Đề tài: Kinh tế thị trường là gì? Kinh tế thị trường có từ bao giờ? Tại sao nói kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại? I. Kinh tế thị trường là gì và sự ra đời của nền kinh tế thị trường Xã hội loài người luôn vận động phát triển từ thấp đến cao. Từ thời kì sơ khai khi con người chủ yếu tìm kiếm nguồn thức ăn theo hình thức săn bắt và hái lượm đến những hình thức cao hơn, phát triển hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Ban đầu hình thức kinh tế là nền kinh tế tự nhiên. Như chúng ta đã biết thì kinh tế tự nhiên là hình thức mà sản phẩm được sản xuất ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu của một cá nhân, của một tập thể như gia đình, bộ tộc.. Nói một cách khác, đây là hình thức kinh tế tự túc tự cấp. Không có sự trao đổi mua bán giữa các cá thể với nhau. Trải qua một thời gian lâu dài, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và tư liệu sản xuất mà bắt đầu xuất hiện những sản phẩm dư thừa. Ngoài ra, do các nhu cầu khác nhau của cá nhân muốn sở hữu các sản phẩm được làm ra bởi các cá thể khác nên dẫn đến sự có mặt của hoạt động trao đổi mua bán sản phẩm giữa các cá thể. Từ đó, nền kinh tế hàng hóa ra đời. Tuy nhiên, mặc dù đã xuất hiện nền kinh tế hàng hóa nhưng các hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra một cách tự phát, ngẫu nhiên không tuân theo cơ chế và quy luật của thị trường. Khái niệm thị trường được nhắc đến ở đây là nơi diễn ra các hành vi trao đổi, mua bán hàng hóa giữa các chủ thể với nhau. Nói một cách bao quát hơn thì thị trường là nơi tổng hòa các mối quan hệ liên quan đến trao đổi, mua bán hàng hóa trong xã hội, được hình thành dựa trên cơ sở, điều kiện lịch sử, kinh tế và xã hội.. Hình thức kinh tế hàng hóa ở giai đoạn đầu này còn được gọi là nền kinh tế hàng hóa giản đơn. Ví dụ: Một người nông dân sở hữu một mảnh đất. Trên mảnh đất có sẵn các loại củ như khoai, sắn. Người nông dân do không có nhu cầu sử dụng nên đem ra đầu làng bán. Hành động của người nông dân là tự phát, ngẫu nhiên, không theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường nên đây được xem là hình thức kinh tế hàng hóa giản đơn. Qua một thời gian, khi lực lượng sản xuất đạt tới sự phát triển cao hơn, các mối quan hệ kinh tế đều được thực hiện thông qua thị trường, mối quan hệ giữa tiền tệ - hàng hóa đạt đến độ phát triển nhất định thì cũng là lúc hình thành nên nền kinh tế thị trường. Tóm lại, sự hình thành kinh tế thị trường là khách quan. Dưới góc độ kinh tế chính trị thì nền kinh tế thị trường là nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường. Đó là nền kinh tế hàng hóa phát triển ở giai đoạn cao hơn mà ở đó mọi mối quan hệ sản xuất và trao đổi mua bán đều được thực hiện thông qua thị trường, chịu sự tác động, điều tiết của cơ chế và các quy luật thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị.. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà ở đó tồn tại nhiều thành phần kinh tế, chủ thể sở hữu cùng tham gia, cùng vận động và phát triển, cạnh tranh công bằng và ổn định. Thực tế cho thấy, kinh tế thị trường được biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Một số hình thức kinh tế thị trường đang tồn tại hiện nay như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường tư bản Nhà nước, kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Việt Nam).. Tuy vậy, tất cả đều có chung những đặc trưng như sau: Thứ nhất, đều có sự tham gia của nhiều chủ thể (nhà nước, tư nhân, tập thể, doanh nghiệp) với nhiều hình thức sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể) và các chủ thể này đều bình đẳng trước pháp luật. Thứ hai, thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực xã hội thông qua hoạt động của các thị trường bộ phận (thị trường hàng hóa, thị trường sức lao động, thị trường tài chính) Thứ ba, giá cả được hình thành theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh vừa là môi trường vừa là động lực thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển. Thứ tư, động lực trực tiếp của các chủ thể sản xuất kinh doanh là lợi ích kinh tế xã hội. Thứ năm, nhà nước là chủ thể thực hiện chức năng quản lý đối với các quan hệ kinh tế, đồng thời nhà nước cũng đóng vai trò xử lý khắc phục các hạn chế, khuyết tật thị trường nhằm thúc đẩy các yếu tố tích cực, đảm bảo công bằng xã hội và ổn định kinh tế. Thứ sáu, kinh tế thị trường là nền kinh tế mở, thị trường trong nước gắn liền với thị trường quốc tế. Ngoài ra, kinh tế thị trường còn mang những ưu thế lớn. Là điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất. Khi nguồn cầu lớn hơn nguồn cung thì giá cả sẽ tăng cao hơn so với giá trị của hàng hóa, giúp người bán tăng lợi nhuận từ đó thúc đẩy tăng gia sản xuất. Tiếp theo, kinh tế thị trường giúp phát huy tốt tiềm năng của mọi chủ thể, của mỗi vùng miền cũng như lợi thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Cùng với đó là tạo động lực để các chủ thể sáng tạo, đổi mới phù hợp trong môi trường cạnh tranh. Cuối cùng, kinh tế thị trường giúp gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động. Song, bên cạnh những ưu thế trên thì nền kinh tế thị trường cũng tồn tại nhiều khuyết tật. Như tiềm tàng những rủi ro khủng hoảng. Khi con người chạy theo lợi nhuận sản xuất không cân xứng với nguồn cầu dễ dẫn đến khủng hoảng thừa, không nhanh chóng điều chỉnh gây thất thoát vốn dẫn đến phá sản. Ngoài ra, việc chạy theo lợi nhuận, khiến các cá nhân, tập thể muốn tối đa hóa lợi nhuận mà khai thác triệt để các nguồn tài nguyên, dẫn đến nguy cơ suy kiệt nguồn tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường. Cuối cùng là sự mất cân bằng xã hội, sự phân hóa giàu – nghèo ngày càng lớn, người nghèo thì loay hoay thoát nghèo còn người giàu thì tiếp tục giàu hơn nữa. Nền kinh tế thị trường ra đời là tất yếu dựa vào điều kiện xã hội. Là cơ hội để phát triển cho mỗi quốc gia nhưng kèm theo đó là những khuyết tật nếu như không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả lớn. II. Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại Kinh tế thị trường được xem là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Bởi vì nó là sản phẩm của quá trình vận động phát triển của con người về mặt tư duy và hành động. Từ thuở sơ khai, khi con người tìm kiếm nguồn thức ăn từ hình thức giản đơn như săn bắt hái lượm, với những công cụ lao động bằng đá thô sơ cho đến thời hiện đại khi tư duy con người phát triển, họ nhận biết những khó khăn trong quá trình lao động sản xuất từ đó thúc đẩy họ phát minh ra những công cụ lao động tiên tiến hơn, có năng suất cao hơn góp phần gia tăng khối lượng sản phẩm, đáp ứng đủ cho nhu cầu người tiêu dùng. Cũng nhờ có tư duy mà con người nhận biết được những vấn đề cấp thiết trong xã hội. Tạo ra những cơ chế, nguyên tắc quản lí phù hợp với tình hình hiện tại. Sự ra đời của các hình thức kinh tế trong từng thời kì là tất yếu, khách quan, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội tại thời điểm đó. Kinh tế thị trường tạo điều kiện giúp nền kinh tế của mỗi quốc gia phát triển và ổn định. Các quốc gia tự điều chỉnh sao cho phù hợp với thể chế và chính sách của mình. Kinh tế thị trường giúp nền kinh tế thế giới vận hành một cách thống nhất. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chế độ chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, kinh tế thị trường là một hình thức kinh tế đã có mầm mống từ lâu trong xã hội nô lệ, bắt đầu hình thành trong xã hội phong kiến và chỉ trong tư bản chủ nghĩa thì kinh tế thị trường mới phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Ngoài ra, từ lịch sử cũng cho thấy, chủ nghĩa tư bản vốn dĩ không sinh ra kinh tế hàng hóa. Do vậy, kinh tế thị trường với tư cách là kinh tế hàng hóa phát triển ở giai đoạn cao cũng không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản mà nó là thành tựu chung của toàn nhân loại.