Tiếng trống trường Tác giả: Chử Văn Long Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi Bàn chân nhỏ băng qua đồng, qua ruộng Tiếng trống trường giục giã những mùa thi. Vừa mới đấy đã bao năm cách biệt Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau. Sao chẳng thể một lần như thế nữa? Ngồi chung bàn chung ghế như xưa Lại hồi hộp ngó bảng đen phấn trắng Cho mắt nhìn thắm lại chút ngây thơ. Sao chưa đến tìm nhau bè bạn cũ? Bao năm ròng trọ học thổi cơm chung Hãy ngồi lại thêm một lần so đũa Nghe tiếng cười trai gái rộn quanh mâm. Sao không thể cùng về thăm thầy cũ? Ôi cái trống da trâu thay bọc lại bao lần Giờ mới biết từng hồi trống ấy Làm tóc thầy từng sợi bạc rưng rưng Có cả cuộc đời rồi sẽ nhớ Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi. Chử Văn Long sinh năm 1942 tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ông học phổ thông ở quê rồi đi học trung học cơ điện. Thơ Chử Văn Long giản dị, chân thành, phát hiện ra những góc khuất trong tâm hồn con người mà viết thành thi phẩm. Thơ Chử Văn Long là những khắc khoải của thi nhân về cõi nhân sinh với những vui, buồn, được, mất, những trăn trở, ưu lo nên đã chạm đến trái tim của bạn đọc. Với "Tiếng trống trường", tác giả đưa người đọc ngược dòng thời gian quay trở về tuổi thơ của ông được thể hiện qua từ ngữ "xa lắc", đưa độc giả theo "bàn chân nhỏ" của ông qua đồng ruộng để về với tiếng vang vọng của tróng trường năm xưa. Dõi theo dòng hồi tưởng, những kỉ niệm về con đường tới trường, tiếng trống, mùa thi, bạn bè, mái trường, những tiết học, những buổi trọ học thổi cơm chung, người thầy giáo cũ.. lần lượt trở về trong tâm trí nhà thơ cùng những ước mong cháy bỏng được sống lại những năm tháng tuổi thơ: "Sao chẳng thể", "sao chưa đến", "sao không thể". Nhưng dù có ước mong cháy bỏng đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể quay về quá khứ, không thể sống lại được một thời đã qua. Bài thơ, do vậy, cũng gợi lên trong ta những bùi ngùi, nhớ tiếc. Nỗi hoài niệm về một thời cắp sách là một chủ đề quen thuộc trong thơ ca, nhưng Chử Văn Long vẫn đem đến cho ta những rung động mãnh liệt nhờ vào cảm xúc chân thành tự đáy lòng của nhà thơ, nhờ vào việc gợi nhắc lại những hình ảnh đã trở thành ký ức chung của rất nhiều thế hệ học trò.