ tìm được 19 người, còn thiếu một người thì phải làm thế nào đây? Lúc ấy, có một người tên là Mao Toại tự tiến cử mình, Bình Nguyên Quân bèn thu nạp anh ta. Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân vẫn không có cách nào thuyết phục Sở Vương viện trợ nước Triệu. Cuối cùng Mao Toại cầm kiếm đi về phía trước, hướng đến Sở Vương phân tích tình thế với một phong thái chính nghĩa, lời nói trang nghiêm, khí thế hùng hồn; Sở Vương bèn đáp ứng việc thiết lập giao ước đồng minh với nước Triệu. Bình Nguyên Quân sau khi trở về nước Triệu, nghĩ đến việc đã dùng cả một ngày mà không thể thuyết phục được Sở Vương, vậy mà Mao Toại chỉ với mấy câu mà khiến cho Sở Vương không nói được lời nào, mới tán thưởng Mao Toại rằng: "Mao tiên sinh đến Sở; mà khiến nước Triệu được tôn trọng nặng như cửu đỉnh, như chuông Đại Lữ. Mao tiên sinh dùng ba tấc lưỡi còn mạnh hơn cả trăm vạn hùng binh".