Đề tài: Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự Học phần: Luật tố tụng hình sự Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền trong sáng, giàu mạnh, dân chủ, tư pháp nghiêm minh, bảo vệ công lý và quyền con người. Trên tinh thần của Đảng ta về hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tội phạm có ý nghĩa hết sức quan trọng với việc xây dựng thể chế bảo đảm pháp quyền làm cốt lõi và thúc đẩy sự xây dựng hệ thống pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) nói chung, đặc biệt là các quy định về các biện pháp ngăn chặn (BPNC). Biện pháp ngăn chặn (BPNC) là một trong những chế định quan trọng của Luật Tố tụng hình sự (TTHS), việc sử dụng các biện pháp ngăn chặn (BPNC) trong tố tụng hình sự (TTHS) có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát hiện, giải quyết vụ án và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trong khoa học luật tố tụng hình sự (TTHS), tầm quan trọng của hệ thống luật TTHS vẫn chưa được quan tâm và nghiên cứu đầy đủ, phù hợp với phương hướng xây dựng Đảng của chúng ta về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Biện pháp ngăn chặn được quy định như thế nào trong luật TTHS và việc áp dụng biện pháp đó như thế nào trong thực tế đang là vấn đề cần được quan tâm của xã hội. Từ đó, em lựa chọn chủ đề "Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự" để kết thúc học phần Luật tố tụng hình sự ; với mong muốn từ việc nghiên cứu sâu sắc hơn những vấn đề lý luận liên quan với các chế định BPNC, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng các BPNC trong giai đoạn hiện nay. 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài Các vấn đề liên quan đến BPNC trong TTHS đã được nhiều nhà lý luận, cán bộ làm công tác thực tiễn trong các ngành bảo vệ pháp luật ở trong và ngoài nước nghiên cứu trong những năm vừa qua. Nhóm tác giả nghiên cứu những vấn đề về các BPNC với mức độ chuyên sâu như: Enhikeev về "Những vấn đề hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn tố tụng hình sự", Nxb Đại học tổng hợp Kazan, 1982. Ở trong nước, cho đến nay đã có nhiều công trình chuyên khảo nghiên cứu các BPNC với phạm vi và mức độ khác nhau đáng chú ý như: Luận án thạc sĩ luật học của tác giả Lê Thị Thu Nguyệt "Các biện pháp ngăn chặn theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn áp dụng tại quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội", Học viện khoa học xã hội năm 2017. Luận án tiến sĩ luật học của tác giả Nguyễn Trọng Phúc năm 2010 "Chế định các biện pháp ngăn chặn theo luật tố tụng hình sự Việt Nam". Nhóm tác giả nghiên cứu nội dung các BPNC và một số vấn đề có liên quan bảo đảm nâng cao hiệu áp dụng: TS. Nguyễn Vạn Nguyên về "Các biện pháp ngăn chặn và những vấn đề nâng cao hiệu quả của chúng", Nxb Công an nhân dân, 1995. Ngoài ra, trong nhiều giáo trình, bình luận khoa học đang sử dụng cho chương trình đào tạo đại học, sau đại học của các cơ sở đào tạo luật học, nội dung các BPNC được nhiều tác giả phân tích làm rõ, như: Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, do TS. Nguyễn Ngọc Chí chủ biên (Chương VIII). Các công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến một số vấn đề lý luận và thực tiễn về BPNC, nhưng phần lớn nghiên cứu chế định các BPNC chưa sâu sắc, toàn diện. Chính vì vậy, việc lựa chọn đề tài "Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự" là vấn đề cần thiết mang tính thời sự. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1 Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở làm sáng tỏ một cách có hệ thống những vấn đề lý luận liên quan đến BPNC trong TTHS hiện nay, ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó đánh giá và đưa ra hệ thống giải pháp hoàn thiện chế định các biện pháp đó trong pháp luật TTHS Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng của các biện pháp này. 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được các mục đích như đã để ra ở trên, bài tiểu luận cần đặt ra và tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, phân tích làm sáng tỏ một những đề lý luận về các BPNC. Thứ hai, đưa ra các tiêu chí, căn cứ để phân loại, phân biệt các BPNC và phân tích ý nghĩa của chúng. Thứ ba, đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật về BPNC và nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp này trên thực tế. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của bài tiểu luận đã được thể hiện rõ như tên của đề tài: "Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự". 4.2 Phạm vi nghiên cứu Đề tài của tiểu luận được nghiên cứu dưới góc độ luật hình sự và tố tụng hình sự, song chỉ nghiên cứu những quy định của pháp luật TTHS về thẩm quyền, đối tượng, thời hạn, thủ tục áp dụng các BPNC trong BLTTHS năm 2015. 5. Phương pháp và ý nghĩa nghiên cứu của đề tài: 5.1 Phương pháp nghiên cứu Tiểu luận sử dụng phương pháp tiếp cận để làm sáng tỏ về mặt khoa học từng vấn đề tương ứng, đó là các phương pháp nghiên cứu, như: Lịch sử, so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê, v. V.. Trong sự kết hợp với những số liệu có sự khác nhau giữa thì phương pháp phân tích, thống kê, so sánh là phương pháp có vai trò chính. 5.2 Ý nghĩa của việc nghiên cứu đề tài Thông qua quá trình làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của các BPNC sẽ giúp các học sinh, sinh viên nghiên cứu luật TTHS nắm chắc "Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự". 6. Cơ cấu của bài tiểu luận Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo; nội dung của luận văn gồm chương: Chương 1: Những vấn đề chung về biện pháp ngăn chặn theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam Chương 2: Quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp ngăn chặn
NỘI DUNG Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM 1.1 Khái niệm và căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn 1.1. 1 Khái niệm biện pháp ngăn chặn Bấm để xem Khi tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền áp dụng các biện pháp: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người (bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt người bị can, bị báo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ), tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cơ trú, tạm hoãn xuất cảnh. Các biện pháp này được gọi là các biện pháp ngăn chặn. Biện pháp ngăn chặn là biện pháp do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị nghi là thực hiện tội phạm, bị can, bị cáo nhằm ngăn chặn viện người đó bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc người bị nghi là thực hiện tội phạm (người bị nghi ngờ thực hiện tội phạm chưa bị khởi tố bị can), bị can, bị cáo bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. [1] Biện pháp ngăn chặn trong TTHS bao gồm các biện pháp sau: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người ;Tạm giữ ;Tạm giam ;Bảo lĩnh ;Đặt tiền để bảo đảm; Cấm đi khỏi nơi cư trú ;Tạm hoãn xuất cảnh. 1.1. 2 Căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn Muốn áp dụng biện pháp ngăn chặn phải dựa vào pháp luật, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đảm bảo việc ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn có căn cứ pháp luật và thật sự cần thiết. Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn gồm: Thứ nhất: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho một hoặc nhiều quan hệ xã hội là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Việc kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để tội phạm xảy ra hoặc không để người phạm tội có điều kiện kết thúc hành vi phạm tội của minh gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội là việc làm cần thiết và cấp bách. Vì vậy, BLTTHS quy định việc kịp thời ngăn chặn tội phạm là một trong các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn. Căn cứ này thường được áp dụng để giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi xác định được một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 BLTTHS như khi có căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bắt người phạm tội quả tang trong trường hợp người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt (khoản 1 Điều 111 BLTTHS). Thứ hai: Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử Việc bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệụ tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án (TA) cũng như việc quản lí giám sát được bị can, bị cáo về con người cũng như hành vi của họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nếu bị can, bị cáo trốn tránh hoặc có những hành vi cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì việc xác định sự thật khách quan của vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, BLTTHS quy định khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử là một trong các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đối tượng để áp dụng căn cứ này thường là bị can, bị cáo, người bị truy nã. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang còn có thể áp dụng đối với những người chưa bị khởi tố về hình sự khi có căn cứ để cho rằng họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm. Căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thể hiện qua việc họ đang bỏ trốn, chuẩn bị trốn, làm giả chứng cứ, tiêu huỷ chứng cứ, có sự câu kết, bàn bạc giữa những người đồng phạm nhằm trốn tránh pháp luật, mua chuộc, đe dọa, không chế người làm chứng, bị hại V. V.. Thứ ba: Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội Đối với người bị bắt, bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng biện pháp cách li họ với xã hội hoặc hạn chế các điều kiện để họ không thể tiếp tục phạm tội là rất cần thiết. BLTTHS quy định khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội là căn cứ để áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khi áp dụng căn cứ này cần phân biệt với căn cứ "để kịp thời ngăn chặn tội phạm". Cả hai căn cứ đều nhằm ngăn chặn không để tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa hai căn cứ này là "để kịp thời ngăn chặn tội phạm" được áp dụng với những người chưa bị khởi tố về hình sự đối với hành vi được xác định là lí do dẫn đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với họ, còn để ngăn chặn việc "người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội" thường được áp dụng với các bị can, bị cáo (những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đã bị Tòa án (TA) quyết định đưa ra xét xử) khi có căn cứ cho rằng họ sẽ tiếp tục phạm tội. Những căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội có thể xác định trên các phương diện sau: - Về nhân thân người bị bắt, bị can, bị cáo: Người bị bắt, bị can, bị cáo là những đối tượng có nhân thân xấu. Ví dụ: Bị can, bị cáo là những đối tượng thuộc diện lưu manh, côn đồ, hung hãn.. Bị can, bị cáo là những người đã có nhiều tiền án, tiền sự hoặc những đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp như chuyên sống bằng các nghề cướp giật, trộm cắp, lừa đảo.. - Về hành vi của người bị buộc tội: Người bị buộc tội đã có những biểu hiện sẽ tiếp tục phạm tội thể hiện như đe dọa trả thù người tố giác, đe dọa trả thù bị hại, người làm chứng và đã có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện hoặc các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm và xét thấy người bị buộc tội có khả năng thực hiện được sự đe dọa đó. Thứ tư: Để bảo đảm thỉ hành án Thi hành án là giai đoạn của tố tụng hình sự nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Thi hành các bản án hoặc quyết định của Tòa án (TA) có liên quan trực tiếp đến người bị kết án. Sự có mặt của người bị kết án khi bản án được thi hành là rất cần thiết, đặc biệt là đối với người bị Tòa án (TA) quyết định áp dụng hình phạt tù. Nếu người bị kết án trốn tránh hoặc có hành vi gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thi hành án thì việc thi hành án sẽ không đạt kết quả. Do vậy, BLTTHS quy định để bảo đảm thi hành án trong các trường hợp nhất định là căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn. Tòa án thường áp dụng căn cứ này trong những trường hợp sau: Đối với bị cáo không bị tạm giam nhung bị TA cấp sơ thẩm kết tội, tuyên hình phạt tù mà có căn cứ cho rằng nếu không hạn chế tự do của bị cáo thì bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội, hội đồng xét xử có thể quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên TA để bảo đảm thi hành án. Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị TA cấp phúc thẩm tuyên hình phạt tù thì hội đồng xét xử ra quyết định bắt tạm giam ngay để bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp bị cáo có lí do để hoãn thi hành án phạt tù. [2]
1.2 Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam: Bấm để xem Việc áp dụng các BPNC trong TTHS nhằm tạm thời hạn chế quyền tự do của cá nhân của những người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm. Việc hạn chế một số quyền tự do cá nhân của những người này nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan về vụ án, góp phần tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự một cách thuận lợi, nhanh chóng trên cơ sở hạn chế tối đa các hành vi của người bị tình nghi gây khó khăn cho hoạt động giải quyết vụ án hình sự. Như vậy, suy cho cùng, việc áp dụng BPNC trong TTHS là biện pháp bảo đảm lợi ích của nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. [3] 1.3 Phân biệt các biện pháp ngăn chặn và những biện pháp cưỡng chế khác trong luật tổ tụng hình sự Các biện pháp cưỡng chế TTHS được chia thành ba nhóm, nhưng chúng có một sô điểm giống nhau, đó là: - Do người có quyền hạn được quy định trong BLTTHS quyết định và quyết định áp dụng đó được thể hiện bằng hình thức văn bản; - Đối tượng bị áp dụng có vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật TTHS, có lỗi; - Đối tượng bị hạn chế một số quyền và tự do cá nhân; - Mục đích của chúng đều không nhằm trừng trị người phạm tội và giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội như mục đích của hình phạt. Các BPNC hoàn toàn khác với biện pháp cưỡng chế TTHS khác bởi các dấu hiệu sau: A) Về nội dung cưỡng chế: Việc thực hiện các BPNC được thê hiện ở sự hạn chế một số quyền và tự do cá nhân được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Trong một thời điểm, đối tượng chỉ bị áp dụng một BPNC như Điều 79 BLTTHS năm 2003 đã quy định. Họ bị cách ly khỏi cộng đồng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc đe dọa bị tước đi một số tiền hoặc tài sản có giá trị đã đặt nếu chính họ văng mặt mà không có lý do chính đáng, khi bị cơ quan THTT triệu tập. Còn việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế TTHS khác, thì không liên quan đến hai vấn đề trên; B) Về đối tượng bị áp dụng: Đối tượng bị áp dụng các BPNC chỉ gồm ba đối tượng là những người có liên quan đến việc thực hiện tội phạm chưa bị khởi tố, bị can, bị cáo, còn các biện pháp cưỡng chế TTHS khác được áp dụng có phạm vi rộng hơn, như: Đối với ba đối tượng trên và cả những người khác như: Người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bị hại, người vi phạm trật tự phiên tòa; C) Về mục đích áp dụng: Việc áp dụng các BPNC nhằm ngăn chặn tội phạm; bảo đảm cho điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, còn việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế TTHS khác, thì nhằm thu thập chứng cứ hỗ trợ cho mục đích trên của các BPNC; Các BPNC và các biện pháp cưỡng chế TTHS khác có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bởi vì, việc áp dụng các BPNC sẽ tạo điều kiện cho áp dụng các biện pháp cưỡng chế TTHS khác được thuận lợi. Ngược lại, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế TTHS khác sẽ thu thập được những chứng cứ, tài liệu để làm cơ sở, căn cứ cho quyết định áp dụng các BPNC. [4]
Chương 2 QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN 2.1 Quy định về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp Bấm để xem Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền tiến hành tố dụng áp dụng, ngay lập tức hạn chế tự do về thân thể đối với người ở trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn việc người đó thực hiện tội phạm hoặc ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. 2.1. 1 Căn cứ áp dụng Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015, căn cứ áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp được xác định như sau: [5] "1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: A) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; B) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; C) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ." 2.1. 2 Thẩm quyền áp dụng Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Bộ luật TTHS thì những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: "2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp A) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; B) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; C) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng" 2.1. 3 Thủ tục áp dụng Theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015, việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải có lệnh. "3. Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật này. 4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn."
2.2 Quy định về việc bắt người Bấm để xem Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì áp dụng đối với cả người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. [6] 2.2. 1 Bắt người phạm tội quả tang Bắt người phạm tội quả tang là trường hợp bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. 2.2. 1.1 Căn cứ áp dụng Theo quy định tại khoản 1 điều 111 BLTTHS năm 2015, biện pháp bắt người phạm tội quả tang được áp dụng khi có một trong các căn cứ sau đây: [7] "1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền." 2.2. 1.2 Thẩm quyền áp dụng Theo quy định tại khoản 1 điều 111 BLTTHS năm 2015, đối với người phạm tội quả tang thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt. 2.2. 1.3 Thủ tục áp dụng Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. 2.2. 2 Bắt người đang bị truy nã Được quy định tại điều 112 của BLTTHS năm 2015: "1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. 2. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. 3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền." 2.2. 3 Bắt bị can, bị cáo để tạm giam Được quy định tại điều 113 của BLTTHS năm 2015: "Điều 113. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam 1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam: A) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; B) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; C) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử. 2. Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. 3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã." 2.2. 4 Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt Theo quy định tại điều 114 của BLTTHS năm 2015: "1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. 2. Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã. Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất. 3. Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất." 2.3 Quy định về việc tạm giữ Biện pháp tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng. Biện pháp tạm giữ hạn chế tự do thân thể trong một thời hạn nhất định. 2.3. 1 Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định các đối tượng có thể bị tạm giữ như sau: "Điều 117. Tạm giữ Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã." 2.3. 2 Thời hạn tạm giữ Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. "Điều 118. Thời hạn tạm giữ. 1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. 2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.." Vậy thông thường thời hạn tạm giữ là 03 ngày. Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 09 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn tạm giữ cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Trường hợp một người đã bị tạm giữ sau đó bị tạm giam thì thời hạn tạm giữ sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam. 01 ngày tạm giữ bằng 01 ngày tạm giam. 2.3. 3 Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ "Điều 117. Tạm giữ. 2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ." Theo đó, những người cố thẩm quyền ra quyết định tạm giữ bao gồm thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Việc tạm giữ phải có quyết định tạm giữ. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật. [8] 2.4 Quy định về biện pháp tạm giam Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra. Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, hạn chế đáng kể quyền tự do thân thể của công dân cho nên áp dụng phải thận trọng và hạn chế áp dụng. 2.4. 1 Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam Theo quy định của Khoản 1 điều 119 BLTTHS năm 2015, đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm: "1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng." 2.4. 2 Thẩm quyền ra lệnh tạm giam Là những người có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp; Hội đồng xét xử. 2.4. 3 Thủ tục tạm giam Việc tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền. Sau khi ra lệnh tạm giam, cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước người bị tạm giam nhằm xác định đúng đối tượng cần tạm giam, tránh trường hợp nhầm lẫn. 2.4. 4 Việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam Theo điều 120 của BLTTHS năm 2015, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có người thân thích là người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tình thân mà không có người chăm sóc thì cơ quan tra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải giao người đó cho người thân thích khác chăm nom. "Điều 120. Việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam 1. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có người thân thích là người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao người đó cho người thân thích khác chăm nom; trường hợp không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao những người đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú chăm nom. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. 2. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản. 3. Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ. Việc thông báo được lập văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án."
2.5 Quy định về biện pháp bảo lĩnh Bấm để xem Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có cá nhân hoặc tổ chức có giấy cam đoan để đảm bảo bị can, bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) : "Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh". Như vậy, biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng đối với đối tượng là bị can hoặc bị cáo; chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can; đây là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. [9] 2.5. 1 Thẩm quyền áp dụng Theo quy định tại khoản 4 Điều 121 BLTTHS năm 2015, những người sau đây có quyền ra quyết định bảo lĩnh: - Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Quyết định bảo lĩnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. - Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) quân sự các cấp; - Chánh án, Phó Chánh án TA nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án TA quân sự các cấp; - Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. [10] 2.5. 2 Thủ tục áp dụng Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của BLTTHS thì cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đối với cá nhân là người thân thích của bị can, bị cáo có thể nhận bảo lĩnh cho họ. Vì thực tế cho thấy chỉ phần lớn những người thân thích của bị can, bị cáo mới có thể hiểu rõ và quản lý, giám sát được họ và những người này có khả năng cao hơn cho việc bảo đảm bị can, bị cáo sẽ không tiếp tục phạm tội, không bỏ trốn và có mặt đầy đủ khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; không vi phạm pháp luật khác trong thời gian được bảo lĩnh. Người thân thích gồm những đối tượng đã được quy đinh tại Điều 4 của BLTTHS. Tuy nhiên đối với cá nhân nhận bảo lĩnh phải là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh và phải có ít nhất 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Riêng đối với cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Nội dung giấy cam đoan của cá nhân, cơ quan, tổ chức phải ghi rõ trách nhiệm của mình trong việc không để bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; bị can, bị cáo không hủy chứng cứ, tài liệu, tẩu tán tài sản, đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại.. [11] 2.6 Quy định về biện pháp đặt tiền để bảo đảm Khoản 1 điều 122 BLTTHS năm 2015 quy định: "1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm." 2.6. 1 Thẩm quyền áp dụng Theo Khoản 3 điều 122 BLTTHS năm 2015, những người có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm là: – Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; – Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; – Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; – Hội đồng xét xử; – Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa; – Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này quyết định về việc áp dụng biện pháp đặt tiền có giá trị để bảo đảm phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. 2.6. 2 Thủ tục áp dụng Khi quyết định cho đặt tiền để bảo đảm, cơ quan ra quyết định phải lập biên bản về việc đặt tiền để bảo đảm. Trong biên bản phải ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản. Điều luật quy định rõ trách nhiệm của bị can, bị cáo trong việc chấp hành các nghĩa vụ đã được cam đoan. Nếu bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, TA triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho bị can, bị cáo số tiền đã đặt trong trường hợp họ chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan. Khoản 6 điều 122 BLTTHS năm 2015 đang được bình luận quy định trình tự, thủ tục, mức tiền phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật. [12]
2.7 Quy định về biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú Bấm để xem Khoản 1 điều 123 BLTTHS năm 2015 quy định: Điều 123. Cấm đi khỏi nơi cư trú 1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. 2.7. 1 Điều kiện áp dụng Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp thường được áp dụng khi có các điều kiện sau đây: - Bị can, bị cáp phạm tội lần đầu; có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; - Có căn cứ xác định bị can, bị cáo sẽ tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử; - Việc để bị can, bị cáo có mặt sinh sống ở nơi cư trú không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. [13] 2.7. 2 Thẩm quyền và thủ tục áp dụng Thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo, ngoài ra, đồn trưởng Đồn biên phòng cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Người được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ được quy định ở khoản 2 điều này. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo để quản lý, theo dõi. Bị can, bị cáo muốn đi khỏi nơi cư trú phải được sự đồng ý của chính quyền xã phường, thị trấn nơi cư trú và có giấy phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. BLTTHS năm 2015 đã quy định việc tạm rời khỏi nơi cư trú chỉ khi vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Lý do được tạm rời khỏi nơi cơ trú theo luật mới hẹp hơn rất nhiều quy định của BLTTHS năm 2003. 2.7. 3 Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú được xác định theo thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Trên thực tế các lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đến khi kết thúc thời hạn điều tra hoặc đến khi kết thúc thời hạn truy tố.. 2.8 Quy định về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn áp dụng với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố về hình sự khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn. 2.8. 1 Đối tượng áp dụng hoãn xuất cảnh Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: Mặc dù đây là những người chưa bị khởi tố hình sự nhưng là người bị người khác tố giác về hành vi phạm tội hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc bị cơ quan, tổ chức kiến nghị cơ quan có thẳm quyền khởi tố về hình sự mà qua việc kiểm tra, xác minh sự việc bị tố giác, kiến nghị khởi tố đó có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ; Bị can, bị cáo: Đây là các đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm trốn tránh việc xử lí hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án. [14] 2.8. 2 Thẩm quyền áp dụng Theo quy định tại điều 124 BLTTHS năm 2015, những người sau đây có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh: - Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được thông báo ngay cho VKS cùng cấp trước khi thi hành; - Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; - Chánh án, Phó Chánh án TA nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án TA quân sự các cấp; - Thẩm pháp chủ tọa phiên tòa. 2.8. 3 Thủ tục áp dụng Khi có căn cứ xác định có căn cứ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù tùy theo giai đoạn tố tụng, người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá giới hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tỳ không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
2.9 Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn Bấm để xem Theo quy định tại điều 125 BLTTHS năm 2015 mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: [15] "Điều 125. Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn 1. Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: A) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; B) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; C) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; D) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. 2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác."
KẾT LUẬN Tóm lại, thông qua việc nghiên cứu đề tài: "Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự" có thể rút ra được một số kết luận sau đây: Áp dụng BPNC là vô cùng quan trọng trong hoạt động TTHS, nghiên cứu các BPNC góp phần quan trọng trong hoạt động tìm hiểu những vấn đề ý luận của các BPNC. Trong những năm qua BLTTHS đã trải qua nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn; quy định về các BPNC cũng dần cụ thể hơn và đem lại nhiều kết quả tích cực trong hoạt động phòng chống tội phạm. Tuy nhiên đây cũng là một đề tài còn mới, chưa được nghiên cứu sâu về hiệu quả trên các địa bàn cụ thể, còn nhiều vướng mắt cùng bất cập vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, vì góc nhìn nghiên cứu còn khá eo hẹp nên rất mong những đóng góp chân thành để có thể hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 2. Nguyễn Thị Kim Anh, Phân tích các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, Luật Minh Khuê, Công ty luật Minh Khuê - Tư vấn Pháp Luật - Dịch vụ Luật Sư, 20/04/2021. 3. Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, Mạc Giáng Châu (2006), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam . 4. Luận án Tiến sĩ Luật học, Nguyễn Trọng Phúc (2010), Chế định các biện pháp ngăn chặn theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam. 5. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 6. Các trường hợp được bắt người mà pháp luật quy định, Luật P&P, Luật P&P . 7. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 8. Biện pháp tạm giữ trong tố tụng hình sự, Công ty luật EQUITY LAW, Công Ty Luật Equity Law - Tư vấn luật - Dịch vụ luật sư, 23/07/2019. 9. Đỗ Văn Duy, Bàn về bảo lĩnh - biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 02/12/2020. 10. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 11. Đỗ Văn Duy, Bàn về bảo lĩnh - biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 02/12/2020. 12. Nguyễn Văn Phi, Đặt tiền để bảo đảm theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới nhất, Luật Hoàng Phi, 29/01/2021. 13. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội. 14. Lưu Thanh Sang, Tạm hoãn xuất cảnh là gì? Cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, Luật Minh Khuê, Công ty luật Minh Khuê - Tư vấn Pháp Luật - Dịch vụ Luật Sư, 20/04/2021. 15. Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng (2016), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.