Review Sách [Tiểu Thuyết] Viết - Marguerite Duras

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Dị Khách, 24 Tháng ba 2022.

  1. Dị Khách

    Bài viết:
    11
    Tiểu thuyết VIẾT

    * * *

    [​IMG] Marguerite Duras (1914-1996) sinh ở Gia Định, miền Nam Việt Nam, tên thật là Marguerite Donnadieu. Cha mẹ của bà đều là giáo viên sang làm ăn ở Đông Dương vào những năm Đông Dương đang nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Bà là con thứ ba trong gia đình, có hai người anh và một em trai. Bố mất năm bà lên bốn, nên kí ức về bố rất nhạt nhòa. 1930, học ở trường trung học Chasseloup-Laubat, Sài Gòn và sống ở ký túc xá Lyautey. Năm mười tám tuổi học xong tú tài, bà về Paris và sống hẳn ở đó..

    * * *

    Được đánh giá là một trong những gương mặt văn xuôi nổi bật của Pháp ở thế kỷ XX, Marguerite Duras là một nhà văn nữ có số lượng tác phẩm từng một thời đã đạt đến kỷ lục về số lượng xuất bản cũng như số lần dịch tại nước ngoài. Bà đã trở thành thần tượng của giới trẻ với hàng loạt tiểu thuyết ví như Người tình Hoa Bắc, Mười rưỡi đêm hè, Người tình, Mắt biếc tóc huyền .. Tác phẩm của bà lôi cuốn không chỉ giới trí thức, học giả và sinh viên mà còn đối với công chúng bình dân và trở thành đề tài của hàng trăm luận án gắn liền với tên tuổi của bà trên khắp các lĩnh vực: Văn học, Phân tâm học, Điện ảnh..

    Trong số các tác phẩm để lại cho đời, nếu Người tình được độc giả trong và ngoài nước quan tâm và yêu thích bởi sức hấp dẫn của đề tài và giá trị nhân bản cũng như sự đổi mới táo bạo về phương diện nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết; Mắt biếc tóc huyền với yếu tố lạ về cấu trúc, lạ về cốt truyện, lạ về cách xây dựng nhân vật, không gian thời gian.. được cho là "một tiểu thuyết kỳ lạ", thì Viết (*) là sự cách tân nghệ thuật tiểu thuyết đầy ấn tượng với lối viết đan xen giữa văn xuôi với kịch bản điện ảnh - một thể nghiệm về ngôn ngữ của Duras.

    Duras dường như muốn trình diễn cho độc giả thấy rằng tác phẩm của bà được viết ra chủ yếu là để phục vụ cho người làm phim bởi lẽ ngoài những đoạn hội thoại giữa các nhân vật ra, phần còn lại chỉ là những câu viết rất ngắn như những lời chỉ dẫn mang tính định hướng cho người dựng cảnh và đạo diễn trong một kịch bản phim vậy. Ngoài ra, trong Viết, Duras đã tỏ rõ quan niệm của bà về văn chương. Văn chương, theo bà, phải là "văn chương của cái-không-viết-ra" - một thứ văn chương hướng tìm đến cái mới, cái lạ và khai tử cái nhàm chán quen thuộc, sáo rỗng: "Có một thứ văn chương của cái-không-viết-ra. Một ngày nào đó nó sẽ đến. Một thứ văn chương ngắn gọn, không ngữ pháp, một thứ văn chương chỉ toàn các từ. Những từ không có ngữ pháp làm nền tảng. Lạc lối. Đó, những tác phẩm." Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện kể với các đoạn văn tách rời nhau một cách lỏng lẻo ngỡ như rời rạc nhưng được xâu chuỗi bởi một mạch ngầm các chủ đề tiếp nối nhau. Điều đó đòi hỏi người đọc phải vận động tư duy, vật lộn với ngôn từ của Viết trong quá trình thưởng thức tác phẩm chứ không phải nhàn rỗi thả mình trượt dài trên câu chữ từ đầu đến cuối như cách đọc một tiểu thuyết truyền thống.

    Thêm vào đó, ngoài một cuốn tiểu thuyết, Viết là bản ghi chép lại từ cuộc trò chuyện có ghi hình về nghề viết văn giữa Duras với đạo diễn Benoît Jacquot. Những kỉ niệm và ý tưởng chợt đến chợt đi được thể hiện thông qua lời nói một cách tự nhiên mà không tuân thủ theo bất cứ một trật tự cứng nhắc nào của nghề viết tiểu thuyết định hình từ bao thế kỉ trước.

    Sống trong một thế giới của vô vàn những đối kháng và mâu thuẫn, mỗi người chúng ta đã có lúc là một tinh cầu cô đơn. Có lẽ đã hơn một lần trong đời mình, chúng ta trượt qua nhau hay thậm chí chạm vào nhau mà không nhận ra nhau. Chúng ta tự ngăn cách mình bằng những bến bờ tạp niệm và vô hình trung tự trói mình trong những nỗi cô đơn. Và do vậy, có thể nói hơn cả một cuốn sách về văn chương, Viết còn là một cuốn sách về nỗi cô đơn - bức chúc thư của Duras để lại cho người trên cõi nhân gian.

    * * * * * * * * * * * * * *

    Chú thích:

    (*) Nhân đọc Viết, tiểu thuyết của Marguerite Duras (Dịch giả Trần Văn Công ), NXB. Văn học.

    [​IMG]
     
    Bán Nguyệt thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...