Tiểu luận về tấm gương tự học của bác

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 17 Tháng mười hai 2019.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    589
    Tiểu luận về tấm gương tự học của bác

    Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và kết quả của sự tự học đã góp phần to lớn trong việc làm nên cuộc đời đầy oanh liệt của Người.

    Tấm gương về tinh thần tự học của Hồ Chí Minh cũng chứa đựng những bài học và lời khuyên bổ ích phương pháp, cách thức tổ chức quá trình tự học của bản thân mỗi người. Nhận thức và làm theo tấm gương tự học Hồ Chí Minh là một trong những việc làm hữu ích trong việc thực hiện cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cũng như cuộc vận động "mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo" trong ngành giáo dục của chúng ta.

    1. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Tự học đã làm nên thiên tài Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của một chí hướng học tập và tu dưỡng suốt đời vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

    Hồ Chí Minh không được học nhiều ở nhà trường nhưng Người đã bù vào đấy bằng một quá trình tự học, tự nghiên cứu kiên trì, liên tục không mệt mỏi. Từ trải nghiệm trong cuộc sống và trong hoạt động cách mạng, Người coi thực tế là trường học lớn nhất của cuộc đời mình.

    Tấm gương sáng ngời về tự học, tự nghiên cứu được thể hiện trong tất cả các chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ của cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

    2. Tháng 5 năm 1908, vì đã dẫn đầu một nhóm học sinh Quốc Học Huế tham, gia đoàn biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế và vì đã cùng các bạn đi hết nhóm này đến nhóm khác, đọc cho những người biểu tình nghe những bài thơ yêu nước, kêu gọi mọi người kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, nên sau sự kiện đó, Nguyễn Tất Thành không được học ở trường Quốc Học nữa, đồng thời chấm dứt luôn những tháng năm đi học ở thời niên thiếu của mình.

    Từ đây, người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu một cuộc sống lao động tự lập, tự học để nêu chí lớn, để tìm đường và trở thành người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam.

    [​IMG]

    Để tiếp tục thực hiện hoài bảo của mình, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh, tạm xa những học trò thân yêu lên đường sang phương Tây với tên Văn Ba trên chiếc tàu biển của Pháp mang tên "Đô đốc Latusơ Tơrevin". Công việc của Người trên tàu là phụ bếp. Đây là công việc vô cùng vất vả vì nhà bếp phải phụ vụ cho 800 người ăn, nhưng Người vẫn giành thời gian cho việc tự học.

    Quá trình tự học của Người trong khoảng thời gian trên tàu với nghề phụ bếp đã để lại nhiều câu chuyện cảm động và sâu sắc về tấm gương tự học và sáng tạo. Những người cùng làm với anh Ba trên tàu đã kể về tinh thần say mê học tập của anh Ba với lòng khâm phục sâu sắc: "Mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử, nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài thì anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm".

    Sự nghiệp văn chương phong phú mà Người đã để lại cho chúng ta cũng là kết quả của một quá trình tự học kiên trì.

    Với tập thơ "Nhật ký trong tù" tập thơ bằng chữ Hán, Nhà Việt Nam học N. Phêđôrencô (Liên Xô) nhận xét: "Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Trong lịch sử văn học có một số nhà thơ Nhật Bản gần như sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ có thể làm được một số bài có tính chất khuôn sáo mà thôi. Ấy vậy mà," Nhật ký trong tù "- thực sự là một thi phẩm có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng..".

    Đó là thiên tài phát tiết, nhưng nếu không có quá trình khổ luyện học chữ, học tiếng nước ngoài bền bỉ của Bác thì sẽ không có điều đó.

    Học ngoại ngữ, như sau này Bác nói: Mỗi ngày chỉ cần học 5 từ, một tháng đã học được 150 từ. Tốc độ học của Bác cũng rất nhanh. Đi tìm đường cứu nước, Bác qua 28 nước, có nơi đến và ở với thời gian rất ngắn. Nhưng đi đến đâu Bác cũng học được tiếng nói của họ. Bác biết 14 thứ tiếng, trong đó có thể đọc thông viết thạo được 8 thứ tiếng. Đó là kết quả vượt bậc của một trí tuệ tuyệt vời.

    Đọc lại những bài báo của Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp trong thời gian 1920-1924, số lượng rất lớn, trong đó có "Bản án chế độ thực dân Pháp" nổi tiếng, cho thấy lúc đó, với khả năng tự học, Người đã lĩnh hội được hệ thống tri thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa đồ sộ của nhân loại; đặc biệt có khả năng thống kê, sự nhạy cảm sắc sảo về tư duy và nhãn quan chính trị.

    Đọc các tác phẩm của Người, không chỉ vào thời điểm tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc nổi lên như một huyền thoại, một niềm hy vọng của dân tộc, mà cho tới nay những thông tin, tư liệu trong tuyển tập của Người vẫn còn thuyết phục những học giả uyên bác nhất.

    Sau gần 30 năm xa tổ quốc, đầu năm 1941 Người đặt chân lên mảnh đất Pắc Pó, Cao Bằng. Người đã cùng Trung ương Đảng quyết định chọn nơi đây làm căn cứ và chuẩn bị cho một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

    Từ đó cho đến cuối đời, mặc dù công việc bề bộn, đời sống vẫn còn khó khăn nhưng Bác Hồ vẫn rất lạc quan và không ngừng tự bổ sung kiến thức. Người không chỉ tự học mà còn chú ý nhiều tới việc huấn luyện và đào tạo cán bộ cốt cán của phong trào, luôn luôn hướng dẫn họ tự học để có thể đảm đương tốt các ông việc mà cách mạng giao cho.

    Người dạy: "Học tập ở trường của đoàn thể không phải như các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập".

    Với tấm gương tự học và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển lên đỉnh cao truyền thống hiếu học của dân tộc. Người đã có những tư tưởng rất sâu sắc và hiện đại về cách học nói chung, đặc biệt là phương pháp tự học nhằm phát huy trí tuệ và phẩm chất nhân cách của mỗi cá nhân.

    Theo Người, trong quá trình học tập phải "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ chín chắn, kỹ càng, mạnh dạn đề xuất vấn đề và thảo luận cho thông suốt", phải "lấy tự học làm cốt" và "tự động học tập". Đây là một trong những cống hiến to lớn và quý giá của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận dạy học của nước ta.

    Để tự học và tự học thành công, theo Hồ Chí Minh điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tiếp theo là phải tạo điều kiện và tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh "học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân". Đó là cách giúp quá trình tự học mang lại hiệu quả cao và tạo ra thói quen học tập suốt đời.

    Đồng thời phải có kế hoạch sắp xếp thời gian một cách chặt chẽ, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại, khi học đến đâu thì ra sức thực hành đến đó. Những quan điểm trên về tự học của Hồ Chí Minh thực sự là di sản tư tưởng quý báu, nó vừa phản ánh giá trị truyền thống của dân tộc, lại vừa tiêu biểu cho tư tưởng giáo dục tiến bộ của thời đại.

    Tư tưởng của Người không chỉ phản ánh quy luật phát triển của nền giáo dục hiện đại trên thế giới mà còn hiện thân cho ước nguyện chân chính và sâu sắc của quảng đại quần chúng nhân dân lao động của nước ta về quyền lợi và hạnh phúc được học tập.

    3. Suy ngẫm về tấm gương sáng ngời về quá trình tự học Hồ Chí minh, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của các cuộc vận động lớn trong ngành giáo dục của chúng ta những năm gần đây, đặc biệt là cuộc vận động "mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo". Cuộc vận động thực sự góp phần thổi thêm luồng sinh khí trong công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước ta.

    Dạy học là một nghề cao quý trong những nghề cao quý, nhưng cũng là một nghề đòi hỏi rất nhiều năng lực và phẩm chất đạo đức. Để xứng đáng với niềm đợi mong của toàn xã hội, để mỗi bài giảng trên lớp thực sự là nhịp cầu nối những bến bờ tri thức và là con đường chỉ dẫn cho học sinh tự mình đi tìm chân lý, mỗi thầy giáo cô giáo không còn cách nào khác là phải không ngừng tự học và sáng tạo; không thể bằng lòng với những gì mình đang sở hữu trong biển cả tri thức mênh mông.

    Tấm gương tự học kiên trì của người thầy giáo sẽ luôn có ý nghĩa song hành cùng với những điều mới mẻ có được trong mỗi bài giảng nhờ quá trình tự đào sâu tri thức và cập nhận thông tin.

    Kết quả của quá trình tự học không chỉ giúp cho bài dạy trên lớp trở nên sinh động và hiệu quả mà quan trọng hơn, tự học đã trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên phẩm chất và uy tín của người thầy. Đối với các em học sinh, tấm gương tự học của thầy giáo mới thực sự là bài học có ý nghĩa nhất trong mọi bài học, là nguồn cổ vũ và điểm tựa giúp học sinh vượt qua những giây phút nản lòng trong bước đường chiếm lĩnh tri thức.

    Vì vậy, những lời chỉ dẫn quý báu và những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ suốt đời và hết sức thành công của Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn nguyên giá trị to lớn. Và từ suy ngẫm về tấm gương tự học sáng ngời của Hồ Chí Minh để tự mình rút ra những bài học quý báu vận dụng vào quá trình tự tu dưỡng của chính mình đó cũng là cách để mỗi giáo viên thể hiện sự hưởng ứng nhiệt tình đối với cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...