Tiếng Thu Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ Em không nghe rừng thu Lá thu kêu xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô. Nội dung bài thơ Tiếng thu Tiếng Thu là bài thơ ngắn chỉ 9 câu, nhưng là bài nổi tiếng nhất trong cuộc đời thơ Lưu Trọng Lư, được nhiều người nói rằng là bài thơ "thơ" nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài chất thơ ra thì nó không có gì bấu víu, không cõng thêm sứ mệnh nào khác, nó hoàn toàn trữ tình lãng mạn. Lưu Trọng Lư đã mượn không gian, cảnh vật đặc trưng của mùa thu để thể hiện bức tranh tâm trạng chân thực và sống động, sự u buồn và khắc khoải. Bài thơ có những chủ thể trông có vẻ rời rạc và không liên quan gì đến nhau. Ngoài chủ đề chính là mùa thu thì còn có trăng, có chinh phụ chinh phụ, và có con nai vàng ngơ ngác – hình tượng kinh điển trong thi ca. Khi gộp tất các hình tượng đó lại trong một tổng thể thì nó lại có sức lay động lòng người một cách kỳ lạ, những câu chữ như từng mảng màu quết vào nhau tạo thành một bức tranh mùa thu ảo diệu, vừa gần vừa xa, vừa sáng tỏ lại vừa mông lung, người ta chỉ có thể cảm thấy chứ không thể nói ra được rạch ròi. Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non, Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời... Tiếng thu cũng đồng nghĩa với tiếng lòng, tiếng nói con tim của một tình yêu câm lặng. Tác giả mượn mùa thu để nói thay tiếng lòng mình, muôn đời vẫn rất ban sơ, vẫn muốn được ngơ ngác trong tình yêu. Nên dù cho em không nghe, không thể nghe, hay là không muốn nghe, thì anh vẫn muốn bày tỏ nó, một cách tinh tế, bằng thơ. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nguồn: 1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, Librairie Centrale ấn hành, 1939 2. Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, 1987 3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007 4. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống mới, 1968