Tiểu Công Nghệ

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Gương Nga, 3 Tháng tư 2020.

  1. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    "Tiểu công nghệ" là mục I trong chương 8 "Nghệ thuật Ấn Độ" thuộc Tác phẩm "The Lessons of History" - tác giả Will Durant, bản tiếng Việt "Lịch sử văn minh Ấn Độ" - dịch giả Nguyễn Hiến Lê.

    Thời phát đạt của nghệ thuật Ấn Độ - Tính cách đặc biệt của nghệ thuật Ấn - Mối liên quan với kỹ nghệ - Đồ gốm - Nghệ thuật kim thuộc - Đồ gỗ - Đồ ngà - Đồ châu bảo - Vải vóc.

    Khi xét nghệ thuật Ấn Độ, cũng như xét mọi khía cạnh của văn minh Ấn Độ, ta không thể nào không khâm phục dân tộc đó: Nghệ thuật của họ phát hiện rất sớm mà lại tiến hóa đều đều. Những đồ cổ đào được ở Mohenjodaro không phải chỉ toàn là những đồ cần thiết thường dùng hằng ngày, mà còn có những tượng đàn ông bằng đá vôi, râu ria xồm xoàm, giống người Sumérien lạ lùng, những hình đàn bà và hình loài vật bằng đất nung; những hạt trai và các đồ trang sức khác bằng hồng mã não (cornaline), bằng vàng đánh rất bóng. Một con dấu khắc nổi con bò mộng, nét rất mạnh mẽ, làm cho ta phải kết luận rằng nghệ thuật ngày nay của chúng ta không tiến bộ hơn đồ cổ nhân mà chỉ thay đổi cách biểu thị thôi.

    Từ thời đó tới nay, trải qua năm chục thế kỷ, biết bao cuộc biến thiên, hưng phế, nghệ thuật Ấn Độ đã thay đổi cả trăm lần kỹ thuật mà vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của nó. Đôi khi sự tiến triển có vẻ đứt quãng, ta thấy mất vài cái khoen trong sợi dây, nhưng như vậy không phải là vì người Ấn đã ngưng chế tạo, xây cất trong những thời đó mà chỉ vì người Hồi xâm lăng đã cuồng nhiệt phát hủy biết bao nhiêu công trình kiến trúc và điêu khắc của Ấn, và vì thiếu ngân quỹ, các triều đại sau không đủ sức bảo tồn những công trình may mà thoát khỏi cảnh tàn phá đó.

    Mới tiếp xúc lần đầu với nghệ thuật Ấn Độ, chúng ta khó mà thưởng thức được hết cái hay, cái đẹp của nó: Nhạc thì có vẻ kỳ cục, họa thì tối tăm, kiến trúc thì hỗn độn mà điêu khắc thì kỳ quá. Mỗi lúc ta phải nhớ lại rằng giám thức của mình là cái gì không vững, không chắc chắn, do truyền thống cùng ảnh hưởng của xã hội chung quanh gây nên, mà xã hội này luôn luôn hẹp hòi, có thiên kiến, như vậy khi phán đoán các dân tộc khác hoặc phê bình nghệ thuật của họ theo tiêu chuẩn, thành kiến của mình luôn luôn khác hẳn của họ, thì làm sao khỏi bất công với họ được.

    Ở xứ nào cũng vậy, mới đầu một thợ thủ công cũng là một nghệ sĩ, rồi mãi sau tinh thần mới thay đổi, thợ thủ công không sản xuất một nghệ phẩm nữa, chỉ chế tạo những đồ dùng tầm thường, coi công việc của mình là một cực hình. Sau Plassey (xem chú giải (1)) , xứ Ấn thoi thóp, nhưng trước kia, ở Ấn cũng như ở châu Âu thời Trung cổ, mỗi người thợ thủ công là một nghệ sĩ, món vật nào cũng có nét khéo riêng của người chế tạo. Ngày nay cũng vậy, tuy đâu đâu nhà máy cũng mọc lên thay thế các xưởng công nghệ, mà địa vị của thợ thủ công tụt xuống hàng lao công, nhưng tại các châu thành Ấn vẫn còn vô số cửa hàng nhỏ đầy nghẹt các thợ cặm cụi chạm trổ, làm các đồ trang sức, vẽ, thêu, dệt hoặc làm các đồ bằng gỗ, bằng ngà. Có lẽ không có một dân tộc nào khác mà các nghệ thuật thủ công phồn thịnh bằng Ấn Độ.

    Có điều này hơi lạ là đồ gốm ở Ấn chưa bao giờ đạt tới mức nghệ thuật; chế độ tập cấp cấm dùng hai lần một món đồ để chứa (bát, chén, bình) trừ vài trường hợp đặc biệt vì vậy mà thợ làm gốm chỉ làm qua loa dùng tạm được thì thôi, tô điểm làm chi cho uổng công. Chỉ khi nào đồ dùng vàng hay bạc, như chiếc bình bạc ở Tanjore, hiện nay bày ở Victoria Institue tại Madras, hoặc cái khay đựng trầu bằng vàng ở Kandy, thì thợ thủ công mới chịu gắng sức làm cho có mỹ thuật. Có vô số đồ dùng làm bằng đồng đập (xem chú giải (2)) : Cây đèn, chén, các thứ bình; một hợp kim màu xám đen tên là bidri, mà phần chính là kẽm, dùng để làm các hộp, chậu lớn, khay; người ta đắp nhiều lớp kim thuộc lên nhau, hoặc nhận, chạm vàng, bạc lên một vật bằng đồng. Người ta đục gỗ thành hình cây lá, loài vật đủ các hình thù. Ngà voi dùng để làm mọi đồ vật, từ những tượng thần thánh tới các con thò lò; hoặc để khảm vào các cánh cửa, các đồ bằng gỗ, các hộp, tráp chứa dầu thơm, son phấn. Người nghèo cũng như người giàu đều thích đồ trang sức, để đeo mà cũng để cất, chứa, thành thử nghể kim hoàn thịnh vào bậc nhất: Thành phố Jaipur nổi tiếng về thứ men đỏ như lửa trên nền bằng vàng: Móc trâm, châu, ngọc, dây đeo, dao, lược, thứ nào cũng rất nhiều kiểu, chạm hình hoa, loài vật hoặc thần thánh; trên một miếng bảo thạch nhỏ xíu để cho một Bà La Môn đeo, mà người ta chạm được hình năm chục vị thần khác nhau.

    Còn về vải vóc thì chưa nước nào hơn được Ấn Độ và từ thời César tới nay, khắp thế giới đều quý các hàng Ấn (xem chú giải (3)) . Đôi khi họ tính toán tỉ mỉ và khéo léo lạ lùng, nhuộm trước các sợi đường dọc và đường canh từng đoạn dài ngắn bao nhiêu đó, để khi dệt xong không phân biệt được bề mặt và bề trái. Từ thứ hàng len gọi là Khaddar tới thứ hàng gấm mịn thêu kim tuyến, từ thứ pyjama (xem chú giải (4)) rất đẹp tới những khăn "san" (châle) Cachemire (xe chú giải (5)) mà nhìn kỹ cũng không thấy đường khâu (xem chú giải (6)) , thứ nào cũng rất đẹp, tỏ rằng nghệ thuật đã có từ lâu đời lắm, tinh vi lắm mà người thợ Ấn cơ hồ bẩm sinh là một nghệ sĩ.

    *Chú giải:

    (1) Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1757, tướng Anh Clive thắng viên thái thú Hồi Siradj-out-Daoula ở Plassey (một làng ở xứ Bengale) và từ đó Ấn bị Anh thống trị, mà nền văn minh của Ấn suy dần.

    (2) Bản tiếng Anh chép là: Brass, nghĩa là đồng thau.

    (3) Có lẽ Ấn Độ là xứ đầu tiên sản xuất các thứ vải, lụa in, nhưng nghệ thuật ấn loát không phát đạt, mặc dù kỹ thuật cũng giống nhau.

    (4) Do danh từ Ấn paijama, có nghĩa là "để che các ống chân"

    (5) Vốn là tên một tiểu quốc ở trong dãy núi Himalaya, nơi đó dệt một thứ hàng lông dê rất mịn. Và thứ hàng đó cũng gọi là Cachemire.

    (6) Thứ khăn "san" bằng len này rất mịn, gồm nhiều miếng nối với nhau khéo tới nỗi tưởng như là một miếng một.
     
    Last edited by a moderator: 6 Tháng tư 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...